08. Quát lục tướng

.VІІІ.

 

Quát lục tướng
Ôm lấy sáu tướng

________________

 

Quát lục tướng
Sư tử thị tổng tướng. Ngũ căn sai biệt thị biệt tướng. Cộng tùng nhất duyên khởi thị đồng tướng. Nhãn nhĩ đẳng bất tương lạm, thị dị tướng. Chư căn hợp hội, hữu sư tử thị thành tướng. Chư căn các trú tự vị, thị hoại tướng.

Ôm lấy sáu tướng
Sư tử là tổng tướng (tướng tổng quát). Năm giác quan khác nhau là biệt tướng. Đều do duyên sinh khởi là đồng tướng. Các giác quan như mắt, mũi v.v.. không xâm lẫn (lạm) nhau là dị tướng. Các giác quan tới với nhau, làm nên tướng sư tử, gọi là thành tướng. Mỗi giác quan vẫn ở vị trí của mình gọi là hoại tướng.

 

 

Sáu tướng là một giáo lý rất đặc biệt trong tông Hoa Nghiêm. Ví dụ, sư tử là tổng tướng. Tổng tướng là tướng chung (universal). Năm căn của sư tử (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tượng trưng cho biệt tướng. Biệt tướng là tướng riêng (particular). Tổng tướng do biệt tướng làm ra. Biệt tướng hợp lại thành tổng tướng. Như tăng thân Làng Mai là một tổng tướng. Mỗi thầy, mỗi sư cô, mỗi sư chú, mỗi vị cư sĩ là một biệt tướng. Nhìn cách hành xử của các thầy, các sư cô trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, người ta thấy tổng tướng và nhìn trong tổng tướng thì thấy các biệt tướng.

Cũng như cái nhà là một tổng tướng. Từng viên gạch, từng tấm ván là những biệt tướng. Sự tới với nhau của những biệt tướng làm ra tổng tướng. Ta đi tìm tổng tướng ngoài các biệt tướng thì chắc không tìm ra được.

Tuy là từng viên gạch khác nhau, từng tấm ván khác nhau nhưng có một cái gì đó làm cho những cái khác nhau đến với nhau để làm thành một cái tổng quát. Trong cái đồng có cái dị và trong cái dị có cái đồng. Từng viên gạch, từng tấm ván là những cái khác nhau. Nhưng khi những cái khác nhau tới với nhau hòa hợp lại với nhau và làm thành một cái gọi là đồng tướng (sameness). Tất cả đều là nhà, nhìn vào viên gạch nào cũng thấy nhà mà nhìn vào tấm ván nào cũng thấy nhà. Tất cả những cái trong nhà, những chi tiết, những yếu tố, những mảnh nhỏ đều là nhà, không có cái nào không là nhà. Cái nào cũng có đồng tướng tại vì nó là một phần của nhà, nó là nhà.

Cũng như trong tăng thân, chúng ta là tăng thân. Ta tên là Pháp này hay Nghiêm kia, nhưng ta đều là tăng thân. Ta có tướng riêng của ta mà cũng có tướng đồng của tăng thân. Dị tướng có thể dịch là differentness, chữ này mới đặt ra (otherness cũng được). Có sameness thì cũng có thể có differentness được.

Tuy cùng chung tướng nhà nhưng các vật liệu trong nhà vẫn còn là nó, nó vẫn có quyền được là nó. Viên gạch vẫn còn là viên gạch. Pháp này vẫn còn được là Pháp này, Nghiêm kia vẫn còn được là Nghiêm kia, chứ ta không mất đi tướng riêng của mình. Trong khi đó ta cũng có tướng chung của tăng thân. Đó là đồng tướng và dị tướng. Tuy ta đi với nhau để làm thành tướng chung nhưng ta không mất dị tướng của mình. Ta vẫn giữ cái dị tướng của mình.

Cũng như các tế bào trong cơ thể của ta, có tế bào ruột, tế bào gan, tế bào máu, phổi, óc. Nó làm thành toàn thể một con người, một cơ thể (organism). Nhưng mỗi tế bào vẫn còn là nó, tế bào gan vẫn là tế bào gan, tế bào óc vẫn là tế bào óc, nó không đánh mất cái bản sắc riêng biệt của nó, tức là biệt tướng hay dị tướng của nó.

Năm giác quan tới với nhau để làm thành tướng sư tử. Cũng như mặt trời, đám mây, cơn mưa, hạt giống tới với nhau để làm ra một bông hoa rất đẹp. Khả năng tới với nhau được để làm ra hiện tượng sư tử hay bông hoa mầu nhiệm đó, gọi là thành tướng (integration). Thành tướng là khả năng tới với nhau để làm thành một. Bây giờ chúng ta có chữ hộ nhập (integrate). Có người muốn tới với tăng thân, muốn làm một với tăng thân nhưng có khó khăn, họ hộ nhập vô tăng thân hơi khó. Họ phải tu tập để có khả năng hộ nhập vào tăng thân, để có hòa bình, an lạc với tăng thân. Hộ nhập là một sự thực tập. Đó là tướng thành.

Mai kia nó sẽ đi tới tướng hoại, nghĩa là tan rã. Khi tan rã thì nó trở về với bản chất của nó, gọi là hoại tướng (disintegration). Chúng ta đừng nghĩ hoại tướng là tiêu cực. Không đâu! Nhiều khi rã ra để làm lại cái mới cho đẹp hơn. Nếu cần thì tháo ra, tháo ra rồi lắp lại thì đẹp hơn. Cái gì cũng có vị trí của nó !

Tổng tướng, đồng tướng, thành tướng không phải chỉ là tích cực; biệt tướng, dị tướng, hoại tướng, không chỉ là tiêu cực, nó cũng là tích cực. Cái hoại rất là cần thiết để đưa tới cái thành. Hoại để mà thành. Nếu không có hoại làm sao có thành?

Khi nhìn vào bất cứ một hiện tượng nào trên thế gian như một con người, một bông hoa, một tờ lá, một đám mây, chúng ta phải thấy được sáu tướng. Nếu thấy được thì tuệ giác đó sẽ phá tan những cái kẹt, những cái khổ, cái vô minh của chúng ta. Nhìn trong một tướng thì thấy được năm tướng kia. Sáu tướng có tính cách viên dung.