Nha Trang ngày về (p4)
5h30’ :Iha Shaariputra
sarva-dharmaah shuunyataa-lakshanaa………..
Sáng nay tôi cùng đại chúng ôn tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Nghe kinh mà như nghe mưa rơi. Rơi trên mái dạ linh hồn. Từng giọt, từng giọt vỗ về bao khối hờn đau kết tụ từ muôn vạn kiếp. Trên nền sân của ngôi cổ tự chỉ còn là những “hạt lụy phiền”. Cứ mỗi lần đọc lại những lời dạy của Đức Thế Tôn dành cho người đại đệ tử của mình trong tôi luôn là một cảm giác thanh bình và lân mẫn. Từng dòng kinh kệ như bản luân khúc vỗ vào bờ giác quan, thấm ướt những nơi héo úa khô cằn. Người tôi nhẹ nhõm. Lòng tôi rỗng rang. Hương kinh thơm phức như dòng sữa mà mật ngọt vẫn còn lưu luyến trên đầu lưỡi vành môi. Cánh chim hồn tôi được yên nghỉ ấm êm trong lòng đạo lớn. Từng bước đi là từng hạt giận buồn rụng rơi. Cảm giác này tôi không thể diễn tả bằng lời mình mà đành phải vay mượn thi sĩ Xuyên Trà. Tôi muốn đọc cho Khánh Chung những dòng thơ mà tôi luôn ghi khắc…
Mà cánh chim về cũng ngủ yên
Sáng ra Bát Nhã bừng tâm thất
Rụng trắng đầy sân hạt lụy phiền.
Bốn câu thơ ngắn ngủi mà nói thay tôi biết bao nhiêu ý tình. Trong những ngày đầu tiên bước vào Cửa Tịnh, tôi đã thầm ước ao mình cũng là Thầy Xá Lợi Phất để được kề cận Bụt, được Bụt chỉ dạy mỗi ngày. Giờ đây tôi đã có thể mỉm cười với ước vọng đó của mình. Bụt có bao giờ xa cách với tôi đâu! Bụt đã hoá hiện trong hình ảnh của một tăng thân. Và tôi đã có thêm nhiều tri kỷ. Những người như Khánh Chung như Xuân Phong như Về Nguồn và còn biết bao những trái tim hai mươi nữa – những người thương của tôi – đoàn thể luôn nhắc nhở tôi, luôn chỉ bày cho tôi nghệ thuật hiểu sâu thương lớn.
Bữa ăn cuối cùng
Bốn ngày tu học thì có đến ba ngày tôi được ăn cùng đại chúng dưới ánh bình minh. Ngồi xoay lưng về phía Đông, hướng mặt vào nhau. Bữa ăn chỉ là một ít xôi và chén sữa đậu nành thôi mà sao ngon và vui quá! Niềm vui vỡ đê tâm hồn. Ánh dương tỏa chiếu, đưa hơi ấm lan truyền trong từng tế bào cơ thể. Những mạch máu trào dâng, lấn chen nhau đón chào khí trời trong tinh khiết. Dòng sông cảm thọ trong tôi sau bao mùa bão lũ đã trở nên hiền hòa, bình lặng. Và trong khoảnh khắc lung linh dịu êm đó, một bức tranh đang nổi trôi, dập dìu giữa khơi chừng sóng xô. Tôi tìm về với những trang kỉ niệm, đọc lại những dòng ký ức của đời mình. À! Thì ra đây là vật phẩm mà tôi đã cất giữ trong tầng sâu tâm thức. Tưởng chừng tôi đã lạc mất đi nhưng hôm nay lại biểu hiện dưới lấp lánh nắng vàng…
Bức bích họa ấy đã rung chuyển cả thế giới. Một bản vẽ chỉ miêu tả khung cảnh của một bữa ăn nhưng đã mất gần 7 năm để hoàn tất. Tài năng của họa sư ở chỗ ông vẽ trên một mặt phẳng nằm ngang nhưng người xem lại thấy được một vòng tròn đa diện. Không gian hai chiều nhưng nhìn kỹ thì đó là một không gian vô cùng tận. Thức ăn được vẽ bằng những hình tròn. Tất cả những người tham dự ngồi quây quần bên nhau hướng về người thầy của mình…Và đó cũng là bữa ăn cuối cùng của họ.
Khánh Chung có biết tác phẩm nổi tiếng ấy không? Ấy là The Last Supper. “Bữa ăn chiều cuối cùng”. Họa phẩm ấy đã đem đến cho nhân loại một nguồn sức mạnh tâm linh siêu việt. Ấn tượng đậm sâu nhất chính là trung tâm của bản vẽ với hình ảnh của Chúa hiền mơ. Khi xem tranh, ta thấy hai sắc thái tương phản nhau rõ rệt. Đức Jesus sau khi thông báo sẽ có người bội phản mình đã ngồi thật thanh thản với hai cánh tay mở rộng sẵn sàng đón nhận tất cả. Trong khi đó, 12 môn đồ của Người thì chia thành 4 nhóm nhỏ hoảng loạn, ngã nghiêng. Giây phút có một không hai đó đã được lưu giữ bởi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ thiên tài Leonardo Da Vinci.
Khi ăn sáng cùng đại chúng tôi thấy rằng lòng mình vẫn còn nhiều trăn trở. Những vết thương sâu kín vẫn chưa lành. Tâm can vẫn còn chưa thôi đau nhức. Nhưng hình ảnh của Chúa Kitô đã truyền đến tôi nguồn cảm hứng vô biên, trao cho tôi nguồn phúc lạc nồng ấm. Người như một hòn sỏi nhỏ rơi nhẹ vào hồ xanh để rồi trên mặt nước tĩnh lặng kia là bao dư ba lan tỏa. Dòng nước hung hãn của những thế lực đen tối cứ mãi dâng cao, tràn lấp. Ấy vậy mà Người vẫn ngồi bình yên như một trái núi. Nước càng lên cao. Núi càng đứng vững. Sự bình an trên khuôn mặt, sự vững chãi trong dáng ngồi của Người đã làm tan chảy biết bao trái tim lạnh lẽo giá băng, đem hừng đông về cho địa cầu sau những đêm dài huyền hoặc, tăm tối …
Sáng hôm nay, tôi thấy một vòng tròn thật đẹp. Tôi được ngồi tĩnh lặng giữa vòng tròn tăng thân trân quý. Mặt trời hồng đã lên cao và trong tôi mặt trời ý thức cũng đang rực cháy. Ý thức rằng đây có thể là Bữa Ăn Cuối Cùng, đây có thể là cơ hội có mặt duy nhất với người thương của mình đang thiêu đốt muôn vạn hồng cầu trong tôi. Vì thế cho nên tôi cẩn trọng từng miếng nhai, hay biết từng hơi thở. Và những giọt tịnh lạc, an định bắt đầu rơi nhẹ lặng lẽ khẽ khàng trên thềm tâm. Tôi chợt thấy rằng khung cảnh mầu nhiệm mà mình đang tham dự chính là sự tiếp nối tuyệt phẩm của Leo.
Chúng ta đâu cần phải là chàng họa sĩ vĩ đại của thành Firenze. Từng nhịp thở, mỗi miếng nhai ý thức đang là những đường nét tạo dựng cho nhân gian thêm một báu vật nữa. Khánh Chung cũng đâu cần phải đến nhà ăn của tu viện Santa Maria delle Grazie ở thành phố Milano xa xôi để chiêm ngưỡng L’Ultima Cena. Vào tuần lễ thứ ba trong tháng của mỗi quý, khi đến với mái chùa cổ ở thị xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang này thì bạn sẽ lại được như tôi vẽ lại tuyệt tác năm nào. Và chắc chắn đó sẽ là những mảng màu, nét bút tươi sáng, rực rỡ gấp ngàn lần hơn. Chủ đề của tác phẩm sẽ là tình anh chị em, tình bạn hữu bao la cao rộng. Tiêu đề cũng sẽ khác đi. Không phải là Bữa Ăn Cuối Cùng nữa mà sẽ là bữa ăn đầu tiên, Bữa Sáng Đầu Tiên. La prima colazione. Vì tình thương không bao giờ cho phép chúng ta nói rằng đây là lần cuối, có phải không Khánh Chung? Sẽ không còn bất cứ một âm mưu, một toan tính nào nữa mà chỉ có sự xót thương, lòng lân mẫn. “Xứng đáng chỉ có lòng xót thương”. Thông điệp của tình thương và hiểu biết ấy tôi đã được nghe. Và tôi lại thêm một lần nữa được nhắc nhở trong buổi ăn sáng thiêng liêng này…