Đối chiếu sơ lược các tụng bản
Trong hệ Pali, kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm được truyền lại trong hai tụng bản, một tụng bản trong Trung Bộ tức là M.10 và một tụng bản trong Trường Bộ tức D.22. Hai tụng bản này giống y hệt như nhau, vì thế ta hãy gọi cả hai là tụng bản I. Trong văn hệ Hán, kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm được truyền lại trong hai tụng bản, tụng bản đầu là Niệm Xứ kinh nằm trong bộ Trung A Hàm, tức là kinh số 26 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tụng bản thứ hai là Nhất Nhập Đạo Phẩm, nằm trong bộ Tăng Nhất A Hàm, tức là kinh thứ 125 của Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Hai tụng bản này khác nhau rất nhiều, tụng bản gọi là Niệm Xứ Kinh là do Nhất Thiết Hữu Bộ truyền lại, ta gọi là tụng bản II, và tụng bản gọi là Nhất Nhập Đạo Phẩm do Đại Chúng Bộ truyền lại, ta gọi là tụng bản III.
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ghi tên dịch giả Niệm Xứ kinh (Trung A Hàm) là Cù Đàm Tăng Già Đề Bà tức là Gotama Sanghadeva. Thầy Sanghadeva là người nước A Phú Hãn (Afghanistan), sang Trung Quốc từ đời Đông Tấn (317-420AD), trước thì ở kinh đô Tràng An từ năm 383, sau đó về Kiến Khương là kinh đô nước Đông Tấn và bắt đầu công việc dịch thuật từ năm 391 cho đến năm 398. Có lẽ thầy đã học chữ Hán trong thời gian còn ở Tràng An.
Tuy Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh cũng ghi Gotama Sanghadeva là dịch giả kinh Tăng Nhất A Hàm (trong đó có tụng bản III, kinh Nhất Nhập Đạo), ta có nhiều lý do để tin rằng kinh này là do thầy Dharmanandi (Đạt Ma Nan Đề) dịch thuật.
Thầy Dharmanandi là người xứ Khotan, sang Trung Hoa cũng vào đời Đông Tấn, và đã cư trú tại Trường An để làm công việc dịch thuật từ năm 384 đến năm 391. Sách Khai Nguyên Thích Giáo dục nói rằng kinh Tăng Nhất A Hàm là do Sanghadeva dịch. Thầy Đạo An trong bài tựa kinh này nói chính thầy Dharmanandi đọc nguyên bản tiếng Phạn cho Trúc Phật Niệm dịch ra tiếng Hán và để cho Đàm Cao viết xuống thành chữ, sau đó đem kinh bản về tham khảo tại dịch trường của thầy Sanghadeva tại Kiến Khương, kinh đô nước Đông Tấn. Sách Lịch Đại Tam Bảo Ký (quyển 7) lại nói là có hai bản dịch Tăng Nhất A Hàm, một của thầy Dharmanandi, một của thầy Sanghadeva. Chính thầy Sanghadeva dịch lại kinh này lần thứ hai. Các sách Đại Đường Nội Điển Lục, Đại Đường San Định Chúng Kinh Mục Lục cũng cho là có hai bản dịch.
Trong khi đó các sách Xuất Tam Tạng Ký Tập, Chúng Kinh Mục Lục của Pháp Kinh (đời Tuỳ), Chúng Kinh Mục Lục của Nhân Thọ (cũng đời Tuỳ) và Chúng Kinh Mục Lục của Tĩnh Thái (đời Đường) đều nói rõ ràng là kinh Tăng Nhất A Hàm là do thầy Dharmanadi dịch. Xét những điều ấy và xét về văn thể, ta có thể kết luận là trước sau chỉ có một dịch bản Tăng Nhất A Hàm, và đó là dịch bản của thầy Dharmanandi, trong đó có kinh Nhất Nhập Đạo, tụng bản III của chúng ta.
01. Về phần thứ nhất của kinh: phần này nói về trường hợp trong đó kinh được nói ra, tầm quan trọng của kinh, và đề mục bốn phép lĩnh vực chánh niệm.
Trong phần này, cả ba tụng bản đều xử dụng từ ngữ một con đường hay con đường duy nhất (ekayana). Riêng tụng bản thứ ba, danh từ này được dùng làm đề kinh (Nhất nhập đạo). Nhất nhập đạo có thể được dịch là con đường một lối vào duy nhất. Tụng bản I và tụng bản II đều dùng danh từ Niệm Xứ (Satipatthana). Chữ trong tụng bản I “ekayano ayam bhikkhave maggo” có thể dịch là “một con đường này, này các vị khất sĩ, là con đường…” hoặc “chỉ có một con đường này, này các vị khất sĩ, là con đường…” hoặc “có một con đường này, này các vị khất sĩ…”. Tụng bản II dùng chữ như sau: “chư tỳ khưu, hữu nhất đạo…” dịch: “này các vị khất sĩ, có một con đường…” Tụng bản III: “hữu nhất nhập đạo… vân hà danh vi nhất nhập? Sở vị chuyên nhất tâm, thi vị chi nhất nhập”. Dịch: “có con đường một lối vào… sao gọi là con đường một lối vào? Đó là vì chuyên một lòng cho nên gọi là một lối vào”.
Phần này của tụng bản I ngắn và gọn. Tụng bản II nhấn mạnh thêm việc các đức Như Lai trong ba thời đều đã nhờ tu tập Niệm Xứ và vượt được năm sự ngăn che và còn nói đó là những sự ngăn che nào, và lại nói đến hành tướng của Bát Chánh Đạo, nói Bát Chánh Đạo cũng cùng là một con đường với phép hành trì Niệm Xứ. Danh từ Niệm Xứ (Satipatthana) ở đây được dịch là tư duy tứ ý chí, tạm dịch là bốn phép tu ngưng tụ tâm ý. Tư duy tức là thiền tập, tứ là bốn, ý là tâm và chí là ngưng tụ. Nếu dịch giả là Sanghadeva thì danh từ niệm xứ đã được dùng thay cho tư duy tứ ý chí.
02. Về phần thứ hai của kinh: Phần này nói về các phương pháp quán niệm thân thể nơi thân thể.
Tụng bản I dạy về sáu phép quán thân: 1 – quán hơi thở, 2 – quán tư thế của thân thể, 3 – quán động tác của cơ thể, 4 – quán các phần của cơ thể, 5 – quán yếu tố tứ đại trong cơ thể, và 6 – quán tử thi. Tụng bản II cũng dạy về sáu phép quán đó, nhưng đưa phép quán hơi thở xuống phần thứ ba sau tư thế và động tác. Riêng về phép quán tử thi thì chỉ có năm giai đoạn quán sát thay vì chín giai đoạn như trong tụng bản I. Tụng bản III chỉ dạy có ba phép quán thân, bỏ ra các phép quán hơi thở, quán tư thế thân thể và quán động tác cơ thể. Về phép quán tử thi, tụng bản III dạy tám giai đoạn.
Nét đặc biệt của tụng bản II là sau phần dạy về phép quán các động tác cơ thể có phần đối trị tư tưởng bất thiện. Phần này gồm hai đoạn: đoạn thứ nhất nói về phép xử dụng một tâm niệm thiện để đối trị một tâm niệm bất thiện, đoạn thứ hai nói về phép lấy tâm mà chế ngự tâm như hai người lực sĩ mạnh đè bẹp một người sức yếu. Hai ý này đều lấy ở kinh Đinh Chí Vitakkasanthana (M.20, tương đương với kinh Tăng Thượng Tâm trong bộ Trung A Hàm). Ta có thể nói chắc rằng hai đoạn này đã được ghép thêm vào kinh và ghép vào một chỗ không thích hợp, bởi vì kinh văn chỗ này đang nói tới phép quán thân trong thân chứ chưa đi sang lĩnh vực quán tâm trong tâm.
Một điểm đặc biệt nữa của tụng bản II là sau phép dạy quán hơi thở, kinh đưa ra những phép quán ly dục hỷ lạc và định sinh hỷ lạc tương đương với trạng thái sơ thiền, và phép quán không hỷ lạc gần như trạng thái nhị thiền, và các phép thanh tịnh, quang minh và quán tưởng. Ta thấy ý niệm về tứ thiền đã bắt đầu được đưa trở vào kinh tạng, tuy còn dè dặt nhưng sẽ rõ ràng ở tụng bản III. Phép quán quang minh có thể được xem như báo hiệu những bước đầu của giáo lý Tịnh Độ, phép sử dụng quán tưởng cũng có thể là những bước đầu của sự sử dụng kasina. Về phép quán các yếu tố trong cơ thể, tụng bản II nói đến sáu yếu tố (lục đại) thay vì bốn yếu tố như ở tụng bản I và tụng bản III. Sáu yếu tố ấy là đất, nước, gió, lửa, hư không và tâm thức.
Tụng bản III lại đưa ra thêm một phép quán thân nữa, đó là quán những chất bất tịnh chảy ra từ các kẽ hở của thân thể. Đây không phải là một phần của cửu tưởng quán. “Để đạt tới an lạc” (nhi tự ngộ lạc) là câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tụng bản III, trong khi câu nói được lặp lại nhiều nhất trong các tụng bản I và II là câu sau đây:
Tụng bản I Cứ như thế, vị ấy an trú trong sự quán niệm thân thể nơi thân thể, hoặc quán niệm bên trong hoặc quán niệm bên ngoài thân thể ấy, hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Vị ấy an trú trong sự quán niệm quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm quá trình huỷ diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn quá trình huỷ diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, đủ để quán chiếu và ý thức được sự có mặt của thân thể đó, và như vậy, người ấy an trú một cách tự do không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận. Quán niệm thân thể nơi thân thể là như thế đó. | Tụng bản II Như thế, vị khất sĩ quán thân như thân bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có đạt, đó gọi là quán thân như thân. |
Câu kinh này cũng được lặp lại trong các phần dạy về quán niệm cảm thọ, tâm và pháp. Vì vậy khi ta đọc “quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, hoặc quán niệm bên trong, hoặc bên ngoài cảm thọ đó…”, ta nên nhớ đây là câu kinh áp dụng chung cho cả bốn lĩnh vực quán niệm để đừng đặt những câu hỏi như “thế nào là bên trong cảm thọ, thế nào là bên ngoài cảm thọ” v.v.. Ta cũng nên để ý đến cách dịch “quán thân như thân” khác với cách nói “quán thân trong thân” (kaye kayanupassana) trong tụng bản I.
Một chi tiết cần được để ý vào cuối phần thứ hai này của tụng bản II, danh từ nữ khất sĩ (tỳ khưu ni) được bắt đầu dùng và sẽ được tiếp tục dùng trong những phần sau của tụng bản. Các tụng bản I và III chỉ dùng danh từ khất sĩ (tỳ khưu) mà thôi. Nữ giới sẽ không có cảm tưởng bị bỏ quên khi xử dụng tụng bản.
03. Về phần thứ ba của kinh: phần này nói về các phương pháp quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ. Cảm thọ (vedana) được dịch là giác trong tụng bản II và được dịch là thống trong tụng bản III. Tụng bản II dùng các danh từ lạc giác (cảm thọ dễ chịu), khổ giác (cảm thọ khó chịu) và bất lạc bất khổ giác (cảm thọ trung tính). Tụng bản III dùng các danh từ lạc thống (cảm giác dễ chịu), khổ thống (cảm giác khó chịu) và bất khổ bất lạc thống (cảm giác trung tính). Tại sao chữ thống lại được dùng để dịch chữ vedana? Thống vốn có nghĩa là đau đớn. Có thể dịch giả đã bị ảnh hưởng nặng nề ý niệm thọ thị khổ (tất cả mọi cảm thọ đều đau khổ). Trong phần thứ ba này, tụng bản III nhấn mạnh đến sự kiện khi có khổ thọ thì không có lạc thọ, khi có lạc thọ thì không có khổ thọ, và cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự quán chiếu về sự sinh khởi và hoại diệt của cảm thọ, biết được nguồn gốc của chúng để đừng bị vướng bận vào chúng, và để đừng sợ hãi. Đây là một điểm tích cực của tụng bản III. Ta cũng thấy trong bản III có câu: “Vì không sợ hãi, nên đạt được niết bàn. Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sẽ không còn bị sinh ra nữa”. Câu này không có trong các tụng bản I và II, được nhắc tới ba lần trong tụng bản III, và không ăn nhập gì nhiều với văn mạch của kinh. Đây là một câu kinh rất thường được thấy trong nhiều kinh, và tụng giả đã móc nối vào tụng bản III, tụng ít nhiều có tính cách máy móc như một con sáo.
04. Về phần thứ tư của kinh: Phần này nói về phương pháp quán tâm nơi tâm. Trong tụng bản II, ta không thấy nói tới sự quán niệm quá trình sinh khởi và hoại diệt của các hiện tượng tâm thức như ở tụng bản I và III. Trong tụng bản III, ta lại thấy nói tới sự quán sát “những pháp có thể biết, có thể thấy, có thể quán sát” và luôn những pháp “không thể quán sát” nữa (khả tri, khả kiến, khả tư duy, khả bất tư duy). Ta nên nhớ danh từ tư duy ở đây còn có nghĩa là thiền quán. Quán sát những gì không thể quán sát, đây là một ý lạ, tương đối với ý “ngã pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu” (pháp của ta hành cái hành vô hành, tu cái tu vô tu) của kinh Tứ Thập Nhị Chương, có khí vị tư tưởng đại thừa. Tụng bản III còn thêm: Không nương tựa vào đâu hết, không phát khởi tư tưởng thế tục, và vì không khởi tướng như thế nên không còn sợ hãi, vì không còn sợ hãi nên không còn dư báo và đạt tới niết bàn (vô sở ý, bất khởi thế gian tưởng, dĩ bất khởi tưởng tiệm vô bố úy, dĩ vô bố úy tiện vô dư, dĩ vô dư tiện niết bàn). Đoạn kinh này cũng có khí vị gần tương đương với Tâm Kinh Bát Nhã: Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn (vì tâm không còn chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa mọi mộng tưởng điên đảo và đạt niết bàn tuyệt đối). Trong phần thứ ba của tụng bản III, ta cũng đã thấy một câu kinh tương tợ.
05. Về phần thứ năm của kinh: Phần này nói về những phương pháp quán pháp nơi pháp. Tụng bản I dạy phép quán niệm về năm chướng ngại, năm uẩn, mười hai xứ, bảy giác chi và tứ đế (Trong Trường Bộ, tụng bản I phát triển về sự đàm luận về tứ đế và bát chánh đạo cho nên được gọi là Đại Niệm Xứ kinh, Mahasatipatthanasutta). Tụng bản II chỉ dạy về mười hai xứ, năm chướng ngại và bảy giác chi. Tụng bản III chỉ dạy về bảy giác chi thôi (về năm chướng ngại, tụng bản III đã nói trong phần thứ nhất rồi). Về bảy giác chi, có thể vì sự sơ sót trong công trình biên chép nên ta chỉ thấy có sáu: trạch pháp, tinh tiến, niệm, ỷ (hỷ), định và hộ (xả). Tụng bản III lại dạy cả về tứ thiền. Các danh từ vitarka và vicara đã được dịch là có giác, có quán, thay vì có tầm có tư như những bản tân dịch.
Trong phần thứ năm này tụng bản III lại lặp lại câu kinh có khí vị Tâm Kinh Bát Nhã mà ta đã thấy trong hai phần thứ ba và thứ tư, thêm vào bốn chữ khiến cho câu kinh lại gần giống hơn câu kinh trong Tâm Kinh Bát Nhã. Đó là bốn chữ trừ bỏ loạn tưởng (trừ khử loạn tưởng). Những chữ này tương đương với những chữ viễn ly điên đảo mộng tưởng trong Tâm Kinh.
06. Về phần thứ sáu của kinh: Phần này nói về thời gian và thành quả của sự tu tập. Tụng bản I quả quyết rằng quả vị chánh trí có thể đạt được ngay trong kiếp hiện tại nếu hành giả tu tập theo chánh niệm. Kinh nói tu tập trong sáu năm, năm năm… một tháng… nửa tháng cũng có thể giác ngộ. Cuối cùng kinh nói tu tập trong bảy ngày cũng có thể giác ngộ. Tụng bản II đi xa hơn nữa: tu tập một ngày một đêm cũng có thể giác ngộ, hoặc buổi mai bắt đầu thực tập thì buổi chiều đã thấy có sự thăng tiến. Tụng bản III không nói đến thời gian cần thiết để chứng đạo.