Lạy thứ nhất
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.
“Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hoá. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ. nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu dù khi sinh tiền có lúc gặp khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con từ lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng bờ cõi, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt nam có thuỷ có chung, có nhân có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con”
Nếu ta là một người khổ đau, nếu ta cảm thấy ta như một thân cây bị bứng gốc, đó là tại ta đã không trở về để tiếp xúc và tiếp nối được với dòng họ và tổ tiên của ta. Ta không có niềm tin, ta sẽ khó tiếp nhận được nguồn sinh lực và năng lượng của tổ tiên dòng họ. Ta như là một máy thâu thanh không có điện lực, không có khả năng bắt được nguồn sóng điện của đài phát thanh. Ta là một vật chết. Khi lạy xuống ta có thể phục hồi được khả năng truyền thông của ta.
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. Ta thỉnh một tiếng chuông và lạy xuống, trong khi ấy có một người đọc lên lời quán niệm để giúp ta. Những lời quán niệm có tính cách hướng dẫn thôi, mỗi người chúng ta sau đó phải viết ra lời quán nguyện thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình.
Con thấy cha con, con thấy mẹ con. Trong khi phủ phục ta phải thấy được hình dáng của cha, thấy được hình dáng của mẹ ta. Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Ta phải thấy cha ta trong ta, mẹ ta trong ta rất cụ thể, chứ không phải chỉ một hình ảnh. Ta là gì? Ta là sự tiếp nối của cha và mẹ ta. Ta là cha mẹ. Cho nên giận cha, giận mẹ là chuyện vô lý đáng lẽ đã không xảy ra được. Giận cha giận mẹ tức là giận bản thân mình. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Trong khi phủ phục, ta thấy được cha, được mẹ, qua cha mẹ ta thấy ông bà của cả hai bên nội ngoại. Nếu có những hình ảnh thì ta sử dụng những hình ảnh ấy để làm sống dậy sự thật. Trong khi thấy những hình ảnh ấy ta có thể mỉm cười. Ta thấy các vị ấy hiện tại đang sống trong ta và trong lúc đó ta làm cho sự lưu thông giữa ta và các vị trở thành một sự thật. Đây là chữa bệnh, đây là trị liệu. Đối với những người giận cha giận mẹ giận tổ tiên thì cái lạy này là để tự cứu chữa lấy. Ta có đủ yếu tố để cứu chữa ở trong ta. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Sức khoẻ của các vị có trong ta. Nếu ta có ông cố sống tới tám mươi hay chín mươi tuổi thì ta biết rằng ta cũng có thể sống tới tám mươi hay chín mươi tuổi, nếu ta biết cách. Sống được tám mươi hay chín mươi tuổi, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ mà là sự tiếp thu khả năng của truyền thống. Cách sống của ông cố như thế nào mà đã khiến cho ông cố sống được tám mươi hay chín mươi tuổi? tại sao ta không tiếp nối được. Ta chỉ biết nói rằng ta có thể chỉ chết yểu mà thôi! Vô lý. Trong khi cúi xuống ta nói: ông cố ơi, ông cố về với con đi, giúp con đi, con muốn được sống mạnh khoẻ và lâu dài như ông cố. Tự nhiên liên hệ truyền thống được tái lập và tiếp nhận không biết bao nhiêu năng lượng của tổ tiên. Nụ cười, cách sống đơn giản và mạnh khoẻ của những người đi trước ta, ta có thể thấy được. Ta biết rằng những cái đó có mặt trong ta, nếu ta biết cách làm chúng sống dậy thì chính chúng sẽ nuôi dưỡng ta. Khi thấy những nỗi khổ niềm đau của cha mẹ hay của ông bà, ta cũng biết là những nỗi khổ niềm đau đó cũng có ở trong ta và ta biết rằng nhờ được thừa hưởng tuệ giác của gia đình tâm linh, ta có thể chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau đó của tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Ông bà và cha mẹ đã giao phó cho ta hạnh phúc của họ, nhưng cũng đã giao phó những khổ đau của các vị cho ta để ta chuyển hoá. Có những sự nghiệp mà tổ tiên chưa làm được, đang còn đau đáu ở trong lòng, thì ta và con cháu phải nguyện làm cho được. Ta có năng lượng đó của tổ tiên. Khi ta chuyển hoá được nhưng khổ đau ấy thì ta chấm dứt được những khổ đau cho cả tổ tiên và dòng họ. Ta tu cho tất cả tổ tiên và con cháu của ta nữa. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau được truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hoá. Đó là một lời nguyện. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Trong khi phủ phục, ta tiếp nhận tất cả những năng lượng đó. Ta mở con người của ta ra, không phải chỉ là mở trái tim mà mở cả da thịt của ta để đón nhận. Đón nhận nghĩa là gì, nếu những hạt giống kia đã có sẵn trong người của ta rồi? Nếu ta cho phép, nếu ta mở cửa, tự nhiên những năng lượng ấy từ bên trong tuôn trào ra, chứ không phải là từ bên ngoài đi vào. Cũng vì lý do ta tự bít lấp, tự mình sống cô đơn và tách biệt nên chúng đã không thể biểu hiện ra được. Những năng lượng Từ, Bi, Hỷ và Xả cũng thế. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên, ông bà và dòng họ. Điều này là một sự thật, không phải chỉ là một sự cầu nguyện. Gốc rễ của ta là cha mẹ, tổ tiên và dòng họ. Trong con người của tổ tiên cha mẹ và dòng họ có chất liệu của sự vững chãi, sự an lạc và niềm tin tưởng thì đáng lý ra trong ta cũng phải có chất liệu của sự vững chãi, an lạc và niềm tin đó, tại sao ta không có? Không có là tại vì ta, chứ thật ra những thứ đó đã được trao quyền thầm lặng. Dầu cha ta và mẹ ta không chính thức trao quyền cho ta bằng lời nói, nhưng qua huyết thống họ đã trao truyền những năng lượng đó cho ta. Họ trao truyền nhưng có thể họ không biết là họ trao truyền. Họ cũng đã tiếp nhận chúng âm thầm từ tổ tiên và họ cũng đã trao truyền chúng cho ta một cách âm thầm và ta phải biết tiếp nhận. “Về đây tiếp nhận gia tài” là vậy. Con chỉ là sự tiếp nối của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Đây là lời khấn, đây là lời nguyện, và đây cũng là phương pháp mở xương thịt ra để tiếp nối nguồn năng lượng ấy, để cho phép nguồn năng lượng ấy – vốn đã có trong máu huyết trong tâm địa của mình – được tuôn chảy. Nói là xin trao quyền nhưng kỳ thực những năng lượng ấy đã được trao truyền.
Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó. Câu này trong văn hoá ta là một câu truyền miệng trải qua bao thế hệ: con cháu ở đâu thì ông bà ở đó. Ta đang ở miền nam nước Pháp thì ông bà ta cũng đang ở miền nam nước Pháp. Các vị ở đâu? Không phải là sát bên cạnh ta mà ngay ở trong ta. Tất cả ông bà tổ tiên ta đều đang sống trong ta. Họ chưa bao giờ từng chết, tại vì ta là sự tiếp nối của họ. Mỗi khi ta cười tất cả đều cười, mỗi khi ta khóc tất cả đều khóc. Đó là tuệ giác của Bụt. Mỗi khi ta ganh ghét tất cả đều ganh ghét, mỗi khi ta chán đời, tất cả đều chán đời. Con biết rằng con cháu ở đâu thì ông bà tổ tiên ở đó. Con biết cha mẹ nào ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cháu dù khi sinh tiền có lúc gặp khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm yêu thương và sự đùm bọc đó. Điều này rất quan trọng. Có những người giận cha, có những người giận mẹ, có những người oán hờn cha mẹ cũng vì cha mẹ có thể rủi ro đã gặp phải khó khăn mà không có khả năng bộc lộ được yêu thương. Nhưng trong chiều sâu của tâm cảm tình thương đó vẫn có. Không có cha mẹ nào mà không thương con, dù bên ngoài họ làm giống như từ con, ghét con, bỏ con. Sự thật là tình thương đó thâm trầm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu cha mẹ ông bà và tổ tiên mà không thương yêu và yểm trợ cho con cháu thì còn ai thương yêu, yểm trợ cho con cháu? Nhìn cây chuối ngoài sân chúng ta thấy rằng khi cây chuối còn non chỉ có hai lá, và khi lá thứ bai tượng hình thì chính hai lá chị đã dồn sức nuôi lá em. Hai lá đầu đã thở, đã hút khí trời, đã dồn năng lượng, đã khiến cho lá thứ ba cuộn tròn, lớn lên và nở ra. Đến khi lá thứ tư tượng hình thì chính lá thứ ba cũng góp phần nuôi lá thứ tư với hai lá chị và cứ như vậy cho đến khi cây chuối lớn. Những lá đầu bắt đầu tàn rã nhưng tất cả tinh lực của chúng đã được dồn vào trong những cái lá kế tiếp. Nhìn kỹ trong lá sau chúng ta thấy lá trước có mặt, không bao giờ mất. Nhìn vào trong ta, ta thấy tất cả những tinh lực của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nếu năng lượng đó không được dồn vào thì còn được dồn vào đâu nữa và nếu ta cứ tiếp tục thù hận và ghét bỏ cha mẹ chúng ta thì thử hỏi cái vô minh của chúng ta nó lớn tới mức nào. Có thể là cha và mẹ vì đã lâm vào những trường hợp quá khó khăn, không có những điều kiện thuận lợi cho nên đã có lúc la mắng rầy rà từ bỏ và làm khổ chúng ta, nhưng không phải vì vậy mà nói rằng không có sự tiếp nối, không có sự nuôi dưỡng, không có sự hỗ trợ đùm bọc. Những người giận cha, giận mẹ phải quán chiếu về điểm này cho thật kỹ lưỡng. Tây phương đã đi theo đường lối cá nhân chủ nghĩa quá lâu và nhiều người có thể đã trở thành ra quá biệt lập với tổ tiên, dòng họ, cha mẹ và xã hội.
Con thấy cha ông các con từ lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ khai sáng đất nước, mở rộng bờ cõi, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt Nam có thuỷ có chung, có nhân có hậu. Ta thấy được tất cả những điều đó, ta thấy được công trình của bao thế hệ đi trước. Sống trên đất nước này, đứng trên đất nước này, ta thở, ta nhìn thấy cây cỏ, ta thấy được tất cả những thế hệ ấy. Ta làm thế nào mà tách rời ta ra khỏi họ được? Cảm tưởng cô đơn xa cách là một ảo giác, một vọng tưởng, và chính vì vọng tưởng đó cho nên ta đã khổ đau và cô đơn. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Đây là một điều rất rõ ràng. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên, của gia đình huyết thống của con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con. Tới đây nghe một tiếng chuông ta đứng dậy. Trong thời gian phủ phục, chúng ta đã nối tiếp lại được với tất cả dòng họ và tổ tiên và có thể chỉ cần lạy như vậy trong vài tuần lễ là chúng ta sẽ khôi phục được sức khoẻ và cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi kia sẽ biến mất. Có những thiền sinh Tây phương tới học ở Làng Hồng đã công nhận là sau một vài tháng thực tập năm cái lạy họ thấy chuyển hoá, họ bắt đầu thương được cha, thương được mẹ và cảm thấy rằng mình không phải là một thực tại biệt lập cô đơn nữa.
Ta đứng thở độ chừng năm bảy hơi cho khoẻ rồi xướng câu thứ hai. Những người thuộc truyền thống tôn giáo khác đang thực tập đạo Bụt thì có cái lạy thứ sáu, một cái lạy để trở về nối tiếp với truyền thống tâm linh cũ của mình hoặc là Do Thái giáo, hoặc Cơ Đốc giáo, Pháp môn của chúng ta khuyến khích những người đó trở về với cội nguồn, thiết lập sự lưu thông với văn hoá họ, với nếp sống tâm linh của họ. Người Phật tử không phải là những nhà truyền giáo muốn bứng người ta ra khỏi gốc rễ tâm linh của người ta. Phật tử đang hành đạo ở Tây phương phải khuyến khích người ta trở lại gốc rễ tâm linh của họ. Sự thực tập đạo Bụt là một phương tiện rất hay để giúp cho người ta trở lại và nối tiếp lại với dòng họ, với văn hoá, với tổ tiên của người ta. Chúng ta làm như thế vì biết rằng nếu không thì họ sẽ không có hạnh phúc chân thật.