Hạnh phúc tìm lại
“A, đi được rồi! Đi được rồi!” Tay lần theo tường nhà, chân vừa chạm khẽ vào mặt đất ta đã hét to lên trong sung sướng. Chưa bao giờ ta thấy mình thực sự hạnh phúc như bây giờ! Dù bàn chân chạm nhẹ vào mặt đất chỉ vài bước với từng bước chân còn đang khập khễnh, tay còn phải vịn vào vật khác mới di chuyển được vậy mà ta thấy tự do, sung sướng quá! Ta cười. Ta khóc. Giá như bạn bè nhìn thấy ta lúc này ắt hẳn bọn họ sẽ thấy buồn cười lăm lắm! Nếu không có sự việc xảy ra cách đây một tháng trước thì chắc hẳn ta sẽ không hề biết đến cảm giác này.
Ba mươi năm ta đã đi không biết bao nhiêu nơi. Cái cầu thang ấy ta đã lên xuống không biết bao bận. Con đường này ta đã vào ra đến mòn cả vô số giày dép. Hễ mỗi khi cần đến đâu thì ta cứ đi. Nhưng ta đi mà không hề biết rằng mình đang đi. Ta cho việc đi lại đó là một chuyện tự nhiên, nên chẳng bao giờ để ý đến làm chi. Cái chân của ta nó cũng bị cuốn theo những dự án, tính toán, nghĩ suy, buồn vui,… trong đầu ta. Hình như ta chưa bao giờ thực sự có mặt với nó, công nhận sự hiện diện của nó thì phải? Không biết nó có phiền trách ta không khi ta sống mà cứ rong ruổi theo những mộng ảo? Chắc có lẽ nó cũng buồn tủi lắm khi phải di chuyển một cái xác biết nói năng, ăn uốn,… này!
Nếu không có sự kiện ấy thì có lẽ ta vẫn còn mê, không biết đến bao giờ mới tỉnh. Ngày ấy do thiếu cẩn trọng khi lái xe và cũng do vội vàng nữa, ta đã bị tai nạn. Với cái chân bị thương nên ta phải chịu nằm một chỗ. Nhớ lúc đầu ta cảm thấy bực bội, bức bối, tù túng lắm. Ta không thể tự mình di chuyển cái thân này đi đâu được cả! Đến cả những sinh hoạt giản đơn nhất cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Đi vệ sinh ư? Phải có người bế ta đi đến nơi, hoặc có hai người hai bên làm chân thay cho ta. Ăn cơm hở? Có người mang đến tận nơi ta đang nằm. Rửa mặt, xúc miệng,… cũng vậy. Tất cả đều có người khác làm cái chân thay cho ta. Ta buồn! Ta khổ! Tệ hại nhất là những lúc thấy con, em mình làm những việc vụng về, trái tai gai mắt cần sự chỉ bảo, giúp đỡ. Lúc ấy ta muốn đưa tay ra giúp chúng nó lắm nhưng làm sao được! Ta có di chuyển được đâu! Cái thân này đâu có chịu theo sự điều khiển của những gì ta muốn. Ta bất lực với nó! Ta trách! Ta than thở rồi ta khóc! Tuy vậy, nhưng ta vẫn biết ơn tai nạn đã xảy đến với ta. Vì sao ư? Vì suốt trong thời gian dài nằm yên một chỗ đã cho ta có cơ hội nhìn lại. Ba mươi năm qua ta cứ nghĩ cái thân này là mình, là của mình, ta muốn gì nó phải theo ta. Có bao giờ ta nghĩ đến giờ phút mình không thể nào làm chủ được cái thân của mình dù chỉ một mảy may đâu. Ta đâu có muốn cái chân mình bị thương, ta đâu có muốn mình phải ngồi yên một chỗ. Nhưng muốn hay không muốn có được ích gì, ta đâu có điều khiển được nó đâu, đủ duyên thì cái chân thay hình đổi tướng vậy thôi. Có bao giờ ta nghĩ rằng mình có lúc sẽ như thế này đâu. Muốn nhấc chân lên ư? Chịu thôi! Muốn đặt chân xuống đất để bước hở? Thua cuộc! Mỗi khi nghe tiếng nói chuyện, cười đùa vui vẻ ngoài sân vọng lại ta muốn góp mặt lắm, nhưng làm sao đây? Đành thôi vậy! Nghe mọi người rủ nhau đi biển ngắm trăng lên, cái muốn trong ta lại xuất hiện, nhưng cái thân ta đang như thế này. Bạn bè, người thân ai cũng thương ta, muốn tạo niềm vui cho ta nhưng… phiền toái quá, tủi thân quá! Chào thua vậy!
Hôm trước Thảo – cháu trai của ta – nói với ta rằng: “Không sao đâu cậu, thế nào cái chân của cậu cũng lại như cũ thôi!”. Nghe cháu nói, ta chợt giật mình tỉnh lại. Ừ, trăng khuyết rồi trăng tròn, trăng lặn rồi lại khuyết… cái chân của ta cũng thế, nguyên vẹn, bị thương rồi lại lành. Đó là một quy luật của cuộc sống, của vũ trụ vậy mà ta lại không nhận ra, may nhờ có đứa cháu tám tuổi nhắc nhở ta mới thấy rõ được. Và cũng nhờ có sự việc này ta thấy rõ hơn vạn vật luôn biến hoại, đổi thay theo sự tiếp nối, không có gì tồn tại mãi mãi cả; và cái hình hài cao mét mấy nặng 50 kí này, cái nhận thức, cái biết cái thấy này,… tất cả không có gì là của ta riêng ta cả.
Nếu cái chân ta không bị thương, nếu ta không phải nằm yên một nơi thế này thì chẳng bao giờ ta biết đến sự có mặt của đôi chân, tầm quan trọng của nó đối với ta; cũng như ta đâu hề biết trân quý nó khi nó còn lành lặn khỏe mạnh đó cho ta. Nó đã hết lòng đối với ta vậy mà ta đã bội bạc với nó. Nói đúng hơn là ta đã vô tình với nó, cứ mặc nhiên hưởng thụ, xem đó như là chuyện đương nhiên. Chưa bao giờ ta biết hỏi han, quan tâm đến nó cả. Lúc trước khi được tự do đi lại những nơi nào mình muốn, mình thích ta đâu có thấy đó là hạnh phúc. Ta cứ nghĩ hạnh phúc chỉ đến khi ta có thật nhiều tiền, có đầy đủ nhà cao xe sang, vợ đẹp con xinh; hay có được một địa vị, quyền lực nào đó. Nhưng bây giờ nếu có một bà tiên nào đó xuất hiện và ban cho ta một điều ước thì ta sẽ không hối tiếc khi nói rằng: cái ước muốn lớn nhất và duy nhất của ta lúc này là được đặt bàn chân xuống đất, được tự do đi lại. Chưa bao giờ ta thèm được đi như lúc này. Không những thèm mà ta còn trông mong, khát khao nữa! Thật buồn cười khi có châu báu trong tự thân mà ta nào biết hưởng, cứ mãi rong ruổi tìm cầu bên ngoài đến bạc tóc, mòn chân mỏi gối nhưng rồi có được gì! Đến khi ta biết nhận ra thì cũng là lúc nó gần sắp tuột khỏi tầm tay. Tuy sự thức tỉnh có muộn màng nhưng ta vẫn thấy vui, vì muộn vẫn còn hơn không. Ta thấy biết ơn cái tai nạn này lắm, vì nếu không có nó thì ta đâu có biết: được đặt bước chân đi trên mặt đất đó là một niềm hạnh phúc.
Và cũng thật may cho ta, nhờ phải nằm yên thế này ta mới biết nghĩ, biết thương đến những người tàn tật, những người bị liệt,… Trái tim ta như mở ra hơn, tình thương trong ta như lớn hơn lên thì phải. Từ trước đến giờ cứ mãi chạy theo những tham vọng, tính toán,… ta cứ vô tình, thờ ơ chưa thực sự biết đồng cảm, thương xót với những nỗi đau của họ. Ta chưa từng nghĩ đến chuyện họ buồn tủi, khổ sở như thế nào khi suốt đời phải ngồi trên xe lăn, hay phải nằm yên một chỗ không nhúc nhích, cử động. Hằng ngày, trên đường phố khi thấy những người phải dùng hai bàn tay của họ để thay thế cho đôi chân, ta chỉ thấy tội, thế thôi! Cảm giác ấy chỉ một chút thoáng qua rồi vụt biến mất chứ ta chưa thực sự thấy được nỗi đau của họ cũng như ta chưa biết nhận ra được những điều kiện may mắn, hạnh phúc mà mình đã và đang có. Ta chỉ bị một xíu ở chân trong thời gian ngắn thôi, hai chân vẫn còn đó cho ta vậy mà ta đã khổ như thế này rồi, huống gì họ mãi mãi không thấy lại được mặt mũi đôi chân mình, mãi mãi không xê dịch được thì sẽ khổ sở đến dường nào! Tự nhiên tự sâu thẳm trong lòng ta thấy thương họ thật nhiều. Ta muốn làm điều gì đó để có thể giúp họ vơi bớt đi phần nào bất hạnh, khổ đau mà họ đang mang. Và ta cũng cảm thấy mình cần phải biết sống có ý nghĩa, sống thực sống hơn.
Đặt bàn chân xuống đất, bước đi được bước đầu tiên sau hơn nửa tháng nằm yên một chỗ ta sung sướng quá, hạnh phúc quá! Ta hét to lên. Ta cười. Ta khóc. Chưa bao giờ ta thấy mình có cảm giác hạnh phúc như thế cả. Ta hớn hở khoe với bất kì ai mà ta gặp. Với ai ta cũng chỉ thông báo một tin: Ta đi được rồi! Lúc ấy ta nhận ra một điều quý báu là: được đi trên mặt đất, đó là một phép lạ. Một phép lạ nhiệm mầu.
Hôm nay, khi dạo trên đường phố bằng đôi chân của chính mình ta ý thức được từng bước chân mình. Đi, ta biết được mình đang đi. Bước chân vừa nhấc lên ta biết đó là bước chân trái hay là chân phải. Ta cảm nhận được sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất, sự cử động của những khớp xương ở bàn chân, đầu gối. Không chỉ thế, trong một hơi thở vào ra ta còn biết mình đã bước được mấy bước chân. Và có khi ta còn đếm được từ chỗ ta ngồi làm việc đến nơi để xe tất cả là bao nhiêu bước chân nữa. Đồng thời cái cảm nhận biết đôi chân đang có mặt khỏe mạnh đó cho mình khiến ta hết sức biết ơn nó, ta gởi tình thương của ta đến với nó. Và cũng thật mầu nhiệm lắm, sau sự kiện ấy, cứ hễ đặt bàn chân lên mặt đất là cảm giác khi được đặt bước chân đầu tiên sau một thời gian dài nằm yên một chỗ lại trở về, và hạnh phúc lại tràn dâng trong ta. Ta sung sướng tận hưởng từng bước chân của mình, vì biết rằng rồi sẽ có một lúc nào đó mình sẽ không có khả năng đi được dù chỉ là một bước chân. Ta đã học được một bài học từ tai nạn của mình, đó là: “hạnh phúc đến từ những điều giản đơn nhất”.
“Hạnh phúc tìm lại” là một mẩu chuyện nhỏ trong tập truyện ngắn “Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây” mà Tâm Anh xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bằng tình cảm chân thành trong những tháng ngày tu học có nhiều hạnh phúc và niềm vui.