Đại ý, tên kinh và nội dung

 

ĐẠI Ý KINH

Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm cùng với kinh Quán Niệm Hơi Thở là hai kinh căn bản dạy về thiền tập trong thời Bụt còn tại thế, trong cả ba tụng bản, danh từ Con Đường Duy Nhất (Ekayana, tụng bản 1, Nhất Đạo, tụng bản 2, Nhất Nhập Đạo, tụng bản 3) đã được xử dụng, điều này cho ta thấy vị trí chính yếu của phép quán Tứ Niệm Xứ trong toàn bộ giáo lý đạo Bụt. Đạo Bụt đã trở thành một tôn giáo lớn nhưng cốt tủy của đạo Bụt vẫn là thiền quán. Kinh này vì vậy đã được học hỏi, thực tập và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách cẩn trọng đặc biệt.

Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm nói về bốn phép quán niệm: quán niệm về thân thể, quán niệm về cảm giác, quán niệm về tâm ý và quán niệm về những đối tượng của tâm ý. Trong lĩnh vực thân thể, hành giả quán niệm về hơi thở, về các tư thế của thân thể, về các động tác của thân thể, về các bộ phận của thân thể, về những yếu tố tạo nên cơ thể, và về sự tàn hoại của cơ thể. Trong lĩnh vực cảm giác, hành giả quán niệm về các cảm giác dễ chịu, khó chịu và không dễ chịu cũng không khó chịu đang phát sinh, tồn tại và hoại diệt, các cảm giác có nguồn gốc sinh vật lý và tâm lý. Trong lĩnh vực tâm ý, hành giả quán niệm về các trạng thái tâm ý như tham, giận, lầm lạc, tập trung, tán loạn, ràng buộc, giải thoát… Trong lĩnh vực đối tượng tâm ý, hành giả quán niệm yếu tố của sinh mạng là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, các giác quan và đối tượng của chúng, các yếu tố gây chướng ngại cho trí tuệ và giải thoát, các yếu tố đưa đến giác ngộ và bốn sự thật về khổ đau và giải thoát.

 

VỀ TÊN KINH

Từ ngữ Satipatthana (Phạn: Smrtyupasthana) được dịch ra tiếng Hán Việt là Niệm Xứ. Niệm (Sati, Phạn: Smrti) là phát khởi ý thức, là để tâm tới.

Xứ (Upatthana, Phạn: Upasthana) là nơi chốn, lĩnh vực, đối tượng, Xứ cũng có nghĩa là ở lại, an trú, duy trì sự có mặt của mình. Xứ khi là danh từ thì có nghĩa là nơi chốn, nhưng khi là động từ (đọc là xử) thì có nghĩa là duy trì sự có mặt. Vì vậy ngoài danh từ niệm xứ, ta còn có danh từ niệm trú, cả hai cùng có nghĩa như nhau. Vậy niệm xứ vừa có nghĩa là Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm mà cũng có nghĩa là duy trì sự có mặt trong Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm ấy. Tây phương thường dịch là the foundations of mindfuness ( hay là the establishments of mindfulness). Bốn lĩnh vực là thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng tâm ý. Duy trì ý thức trên các lĩnh vực ấy để quán chiếu tức là thực tập phép quán niệm xứ vậy.

 

PHÂN TÍCH NỘI DUNG KINH

Tụng bản thứ nhất có thể được chia làm sáu phần:

  1. Phần thứ nhất nói về trường hợp trong đó kinh được nói ra, tầm quan trọng của kinh, và đề mục Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm.
  2. Phần thứ hai nói về các phương pháp quán niệm thân thể nơi thân thể.
  3. Phần thứ ba nói về các phương pháp quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ.
  4. Phần thứ tư nói về các phương pháp quán niệm tâm ý nơi tâm ý.
  5. Phần thứ năm nói về các phương pháp quán niệm đối tượng tâm ý nơi đối tượng tâm ý.
  6. Phần thứ sáu nói về thời gian và thành quả của sự thực tập quán niệm

 

Nội dung tụng bản thứ hai cũng có thể được phân tích y như tụng bản đầu.

Tụng bản thứ ba lại cũng có thể được phân ra làm sáu phần, nhưng nội dung có hơi sai khác chút ít:

  1. Phần thứ nhất nói về trường hợp trong đó kinh đã được nói ra, tầm quan trọng của kinh, và chủ đề của kinh là bốn phép quán ngưng tụ tâm ý. Trong phần này, con đường tám sự hành trì chân chánh (bát chánh đạo) và năm thứ chướng ngại của giải thoát (ngũ cái) cũng được nhắc đến.
  2. Phần thứ hai nói về phép quán thân nơi thân.
  3. Phần thứ ba nói về phép quán cảm thọ nơi cảm thọ.
  4. Phần thứ tư nói về phép quán tâm nơi tâm.
  5. Phần thứ năm nói về phép quán pháp nơi pháp.
  6. Phần thứ sáu nói về hiệu quả của sự tu tập để trừ diệt sự ngăn che (ngũ cái) và thực hiện bốn sự ngưng tụ tâm ý (tứ niệm xứ)