VI. Princeton và Colombia: một khung trời mới (1961 – 1963)

1. Mùa tuôn dậy

Năm 1961, Thầy được chương trình Fulbright Fellowship cấp học bổng sang Hoa Kỳ học ngành Tôn giáo tỷ giảo tại chủng viện thần học của Princeton ở tiểu ban New Jersey, một ngôi trường rất tĩnh lặng. Trước khi đi, Thầy trở về từ giã Phương Bối. Thầy viết bài thơ Đề Thiền Duyệt thất tặng thầy Thanh Từ:

Gối nhẹ mây đầu núi

Nghe gió thoảng hương trà

Thiền duyệt tâm bất động

Rừng cây dâng hương hoa

Một sớm ta thức dậy

Sương lam phủ mái nhà

Hồn nhiên cười tiễn biệt

Chim chóc vang lời ca

Đời đi về muôn lối

Quan san mộng hải hà

Chút lửa hồng bếp cũ

Ấm áp bóng chiều sa

Đời vô thường vô ngã

Người khẩu Phật tâm xà

Niềm tin còn gửi gắm

Ta vui lòng đi xa

Thế sự như đại mộng

Quên tuế nguyệt ta đà

Tan biến dòng sinh tử

Duy còn Ngươi với Ta.

Tại Princeton, Thầy ở tại Brown Hall trong khuôn viên của Viện Thần học (Theological Seminary campus). Thầy theo các khóa học về lịch sử tư tưởng Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Thầy được nghe những triết gia và các nhà thần học hiện đại danh tiếng từ khắp nơi đến giảng diễn như Jacques Maritain, một nhà thần học hàng đầu từ Pháp. Những kiến thức này giúp Thầy rất nhiều để hiểu và dễ dàng đối thoại với các bạn từ các truyền thống khác. Thầy chia sẻ một cách hữu hiệu sự thực tập của Thầy và giúp họ làm mới truyền thống của họ. Thầy còn theo học một lớp lịch sử Phật giáo Trung hoa của giáo sư Kenneth Ch’en, nhà nghiên cứu về Phật giáo Trung Hoa, giáo sư giảng dạy tại các đại học và là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như The Chinese Transformation of Buddhism, Buddhism in China: a Historical Survey. Đi nghe các khóa giảng và viết luận văn xong, Thầy còn rất nhiều thì giờ trong ngày. Trường đại học Princeton thời ấy không khác gì một tu viện kín và Thầy có cảm giác như được nhập thất. Không còn phải đối phó với những khó khăn, không còn bận rộn với những công việc cấp bách của tòa soạn hay của Phật học đường, Thầy có nhiều thời gian để thưởng thức thiền hành trên những con đường trong khuôn viên trường.

Chính tại Princeton, lần đầu tiên trong đời Thầy thấy được cảnh tượng đất trời chuyển mình rõ ràng như vậy, từ mùa thu sang mùa đông, từ mùa đông sang mùa xuân. Thầy hiểu được từ Mùa rơi (Fall) hay Mùa xuân, Mùa tuôn dậy (Spring) trong tiếng Anh. Mùa rơi với  triệu chiếc lá chín đủ màu rơi trên đầu, trên cổ, trên áo, trên khắp mặt đất. Lần đầu tiên Thầy thấy tuyết rơi trắng xóa giữa đất trời. Chưa bao giờ Thầy được thấy cảnh tượng đất trời chuyển mình thay áo, từ những cành cây mộc lan đen đủi trụi lá, bỗng nhiên cả trăm rồi cả ngàn cánh hoa đâm chồi nở rộ trước cả những chồi lá đầu tiên. Mặt đất bỗng nhiên được lót bởi những thảm cỏ xanh non, cây cối xung quanh được bao phủ bởi một màu xanh mơn mởn mà Thầy chưa bao giờ thấy. Rồi hàng vạn bông hoa dại muôn màu trồi lên khắp nơi từ lòng đất. Thầy hiểu được vì sao mùa xuân tiếng Anh là spring. Spring có nghĩa là tuôn dậy và cũng có nghĩa là dòng suối. Chồi non tuôn dậy giữa đất trời như một dòng suối tuôn từ các khe đá. Mùa xuân là mùa tuôn dậy. Cảnh tượng xung quanh làm Thầy nhớ đến hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông:

Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động

Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.

Trong bài Trường ca Avril mà Thầy có cảm hứng sáng tác vào mùa xuân này cũng có câu: Tôi về khi vũ trụ đang chuyển mình trong mùa tuôn dậy…

Với sự thực tập hơi thở chánh niệm, Thầy thực sự có cái thấy sâu sắc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Thầy chứng nghiệm được thế nào là hiện pháp lạc trú, thế nào là tuệ giác vô nguyện. Vô nguyện cũng là vô tác. Thầy không cần chạy theo gì hết trong tương lai, dù là đi tìm Phật quả. Phật quả nằm mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Thiên nhiên tinh khôi và Thầy có khả năng an trú hoàn toàn trong giây phút hiện tại nên những cái thấy của Thầy trở nên rất sâu. Thầy hiểu được sâu sắc hơn những gì mà trước đây Thầy từng chiêm nghiệm trong những câu thơ của thiền sư Thiền Lão:

“Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”

(Nghĩa là: trúc tím hoa vàng không có phải là cảnh ngoài, mây trắng trăng thanh đều hiển lộ toàn chân)

Hay:

“Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng,

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề liễu thượng”

(Thầy dịch: Các pháp từ xưa nay, Bản tánh thường vắng lặng, Xuân đến trăm hoa mừng, Oanh vàng ca liễu thắm)

Nhờ tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên, với sự sống, Thầy cũng tiếp xúc sâu sắc với chính thân thể và tâm hồn Thầy. Thầy thấy được thân thể Thầy cũng mầu nhiệm như sự sống. Thầy chữa trị được chứng trầm cảm và mất ngủ. Sức khỏe của Thầy phục hồi một cách nhanh chóng. Trong sự bình an và tĩnh lặng, Thầy có cơ hội để nhìn lại và chiêm nghiệm quá trình học hỏi, tu tập và hành đạo của Thầy trong mười mấy năm qua. Thầy nhận ra được những vết thương trong lòng vẫn còn sâu đậm và Thầy chuyên tâm thực tập hơi thở chánh niệm, tiếp xúc với thiên nhiên để trị liệu cho chính mình.

Những chứng nghiệm tâm linh trong các buổi thiền quán và sau những buổi thiền hành suốt giai đoạn sống ở Princeton đã được Thầy kể lại chi tiết trong tác phẩm Nẻo về của ý.

Trong thời gian này, Thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn đoàn Sinh viên Phật tử từ xa. Các bạn sinh viên Phật tử quê nhà vẫn viết thư tham vấn Thầy về đề tài cho những buổi hội thảo của họ. Thầy cũng thường xuyên nhận được những lá thư kể về tình hình bên nhà. Khi nghe tin sư cô Diệu Âm, người đóng góp nhiều công sức và niềm tin cho công trình Am Phương Bối đã tịch, Thầy rất bàng hoàng. Thầy viết trên tờ giấy bản thảo ba chữ đơn sơ “thương tiếc chị” và quỳ xuống cầu nguyện.

Từ giữa năm 1961, chiến cuộc giữa lực lượng du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và chính quyền Sài Gòn lan tới Phương Bối. Mọi người bị buộc phải rời Phương Bối để vào trong ấp chiến lược. Thầy Thanh Từ, chú Thanh Tuệ và dì Tâm Huệ, những người đã từng quyết chí ở lại với Phương Bối Am, cũng đều phải lần lượt ra đi. “Hết rồi, hết rồi, Phương Bối đã lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta rồi. Tội nghiệp cho từng gốc cây, từng bụi cỏ, từng lối mòn. […] Chúng ta còn lại gì cho ngày mai? Mỗi người một ngã. Phương Bối đã tủi thân đến mức độ nào? Chiếc nhà Thượng có đứng vững được trước gió mưa cho đến khi chúng ta trở về hay không?” Thế nhưng Thầy cũng viết: “… không biết sao tôi cứ tin rằng chúng ta không bao giờ mất Phương Bối. Phương Bối vẫn còn đó, vẫn chịu đựng biệt ly cũng như tất cả chúng ta hiện đang mỗi người một nẻo, cũng chịu biệt ly. Phương Bối đã trở nên thực tại trong lòng người. Phương Bối đã chiếm chỗ linh thiêng trong lòng chúng ta. Ở bất cứ phương trời nào, nghe đến Phương Bối là ta cảm động. Bữa trước viết cho Mẫn tôi nói: dù cho phong ba bão táp có đánh bạt chúng ta mỗi người một ngã thì niềm tin vẫn đưa chúng ta về trả lại cho nhau”. (Nẻo về của ý)

Trong khi tình trạng trong nước càng ngày càng căng thẳng, tuần nào Thầy cũng trả lời mấy chục lá thư để nuôi dưỡng và động viên những người thương và các học trò của Thầy. Thầy dùng aérogrammes (loại giấy gửi thư theo đường máy bay, không cần phong bì) để đỡ tốn tiền tem và trước khi ký tên cuối lá thư, Thầy luôn luôn ghi bốn chữ: Thương và tin cậy.

2. Bông hồng cài áo

Mùa hè 1962, Thầy được mời về trại hè thiếu nhi ở Ockanickon vùng Medford, tiểu ban New Jersey để nói về phong tục tập quán và nếp sống người Việt Nam cho ba nhóm trẻ mỗi tuần. Ngoài ra, Thầy còn tham gia hết các sinh hoạt với bọn trẻ như đi chơi rừng, chèo thuyền, bơi lội, làm thủ công, chơi bóng bàn, bóng chuyền, chạy đua, đóng kịch, hát, chơi trò chơi lớn, v.v. Thầy rất hạnh phúc được sinh hoạt với trẻ thơ và sống trong một căn nhà gỗ tên Pomona, bốn bề bao quanh bởi thiên nhiên. Quan tâm, thương yêu và tạo môi trường gieo trồng những hạt giống tốt vào tâm thức các em thiếu nhi là công hạnh xuyên suốt cuộc đời của Thầy. Trong suốt ba tháng, Thầy có nhiều thì giờ để đọc sách, ngồi thiền, thiền hành… Một hôm, sau 30 phút thiền hành một mình trong rừng, Thầy về lại căn nhà gỗ và viết xuống một mạch đoản văn Bông hồng cài áo, làm quà cho những người trẻ tuổi ở quê nhà. Bài viết ca ngợi tình mẹ, nhằm gây cảm hứng để người đọc biết tiếp xúc và trân quý những mầu nhiệm của sự sống mà họ đang có ngay trong giây phút hiện tại (dṛṣṭadharmasukhavihāra). Thầy đã viết ra những dòng chữ giản dị đó trong lúc chim hót vang rừng mà không hề biết rằng đây là quyển sách đầu tiên vạch ra hướng đi mới trên con đường tu tập và hoằng pháp mà Thầy sẽ triển khai trong suốt cuộc đời của Thầy.

Thầy đã chuyển đoản văn này về Việt Nam theo hình thức một lá thư gửi cho chị Trương Thị Nhiên – một sinh viên trong nhóm “Những cây tùng”. Đoàn Sinh viên Phật tử đã tổ chức liền lễ Bông hồng cài áo vào mùa Vu Lan năm ấy tại chùa Xá Lợi và đã chép tay 200 bản để làm quà tặng nhau. Mỗi bản đoản văn còn được cài một hoa hồng hay một hoa trắng làm bằng giấy. Tháng sau, đoản văn được đăng lần đầu tiên trên nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung phần, do Thầy Đức Tâm làm chủ bút, dưới tựa đề Nhìn kỹ Mẹ. Thượng tọa Trí Thủ, Bổn sư của thầy Đức Tâm, đọc được đoản văn và đã khóc vì cảm động. Mãi đến năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối do Thầy thành lập mới in tác phẩm này thành sách. Tác phẩm đã mang lại cảm hứng cho rất nhiều sáng tác sân khấu và âm nhạc. Trong số đó, những tác phẩm nổi tiếng nhất cho đến hôm nay là kịch bản cải lương do cố soạn giả Hoàng Khâm viết cho đoàn cải lương Thanh Minh, vở kịch nói do nghệ sĩ Kim Cương chuyển thể và ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Kể từ năm 1962, lễ Bông hồng cài áo hàng năm đã trở thành một phần quen thuộc của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Quyển sách đã được phát hành trên một triệu bản, có mặt trong tủ sách của hầu hết gia đình Phật tử và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Đây là quyển sách bằng tiếng Việt đầu tiên đưa chánh niệm trở thành một sự thực tập tâm linh trong đời sống hàng ngày. Quyển sách được viết với ngôn ngữ đầy thi ca nhưng cũng rất đỗi tự nhiên và giản dị mà trẻ con cũng có thể hiểu được. Bông hồng cài áo không mang hình thức giáo lý đạo Bụt, nhưng về bản chất, nó là một bài thiền hướng dẫn, giúp người đọc tiếp xúc với sự có mặt mầu nhiệm của mẹ trong giây phút hiện tại. Thầy thấy được năng lượng tỉnh thức của thiền tập là một nguồn năng lượng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.  

Sau này khi nhìn lại những năm tháng ở Mỹ, Thầy chia sẻ: “Tôi lớn lên và xuất gia tại Việt Nam. Tôi đã học hỏi và tu tập theo đạo Bụt ở Việt Nam. Trước khi tới phương Tây, tôi đã giảng dạy cho nhiều thế hệ tăng sinh ở Việt Nam. Nhưng giờ đây, tôi có thể nói rằng tôi đã chứng đạo ở phương Tây ”[71].

3. Chuẩn bị cho “một mùa Đông băng giá”

Theo chương trình liên kết giữa hai trường đại học Princeton và Columbia, Thầy ở lại Hoa Kỳ thêm một năm để tiếp tục công việc nghiên cứu tại Chủng viện Thần học (Union Theological Seminary) trực thuộc Đại học Columbia. Ở đó, Thầy có cơ hội làm quen với tư tưởng các nhà thần học hiện đại như Karl Bath, Paul Tillich, Martin Buber. Thầy cũng đã tận dụng kho tư liệu về đạo Bụt rất giàu có được lưu giữ tại thư viện Butler. Thầy còn học thêm tiếng Phạn. Hai giáo sư chính của phân khoa mà Thầy đang theo học là giáo sư Horace Friess và giáo sư Anton Zigmund-Cerbu. Giáo sư Cerbu là một học giả lỗi lạc người Thụy Sĩ, một chuyên gia trong lĩnh vực tôn giáo Á đông. Ông thành thạo khoảng 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Phạn[72]. Cả hai giáo sư đều rất thích thú khi nghe Thầy trình bày về tư tưởng của thánh Thomas d’Aquin qua tác phẩm Summa Contra Gentiles[73] dưới cái nhìn của thiền học. Đề tài mà giáo sư Cerbu chọn cho Thầy viết luận án là Nhận thức luận trong Duy thức. Thầy đã nghiên cứu và giảng dạy Duy thức suốt sáu năm ở Phật Học đường nên Thầy viết xong luận án trong vòng hai mươi mốt ngày. Giáo sư Cerbu thường mời Thầy về nhà ăn cơm và cả hai cùng trao đổi nhiều câu chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.

Giáo sư Friess cũng ân cần với Thầy và yểm trợ Thầy một cách đặc biệt. Ông là người đã giao cho Thầy phụ trách một khóa giảng trong trường cao học[74]. Sau đó ông thường ép Thầy vào sinh hoạt với ban giảng huấn như ăn cơm với họ, thuyết trình… Những sinh viên theo học với Thầy rất dễ thương và hiếu học. Trong số đó có các tu sĩ Công giáo, giáo sư tại trường Manhattan College, một trường nổi tiếng nơi các anh em cựu tổng thống Kennedy từng học.

Thầy cũng nhận dạy mỗi tuần năm giờ và ngồi văn phòng để giúp sinh viên sưu tầm tài liệu. Thầy thuê nhà ở gần trường. Trong những sinh viên của Thầy, có Steve Headley rất mến Thầy và đã xin thuê nhà ở chung. Hai thầy trò sống, trao đổi tư tưởng và tương trợ nhau rất thân kính. Steve đã lắng nghe rất chăm chú về tình trạng đất nước Việt Nam, muốn cùng về Việt Nam với Thầy và cùng nuôi ước nguyện tìm lại Phương Bối. Anh bắt đầu học nói tiếng Việt và sau này cũng xin về Việt Nam ghi danh học ở Viện Cao đẳng Phật học do Thầy thành lập. Là người Mỹ sinh ra ở Boston, Steve đã học cạo gió cho Thầy với dầu cù là Vicks mỗi khi Thầy bị trúng gió.

Năm đó khi trời bắt đầu chuyển sang Đông, ngắm nhìn những hàng cây trụi lá, Thầy có linh cảm về những gì sẽ xảy đến và Thầy đã học được bài học về sự chịu đựng âm thầm của những hàng cây: “Một mùa đông băng giá sẽ tới và không thể dung tha những gì non nớt, bé bỏng và phù hoa. Phải vượt qua những giai đoạn non nớt, bé bỏng, phù hoa đi để mà chịu đựng. Phải già dặn, phải cô độc, phải sẵn sàng nghiến răng mà chịu đựng. […] Đất nước chúng ta thế nào rồi cũng phải trải qua một cơn bão táp tàn khốc. […] Sóng gió sẽ đến bất cứ vào lúc nào. Chúng ta không thể vô tâm vô tư được. Phải bắt chước những hàng cây kia, rụng hết tất cả mọi lá phù hoa đi để mà sửa soạn chịu đựng bão táp, mưa gió, tuyết sương. Chúng ta không thể nào còn bé bỏng và non nớt được nữa. Chúng ta phải già dặn, phải khổ hạnh, phải vững chãi để mà vượt qua cơn thử thách sắp đến” (Nẻo về của ý). Những tuần lễ sau đó, Thầy thường có những ác mộng kỳ lạ.

Lâu sau đó, vào đêm mùng 02 tháng 11 năm 1962, Thầy đã thức để đọc về cuộc đời và tư tưởng của Dietrich Bonhoeffer, một nhà thần học và là một mục sư người Đức (1906-1945). Đức Quốc Xã cầm tù và xử tử ông năm ông 39 tuổi. Sự bình an, từ bi và dũng cảm của Bonhoeffer trong những ngày cuối cùng trong trại tập trung đã đánh động Thầy một cách sâu sắc: “Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer, và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng được những đau khổ lớn lao nhất mà thường ngày tôi không thể hoặc chưa thể chịu đựng nổi. […] Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối làm tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi hết nữa về cuộc đời. […] Can đảm và nghị lực dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài ta vẫn là hình hài của chính ta. […] Sự sống đã mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau. (Nẻo về của ý)

Trước đức độ và sự dũng cảm phi thường của Bonhoeffer, Thầy nhận ra sự có mặt của các vị Bồ tát ngay giữa lòng đất Mẹ mà không phải chỉ có trong kinh điển. Suốt một tháng, Thầy quán chiếu về hình ảnh các vị Bồ tát trong kinh Pháp hoa và kinh Bát Nhã. Thầy thấy rằng các vị Bồ tát không như những thần linh xa cách con người mà là những người bạn quý có thể gặp ngay trong cuộc sống này, ngay cả trong số những người trẻ ở Việt Nam mà Thầy đang dắt dẫn. Những người trẻ ấy đang đem lý tưởng hiểu biết và thương yêu để đi vào cuộc đời, đang nỗ lực và hành động để giúp giảm thiểu những khổ đau vẫn đang diễn ra xung quanh họ. Thầy đã phát khởi hạnh nguyện nuôi dưỡng người trẻ. Thầy bắt đầu dự tính về những giáo pháp và chương trình phù hợp để yểm trợ họ khi về lại Việt Nam. Thầy suy nghĩ đến một cuốn sách sẽ viết với tựa đề Đạo Phật đi vào cuộc đời.

4. Cuộc tranh đấu bất bạo động

Những gì Thầy linh tính trong mùa đông trước đó đã xảy ra. Giữa tháng 05 năm 1963, Thầy nhận được một tập tài liệu về cuộc đàn áp Phật giáo tại quê nhà. Trước ngày lễ Phật Đản năm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm Phật tử treo cờ Phật giáo. Tối hôm Phật đản, chính quyền lại không cho truyền đi buổi phát thanh Phật giáo tại đài phát thanh Huế. Quân đội đã dùng chiến xa và súng ống đàn áp quần chúng tụ họp trước đài phát thanh. Tám người chết và bốn người bị thương. Nhiều thiếu nhi trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát. Cuộc tranh đấu bất bạo động cho sự bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội của giới Phật tử bắt đầu từ đây và nhanh chóng biến thành một phong trào toàn quốc ba ngày sau đó. Bổn sư của Thầy, thiền sư Thích Chân Thật, cùng nhiều bậc cao tăng khác tại quê nhà đã cùng nhau tham gia cuộc biểu tình để phản đối hành động đàn áp này.

Tại Hoa Kỳ, các bạn như Steve, David, mục sư Harrington, giáo sư Windmiller, giáo sư Robert Browne, anh Trương Ngọc Bích và chị Lê Thị Bạch Lan… đã phụ Thầy dịch và trình bày một tập tài liệu khá đầy đủ. Thầy in tập tài liệu và gửi cho 111 phái đoàn của các nước đại diện tại Liên Hiệp Quốc để vận động Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra về vụ đàn áp Phật giáo và vi phạm nhân quyền. Thầy còn viết một bức thư cho các nhật báo lớn trong vùng, nói về nỗi khổ đau mà dân chúng và Phật tử phải chịu đựng dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Thầy đã có nhiều buổi diễn thuyết, trả lời phỏng vấn cho các giới truyền thông và trở thành phát ngôn viên tích cực của phong trào Phật giáo Hòa bình đang diễn ra ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Một hôm, Thầy bàng hoàng khi thấy trên tờ New York Times đăng hình ảnh Thượng tọa Thích Quảng Đức, 66 tuổi, châm lửa tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn. Thầy nhớ đến cuộc gặp gỡ Thượng tọa lần đầu ở Nha Trang và thời gian cùng sống chung với Ngài tại chùa Long Vĩnh ở Sài Gòn. Một hôm đang ngồi làm việc, thầy Quảng Đức đã vào phòng chú Nhất Hạnh từ hồi nào, tới gần và hôn lên đầu chú. Chú rất cảm động, quay lại, nắm tay thầy, mời thầy ngồi xuống và nói chuyện về tình hình Phật sự trong nước. Giờ đây hình ảnh và tin tức Thượng tọa tự thiêu đã tràn ngập trên truyền hình và báo chí quốc tế. Thế giới chấn động. Thầy liên lạc với các nhóm Việt kiều ở Hoa Kỳ, tìm tới Đại hội Sinh viên Công giáo tại Chicago để kết hợp những nỗ lực vận động và đã được các bạn ủng hộ.

Qua đến tháng Tám, Thầy lại nhận được tin tự thiêu của nhiều thầy và sư cô khác nữa như thầy Nguyên Hương, thầy Thanh Tuệ, sư cô Diệu Quang và thầy Tiêu Diêu. Hơn 1000 Tăng Ni  bị chính quyền đàn áp và bỏ tù, hàng trăm vị đã mất tích. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng bị bắt. Đau đớn đến cùng cực, Thầy phải thực tập thiền hành suốt mấy ngày trong công viên Riverside. Cuối cùng, Thầy quyết định sẽ tự thiêu trong vòng bảy ngày tới để phát động phong trào tại Hoa Kỳ. Thầy sắp đặt xong mọi việc. Thầy biết là với hành động này, Thầy sẽ không phụ lòng những người Thầy thương yêu, nhưng cũng có thể làm cho họ buồn khổ khi nghe tin. Nhưng chỗ đứng hiện tại của Thầy là một ngã tư quốc tế và hành động có phương pháp của Thầy sẽ có thể đem lại những chấn động lớn.

Chiều 25.08.1963, Thầy đi bộ qua đường phố với ý thức rằng trong một tuần lễ nữa mình sẽ không còn đi ở trên con đường này. Thầy đi với ý thức sáng tỏ. Thầy thấy sự sống với tất cả sự mầu nhiệm của nó. Thầy đi trên đất mà đôi khi thấy mình như đang đi trên mây. Cảm giác này, cái thấy này, Thầy đã diễn tả được một phần nào sau này trong bài thơ Chân dung viết bằng văn xuôi để kỷ niệm Nhất Chi Mai, một người đệ tử Tiếp hiện của Thầy, tự thiêu cho hòa bình năm 1967: “Buổi sáng có mặt trời, ôi vũ trụ ta muốn ôm người vào hai tay…” Sáng hôm sau, Thầy gặp giáo sư Friess ở văn phòng trường đại học Columbia như thường lệ. Ông hỏi chuyện Thầy về tình hình ở Việt Nam. Thầy kể hết cho ông nghe. Ông yên lặng hồi lâu. Rồi ông ngửng lên hỏi Thầy: “Vậy Thầy định làm gì?” Thầy hơi bối rối. Nhất định là không thể nói với giáo sư, hay bất cứ ai. Thầy cũng im lặng hồi lâu không đáp. Cuối cùng giáo sư nhìn Thầy và nói rất điềm đạm: “May là có Thầy ở đây để giúp cho các bạn Thầy ở bên nhà. Bây giờ họ ở tù hết rồi, đâu có làm gì được nữa. Thầy hãy dùng thì giờ và tâm lực của Thầy để vận động cho họ”. Thầy giật mình. Thầy vẫn ngồi yên. Giáo sư đặt nhẹ tay lên vai Thầy rồi đi vào trong văn phòng riêng của ông. Thầy đi vào bàn giấy của mình lấy thư từ, rồi về nhà, vừa đi vừa chiêm nghiệm. Tới đường 109, thầy quyết định hủy bỏ ý định tự thiêu. Thầy có cách thức của Thầy để phụng sự đạo pháp và cuộc đời.

Bài thơ Lửa đốt em tôi đã ghi lại nỗi đau và quyết tâm tiếp tục sự nghiệp hoạt động cho hòa bình của Thầy, trong đó có những câu:

Lửa đốt em tôi

Ôi là da là thịt

Em có đau không? nước mắt tôi không đủ

Để tưới lên, mát dịu hồn bé nhỏ linh thiêng

Tôi còn đây, thương tích dẫu nặng nề,

Mang nguyện lớn chuyển trao về thế hệ.

Tôi còn đây, chúng tôi hứa chẳng bao giờ phản bội.

Em nghe không? – chẳng bao giờ phản bội,

Vì tim em đã hóa trái tim tôi.

Thầy tìm đủ mọi cách để đi gặp các vị Đại sứ lãnh đạo phái đoàn các nước tại Liên Hiệp Quốc. Ông Đại sứ Sri Lanka (Tích Lan) hứa với Thầy sẽ đưa vấn đề Việt Nam ra nghị trình của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và sẽ vận động một số Đại sứ các nước Á Phi yểm trợ đề nghị của ông. Quả nhiên, sáng ngày 07 tháng 10 năm 1963 tại New York, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp về vấn đề Việt Nam.

Cũng vào sáng hôm đó gần bên phòng đại hội, tại Trung tâm Tôn giáo (Church Center for the United Nations), Thầy họp báo để nói rõ về nhu yếu gửi nhanh chóng một phái đoàn sang điều tra về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Sau buổi họp báo, Thầy tuyên bố bắt đầu tuyệt thực để cầu nguyện cho buổi họp của Liên Hiệp Quốc thành công.

Thầy tuyệt thực tại American Buddhist Academy, đúng lúc Thầy đã kiệt sức sau nhiều tuần làm việc không ngừng nghỉ. Steve tình nguyện làm thị giả Thầy, túc trực ở chùa, không cho nhà báo hay hãng truyền hình nào đến quấy rầy. Đến ngày Thầy ăn lại, Steve không biết nấu cháo nên đã đem đến cho Thầy một thẻ sô cô la và một ly sữa.

Steve báo cáo rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định gửi ông Abdul Rahman Pazhwak, đại sứ Afghanistan, dẫn một phái đoàn qua Việt Nam điều tra. Phái đoàn sẽ rời New York ngày 21.10.1963 và muốn gặp Thầy trước khi lên đường để được chỉ dẫn làm sao có thể tiếp xúc được với sự thật khi đến Việt Nam. Nghe Steve báo cáo và “ăn” sữa xong, Thầy trả lời phỏng vấn cho hai hãng vô tuyến truyền hình.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến phi trường Tân Sơn Nhất sáng sớm ngày 24.10.1963 và đã bắt đầu công việc điều tra ngay từ hôm đó. Phái đoàn chưa hoàn tất công việc thì ngày 01.11.1963, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thầy hoàn tất chương trình Thạc sĩ về Tôn giáo của Chủng viện Thần học trực thuộc trường đại học Columbia[86]. Hai giáo sư Friess và Cerbu đều mời Thầy ở lại Columbia để mở khoa Việt học và mở rộng thêm ngành Phật học trong phân khoa. Ban quản trị trường đại học cũng yểm trợ dự kiến này của hai giáo sư chính của phân khoa. Thầy bắt đầu đi dạy trở lại cho giảng khóa mùa đông[87]

5. Xin cúi đầu đưa về

Giữa tháng 12 năm 1963, một điện tín của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ mời thầy về lại quê hương. Thầy tính làm lơ không trả lời. Ngày hôm sau Thầy nhận thêm hai điện tín nữa từ Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và từ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Giáo sư Cerbu vẫn cương quyết thuyết phục Thầy ở lại. Ông lặp lại câu mà ông vẫn thường nói với Thầy: Tình trạng ở Việt Nam chưa dung nạp được người trí thức”. Giáo sư Friess đã viết thư cho chính quyền Sài Gòn xin cho Thầy ở lại.

Còn đang phân vân thì chiều ngày 21 tháng 12, Thầy nhận được một lá thư của thầy Trí Quang với nội dung: “Tôi kiệt sức quá rồi, nhất là về phương diện sức khỏe. Còn về phương diện khả năng thì tôi thấy tôi đã cằn cỗi và hẹp hòi quá. Đặt tin tưởng cả vào Nhất Hạnh”. Ngày cuối năm Thầy nhận được thư từ Phật học viện Nha Trang, cũng mời Thầy về. Trong khi vẫn chưa nhận lời trở về thì Thầy lại nhận được một bức điện tín từ hãng máy bay Pan Am báo rằng vé máy bay đã được mua sẵn từ Sài Gòn và đang chờ Thầy tại sân bay.

Từ năm 1960, Thầy đã quyết đoạn tuyệt với những phiền não của tổ chức Phật giáo để chuyên việc nghiên cứu, sáng tác và thiền tập. Nhưng đêm đó, tiếng gọi của Phương Bối và của các bạn trẻ bên nhà đã thắng. Thầy biết là Thầy lại phải bắt buộc trở về với tổ chức Phật giáo. Thầy không thể nào từ chối lá thư của thầy Trí Quang. Biết đâu, đây là một cơ hội để kêu gọi hòa bình cho đất nước? Đêm đó không ngủ được, Thầy chấp nhận làm người con trai khờ dại thêm một lần nữa và Thầy đã viết bài thơ Xin cúi đầu đưa về “hai bàn tay” của Thầy cho tổ chức Phật giáo, hai bàn tay mà lúc bấy giờ thương tích băng bó vẫn chưa lành[88]:

Đây hai bàn tay tôi

Xin trả về cho em

Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn

Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,

Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,

Bởi vì em tôi mới sinh ra

Để vạn kiếp làm người trai khờ dại[89]

[…]

Đây hai bàn tay tôi

Xin cúi đầu đưa về

Em nhìn xem: những vết thương ngày xưa

Vẫn chưa lành dấu máu

Mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu

Như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh

[…]

Đây hai bàn tay xưa

Băng bó vẫn chưa lành

Tôi mang về trả lại

Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

“Người ta phụ mình nhưng mình vẫn cứ thương. Hai bàn tay đã từng bị nghiến nát và tôi đã cố gắng băng bó cho lành, để rồi bây giờ đem dâng lại. Ta chỉ có hai bàn tay thôi, hai bàn tay của một người trẻ, hai bàn tay để mà thương yêu, để mà xây dựng, đóng góp, nhưng bàn tay cứ bị nghiến nát hoài, nên có khi giận, có khi buồn mà bỏ đi. Rồi vì thương nên dù bị nghiến mà vẫn trở về để có thể bị nghiến nát thêm lần nữa. Đầu hàng thôi, dù đã bỏ đi rồi nhưng bỏ đi không được, phải trở về xây dựng.”