Hành trình Bắc Mỹ 2015: Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 1)
Ghi chép về chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm 2015 của Tăng thân Làng Mai, với chủ đề: “Phép lạ của sự tỉnh thức”
Bích Nham, ngày 5 tháng 9 năm 2015.
Bạn thân mến,
Sáng nay là lễ truyền Năm Giới, cũng là ngày bế mạc khóa tu đầu tiên trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm nay của đại chúng Làng Mai. Bạn biết rồi đó, đại chúng Làng Mai không chỉ là ba xóm Làng Mai ở Pháp mà bao gồm quý thầy quý sư cô đến từ rất nhiều trung tâm và tu viện của Làng ở khắp nơi: Mỹ (tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham và tu viện Mộc Lan), Thái Lan, Thiền đường Hơi Thở nhẹ (Paris)…
Tôi lên thiền đường khá sớm, mang theo một xấp kinh “Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ” bằng tiếng Anh (bản Tâm Kinh mới do Sư Ông Làng Mai dịch lại vào tháng 8/2014). Tôi được dạy là mang kinh lên để ở đầu hàng mà quý thầy quý sư cô sẽ ngồi. Đột nhiên tôi nhận ra là mình đang muốn lấy một tấm để mang về chỗ ngồi. Thông thường khi mình đi phát một cái gì đó, mình hay có thói quen dành một cái cho mình trước. Tôi tự hỏi chẳng biết người khác có khuynh hướng ấy như tôi không. Ý thức về cái thói quen ấy đến với tôi ngay khi nó đến, và tôi hơi ngạc nhiên. Đương nhiên là tôi đã không đi theo cái thói quen đó. Tôi về chỗ của mình, ngồi xuống và mỉm cười với nó. Đây là một điều rất nhỏ nhặt, thậm chí chẳng có gì đáng chú ý, vậy mà nó làm cho tôi vô cùng thích thú khi phát hiện ra. Mình đang là một tế bào của tăng thân, mình đâu cần phải thủ trước cái gì đâu, dòng sông tăng thân sẽ đưa mình đi tới thôi. Thật vậy, ngồi một lát, xấp kinh đã dần dần chuyển tới từng người.
Khoảng 100 thiền sinh đã thọ 5 giới trong khóa tu tại tu viện Bích Nham
Chuyến hoằng pháp năm nay ở Bắc Mỹ là chuyến đầu tiên không có Sư Ông. Nó có tên là “Phép lạ của sự tỉnh thức”. Có tên đó là vì năm nay quyển sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” của Sư Ông được tròn 40 tuổi. Cái tuổi mà nếu là một con người thì cổ nhân nói là Tứ thập …
Đây cũng là lần đầu tôi được theo tăng đoàn đi hoằng pháp nên cái gì đối với tôi cũng mới tinh. Dù là ở tất cả các trung tâm của Làng Mai, mô thức tổ chức đều tương tự như nhau, nhưng mỗi miền đất, mỗi nước đều có văn hoá, luật lệ, lề lối đặc thù của nơi đó. Tôi thấy mình có cơ hội quan sát, lắng nghe và học hỏi.
Cũng như ở Làng Mai bên Pháp, buổi chiều thiền sinh đến thì tối có một buổi hướng dẫn tổng quát. Họ sẽ được cho biết là mình thuộc vào nhóm sinh hoạt (mà ở Làng gọi là gia đình) nào, trong một tuần lễ tiếp theo đó, họ sẽ cùng làm việc và pháp đàm với các thành viên trong gia đình đó. Trong khóa tu tại tu viện Bích Nham, hầu như mỗi gia đình như thế đều có hai vị giáo thọ hướng dẫn pháp đàm – một giáo thọ xuất sĩ và một giáo thọ cư sĩ.
Sau ngày khai mạc khóa tu, trời bỗng mưa một trận rất lớn. Đã lâu tôi chưa thấy có trận mưa nào to như thế. Rất giống mưa ở Việt Nam. Mấy năm nay tôi ở Pháp thấy mưa dù có lớn đến mấy cũng không có sự “rầm rập”, đều và nặng hạt như thế. Cứ như thể ông Trời giúp mình lau rửa, tẩy tịnh cho khóa tu vậy. Những ngày còn lại của khóa tu, trời rất đẹp.
Trong bài pháp thoại đầu tiên, tất cả đại chúng, xuất sĩ và cư sĩ, giáo thọ và không giáo thọ được mời thực tập thật hết lòng trong khóa tu này. Thực tập làm gì thì chỉ làm một việc mà thôi. Tiếng Anh gọi là mono-tasking. Trong thời buổi hiện đại này, ai mà có kỹ năng làm nhiều việc cùng một lúc (multi-tasking) thì sẽ có cơ may tìm được việc làm hơn người khác (và cũng dễ bị stress, bị hết xí quách – burn out hơn người khác). Vậy mà trong pháp môn thực tập của Làng Mai, mình lại có pháp môn thực tập mỗi lần một việc. Bạn có thấy mình đi ngược dòng không, có lạ không? Ấy thế mà các bạn thiền sinh đã cùng chúng tôi thực tập như thế trong khóa tu 6 ngày này. Đi thì chỉ đi, nói thì chỉ nói, không vừa đi vừa nói (lâu lâu cũng hơi quên một chút, làm sao mình hoàn hảo được phải không bạn?).
Tôi thích nhất là nhìn thấy những thiền sinh trẻ. Có người đến nhiều lần, có người mới đến lần đầu. Trong gia đình pháp đàm mà tôi tham dự, có một em rất trẻ mới đến tham dự lần đầu. Em cho biết em đã có một việc làm mơ ước với số lương mơ ước. Vậy mà em vẫn không hạnh phúc cho nên em đã bỏ việc. Lúc ban đầu em chia sẻ là em không biết việc pháp đàm này có lợi lạc gì, hát thiền ca và tụng kinh trước pháp thoại với em sao giống nhà thờ Công giáo, và còn một số các nhận xét tiêu cực khác nữa.
Bạn biết rồi đó, thực tập ở Làng Mai ít khi trong lúc pháp đàm mà người ta trả lời câu hỏi của bạn lắm. Câu trả lời sẽ đến với bạn trong khi bạn thực tập lắng nghe sâu khi người khác chia sẻ, khi bạn nghe pháp thoại, trong khi bạn thiền hành, trong khi bạn thở. Vì thế đã không có ai trả lời những câu hỏi của em ấy cả. Mọi người chỉ chia sẻ những kinh nghiệm thực tập của chính mình, trong hoàn cảnh của chính mình mà thôi. Và bạn biết không, em ấy chính là người chủ động xin emails của tất cả các thành viên trong gia đình và đề nghị mọi người giữ liên lạc với nhau. Trong buổi pháp thoại cuối cùng, em ngồi ghi chép từ đầu đến cuối những gì được dạy. Em đã đến tham dự buổi pháp đàm không có trong thời khóa mà gia đình tự tổ chức (không ai muốn chia tay nên mọi người đã quyết định có thêm một buổi pháp đàm). Em xá từng người một cách rất hết lòng khi họ kết thúc chia sẻ. Thú thật với bạn, đã có lúc tôi thấy hơi ngại cho em, bởi vì nhóm pháp đàm này phần lớn ai cũng từ 40 tuổi trở lên. Tôi nghĩ em nên ở bên gia đình Wake Up thì hợp hơn. Tôi đã hơi nhầm có đúng không hở bạn?
Có một bác năm nay đã trên 70 nói rằng bác ấy đã có rất nhiều ngại ngùng về khóa tu này vì sự vắng mặt của Sư Ông. Tuy nhiên sau hai bài pháp thoại, bác nói rằng Sư Ông đã đào tạo được những giáo thọ tuyệt vời, và bác tin rằng pháp môn của Làng Mai sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng của nó như nó đang là. Trước đây bác nghĩ là không có Sư Ông thì chắc là điều đó là không thể.
Ngày hôm nay khoá tu kết thúc. Mọi người đã ra về. Họ ra về với nhiều tâm trạng lắm, bạn có biết không. Có người thấy mừng vì khóa tu kết thúc để được trở về với những tiện nghi quen thuộc hàng ngày (đến đây ngủ lều, hay ở trong phòng cả chục người, dùng chung một phòng vệ sinh, phải thức dậy mỗi ngày vào lúc 6 giờ). Có người vừa vui vừa mừng lẫn lộn, bởi vì khi trở về nhà thì lại phải đi vào các vòng quen thuộc của cuộc sống hàng ngày với những lo toan thường nhật, trong một môi trường thiếu thực tập. Có người thì chẳng muốn về tí nào cả (dù cho có một ông bạn sống chung rất dễ thương cùng tu tập, làm cho ông ấy khi nghe thì hơi buồn một chút)… Nói chung, băn khoăn phổ biến nhất là làm sao để đem pháp môn về nhà, làm sao tiếp tục được sự tu tập ở nhà.
Thì đây, bạn không thấy sao, ai tới Làng cũng “bị bắt” không rửa nồi thì chùi toilet, không giúp cắt gọt thì sắp bồ đoàn tọa cụ cho thiền đường, không làm chuyển hóa rác thì cũng giúp lau bàn dọn chén, hoặc khử trùng chén bát. Ai đến đây cũng được tham gia vào những công việc thường nhật mà họ phải làm khi trở về nhà, ai cũng phải đi đi lại lại hàng ngày từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy ngoài những lúc ngồi thiền trong thiền đường, ai cũng được khuyến khích tập thở, tập ý thức bước chân, ý thức đến những gì mình đang làm, mình đang nói hay đang nghĩ. Nghĩa là sống trong chánh niệm để khi về nhà, bạn cũng cứ vậy mà làm. Chỉ khác một tí là ra “ngoài nớ”, bạn sẽ thực tập không có sự yểm trợ trực tiếp của quý thầy quý sư cô. Vì vậy, bạn phải là một người chuyên cần và có con mắt hơi có khả năng nhìn sâu một tí. Có khả năng ấy, bạn sẽ thấy Sư Ông, quý thầy quý sư cô có mặt với bạn rất sâu sắc trong từng bước chân, từng hơi thở, trong chánh niệm.
Sẽ viết tiếp cho bạn trong những thư kế tiếp bởi vì Bích Nham chỉ là chặng đầu tiên của chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ mà thôi.
Để biết thêm thông tin về các khóa tu do tăng thân Làng Mai tổ chức trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm nay, xin mời bạn xem tại đường link: tnhtour.org
Thân mến thở và cười cùng bạn,
Tâm Trì Địa.