Thư cho Tí
Chân Trăng Mai Thôn
Xóm Mới, ngày 10 tháng 3 năm 2016
Tí thương của chị,
Sáng nay dậy sớm, chị tập thể dục một chút rồi ngồi viết cho Tí đây. Chị đang "làm biếng". Tí có biết làm biếng là gì không? Ở Làng Mai, làm biếng tức là mình có thời gian riêng cho mình, để trở lại sống trong nội tâm của mình, không có thời khóa biểu chính thức để đi theo, mình tự ra thời khóa biểu cho riêng mình. Mấy ngày nay, chị làm biếng hết cỡ luôn. Chị cho phép mình "ngủ nướng" một chút và chơi với màu nước, vẽ những bức tranh mà mình yêu thích. Chị biết cái chuyện vẽ vời này lắm, khi nào mình có hứng mình mới vẽ được, cũng như viết văn, viết thư vậy. Dù mình không phải dân chuyên nghiệp mình cũng vẫn cần hứng như thường. Qua cơn hứng rồi thì thôi, có ai kêu mình làm, mình cũng lơ đi. Chắc Tí cũng vậy phải không, bởi Tí là … họa sĩ chuyên nghiệp mà. Với chị, hai ngày là đã đủ, vậy nên hôm nay chị mới bỏ ra được để viết thư cho Tí đây.
Chị thấy khi tâm chị thảnh thơi thì khi vẽ chị rất vui, chị thưởng thức việc mình đang làm trong quá trình vẽ chứ không hướng nhiều đến kết quả. Vậy mà kỳ diệu lắm Tí ạ. Kết quả thường khá hơn là khi chị cố chăm chăm lo mình vẽ không đẹp trong khi vẽ.
Thực ra chị định viết thư cho Tí khi nhận được tin Tí thi đậu vào đại học nhưng lu bu mãi. Viết thư cho Tí, chị muốn dành thời gian đàng hoàng, ngồi thảnh thơi, kể chuyện cho Tí nghe, chứ thời gian chút ở đây, chút ở kia thì chị thấy không đủ Tí à.
Vừa rồi chị được tham dự khóa tu dành cho người xuất gia, mỗi năm tổ chức một lần tại Làng Mai. Đó là thời gian các thầy các sư cô được tu tập chung mà không có người cư sĩ, giống như mình đóng cửa, củng cố lại nội bộ và lấy lại năng lượng vậy đó. Quanh năm ở Làng lúc nào cũng có cư sĩ tới tu tập với mình nên khóa tu xuất sĩ rất cần thiết để các thầy các sư cô có thời gian cho chính mình một chút.
Trong khóa tu xuất sĩ, chị đã khóc khi nghe một sư cô chia sẻ. Tí biết không, sư cô có một người em trai và một thầy khác cùng quê với sư cô cũng đi xuất gia. Thầy ấy đi xuất gia đã lâu lắm, đã trở thành một thầy lớn và rất giỏi. Rồi sau đó cả em trai của sư cô và cả thầy đều lần lượt rời tăng thân. Khi ấy, sư cô đã rất buồn và nghĩ có lẽ quê sư cô không có duyên để có những người xuất gia thành công, và sư cô lo sợ là mình rồi cũng sẽ không thành công. Khi ấy sư cô cảm thấy rất bơ vơ. Ở trong nhà, mình có anh hay chị lớn, khi mình có chuyện gì thì anh, chị lớn của mình đỡ đần cho mình. Khi anh chị mình giỏi giang, dễ thương thì mình rất là an tâm và an ổn. Tí là anh lớn nên trong trường hợp của Tí thì có ba mẹ ông bà đỡ đần cho Tí. Ở trong chùa cũng vậy, mình nương vào những vị đi trước, mà nếu vị đó ở cùng quê hương của mình thì lại càng tuyệt vời, bởi vì thường thường khi đi tu mình có hạnh nguyện xây dựng quê hương, giúp người thân biết tu tập để cho cuộc sống có thêm niềm vui, làm vơi nỗi khổ.
Vì vậy khi thầy lớn ấy rời tăng thân, sư cô buồn và thấy mình mất đi một nơi nương tựa. Rồi sư cô nghĩ nếu mình cũng ra đi thì những sư em đi sau rồi cũng sẽ không có chỗ nương tựa như mình. Vì vậy sư cô đã phát một nguyện lớn là sư cô phải là một người xuất gia thành công. Một ngày nào đó, sư cô cũng sẽ trở thành một sư cô lớn, và khi đó sư cô có thể làm chỗ nương tựa cho các em nhỏ của mình.
Nghe sư cô chia sẻ như vậy, chị đã khóc đó Tí à. Tí đừng cười chị "mít ướt" nha. Chị có cái "bịnh" đó. Cái bịnh là hễ tiếp xúc với cái gì đẹp là chị khóc. Khóc vì nó quá đẹp, nó quá lành. Chị khóc khi sư cô chia sẻ còn vì chị nhớ lại mình là người xuất gia đầu tiên và duy nhất của gia đình. Tí cũng như chị, lớn lên ở một làng quê (đúng ra là nửa quê nửa chợ). Chùa làng vài ba cái, thầy trú trì nào cũng có vợ con ở chung phía sau chùa. Đạo Bụt mình được "nhìn thấy" là một đạo Bụt tín mộ, đạo Bụt dành cho người chết, hoàn toàn không có liên hệ gì với người sống. Chỉ khi nhà nào có người mất thì mới rước thầy về tụng kinh thôi. Nhà mình thì lại còn không có cả cái đó. Nhà mình khi ông cố của Tí mất thì có cả một dàn nhạc với kèn trumpet. Vì vậy với gia đình mình, đạo Bụt mà chị đang tu tập thật là xa lạ. Ngay cả Tí cũng thấy vậy có phải không?
Chị sống xa nhà từ khi Tí chưa sinh ra. Vì vậy thỉnh thoảng chị mới có dịp gặp Tí. Mỗi lần chị về thăm nhà là mỗi lần chị thấy Tí lớn lên. Hồi nhỏ Tí không phải là một đứa bé hiếu động. Tí có thể ngồi chơi một mình lặng lẽ hàng giờ với những đồ chơi đơn giản như những chiếc vỏ sò. Nhìn Tí ngồi chơi chị thấy rất hạnh phúc. Bây giờ, Tí cũng không phải là một người trẻ có khuynh hướng ồn ào và nhiều bè bạn. Mỗi chiều, thấy Tí lên thắp hương bàn thờ, chị vui khi thấy Tí vẫn giữ được cái đẹp truyền thống đó. Thắp hương là một cách để mình tiếp xúc với ông bà tổ tiên, để ý thức mình chính là sự tiếp nối mầu nhiệm của các vị, để thấy mình đang mang các vị về tương lai. Trong mình đang có những cái đẹp, những tính tốt của các vị, đồng thời trong mình cũng có những cái chưa đẹp, những khổ đau mà liệt vị đã trao lại cho mình qua nhiều thế hệ. Thắp hương như thế mình sẽ thấy lòng ấm áp lắm Tí ạ. Thắp hương như thế cũng giúp cho mình trở nên khiêm tốn với những thành tựu mà mình có và không mặc cảm với những cái chưa hay mà mình đang có. Thắp hương như thế cho mình động lực là tất cả những gì mình làm mình biết là mình đang làm không chỉ cho mình mà cho tất cả ông bà cha mẹ tổ tiên.
Chị cũng thấy Tí rất tốt bụng, nhờ gì Tí cũng làm. Tí biết rất nhiều về vi tính, khi nào ai "bí" kêu Tí là Tí đến giúp ngay. Tí rất là lễ phép, tan học là về nhà, ít khi tụ họp bạn bè. Tí sống đơn giản, rất lành và có phần lặng lẽ, ít đua đòi. Chị thấy ba mẹ Tí may mắn lắm vì có một đứa con như Tí, biết lắng nghe những lời khuyên nhủ. Thời gian rảnh, chị thấy hình như Tí thường làm bạn với cái máy nho nhỏ cầm tay. Chị nhớ có một lần, một người mẹ ở Việt Nam đã liên lạc và tâm sự với chị về việc con gái của cô ấy lúc nào cũng bị cái máy nho nhỏ ấy cuốn đi vì bị "nhận chìm" trong thế giới ảo của facebook. Có vẻ như hạnh phúc niềm vui của cô con gái đều đến từ cái thế giới ảo đó. Cô ấy đã trở thành nạn nhân của thế giới ảo và hoàn toàn mất đi khả năng có mặt cho những người thân đang ở ngay bên cạnh, thậm chí cô ấy cũng không có khả năng có mặt cho chính bản thân mình. May mắn quá, Tí của chị không như thế.
Thế hệ của Tí là thế hệ của bùng nổ thông tin cho nên chị cũng không ngạc nhiên khi thấy Tí ít nói, cả ngày chỉ đi học về, lên bàn ăn vài bát cơm thật nhanh. Tí bảo là không thể ăn chậm được, bởi vì Tí không có thời gian. Nghỉ trưa một lát Tí lại phải đi học tiếp. Đi học về buổi tối chị thấy Tí lại rút vào cái góc của mình, hoặc nằm võng đọc bài, hoặc chơi game trên máy i-touch. Thời gian Tí trò chuyện và chơi với em, hoặc với ông bà, hoặc với ba mẹ rất là ít, hầu như không có. Nhiều lần chị cũng muốn hỏi han Tí, nhưng Tí bận quá. Tuy vậy, hễ ai nhờ gì là Tí thường giúp đỡ rất tận tình.
Thế hệ của Tí là thế hệ của Doremon, của truyện hình vẽ theo kiểu mega. Tí có đam mê theo nghề vẽ, và đương nhiên là cũng theo phong cách đó. Thế hệ của Tí không nằm võng những trưa hè đọc sách, hoặc chép thơ, chép bài hát vào tập để hát nghêu ngao như thế hệ của chị. Thế hệ của Tí cũng không trốn ngủ trưa ra vườn trèo cây hái ổi, hái xoài, hái mãng cầu. Thế hệ của Tí không mơ mộng xa xôi qua những trang sách, những bài thơ, bởi vì TV có thể mở cả ngày, tất cả đều trở thành có sẵn. Chị ước gì mình có thể trung hòa được những cái của hai thế hệ để mọi cái vẫn còn được nguyên sơ và đẹp đẽ, để tâm hồn Tí có thể bay bổng được một chút trong thế giới của trí tưởng tượng tuổi thơ. Những cái đó đẹp vô cùng Tí ạ. Những cái đó đem lại cho mình rất nhiều không gian và niềm vui nhè nhẹ ở trong lòng. Những cái đó sẽ đi theo mình trong suốt cuộc đời, để khi nào mình đi qua những vấp ngã, những khó khăn, mình bị những vết thương lòng, mình sẽ có cái đó để quay về mà nuôi dưỡng và ôm ấp những vết thương. Những cái đó sẽ an ủi mình, giúp mình không bị cô đơn. Mình sẽ không cần phải tìm kiếm sự an ủi ở người khác hoặc ở những giá trị bên ngoài.
Sống trong chùa, chị có nhiều may mắn. May mắn lớn nhất là làn sóng ồ ạt của khoa học kỹ thuật không có ảnh hưởng tuyệt đối đến sự tự do của chị. Chị thấy mình vẫn còn có chủ quyền trong việc chọn lựa cái gì cần và cái gì không cần cho hạnh phúc của mình.
Đã nhiều năm, Thầy chị đã tìm rất nhiều phương cách để ngăn chặn làn sóng ấy, không để cho nó nhấn chìm nếp sống trong chùa. Ở đây, các thầy và các sư cô tập không có địa chỉ email riêng, không có facebook riêng, không có điện thoại riêng. Nói chung là không làm chủ cái gì riêng của mình cả. Chắc Tí nghĩ như thế thì chán chết, rất là gò bó. Nhưng chị thì lại không thấy vậy. Chị thấy mình khỏe lắm Tí à. Tí có biết tại sao không? Tại vì mắt chị không thường xuyên phải thấy những hình ảnh không nuôi dưỡng, có tính cách bạo động hay tưới tẩm những tham đắm trong lòng chị. Chị cũng không bị những thức ăn ngon, những quần áo đẹp, những bằng cấp lôi kéo… Tai chị không nghe những lời lẽ không dễ thương hay bi lụy mà người ta sử dụng. Chị không phải tiếp xúc quá thường xuyên với những hình ảnh có tính cách bạo động, khiêu dâm, tưới tẩm những hạt giống tham lam, nghi kỵ, hờn giận, ganh tị trong lòng. Những cái đó ngày nào mà TV không chiếu từ sáng cho tới tối? Mua một cái máy hay cái xe mới, chỉ vài ngày sau là có cái mới hơn ra đời. Và mình lại phải chạy theo để mua cho được cái mới đó. Chị cũng không phải lo sợ những gì mình cố gắng đạt được hay đang có sẽ bị mất đi.
Chắc Tí sẽ hỏi chị rằng có gì sai khi mình ăn ngon mặc đẹp. Ai bây giờ không phải tìm một mảnh bằng để kiếm việc làm nuôi sống bản thân? Chị đồng ý với Tí một trăm phần trăm. Ở Làng Mai có nhiều người trẻ đang học phổ thông, hoặc đang học đại học, hoặc trên đại học về đây học cách để có thể làm hết tất cả những cái mà chị đã liệt kê ở trên nhưng vẫn có bình an, không bị những cái đó sai khiến. Họ có đủ sự bình tĩnh, khi có căng thẳng họ biết cách buông thư, không để cho bài vở làm mình trở thành nô lệ cho bằng cấp. Họ cũng đồng thời về đây học cách thương yêu. Những người trẻ về đây rất đẹp Tí à. Họ đẹp vì tuổi trẻ, đẹp hơn vì họ biết chăm sóc tâm hồn.
Tí ơi, có nhiều người trẻ tự hỏi mình cái gì là hạnh phúc đích thực? Có một lúc họ đã dừng lại, suy tư một chút và tự hỏi mình có mặt trên đời để làm gì? Họ băn khoăn tự hỏi chẳng lẽ mình sinh ra, chỉ để lớn lên, đi học, lấy cái bằng, tìm việc làm, có chồng, có vợ, sinh con đẻ cái, rồi chết đi? Chỉ như thế thôi sao? Họ nghĩ phải có một cái gì có ý nghĩa trong cuộc đời của mình. Hay chính những cái đó làm cuộc đời có ý nghĩa?
Thật là may Tí à, có rất nhiều người trẻ đã tự hỏi mình những câu hỏi đó, và họ đã đi tìm câu trả lời cho chính mình. Bởi không ai có thể trả lời cho mình cả. Chị cũng đã đi tìm, tuy là chị đi tìm hơi muộn. Chị chỉ bắt đầu ngờ ngợ về câu hỏi đó khi đã gần đến tuổi 40. Hơi muộn, nhưng cũng không muộn lắm
Tí biết không, ngay khi Tí đang đọc những dòng chữ này của chị, hay có thể đang nằm võng lướt mạng thì có rất nhiều người trẻ, và cả những người không còn trẻ nữa, đang cùng nhau tìm hiểu về sự nóng lên của toàn cầu và làm công tác vận động bảo vệ sinh môi để làm quá trình hâm nóng toàn cầu ấy chậm lại. Nhiều người khác đi đến những vùng chiến tranh, bom đạn để làm công tác cứu trợ, cứu thương. Nhiều người khác cũng đang miệt mài đèn sách như Tí, nhưng đồng thời họ cũng dành thì giờ để đi thiền hành, ngồi thiền, gặp gỡ những người trẻ có tâm huyết và có chí hướng khác để trao đổi, học hỏi.
Trong mắt chị, Tí cũng là một người trẻ rất đẹp. Và chị ước sao Tí có cơ hội để gặp gỡ những người trẻ như vậy. Chị biết Tí sẽ rất vui và học hỏi được nhiều từ họ để tâm hồn Tí càng ngày càng đẹp hơn lên, để Tí biết cách nhận diện, biết cách xử lý khi cơn giận nổi lên, khi có những điều bất như ý hay khi mình đi qua những thử thách, khổ đau. Để mình không vung vãi những khổ đau của mình và làm những người thương xung quanh mình bị khổ lây và cũng để cho Tí mở lòng ra tiếp xúc với một thế giới rộng lớn hơn, với đất Mẹ.
Viết thư này cho Tí, chị không có ý định dạy đời, khuyên bảo, lại càng không có ý định phê phán hay lên án cách sống của Tí. Đây chỉ là những lời tâm sự của một người chị muốn chia sẻ với Tí mà thôi. Nếu sau khi đọc xong những dòng tâm sự này của chị, Tí tự hỏi mình "cái gì là hạnh phúc đích thực" và bắt đầu đi tìm câu trả lời cho chính mình thì chị sẽ rất là vui.
Thư đã khá dài, chị dừng ở đây nha. Chị hẹn Tí thư sau.