Chương 6: Những chủ trương của Ðộc Tử Bộ

Năm 140 sau khi Bụt nhập Niết bàn, Tăng đoàn chia thành hai tông phái Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Vào khoảng 60 năm sau đó tức 200 năm sau Niết bàn thì có xuất hiện một tông phái gọi là Bổ đặc già la (Pudgalavāda). Tông phái này chủ trương có ngã, trong khi giáo lý căn bản của đạo Bụt là vô ngã. Hồi đó tông phái này không được gọi là Pudgalavāda mà có tên là Vātsīputrīya, tiếng Việt là Độc Tử Bộ. Putra có nghĩa là tử (con). Bộ phái này hình như lấy tên của người cầm đầu là Vātsīputra. Về sau bộ phái này còn có tên mới là Saṃmitīya, tiếng Việt gọi là Chánh Lượng Bộ. Sau đó lại chia ra thêm thành ba bốn bộ phái khác nữa, nhưng tất cả đều là những bộ phái chủ trương có ngã, giống như chủ trương ngược lại lời Bụt dạy. Nếu gom tất cả các bộ phái đó lại, các bộ phái ít nhiều chủ trương có ngã, thì mình gọi là Pudgalavāda.

Pudgala là người (la personne). Trong khi giáo lý đạo Bụt dạy rất rõ là không có ngã thì tông phái này chủ trương có ngã, có vẻ như là một hệ phái không phải chính thống Phật giáo, một hệ phái chủ trương tà thuyết. Trong giới Phật giáo lúc đó người ta đàm luận sôi nổi: Độc Tử Bộ có phải là Phật giáo hay không? Nếu là Phật giáo, tại sao lại chủ trương có ngã? Một điều được ghi chép lại là lúc thầy Huyền Trang qua Ấn Độ thì ở đó có 254.000 vị xuất gia, trong số ấy số người theo Pudgalavāda đã có tới 66.000 vị. Như vậy là nhiều lắm. Tỷ số người theo Độc Tử Bộ hay Chánh Lượng Bộ rất đông. Họ có khả năng thuyết phục được người ta, tại vì giáo lý vô ngã rất khó, khó nhận biết, khó nắm bắt, khó tin tưởng.

Họ có những lý do rất cụ thể để chứng minh rằng Đức Thế Tôn cũng dạy có ngã chứ không phải chỉ dạy vô ngã. Ngài dạy vô ngã là có ý khác. Nếu nói không có ngã, không có cái ta thì ai là người tu? Ai tạo ra nghiệp tốt hay nghiệp xấu và ai tiếp nhận lấy quả báo? Phải có một người thì người đó mới tu, mới chứng được chứ! Đức Thế Tôn là một người có tu, có chứng và có cứu độ quần sanh, vậy thì trong thực tế phải có người mới được. Độc Tử Bộ thích nhất và luôn luôn trích dẫn câu kinh này: “Này quý vị khất sĩ! Có một người mà khi ra đời thì đem lại lợi lạc cho không biết bao nhiêu người khác trong nhân loại. Người ấy là ai? Người ấy là Phật, là Thế Tôn!” Rõ ràng Đức Thế Tôn chủ trương là có người, có cái ta.

Đức Thế Tôn, trong kinh điển, thường hay kể lại những chuyện tiền thân: “Này các thầy! Trong kiếp xưa tôi là Sunetra, tôi đã làm việc đó…, việc đó…” Như vậy là có người! Đức Thế Tôn đã có mặt trong kiếp trước và bây giờ đang có mặt trong kiếp này. Như vậy thì có một người đi từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu có luân hồi sinh tử, có tái sinh thì phải có một người bỏ xác thân này để đi vào xác thân khác. Kiếp trước Đức Thế Tôn là Sunetra, kiếp này Ngài là Śākya. Vì vậy phải có người đi từ năm uẩn này đến năm uẩn khác. Trong tăng thân của Đức Thế Tôn có tám bậc hiền thánh gọi là pudgala, tứ song bát bối. Tứ song là bốn cặp: cặp nhập lưu hướng-nhập lưu quả, cặp nhất lai hướng-nhất lai quả, cặp bất lai hướng-bất lai quả và cặp A la hán hướng-A la hán quả. Trong Thánh chúng của Đức Thế Tôn có tám loại hiền thánh và các hiền thánh được gọi là pudgala.

Nếu không có chúng sanh thì mình từ bi với ai? Ai từ bi với ai? Phải có người này để thương người khác, nếu không có người này và người khác thì ai thương ai? Nếu không có ai thương ai, thì từ, bi, hỷ, xả không có nghĩa. Trong giáo lý phải có người tạo nghiệp (nghiệp xấu, nghiệp tốt), người thọ nghiệp (nghiệp xấu, nghiệp tốt), người tu tập và người chứng quả. Đức Thế Tôn đã từng là người tu tập và Đức Thế Tôn đã chứng quả. Vì vậy mình biết rằng có con người, có cái ta, có chủ thể đi ngang qua các hình thái luân hồi, có chủ thể hành động, suy nghĩ và tu tập. Ví dụ như con mắt. Con mắt không thấy được, phải có người thấy. Con mắt chỉ là một dụng cụ, là cái ống nhòm thôi, phải có người đứng sau để thấy. Những lý luận đó rất sắc bén và dễ hiểu nên người ta đi theo phái Pudgalavāda rất đông. Nhưng phái này vì cũng muốn trung thành với giáo lý căn bản của đạo Bụt cho nên cũng đã giảng giải về vô thường vô ngã, nhưng giảng giải theo kiểu khác. Có nhiều trường phái khác cho Pudgalavāda là ngoại đạo vì đã dám chủ trương có người, có ngã.

Hữu Độc Tử Bộ Bản tông đồng nghĩa có nghĩa là: Có một tông phái gọi là Độc Tử Bộ và đây là chủ trương của phái gốc. Bản tông là trường phái gốc vì có những trường phái đi về sau, có thể có những chủ trương sai khác. Khi mới thành lập, tông phái gốc chủ trương như vậy. Sau đó chia chẻ ra thành những tông phái nhỏ gọi là Mạt tông dị nghĩa. Bản là gốc, mạt là ngọn (mạt tông dị nghĩa). Ví dụ Làng Mai là gốc, rồi có một tăng thân được thành lập ở Hoa Kỳ hay ở Phi châu, tuy cũng đi theo Làng Mai nhưng từ từ có thay đổi, có những chủ trương hơi khác với Làng Mai, đó gọi là mạt tông dị nghĩa.

Mạt tông dị nghĩa có nghĩa là những chủ trương của tông phái ngọn không còn giống với tông phái gốc, chúng đã bị biến chất.

Luận Dị Bộ nói tới các tông phái. Sau khi nói đồng nghĩa của bản tông thì nói tới dị nghĩa của mạt tông. Cùng một tông phái mẹ sinh ra những tông phái con cháu, tông phái con cháu có những chủ trương khác với tông phái mẹ, đôi khi còn ngược lại thì gọi là mạt tông dị nghĩa.

Giờ đây chúng ta hãy xét về bản tông đồng nghĩa của Độc Tử Bộ:

1. Vị Bổ đặc già la phi tức phi ly uẩn.

Bổ đặc già la không phải đồng nhất với uẩn, cũng không phải độc lập với uẩn.

The pudgalas are neither the same as the skandhas nor different from the skandhas.

La personne est ni identique aux aggrégats, ni différente des aggrégats (elle existe ni dans les aggrégats ni en dehors des aggrégats).

Bổ đặc già la tức là con người, là cái ngã. Độc Tử Bộ chủ trương có một con người, có một cái ngã, có một chủ thể tạo ra nghiệp và thọ hưởng nghiệp quả tốt hay nghiệp quả xấu. Cái ngã đó không phải là năm uẩn, cũng không phải ở ngoài năm uẩn.

Phi tức phi ly có nghĩa: Không phải là cái đó, cũng không phải khác với cái đó. Cái ngã có phải là năm uẩn không? Nó không hẳn là năm uẩn. Cái ngã đó là cái khác với năm uẩn? Nó cũng không phải khác với năm uẩn. Nó vừa khác vừa không khác, nó vừa là vừa không là (phi tức phi ly uẩn). Tức uẩn nghĩa là là uẩn, ly uẩn nghĩa là không là uẩn. Pudgala đó có phải là uẩn không? Nó không là uẩn. Như vậy nó có phải là một cái gì hoàn toàn không dính gì tới uẩn không? Cũng không phải. Nó không phải là uẩn mà cũng không phải là không uẩn. Đó là chủ trương căn bản của lý thuyết này.

Ngã không là năm uẩn tại vì năm uẩn có sự hoại diệt. Nếu ngã là năm uẩn thì ngã cũng bị hoại diệt, vì vậy ngã không phải là năm uẩn. Nhưng nếu nó hoàn toàn không dính líu gì tới năm uẩn thì làm sao nó sử dụng được năm uẩn? Vì vậy tuy ngã không phải là năm uẩn nhưng nó không hoàn toàn tách rời khỏi năm uẩn. Cái ấy gọi là phi tức phi ly (không là cũng không không là). Ly là lìa ra, là một cái hoàn toàn độc lập.

Một trong những ví dụ mà Độc Tử Bộ đưa ra là lửa và củi (nhiên và khả nhiên), fire and fuel, tức là cái đốt và cái bị đốt. Khi một khúc củi đang cháy, chúng ta thấy khúc củi là uẩn (khả nhiên) và ngã là lửa (nhiên). Lửa không phải là củi nhưng ngoài củi thì nó không thể tồn tại được. Lửa không phải là củi nhưng nó không hoàn toàn tách rời khỏi củi. Lửa không hẳn là củi vì lửa không tự mình đốt được, phải có củi lửa mới có thể đốt. Lửa có khả năng đốt, soi sáng, làm cho nóng lên, những khả năng đó củi không có được. Cái ngã cần năm uẩn để phát hiện nhưng nó không phải là uẩn.

Chúng ta đừng tưởng Độc Tử Bộ ngây thơ. Họ lý luận rất sắc bén, rất thực tế. Có một số người không công nhận Độc Tử Bộ là Phật giáo, nhưng có một số khá đông khác công nhận rằng tuy Độc Tử Bộ chủ trương có ngã, có người, nhưng họ vẫn là Phật tử. Con số 66.000 thầy theo Pudgalavāda trong tổng số 250.000 thầy là một con số rất hùng biện.

Chúng ta phải phân biệt đốt và bị đốt. Khi có một thanh củi chúng ta đừng cho nó là cái bị đốt vì hiện tại nó chưa bị đốt. Chỉ khi nào lửa bùng lên và thanh củi đang cháy thì chúng ta mới có thể gọi nó là bị đốt. Bây giờ nó chỉ có khả năng trở thành bị đốt thôi chứ chưa phải là bị đốt, đó là khả nhiên. Cái đốt là lửa. Lửa có sẵn ở đâu để tới đốt thanh củi? Nó đã có sẵn trước hay không? Hay là nó phải nhờ củi mới phát hiện được? Khi quẹt một que diêm thì ta thấy có lửa, nhưng lửa chỉ có thể phát hiện được khi có que diêm, lửa không thể nào phát hiện nếu không có nhiên liệu, nghĩa là cái bị đốt. Đốt không thể có khi không có bị đốt.

Ý niệm thứ hai mà chúng ta phải lấy ra là: cái đốt đi tới và hợp tác với cái bị đốt. Không phải cái đốt có mặt riêng biệt, cái bị đốt cũng có mặt riêng biệt, rồi hai cái đi tới và hợp tác với nhau. Không phải như vậy! Chỉ khi nào có sự bốc cháy thì ta mới thấy cái bị đốt (sở nhiên) và cái đốt (nhiên).

Sở nhiên nhiên đều có tính cách riêng. Cái đốtvà cái bị đốt không phải là nhau. Nhưng nếu trong cái bị đốt không tiềm tàng khả năng bị đốt thì lửa không thể phát hiện được. Vì vậy ý niệm phi tức phi ly uẩn cũng có lý lắm chứ không phải không có. Ít nhất là nó có vẻ có lý, và đo đó đã chinh phục được rất nhiều người. Ngã không phải là năm uẩn, không phải là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nếu ngã là năm uẩn thì khi năm uẩn diệt thì ngã cũng diệt theo, làm sao mà đi luân hồi? Nhưng ngã cũng không thể phát hiện khi không có năm uẩn. Đó là hình ảnh mà Độc Tử Bộ hay dùng khi nói về ngã là một đối tượng của nhận thức: “Khi nào mình vượt được hai ý niệm, hoặc là một với uẩn hoặc là khác với uẩn thì khi đó mình mới thấy được ngã”.

Trong lịch sử Phật giáo, có những bộ óc vĩ đại có thể trả lời được câu nói đó và những bộ óc vĩ đại đó được đại diện bởi các thầy Long Thọ (Nāgārjuna) và Thế Thân (Vasubandhu). Trong Trung Quán Luận, Chương nhiên và Khả nhiên là để đáp lại lập luận của Độc Tử Bộ về sự có ngã. Trong A tỳ đạt ma Câu Xá Luận (Abhidharmakośa-śāstra), thầy Thế Thân sử dụng hoàn toàn một chương để chống đối lại quan niệm hữu ngã. Chương này, hiện nay đã có bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, cũng có nói tới lửa và củi với nhiều lý luận rất sắc bén để đả phá quan niệm có ngã.

2. Y uẩn xứ giới giả thi thiết danh.

(Bổ đặc già la ấy) do uẩn xứ giới mà giả thiết danh từ.

The name pudgala is provisorily given to aggregations of skandhas, āyatanas and dhatus.

Ce qui se fond sur les aggrégats, les domaines et les éléments n’est que des nominations.

Nương vào các uẩn, các xứ và các giới để thiết lập ra một giả danh, giả danh đó là ngã, là con người. Vậy thì cái danh từ ngã đã được thiết lập ra để gọi cái mà người ta thấy đã phát hiện từ uẩn, từ xứ và từ giới. Uẩn là năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), xứ là 12 xứ (sáu căn và sáu trần), giới là 18 giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức). Người ta nương vào sự phát hiện của các xứ và các giới rồi đặt ra những tên gọi như cái ta, cái ngã.

Ý nghĩa câu này không được rõ lắm. Chủ trương thứ hai liên hệ tới chủ trương đầu mà ý nghĩa thực của nó là thế này: Người chưa biết nhìn sâu thì thấy cái ta, cái ngã hoặc con người của họ qua năm uẩn, mười hai xứ và mười tám giới. Nhưng họ chưa thấy được cái ngã thật, cái ngã thật không phải là những giả danh như vậy. Cái ngã thật không phải chỉ là những giả danh (désignations conventionnelles).

Đây là câu trả lời cho những chủ trương khác như chủ trương của Thượng Tọa Bộ. Thượng Tọa Bộ nói: “Anh lầm rồi! Đức Thế Tôn có nói tới một người, có nói tới kiếp trước, tới luân hồi, tới tên gọi nhưng khi Đức Thế Tôn nói thì Ngài chỉ sử dụng những giả danh mà không nói tới những thực tại chân thật. Những cái Đức Thế Tôn đề cập tới mà anh cho là ngã, những cái ấy thật ra chỉ là giả danh (prajñapti) mà thôi chứ không phải là những sự thật.”

Trong kinh Gánh Nặng (Trọng Đảm), Đức Thế Tôn nói: “Này các thầy! Tôi sẽ nói cho các thầy nghe về gánh nặng. Sự đam mê đưa gánh nặng lên cho mình phải gánh, sự giải thoát đặt gánh nặng xuống cho mình khỏi gánh.” Vì vậy, ngoài sự đam mê và sự giải thoát thì có con người để gánh tại vì cái gánh không tự mình gánh được. Phải có con người để gánh cái gánh đó, cái gánh đó là năm uẩn. Đây là một kinh mà Độc Tử Bộ hay sử dụng để chứng minh là có ngã, có người.

Thượng Tọa Bộ nói: “Cái mà anh gọi là ngã, những danh từ mà Đức Thế Tôn dạy, tuy là Đức Thế Tôn có dùng những danh từ đó, nhưng chúng chỉ là những giả danh được Ngài sử dụng để nói chuyện. Ngài không cho những cái đó là chân thật”. Và đây là câu trả lời của Độc Tử Bộ cho lời phê bình của Thượng Tọa Bộ: “Cái ta là cái gì rất vi tế, nó có thiệt. Nếu không có cái ta thì không thể nào tu được, chứng được, không thể nào tạo nghiệp được. Cái đó không phải thường, không vô thường, không phải một, không phải nhiều.” Và Độc Tử Bộ đi tới một quan niệm rất vi tế về ngã, về người.

Nếu chúng ta hiểu chủ trương thứ hai như thế này: Con người mà tôi nói đây chỉ là những giả danh được thiết lập trên uẩn, xứ và giới, thì như thế là Độc Tử Bộ tự chống lại chủ thuyết của mình và đi theo chủ thuyết của Thượng Tọa Bộ.

Bộ phái này chủ trương rằng những người phàm phu không phải là Phật tử thì nhận lầm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngã, vì vậy cái ngã của họ là giả danh. Nhưng cái ngã tôi nói ở đây không phải là giả danh mà là một thực tại có thể nhận được bằng sự quán chiếu của mình.

Thường thì mình nói cha và con là hai giả danh vì con thật sự chỉ là sự tiếp nối của cha và khi nhìn vào con thì mình thấy cha. Vì vậy cha tuy là cha nhưng đồng thời cũng là con, con là con nhưng đồng thời cũng là cha. Dùng chữ con mình có khuynh hướng loại cha ra, như vậy không đúng tại vì nhìn vào trong con mình thấy cha rất rõ. Những danh từ như cha, con là những giả danh, chúng không nói lên được sự thật.

3. Chư hành hữu tạm trú diệc hữu sát na diệt.

Các hành có phần tạm thời tồn tại, có phần thì sát na sinh diệt.

Some Saskāra exist for sometime while others perish at every moment.

Il y a des composés qui peuvent exister pendant quelque temps, tandis que des autres ne durent qu’un seul instant.

Chư hành là các hiện tượng. Chữ hành được dịch từ chữ saṃskāra, tiếng Anh là formations. Trong các hành có những hành sát na diệt nhưng cũng có những hành tạm trú. Sát na diệt là sinh ra rồi diệt liền ngay lập tức. Đó là giáo lý của Nguyên thủy hay giáo lý vô thường (momentariness).

Đây là một chủ trương không còn chính thống nữa, tại vì theo giáo lý chính thống thì tất cả các pháp đều sinh diệt trong từng sát na (sát na diệt). Chủ trương này nói: Có các pháp sát na diệt nhưng cũng có các pháp có thể kéo dài sự có mặt của chúng được.

Người ta chưa giải thích được thực sự vấn đề sinh tử luân hồi. Nếu sinh ra rồi diệt liền thì làm sao có sự liên tục, làm sao có thể có luân hồi, có giác ngộ, có người gây nghiệp báo và có người thọ nghiệp báo? Không lẽ khi người gây nghiệp báo chết rồi thì người thọ nghiệp báo là một người khác hay sao? Nếu ta sinh ra rồi diệt liền, nếu ta gây ra một nghiệp nào đó thì sau này ai là người thọ cái nghiệp ấy? Vì thế nên phải chủ trương rằng có những hành có thể tạm trú được, có thể kéo dài được. Hành ở đây là tâm hành.

Trong câu này nói: những hành thuộc về sắc (căn và cảnh) thì sát na diệt, nhưng những tâm hành có thể kéo dài ra được (tạm trú).

Chúng ta hãy trở về chủ trương thứ bảy của Đại Chúng Bộ: Sắc căn đại chủng hữu chuyển biến nghĩa, tâm, tâm sở pháp vô chuyển biến nghĩa. Đây là một chủ trương của Mạt tông Đại Chúng Bộ cho rằng các căn và các cảnh thì sát na diệt nhưng các tâm và tâm sở thì không thay đổi như vậy.

Chúng ta đã nói tới sự khác biệt giữa bản tông và mạt tông. Bản tông là trường phái gốc, trường phái gốc sau khi tồn tại một thời gian thì sinh ra những trường phái ngọn. Những trường phái ngọn có thể có những cái thấy khác, không giống, không trung thực với những chủ trương của trường phái gốc. Ở đây là chủ trương của mạt tông, một chủ trương không trung thành với trường phái gốc. Trường phái gốc đã nói: “Tất cả đều sát na diệt, vật chất cũng như tinh thần”. Bây giờ vì muốn giải thích luân hồi và sinh tử nên người ta chủ trương ngược lại: “Sắc thì sát na diệt nhưng tâm thì có thể liên tục”. Có niềm thao thức muốn giải thích về nhân quả và nghiệp báo. Nếu không có người, nếu không có một cái ngã tồn tại lâu dài thì người gây nhân và người chịu quả là hai người sao? Người gây nhân phải tồn tại lâu dài để chịu quả. Ví dụ trưa nay mình ăn ớt, ăn chao thì chiều nay mình đau bụng. Nếu ăn xong mà người ăn diệt thì người đau bụng sẽ là một người khác rồi. Vì vậy phải có người, phải có ngã.

Chuyện bản tông và mạt tông luôn luôn xảy ra. Ví dụ Làng Mai là bản tông, nhưng khi các tăng thân trên thế giới muốn thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương thì có thể sẽ tạo ra mạt tông. Chúng ta phải luôn luôn trở về tắm ở dòng suối của bản tông để nhận xét xem mình đã thay đổi nhiều hay không.

Nếu trong mạt tông Đại Chúng Bộ có những chủ trương như vậy thì Độc Tử Bộ hay Chánh Lượng Bộ có những chủ trương như vậy cũng là chuyện rất thường. Đôi khi thấy những tông phái khác chủ trương như thế, mình muốn đem những chủ trương ấy về cho tông phái mình, mình thay đổi và mình trở thành mạt tông. Các tông phái ảnh hưởng lẫn nhau. Ban đầu Đại Chúng Bộ không chủ trương như vậy, nhưng sau lại thấy cần phải nói như thế để có thể giải thích được sinh tử, luân hồi. Chính Thượng Tọa Bộ sau này cũng đã thay đổi để có một giáo lý chứng minh được sự liên tục nhân quả và nghiệp báo. Chúng ta thấy sự thay đổi đó xuất hiện trong hầu hết tất cả các bộ phái.

Trong Thượng Tọa Bộ (bây giờ gọi là Theravāda), xuất hiện giáo lý gọi là Hữu phần thức (Bhavāṅga). Bhava là hữu, người Tây phương dịch là life continuum. Đó là một dòng liên tục, một dòng hiện hữu (Bhavaśrota). Śrota là dòng chảy. Nếu không có dòng hiện hữu thì không thể nào giải thích được nhân quả, nghiệp báo. Tất cả các tông phái đạo Phật đều muốn trung thực với giáo lý căn bản của Bụt là vô thường, tức là công nhận sự sinh diệt của tất cả mọi hiện tượng thân và tâm trong từng sát na. Tông phái nào cũng cố gắng để đừng bỏ giáo lý đó. Bhavānga đưa ra một thức liên tục tiếp nối, có trước có sau, tại vì một cái gì mà có sự liên tục thì mới có thể có nhân quả, có nghiệp báo, có luân hồi.

Trong khi đó thì Đại Chúng Bộ lại sáng tạo ra một ý niệm gọi là Căn bản thức (Mūlavijñāna).

Sau này trong Pháp tướng Duy Thức học chúngta có A lại da thức. A lại da thức được gọi là hằng chuyển như bộc lưu. Hằng là tiếp nối không đứt đoạn, chuyển là thay đổi trong từng giây phút. Hằng chuyển như bộc lưu có nghĩa là luôn luôn thay đổi liên tục không đứt đoạn như một dòng nước chảy (Bhavāṅga-śrota).

Trong Hữu Bộ cũng đã phát hiện ra một danh từ gọi là tự tương tục (Svasaṃtāna), tức là ý niệm về sự tương tục. Nếu không có sự tương tục thì không có nhân quả, không có nghiệp báo. Trong bốn duyên có một duyên gọi là đẳng vô gián duyên. Đó là duy trì điều kiện không để có sự đứt đoạn (đẳng vô gián). Ví dụ muốn dùng máy vi tính để viết bài thì dòng điện phải liên tục. Nếu điện bị cắt trước khi chúng ta “save” thì bài sẽ mất. Điều kiện liên tục rất quan trọng. Ví dụ, ngày xưa khi muốn quay phim một người đang giơ tay lên thì chúng ta phải chụp hình người ấy đang giơ tay lên từ từ, liên tục ít nhất là 20 hình. Khi chiếu phim ra, vì có sự liên tục nên ta thấy người ấy đang giơ tay lên, kỳ thực thì chỉ có hình của từng sát na diệt, chỉ có những hình ảnh riêng. Những hình ảnh riêng đó sắp lại gần nhau nên đưa tới cảm tưởng là có sự liên tục. Sự sống là một dòng liên tục trong đó không có gì là bất biến. Chúng ta vẫn có thể trung thành với giáo lý của Đức Thế Tôn, tức giáo lý vô thường trong từng sát na. Nhưng dù sự vật vô thường, chúng vẫn tương tục, vẫn tiếp nối được nhau.

Vì vậy chúng ta thấy các tông phái đều chấp nhận ý niệm tương tục. Trong Đại thừa, chúng ta có A lại da thức, có Như Lai tạng. Trong các tông phái Tiểu thừa thì có Căn bản thức của Đại Chúng Bộ, Hữu phần thức của Thượng Tọa Bộ và trong Hữu Bộ thì có Tự tương tục và Tha tương tục.

Đứng về phương diện lý luận, quán chiếu, chúng ta thấy rằng tâm và tâm sở cũng là những hiện tượng, là hành. Theo đúng giáo lý nguyên thỉ của Đức Thế Tôn, sắc vô thường mà tâm cũng vô thường. Vì vậy nếu nói có một số hành là vô thường hay sát na diệt và có một số hành là không sát na diệt hay tạm trú thì không đúng với giáo lý nguyên thỉ.

Độc Tử Bộ chủ trương: “Có các hành sát na diệt nhưng cũng có các hành tạm trú”. Người ta có sự thao thức muốn chứng minh có nhân quả luân hồi nên phải nghĩ tới tâm thức như một cái gì tồn tại dài lâu và cái tồn tại dài lâu đó rất gần với cái ngã. Nhưng trong giáo lý nguyên thỉ, cái ngã là không, không có một cái ngã bất biến. Trong Tam pháp ấn thì hai pháp ấn đầu là vô thường và vô ngã. Giáo lý nào chống lại vô thường và vô ngã thì đều không phải là giáo lý chính thống. Độc Tử Bộ, Chánh Lượng Bộ hay nói một cách tổng quát là phái Bổ đặc già la, trong khi đưa ra một ý niệm có người, có ngã để chứng minh nhân quả, nghiệp báo thì đã có những cố gắng để đừng đánh mất giáo lý căn bản của Đức Thế Tôn là vô thường và vô ngã.

4. Chư pháp nhược ly Bổ đặc già la khả thuyết hữu di chuyển.

Các pháp nếu tách rời Bổ đặc già la thì không di chuyển được từ đời trước đến đời sau. Do Bổ đặc già la nên có thể nói tới di chuyển.

Things can not transmigrate from one world to another apart from the person. They can be said to transmigrate along with the person or the self.

S’il n’y a pas de personne, aucune chose ne transmigre de ce monde ci dans un autre monde.

Nếu không có con người thì không thể nào từ kiếp trước mà đi về kiếp sau. Chính vì nương vào Bổ đặc già la nên có sự di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác.

Đây nói về luân hồi, có cái trước rồi mới đi về cái sau. Nếu có sự liên tục thì phải có cái ngã, không có ngã thì không có sự liên tục. Em bé và người lớn khác nhau. Nhưng sở dĩ giữa người lớn và em bé có sự liên tiếp, là tại vì có cái ngã bên trong. Nếu không có cái ngã, không có con người thì em bé không thể nào trở thành người lớn. Từ quá khứ đến hiện tại, từ cái này di chuyển sang cái khác mà không có Bổ đặc già la thì không thành công được. Vì vậy phải có chủ trương Bổ đặc già la, phải có con người, phải có ngã, đó là chủ trương căn bản của bộ phái này. Chủ trương này hấp dẫn lắm tại vì nó đánh đúng vào nhận thức thông thường của đại đa số.

Chánh Lượng Bộ là sự phát triển từ Độc Tử Bộ mà ra. Chủ trương đầu là: Bổ đặc già la không phải là uẩn mà cũng không rời uẩn mà có. Chủ trương thứ tư: Nếu không có ngã, không có con người thì đời trước không thể nào chuyển tới đời sau. Chính nhờ có con người, có một cái ngã nào đó cho nên chúng ta mới có thể di chuyển từ hiện tại sang tương lai, từ kiếp này sang kiếp khác.