Vướng mắc

Vướng mắc là bản chất của tình thương khổ lụy. Tình thương mà Bụt muốn ta chế tác là tình thương không khổ lụy, không vướng mắc. Có người hỏi: Nếu tình thương không có vướng mắc thì đâu phải là tình thương? Đó là tại vì ta chưa thấy được cái bản chất của tình thương đích thực. Trong mỗi chúng ta đều có khuynh hướng thương vướng mắc, người trẻ cũng vậy mà người già cũng vậy. Khuynh hướng ấy có nguyên do ở ngã chấp và vô minh… Vô minh và ngã chấp ấy đã trở thành câu sinh, nghĩa là khi sinh ra đã có như vậy rồi. Thành thử ra khi thương một người, ta có khuynh hướng chiếm hữu người đó. Ta nói: người đó là người thương của tôi, anh không được đụng tới, chị không được đụng tới. Khi ta được thương ta cũng có khuynh hướng đó, ta muốn rằng ta là đối tượng duy nhất của tình thương kia; người ấy đã thương mình rồi thì không được thương người nào khác nữa. Tình thương ấy có chất liệu của sự vướng mắc, của sự chiếm hữu (possessive love). Khi thương ta có khuynh hướng chiếm hữu người ta thương, ta nói: đây là “ta” và đây là “của ta” (ngã và ngã sở). Tình thương ấy có tính cách độc tài. Độc tài nghĩa là tôi thương anh thì tôi muốn anh không được thương người khác, không được làm cái này, không được làm cái kia, chỉ được làm theo ý tôi mà thôi. Tình thương bi lụy có tính cách chiếm hữu, độc tài và cố nhiên là vướng mắc. Đôi khi trong tình đồng đạo cũng có chút ít sự độc tài, vướng mắc và chiếm hữu ấy. Nếu có “chút ít” thì không sao, nhưng nếu mức độ ấy mà lên cao thì nó bắt đầu tạo khổ đau cho người thương và cho người được thương.

Phóng tầm mắt chánh niệm để quan sát những cuộc tình xung quanh, chúng ta thấy rằng số lượng những người đang bị vướng vào cái tình thương vướng mắc độc tài và chiếm hữu rất nhiều. Ngay tình cha với con cũng vậy. Cha có thể nghĩ rằng con là vật sở hữu của mình: “Mày là con tao, vì vậy mày phải nghe lời tao, mày chỉ được học cái này, làm cái này và chơi cái này thôi; nếu mày không học cái này, không làm cái này, không chơi cái này thì mày không phải là con tao. Tao sẽ từ mày”. Đó là tình thương độc tài có chiếm hữu. Còn người tình thì nói với người tình: “Em không được đi chợ giờ đó, em không được bôi thứ nước hoa đó, em không được mặc áo màu đó…” Khi ta thương với tính cách độc tài như thế, ta bỏ người ta thương vào trong một tù ngục và người thương ta sẽ kẹt cứng. Cái gọi là “lâu đài tình ái” ấy chẳng qua chỉ là một nhà tù mà thôi. Một nhà tù sơn son thếp vàng, đề bốn chữ “lâu đài tình ái”. Khi cưới nhau chúng ta xây cho nhau những nhà tù ban đầu thì rất đẹp, sau đó rã ra những chất sơn thếp, rốt cuộc chúng hiện nguyên hình là những nhà tù có những song sắt rất lớn, cả hai đều kẹt cứng không thể nào thoát ra được. Đám cưới có thể là một tờ giao kèo ở tù chung thân mà dù có vùng vẫy cách mấy ta cũng không thoát ra được: khạc không ra mà nuốt cũng không vào. Nhìn xung quanh chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Ly dị không được mà không ly dị cũng không xong. Điều này không những đúng trong trường hợp người tình với người tình, nó cũng đúng trong trường hợp cha và con, mẹ và con, bạn và bạn., thầy và trò. Vì vậy cho nên ta hãy thương làm sao để cho người kia còn có tự do, để cho người kia còn là người kia và để cho ta còn được là ta. Thương mà còn có tự do thì tình thương ấy mới được gọi là tình thương chân chính của Bụt dạy.

Đối với một người “đã lỡ” thương và trong tình thương đã có sự chiếm hữu độc tài và vướng mắc thì phải làm thế nào? Phương pháp là quán chiếu để nhận diện là mình đang bị vướng mắc tới mức độ nào, mình đang độc tài đến mức độ nào. Đã từng dùng cái máy cắt cỏ thì quý vị biết rằng thỉnh thoảng đụng nhằm những sợi giây kẽm, cái máy quấn hết cả sợi giây kẽm vào trong. Ít nhất ta cũng tốn nửa giờ đồng hồ để tháo máy và gỡ hết những sợi giây kẽm ra. Sự vướng mắc làm nghẽn sự sống. Tình thương của ta là một thực tại, tình thương đó đang làm cho ta hạnh phúc hay đang làm cho ta đau khổ? Ta phải nhìn sâu vào bản chất của tình thương đó để khám phá, để thấy rõ bản tính nó. Khi nhận thức được độ vướng mắc, độ độc tài, độ chiếm hữu và những khổ đau do tình thương ấy gây ra thì ta mới bắt đầu thực tập để tháo gỡ từ từ. Ít độc tài lại một chút, ít chiếm hữu lại một chút và ít vướng mắc lại một chút thì tự nhiên đau khổ giảm bớt một chút. Khổ đau giảm bớt ta chưa có hạnh phúc, nhưng khổ đau giảm bớt là đã đỡ lắm rồi. Trước đây ta khổ đau đến 99%, bây giờ ta khổ có 80% thì đó đã là dễ thở hơn nhiều rồi. Dửng dưng, không có tình thương, ta đã khổ mà vướng mắc ta lại còn có thể khổ hơn.