Bài 08 Ái ngữ

Hôm nay là ngày 16 tháng 12 năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về tứ diệu đế. Hôm nay chúng ta nói đến phần chánh ngữ.

Chánh ngữ tức là lời nói chân chính. Đây là một phép thực tập rất quan trọng. Chúng ta biết rằng chánh tư duy cũng là một hình thức của chánh ngữ, tư duy là loại ngôn ngữ thầm ở trong tâm. Tuy người khác không nghe thấy nhưng trong tâm, ta thường thường vẫn đang nói. Tầm và từ là hai hình thức ngữ ngôn ở trong tâm. Như có một cuốn bặng ghi âm phát thanh ở trong đầu mình một cách liên tục, ta nghĩ cái này rồi nghĩ qua cái khác. Tư duy ở trong ta, như con tầm tự giam mình trong kén, lúc nào cũng tự nói mình nghe. Nếu có chánh tư duy thì tầm và từ sẽ soi sáng cho ngôn ngữ và cho hành động, và làm giàu cho chánh kiến. Ngược lại, tà tư duy sẽ làm giảm bớt chánh kiến, đánh mất chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, v.v.. Có những tư duy bị che dấu, thỉnh thoảng tự nhiên ta bật nói ra. Bởi vậy chánh tư duy sẽ đưa đến chánh ngữ. Về tư duy có tầm và từ, còn về chánh ngữ có ngôn và luận. Ngôn tương đương với tầm (vitarka), còn luận tương đương với từ (vicara). Ngôn chỉ là nói, còn luận là có phân tích, chứng minh, mổ xẻ.

Ái ngữ

Kinh Tạp A Hàm số 785 định nghĩa chánh ngữ bằng cách nêu ra bốn đặc tính: không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu và không nói thêu dệt. Đây là một định nghĩa phổ thông, thấy trong tất cả các kinh điển. Thứ nhất là không vọng ngữ, nghĩa là không nói dối. Vọng là sai. Có nói là không, không nói là có, trắng nói đen, đen nói trắng, nói không đúng sự thật, là vọng ngữ.

Thứ hai là không lưỡng thiệt. Lưỡng thiệt tức là hai lưỡi (double tongues), với người này nói thế này, với người khác thì nói khác. Đôi khi nói cho vừa ý một người, rồi lại nói khác đi để làm vừa ý một người khác, kết quả là nói lời không đúng sự thật. Cố nhiên cách nói có thể thay đổi cho người ta dễ tiếp nhận, nhưng chánh ngữ là phải nói đúng sự thật.

Thứ ba là không ác khẩu. ác khẩu tức là nói to tiếng, thô tục, quát mắng, chửi thề, nói lời tạo đau khổ, bực tức, hận thù cho người khác. Có những người tâm rất tốt, không muốn làm hại ai, nhưng khi nói ra thì như châm trích và tàn hại người ta vậy. Đó là khẩu xà tâm Phật. Tuy gọi là tâm Phật, nhưng thực sự bên trong còn có quá nhiều nội kết cho nên cái miệng mới nói lời ác. Nếu có thói quen ái ngữ thì ta sẽ không nói như vậy. Dầu là tâm ta không có ý hại ai nhưng nếu ta bị tập khí ác ngữ miệng ta vẫn gây ra những đổ vỡ. Lời nói có thể làm cho người khác thêm mặc cảm, lời nói có thể làm cho người ta mất hết ý chí, và có khi lời nói có thể làm cho người khác đi tự tử. Khi cha mẹ mắng con: ‘‘Mày là đồ vô dụng, không ra cái tích sự gì cả!ì nói như vậy cũng là ác khẩu, vì câu nói đó tiêu diệt niềm tin của em bé, làm cho nó có mặc cảm tự ti. Cho nên tu tập chánh ngữ rất quan trọng.

Thứ tư là không ỷ ngữ. ỷ ngữ tức là nói những lời thêu dệt. Thêu dệt là vẽ vời ra cho sự việc thêm đẹp đẽ hơn gấp bội, hoặc xấu xa hơn gấp bội. Như nói thế nào làm cho mọi chuyện thê lương hơn, hay mơy miều hơn, giật gân hơn hoặc hấp dẫn hơn mà không cần đúng với sự thật.

Nhiều kinh điển định nghĩa chánh ngữ là không nói dối mà phải nói lời chân thật, không nói hai lưỡi mà chỉ nói một lời thôi, không ác khẩu mà chỉ nói những lời dịu dàng, không ỷ ngữ, chỉ nói sự thật không thêm không bớt. Trong Trung Bộ (Majjhima nikaya), kinh số 117, cũng có định nghĩa giống như vậy. Khi nói về chánh ngữ, chúng ta trở về với giới thứ tư trong năm giới: không được nói dối, không được nói để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không được nói lời gây chia rẽ căm thù, không loan truyền những tin mà mình không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mình không biết rõ. Phải có can đảm nói ra sự thật về những điều bất công, và phải dùng lời nói của mình để thực hiện hòa giải và thương yêu. Giới thứ tư nhằm duy trì chánh ngữ.

Khi dùng điện thoại, chúng ta có thể thực tập chánh ngữ. Thiền điện thoại không những là phép thực tập chánh ngữ, mà còn thực tập chánh tư duy. Trước khi bấm số, chúng ta thở theo một bài kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm, Xây dựng niềm tin yêu, Mỗi lời là châu ngọc, Mỗi lời là gấm thêu.

Lúc bắt đầu thực tập, chưa thuộc những câu kệ, chúng ta viết kệ xuống một mảnh giấy, dán vào chỗ điện thoại. Mỗi khi ta dùng điện thoại ta lại nhìn thấy bài kệ, và bắt đầu tập hơi thở chánh niệm: thở vào đọc câu đầu (tiếng đi ngoài ngàn dặm), thở ra đọc câu thứ hai (xây dựng niềm tin yêu). Thở vào đọc câu thứ ba (mỗi lời là châu ngọc), thở ra đọc câu thứ tư (mỗi lời là gấm thêu). Trong khi thực tập thở ra và thở vào, ta lặp lại lời nguyện ái ngữ, nguyện sẽ nói những lời xây dựng, bồi đắp thương yêu và hiểu biết. Trong lúc đó, ta cũng đang thực tập chánh tư duy, nhờ vậy lòng ta an tĩnh hơn, ta nhìn thấy mọi chuyện sáng rõ hơn. Người bên kia cầm ống điện thoại lên sẽ được tiếp xúc với một con người tươi mát, nghe những lời xây dựng, êm đẹp, không làm họ đau khổ, có thể giúp họ đạt được an tịnh trong giây lát.

Dùng ái ngữ, chúng ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác. Lời nói của mình có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi người khác. Đó là một hành động phát xuất từ tình thương yêu.

Khi thấy hai người không hòa hợp với nhau, ta có thể dùng lời nói hòa giải để đưa họ tới gần nhau. Quán chiếu vào tâm trạng, hoàn cảnh và nỗi đau khổ của mỗi người, ta có thể luôn luôn tìm ra những điểm tích cực. Nói những sự thật tích cực về người này cho người khác nghe sẽ giúp họ hiểu lẫn nhau. Chỉ cần nói sự thật thôi, khi hai bên hiểu nhau hơn họ sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau, sẽ dễ dàng hoà giải với nhau hơn. Như ở Nam Phi, có một cộng đồng da trắng, một cộng đồng da đen thường thù ghét, kỳ thị và chống đối nhau từ lâu. Ta biết rất rõ là cả hai cộng đồng, dù đen hay trắng đều đau khổ, vì cả hai đều sống trong sợ hãi, lo lắng. Người thực tập chánh ngữ trình bày những nỗi khổ đau, sợ hãi, mặc cảm, những ước vọng của cộng đồng này cho người trong cộng đồng kia nghe. Mỗi bên bắt đầu thấy an ninh và hạnh phúc của mình liên hệ tới hạnh phúc của bên kia. Nhờ vậy lòng họ có thể chuyển hóa. Nếu ta đứng về một phe thì sẽ chỉ làm cho tình trạng càng cặng thẳng, càng khó khăn hơn.

Muốn thành công trong việc hòa giải ta cần biết nói năng khéo léo. Nhưng bản chất nội tâm của con người hoà giải rất quan trọng. Con người đó cần chứa đựng sự hiểu biết, thương yêu, cần được cả hai bên tin cậy, thì lời nói mới có ảnh hưởng lớn lao hơn. Vì lời nói phát xuất từ chánh tư duy, chánh ngữ, chứ không phải là do mưu mẹo, và những khéo léo bên ngoài mà thôi.

Chánh ngữ là nói sự thật, nhưng sự thật nhiều khi cũng có thể cũng gây ra đau khổ. Cho nên sự thật phải được diễn tả bằng ngôn ngữ khôn ngoan để giúp cho người nghe dễ chấp nhận. Nói một sự thật mà gây tan vỡ và hư hại thì không phải là chánh ngữ. Khi nói phải biết tâm lý, dùng thứ ngôn ngữ thích hợp với người nghe, chọn thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và diễn tả cách nào để họ hiểu được, chấp nhận được, thì mới nên nói.

Kinh Pháp Hoa có nói về một vị bồ tát hiệu là Diệu Âm. Bồ tát Diệu Âm thành tựu một tam muội gọi là hiện nhất thiết ngữ ngôn tam muội, nghĩa là thể hiện được, hiểu và sử dụng được tất cả các loại ngôn ngữ. Ngài có thể đối thoại với bất cứ loài chúng sinh nào, vì ngài hiểu tâm ý của chúng sinh, và nói ngôn ngữ nào thích hợp với họ. Vì vậy chánh ngữ cần chất liệu của chánh tư duy, lại cần chất liệu của nghệ thuật nói năng khôn ngoan. Chúng ta phải học hỏi nghệ thuật truyền thông và diễn đạt. Nhưng hình thức khéo léo có nghệ thuật phải chứa đựng chánh tư duy. Nịnh nọt, tán dương, tâng bốc sai sự thật, hoặc chỉ làm tăng thêm ngã mạn của người, đều là tà ngữ.

 

Hạt giống của Chánh Ngữ

Không thể hiểu được chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không biết rằng tất cả chúng ta đều có hạt giống của những chánh đạo này trong tâm thức. Hạt giống của ngôn ngữ căn cứ trên tưởng. Tưởng là tri giác.

Nhắc lại, năm yếu tố tạo thành con người là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Sắc là phần sinh lý. Thọ là cảm giác. Tưởng là tri giác (perceptions). Tri giác gồm có hai phần: năng tưởng và sở tưởng. Một là chủ thể của tri giác, hai là đối tượng của tri giác. Chúng ta thấy một cái bàn, cái bàn mà chúng ta đang thấy và đang sờ vào là đối tượng của tri giác, của tưởng. Còn tự thân cái bàn có thể rất khác. Đối với một con mọt đang ăn cái bàn thì đó là một kho thức ăn. Cũng một dòng sông, đối với con cá là nhà cửa, lâu đài của nó mà đối với chúng ta đó là cái chỗ để lấy nước tắm và giặt. Khi hai người ghét nhau, thì trước hết họ ghét cái đối tượng tri giác, cái tưởng của họ về người kia. Nhưng tự thân người kia so với ý niệm mình có về người kia thường rất khác nhau. Hai kẻ yêu nhau cũng vậy. Người được yêu khác với hình ảnh trong tri giác người đang yêu. (Cưới về ba, bốn năm sau mới thấy được một phần sự thật!). Vậy tri giác có thể rất sai lầm, rất khác với cái sở duyên duyên đã giúp tạo ra đối tượng của tri giác. Ví dụ như ta chụp ảnh cây bồ đề. Nhìn hình ảnh ta thấy cây bồ đề, nhưng đó chỉ là hình ảnh cây bồ đề thôi. Cây bồ đề thật ở ngoài không phải là cây bồ đề in trên phim ảnh. Chánh kiến tùy thuộc vào tưởng. Vì thế luôn luôn ta phải dùng chánh niệm, phải trở về khám phá những thiếu sót, sai lầm của tưởng. Đó là phương pháp duy nhất để cho cái thấy của ta bớt sai lầm, để tăng thêm phần chánh kiến. Chánh kiến mạnh thì tư duy mới vững vàng được.

Uẩn thứ tư là hành (mental formations). Hành tức là những hiện tượng tâm lý phát khởi trong ta. Vui, buồn, giận, ghen, thương, ghét, đều là hành. Chữ PHạn là cittasamskara. Giáo lý duy thức của đạo Bụt Bắc Truyền nói tới 51 loại tâm hành. Năm tâm hành phổ biến nhất là xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, trong đó có thọ và tưởng. Thọ và Tưởng là những tâm hành rất quan trọng trong số năm tâm sở biến hành, nên được tách ra liệt kê thành hai uẩn. đạo Bụt Nam Truyền, hệ phái Theravada cũng nói có 50 tâm hành.

Uẩn thứ năm là thức (vijnana). Tất cả những cảm thọ và tri giác của chúng ta đều có hạt giống chứa ở trong thức. Thức ở đây phải hiểu là tâm địa, là đất tâm, tức là mảnh vườn trong đó có sẵn tất cả những hạt giống của tâm hành, gọi là chủng tử. Chúng ta có chủng tử của tình thương, của sự ghét bỏ, chúng ta có hạt giống của sự trung kiên, hạt giống của sự phản bội. Chúng ta có đủ các loại hạt giống, tốt cũng như xấu. Thức ở đây còn gọi là nhất thiết chủng thức. Nhất thiết chủng (sarva bijaka) là tất cả các hạt giống. Phật giáo Nam Truyền, hệ phái Đồng Diệp Bộ (Theravada, Tamrasatiyah), có nói về Hữu phần thức (bhava anga citta). Đây là cái tương đương với nhất thiết chủng thức. Còn Hữu Bộ thì gọi là căn bản thức. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của chánh kiến. Có chánh kiến, không phải tại vì Bụt trao cho ta, thầy trao cho ta, mà vì chúng ta có sẵn hạt giống chánh kiến trong tâm rồi. Khi chúng ta nói ‘‘Phật tại tâmì là nghĩa như vậy. Tuệ giác đó đã có sẵn ở trong tâm thức của ta. Tuệ giác ấy chỉ cần người hay hoàn cảnh giúp khơi mở ra thôi. Có thể đó là Bụt, là thầy, là bạn, có thể là một nỗi đau khổ cùng cực của ta. Khi ta đau khổ nhiều tự ta cũng có thể khơi mở được chánh kiến.

Ngày Bụt thành đạo, Ngài ngồi thiền suốt đêm. Và buổi sáng tinh sương, nhìn lên thấy ngôi sao mai mọc, Ngài đạt được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác (giác ngộ hoàn toàn). Những lời đầu tiên mà Bụt thốt ra chứa đựng một chút ngạc nhiên. Ngài nói: ‘‘Lạ quá, tất cả mọi người đều có tuệ giác trong lòng. Vậy mà đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, con người cứ trôi lặn trong biển trầm luân, khổ ải. ì Câu nói của Ngài có nghĩa rằng tuệ giác Ngài đạt tới không phải được từ bên ngoài mang vào mà đã từ trong chiều sâu tâm thức phát hiện lên. Hạt giống của trí tuệ, hạt giống của từ bi đều có sẵn trong tâm thức mỗi người.

Hạt giống chánh kiến ở trong tâm thức ta gọi là giác tánh. Tất cả chúng sinh đều có sẵn giác tánh, nên ta vẫn nói rằng Bụt ở trong lòng. Phật tức tâm là một sự thật có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là lý thuyết. Vì nếu không sẵn hạt giống giác tánh thì có tu, có học gì chúng ta cũng sẽ không thành công. Tu học có nghĩa là tạo những điều kiện tưới tẩm cho hạt giống tuệ giác nở ra. Khi hạt giống của chánh kiến nẩy mầm rồi, tự nhiên tư duy sẽ đi vào đường chánh. Càng thực tập chánh tư duy, chúng ta lại càng giúp cho những hạt giống chánh kiến khác nẩy nở thêm. Chánh kiến nuôi dưỡng chánh tư duy và chánh tư duy khơi mở thêm chánh kiến. Rồi nhờ sự phát triển của chánh kiến và chánh tư duy mà chánh ngữ biểu hiện. Bởi vậy khi lời nói của chúng ta còn gây ra đau khổ thì ta phải biết là cái thấy của chúng ta chưa sáng, và tư duy của chúng ta chưa đúng.

Ngôn ngữ có hạt giống trong đất tâm. Những lời nói, kho ngữ vựng, những hình thức diễn tả trong ngôn ngữ đều có hạt giống ở đấy cả. Tu tập chánh ngữ bắt đầu từ tâm, bắt đầu từ tưởng, tức là tri giác. Tri giác sai lầm sẽ sinh nhiều tà kiến. Tri giác càng đúng thì càng thêm chánh kiến. Tri giác sai lầm, tư duy chúng ta sẽ sai lầm. Chúng ta thấy mối liên hệ rất mật thiết giữa chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy. Cho nên nếu chúng ta muốn tu tập chánh ngữ thật vững chãi thì chúng ta phải dựa trên chánh kiến và chánh tư duy.

Vì vậy các vị bồ tát sau khi tu tập chánh kiến và chánh tư duy thì đạt tới biện tài. ‘‘Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài. ì Biện tài ở đây không phải là nói khéo. Biện tài chính là ‘‘nhất thiết ngữ ngôn tam muội, ì phát hiện khi bồ tát có chánh kiến và chánh tư duy vững chãi. Biện tài ở đây là khả năng nhiếp phục được người khác, khả năng khai thông cho tâm ý, làm cho người ta bỏ con đường mê tối mà hướng tới con đường sáng. Đôi khi chỉ cần nói một hai câu mà có thể đưa người khác trở về với con đường an lạc. Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài nghĩa là nhờ trí tuệ sâu rộng, nên bồ tát đã đạt tới biện tài vô ngại để thuyết pháp độ sinh.

Sự tu tập chánh ngữ phải căn cứ trên chánh kiến và chánh tư duy. Những hạt giống của tri giác nằm sâu trong tâm thức, những hạt giống của tư duy cũng ở sâu trong tâm thức, những hạt giống ngữ ngôn cũng vậy, ba loại hạt giống đó có dính líu với nhau. Trong tương giao giữa mọi người, chúng ta cần tập nhìn đúng, nghĩ đúng về người khác. Muốn tập chánh ngữ, ta phải bắt đầu bằng sự quán chiếu về người và về mình. Xung đột giữa vợ chồng, cha con hay bạn bè có khi xảy ra chỉ vì lời nói. Tu tập chánh ngữ trở thành một yếu tố rất quan trọng để gây niềm thông cảm.

Bài thực tập Chánh Ngữ

Ta hãy lấy một ví dụ thực tập về chánh ngữ để giải toả những nội kết gây xung đột giữa hai người bạn. Cũng có thể áp dụng cho hai người thân yêu, như anh em, vợ chồng, v.v.. Có một người tên là A và có một người tên là B, liên hệ giữa A và B không tốt đẹp. Mỗi khi A nói thì B khó chịu và mỗi khi B nói thì A khó chịu. Có thể A có lòng tốt không muốn làm khổ B, và B có lòng tốt không muốn làm khổ A, nhưng hai người vẫn làm khổ nhau hoài. Có thể là A vụng về trong khi nói hay B vụng về trong khi nói. Muốn giải quyết, chúng ta không thể chỉ tuyên bố rằng cả hai bên đều có lòng tốt cả, không sao. Nói như vậy không đủ. Chúng ta phải quán chiếu sâu xa để thấy nguồn gốc ở nơi tưởng, nơi tri giác của mỗi người.

Ở làng Hồng các thiền sinh đã thực tập viết thư gửi Bụt. Chúng ta thử bắt chước phương pháp đó trong trường hợp này. Mời hai người cùng đại chúng vào ngồi trong một căn phòng, hai người ngồi hai bàn khác nhau. Đưa cho A và B mỗi người một tờ giấy trắng, A sẽ viết cho B một lá thư, và B viết cho A một lá thư. Viết xong hai người trao thư cho nhau. Mỗi người nhận rồi đem thư ra đốt, không cần đọc. Trong đại chúng không ai biết trong thư nói gì cả.

Trước khi thực tập, hai người được hướng dẫn riêng về ‘‘mẫu viết thưì. Mục đích của lá thư là cho mỗi người có dịp quán chiếu về tánh tình, phản ứng và hành động của mình và của người kia. Thí dụ lá thư của A viết như sau:

Phần 1- A biết tánh của B như thế này (… . . ) Mấy dấu chấm trong ngoặc này là nơi A quán chiếu về B. Nhìn vào người kia, ta thấy tánh khí và tâm trạng của người đó, các thói quen, tập khí của người đó, quá khứ thời thơ ấu lớn lên trong gia đình, trong học đường như thế nào, v.v.. Như thế gọi là quán chiếu.

Phần 2- Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (như vậy là làm sao, phải nhớ rõ về các hành động của B đã gây đau khổ cho mình), thì để tránh gây ra xích mích, A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường vẫn có (kể rõ những phản ứng thường xẩy ra của chính mình).

Phần 3- A cũng biết rằng tánh A như thế này (tự nói về mình) và hay phản ứng như thế này (là phản ứng ra sao, tự mình kể ra cho rõ), nên A đã khổ, A cũng đã làm cho B khổ và không giúp gì được cho B.

Phần 4- Vậy từ nay để phá vỡ vòng luẩn quẩn và tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa, A sẽ thực tập những cách sau đây (ghi những ý kiến về cách thực tập của mình). Tới đây cần viết một câu quan trọng: ‘‘Sự chuyển hóa của A chắc chắn thế nào cũng đưa tới sự chuyển hóa của B ì, Câu này nên lặp đi lặp lại hoài. Tại vì thường thường chúng ta hay nghĩ: ‘‘người kia không thay đổi tại sao mình tôi phải thay đổi?ì

Đây chỉ là mới là phần thực tập của A thôi, còn phần của B là khác. Chúng ta hãy thử đọc lại và chiêm nghiệm thêm về mẫu thư trên một lần nữa.

1- A biết rằng tánh của B như thế này (… ) Mỗi người phải nhìn vào người kia, dù đó là cha mình, thầy mình, anh, em của mình. Ba dấu chấm trong ngoặc đơn đó quan trọng lắm. Nên viết càng nhiều càng tốt. Mỗi người phải tìm hiểu về người kia. Có thể là B sanh ra trong một gia đình mà bố mẹ có tánh tình như thế, không khí gia đình như thế. Rồi lớn lên học ở trường có ông thầy thế nào, và được đào tạo theo mẫu mực, lề thói thế nào. Chìa khóa là ở chỗ ta nhìn thấy như vậy. Phải thấy được, mà thấy rồi thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận nhau hơn. Mới chỉ quán chiếu thôi, chưa đòi hỏi người kia phải thay đổi mà ta đã thấy khỏe hơn rồi. Lá thư không bắt đầu bằng những câu như ‘‘Nếu anh mà muốn em thương anh thì phải sửa cái tánh đó đi. ì Mình bắt đầu nghĩ lại là anh mình sở dĩ nói năng như vậy (… ), hành xử như vậy (… ), có lề thói phản ứng như vậy (… ) là vì đã có quá trình sinh ra, lớn lên và được đào tạo như vậy. Hiểu được rồi tự nhiên ta cười xòa, không còn bực tức nữa. Phản ứng của ta thay đổi. Mà ta thay đổi cách phản ứng của ta thì ta sẽ giúp được anh của ta thay đổi.

2- Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (… ) thì A phải biết không nên có những phản ứng như mình thường có (… ) Phần giữa hai ngoặc đơn này cũng rất quan trọng. Phải quán chiếu rất lâu. Đoạn này liên hệ hành động của hai người: vì B như thế đó (… ), cho nên A nói hay làm như thế này (… ). Chỉ trong ba chấm đó thôi nhưng chúng ta phải thiền hành, thiền tọa rất lâu để tĩnh tâm mà tìm cho ra rõ nguồn cơn, ‘‘Lắng nghe thấu tận nguồn cơn, học nhìn lại hiểu và thương. ì Chìa khóa là quán chiếu. Cho nên mỗi khi B nói hay làm như vậy (… ) thường thường A bực bội, chống lại, không chịu nổi. Khi mà thấy được và hiểu được tại sao rồi thì dù người kia vẫn còn nói, vẫn còn làm như cũ, A vẫn có khả năng ngưng những phản ứng như trong quá khứ. Sự chuyển hóa bắt đầu từ trong tâm mỗi người, chứ ta không đòi hỏi người kia chuyển hóa trước thì ta mới chịu thay đổi (peace begins with me!).

3- A cũng biết rằng tánh A như thế đó (… ) Trong đoạn này ta tự tìm hiểu để tự thấy mình. Ta được sinh ra ở một hoàn cảnh khác, được lớn lên, dạy dỗ và đào tạo trong hoàn cảnh khác. Ta rất khác B cho nên ta hay có phản ứng như vậy. Do những phản ứng đó chính ta làm cho ta khổ và cũng làm cho người kia khổ. Thấy được điều đó cho nên A mới tìm và thử có phản ứng khác. Mình tự thay đổi mình trước, biết rằng người kia sẽ thay đổi sau. Không có nghĩa là mình phải chấp nhận người kia như vậy hoài. Hiểu và thương tức là chấp nhận người kia và hy vọng với sự tu học, với phản ứng mới của mình, người kia sẽ thay đổi. Điều đó sẽ xảy ra. Người nào trong chúng ta cũng biết là khi mình thay đổi thì người kia sớm muộn cũng sẽ thay đổi.

A cũng biết rằng tính tình của mình như thế đó (… ) – ‘‘Như thế đóì là như thế nào? Phải nói ra, phải dám soi gương để nhìn rõ tính khí của mình. Mình cũng có thể nhờ các bạn thân của mình soi sáng cho mình, chỉ bảo cho mình. Mình cũng có lúc nóng nảy, cũng có lúc vội vã, sai lầm. Và mình hay phản ứng như thế này, cho nên mình đã khổ và làm cho người kia khổ. Cho nên A quyết lòng tu tập để phá vỡ vòng lẩn quẩn. Trong quá khứ, mỗi khi bên này nói một câu gì là bên kia nổi điên ngay, vì thế bên này lại giận hơn nữa, và nội kết của hai bên lôi cuốn lẫn nhau. Bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn đó là thoát khỏi một vòng luân hồi.

Như thế chúng ta tạo cơ hội cho cả hai chuyển hóa. Và đây công thức của sự tu tập trong một tăng thân: sự chuyển hóa của người này sẽ đưa tới sự chuyển hóa của người khác. Có một thiếu nữ đến tu tập ở Làng Hồng, sáu tháng rồi trở về Hoa Kỳ. Tự nhiên cô cảm thấy có thể bắt đầu nói chuyện được với một người mà từ năm, bảy năm nay cô không thể nào nói chuyện được. Cô cảm thấy một điều rất lạ. Trước kia cô không thể nói chuyện, không muốn nhìn mặt người kia; thế mà sau khi tu tập ở Làng Hồng sáu tháng trở về, tự nhiên cô thấy mình có thể nói chuyện được dễ dàng. Ngay trong lần gặp gỡ và chuyện trò, cô đã thấy người kia thay đổi. Và sau đó gặp lại nhau trong mấy tuần lễ kế tiếp thì sự thay đổi càng rõ rệt. Tình thân ái lại nẩy nở, khi chia tay thì bịn rịn. Sự thay đổi của hai người không xảy ra cùng một lúc, vì đã chỉ có một người bắt đầu. Sự hòa giải nào cũng vậy. Ta tự hòa giải trong tâm ta trước, không cần người kia biết. Khi trong lòng mình có sự hòa giải rồi thì tâm bình an của mình tỏa chiếu ra, người kia sẽ tiếp nhận và đến lượt người kia sẽ được chuyển hóa.

Khi hai bên thực tập viết thư và trao cho nhau xong, có thể phép lạ sẽ xảy ra trong những ngày kế tiếp. Mỗi người đã xét mình và đã quán chiếu để hiểu người kia. Mỗi người tự phát nguyện là sẽ thay đổi, sẽ không làm, không nói theo tập khí của những ngày trước. Nói và cư xử cách nào phù hợp để người kia có thể chấp nhận được, có thể hiểu được. Sau khi quán chiếu, mình sẽ thấy nhiều điều lâu nay mình tưởng là đúng, mà quả thực là sai. Có khi điều mình nói là sự thật, nhưng cách mình nói ra vụng về và nóng nảy cũng có thể tạo ra sự tan vỡ, vì người kia không tiếp nhận được. Vì vậy ta phải học phương pháp thực tập chánh ngữ. Vì chánh ngữ bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, nhưng cũng gồm cả nghệ thuật diễn tả. Cách ngôn Trung Hoa có câu là một lời mà nói ra bốn con ngựa chạy theo cũng không kịp (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Phải tu tập ngay từ chánh kiến và chánh tư duy mới có thể thành công được về chánh ngữ.

Phương pháp thực tập chánh ngữ này rất cụ thể, ai cũng có thể thực hành ngay. Nếu thực tập cho đàng hoàng trong một vài tuần, ta sẽ thấy kết quả. Tu tập là chúng ta tu tập trong một tăng thân. Hạnh phúc của một người tùy thuộc hạnh phúc của người khác. Đừng nghĩ người nào tu riêng người đó, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Nghĩ như thế là thất bại. Phải làm cho người khác có hạnh phúc thì mình mới thật sự có hạnh phúc. Luôn luôn bắt đầu bằng sự thay đổi trong tâm mình. Khi ngồi thiền, thay vì quán chiếu về cây tùng trước sân hay là tiếng vỗ của một bàn tay, chúng ta hãy quán chiếu về một đề tài thiết thực. Đó là làm thế nào để thiết lập được chánh ngữ, chánh kiến và chánh tư duy ngày hôm nay. Viết lên giấy trắng mực đen có thể giúp cho sự tu học. Ngồi xuống, cây viết trên tay, quán chiếu về tánh khí của người kia và của mình, do môi trường, hoàn cảnh, tập quán nào gây ra. Thấy được rồi ta mới hiểu tại sao ta hay phản ứng như thế này, mà người kia hay nói, hay làm như thế kia. Ta đi tới kết luận là từ bây giờ ta muốn áp dụng phương cách mới trong cách nói và cách làm. Ta nói và làm hai hoặc ba lần theo phương thức mới thì người kia sẽ bắt đầu thấy và cũng tự chuyển hóa. Nếu hai người cùng thực tập thì mỗi người đều làm như vậy cả. Hai người sẽ trao cho nhau tuệ giác của mình, giúp nhau tu tập, và họ là anh em, chị em thực sự. Giữa hai anh em, giữa vợ chồng, giữa cha con phương pháp này đều có thể làm được, trong cách cư xử tương kính và thật sự bình đẳng.

Trong truyền thống đạo Bụt, tăng thân được tổ chức như một gia đình. Vì vậy chúng ta thường gọi nhau là sư ông, sư chú, sư bác, sư anh, sư chị, sư em. Khi sống chung, chúng ta phải hoà hợp những cá tính lại thành một cọng tính. Không người nào giống người nào, sở thích cũng khác nhau. Nhưng tính chất đa dạng đó đem lại những dáng sắc rất đẹp cho cộng đồng. Tăng thân sống hòa hợp, nhường nhịn nhau được cũng nhờ ở sự thực tập chánh ngữ.

Hạnh lắng nghe

Trong giới thứ tư của năm giới, chúng ta học: ‘‘Biết rằng lời nói có thể đem lại khổ đau hay là hạnh phúc cho nên tôi thực tập chánh ngữ để có thể làm vơi bớt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho người.’’ Và một điều thực tập cần thiết là hạnh lắng nghe. Cái nói liên hệ tới cái nghe. Nói mà không biết nghe tức là chưa có chánh ngữ. Muốn cho lời nói của ta là chánh ngữ thì ta phải lắng nghe người khác. Cho nên tập lắng nghe là một phần của sự thực tập chánh ngữ. Điều này là một ý kiến mới bổ túc cho giới thứ tư. Từ nay nói về chánh ngữ ta phải nói cả về chánh thính (right listening). Trong kinh ta vẫn đọc: ‘‘Chúng con xin học hạnh lắng nghe’’, tức là hạnh của bồ tát Quán Thế Âm. Nếu không nghe, thì ta sẽ không hiểu và chánh ngữ sẽ không vững vàng. Trong Kinh có danh từ đế thính: Nhữ đẳng tỳ kheo đương đế thính, này các tỳ kheo, các thầy lắng nghe tôi nói đây. Đế thính là lắng nghe cho kỹ. Chữ đế này giống như trong tứ đế. Đế thính là nghe với tất cả tấm lòng của mình, nghe với một tâm hồn lắng dịu, không sôi động, không thành kiến. Đế thính là một nghệ thuật; nếu tâm hồn còn xao động, còn đầy dẫy tư duy và thành kiến, nếu chỉ dùng trí năng (intellect) của mình để nghe, đó chưa phải là đế thính. Có một Kinh về Bát chánh đạo, thay vì dùng từ chánh ngữ đã dùng từ đế ngữ và chánh định thì gọi là đế định. Đế thính cần cho đế ngữ. Vậy khi nghe, ta đừng nghe với thành kiến. Ta phải nghe bằng cả trái tim của mình. Phải nghe bằng cái tâm trống không, nghe như vậy mới có thể hiểu được. Nghệ thuật nghe là không phải chỉ nghe bằng tai. Mắt theo dõi người nói, nét mặt tự nhiên biến đổi theo những lời phát biểu, ta nghe bằng toàn thể thân tâm ta. Nhiều khi chỉ cần lắng nghe thôi ta đã giúp cho người bớt khổ rồi.

Có những lúc ta chỉ nghe bằng tai, còn tâm ta không nghe, trong tâm ta vẫn đang nói. Tuy không nói thành lời, nhưng ở trong lòng ta tầm và từ đầy ắp, không còn chỗ để ta nghe nữa. Nghe một câu, trong lòng ta có phản ứng. Tuy không nói ra nhưng trong tâm ta đã bắt đầu phê bình, lên án, bắt bẻ, v.v.. Như vậy không phải là đế thính. Nghe lời dạy của Bụt ta phải đế thính, mà nghe lời của những người khổ đau ta cũng phải đế thính. Nghe lời của bạn hay của thù cũng phải đế thính. Trong tâm lý học Tây phương có phương pháp nghe gọi là emphatic listening, tức là vừa nghe vừa đồng nhất mình với người nói, không lên Đn, không chê bai, không có thành kiến. Empathic listening, dịch tiếng Việt là nghe thẩm thấu, nghe và để lời nói thấm vào. Khi lắng nghe những người khổ đau, như bác sĩ tâm lý trị liệu, thì ta phải nghe với tất cả tâm hồn. Lắng nghe như vậy người nói cảm thấy rằng họ có thể nói sự thật và họ sẽ nói sự thật. Muốn nghe như vậy trong lòng phải đạt một trình độ tĩnh lặng, một mức độ từ bi. Người bác sĩ tâm lý trị liệu phải có từ bi và tĩnh lặng, phải có tuệ giác ở trong lòng thì phẩm chất của sự trị liệu mới cao. Cho nên người bác sĩ tâm lý trị liệu nào cũng phải thực tập chánh kiến, phải thực tập đế thính, phải thực tập từ bi. Khi ta nghe mà mắt ta biểu lộ hiểu biết và thương yêu thì người nói mới có can đảm nói những điều họ chưa bao giờ nói. Chỉ ngồi nghe không thôi đã làm sứ giả của Như Lai rồi. Ở Làng Hồng đại chúng có Hiệp Ước Sống Chung An Lạc, một phương pháp rất mầu nhiệm. Thực tập Hiệp Ước Sống Chung An Lạc phải quán chiếu, nhìn sâu sắc vào chính ta và vào người khác, đó là phép thực tập căn bản. Không phải cứ họp nhau, nói qua nói lại là có thể giải quyết các vấn đề. Cần thực tập chánh ngữ, căn cứ trên sự thực tập chánh kiến và chánh tư duy. Có chánh kiến và chánh tư duy thì tự nhiên có tình thương. Khi tất cả mọi người đều đã nắm được nghệ thuật đế thính và chánh ngữ, những lời nói ra đều mang chất liệu của sự hiểu biết, của lòng tha thứ và thương yêu. Danh từ đế thính (sravana) ta đọc thấy trong Kinh Trường A Hàm, cũng có thể tìm thấy ở Thắng Thiên Vương Bát Nhã Kinh. Sau này mỗi khi nói đến chánh ngữ thì chúng ta phải nói tới đế thính, tại vì nghe là một phần quan trọng của nói. Nếu không biết nghe thì ta sẽ không biết nói.

Một vài điều ta cần nói thêm để kết luận về phần thế gian, tức là phần tục đế, của chánh ngữ. Chúng ta biết, cũng như khi thực tập chánh tư duy, muốn thực tập chánh ngữ ta phải liên hệ với sự thực tập quán chiếu về tưởng (perception). Thực tập Chánh ngữ, ta phải thấy sự liên hệ với chánh niệm hoặc thất niệm. Nếu sống trong thất niệm mãi thì chúng ta không có hy vọng tiến bộ trên con đường thực tập chánh ngữ. Nói phải biết rằng mình đang nói gì. Trước khi nói ta biết ta sẽ nói gì, chứ đừng có để lời nói chạy ra trước rồi mình chạy theo sau. Tu tập chánh niệm giúp ta nắm được thân, tâm và ngôn ngữ của ta.

Thực tập chánh ngữ phải quan tâm đến tập khí. Ta có những tập khí, những thói quen, cho nên đôi khi lời nói ta chỉ là phản ứng rất máy móc. Nghe một điều, ta tự nhiên có những phản ứng tự động và bật nói ra. Đó là do tập khí. Chúng ta phải nhận diện các tập khí, mỉm cười mỗi khi chúng xuất hiện, và nói: ‘‘tập khí ơi, chào mi!’’ Rồi thực tập chánh ngữ, tình thương và bồ đề tâm. Cần quán chiếu, cần thấy nỗi khổ của người, cần thấy hạt giống của niềm vui nơi người, nhờ đó ta có thể tạo hạnh phúc cho những người xung quanh ta. Ta có thể ban phát rất nhiều hạnh phúc, chỉ cần nhờ thực tập chánh ngữ. Và cố nhiên khi tạo nên hạnh phúc cho người thì chính ta không thể nào không có hạnh phúc.