Thiền sư Tăng Hội (Cao Tăng Truyện)

Phụ lục

Thiền Sư Tăng Hội

trích Cao Tăng Truyện của Huệ Hạo, Nhất Hạnh dịch


Tổ tiên của Tăng Hội là người gốc Khương Cư (Sogdiane), nhưng từ nhiều đời đã cư trú ở Thiên Trúc. Phụ thân của thầy vì buôn bán đã tới cư trú tại Giao Chỉ. Lúc mới được hơn mười tuổi, cả thân phụ và thân mẫu đều qua đời. Sau tang lễ, thầy xuất gia, tu hành rất tinh tiến. Thầy là một con người thanh nhã, hiếu học, lại rất thông minh nên không những đã lão thông ba tạng kinh điển Phật giáo mà còn thông bác cả sáu kinh. Ngoài ra những môn như thiên văn, đồ vỹ, phần lớn thầy đều có tham cứu học hỏi. Thầy cũng nắm vững vừa cái học kinh bang tế thế vừa cái tài văn chương.

Hồi đó, vua Tôn Quyền đã chế ngự được vùng Giang tả, nhưng đạo Bụt ở đấy vẫn chưa được lưu hành. Trước kia, có vị cư sĩ tên là Chi Khiêm, tự Cung Minh, còn có tên là Việt, vốn người nước Nhục Chi (Indoscythe) du hành qua đất Hán. Trong thời các vua Hoàn đế và Linh đế nhà Hán trước đó nữa lại đã có Chi Sấm (Lokaksemo) dịch ra được nhiều kinh. Chi Lượng, tự Kỷ Minh, đã tới học hỏi với Chi Sấm. Đến lượt Chi Khiêm lại được học với Chi Lượng.

Chi Khiêm có kiến thức rộng rãi về các kinh điển, không kinh điển nào ông ta lại không nghiên cứu. Những kỹ thuật và nghệ thuật trong thế gian, phần lớn ông đều có học tập. Ông đọc khắp sách lạ, thông cả sáu thứ ngôn ngữ trong nước. Người thì cao nhưng ốm và đen, con mắt thì tròng trắng lớn mà con ngươi thì vàng. Người đương thời thường nói: mắt anh chàng tuy vàng, người anh chàng tuy nhỏ, nhưng đầu anh chàng là một cái túi kiến thức. Vào cuối đời Hán Hiến Đế, vì loạn lạc, Chi Khiêm đã chạy xuống nước Ngô. Vua Tôn Quyền nghe Khiêm là người có tài trí mới triệu đến, và khi thấy mặt thì vui mà phong làm bác sĩ, mời dạy cho thái tử. Chi Khiêm cùng với những người như Vi Diệu đã hết sức khuông phù chế độ nhưng vì lý do Chi Khiêm là người ngoại quốc nên sách Ngô Chí không có ghi chép về ông.

Chi Khiêm nghĩ rằng giáo pháp lớn tuy đã có mặt nhưng kinh điển hầu hết còn là tiếng Phạn chưa được dịch ra, nên nhân có kiến thức về ngôn ngữ, ông đã thu thập nhiều kinh bản Phạn ngữ và dịch ra tiếng Hán. Từ năm đầu của niên hiệu Hoàng Vũ (222) đến giữa niên hiệu Kiến Hưng (252-253) nhà Ngô, ông đã dịch ra được 49 cuốn kinh, trong đó có kinh Duy Ma Cật, kinh Đại Bát Nê Hoàn, kinh Pháp Cú, kinh Thụy Ứng Bản Khởi, v.v… Ông thâu tóm được nghĩa thánh, lời và ý đều văn nhã. Ông lại nương vào những ý chính trong kinh Vô Lượng Thọ mà chế tác ra một nghi tán tụng gọi là Bồ Đề Liên Cú gồm ba chương. Ông cũng chú thích kinh Liễu Bản Sinh Tử. Tất cả các sách ấy đều còn được lưu hành.

Lúc bấy giờ nước Ngô mới bắt đầu tiếp xúc được với giáo pháp lớn (của Bụt), nhưng sự giáo hóa chưa có gì gọi là trọn vẹn, cho nên thầy Tăng Hội mới có ý định chấn hưng Phật pháp và dựng nên một ngôi quốc tự tại miền Giang Tả. Thầy chống tích trượng du hành về Đông Ngô. Vào năm Xích Ô thứ mười (247) nhà Ngô, thầy tới Kiến Nghiệp, dưng một am tranh, đặt lên một tượng Bụt, và bắt đầu hành đạo. Đây là lần đầu người Nước Ngô thấy hình dáng của một vị sa môn. Dân chúng thấy một ông thầy tu, nhưng mà không biết ông ta tu theo đạo nào, cho nên nghi là dị đạo. Hữu Ty tâu lên vua: “Có người ngoại quốc đi vào nước ta, tự xưng là sa môn, tướng mạo và y phục rất khác. Việc này cần phải xem xét.” Vua Tôn Quyền nói: “Ngày xưa vua Minh Đế nhà Hán nằm mơ thấy thần nhân xưng danh hiệu là Bụt. Ông sa môn kia có thể là người theo đạo ấy.” Rồi vua triệu thầy Tăng Hội tới hỏi: “Đạo của thầy có gì là linh thiêng ?” Thầy nói: “Đức Như Lai qua đời đã một ngàn năm, xá lợi của ngài để lại có năng lực chiếu sáng thần diệu không lường. Ngày xưa vua A Dục đã dựng ra tám vạn bốn ngàn chiếc tháp để làm sáng tỏ công đức giáo hóa của Bụt.” Vua Tôn Quyền cho đó là sự khoe khoang quá đáng, liền bảo thầy Tăng Hội: “Nếu thầy làm sao có được một hạt xá lợi như thế thì trẫm sẽ hứa xây cho thầy một chiếc tháp để thờ. Còn nếu đó là chuyện hư dối bày đặt thì nhà nước đã có pháp luật đối xử.” Thầy Tăng Hội hẹn xin sẽ có xá lợi trong bảy hôm. Rồi thầy nói với những vị đệ tử theo học với thầy: “Chánh pháp mà được hưng thịnh hay không là do ở một việc này. Nếu bây giờ chúng ta không có đem hết tâm dạ chí thành (để cầu xá lợi) thì sau này biết làm sao hối cho kịp.” Rồi thầy trò tổ chức nhập thất chay tịnh, lấy bình bằng đồng đặt lên án, đốt hương lạy thỉnh. Thời hạn bảy ngày đã hết, mà không thấy động tĩnh ứng nghiệm gì. Thầy lại xin gia hạn thêm bảy ngày nữa, mà cũng không ứng nghiệm. Vua Tôn Quyền nói: “Thật là đặt điều dối trá khinh mạn.” Nói rồi định trị tội. Thầy Tăng Hội xin thêm bảy hôm nữa. Vua chịu cho. Thầy Tăng Hội bảo các pháp tử của thầy: “Khổng tử có nói: Vua Văn đã băng, đạo không lý không có mặt nơi ta đây sao ? Phép lạ đáng lý đã xảy ra, chỉ vì chúng ta không có đủ đức tin. Nếu không có dạ chí thành thì ta đừng trông cầu ở phép vua làm gì? Giờ đây chúng ta phải tự cam kết là nếu phép thiêng không giáng thì chúng ta sẽ bằng lòng chết theo lời nguyện.”

Đến chiều ngày thứ bảy của tuần lễ thứ ba, mọi người cũng vẫn không thấy động tĩnh gì, ai cũng run sợ. Nhưng khi canh năm vừa tới, tự nhiên nghe có thấy tiếng loảng xoảng trong bình. Thầy Tăng Hội tự thân đến xem thì quả là xá lợi đã hiện ra. Sáng hôm sau thầy cho người trình lên vua. Vua Tôn Quyền gọi cả triều thần đến xem, ai cũng thấy hào quang năm sắc chiếu sáng trên bình. Vua tự tay cầm bình đổ xuống mâm đồng. Xá lợi lăn tới đâu thì mặt mâm đồng vỡ nát tới đó. Vua kinh hãi đứng dậy phán: “Đây là điều lành rất hiếm có.” Thầy Tăng Hội bước tới nói: “Uy thần của xá lợi há chỉ là ánh sáng chiếu ra thôi sao ? Xá lợi này lửa đốt không cháy, chày kim cương đập không nát.” Vua ra lệnh thử. Thầy Tăng Hội lại nguyện: “Mây pháp mới giăng, muôn dân còn trông đợi ơn mưa móc, vậy xin xá lợi tỏ lộ thần tích để biểu thị uy linh.” Rồi người ta đặt xá lợi trên đe sắt, sai lực sĩ dùng búa đập xuống. Đe búa đều nát mà xá lợi vẫn còn nguyên vẹn. Vua Tôn Quyền rất thán phục, phát tâm dựng tháp để thờ xá lợi ấy. Vì đây là lần đầu tiên đất nước này có chùa thờ Phật cho nên đặt tên chùa là Kiến Sơ, và gọi cả vùng đất ấy là Phật đà Lý. Do duyên cớ này mà từ đó tại miền Giang Tả đại pháp của Bụt bắt đầu được hưng thịnh.

Vua Tôn Hạo lên ngôi cầm quyền bính. Chính sách của vua hà khắc và bạo ngược. Không những vua ra lệnh phá hủy những cơ sở thờ phụng nhảm nhí mà cũng hủy hoại luôn cả ngôi chùa thờ Bụt. Vua nói : “Chùa này từ đâu mà có ? Nếu xét giáo pháp của nó là chân chính, phù hợp với sách vở của các bậc thánh hiền thì ta sẽ cho phép hoạt động. Nếu giáo pháp ấy không có thật chất của đạo lý thì ta phải đốt phá đi như đốt phá những nơi thờ tự nhảm nhí khác.” Các quan đều can: “Uy lực của Bụt không phải như phép lạ của các thần linh. Vì thầy Khương Tăng Hội đã làm cho phép lạ được ứng nghiệm cho nên đức Thái Hoàng mới ra lệnh dựng nên chùa này; nếu bây giờ chúng ta vì suy xét nông nổi mà phá hủy chùa đi thì sợ rằng sau này phải hối hận.”

Tôn Hạo liền sai Trương Dục đến chùa chất vấn thầy Tăng Hội. Trương Dục là người có biện tài, khéo nói, đã nạn vấn thầy Tăng Hội ngang dọc đủ điều. Thầy tùy cơ ứng biến đối đáp thẳng vào những vấn nạn của Trương Dục, từ sáng tới tối mà Dục vẫn không bắt bẻ được thầy một điểm nào. Khi Trương Dục ra về, thầy tiễn ông ra ngoài ngõ. Lúc bấy giờ ở sát bên chùa có một cơ sở thờ phụng nhảm nhí, Trương Dục hỏi: “Nếu giáo pháp của thầy quả là mầu nhiệm như thầy nói thì tại sao bọn này ở gần thầy mà thầy không giáo hóa được chúng ?” Thầy Tăng Hội nói: “Sấm sét rền vang tuy làm long lở cả núi đá, nhưng kẻ điếc cũng không nghe được. Đó không phải là vì tiếng sấm sét quá nhỏ. Khi đã thông đạt được nguyên lý mầu nhiệm rồi thì muôn dặm trở nên một nhà, còn nếu ta vẫn còn có sự bế tắc trở ngại trong nhận thức thì hai bộ phận gan và mật tuy ôm vào nhau cũng vẫn còn là xa cách nhau như nước Sở và nước Việt.”

Trương Dục về khen với vua Tôn Hạo: “Tài trí của Tăng Hội thần không lường kịp, xin bệ hạ xem xét để định đoạt lấy.” Vua tập hợp triều thần lại, cho xe ngựa đi đón thầy Tăng Hội. Sau khi mời thầy ngồi, vua hỏi thầy: “Có phải là đạo Bụt chuyên dạy về thiện ác báo ứng (trong khi đạo Nho chuyên dạy về hiếu và về nhân) hay không ?” Thầy trả lời: “Phàm bậc minh chủ lấy đức hiếu hạnh và nhân từ để dạy đời thì quạ đỏ sẽ bay tới, và năm vị lão trượng sẽ hiện ra (1). Lấy nhân đức mà nuôi chúng sanh thì suối ngọt phun lên và lúa đơm bông gấp bội”. Điều lành có điềm, điều ác cũng thế, làm ác mà dấu không cho ai biết thì có quỷ thần trừng phạt, làm ác mà kẻ khác biết được thì bị con người trừng phạt. Kinh Dịch nói: Tích thiện dư khương (2) là thế. Kinh Thi nói cầu phúc bất hồi (3) cũng là thế. Những cách ngôn ấy của Nho giáo cũng là những minh huấn của đạo Bụt.” Vua nói: “Như thế thì giáo lý của Chu Công và Khổng Tử cũng đủ để soi sáng cho đời rồi, cần gì đến Phật giáo nữa ?” Thầy Tăng Hội đáp: “Những lời dạy của Chu Công và Khổng Tử chỉ trình bày được vắn tắt những dấu tích gần gũi của chân lý thôi, trong khi ấy thì đạo Bụt đưa ta đi được vào cái mầu nhiệm và sâu thẳm của sự thật. Biết được nếu làm điều ác thì sẽ có sự chịu khổ lâu dài nơi địa ngục và làm điều thiện thì sẽ có sự hoan lạc miên viễn chốn thiên đường. Chỉ bày được điều ấy để khuyến thiện răn ác, đó chẳng phải là một công trình vĩ đại ?” Lúc bấy giờ vua không có lời gì để bắt bẻ nữa. Tuy nhiên đã được nghe chánh pháp mà vua vẫn chưa vượt thoát được tính khí hôn bạo của mình.

Sau đó, quân hầu làm vườn phía sau cung điện, đào được một tượng Bụt bằng vàng cao mấy thước bèn đem trình lên cho vua. Vua sai đem tượng đặt vào một nơi không sạch sẽ, đi tiểu lên, cùng với quần thần cười giỡn, lấy đó làm điều vui. Trong giây lát, toàn thân vua sưng lớn, nhất là ở bộ phận sinh dục, vua kêu đau nhức thấu trời. Quan thái sử bốc quẻ nói: “Đây là do bệ hạ xúc phạm đến một thần uy lớn. Nếu không đi cầu nguyện và lễ bái các chùa miếu thì sẽ không bao giờ lành bệnh được.” Có một thể nữ, trước kia đã từng tu tập theo giáo pháp của Bụt, thấy vua bệnh khổ mới tâu lên: “Bệ hạ đã đến chùa Bụt để cầu phúc chưa ?” Vua ngửng đầu lên hỏi: “Thần lực của Bụt có lớn không ?” Vị thể nữ nói: “Bụt là bậc có thần lực lớn nhất.” Vua tỉnh ngộ bèn kể lại những gì đã xảy ra. Thể nữ liền đi rước tượng Bụt (từ nhà xí) lên đặt trên điện, nấu nước thơm tắm gội mấy mươi lần, đốt trầm xông hương sám hối, trong khi vua dập đầu trên gối thú nhận tội trạng. Chỉ trong chốc lát, bệnh đã thuyên giảm. Vua liền sai sứ tới chùa thăm hỏi tăng chúng, và thỉnh thầy Tăng Hội tới thuyết pháp. Thầy Tăng Hội theo sứ giả đi vào cung.

Vua hỏi thầy cặn kẽ về vấn đề nguyên ủy của tội phúc. Thầy sử dụng những lời tinh yếu, trình bày sự thật cho vua nghe. Vốn sẵn thông minh, vua rất vui mừng khi hiểu thấu. Nhân đó vua hỏi thăm về giới luật của sa môn. Thầy Tăng Hội nghĩ rằng giới kinh rất linh thiêng không thể đem ra tuyên thuyết cho người tục nghe được nên chỉ nói cho vua nghe về nguồn gốc và hành tướng của 135 trong 250 giới mà người xuất gia thực tập lúc đi, đứng, nằm và ngồi trong đời sống hàng ngày, không động tác nào là không nhắm đến sự làm lợi ích cho chúng sinh. Thấy được tâm lượng từ bi rộng lớn nằm sau các giới luật và uy nghi ấy, vua càng thấy thiện tâm nơi mình lớn lên, vì vậy đã ân cần cầu xin thọ trì năm giới. Mươi ngày sau, bệnh vua lành. Rồi vua cho sửa sang và làm đẹp thêm cơ sở chùa Kiến Sơ nơi thầy Tăng Hội cư trú và ra lệnh cho mọi người trong gia đình hoàng gia ai cũng phải phụng trì Phật pháp.

Tại triều nhà Ngô, thầy Tăng Hội tuy thường đăng đàn tuyên thuyết chánh pháp, nhưng vì tâm tình vua vẫn còn tính chất thô bạo khó để cho vua thấm được nghĩa lý huyền diệu nên thầy chỉ dạy nhiều về phương diện tội phúc báo ứng trong hiện tiền để mở mang tâm trí cho vua. Tại chùa Kiến Sơ, thầy đã dịch ra được các kinh như A Nan Niệm Di, Cảnh Diện Vương Kinh, Sát Vi Vương Kinh, Phạm Hoàng Kinh (4). Lại dịch các kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã, Lục Độ Tập và Tạp Thí Dụ. Trong các kinh ấy, thầy nói lên được tinh thần của kinh, văn và nghĩa đều chính xác. Thầy còn sáng tác Nê Hoàn Phạm Bối, một nghi thức tán tụng mà âm điệu và lời kinh trầm hùng, thấm thía, làm mẫu mực được cho cả một thời đại. Rồi thầy lại chú giải các kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh và Đạo Thọ, và viết bài tựa cho các kinh ấy, lời thanh nhã ý sâu sắc. Những kinh này đều còn đang được lưu truyền.

Tháng tư niên hiệu Thiên Kỷ thứ tư, vua Tôn Hạo ra hàng nhà Tấn. Tháng chín năm ấy, thầy Tăng Hội lâm bệnh qua đời. Đó là năm Thái Khương thứ nhất nhà Tấn.

Vào khoảng niên hiệu Hàm Hòa (326) đời vua Tấn Thành Đế, Tô Tuấn nổi loạn, đốt phá ngôi tháp do thầy Tăng Hội tạo dựng. Quan Tư Không Hà Sung bèn dựng lại tháp ấy. Bình Tây Tướng Quân Triệu Dụ, trong đời chưa từng được gặp chánh pháp đã có lần tỏ ý khinh mạn Tam Bảo. Đến chùa Kiến Sơ, ông nói với tăng chúng trong chùa: “Từ lâu ta nghe đồn tháp này thường phát ra ánh sáng, điều này có vẻ hư dối không thể tin được. Nếu tự ta thấy được ánh sáng đó thì còn phải bình luận gì nữa.” Vừa nói xong thì từ tháp hào quang năm sắc chiếu ra sáng rực cả chùa. Triệu Dụ rởn cả tóc gáy, do đó mới tin kính cho xây thêm một tháp nhỏ nữa ở về phía Đông của chùa. Đó cũng là trên thì nhờ sự ứng cảm thần hiệu của bậc đại thánh, dưới thì do đạo lực của thầy Tăng Hội. Cho nên người đương thời đã vẽ tranh và tạc tượng của thầy, truyền lại cho đến ngày nay. Tôn Xước đã làm một bài kệ (đề lên bức tranh ấy) như sau:

Lặng lẽ một mình
đó là khí chấttâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao đi xa
thoát ngoài cõi tục

Có bài ký nói: Chính Tôn Hạo cho lấy búa đập xá lợi chứ không phải là Tôn Quyền. Ta nhớ rằng khi Tôn Hạo sắp phá chùa, quần thần đã nói: “Thầy Tăng Hội làm cho phép lạ được ứng nghiệm cho nên đức Thái Hoàng mới vì thế mà dựng lên chùa này.” Do đó, cho nên ta biết việc xá lợi ứng nghiệm phải xảy ra trong đời Tôn Quyền. Đa số những người ghi chép câu chuyện đều cho là sự kiện xảy ra vào thời Tôn Quyền. Sau này vì có chuyện thử lại sự thần nghiệm một lần nữa vào đời Tôn Hạo, cho nên mới có người nghĩ rằng việc trên đã xảy ra trong đời Tôn Hạo.


____________________

1 Chim quạ đỏ là điềm lành hiện ra khi vua Chu lên cầm quyền. Năm ông già là điềm lành hiện ra khi vua Nghiêu chấp chính.

2 Tích thiện dư khương: (Kinh Dịch: tích thiện chi gia tất hữu dư khương.) nhà người nào biết chất chứa điều lành sẽ có nhiều hạnh phúc trong tương lai.

3 Cầu phúc bất hồi: (Kinh Thi: Duật hoài đa phúc, quyết đức bất hồi) cầu phước đức bằng những hành động thẳng thắn, không sai lệch.

4 Đây là bốn truyện tiền thân chót được thầy Tăng Hội biên tập trong Lục Độ Tập Kinh. Chép A Nan Niệm Di, là chép lầm. Phải chép A Ly Niệm Di mới đúng. Ghi chú số 7 trang 326, tập 50 của tạng Đại Chánh là A Nan Niệm Di Đà Kinh là sai. Bản dịch Pháp văn sách Cao Tăng Truyện của Robert Shirh trường đại học Louvain theo ghi chú ấy, cũng đã chép sai.