Yểm trợ Gia đình phật tử là yểm trợ con em mình
Chúng ta đâu có nghĩ là khi qua đất nước này những người trẻ của chúng ta sẽ đi vào tù. Nhưng mà con số người trẻ Việt Nam đã vào tù không phải là ít và đã đi theo băng đảng rất nhiều. Gia Đình Phật Tử chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn cái đà phá sản của văn hóa và đạo đức dân tộc? Chùa, thầy đã giúp cho chúng ta được tới mức nào để ta làm được những việc đó? Phụ huynh ở các gia đình đã yểm trợ tới mức nào để ta có thể làm những công việc thiên nan, vạn nan đó? Vấn đề của ta là nếu ta không tới với nhau trong một khung cảnh thanh tịnh, tập thở, tập đi, tập ăn cơm trong chánh niệm thì làm sao ta có đủ sự trầm tĩnh trong hiện tại để tìm ra một hướng đi, tìm ra được biện pháp thực tập chung để đưa ta và con em ta ra khỏi tình trạng này. Làm thế nào để ta có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ thân và tâm của ta, bảo vệ thân và tâm của em bé? Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất lớn, sứ mạng của các anh chị Huynh Trưởng rất lớn!
Xin quý vị phụ huynh cộng tác với chúng tôi, yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử mà trong ấy có con em mình, và yểm trợ cho con em mình áp dụng phương pháp thực tập ấy trong phạm vi gia đình. Nghĩa là thưa quý bác, quý bác cũng thực tập như cháu, quý bác cũng thực tập như em, đều phải lựa lời nói dịu dàng, đều phải lựa lời nói thanh nhã. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Gia Đình Phật Tử phải đưa cả hai tay, một tay ôm lấy gia đình em bé, một tay ôm lấy cái xã hội và học đường của em bé. Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất nặng. Vì vậy xin các bác yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử, yểm trợ cho con em của mình trong việc áp dụng những phương pháp thực tập ấy trong gia đình mình. Nói rõ hơn nữa, nếu quý vị phụ huynh thực tập Năm Giới cho vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi tụng giới, tham dự vào những ngày quán niệm, những khóa tu do Gia Đình Phật Tử tổ chức và cộng tác với các em trong việc tu học tại nhà thì đó là sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Có phải là ta muốn kéo gia đình các em vào các sự thực tập hay không? Làm sao em có thể thành công nếu trong gia đình không có sự thực tập? Nếu không có sự yểm trợ của gia đình thì hành động của ta, công tác của ta như nước đổ lá khoai, ta chữa trị được một chút, ta nuôi dưỡng được một chút thì khi về nhà, các em lại bị làm hư như cũ và công việc của chúng ta là công việc dã tràng xe cát biển Đông.
Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Cho nên ta đừng có ao ước viển vông là có thể nuôi dưỡng được em bé nếu gia đình của em bé không cộng tác với ta. Đây là lời kêu gọi bằng nước mắt, bằng máu, bằng tâm huyết. Xin quý vị phụ huynh yểm trợ cho chúng tôi, nếu không chúng tôi không thể làm được công việc chăm sóc các em bé. Phải nói câu đó lên bằng trái tim mình. Phải nói một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần, một ngàn lần cho đến khi nào gia đình của em bé hiểu được sự thật rằng ta không thể làm gì được nếu không có sự yểm trợ của gia đình và nếu ta có sự yểm trợ của gia đình thì không những ta giúp được cho em bé mà ta giúp luôn cho cả học đường.
Quý vị là con cháu của đạo Phật, một tôn giáo mà truyền thống tâm linh đã có mặt tại đất nước mình trên 2000 năm rồi. Quý vị có khả năng, có thể làm được chuyện đó để giúp các Huynh Trưởng bảo vệ, nuôi dưỡng con em mình, và nuôi dưỡng luôn gia đình các em; chữa trị cho con em mình và chữa trị luôn cho gia đình các em nữa. Có như vậy, chúng ta mới có thể cứu chữa tình trạng xã hội. Đó là lời yêu cầu để giúp cho sự tu học của các em, chứ không thì những điều em học được ở chùa về nhà em chẳng thực tập được. Nếu quý vị phụ huynh làm được những việc đó thì đó là một sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử và có như thế, các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử mới làm tròn được bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ các em trong môi trường rất xấu của xã hội hiện tại. Nhiều phụ huynh hay quên là môi trường của các em rất xấu, phần lớn các em sau khi tiếp xúc với môi trường đó rồi trở về mang đầy thương tích, rác rến thì họ chỉ biết la rầy thôi. Ai làm cho các em vướng vào những rác rến, những xấu xa đó? Có phải chính ta làm không? Ta đã gởi các em ra môi trường đó rồi đến khi các em bị thương tích trở về thì ta không nhìn, lại la mắng. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong quý vị đi cùng với các em trên con đường tu học. Thông điệp này rất rõ ràng, ta không thể để các em đi một mình trên con đường tu học. Quý vị phải cùng tu học chung với các em. Chúng tôi, những người Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử sẵn sàng tiếp tay với quý vị để quý vị có thể đi được với các em. Bởi vì không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó. Đây không phải là lời dọa nạt mà là một sự thật. Ở Làng Mai, có nhiều em về tu học được chuyển hóa và tiếng đồn đưa về thành phố, rồi có nhiều bậc phụ huynh thấy con em mình hư quá trời, họ gởi lại cho Làng Mai nhưng họ không chịu về tu học. Họ làm như Làng Mai là một cái máy, nhét em bé vào đầu này rồi cái máy quay quay một số vòng thì sang đầu bên kia thành một em bé ngoan và gởi về lại cho họ. Họ nghĩ như vậy đấy. Và chúng tôi luôn luôn nhắc họ rằng, nếu quý vị không về tu học chung với các em thì những cố gắng của chúng tôi không có kết quả bền bỉ. Quý vị phải về Làng với các em, phải tham dự các khóa tu mỗi năm, chứ để đến khi nào có vấn đề, hoặc con hư không chịu nổi thì mới chịu cho con về và nhiều khi mình cũng không chịu về với con, khoán trắng cho các thầy, các sư cô và các anh, các chị ở lại thì trong trường hợp đó chúng tôi không có trách nhiệm. Chúng tôi nói là nếu quý vị không về tu học thì chúng tôi chịu thôi, chứ chúng tôi không thể nào chữa trị và nuôi dưỡng em bé. Tại vì nuôi dưỡng, chữa trị được, gởi về môi trường cũ là em bị hư hỏng lại lập tức. Tại vì quý vị không có sự cộng tác trong sự tu học. Nếu quý vị không tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn sứ mạng mà quý vị giao phó. Quý vị cũng không thể nói rằng Huynh Trưởng không làm được những việc mình trông cậy họ làm bởi vì mỗi đoàn sinh có thể có những khổ đau và khó khăn tại học đường, trong gia đình và ngoài xã hội. Sự thực là dù các em mới có năm hay sáu tuổi thì cũng bắt đầu có những khổ đau và khó khăn rồi. Người Huynh Trưởng, giống như một người bác sĩ, phải có hồ sơ của từng em, phải biết bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội của từng em. Phải thấy rõ ta mới có thể chữa trị được và nuôi dưỡng em được. Làm sao anh có thể dạy em, có thể làm cho em hết khổ, có thể trị liệu được cho em nếu anh không biết gì về quá khứ của em, không biết gì về cha mẹ, về đời sống xã hội, tâm linh, và gia đình của em chứ. Người Huynh Trưởng phải biết quá khứ của người đoàn sinh của mình và phải cộng tác với bố mẹ của em, với thầy giáo của em và những người khác nữa mới có thể hiểu em một cách tường tận. Và sự hiểu biết đó giúp ta đưa ra những phương pháp thực tập để chữa trị và nuôi dưỡng các em. Một lần nữa, sứ mạng của người Huynh Trưởng rất lớn nhưng họ không làm được nhiều nếu không có sự hỗ trợ và cộng tác của gia đình, phụ huynh và những người khác.
Chúng tôi mong quý vị phụ huynh hiểu rõ để có thể cộng tác với chúng tôi trong việc nhận diện khổ đau và trị liệu cho các em.