Bài 06 Quá trình văn tư tu
Hôm nay là ngày mùng 9 tháng 12 năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về tứ diệu đế. Chúng ta đang nói về chánh kiến, tức là cái thấy chính xác, trước hết là cái thấy về bốn sự thật là khổ, tập, diệt và đạo. Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự thật thứ tư là đạo.
Đạo tức là con đường (marga). Có con đường đưa chúng ta thoát khổ đau, có con đường chuyển hóa khổ đau. Dịch ra tiếng Anh một cách đơn giản thì khổ là ill hay là ill-being (duhkha). Tập là sự tập hợp của những nguyên do đưa tới khổ, có thể dịch là arising (samudaya). Diệt là cessation, tức là chấm dứt, không tạo tác ra khổ nữa. đạo là the way. Có thấy đạo thì mới có chánh kiến.
Chúng ta đã biết rằng khi quán chiếu về khổ một cách sâu sắc ta có thể thấy tập, thấy diệt và thấy đạo. Khi nhìn vào tập, chúng ta cũng thấy khổ, thấy diệt và thấy đạo. Nhìn vào diệt, chúng ta cũng thấy khổ, thấy tập và thấy đạo. Và bây giờ nhìn vào đạo, chúng ta cũng thấy rõ khổ, tập và diệt. Cho nên đạo chỉ có thể thấy được từ sự đau khổ. Nếu không nhận ra khổ thì không thể nào tìm ra đạo.
Người ta thường không hiểu đúng về đạo. Họ nghĩ rằng có một con đường tu hành, nhưng bây giờ còn trẻ, mình chưa tu làm gì vđoi. Đợi khi nào 60 hoặc 70 tuổi rồi tu cũng không muộn. Hoặc nghĩ rằng đạo là để dành cho những người già cả và những kẻ chán đời. Họ không biết rằng đạo là con đường chuyển hóa, giúp mọi người thoát khổ. đạo vốn có nghĩa là con đường đi. Ở Đông Phương chúng ta nói đến đạo làm người, đạo làm cha, đạo làm thầy. Người con có đạo làm con, người vợ có đạo làm vợ, người chồng có đạo làm chồng, v.v.. Trong sách Minh Tâm Bảo Giám có câu ‘‘mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đa thị thiếu niên nhânì, nghĩa là đừng có đợi đến già rồi mới học đạo, tại vì cứ nhìn vào nghĩa địa thì biết, ở trong ấy có rất nhiều nấm mồ của những thiếu niên. Như vậy dù ở tuổi tác nào, ở vị trí nào chúng ta cũng cần học đạo. Và đạo mà Bụt dạy là đạo giải thoát, đạo sống an lạc.
Nhầm lẫn quan trọng hơn nữa là nhiều người nói về đạo như một lý thuyết, hay những hý luận cho vui. Nghĩ rằng về già mới cần học đạo, đó không phải là chánh kiến. Hý luận về đạo lại là một tà kiến khác. Nhiều người nói về đạo rất lưu loát, nhưng các lý thuyết họ nói không dính líu gì đến đời sống của họ cả. Trong giới Phật tử Việt Nam có rất nhiều người nói tới đạo một cách rất say mê, nhưng đạo ấy không được thể hiện trong đời sống và trong sự tu học của họ. Bài hát đạo ca: ‘‘Tôi là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng… ì dùng những danh từ đạo Bụt, kỳ thực không có nội dung đạo, chẳng qua chỉ là những ý tưởng uỷ mị, lãng mạn về thiền, về đạo mà thôi. Có rất nhiều trường hợp trong đó chúng ta hiểu lầm về đạo như vậy.
Quá trình văn tư tu
Cái nhìn về đạo chân chính bắt đầu từ văn, tư và tu, gọi là tam học. Vặn là học hỏi. Những đệ tử của Bụt gọi là thanh văn (sravaka), là người nghe giáo lý để tu học. Khi nghe giảng dạy về giáo lý, khi đọc Kinh, khi pháp đàm, ta thực tập văn học. Vặn học tức là học nghe. Học nghe, ta phải có thái độ cởi mở, phải thao thức muốn hiểu, muốn thực hành, như thế mới gọi là văn học. Còn nếu nghe để đàm luận, nghe chỉ để phê phán và chỉ trích, nghe để chứa chấp kiến thức rồi khoe khoang, đó chưa phải là văn học.
Tư là suy gẫm, tư duy, quán chiếu những điều mình nghe. Ta nghe một điều gì, dù điều đó từ một vị đạo sư nổi tiếng nói ra ta cũng phải tư, tức là phải thẩm xét giá trị ứng dụng của những điều đó. Ta không mù quáng nghe theo vô điều kiện. Sau khi nghe rồi, phải tư. Trong khi đang nghe, không tư, nghe là nghe mà thôi. Nghe xong rồi lúc đó mới quán chiếu, mới suy tư (reflecting). Tư là đem kinh nghiệm, đem trí tuệ, đem khổ đau của mình ra để mà xét nghiệm. Xem thử những điều mình nghe có thể trả lời được những nỗi đau khổ, những thắc mắc, những thao thức của đời mình hay không, như thế gọi là tư học.
Nghe giống như gieo hạt giống vào đất. Thực tập là tưới tẩm cho hạt giống có thể nẩy mầm. Thực tập là tu, giai đoạn thứ ba gọi là tu học. Nếu không đem ra thực tập thì việc nghe không có lợi ích nào cả. Trong quá trình văn, tư, tu về đạo ta sẽ thấy được bản chất của đạo là làm bằng khổ, ta thấy khổ ở trong đạo. đạo Bụt phát sinh là vì cuộc đời khổ đau, cho nên cuộc đời khổ đau là chất liệu làm ra đạo. Sự tỉnh thức, sự thương yêu phát sinh từ khổ đau. đạo và khổ tương tức. Trong quá trình văn, tư và tu chúng ta thấy khổ và tập ở trong đạo. Chúng ta biết rằng tập, những nguyên do làm ra khổ, nếu chuyển hóa được, thì khổ sẽ vắng mặt. Ba yếu tố khổ, tập và diệt có thể nhìn thấy trong đạo. Tâm Kinh nói: ‘‘Không đạoì, có nghĩa là đạo không có ở ngoài khổ, tập và diệt. Không có cái này thì không có cái kia. Năm chữ ‘‘không khổ, tập, diệt, đạoì thuộc về chân đế, đó là sự thật vô lậu. Ngay trong quá trình tiếp xúc với mặt tục đế, ta đã thấy được bản chất của đạo, và chuyển hóa được tập. Nếu thấy cho rõ thì ta ngừng lại ngay, tự nhiên đi tới diệt. Chuyển hóa tập, thành tựu diệt sẽ làm vơi khổ, khiến cho cái khổ biến đi.
Nhờ quá trình văn, tư và tu mà lời nói và hành động của ta mỗi lúc mỗi tương ứng. Ví dụ một người giảng giải rất hay về năm giới, nhưng vẫn chưa thực tập năm giới một cách vững chãi. Nhờ quá trình văn, tư và tu nên sự thực tập năm giới càng ngày càng vững; và lời nói của ta đi đôi với hành động, ngôn hành tương ưng. Nói theo Vương Dương Minh là tri hành hợp nhất.
Đạo vượt ngoài ngôn ngữ
Đạo bắt đầu bằng văn, tức là nghe, đọc và thâu nhận một số kiến thức. Rồi nhờ quán chiếu, suy gẫm và áp dụng trong đời sống hàng ngày nên những kiến thức và ý niệm ban đầu biến dần thành tuệ giác thực sự. Vì vậy chúng ta tránh nói tới đạo như là một chủ thuyết. Nhìn vào một con người có văn, có tư và có tu thì ta thấy sự thể hiện của đạo. Ta thấy người đó sẽ đạt tới diệt, buông bỏ được tập, và chuyển hóa được khổ. Quá trình tu học lúc đầu dựa vào ngôn ngữ, dựa vào ý niệm. Nhưng sau khi thực chứng, chúng ta sẽ không còn kẹt vào ngôn từ và ý niệm, sẽ tiếp xúc trực tiếp với bản môn. đạo siêu việt ngữ ngôn, như trong đạo Đức Kinh có câu: đạo khả đạo, phi thường đạo, (ữạo mà có thể đàm luận thì chưa phải đạo chân thường). Có những người tới hỏi đạo cốt để chất vấn và cãi lý về đạo, ta chỉ nên mỉm cười. Lý luận về đạo mất thì giờ, không có lợi ích gì. Ngồi uống trà với nhau còn có đạo vị hơn.
Bước đầu học đạo cần phải có những khái niệm về vô thường và vô ngã, về khổ, tập và diệt. Ban đầu ta cũng có thể dùng lý luận để dẹp trừ những tà thuyết. Nhưng sau đó ngôn từ và lý luận cũng được vượt luôn và lúc đó người tu học sử dụng chính sự sống của mình. Ta sống đời sống hàng ngày cách nào để cho người khác thấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định và chánh kiến trở nên có mặt. Kinh thường kể những câu chuyện về những nhà triết học cứ muốn đàm luận và cãi lý với Bụt về những đề tài như vô thường, vô ngã, và niết bàn. Mỗi lần Bụt thấy một nhà triết học tới ngồi sẵn sàng để đấu lý như vậy thì Ngài chỉ mời ngồi uống trà. Hỏi thì Ngài không nói. Chúng ta nhớ lại câu chuyện một nhà triết học tới hỏi Bụt về vấn đề có ngã hay không có ngã. Bụt ngồi im không nói gì. Sau đó ông ta đi mất. Thầy A Nan thắc mắc, thì Bụt bảo: ‘‘Ông ấy đi tìm một học thuyết để chống đối hoặc ủng hđo, chứ không đi tìm pháp môn tu học. Nói không có ngã, ông sẽ bị kẹt, mà nói có ngã ông cũng bị kẹt. Không nói là đỡ cho ông ta hơn. ì
Đạo vượt lên trên ngữ ngôn, ý niệm và lý luận. Nói như vậy không có nghĩa là ngữ ngôn và khái niệm không có ích lợi. Khi người ta thao thức học hỏi để tu tập thì ngữ ngôn và khái niệm là những bảng chỉ đường có thể sử dụng được. Cũng như bản đồ của một thành phố tuy không phải là thành phố nhưng có thể giúp ta đi trong phố xá mà không lạc đường. Khi đạo đã là sự thật trong đời sống hàng ngày rồi thì sự tu học trở thành rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, không nặng về hình thức. đạo có tính cách vô hành. Vô hành là không làm gì cả. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ thứ ba, có câu: ngã pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, (cái pháp của ta là hành cái hạnh vô hành, tu cái tu vô tu và chứng cái chứng vô chứng). Ý nghĩa câu đó là đạo vượt thoát các hình thức và ý niệm.
Đạo đế cũng có phần hữu lậu và phần vô lậu. Phần hữu lậu là thế gian (lokya), là phần hướng thượng, dần dần bớt khổ thêm vui. Phần vô lậu là xuất thế gian (lokottara) là phần vượt thoát hoàn toàn biên giới của ngôn từ, ý niệm, khổ và vui.
Kinh chánh kiến
Chánh kiến thường được diễn tả là thấy được tam bảo, thấy được thiện ác, v.v.. Nhưng trước hết chánh kiến là phải thấy được bản chất về bốn sự thật. Cái thấy về bốn sự thật là căn bản của chánh kiến. Trong tam tạng kinh điển có nhiều Kinh nói về chánh kiến, cái thấy chân thật (samyak dr3/4sti). Có một Kinh do thầy Xá Lợi Phất giảng, gọi là Kinh Chánh Kiến (Samaditthi sutta). Kinh này là kinh thứ 9 ở Trung bộ (M. 9). Thầy Xá Lợi Phất đã nói nhiều Kinh về đề tài tứ diệu đế, trong đó có Kinh gọi là Dấu Chân Voi, Tượng Tích Diệu Kinh. Con voi chúa đi trước để lại những dấu chân rất lớn. Những con đi sau có thể bước lên trên dấu chân đi trước; nhưng không có dấu chân con thú nào lớn bằng dấu chân con voi. Giáo lý tứ diệu đế cũng vậy, bao gồm tất cả các giáo lý khác. Kinh Chánh Kiến ở Trung Bộ có một Kinh tương đương bằng Hán văn, đó là Kinh 344 ở Tạp A Hàm. Học Kinh này ta thấy thầy Xá Lợi Phất dạy một sư em tên là Ma Ha Câu Thi La và một số các thầy khác về cái thấy chân chính.
Theo thồầy Xá Lợi Phất chánh kiến trước hết là sự phân biệt những gốc rễ lành và những gốc rễ không lành, thiện căn và bất thiện căn (wholesome roots anh unwholesome roots). Quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy có ba loại gốc rễ lành là: vô tham (absence of greed), vô nhuế (absence of anger) và vô hại (absence of violence), tức là cái rễ không tham đắm, cái rễ không giận hờn và cái rễ bất bạo động. Bất bạo động (ahimsa) tức là vô hại. Vô hại tức là không muốn gây đổ vỡ cho mình, cho người và cho thiên nhiên). Những gốc rễ bất thiện là tham, nhuế và hại. Chữ tham có nhiều nghĩa. Nó có nghĩa là vướng mắc, là thèm khát, không bao giờ thỏa mãn. Ngược lại với tham là tri túc, tức là bằng lòng với tình trạng vừa đủ, để có an lạc cho thân tâm.
Các thầy khác hỏi: Có chánh kiến về các phương diện khác không? Thầy Xá Lợi Phất trả lời: Có chứ, ví dụ chúng ta nói đến chánh kiến về phương diện các loại thức ăn. Chúng ta phải phân biệt bốn loại thức ăn.
Bốn loại thức ăn
Loại thức ăn thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Chánh kiến cũng là biết phân biệt những đoàn thực có hại và những đoàn thực không có hại. Chúng ta phải biết những thức ăn và thức uống nào gây tàn phá và làm mất sự điều hòa trong cơ thể. Khi chúng ta ăn những món hiền lành và bổ dưỡng thì chúng ta cũng biết. Đó gọi là chánh kiến. Ta thực tập chánh kiến ngay trong đời sống hàng ngày, trên bàn ăn và trong khi nấu ăn, chứ không phải chỉ thực tập trong thiền đường mà thôi. Trước khi ăn chúng ta nói: ‘‘chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnhì, đó là chánh kiến áp dụng khi ăn và khi nấu ăn.
Nói về đoàn thực, Bụt đã dùng hình ảnh của hai vợ chồng nhà kia ăn thịt con. Hai vợ chồng này mang đứa con trai duy nhất đi qua sa mạc. Họ nghĩ rằng số lương thực đem theo là đủ cho chuyến đi. Nhưng chưa ra khỏi sa mạc họ đã hết thực phẩm. Hai vợ chồng biết rằng cả ba người sẽ chết đói. Cuối cùng họ phải đành tâm ăn thịt đứa con để có thể sống mà ra khỏi sa mạc. Họ vừa ăn thịt con vừa khóc. Bụt hỏi rằng: ‘‘Này các thầy, khi hai vợ chồng đó ăn thịt đứa con thì họ có thấy thích thú gì không?ì Các thầy thưa: ‘‘Bạch đức Thế Tôn, làm sao thích thú được khi biết mình đang ăn thịt con. ì Bụt dạy: ‘‘Trong đời sống hàng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta cũng phải biết thức ăn của mình đã có thể được tạo ra bằng sự đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác. ì Hai tay nâng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Ăn không có chánh niệm, ta tạo khổ đau cho mọi loài và khổ đau cho chính bản thân ta. Khi ta hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức béo vào, là ta đang ăn bộ phổi của ta, đang ăn buồng gan, trái tim của ta, tự đang ăn thịt ta. Nếu là cha, là mẹ thì lúc đó ta đang ăn thịt con ta tại vì các con cần có cha mẹ mạnh khỏe, tươi vui. Và nếu cha mẹ trong khi ăn uống mà tàn hại thân thể của chính mình thì chính cha mẹ đang giết con. Thành ra ăn như thế nào để đừng tạo ra những khổ đau cho các loài và đừng tạo khổ đau cho chính mình, đó là chánh niệm và chánh kiến. Đạo Bụt trong cả Nam Tông và Bắc Tông đều tin rằng chúng sanh từ đời này sang đời khác thay phiên lần lượt làm cha làm mẹ của nhau. Vì vậy mỗi khi ăn thịt, chúng ta hãy có ý thức rằng có thể ta đang ăn thịt cha mẹ hay con cái của ta. Do đó chúng ta đã tập ăn chay và tập không sát sanh.
Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không. Ví dụ như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc. Phải thực tập chánh kiến xem chương trình truyền hình kia có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thù và bạo động hay không. Có những phim mang lại cho lòng ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Ta biết ta có thể xem phim đó. ĨAy là ta thực tập chánh kiến. Người lớn cũng như trẻ em, trong khi xem phim, phải biết thực tập chánh kiến. Phải biết rằng có những chương trình truyền hình chứa đựng rất nhiều độc tố như bạo động, căm thù và dục vọng. Ngay cả những phim quảng cáo cũng khơi động thèm khát, dục vọng hay sợ hãi của người ta. Khi xem một tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. đọc xong ta có thể mệt nhoài vì những điều ta đọc có thể khiến chúng ta chán nản, lo lắng và ghê sợ. Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang nhiều độc tố. Đó là xúc thực.
Chánh kiến phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và tôi quyết định mỗi ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn những thứ làm tôi mệt, tôi buồn, tôi lo, tôi giận thì tôi sẽ tránh không tiếp xúc. Đó là chánh niệm về xúc thực, có được nhờ chánh kiến về xúc thực. Bụt dạy rằng con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể cũng như trên tâm hồn. Bụt đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một thân cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta. Năm giới mà chúng ta tiếp nhận và hành trì là bộ da bao bọc thân thể và tâm hồn ta. Nếu không hành trì năm giới là chúng ta không thực tập chánh kiến. Và trong mỗi chúng ta vốn đã có hạt giống của chánh niệm. Thực tập chánh niệm cũng như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố kia.
Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Đó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn, hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ, những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời v.v.. thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc. Về tư niệm thực, Bụt kể chuyện một người bị hai lực sĩ kéo xềnh xệch trên mặt đất để đi tới một hầm lửa. Hai lực sĩ khiêng người kia ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Bụt nói rằng khi ta bị những tư niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn thì cũng như ta bị những chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm lửa. Do đó người tu học phải có chánh kiến, phải nhận diện được tư niệm thực trong ta là loại nào.
Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động tự nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trôi về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho tâm thức ăn Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa hay là chúng ta cho nó ăn tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến? Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giãi đãi, phóng dật?
Về thức thực, Bụt đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưỡi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới buổi chiều vua hỏi: ‘‘Người tù đó bây giờ sao?ì – ‘‘Tâu bệ Hạ, nó còn sống. ì- ‘‘Vậy thì đem nó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần nữa. ì Và buổi tối, vua hỏi: ‘‘Kẻ đó bây giờ ra sao?ì- ‘‘Còn sống. ì- ‘‘Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa!ì Bụt dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành Hạ tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dơư, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.
Bốn ví dụ kể trên được chép trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con. Bốn ví dụ nghe rất ghê sợ, có tác dụng rặn bảo chúng ta phải tỉnh táo giữ gìn chánh kiến.
Thầy Xá Lợi Phất nói: ‘‘Người có chánh kiến là người hiểu được bản chất của bốn loại thực phẩm như trênì. Nếu anh chưa biết được cái bản chất của bốn loại thực phẩm là anh chưa có chánh kiến. Sau khi thầy Xá Lợi Phất nói về bốn loại thực phẩm, các thầy khác lại hỏi tiếp: ‘‘Có thể nói về chánh kiến dưới một phương diện khác nữa hay không?ì Thầy Xá Lợi Phất trả lời: ‘‘Có, chánh kiến là cái thấy của chúng ta về bốn sự thật, gọi là tứ đế. Phải thấy được khổ, phải thấy được tập, phải thấy được diệt, phải thấy được đạo. ì Các thầy hỏi thêm, thì thầy Xá Lợi Phất nói tiếp về chánh kiến qua mười hai nhân duyên. Các thầy lại hỏi thêm nữa, và thầy Xá Lợi Phất nói rằng chánh kiến có thể nhìn dưới khía cạnh hữu lậu và vô lậu. Phần hữu lậu là thế gian và phần vô lậu là xuất thế gian. Phần thứ nhất là hướng thượng, phần thứ hai là lậu tận. Khi nào diệt hết phiền não thì gọi là lậu tận, tức là vượt ra khỏi biên giới của khổ đau. Những điều này cũng được nói tới trong nhiều Kinh khác *.
Chúng ta phải bắt đầu bằng phần thế gian. Chánh kiến (right view) là cái đi ngược lại với tà kiến (wrong view). Tà kiến là nói rằng không có nhân quả, không có thiện ác, không có cha mẹ, không có tình nghĩa. Chánh kiến là biết có nhân có quả, có phân biệt thiện ác, có đời trước đời này, có cha có mẹ, có tình có nghĩa, v.v.. Chúng ta phải bắt đầu từ phần đạo đức thế gian, theo lời thầy Xá Lợi Phất dạy. Chánh kiến gồm khả năng nhận diện những thiện căn và những ác căn ở trong ta, khả năng thấy được bản chất của tứ diệu đế, khả năng có thể thấy được bốn loại thực phẩm, và khả năng có thể thấy được mười hai duyên khởi.
Tưới tẩm hạt giống chánh kiến
Làm thế nào để đạt được chánh kiến? Trước hết chúng ta phải học. Quá trình văn, tư, tu (nghe- suy nghiệm- thực tập) bắt đầu bằng văn, nghĩa là phải học, phải tập lắng nghe. Chánh kiến có thể trao truyền được không, hay là tự mình phải đạt lấy? Ta nhớ rằng chánh kiến đã có sẵn hạt giống ở trong mỗi người. ựThầy giỏi và bạn giỏi là những người có thể khơi động được hạt giống của chánh kiến ở trong ta. Người dạy ta có chánh kiến không, và đã chứng đạt tới mức nào? Chánh kiến của người ấy đã vững chãi chưa hay chỉ là một số khái niệm học được từ các thầy khác hay trong Kinh sách? Học không phải là thâu thập kiến thức. Học lý thuyết mà không chứng nghiệm thì cũng như con tằm ăn lá dâu mà không làm được tơ, không có ích lợi gì cả.
Chánh kiến có thể thụ nhận, có thể trao truyền. Nhưng việc trao và nhận cần nhiều điều kiện. Người dạy ta về chánh kiến, cuốn sách ta đọc, cuốn Kinh ta tụng phải có khả năng thức động những hạt giống chánh kiến trong ta. Hạt giống chánh kiến có sẵn. Bụt dạy tất cả mọi người đều có hạt giống của tuệ giác. Cho nên khi được nghe, được tiếp xúc với những dấu hiệu của chánh kiến thì tự nhiên ta sẽ hiểu. Những kinh nghiệm khổ đau của ta cũng giúp ta tiếp nhận chánh kiến. Chánh kiến chỉ có thể trao truyền trong những thời gian và địa điểm thích hợp, bằng ngôn ngữ từ ái, khế cơ, những ngôn ngữ có khả năng đánh thức được hạt giống chánh kiến có sẵn trong người nghe. Người nghe lúc đầu có thể chỉ hiểu bằng trí óc thôi, điều nghe chưa thấm vào tâm thức hoặc chưa thể nghiệm được, vì còn thiếu kinh nghiệm sống. Nhưng hạt giống chánh kiến chứa sẵn trong tâm một ngày kia sẽ nẩy mầm. Khi kinh nghiệm đau khổ đã chín mùi thì chỉ cần nghe một câu nói hay một bài pháp thoại là người ấy đã có thể chuyển hóa. Cho nên tạo ra những điều kiện giúp ta tiếp nhận chánh kiến là điều rất quan trọng.
Nhiều người thấy mình đã sẵn sàng để tiếp nhận chánh pháp, nhưng vẫn phải chuẩn bị một thái độ thích đáng. Nghe một bài pháp, phải để cho giáo pháp có cơ hội thấm sâu trong tâm thức để tiếp xúc, đánh thức và tưới tẩm những hạt giống chánh kiến ở trong mình. Nếu chỉ dùng trí năng để tiếp nhận chánh kiến thì sẽ không có kết quả bao nhiêu. Tôi thường nói với thiền sinh là nghe pháp thoại (văn) là một phép thực tập mà việc thực tập thì không phải chỉ cần đến trí năng. Phải thực tập với thân, tâm và cả tàng thức của mình. Tàng thức như mặt đất, gọi là đất tâm (tâm địa). Trong đất tâm của ta có những hạt giống của chánh kiến. Khi nghe pháp đừng dựng lên những bức tường trí xảo. Không suy đoán, không so sánh, không bình luận.
Trong giai đoạn văn ta chưa cần tư. Khi nghe pháp thoại hãy khoan dùng trí năng phân biệt, mà phải đưa cả thân tâm ra. Khi nghe pháp, ta phải để mặt đất tâm mở rộng thênh thang cho mưa pháp thấm nhuần. Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười. Đất tâm thấm ướt thì hạt giống tuệ giác ở trong ta mới nẩy mầm được. Cho nên ngồi nghe pháp thoại phải như ngồi thiền, phải ngồi cho chững chạc, thanh thản, và chỉ lắng nghe thôi. Mở rộng tấm lòng không thành kiến để tiếp nhận lời pháp thoại. Nghe mà đã có định kiến rồi thì không tiếp nhận được nữa. Lúc nghe chúng ta đừng đem so sánh những lời đang nghe với ý kiến có sẵn của mình. Đừng vừa nghe vừa phê phán: giống, khác, đúng, sai và lấy các định kiến của mình làm tiêu chuẩn. Bị bức tường trí não và thành kiến ngăn chặn, những điều ta nghe không thấm vào lòng ta được nữa. Cho nên bí quyết của nghe (văn) là lòng trống, là không tâm. Nghe, tiếp nhận và thấu hiểu rồi, sau đó mới tư và tu, nghĩa là mới suy ngẫm, chiêm nghiệm và đem vào cuộc sống.
Vào thời Bụt còn tại thế, nhiều người tới nghe Bụt giảng lần đầu, trong khi nghe đã tỉnh thức ngay. Họ giác ngộ tức thời trong khi nghe Bụt nói, nhờ họ đã từng đau khổ và đã dầy công tu tập. Chỉ văn thôi là đã chứng. Ba việc văn, tư và tu diễn ra trong cùng một khoảnh khắc. Vì ở trong con người của những kẻ ấy những cơ năng của giác ngộ đã đầy đủ rồi, chỉ còn một chỗ nào đó còn bị kẹt mà thôi. Bây giờ nghe một bài pháp thoại thì tự nhiên chỗ bị kẹt đó được tháo gỡ, và sự thật bung ra.
Chánh kiến có thể được nói tới như là nhân hay là quả. Chánh kiến tiếp nhận vào là nhân. Tư và tu lại mang chánh kiến tới như kết quả của sự thực tập. Khi tiếp thụ chánh kiến như là nhân, thì phần ý niệm và danh từ còn quan trọng. Khi thành tựu kết quả thì chánh kiến là tuệ giác, vượt khỏi danh từ và khái niệm, chánh kiến tức là giác ngộ, là bồ đề.
Vào buổi khuya thành đạo, Bụt đạt tới cái thấy hoàn toàn, vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì cái thấy của Ngài là tuệ giác xuất thế gian. Nhưng khi bắt đầu giảng cho các thầy về tứ diệu đế là Bụt bắt đầu phải dùng ý niệm và ngôn từ. Ý niệm về khổ, về tập, về diệt, về đạo. Đọc trong Kinh chúng ta thấy rằng sau khi Bụt thành đạo Ngài đã ở lại bờ sông Ni Liên Thuyền 49 ngày. Trong 49 ngày đó, Ngài sống trong vô ngôn và vô niệm, nhưng đồng thời Ngài cũng bắt đầu thiết lập các ngôn từ và ý niệm để chuẩn bị giảng dạy. Chúng ta thấy bài thuyết pháp đầu tiên về tứ đế và bát chánh đạo đã được xây dựng một cách rất kỹ lưỡng, rất đẹp đẽ và rất thích hợp với năm người đệ tử đầu. Nhưng đó chỉ là cái bình để đựng nước thôi. Nước chánh kiến đã có sẵn rồi. Muốn hiến nước cho người, phải đem tặng trong một cái bình. Và tứ diệu đế, bát chánh đạo là bình nước tuệ giác đầu tiên mà Bụt đem chia sẻ cùng nhân loại.
Thầy Thái Hư, sống đầu thế kỷ này bên Trung Quốc đã dùng các danh từ giáo lý bản chất và giáo lý ảnh tượng. Giáo lý ảnh tượng là giáo lý được trình bày qua ngôn từ và khái niệm, còn cái giáo lý mà ta sống là giáo lý bản chất. Thầy dùng hình ảnh của một thân cây. Trời nắng, cây chiếu bóng trên mặt đất. Chỉ cho người kia cái bóng cây: đây là bóng cây, nếu anh tìm tới gốc và nhìn lên anh sẽ thấy cây. Giáo lý ảnh tượng như bóng cây, giáo lý bản chất là cây. Cây là tuệ giác chân thật, bóng cây là khái niệm và ngôn từ diễn tả tuệ giác. Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ, tất cả giáo lý trong các kinh điển đều là ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng nhưng nếu không có ngón tay chỉ thì ta không biết phương hướng nhìn về mặt trăng. Khi nương vào giáo lý ảnh tượng để tu tập, một ngày kia ta thấy được giáo lý bản chất.
Duy Biểu Học (thường gọi là Duy Thức Học) nói về các phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi và kiến. Không cần dùng chữ tà kiến, vì kiến đã có nghĩa là cái thấy sai lầm rồi. Kiến nghĩa là một cái thấy phiến diện, thấy một mặt. Đứng về phương diện thế gian mà nói thì có chánh kiến, có tà kiến, chánh kiến đối lập với tà kiến. Nhưng khi đạt trình độ xuất thế gian thì tất cả mọi kiến đều là tà kiến. Ví dụ như vô thường là chánh kiến, thường là tà kiến; ngã là tà kiến, vô ngã là chánh kiến. Nhưng đứng về phương diện xuất thế gian thì thường là tà kiến mà vô thường cũng trở thành tà kiến. Vô thường là thứ thuốc trị bệnh giúp ta khỏi vướng mắc vào cái thấy về thế giới mà ta nghĩ là trường tồn. Nhưng nếu ta lại vướng mắc vào ý niệm vô thường thì vô thường cũng là một cái thấy (kiến) sai lầm. Vô thường là cái ta chứng nghiệm trong đời sống, không phải chỉ là một khái niệm. Học Phật, chúng ta hay bị vướng vào những ý niệm vô thường và vô ngã. Với tuệ giác siêu việt thì ý niệm về thường phải được vượt qua mà ý niệm về vô thường cũng phải được vượt qua. Ý niệm về ngã phải vượt mà ý niệm vô ngã cũng phải vượt. Cũng như trong Kinh Bảo Tích nói: ‘‘thà rằng bị kẹt vào ý niệm hữu, còn hơn là bị kẹt vào ý niệm khôngì. Không là một thứ thuốc để trị bệnh hữu nhưng nếu ta bị bệnh không thì không còn thuốc nào để chữa. Tóm lại, tu tập chánh kiến trước hết là học hỏi và tiếp nhận những ngôn từ và những khái niệm chuyên chở tuệ giác. Rồi nhờ quá trình văn, tư và tu mà tuệ giác đó lớn lên dần dần. Và khi đã đạt được tuệ giác thì không những tất cả các khái niệm về tà kiến mà cả những khái niệm về chánh kiến cũng được thắng vượt. Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mula pariyaya, Trung bộ 1) nói rất rõ về sự vượt thắng ý niệm và tà kiến, đứng trên lập trường xuất thế. Không những ý niệm ‘‘ta có tự ngãì là một tà kiến mà cả ý niệm ‘‘ta không có tự ngãì cũng là một tà kiến.
Tuệ giác đạt được nhờ chánh kiến càng lớn thì hành động của chúng ta càng sáng. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định v.v.. , tất cả đều tùy theo chánh kiến. Phẩm chất của bảy phần kia trong bát chánh đạo đều tùy thuộc phẩm chất của chánh kiến. Cho nên Kinh Tạp A Hàm 785 cũng như trong Kinh Thánh Đạo, Majjhima Nikaya 117, đều nói rằng chánh kiến đứng hàng đầu. Việc tu tập chánh kiến lúc đầu giúp ta phân biệt chánh kiến và tà kiến. Cuối cùng nhờ chánh kiến ta biết rằng tất cả các kiến đều là tà kiến. Cho nên chánh kiến tức là vốn liếng tu học, vốn liếng hành trì của chúng ta. Nếu vốn liếng đó phong phú thì tất cả những sự hành trì trong các lãnh vực chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cũng sẽ giàu có. Học hỏi như thế nào để cho những hạt giống chánh kiến trong tâm được đánh thức, được nẩy mầm, thì lúc đó những điều chúng ta học hỏi mới thật sự là chánh kiến.
Chú thích
* Các Kinh căn bản nói về bát chánh đạo đều phân biệt hai mặt của bát chánh đạo. Hai mặt ấy là hữu lậu và vô lậu. Xin tham khảo Kinh Thánh đạo (Trung A Hàm 189), Kinh Tạp A Hàm 785 và Kinh Maha cattarisaka (Trung Bộ 117). Kinh Tạp A Hàm 785 rõ nhất.
Theo gốc chữ, lậu tức là cái sự rỉ chảy, sự trôi lăn. Vô lậu tức là chấm dứt sự rỉ chảy, sự trôi lăn. Lậu có thể dịch là sự đi vòng, asrava. Lậu do đó có nghĩa là phiền não, thành ra asrava là klesa (phiền não). Khi nào mà chúng ta diệt hết tất cả phiền não thì gọi là lậu tận, tức là hoàn toàn giải thoát, vượt ra khỏi biên giới của khổ đau. Xuất thế gian thì mới gọi là lậu tận. Trong sáu phép thần thông thì lậu tận thông là cao nhất. Lậu tận thông tức là gột sạch hết tất cả phiền não, còn các thần thông khác như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông thì không quan trọng bằng