Đem chánh niệm vào trường học

Pháp thoại ngày 12 tháng 8 năm 2013 trong khóa tu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”) tại Đại học Brock (Toronto, Canada) – phần II.

Các em nhỏ trong khóa tu tại tu viện Mộc Lan năm 2013

Khi nói về đời sống của giáo viên, chúng ta biết rằng trong thầy cô giáo cũng có những khổ đau và trong các học sinh cũng có nhiều khổ đau. Và đó là lý do vì sao một nhà giáo cần phải biết cách xử lý, chăm sóc khổ đau của chính mình và biết cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính mình. Nếu các nhà giáo đều làm được như vậy thì họ sẽ trở thành những nhà giáo hạnh phúc, họ sẽ bớt khổ đau và khi đến lớp học, họ cũng sẽ giúp các học trò của mình làm được tương tự như vậy.

Nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau

Trong kinh Quán niệm hơi thở, Bụt dạy cho chúng ta 16 bài tập về hơi thở ý thức. Đây là những bài tập rất thực tiễn, không phức tạp mà ai cũng có thể làm được. Chúng ta có thể nhận thấy ngay được hiệu quả chỉ sau một hoặc hai giờ thực tập.

Bài tập thứ nhất hết sức đơn giản, đó là: phát khởi ý thức về hơi thở vào và hơi thở ra. “Thở vào, tôi ý thức đây là hơi thở vào; thở ra, tôi ý thức đây là hơi thở ra”. Ta chỉ cần nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Bài tập này rất đơn giản và dễ làm, nhưng hiệu quả thì rất lớn lao. Khi thở vào, ta đặt toàn bộ sự chú tâm vào hơi thở vào. Hơi thở vào trở thành đối tượng duy nhất của tâm và nếu ta thực sự chú tâm vào hơi thở vào thì ta có thể buông bỏ tất cả những cái khác. Ta buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ luôn những dự án, những sợ hãi, giận hờn, bởi vì tâm ta chỉ có một đối tượng duy nhất lúc đó là hơi thở vào. Những tiếc nuối, đau buồn của quá khứ, những sợ hãi và lo lắng về tương lai, tất cả những thứ đó ta đều buông bỏ hết chỉ trong một hoặc hai giây, bởi vì ta đang tập trung toàn bộ tâm ý vào hơi thở vào. Vì vậy, hơi thở ý thức giải phóng cho ta, giúp cho ta được tự do. Và khi ta phải làm một quyết định nào đó thì điều quan trọng là ta cần phải có đủ tự do khi làm việc đó. Ta không bị ảnh hưởng bởi giận hờn, sợ hãi, khi đó ta sẽ có thể đưa ra một quyết định sáng suốt. Chỉ cần một hơi thở vào thôi là ta được tự do rồi. Vì vậy có thể nói bài tập này rất đơn giản nhưng hiệu quả thì thật là lớn lao.

Bài tập thứ hai là theo dõi hơi thở vào từ đầu cho đến cuối và theo dõi hơi thở ra từ đầu cho đến cuối. Thở vào, ta theo sát hơi thở vào trong suốt chiều dài của hơi thở vào, không để bị gián đoạn dù chỉ là trong một mili giây. Và trong khi theo sát hơi thở vào, ta chế tác năng lượng định tâm. Ta không chỉ ý thức về hơi thở vào mà còn tập trung toàn bộ tâm ý vào hơi thở vào. Năng lượng chánh niệm mang theo trong nó năng lượng của định. Ý thức và tập trung tâm ý vào hơi thở vào có thể mang lại cho ta cảm giác rất dễ chịu. Ta không phải khổ nhọc gì khi thực tập, mà sự thực là chỉ cần một hơi thở vào thôi là ta đã cảm thấy dễ chịu rồi, đặc biệt là khi không khí mát mẽ, trong lành và mũi của ta không có vấn đề gì.  Vì vậy, bài tập thứ hai này là theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra trong suốt chiều dài của nó. Và ta có thể thực tập bài tập 1 và 2 này vào bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.

Bài tập thứ ba là ý thức về cơ thể. Thở vào, ta ý thức rõ rệt về toàn bộ thân thể ta. Ta đưa tâm trở về với thân, thiết lập trạng thái thân tâm nhất như. Khi đó ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ta thực sự đang sống và ta có thể sống giây phút này một cách sâu sắc hơn. Bài tập thứ ba này giúp ta phục hồi được sự toàn vẹn của thân và tâm. Nhiều khi ta ngồi trước máy tính cả hai tiếng đồng hồ nhưng ta hoàn toàn quên mất về thân của mình. Ta không thực sự sống trong giây phút đó. Ta chỉ có thể thực sống sống khi tâm của ta có mặt với thân. Chỉ khi đó ta mới có thể có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, và ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô thường cài chương trình chuông chánh niệm vào máy tính của mình và mỗi 15 phút, các thầy các sư cô sẽ nghe một tiếng chuông từ máy tính, khi đó họ sẽ dừng lại những công việc đang làm để trở về với hơi thở, thưởng thức hơi thở vào, hơi thở ra, mỉm cười và buông thư những căng thẳng trong thân. Và đó là những gì mà Bụt đã dạy cho chúng ta cách đây 2600 năm.

Bài tập thứ tư: ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh; ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Với hơi thở vào, ta trở về tiếp xúc với cơ thể và nhận diện trong thân có những chất liệu của sự bất an, căng thẳng. Tự nhiên ta muốn làm một điều gì đó để giúp cơ thể ta lắng dịu và bớt căng thẳng. Và với hơi thở ra, ta buông thư hết những căng thẳng và bất an trong thân. Đó là bài tập thứ tư về hơi thở ý thức mà Bụt muốn ta thực tập để chăm sóc cho thân thể của mình.

Bài tập thứ năm là chế tác niềm vui (hỷ). Với bài tập thứ 5, ta bước sang lĩnh vực cảm thọ. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui, ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Một hành giả giỏi là người biết cách làm phát khởi một niềm vui, bởi vì người đó biết rằng chánh niệm có thể giúp người đó nhận diện được tất cả những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể tự nhắc mình và những người thương của mình rằng chúng ta rất may mắn và chúng ta có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không phải chạy về tương lai để tìm kiếm hạnh phúc. Bụt đã dạy cho chúng ta về giáo lý Hiện pháp lạc trú. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi. Và nếu ta biết trở về với giây phút hiện tại thì ta sẽ nhận ra rằng có vô số những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn đó cho ta, và thế là niềm vui, niềm hạnh phúc sẽ phát khởi ngay lập tức. Cụm từ “Hiện pháp lạc trú” được nhắc lại năm lần trong kinh. Bụt giảng kinh này cho ngài Anathapindika (còn được gọi là Ngài Cấp Cô Độc) – một thương gia ở thành phố Savatthi. Ngày hôm đó, Anathapindika đến thăm Bụt cùng với hàng trăm vị thương gia khác và Bụt đã dạy cho họ rằng: “Này quý vị, quý vị có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây, quý vị không phải chờ đến tương lai. Quý vị không phải đợi đến khi có thành công trong tương lai mới có thể hạnh phúc.” Tôi nghĩ Bụt biết rất rõ là các nhà doanh thương thường hay lo nghĩ quá nhiều về tương lai, về những thành công trong tương lai. Vì vậy mà cụm từ Hiện pháp Lạc trú được Bụt sử dụng đến năm lần trong kinh. Hiện pháp Lạc trú trong tiếng Phạn là Drstadharmasukhavihara. Vihara nghĩa là an trú; sukha nghĩa là hạnh phúc; drstadharma là giây phút hiện tại. Một hành giả giỏi không bao giờ tìm kiếm hạnh phúc nơi tương lai. Người đó biết cách trở về trong giây phút hiện tại và nhận diện tất cả những điều kiện hạnh phúc đã sẵn đó cho mình, và tự nhiên người đó có hỷ, có lạc ngay tức thì. Người đó thực tập như vậy không chỉ cho chính mình mà còn cho những người khác. Chế tác hạnh phúc là một nghệ thuật, nghệ thuật sống hạnh phúc.

Bài tập thứ sáu là chế tác hạnh phúc.

Bài tập thứ bảy là ý thức về cảm thọ đau buồn trong ta. Ta đang thở vào và ý thức về sự có mặt của cảm thọ đau buồn trong ta. Một người biết thực tập không bao giờ cố gắng chống lại niềm đau, tìm cách khỏa lấp hoặc trốn chạy khỏi niềm đau trong lòng mình. Là một hành giả, người đó biết làm thế nào để chế tác năng lượng chánh niệm và sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện và nhẹ nhàng ôm ấp niềm đau đó. “Niềm đau ơi, xin chào bạn! Mình biết bạn đang có mặt đó và mình sẽ chăm sóc bạn chu đáo”. Dù đó là cơn giận hay cảm giác sợ hãi, tỵ hiềm hoặc tuyệt vọng, chúng ta đều phải có mặt đó để nhận diện và ôm ấp. Chúng ta không vật lộn với những cảm thọ đó. Chúng ta không hành xử một cách bạo động với niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Ngày hôm qua, chúng ta đã nói về cách một người mẹ ôm đứa con đang khóc; cũng như vậy, niềm đau, nỗi khổ trong ta cũng là một em bé cần được ôm ấp, vỗ về. Và năng lượng chánh niệm mà ta chế tác được chính là người mẹ. Người mẹ cần phải nhận ra rằng đứa con của mình đang khóc, và điều mà người mẹ cần làm là bế đứa con lên và ôm nó thật nhẹ nhàng trong vòng tay của mình. Đây chính là những gì mà một hành giả giỏi phải làm khi có một cảm thọ đau buồn phát khởi. Ta cần phải có mặt đó cho niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Ta cần phải duy trì hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm để cho năng lượng chánh niệm liên tục được chế tác. Và với năng lượng chánh niệm đó, ta nhận diện và ôm ấp niềm đau trong mình với tất cả sự dịu dàng và thương yêu.

Trong đạo Bụt, khi nói về thức, ta thường chia ra ít nhất là hai phần: tàng thứcý thức. Phần bên dưới của thức được gọi là tàng thức. Những sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng trong ta đều nằm sâu trong tàng thức dưới dạng các hạt giống. Chúng ta biết là hạt giống giận của ta đang nằm trong tàng thức và nếu nó chịu ngủ yên ở dưới đó thì ta sẽ được an ổn. Ta có thể vui cười. Nhưng nếu một ai đó đến và nói một điều gì hoặc làm một điều gì chạm đến hạt giống giận trong ta thì nó sẽ phát khởi thành một loại năng lượng. Khi ở dưới tàng thức, nó được gọi là một hạt giống, một chủng tử, nhưng khi nó biểu hiện lên trên bề mặt ý thức thì nó trở thành năng lượng, được gọi là tâm hành. Khi một hành giả nhận thấy tâm hành giận đang phát khởi thì ngay lập tức người đó phải trở về với hơi thở và mời hạt giống chánh niệm biểu hiện lên trên ý thức dưới dạng năng lượng chánh niệm.  Nếu chúng ta thực tập giỏi thì hạt giống chánh niệm trong ta mỗi ngày một lớn lên và trở thành một hạt giống rất quan trọng. Và khi cần, ta chỉ cần chạm nhẹ vào hạt giống đó là năng lượng chánh niệm phát khởi ngay tức thì. Còn nếu ta không thực tập thì hạt giống chánh niệm vẫn có đó nhưng nó chỉ bé xíu thôi. Mỗi ngày, nếu ta thực tập thở và đi trong chánh niệm thì hạt giống chánh niệm trong ta sẽ lớn lên mỗi ngày. Và bất cứ khi nào cần đến năng lượng chánh niệm, ta chỉ cần chạm nhẹ là có thể làm phát khởi nguồn năng lượng hùng hậu, có thể giúp ta xử lý với bất cứ điều gì đang xảy ra với ta trong giây phút đó. Chẳng hạn như trong trường hợp cơn giận phát khởi thì chính năng lượng chánh niệm mà ta chế tác được sẽ chăm sóc năng lượng giận trong ta. Ta không vật lộn, không bạo động với những cảm xúc mạnh trong ta. Chánh niệm ít nhất có hai tác dụng: trước hết là nhận diện đơn thuần sự có mặt của một niềm đau, nỗi khổ trong ta. Đó là nội dung của bài tập thứ 7. Ta đang thở vào và ý thức cơn giận (hay cảm xúc ganh ghét hoặc tuyệt vọng, v.v) đang có mặt trong ta. Ta chỉ đơn giản nhận diện sự có mặt của các cảm thọ đó mà thôi, không tìm cách đàn áp hay vật lộn với chúng. Và tác dụng thứ hai của chánh niệm là ôm ấp các cảm thọ đó. Đây là nội dung của bài tập thứ 8.

Bài tập thứ 8: làm lắng dịu niềm đau như một người mẹ ôm ấp đứa con của mình. Người mẹ chưa biết chuyện gì xảy ra với đứa bé nhưng chỉ cần bà dịu dàng ôm đứa bé trong vòng tay thôi cũng đủ làm cho đứa bé bớt khổ rồi. Điều này cũng tương tự đối với một hành giả. Mặc dù chưa biết nguyên nhân dẫn đến cơn giận hoặc nỗi sợ hãi đang phát khởi, nhưng chỉ cần người đó biết nhận diện và ôm ấp năng lượng đó thì chỉ trong một hoặc hai phút thôi là người đó đã bớt khổ nhiều lắm rồi.

Tám bài tập trên đây giúp cho chúng ta học được cách chế tác hỷ, lạc và cách chăm sóc một cảm thọ đau buồn và làm lắng dịu niềm đau. Đây chính là nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau.

Với những bài tập tiếp theo, chúng ta có thể đi sâu hơn, chuyển hóa niềm đau, nỗi buồn, sự sợ hãi thành năng lượng tích cực hơn, cũng giống như sử dụng bùn để trồng nên sen. Vì vậy, một hành giả giỏi là người không sợ khổ đau, không tìm cách trốn chạy khổ đau, mà ngược lại, người đó biết cách có mặt cho niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Người đó biết cách xử lý một niềm đau, một cảm xúc mạnh và biết cách sử dụng chất bùn đó để chế tác hiểu biết và thương yêu – hai yếu tố căn bản để làm nên hạnh phúc chân thực.

Có thể nói rằng với một nền đạo đức toàn cầu, với sự thực tập chánh niệm và với một hướng đi tâm linh áp dụng trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ biết cách vượt qua những khó khăn của đời sống. Và đó là lý do vì sao mỗi người trong chúng ta nên có một hướng đi tâm linh như vậy trong cuộc đời mình. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không biết xử lý như thế nào trước những khó khăn của đời sống.

Hình ảnh người mẹ ôm đứa con vào lòng là một hình ảnh rất hay. Nếu năng lượng chánh niệm trong ta đủ mạnh thì ta có thể ôm ấp niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Trong khi ôm ấp cảm thọ, ta tiếp tục duy trì hơi thở hoặc bước chân chánh niệm trong vòng 3 hoặc 5 hoặc 10 phút, giống như ta mở ra một con đường chánh niệm cho năng lượng sợ hãi hoặc giận hờn trong ta. Sau khi đi theo con đường chánh niệm, năng lượng đau buồn, hờn giận hay sợ hãi trong ta sẽ trở về lại tàng thức dưới hình tướng hạt giống như xưa nhưng đã yếu đi ít nhiều.  Đó là sức mạnh của chánh niệm.

Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta thường nói về 51 tâm hành. Khi còn là một sa di, tôi phải học thuộc lòng tất cả 51 loại tâm hành này. Và mỗi khi một tâm hành phát khởi, tôi có thể gọi đúng tên của tâm hành đó. “Chào anh bạn sợ hãi, tôi biết tên anh rồi đó. Tôi sẽ chăm sóc cho anh thật chu đáo.” Nhận diện và ôm ấp tâm hành, đó là bước đầu tiên của sự thực tập.

Trong tàng thức của chúng ta có rất nhiều những hạt giống tích cực như hạt giống niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả, v.v. Là một hành giả giỏi, chúng ta phải biết cách nhận diện những hạt giống tốt và giúp cho những hạt giống này phát khởi thường xuyên, bởi vì khi những hạt giống này biểu hiện sẽ làm cho quang cảnh của tâm ý ta đẹp hơn lên. Và chúng ta sẽ hạnh phúc nếu biết cách mời những hạt giống tốt biểu hiện lên trên ý thức dưới dạng các tâm hành tích cực.

Đối với các tâm hành tiêu cực như giận hờn, sợ hãi, tuyệt vọng thì chúng ta nên giữ cho chúng ở dưới tàng thức, đừng cho chúng cơ hội biểu hiện lên trên ý thức, và như vậy thì chúng sẽ yếu dần, yếu dần…Chúng ta làm điều đó cho chính chúng ta và chúng ta cũng đồng thời giúp cho những người thương của mình cũng làm được như vậy.

Áp dụng sự thực tập chánh niệm trong lớp học

Khoảng hai thập kỷ cuối của thế kỷ trước, có một giáo sư toán học ở Toronto, ông dạy tại trường Toronto French School. Sau khi tham dự một khóa tu được tổ chức tại Montreal, ông trở về trường và tìm cách áp dụng sự thực tập hơi thở ý thức và thiền hành vào lớp học. Tên của ông là Henri Kỷ Cương. Khi đó, Henri là Chủ nhiệm khoa Toán của trường Toronto French School.

Một hôm, có hai nhà báo của The Globe and Mail, một tờ báo lớn ở Toronto, tìm đến lớp học của Henri và phỏng vấn ông. Hai phóng viên muốn điều tra xem Henri có đem Phật giáo vào trường học không, vì đó là điều rất cấm kỵ ở Canada. Henri vui vẻ mời hai phóng viên vào một lớp học của mình để xem cách ông dạy học sinh của mình như thế nào. Cái ngày mà Henri trở về từ khóa tu tại Montreal, khi vào lớp học, ông đi rất chậm rãi và nhẹ nhàng, khi lên lau bảng ông cũng lau thật thong thả và chánh niệm. Học sinh của Henri lấy làm lạ, chúng bèn hỏi: Papa (cách gọi thân mật mà học trò gọi Henri), Papa đang bị ốm phải không? Henri mỉm cười trả lời: Không, thầy không ốm, thầy đang thực tập chánh niệm. Và rồi Henri kể cho học sinh của mình nghe về những điều mình đã học được tại khóa tu: cách thở, cách đi, cách làm lắng dịu thân tâm, v.v. Henri đề nghị kể từ nay, cứ mỗi 30 phút, một học sinh tình nguyện vỗ tay lên ba tiếng “bốp, bốp, bốp” (để thay thế cho tiếng chuông chánh niệm) và tất cả thầy trò đều dừng lại thở vào thở ra ba lần để lắng dịu thân tâm. Nhờ vậy mà học trò của Henri học tiếng bộ lên rất nhiều, có rất nhiều niềm vui và sự hứng khởi trong các giờ học. Henri đã áp dụng phương pháp này cho nhiều lớp học mà mình dạy. Vì vậy mà khi hai nhà báo vào lớp của Henri, họ được chứng kiến cảnh Henri cùng các học trò của mình cùng học và cười thật thoải mái với nhau. Mỗi khi có tiếng vỗ tay là cả thầy và trò đều dừng lại việc dạy và học để thưởng thức hơi thở vào và hơi thở ra. Điều này tạo ra ảnh hưởng rất tích cực đến việc dạy và học của trường. Khi Henri đến tuổi về hưu, Ban Giám hiệu của trường đã đề nghị ông tiếp tục dạy thêm ba năm nữa. Và nhiều lớp học khác trong trường cũng đã áp dụng cách dạy này của Henri.

Đối với một giáo viên, điều trước tiên cần phải làm là trở về và chăm sóc cho chính mình. Để có thể đi ra giúp mọi người thì trước tiên ta phải biết trở về chăm sóc cho chính mình. Người giáo viên cần phải học cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc, học cách xử lý một cảm thọ đau buồn, học cách lắng nghe khổ đau và làm phát sinh năng lượng hiểu biết, thương yêu để ôm ấp khổ đau đó. Đây là bước đầu tiên mà một giáo viên cần phải thực tập. Mình phải bắt đầu với chính mình trước tiên.

Người giáo viên còn có gia đình, có vợ/chồng và các con của mình. Vì vậy, sau khi đã thực tập với chính mình, người đó có thể giúp những người thân trong gia đình mình thực tập theo. Điều này sẽ dễ dàng hơn. Nếu không thay đổi chính mình trước thì ta khó mà giúp được người khác thay đổi, khó mà giúp người khác chuyển hóa khổ đau. Vì vậy, với sự thực tập ái ngữ và lắng nghe, với sự bình an và nhẹ nhàng trong tự thân, ta sẽ trở nên dễ chịu hơn đối với người khác, vì vậy mà ta có thể giúp được cho người khác dễ dàng hơn.

Vợ hay chồng của ta cũng cần phải thực tập tương tự như vậy. Và cả hai sẽ trở thành đạo hữu của nhau. Cả hai vợ chồng cùng chia sẻ sự thực tập, và như vậy, không khí gia đình sẽ thay đổi, sẽ có nhiều bình an, nhiều niềm vui và những khổ đau cũng vơi đi rất nhiều. Và khi đã có một gia đình hòa thuận, êm ấm, ta có thể mang sự thực tập đến nơi làm việc của mình. Ta bắt đầu áp dụng sự thực tập với lớp học của mình, với các học trò của mình. Với sự thực tập, ta có thể làm cho lớp học trở thành một nơi hạnh phúc hơn.

Lớp học có thể trở thành gia đình thứ hai của các em học sinh. Bởi vì có nhiều trẻ em không được may mắn có một gia đình êm ấm, cha mẹ của các em thường xuyên bất hòa, họ đánh đập, cãi vã với nhau. Các em không có cơ hội để biết thế nào là tình thương yêu. Vì vậy, lớp học có thể đem lại cho các em cơ hội thứ hai và người giáo viên có thể đóng vai trò một người cha, người mẹ để dạy cho các em biết thế nào là thương yêu và mang lại cho các em niềm tin rằng tình thương là một điều có thật trong cuộc đời này.

Thầy nhớ trong khóa tu mùa hè vừa rồi ở Làng Mai, có một em nhỏ lên đặt câu hỏi trong buổi vấn đáp và em đã làm cho cả đại chúng rơi nước mắt. Em nói rằng cha mẹ của em đã ly dị nhau, họ đánh đập, cãi vả với nhau và làm cho nhau đau khổ. Nhiều khi họ còn đánh đập nhau trước mặt con cái. Và em đặt câu hỏi rằng: tình yêu là gì? con không biết thế nào là tình yêu. Tại sao cha mẹ của con lại đánh đập nhau ngay cả trước mặt chúng con? Nhiều người đã khóc khi nghe câu hỏi đó, rất là đau lòng. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng chúng ta có thể mang lại cho những trẻ em như vậy một cơ hội thứ hai bằng cách biến lớp học thành một gia đình. Giáo sư Henri Kỷ Cương đã làm được như vậy. Sau khi thành công với lớp học của mình rồi, ta có thể áp dụng sự thực tập với các lớp khác trong trường, với Ban Giám hiệu, và như vậy chúng ta sẽ có thể nâng cao chất lượng dạy và học trong cả trường học.

 

Xem thêm:

– Nền tảng của một nền đạo đức toàn cầu (pháp thoại tại đại học Brock – phần I) >>

– Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock, Canada >>

– Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới >>

– Thiền trong lớp học >>