Dựng nêu, gói bánh ngày Tết ở Làng

 

 

 

banhchungcaudoi.JPGChánh Niệm – thuốc an thần tốt nhất

“Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời đều an lành
An lành trong mỗi giây mỗi phút
Cầu ơn Tam Bảo luôn che chở… “

Bài tụng Nguyện Ngày An Lành do quý thầy quý sư cô đã mở đầu bài pháp thoại hôm 27.01.2011. Trong  âm hưởng của lời kinh còn đọng lại giữa người tụng và người nghe, sau ba tiếng chuông lắng đọng, Sư Ông Làng Mai khai mở bằng lá thư của một thiền sinh mà Sư Ông vừa mới nhận được, anh ta đang bị chứng trầm cảm và phải uống thuốc. Lá thư ấy có đoạn viết: “…Tôi có thể sống được khi dùng thuốc nhưng suy tư của tôi không còn sâu sắc và tôi cảm thấy mất tự do. Tôi có bắt đầu thực tập thiền và được biết Thầy có đi dạy cho các nhà tù. Vậy làm thế nào khi mình ở trong tù mà mình vẫn có tự do.”

Với câu hỏi: “ Thầy ơi con đang không có tự do, Thầy có thể chỉ cho con làm như thế nào để con có tự do?” Như một buổi tham vấn thông qua bài pháp thoại trực tuyến Sư Ông đã trả lời cho tình trạng thực tế mà nhiều người trẻ đang gặp phải. Thầy nhìn xuống đại chúng rồi mở lời: “Thầy nghĩ thực tập của Làng Mai có thể giúp anh ta có được tự do, khôi phục được tự do từ từ. Nếu mình biết tập thở và tập đi trong mỗi bước chân, mình có thể dừng lại được, không bị quá khứ và tương lai kéo đi. Trong khi thở mình thả neo được và đừng có chạy về quá khứ, đừng có chạy về tương lai. Trong khi thở và trong khi đi đó mình có chút an lạc, niềm vui thì mỗi hơi thở, mỗi bước chân như vậy có khả năng tháo gỡ, có khả năng cho mình tự do.” Câu trả lời còn nhiều chi tiết giúp bạn nhận diện tâm hành để thực tập, xin mời bạn vào Pháp đường để tiếp tục theo dõi lời hướng dẫn của Sư Ông.

Sự tích ông Táo

Sau khi gợi ý trả lời cho anh bạn thiền sinh, Sư Ông dẫn dắt người nghe đi từ khổ đau tiếp xúc với giờ phút hạnh phúc hiện tại qua sự tích đưa ông Táo về trời trong không khí Tết đang về. Câu chuyện trẻ thơ trở nên sống động khi Sư Ông nhắc lại cuộc hành trình của cá chép ngược dòng về nguồn, vượt ghềnh, vượt thác rồi cá chép hóa rồng bay lên trời. Đang giảng, Sư Ông quay xuống hỏi: “Hôm qua các xóm đã cúng Ông Táo chưa?… rồi mĩm cười… Sư Ông tiếp: “Nếu mình làm ăn đàng hoàng, có hạnh phúc thì ông Táo sẽ báo cáo hết. Các bạn sẽ được nghe mấy ông Táo ở Làng báo cáo chuyện các xóm trong năm qua chương trình văn nghệ đêm giao thừa.

dungneu.JPGSự tích Cây Nêu

Ngày 24 Tết, tăng thân Làng Mai tập trung về xóm Thượng dự Ngày Quán Niệm như thường lệ. Bài pháp thoại đặc biệt hôm nay Sư Ông không những chia sẻ về sự tích ông Táo chầu trời mà còn chia sẻ về sự tích cây nêu ngày Tết nữa. Chuyện kể rằng: “thuở xưa, trái đất chỉ toàn là bóng tối. Ma vương lộng hành khắp nơi, người dân thường sống trong lo âu và sợ hãi. Bụt nghĩ, người dân cần một mảnh đất bình an để sống.Ngài đi gặp ma vương để thương thuyết. Kết quả cuộc thương thuyết là Bụt chỉ cần một mảnh đất bằng bóng của một chiếc áo cà sa. Nhưng khi tung lên thì chiếc cà sa mắc trên đầu ngọn cây và bóng của chiếc cà sa bao trùm cả trái đất. Bạn có còn thấy vào dịp đầu xuân, trước sân mỗi nhà có một cây tre và lá cờ hội không? Đó là thông điệp của văn hóa ngày Tết.

Mời bạn về Làng, để gặp lại hình ảnh thân quen của cây nêu ngày Tết cùng bao hoạt động vui xuân khác. Và hôm nay đại chúng vân tập trước thiền đường xóm Thượng làm Lễ Dựng Nêu. Đại chúng đứng thành vòng tròn hát bài “Đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây” như nhắc nhở mọi người hãy quay về thiết lập đất Bụt cho ánh sáng, niềm tin và sự bình an có mặt tại nơi này. Trên đầu ngọn cây nêu đọt tre, lá cờ hội cùng mảnh y vàng phất phơ trong gió hòa vào lời tụng “Ba Sự Quay Về” mở đầu ngày hội vui xuân năm nay.

Nồi bánh ngày Tếtgoibanh.JPG

Kết thúc Lễ Dựng Nêu Đại chúng cùng thiền hành tiến vào nhà ăn nghe chia sẻ Sự Tích Bánh Chưng ngày Tết. Nếp đã được xóm Thượng ngâm, đãi sẵn, đậu xóm Hạ đã nấu, lá xóm Mới đã lau, đại chúng bắt tay vào gói bánh. Thoáng chốc, quý thầy quý sư cô đã cho ra đời những đòn bánh xinh xắn trong khung cảnh đón xuân về Làng. Cầm đòn bánh trong tay đong đầy ánh mắt và nụ cười của tăng thân mà ai cũng vui…

Chiều hôm đó xóm Thượng đãi một nồi bún măng thiệt là ngon, cả ba xóm ở lại dùng cơm chung rồi nhận mỗi xóm một phần bánh. Những chiếc bánh được chuyền lên xe chở về mỗi xóm. Bếp lửa nồi bánh nhen lên, quanh bếp lửa, sư chị sư em và các bạn thiền sinh ngồi lại hát cho nhau nghe. Ánh lửa reo vui ấm áp tình huynh đệ, tiếng những thanh tre gõ nhịp nhàng của nhóm nhảy sạp trong hiên nhà nghe như tiếng đàn quê hương. Trời càng về đêm càng lạnh, những bài ca xuân vang lên thật ân tình nghe như mạch xuân đang về. Nhìn những khuôn mặt hồng lên, những đôi mắt ngời sáng niềm vui cùng sự có mặt của sư cô Chân Không và bố mẹ của một sư em quây quần bên bếp lửa ngày Tết làm cho không khí gia đình tâm linh thêm đầm ấm sắc xuân. Trong không khí đó các bài hát trẻ thơ được cất lên làm cho tình gia đình thêm thắt chặt. Các bạn thiền sinh bập bẹ hát theo thiệt là dễ thương. Ánh lửa hồng, nồi bánh reo vui và mùi thơm của nếp của đậu tỏa ra trong câu ca còn đọng lại.