07. Lặc thập huyền
.VІІ.
Lặc thập huyền
Nắm vững được mười huyền
_________________________
Học xong Mười huyền rồi ta trở về Năm giáo rất dễ. Trong Lâm Tế Lục, tổ có nói mình đi quá làm mòn hết giày dép, sau này phải trả tiền giày dép. Mình đi tìm lao đao, lận đận hết chỗ này đến chỗ khác.
Huyền là cái mầu nhiệm. Mười cánh cửa mầu nhiệm gọi là Thập huyền môn (the ten mysterious gates). Chữ huyền và chữ môn có gốc gác trong Lão giáo (Taoism). Trong Lão giáo có câu: Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn. Có nghĩa là: Đã huyền lại còn huyền thêm nữa, đó là cánh cửa mở ra tất cả sự mầu nhiệm. Thầy Pháp Tạng đã dùng chữ huyền trong Đạo Đức Kinh (Daode Jing).
Đồng thời cụ túc tương ứng môn
Nhất, kim dữ sư tử đồng thời thành lập, viên mãn cụ túc, danh đồng thời cụ túc tương ứng môn.
Cánh cửa thứ nhất: Đồng thời cụ túc tương ứng môn
Vàng và sư tử đồng thời thành lập. Cả hai đều tròn đầy và không thiếu thốn. Cái này gọi là đồng thời cụ túc tương ứng môn.
Đồng thời có nghĩa là cùng một lúc (simultaneous). Cụ túc là đầy đủ, không thiếu một cái nào hết. Tương ứng là đáp ứng với nhau, một gọi ngàn thưa. Trong một chúng giỏi thì có “một gọi ngàn thưa”, có sự hưởng ứng nhau.
Khi nói đến sư tử vàng thì chúng ta phân biệt hai cái, sư tử và vàng. Nếu không có sư tử thì làm sao gọi là sư tử vàng? Nếu không có vàng thì cũng không thể gọi là sư tử vàng. Vì vậy khi nói sư tử vàng là vừa có vàng vừa có sư tử. Nhưng cái nào có trước, cái nào có sau? Thường thường thì chúng ta bị kẹt vào ví dụ là có vàng trước rồi mới làm ra sư tử sau. Cái dở của ví dụ này là ở chỗ đó. Nhưng chúng ta phải vượt thời gian, chúng ta nói trong giây phút hiện tại là có con sư tử vàng. Sư tử dựa vào vàng mà có và vàng dựa vào sư tử mà có. Không có sư tử thì không có vàng, không có vàng thì không có sư tử.
Cây viết này, nếu để đứng thì chúng ta thấy có trên, có dưới và trên dưới đồng thời thành lập, không phải trên có trước rồi dưới có sau. Nếu để cây viết ngang lại, chúng ta thấy có trái, có phải. Trái với phải đồng thời thành lập với nhau, không phải trái có trước rồi phải có sau. Đồng thời là như vậy. Trong kinh có một hình ảnh hồi xưa Đức Thế Tôn hay dùng, đó là hình ảnh giao lô. Giao lô là những cây sậy dựa vào nhau. Lô là cây sậy.
Đức Thế Tôn thấy ba cây sậy chụm lại thì đứng vững không ngã xuống được. Nếu lấy đi một cây thì hai cây kia rớt xuống. Lấy đi bất cứ cây nào trong ba cây thì hai cây còn lại sẽ rớt xuống. Sự đứng vững của cây này tạo thành sự đứng vững của hai cây kia. Chúng ta không thể nói cây này đứng vững được rồi thì mới tới cây kia. Không có sự vững chãi của cọng lau này trước rồi mới có sự vững chãi của cọng lau kia sau. Sự vững chãi của mấy cây lau xảy ra đồng thời.
Cũng giống như một tam giác ABC. Khi vạch một đường thẳng từ A xuống H chúng ta có hai tam giác nhỏ T và S. Không thể nói tam giác S có trước rồi tam giác T có sau hay T có trước rồi S có sau. Hai tam giác T và S đồng thời câu khởi và có mặt cùng một lúc gọi là đồng thời cụ túc tương ứng. Tương ứng là hưởng ứng với nhau cùng có một lúc.
(hinh)
Nhân quả trong đạo Bụt dùng để quán chiếu tâm chứ không phải để quán chiếu vật. Vật có là do tâm. Hiện bây giờ khoa học lượng tử đã bắt đầu thấy được, nhìn trong điện tử thì thấy tâm rất nhiều. Lượng tử, điện tử trước hết là đối tượng của tâm ý. Đi đâu cũng tìm thấy tâm.
Trong khóa tu neuro-science năm ngoái, tôi có đọc một đoạn trong Winnie-the-Pooh. Sáng hôm đó Pooh mời Piglet đi chơi trên tuyết mới rơi. Đi một vòng thì Pooh thấy dấu chân của ai trên tuyết. “Nguy hiểm quá! Có con thú nào rất nguy hiểm, mình phải cẩn thận lắm!” và nó theo dấu chân đi tìm. Đi một hồi thì nó thấy dấu chân hai con, hai con vật nguy hiểm. Nó hốt hoảng lên! Rốt cuộc thì Christopher Robin nói:“Chà! Mày tức cười lắm! Đó là dấu chân của chính mày. Mày đi một vòng tới thấy dấu chân của mày, mày tưởng có một con vật nào. Đó là dấu chân của mày đó!”
Khi nghiên cứu một đối tượng, chúng ta tưởng đối tượng đó là một cái gì ở ngoài ta nhưng kỳ thật nó là tạo tác của tâm ý ta. Nó chính là dấu chân của chúng ta. Thực tại mà ta đang nghiên cứu như bộ óc của ta, như điện tử, quang tử hay lượng tử đều không phải là thực tại khách quan độc lập khỏi tâm ý. Trước hết nó là một tạo tác của tâm ý. Vết chân Pooh thấy không phải là vết chân của con thú nào khác mà chính là vết chân của nó, của Pooh bear, con gấu con.
Chúng ta biết đạo Bụt là một loại khoa học, nhưng thay vì tìm xét thiên nhiên mà ta cho là có ở ngoài thì ta xét cái tâm của ta trước. Tâm là gốc của tất cả mọi hiện tượng. Phương pháp của Phật học là sử dụng tâm để quán chiếu. Tâm là công cụ để quán chiếu. Các nhà khoa học có dụng cụ để quán sát và họ nương vào dụng cụ rất nhiều. Họ cũng nương vào tâm nhưng họ tin vào dụng cụ nhiều hơn.
Trong đạo Bụt, người thiền quán sử dụng tâm của mình. Khi tâm không có chướng ngại do phiền não và sở tri thì nó sáng chói và thấy rõ hơn. Các nhà khoa học tuy có máy móc tinh xảo nhưng nếu tâm của họ vẫn còn phiền não chướng và sở tri chướng thì họ cũng vẫn kẹt. Cái kẹt nhất trong khoa học, đạo Bụt gọi là nhị kiến. Nhị kiến hay nhị thủ (double grasping) là cái kẹt cho là có một nhận thức chủ quan và một thực tại khách quan và hai cái đó không có dính líu gì với nhau hết. Câu hỏi mà các nhà khoa học đưa ra là: Cái mà ta nhận thức có phải là một thực tại ở ngoài không? Vì vậy họ vẫn còn có ý niệm lưỡng nguyên giữa chủ thể và đối tượng. Chủ thể quan sát và đối tượng được quan sát là hai cái riêng biệt. Đạo Bụt nói cái thấy đó là nhị thủ (double grasping). Sự quán chiếu của đạo Bụt cho thấy rằng, đối tượng mà ta nghĩ có ngoài nhận thức chẳng qua chỉ là nhận thức thôi. Đó là cái mà khoa học bắt đầu hé thấy được.
Quán chiếu đây không phải là quán chiếu đối tượng bên ngoài mà là quán chiếu tâm. Đối tượng nhận thức và chủ thể nhận thức đồng thời nương vào nhau mà làm thành nhận thức. Không phải là đối tượng có trước hay chủ thể có trước, hoặc chủ thể đi tìm đối tượng, hoặc đối tượng đi tìm chủ thể. Không có hai cái riêng biệt nhau rồi xáp lại với nhau mà cả hai đồng thời câu khởi và có đầy đủ tất cả. Đó gọi là đồng thời cụ túc tương ứng.
Kim dữ sư tử đồng thời thành lập viên mãn cụ túc. Đồng thời thành lập viên mãn cụ túc nghĩa là đồng thời không thiếu gì hết, tất cả đều có mặt. Tiếng Anh có nghĩa là: The simultaneous arising of all things together. All things together là cụ túc, simultaneous là đồng thời, arising là tương ứng sinh khởi. Chúng ta có thể dịch là: Allthing simultaneously arise and respond to each other. Tương ứng là responding to each other.
Ở Indonésie có rất nhiều đom đóm. Khi trời bắt đầu chạng vạng thì có vài con đom đóm bay đến đậu trên cây và chớp chớp. Tới một lúc nào đó tự nhiên chúng cùng chớp một lần. Rồi toàn thể hàng triệu con cùng chớp một lần, đồng thời tương ứng. Người ta rất lấy làm ngạc nhiên. Nó đi theo một nhịp điệu rất tuyệt hảo. Trong khoa sinh vật học cũng có những khám phá như vậy.
Có những tế bào gọi là pace-making, có trách vụ tạo ra nhịp đập chung. Trong trái tim hay trong óc có những tế bào như thế, gọi là pace-making cells. Khi có sự cần thiết, có nhu yếu, thì tự nhiên có một tế bào bắt đầu lãnh đạo rồi các tế bào khác đáp ứng lại và tạo ra nhịp đập của tim rất là đều. Chính các tế bào đó quyết định nhịp đập của tim, nhịp đập đáp ứng được yêu cầu của cơ thể. Trong não bộ hay trong tim cũng vậy, nó đồng thời tương ứng. Tiếng Việt gọi là đồng bộ, có nghĩa là tất cả cùng làm với nhau một lần. Tiếng Anh là synchronisation.
Nếu trong chúng của mình có chánh niệm, ý thức được những gì đang xảy ra thì chúng ta cũng làm được như những con đom đóm, rất là nhịp nhàng, không ai bỏ ai, tất cả đi vào đồng bộ và trở nên một cái gì rất đẹp, rất hùng tráng.
Ánh sáng laser cũng vậy, rất đồng bộ. Khi những nguyên tử bị kích thích thì nhả ra quang tử (photons). Những quang tử đồng thời câu khởi, đồng thời cụ túc tương ứng. Nó đi vào phase và hàng triệu quang tử hành xử như một quang tử. Trong kinh gọi là dị khẩu đồng âm.
Khi bồ tát Kim Cang Tạng giảng xong kinh Hoa Nghiêm thì tất cả hằng hà sa số các vị Bụt trên thế giới đều đưa cánh tay ra xoa đầu khen ngợi bồ tát mà không có cánh tay nào chạm vào cánh tay nào hết.
Khi bước đi một bước vững chãi thì chúng ta thấy có hàng triệu tổ tiên trong quá khứ cùng bước đi với mình mà không bước chân nào vướng vào bước chân nào hết. Đồng bộ tức là khi ta bước thì tất cả tổ tiên cùng bước. Giáo lý Hoa Nghiêm không phải là lý thuyết. Tất cả tổ tiên đang có mặt ở trong ta. Khi ta bước một bước thì tất cả tổ tiên cùng bước, ta có vững chãi thì tổ tiên ta vững chãi, ta có thảnh thơi thì tổ tiên ta thảnh thơi.
Hồi sáng ta ngồi thiền, ta đã về thì ba trong ta cũng đã về. Cho nên chúng ta thực tập cho tất cả. Tất cả đều đồng bộ, đều đồng thời cụ túc tương ứng. Đó là cái thấy rất sâu sắc của duyên khởi. All things simultaneously arise and respond to each other (đi vào pha). Khi một chúng tăng mà hành xử được như vậy thì sự hòa hợp rất là lớn.
Cũng giống như những quang tử trong tia laser. Tia laser mạnh lắm, nó có khả năng khoét thủng sắt và chì tại vì nó đồng bộ, nó cùng vào một pha. Muôn ngàn quang tử mà hành xử như một quang tử, muôn người hành xử như một người. Khi mà trong chúng mọi người nhất tâm cùng làm giống như nhau thì năng lượng rất lớn. Năng lượng đó chuyển hoá được mọi người trong chúng. Mọi người đều thở chung, đi thiền hành chung, đồng thời cụ túc tương ứng tạo ra một sức mạnh rất lớn. Còn đứng trên phương diện cá nhân mà làm thì dù chúng ta có tài ba cách mấy cũng không làm được.
Các nhà khoa học quan sát thấy những hiện tượng đó có thật trong sự sống như là hàng triệu con đôm đốm cùng chớp một lần, hàng triệu tế bào cùng đập chung một nhịp, nó đi vào pha. Tia laser cũng vậy, sở dĩ tia laser mạnh như vậy là vì nó có tính cách đồng bộ (synchronisation). Tất cả hành xử như một, rất là hay!
Chư tạng thuần tạp cụ đức môn
Nhị, nhược sư tử nhãn thâu sư tử tận, tắc nhất thiết thuần thị nhãn. Nhược nhĩ thâu sư tử tận, tắc nhất thiết thuần thị nhĩ. Chư căn đồng thời tương thâu, tất giai cụ túc. Tắc nhất nhất giai tạp, nhất nhất giai thuần, vi viên mãn tạng, danh Chư Tạng Thuần Tạp Cụ Đức Môn.
Cánh cửa thứ hai: Chư tạng thuần tạp cụ đức môn
Nếu mắt của sư tử thu nhiếp toàn thân của sư tử thì toàn thân sư tử trở thành mắt của sư tử. Nếu tai sư tử thu nhiếp toàn thân sư tử thì toàn thân sư tử trở thành tai sư tử. Nếu các căn sư tử đồng thời thu nhiếp được nhau (toàn thân của sư tử) thì căn nào cũng có đầy đủ trong tự thân, và vì vậy cái nào cũng là chung (tạp) và là riêng (thuần) cùng một lượt, và cái nào cũng trở thành một kho tàng viên mãn. Cái này gọi là chư tạng thuần tạp cụ đức môn.
Thuần là cái tự thân, cái riêng, tạp là cái hòa đồng, cái chung. Tạng là những nhóm (store), những mô (tissue).
Tất cả các nhóm hiện hữu có đầy đủ tất cả các tính thuần và tạp của nó cùng một lúc. Như thiền đường này chẳng hạn, chúng ta nhìn thiền đường như một tổng thể. Nhưng nhìn kỹ thì thấy tổng thể này được làm bằng những yếu tố riêng biệt như tấm ván, viên ngói, v.v.. Có cái tổng và có cái biệt. Khi nhìn viên gạch như là viên gạch thì ta thấy tính chất thuần, tự thân riêng tư của nó. Nhìn kỹ, ta thấy viên gạch đi vào trong cái nhà một cách vô ngại và nó thành cái nhà. Viên gạch kia vừa là cái nhà vừa là viên gạch. Viên gạch không thể có ngoài cái nhà, cái nhà không thể có ngoài viên gạch. Trong thuần có tạp và trong tạp có thuần, có riêng và có chung.
Chúng ta thấy được cái nhà trong viên gạch và viên gạch trong cái nhà. Trong cái nhà này, viên gạch không chỉ là viên gạch nữa, nó tuy là viên gạch nhưng cũng đã thành cái nhà rồi. Giữa cái nhà và viên gạch có sự liên hệ rất mật thiết, lấy nhà ra thì không có viên gạch, lấy viên gạch ra thì không có cái nhà.
Con sư tử có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sư tử có tai và tai sư tử thu nhiếp tất cả toàn thân sư tử, tại vì tai này là tai sư tử chứ không phải tai của ai khác. Tai sư tử thu nhiếp toàn thân sư tử. Nó không phải là tai bò hay tai người, nó là tai sư tử. Đã là tai sư tử rồi thì nó thu nhiếp toàn thân sư tử. Cái một chứa cái tất cả. Nếu tai sư tử thu nhiếp toàn thân sư tử thì toàn thân sư tử trở thành tai sư tử. Cái tất cả nằm trong cái một. The all is in the one and the one is in the all. Nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết. Cái một là cái tất cả, cái tất cả là cái một. Cánh cửa bí mật này rất quan trọng, nó cho ta thấy được sự thật là cái một có thể thấy trong cái tất cả và cái tất cả có thể thấy trong cái một.
Hiện nay người ta có thể làm thành những hình toàn vẹn ba chiều (three dimensional image) gọi là hologram. Hologram là những hình thấy ở ba chiều chứ không phải ở hai chiều như những ảnh thường. Chúng ta có thể chụp được hình ba chiều với điều kiện phải dùng ánh sáng laser. Trước hết, ta tắm hình ảnh đó trong ánh sáng laser. Sau khi được tắm trong ánh sáng laser thì hình đó phản chiếu ra ngoài, và ta thấy vật đó dưới ánh sáng của laser. Người ta dùng một nguồn ánh sáng laser thứ hai phản chiếu lại. Khi họ chụp ra thành phim thì chúng ta nhìn không thấy rõ ràng gì hết. Nhưng khi chiếu ánh sáng laser vô thì thấy được vật kia ba chiều chứ không phải hai chiều. Điều lạ hơn hết là sau khi cắt phim ra làm hai, rồi chiếu laser vô thì cũng thấy nguyên tất cả vật chứ không phải chỉ thấy có phân nửa. Nếu cắt phim ra thành một phần tư, khi chiếu laser vô thì mình cũng thấy toàn thân vật đó. Hình hologram (toàn ảnh) là một ví dụ để chứng minh cái một có thể chứa đựng được cái tất cả. Nếu cắt phim ra làm ngàn phần rồi lấy một mảnh ra mà chiếu lên thì cũng thấy toàn thể vật được chụp chứ không phải chỉ thấy có một phần ngàn.
Lấy ví dụ con xúc xắc để giúp cho ta hiểu thêm được ý của “cái một nằm trong cái tất cả”. Con xúc xắc có sáu mặt: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục. Nếu để như thế này thì ta chỉ thấy mặt lục thôi nhưng thật ra đàng sau nó có cả một nền tảng, mà nếu không có thì làm gì có mặt lục này. Nhìn thì thấy một mặt hiển, những mặt ẩn phía sau thì ta không thấy được. Hãy tưởng tượng nếu năm mặt kia không có thì mặt này có hay không? Lấy năm mặt kia đi thì mặt này cũng tiêu luôn. Chúng ta biết rằng cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta tưởng đó là một nhưng nhìn cho sâu thì cái một đó chứa cái tất cả.
Các căn của con sư tử cũng vậy. Chúng ta tưởng đó chỉ là con mắt của sư tử thôi. Nhưng nếu con mắt mà không có toàn thân sư tử đứng sau để làm lưng tựa thì con mắt đó làm sao có được? Mặt lục của con xúc xắc mà không có năm mặt kia đứng sau lưng yểm trợ thì làm sao mà có được? Mặt lục chứa năm mặt kia và mỗi mặt kia cũng như vậy, mỗi mặt này chứa năm mặt khác. Vì vậy nhìn vào cái một ta thấy cái tất cả. Cái một chứa được cái tất cả. The whole is found in the one.
Ban đầu mình thấy mặt trên không phải là mặt dưới, mặt trái không phải là mặt phải. Nhưng mặt trên làm gì có nếu không có mặt dưới? Mặt dưới làm gì có nếu không có mặt trên? Một cái chứa đựng tất cả các cái. Mỗi cái có đầy đủ thuần và tạp, đó gọi là chư tạng thuần tạp cụ đức.
Đây là lối diễn tả của huyền môn cũ (cựu huyền môn) của tổ thứ nhất tông Hoa Nghiêm là thầy Đỗ Thuận. Sau này thầy Pháp Tạng, tổ thứ ba, có sửa lại cho hay hơn. Huyền môn mới (tân huyền môn) của thầy Pháp Tạng là:
Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại
Quảng là rộng, hiệp là hẹp. Cái rộng chứa cái hẹp mà cái hẹp cũng chứa cái rộng một cách rất tự do, không hề có sự ngăn ngại nào. Chúng ta cứ tưởng cái lớn chứa cái nhỏ, ai ngờ cái nhỏ cũng chứa được cái lớn. Con mắt sư tử chúng ta tưởng nó nhỏ, ai ngờ con mắt sư tử thâu chứa cả toàn thân sư tử. Nếu không có toàn thân sư tử đứng sau lưng thì không có con mắt đó. Con mắt sư tử nhỏ nhưng chứa được toàn thân sư tử. Một hạt bụi cũng vậy, một thiền sư đời Lý đã nói:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Có nghĩa là trời đất có thể đặt gọn lên đầu một sợi tóc. Càn khôn là trời đất. Mao là sợi lông, mao đầu là đầu sợi lông. Đem hết tất cả trời đất đặt lên đầu một sợi lông. Đó chứng tỏ rằng cái một chứa đựng cái tất cả (the whole is in the one).
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung có nghĩa là mặt trời và mặt trăng có thể được nhét gọn vào trong một hột cải. Hột cải rất nhỏ nhưng nó bao trùm được cả thế giới. Cái một bao trùm cái tất cả.
Chúng ta nhận ra cánh cửa thứ nhất (Đồng thời cụ túc tương ứng môn) và cánh cửa thứ hai (Chư tạng thuần tạp cụ đức môn) có khác nhau.
Trong cánh cửa thứ nhất, thầy Pháp Tạng nói vàng và sư tử đồng thời mà phát khởi, đáp ứng lại với nhau. Vàng là sư tử, sư tử là vàng. Liên hệ này là liên hệ giữa tánh và tướng, liên hệ giữa bản thể và hiện tượng (relationship between numena and phenumena). Đó là liên hệ giữa H2O và đám mây, giữa nước và sóng, giữa lý và sự. Sự là thế giới của hiện tượng (con sư tử, sóng, đám mây). Lý là thế giới của bản chất, của bản thể (vàng, nước, H2O).
Đi tới cánh cửa thứ hai, chúng ta nói đến sự liên hệ giữa những hiện tượng với nhau, gọi là liên hệ hiện tượng. Bên ngoài ta thấy có thân, tai, mắt, mũi, lưỡi riêng, nhưng khi nhìn kỹ ta thấy trong tai có mắt, mũi, lưỡi, thân; trong mũi có tai, mắt, lưỡi, thân v.v… Một căn chứa đựng tất cả các căn. Đó là đứng trên phương diện hiện tượng mà nói. Hiện tượng này chứa đựng tất cả các hiện tượng khác.
Cánh cửa thứ nhất nói về hiện tượng chứa đựng bản thể, gọi là Lý pháp giới. Cánh cửa thứ hai nói về hiện tượng chứa đựng hiện tượng, gọi là Sự pháp giới. Trong Hoa Nghiêm có nói tới bốn pháp giới. Pháp giới (the realm of dharma) là thế giới của sự hiện hữu (the realm of being):
1- Lý pháp giới (reality as numena). Pháp giới có thể được dịch là thực tại (reality) hay bản thể.
2- Sự pháp giới (reality as phenumena). Đây không còn là vàng, là nước nữa; đây là sư tử, là sóng. Sóng và sóng có liên hệ với nhau.
3- Lý sự vô ngại pháp giới (reality in the relationship between numena and phenumena). Đó là thực tại trong sự liên hệ giữa lý và sự, giữa tánh và tướng.
4- Sự sự vô ngại pháp giới (reality in the relationship between phenumena and phenumena). Đó là thực tại nhìn qua sự liên hệ giữa tướng và tướng (sóng và sóng, đám mây và sương mù).
Đó là bốn pháp giới. Đến đây ta thấy có bốn thực tại: thực tại được nhìn qua phía tánh, thực tại được nhìn qua phía tướng, thực tại được nhìn qua sự liên hệ giữa tánh và tướng, và thực tại được nhìn qua sự liên hệ giữa tướng với nhau.
Đồng thời cụ túc tương ứng môn nói về liên hệ tánh-tướng, liên hệ bản thể-hiện tượng. Vàng thu nhiếp sư tử, sư tử thu nhiếp vàng. Đó là lý sự vô ngại.
Chư tạng thuần tạp cụ đức môn nói về liên hệ tướng–tướng hay liên hệ giữa những hiện tượng với nhau. Mắt, tai, mũi, lưỡi của sư tử tuy riêng nhưng thu nhiếp nhau. Đó là sự sự vô ngại.
Danh từ pháp giới có nghĩa là lãnh vực hiện hữu (domaine de l´existence). Pháp giới được dịch là dharma realm. Nhưng chữ dharma realm cũng khó hiểu, nó mang tính chất chuyên môn hơi nhiều. Tiếng Phạn là dharmadhātu, dharma tức là các pháp. Chúng ta có thể dùng chữ lãnh vực, hay thế giới (le monde) cũng được.
Lý pháp giới (thế giới bản thể), tiếng Anh là the world of numena, tiếng Pháp là le monde de la nomène. Thế giới của hiện tượng hay Sự pháp giới là the world of phenumena (the phenumenal world), le monde des phénomènes.
Lý sự vô ngại pháp giới có nghĩa là thế giới của sự liên hệ giữa bản thể và hiện tượng (the world on the relationship between numena and phenumena), (le monde dans la corrélation entre la nomène et les phénomènes).
Sự sự vô ngại pháp giới là thế giới của sự liên hệ giữa các hiện tượng với nhau (the world of interphenumena), (le monde interphénumenal).
Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng Môn
Tam, kim dữ sư tử tương dung, thành lập nhất đa vô ngại. Ư trung lý sự các các bất đồng.
Hoặc nhất hoặc đa, các trụ tự vị, danh Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng Môn.
Cánh cửa thứ ba: Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng Môn
Vàng và sư tử dung nhiếp nhau làm thành một thế một nhiều vô ngại (nhất đa vô ngại: cái một và cái nhiều không làm trở ngại nhau).
Ở đây lý và sự (bản thể và hiện tượng) được phân biệt rõ ràng, dù là một hay là hai (nhiều)…
thì mỗi cái cũng an trú trong vị trí của chính mình! Đây gọi là Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng Môn.
Một bên là cái một và một bên là cái nhiều, một bên có sameness và một bên có otherness, một bên là nhất còn một bên là nhất thiết, nhưng hai cái đó không hẳn là chống nhau. Đó là vô ngại (no obstacle). Chúng ta thấy cái một có thể dung chứa cái tất cả và cái tất cả có thể được tìm thấy trong cái một (The whole is integrated into every part and all the part is integrated into the whole).
Ví dụ trong cơ thể của chúng ta có hàng tỷ tế bào nhưng một tế bào có thể đại diện cho tất cả các tế bào khác tại vì cái một là cái tất cả. Hiện nay chúng ta có một kỹ thuật gọi là sinh sản vô tính (cloning). Người ta chỉ cần lấy ra một tế bào thôi và tìm cách làm thành một cơ thể mới gọi là cloning. Từ một tế bào thôi, tế bào nào cũng được (tế bào ruột, gan) người ta lấy ra rồi nuôi thành một con người toàn vẹn. Kỹ thuật cloning chứng tỏ: Trong cái một có cái tất cả. Trong một tế bào có đầy đủ những gen, tức gia sản di truyền.
Nhìn vào tế bào, ta thấy trong đó có những nhiễm thể (gen) do tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại. Những khổ đau, những kinh nghiệm, những hờn giận, hạnh phúc, những ước mơ của tổ tiên ông bà, đang có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Chỉ cần biết cách nhìn vào trong một tế bào thì ta thấy có đủ tư liệu (informations) về tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhiều thế hệ. Mình hay nói tổ tiên có mặt trong mỗi tế bào cơ thể là như vậy. Ta nghĩ rằng: ”Đây là ta!”. Nhưng kỳ thật đây không phải là ta vì nó chứa đựng hết tất cả thế hệ tổ tiên. Cái một chứa đựng cái tất cả mà không hề lúng túng, chật chội. Nó rất thoải mái. Nếu muốn thấy cái một thì cái một hiện ra. Nếu muốn thấy cái tất cả thì cái tất cả hiện ra cho ta thấy. Cái một và cái tất cả đi chung với nhau mà không chống đối nhau gọi là nhất đa tương dung.
Nhất đa tương dung: Cái một là cái tất cả, cái tất cả là cái một. Nhưng cái một vẫn còn là cái một, cái tất cả vẫn còn là cái tất cả, không cái nào hủy diệt cái nào hết.
Lý và sự được phân biệt rõ ràng dù là một hay là hai thì mỗi cái cũng an trú trong vị trí của mình. Chúng ta có thể gọi vàng và sư tử là hai cái, nó có thể đứng riêng ra thành hai cái riêng biệt. Nhưng chúng ta gọi vàng và sư tử là một cũng được vì hai cái tới với nhau làm thành một cái mà không hề có trở ngại. Đó gọi là nhất đa tương dung (the one and the many are implicated in each other).
Kim dữ sư tử tương dung: Vàng và sư tử dung chứa nhau (gold and lion content each other).
Thành lập nhất đa vô ngại: They produce the situation of non-obstacle between the one and the many.
Ư trung lý sự các các bất đồng: Trong đó, bản thể và hiện tượng, mỗi cái vẫn là nó, nó có thể khác nhau.
Hoặc nhất hoặc đa: Có thể gọi nó là một, có thể gọi nó là nhiều. Hai cái có thể là một, có thể là hai.
Các trú tự vị: Mỗi cái đứng vào trong vị trí của chính mình.
Cái một và cái nhiều vừa là nhau, vừa là khác nhau. Có một thi sĩ người Anh rất nổi tiếng tên là William Blake, không biết ông có đọc kinh Hoa Nghiêm không mà thơ ông viết ra có hương vị của Hoa Nghiêm. Thi sĩ sinh năm 1757 và tịch năm 1827, ông viết:
To see the world in a grain of sand
And the heaven in a wild flower
To hold infinity in the palm of your hand
And internity in just an hour
Có thể thấy pháp giới trong một hạt cát và cả khung trời trong một bông hoa dại. Ôm lấy cái vô biên trong lòng bàn tay của anh và đặt cả thời gian vô cùng vào trong chỉ một giờ đồng hồ. Đó là một thi sĩ người Anh. Các thi sĩ, các nhà tư tưởng lớn có một trực giác. Tuy không đọc kinh Hoa Nghiêm nhưng với trực giác họ thấy cái tất cả nằm trong cái một. Có thể thi sĩ William Blake chưa bao giờ đọc kinh Hoa Nghiêm nhưng trong đời sống hằng ngày ông có mẫn cảm và thấy được cái đó bằng trực giác. Cái quan trọng là chúng ta có kinh nghiệm, có trực giác để thấy được như vậy hay không?
Thiền quán giúp cho ta thấy được điều đó. Nhìn vào cơ thể của mình, ta thấy cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong đó, ta thấy thế giới, đất nước mình trong đó. Chúng ta không nhỏ đâu, chúng ta rất rộng lớn. Có một thi sĩ người Mỹ , tên là Walt Whitman nói trong tác phẩm “Lá cỏ” của ông là: I am large, I content multitudes. (Tôi rất rộng lớn, tôi chứa hằng hà sa số thế giới. Je suis grand, je contiens des multitudes). Walt Whitman (1819-1892) thuộc thế hệ sau sau thi sĩ William Blake.
Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn
Tứ, sư tử căn, nhất nhất triệt biến sư tử nhãn. Nhãn tức nhĩ, nhĩ tức tỉ, tỉ tức thiệt, thiệt tức thân tự tại thành lập, vô chướng vô ngại danh Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn.
Cánh cửa thứ tư: Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn
Các giác quan và mỗi đầu sợi lông sư tử đều do vàng mà thu nhiếp được toàn thân sư tử.
Cho nên cái gì trong sư tử cũng triệt để thu nhiếp mắt của sư tử. Mắt là tai, tai là mũi, mũi là lưỡi, lưỡi là thân, mỗi căn đều được thành lập, không có gì làm chướng ngại. Cái này gọi là Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn.
Cái này là cái kia, cái kia là cái này. Nước là sóng, sóng là nước. Vàng là sư tử, sư tử là vàng. Các nhà học giả hay dịch chữ tương tức là mutual identification. Tôi dịch là interbeing. Cái này là cái kia, chúng ta là nhau. We interare, water and wave interare.
Các giác quan và mỗi đầu lông sư tử đều do vàng mà thu nhiếp toàn thân sư tử, cho nên cái gì trong sư tử cũng triệt để thu nhiếp mắt của sư tử. Ví dụ như sư tử có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nhìn con mắt thì chúng ta thấy đây là mắt của sư tử. Nhưng nhìn từ phía khác thì ta thấy tai của sư tử. Nếu chỉ nhìn một căn thì ta không thấy các căn khác. Nhưng nếu các căn khác không có đó thì làm gì có căn này. Nếu năm mặt kia không có thì mặt này cũng không thể nào có được. Sự có mặt của mắt sư tử chứng tỏ là đồng thời mũi, lưỡi, tai, thân, ý sư tử cũng có đó. Một cái thu nhiếp tất cả các cái. Sự có mặt của một cái chứng tỏ sự có mặt của tất cả các cái. Phải nhìn làm sao để khi thấy một mặt, chúng ta đừng tưởng rằng chỉ có mặt này có mà chúng ta phải thấy được các mặt khác đang cùng có một lần và làm nền tảng cho mặt này. Nếu không thấy như vậy thì chưa thấy được mặt này.
Chẳng những trong sáu căn mà trong mỗi sợi lông sư tử cũng vậy, mỗi sợi lông sư tử chứng tỏ là toàn thân sư tử có đó. Nếu toàn thân sư tử không có thì làm sao có sợi lông đó được. Cho nên cái tất cả nằm trong cái một. Cái một chứng tỏ là cái tất cả có đó.
Ta đi bơ vơ trong cuộc đời, ta tưởng ta cô đơn lắm. Kỳ thực, tất cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đất nước, dân tộc của ta đều có mặt ở trong ta. Ta cảm thấy cô đơn tại vì ta chưa biết ta là ai. Nếu ta nhìn vào ta thì ta thấy cả dân tộc, đất nước, tổ tiên, quê hương ở trong ta hết. Khi ta đi một bước thảnh thơi thì tất cả dân tộc, đất nước, dòng họ, tổ tiên ta được thảnh thơi. Ta phải thấy được điều đó! Cái một chứa đựng cái tất cả, cái tất cả phải được thấy trong cái một.
Các giác quan sư tử cũng vậy mà mỗi đầu lông sư tử cũng vậy, tại vì nó là vàng nên thu nhiếp được toàn thân sư tử. Nhìn mắt của sư tử thì thấy trong đó có đầy đủ năm căn khác của sư tử, tất cả sợi lông và toàn thể con sư tử. Đó là cái thấy tương tức, cái này tức là cái kia (interbeing). Chúng ta có thể đặt tên:
– Cánh cửa thứ nhất là Tương Ứng (simultaneously). Đồng thời cụ túc tương ứng môn là cùng một lúc tới với nhau. Ta có thể tạm dịch là inter-responding (corresponding, responding to each other), cùng một lượt tới với nhau và làm thành nhau (synchronisation).
– Cánh cửa thứ hai là Tương Thâu hayTương Nhiếp (interimplication). Có một nhà vật lý người Anh là David Bohm quán sát thấy rằng một điện tử không có sự có mặt lẽ loi. Một điện tử được làm thành bởi tất cả các
điện tử. One electron is made of all electrons. Cái một chứa đựng cái tất cả. Trong sách, ông nói: Nhìn bề ngoài thì thấy các vật nằm ngoài nhau nhưng nhìn cho sâu thì thấy sự vật nằm trong nhau. Nhìn khơi khơi thì thấy cha ở ngoài con và con ở ngoài cha. Nhưng nhìn cho sâu thì thấy cha ở trong con và con ở trong cha. Nhìn bề ngoài là nhìn theo một trật tự gọi là the explicated order, tức là ta thấy ánh sáng nằm ngoài mặt trời, bông hoa nằm ngoài mặt trời, và hai cái đó không dính líu gì tới nhau hết. Đó là trật tự ngoại nhiếp. Nhìn cho kỹ thì ta thấy các cái nằm trong một cái, trong con có cha, trong cha có con. Đó là trật tự nội nhiếp (the implicated order).
– Cánh cửa thứ ba là Tương Nhập hay Tương Dung. Đây là danh từ của các nhà vật lý học có hương vị của Hoa Nghiêm. Cái một chứa đựng cái tất cả. Nhất đa tương dung bất đồng môn (intercontentment). Cái một chứa đựng cái tất cả, cái tất cả chứa đựng cái một.
– Cánh cửa thứ tư là Tương Tức. Chư pháp tự tại tương tức môn (interbeing), (interêtre).
Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn
Ngũ, nhược khán sư tử duy sư tử vô kim, tức sư tử hiển, kim ẩn. Nhược khán kim duy kim vô sư tử, tức kim hiển sư tử ẩn. Nhược lưỡng xứ khán, câu ẩn câu hiển. Ẩn tắc bí mật, hiển tắc hiển trước, danh Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn.
Cánh cửa thứ năm: Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn
Khi nhìn sư tử thì chỉ thấy sư tử mà không thấy vàng, sư tử hiển còn vàng ẩn. Khi nhìn vàng chỉ thấy vàng mà không thấy sư tử nghĩa là vàng hiển còn sư tử ẩn.
Nếu nhìn cả hai một lượt thì cả hai đều ẩn và hiển đồng thời. Ẩn là bí mật, hiển là tỏ rõ (hiển trước). Cái này gọi là Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn.
Khi nhìn sư tử chỉ thấy sư tử mà không thấy vàng, trong trường hợp này sư tử hiện ra, vàng thì ẩn dấu đi. Khi nhìn vàng chỉ thấy vàng mà không thấy sư tử, trong trường hợp này vàng biểu hiện còn sư tử ẩn đi. Nếu biết nhìn hai cái một lượt thì có thể thấy được tất cả đều ẩn hay tất cả đều biểu hiện. Ẩn nghĩa là bí mật, là dấu đi; hiển nghĩa là biểu hiện ra, là hiển trước. Đó gọi là bí mật ẩn hiển câu thành môn.
Ví dụ khi ta nhìn chính ta với tư cách của một đứa con thì ta chỉ thấy ta là con mà không thấy cha ta trong ta. Nhưng cha ta có ở trong ta. Nếu nhìn kỹ thì ta thấy ta là sự tiếp nối của cha. Cha ta có ở trong ta và ta thấy được cha. Tùy theo cách nhìn, theo cách này thì ta nhìn thấy con, theo cách kia thì ta nhìn thấy cha. Nhưng có cách nhìn để thấy được hai cha con cùng một lúc, chúng ta có thể gọi đó là tương biểu. Biểu là biểu hiện ra, khi biểu hiện ra thì mình thấy, khi không biểu hiện ra thì mình không thấy. Có khi biểu, có khi vô biểu nhưng vô biểu không có nghĩa là không có đó.
Ví dụ bàn tay này đây có thể thỉnh chuông được nhưng chúng ta không thấy nó thỉnh chuông. Khả năng thỉnh chuông nằm trong bàn tay này mà ta không thấy. Nhưng khi bàn tay cầm dùi chuông lên thỉnh thì chúng ta thấy bàn tay có thể thỉnh chuông được. Cái hiển thì ta thấy được còn cái ẩn thì ta không thấy được. Một là biểu (thấy được), hai là vô biểu (không thấy được), chúng ta có thể dịch là intermanifestation.
Nhìn vào ta, ta có thể thấy ta với tư cách là một chúng sinh có tham, sân, si. Ta không thấy được mặt kia của ta. Mặt kia là Bụt vì ta cũng có hạt giống vô tham, vô sân, vô si và hạt giống từ bi. Hạt giống Bụt bị ẩn, hạt giống chúng sanh hiển. Nhưng nhìn cho kỹ thì thấy có Bụt ở trong ta. Ta có thể làm như thế nào để Bụt hiển ra và chúng sanh ẩn đi. Ví dụ khi ta tập thở, tập thiền hành thì ta làm cho Bụt hiển ra và chúng sanh ẩn đi. Bụt càng hiển lâu chừng nào thì ta càng được hưởng chừng đó. Bụt không ở ngoài ta, Bụt ở trong ta.
Khi vào chùa, ta chắp tay lạy Bụt. Ta thấy có người lạy (tức là ta) và người được lạy (tức là Bụt) đang ngồi trên bàn thờ. Có hai cái rõ ràng đứng ngoài nhau: ta ở đây và Bụt ở trên bàn thờ, hai người hoàn toàn khác nhau. Đó là trật tự ngoại nhiếp. Ta ở ngoài Bụt và Bụt ở ngoài ta. Nhưng nếu quán chiếu thì ta thấy Bụt trong ta và ta ở trong Bụt. Trong kinh Mười nguyện Phổ Hiền ta có thể quán chiếu được có ta trong Bụt, ở đâu có Bụt là có ta.
Trước khi lạy xuống, ta phải quán chiếu theo giáo lý Hoa Nghiêm, có nghĩa là phải thấy Bụt ở trong ta chứ không phải Bụt ngồi trên bàn thờ: “Bạch Đức Thế Tôn, con quán chiếu rằng, Ngài không phải ở ngoài con, Ngài ở trong con và con có thể tiếp xúc được với Ngài ngay ở trong con. Ở đâu có con là ở đó có Ngài, ở đâu có Ngài là ở đó có con.” Thấy được thì mới nên lạy xuống. Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt. Như vậy, ta mới tiếp xúc được với Bụt thật. Nếu không, ta chỉ tiếp xúc được với cái tượng Bụt mà thôi.
Lạy Bụt không phải là một sự cầu nguyện, một sự cầu xin hay một hành động tín mộ (act of devotion) mà là một sự quán chiếu.
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Thực tập cho sâu sắc, cái lạy sẽ trở thành phương pháp thiền quán để quán chiếu sự tiếp xúc với Bụt trong tự thân chứ không phải là sự cầu xin, tín mộ nữa. Ta thấy được sự tương tức giữa ta và Bụt (interbeing between the Buddha and yourself). Ta không có mặc cảm ta là con số không, ta chỉ là khổ đau, còn Bụt là tất cả. Có như vậy thì sự thực tập mới thành công, ta không còn mặc cảm thua sút, đau khổ nữa.
Học giáo lý Hoa Nghiêm, ta phải biết quán chiếu khi nhìn vào hình hài của mình. Chúng ta thấy sự liên hệ của bốn yếu tố (đất, nước, gió và lửa) trong nội thân và ở ngoại thân. Đi sâu hơn nữa ta thấy không khí ta thở không phải là ở trong nội thân chế tạo ra. Chính rừng cây ở ngoài làm ra dưỡng khí cho ta thở. Ta thở và sống được là nhờ không khí ở ngoài thân. Vì vậy thân của ta không phải chỉ là hình hài này, nó là ở ngoài kia nữa. Thái Hư Đại Sư có viết một bài thơ trong đó có câu: Thân ngoại phi thân khước thị thân. Cái không phải thân, ở ngoài thân đó mới chính là thân của mình. The non-body elements out there is your true body.
Đó là quán thân trong thân. Chúng ta thấy thân của mình lớn như vậy. Ngay trong đạo Bụt nguyên thỉ, quán thân là tiếp xúc được với hình hài của mình. Tiếp xúc cho sâu sắc thì ta thấy hình hài ta cũng là hình hài của tổ tiên, của đất nước, của dòng họ. Vì vậy cái tất cả có trong cái một.
Trong ánh sáng của Hoa Nghiêm thì khi nhìn vào thân, ta phải thấy được những yếu tố “không thân” làm ra thân của ta. Ta tiếp xúc được với cái hiển mà cũng tiếp xúc được với cái ẩn. Ta tiếp xúc được với tổ tiên, quê hương, dòng họ trong thân thể này.
Nhìn vào một mặt ta chỉ thấy mặt đó thôi. Thành ra thực tập là để nhìn vào một mặt để thấy được tất cả các mặt còn lại. Tất cả đều hiển hoặc tất cả đều ẩn, và ta thấy được sự tương tức giữa ẩn và hiển: cái này ẩn thì cái kia hiển, cái này hiển thì cái kia ẩn. Có như vậy thì sự thực tập đi tới một mức rất cao. Khi chúng ta thở vào thì tất cả tổ tiên, ông bà, con cháu đều thở theo. Thấy được như vậy thì chúng ta không bị giam vào ý niệm ta chỉ là hình hài này, cảm thọ này, tri giác này, từ đó chúng ta buông bỏ được tất cả các mặc cảm, thấy được ta là một vị Bụt và báo thân của ta có thể bao trùm cả thế giới. Cho nên sự an vui của ta có liên hệ đến sự an vui của cả thế giới.
Nhược khán sư tử duy sư tử vô kim (khi nhìn vào sư tử, chỉ thấy sư tử mà không thấy vàng) tức sư tử hiển kim ẩn (lúc đó sư tử hiển mà vàng ẩn). Nhược khán kim, duy kim vô sư tử (nếu nhìn vàng chỉ thấy vàng mà không thấy sư tử), kim hiển sư tử ẩn (vàng hiển mà sư tử ẩn). Nhược lưỡng xứ khán câu ẩn câu hiển (nếu biết nhìn cả hai mặt thì ta thấy cả hai đều hiển hay cả hai đều ẩn một lượt). Ẩn tắc bí mật, hiển tắc hiển trước, danh bí mật ẩn hiển câu thành môn: Khi nó ẩn thì gọi là bí mật, khi nó hiển thì gọi là rõ ràng. Cái đó gọi là Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn. The mutual arising of both the hidding and the manifesting.
Vi Tế Tương Dung An Lập Môn
Lục, kim dữ sư tử hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc nhất hoặc đa, định thuần định tạp, hữu lực vô lực, tức thử tức bỉ, chủ bạn giao huy, lý sự tề hiện, giai tất tương dung bất ngại an lập vi tế thành biện, danh Vi Tế Tương Dung An Lập Môn.
Cánh cửa thứ sáu: Vi Tế Tương Dung An Lập Môn
Vàng và sư tử hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một hoặc nhiều, hoặc thuần hoặc tạp, hoặc hữu lực hoặc vô lực, hoặc này hoặc kia, thì chủ và bạn chiếu sáng cho nhau, lý (bản thể) và sự (hiện tượng) đều (đồng thời) biểu hiện, tất cả đều dung nhiếp nhau. Chúng được an lập mà không làm chướng ngại nhau cho tới lằn mức vi tế nhất. Cái này gọi là Vi Tế Tương Dung An Lập Môn.
Thầy Pháp Tạng nêu ra tám cặp: vàng và sư tử, ẩn và hiển, một và nhiều, thuần và tạp, hữu lực và vô lực, cái này (thử) và cái kia (bỉ), chủ và bạn, lý và sự. Những cặp chống đối nhau đều ở trong một sự thực là nó dung nhiếp nhau, chứa đựng nhau.
Vàng và sư tử: Vàng ôm lấy sư tử và sư tử ôm lấy vàng. Cái ẩn ôm lấy cái hiển và cái hiển ôm lấy cái ẩn mà không hề có chướng ngại từ mức vĩ mô (macroscopic) cho tới mức vi mô (microscopic), từ cái lớn nhất như tinh hà (galaxy) cho tới cái nhỏ nhất như hạt sơ đẳng (elementary particle).
Nhìn sư tử, chúng ta không thấy vàng; nhìn vàng, chúng ta không thấy sư tử. Nhưng khi nhìn với con mắt quán chiếu thì ta thấy sư tử là vàng, vàng là sư tử, ta nhìn thấy cả hai.
Ẩn và hiển: nhìn con, ta không thấy cha, nhưng kỳ thực thì cha núp trong con. Nhìn kỹ, ta thấy cha trong con, và khi nhìn cha, ta thấy con trong cha. Con có trong cha mẹ và cha mẹ có trong con. Có một bài tụng rất hay: Con có Bụt có Tổ, Bụt Tổ có trong con. Nhìn cho kỹ con thấy có con trong Bụt, trong Tổ. Nhìn một bông hoa, ta thấy bông hoa mà không thấy mặt trời, đám mây. Mặt trời, đám mây núp trong bông hoa, chúng nó ẩn còn bông hoa hiển. Nhưng cái ẩn và cái hiển ôm lấy nhau, không chống đối nhau. Sư em và sư chị cũng vậy, hai người ôm lấy nhau. Trong sư em có sư chị, trong sư chị có sư em, không có sự chống đối.
Một và nhiều: Chúng ta có nhiều người nhưng khi ta lên tụng kinh thì người ta chỉ thấy một chúng thôi, một chúng hòa hợp, một chúng nhưng kỳ thực có nhiều người trong đó. Cái một và cái nhiều không có chống đối nhau. Cái một ôm lấy cái nhiều và cái nhiều ôm lấy cái một.
Thuần và tạp: Nhìn vào bông hoa, chúng ta thấy có đám mây, có mặt trời, đại địa. Nhưng những thứ đó tới, hòa hợp, ôm lấy nhau làm thành bông hoa. Tất cả đều trở thành bông hoa nhưng mỗi cái vẫn là nó, mặt trời vẫn là mặt trời, đám mây vẫn là đám mây. Nó vừa là thuần, vừa là tạp. Đám mây vừa là bông hoa vừa còn là đám mây. Đó là hoặc thuần hoặc tạp.
Hữu lực và vô lực: Hữu lực (active) là hiến tặng năng lượng. Đôi khi nó không hiến tặng năng lượng, nó vô lực (not active) nhưng nó có mặt để cho ta thành công. Chữ hữu lực và vô lực phát xuất từ quan niệm về sáu nhân (the six causes), trong đó nhân đầu tiên là năng tác nhân. Năng tác nhân có nghĩa là điều kiện để đưa tới kết quả (active cause, empowering cause). Ví dụ như con mắt là một năng tác nhân vì mắt đưa tới nhãn thức, đưa tới cái thấy. Nếu không có con mắt thì không có cái thấy. Con mắt có thần kinh thị giác, có đủ phương tiện để làm nẩy sinh ra cái thấy. Con mắt là một năng tác nhân. Khi mình gieo hạt lúa vào đất thì hạt lúa là một năng tác nhân.
Năng tác nhân có hai loại: loại hữu lực và loại vô lực. Năng tác nhân hữu lực là loại có sức, có năng lượng đưa tới kết quả như hạt lúa, như con mắt. Hạt lúa đưa tới cây lúa, con mắt đưa tới cái thấy. Năng tác nhân vô lực không thật sự đóng góp sức nhưng không làm chướng ngại, không ngăn cản. Đó cũng là nhân nhưng là nhân vô lực.
Trong Trai Đàn Chẩn Tế ở Việt Nam có rất nhiều người muốn giúp chúng ta. Các thầy, các đạo hữu, các vị cư sĩ yểm trợ ta để cho Trai Đàn được thành tựu. Các vị đó là năng tác nhân hữu lực. Có những người tuy không yểm trợ ta nhưng cũng không gây khó khăn, không làm chướng ngại gì. Họ là năng tác nhân vô lực.
Trong chúng cũng vậy. Mỗi người trong chúng là một cái cây đang muốn lớn lên, muốn trở thành pháp khí. Ta là sư chị, sư em, sư anh, ta có thể làm năng tác nhân hữu lực tức là giúp cho người đó đi lên hay ít nhất ta cũng làm năng tác nhân vô lực là đừng ngăn cản người đó. Tất cả vạn pháp đều có thể là năng tác nhân, có khi là hữu lực, có khi là vô lực.
Thử bỉ có nghĩa là cái này cái kia. Cái này có thể tới với cái kia có thể làm năng tác nhân cho cái kia. Cái này có thể ôm lấy cái kia. Hai cái có thể ôm lấy nhau để làm biểu hiện ra một cái khác như mặt trời và đám mây ôm lấy nhau để làm biểu hiện ra bông hoa. Mặt trời vẫn là mặt trời, đám mây vẫn là đám mây, nhưng mặt trời và đám mây có thể ôm lấy nhau, tương dung nhau.
Chủ và bạn: Hôm nay sư anh nói pháp thoại. Đến phiên sư anh nói pháp thoại thì ta đóng vai trò nghe pháp thoại, sư anh là chủ, ta là bạn. Ngày mai đến phiên ta nói pháp thoại thì sư anh ngồi nghe trong chúng, ta là chủ, sư anh là bạn. Nó đắp đổi luân phiên nhau. Khi thì ta là chủ, khi thì ta là bạn, chủ và bạn không chống đối nhau. Ta không hỏi tại sao không để tôi giảng mà anh lại lên giảng? Khi anh là chủ thì tôi là bạn một cách hạnh phúc, khi tôi là chủ thì anh là bạn một cách hạnh phúc. Chủ bạn tương nhiếp nhau, nó không chống đối nhau.
Cũng như Đức Quan Âm đã thành Bụt lâu rồi. Nhưng khi Ngài ngồi trong thính chúng thì Ngài đóng vai trò đệ tử, cũng lên lạy và bạch Đức Thế Tôn, cũng xưng mình là con. Trong chúng, chúng ta nên học cái đó, là chủ, là bạn, nhưng chủ bạn ôm nhau rất đẹp, rất hay. Người nào muốn xây dựng tăng thân cho giỏi thì nên học cách này, chủ bạn ôm nhau.
Lý và sự: Lý là bản thể (nomène), sự là hiện tượng (phénomène). Đó là hai cái nhưng cũng có thể là một. Sự tương dung đó (interimplication) được thành hình từ mức độ lớn nhất (vĩ mô) cho đến mức độ nhỏ nhất (vi mô). Trong cái một có cái tất cả.
Vi tế có nghĩa là cái nhỏ nhất. Khoa học vật lý đi tìm cái nhỏ nhất gọi là lạp thể (elementary particle) để coi thế giới này được làm bằng chất liệu căn bản nào. Họ chẻ vật chất ra tới mức nhỏ nhất, nguyên tử rồi tới hạ nguyên tử (subatomic). Họ tìm ra điện tử (electron), trung hòa tử (neutron), dương tử (proton). Và họ vẫn cố gắng tiếp tục chẻ nữa.
Trong kinh Hoa Nghiêm có nói tới hạt. Thầy Pháp Tạng, ngoài Kim Sư Tử Chương có sáng tác một số tác phẩm khác trong đó có Bách Môn Nghĩa Hải Hoa Nghiêm Kinh (biển nghĩa lý qua một trăm cánh cửa của kinh Hoa Nghiêm). Thầy Pháp Tạng chia tác phẩm ra mười chương, mỗi chương có mười đoạn. Trong đoạn thứ hai có nói: Mỗi hạt mà mình cho là nhỏ nhất có thể ôm lấy tất cả vũ trụ. Nó có trong nó tất cả. Nó không cần phải tìm hiểu những hạt khác làm gì tại vì trong nó có đầy đủ hết rồi. Cũng như bông hoa không cần phải đi tìm hiểu mặt trời vì trong bông hoa đã có mặt trời rồi. Trong kinh nói rõ ràng là hạt bụi này không cần phải đi tìm hiểu hạt bụi khác, trong nó có đủ hết rồi.
Sư em, sư anh đã có trong ta rồi, ta không cần phải tới với người đó để tìm hiểu. Ta đi vào trong ta thì ta thấy được, nói chuyện được, hiểu được, thông cảm được với sư anh, sư em. Ta không cần phải đi ra ngoài, không cần phải tìm tới người đó tại vì trong ta chứa đựng hết tất cả, trong ta có thầy, có sư em, có sư anh của mình. Hạt bụi này không cần phải nói chuyện với hạt bụi khác, không cần đả thông, không cần truyền thông với hạt bụi khác tại vì trong tự thân nó có đầy đủ tất cả rồi. Bên ngoài giống như có hạt bụi này, hạt bụi khác, hạt bụi này phải đi tìm hiểu hạt bụi khác. Nhưng thật ra thì không cần vì trong một hạt bụi có đầy đủ tất cả pháp giới.
Năm 1986 tại Đại học Paris có một nhà khoa học tên là Alain Aspect. Ông làm một cuộc thí nghiệm chung với các nhà khoa học khác thì tìm ra một sự việc rất lạ lùng có thể làm đảo lộn nhận thức của khoa học tương lai. Ông lấy một cặp điện tử và làm cho hai điện tử đó phóng đi về hai phương trời khác nhau. Trong khi điện tử bên trái đi về phương này thì ông can thiệp làm cho nó đổi hướng. Người ta nhận thấy rằng điện tử đi hướng ngược lại cũng tự động thay đổi theo, làm như là hai điện tử có truyền thông với nhau vậy. Nó biết cái gì đang xảy ra cho điện tử kia và nó cũng làm giống hệt như vậy. Rất lạ kỳ! Rõ ràng trong điện tử có cái biết, nó không phải vô tri vô giác. Các nhà khoa học thấy cái gì xảy ra cho điện tử phía này cũng đồng thời xảy ra cho điện tử phía kia. Hai điện tử cách nhau hàng cây số biết những gì xảy ra cho nhau và làm giống hệt nhau như vậy.
Điều này cũng trùng hợp với điều thầy Pháp Tạng nói: Một hạt bụi nhỏ nhất đã hàm chứa tất cả vũ trụ rồi. Nó không cần phải đi ra tìm hiểu về hạt bụi kia. Tất cả cái mà ta tưởng là ở ngoài đã nằm trong tự thân của ta rồi. Vi tế tương dung là như vậy.
Khoa học lượng tử bây giờ dùng những danh từ tất ngộ nghĩnh. Họ nghiên cứu để xem sự nối kết giữa các lượng tử thì họ tìm ra rằng, quả thật cái này nằm trong cái kia. Bề ngoài nhìn giống như cái này nằm ngoài cái kia nhưng kỳ thực cái này nằm trong cái kia. Ban đầu họ dùng chữ nối kết (inter-connectedness), rồi tới chữ vướng mắc (entanglement), điện tử này vướng mắc với điện tử kia. Trong khi đó trong kinh có chữ như tương dung, tương tức, tương nhập, tương nhiếp, những chữ rất hay. Các nhà khoa học còn dùng một chữ nữa là superposition, có nghĩa là chồng chập lên nhau, cái này chồng lên cái kia. Chữ nối kết, vướng mắc, chồng chập của các pháp không hay bằng chữ tương tức, tương nhập, tương liên của các pháp như trong kinh.
Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn
Thất, sư tử nhãn nhĩ chi tiết, nhất nhất mao xứ, các hữu kim sư tử. Nhất nhất mao xứ sư tử, đồng thời đốn nhập nhất mao trung. Nhất nhất mao trung giai hữu vô biên sư tử, hựu phục nhất nhất mao, đới thử vô biên sư tử, hoàn nhập nhất mao trung. Như thị trùng trùng vô tận, do Thiên đế võng châu danh Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn.
Cánh cửa thứ bảy: Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn
Trong mỗi bộ phận chi tiết như mắt, tai… của sư tử, cho đến mỗi sợi lông của sư tử đều có sư tử vàng. Sư tử có mặt (đi vào) trong từng sợi lông, đồng thời mỗi sợi lông chứa đựng tất cả sư tử. Mỗi sợi lông đều có vô biên sư tử, và vô biên sư tử đều có mặt trong mỗi sợi lông sư tử. Cứ như thế mà trùng trùng vô tận (lớp này lớp khác đi về vô tận) như là lưới châu của vua trời Phạm thiên. Cái này gọi là Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn.
Nhân đà la được phiên âm từ chữ Indra (vua trời Đế Thích). Trên cung vua trời Đế Thích có một màn lưới làm bằng những hạt châu. Khi nhìn vào một hạt châu thì thấy tất cả các hạt châu phản chiếu trong đó và đồng thời hạt châu này cũng được phản chiếu trong các hạt châu khác. Nhưng sự thực không phải đơn giản như vậy.
Đây là một hạt châu và đây là muôn ngàn hạt châu khác. Tất cả các hạt châu phản chiếu trong một hạt châu, cái đó dễ hiểu rồi. Nhìn vào một hạt châu, ta thấy tất cả hạt châu khác. Cũng như khi nhìn vào bọt nước, ta thấy mặt mình phản chiếu trong tất cả bong bóng nước. Mỗi bong bóng nước đều có mặt mình trong đó. Nếu có ba, bốn người nhìn vào thì trong bong bóng nước có đủ hết ba, bốn người. Nhưng sự thật rắc rối hơn. Khi hạt châu này phản chiếu hạt châu kia, rồi hạt châu kia trả lại hình ảnh của hạt châu này (có nghĩa là trong hạt châu này cũng có hình ảnh của hạt châu này phản chiếu hạt châu kia), rồi hình ảnh này lại phản chiếu lại, rồi phản chiếu lại nữa…đi tới trùng trùng lớp lớp vô tận. Đó là Nhân đà là võng cảnh giới. Mạng lưới internet bây giờ cũng hơi giống như vậy.
Để Võ Tắc Thiên hoàng hậu hiểu được điều này, thầy Pháp Tạng đề nghị làm một nhà kiếng hình tám mặt (bát giác). Thầy đưa hoàng hậu vào trong nhà kiếng, trên tay bà cầm một ngọn nến. Khi nhìn vào một tấm kiếng bà thấy rõ ràng trong đó không chỉ có một ngọn nến (đèn cầy). Khi đèn cầy phản chiếu thì nó gởi hình ảnh đó sang mặt kiếng kế bên và tất cả các mặt kiếng khác. Mặt kiếng bên lại phản chiếu lại, rồi đi vô lại và phản chiếu sang các mặt khác. Điều này cũng xảy ra cho các mặt khác… Như thế không biết bao nhiêu ngọn nến mà kể, không thể dùng toán học (mathematics) mà đếm được. Đó là trùng trùng vô tận.
Hình ảnh này là một biểu tượng (métaphore, simulation) để giúp người ta hiểu được. Cũng như khi nói tới não bộ thì người ta thường dùng hình ảnh của máy tính để giúp cho ta hiểu được não bộ hoạt động như thế nào. Nhưng thật ra máy tính rất khác não bộ, máy tính là một cái máy còn não bộ là con người. Người ta dùng hình ảnh máy tính để giúp cho ta hiểu được phần nào sự vận hành của não bộ, kỳ thực não bộ không phải là máy tính. Ở đây cũng vậy, thầy Pháp Tạng dùng cái lưới nhân đà la để cho người ta thấy được tính trùng trùng vô tận của các pháp.
Tính lý nhân duyên rất mầu nhiệm. Có một lần thầy A Nan nghe Bụt giảng về nhân duyên, thầy hiểu rất rõ ràng, thầy nói: “Con có thể nói là con hiểu về lý nhân duyên của Ngài rất rõ ràng”. Bụt nói: “Thầy đừng nói vậy! Lý nhân duyên mầu nhiệm lắm, thầy chưa hiểu hết đâu!”. Nói vắn tắt là không thể đem trí năng (intellect) của con người mà hiểu được hết lý nhân duyên. Nó trùng trùng vô tận, nhân trở thành duyên, duyên trở thành nhân…Đây là những hình ảnh métaphore, simulation để giúp cho chúng ta thôi. Đừng nghĩ là ta hiểu hết được. Khi bắt đầu thấy chưa hiểu được thì lúc đó ta bắt đầu hiểu rồi, còn khi nói tôi hiểu rồi tức là ta chưa hiểu gì hết. Khi một người thầy nghe đệ tử mình nói con hiểu rồi thì ông biết là nó chưa hiểu gì hết. Khi đệ tử nói con chưa hiểu, con chỉ bắt đầu hé thấy cái gì đó thì ông biết đệ tử này đã bắt đầu hiểu.
Sư tử nhãn, nhĩ chi tiết, nhất nhất mao xứ, các hữu kim sư tử: Những chi tiết như con mắt, lỗ tai, hay mỗi sợi lông sư tử, tất cả đều hàm chứa sư tử trong đó. Nhất nhất mao xứ có nghĩa là mỗi sợi lông sư tử đều hàm chứa sư tử.
Đồng thời đốn nhập nhất mao trung: Mỗi sợi lông sư tử đều có sư tử và tất cả sợi lông đi vào mỗi sợi lông.
Nhất nhất mao trung giai hữu vô biên sư tử: Trong mỗi sợi lông có không biết bao nhiêu là sư tử. Ý niệm một sư tử cũng tan biến mất. Ban đầu chúng ta nói có một ngọn đèn chiếu vào tấm gương này rồi hình ảnh đó chiếu lại vào tấm gương kia. Nhưng thật ra có vô số vô biên ngọn đèn chiếu nhau. Ngọn đèn này là ngọn đèn kia. Vì vậy ý niệm đây chỉ có một con sư tử cũng biến mất. Trong mỗi sợi lông sư tử có vô số vô biên sư tử.
Hựu phục nhất nhất mao, đới thử vô biên sư tử, hoàn nhập nhất mao trung: Lại nữa, mỗi sợi lông mang vô biên sư tử. Nhưng tất cả vô biên sư tử đó đều nằm gọn trong một sợi lông.
Như thị trùng trùng vô tận, do Thiên đế võng châu là cứ như vậy mà lớp này lớp kia, lớp lớp lặp lại với nhau cho đến vô tận, giống như võng châu của vua Thiên đế.
Danh nhân đà la võng cảnh giới môn: cho nên gọi là nhân đà la võng cảnh giới môn (Indra ‘s net).
Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, mỗi khi lạy Bụt chúng ta phải quán tưởng:
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ
Trong khi chắp tay quán tưởng, chúng ta thấy là: Trong thế giới có không biết bao nhiêu là Đức Thế Tôn, quá khứ, hiện tại và vị lai, đầy dẫy cả vũ trụ. Ta quán tưởng ở đâu có Bụt là có ta. Nếu Đức Thế Tôn là vô lượng vô biên thì ta cũng vô lượng vô biên:
Trong hạt bụi có vô số Bụt
Mỗi vị an trú chúng hội mình
Bụt không phải là một, Bụt là vô lượng, Bụt có mặt khắp nơi, không biết có bao nhiêu là Bụt, hằng hà sa số. Con cũng vậy, con cũng vô lượng, con không thua gì Bụt hết. Ở đâu có Bụt là có con, con là Bụt. Bụt ở trong con, con ở trong Bụt. Thấy được như vậy, ta lạy xuống thì mới hay. Còn mình thấy mình chỉ toàn là khổ đau, Bụt toàn là hạnh phúc. Khổ đau chạy đi kiếm chác một chút hạnh phúc, đó không phải là sự thực tập của chúng ta. Cái lạy không phải là sự tín mộ, cầu xin mà là một sự quán chiếu (meditation).
Cánh cửa này là cánh cửa biểu tượng (métaphore, simulation).
Thác Sự Hiển Pháp Sinh Giải Môn
Bát, thuyết thử sư tử dĩ biểu vô minh, ngữ kỳ kim thể cụ chương chân tính. Lý sự hợp luận, huống A lại gia linh sinh chính giải, danh Thác Sự Hiển Pháp Sinh Giải Môn.
Cánh cửa thứ tám: Thác Sự Hiển Pháp Sinh Giải Môn
Đề cập tới sư tử là đề cập tới vô minh, còn đề cập tới thể tính của vàng là để đề cập tới chân tính một cách rõ ràng. Lý và sự đem hợp chung với nhau để bàn luận cũng như nói về thức A lại gia để giúp phát sinh kiến giải chân chính. Cái này gọi là Thác Sự Hiển Pháp Sinh Giải Môn.
Thác là vay mượn, sự là cái gì đó, thác sự là vay mượn một cái gì đó. Hiển pháp là làm sáng tỏ bản chất các pháp, sinh giải là giúp cho người ta hiểu được. Thác sự hiển pháp sinh giải có nghĩa là mượn một sự việc hay một hiện tượng nào đó để làm sáng tỏ bản chất của các pháp, để giúp người ta hiểu rõ hơn tự tánh của các pháp.
Khi đi dạy, có lúc tôi dùng hộp quẹt và que diêm. Ngọn lửa phát hiện từ hộp quẹt và que diêm là một thác sự. Tôi mượn hộp quẹt, que diêm và ngọn lửa để làm sáng tỏ bản chất vô sinh bất diệt, phi khứ phi lai của vạn sự; có lúc tôi dùng tờ giấy, nhìn vào tờ giấy thì thấy được đám mây, mưa, rừng cây. Tờ giấy đó là thác sự. Thác sự tức là mượn một sự vật. Giúp cho người phát sinh ra sự hiểu biết của họ về các pháp do sự khéo léo sử dụng các hình ảnh gọi là thác sự hiển pháp sinh giải.
Lý và sự đem hợp chung để bàn luận hay nói về thức A lại gia là để giúp làm phát sinh kiến giải chân chính. Ta biết là Hoa Nghiêm Tông được thừa hưởng giáo lý của Duy Thức Tông, giáo lý của Thiên Thai Tông và giáo lý của Tam Luận Tông.
Tam Luận Tông là một tông phái được thành lập trên ba bộ luận: Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Ba bộ luận này là để làm sáng tỏ giáo lý không. Nền tảng của Tam Luận Tông là các Kinh Bát Nhã.
Có một nền văn học đạo Bụt được gọi là nền Văn Học Bát Nhã, chuyên giải về không (Emptiness). Không đây là bản thể của vạn pháp chứ không phải là “cái không “ đối chọi với “cái có”. Chúng ta có Pháp Tướng Duy Thức Tông nói về tướng trạng của các pháp.
Nếu so sánh, ta có thể nói Tam Luận Tông nói về lý, tức là cái thể của thực tại, và Pháp Tướng Tông nói về phương diện hiện tượng. Nếu Duy Thức được gọi là Pháp Tướng thì Tam Luận được gọi là Pháp Tánh. Một bên nghiên cứu về bản thể còn một bên nghiên cứu về hiện tượng. Nghiên cứu thực tại về phương diện bản thể thì gọi là pháp tánh hay là lý. Nghiên cứu thực tại về phương diện hiện tượng thì gọi là pháp tướng hay là sự.
Thầy Huyền Trang đi Ấn Độ và tại học viện Na Lan Đà thầy đã học về Pháp Tướng Duy Thức rất nhiều. Thầy được trực tiếp học với một trong mười vị đại luận sư của Duy Thức là thầy Giới Hiền. Thầy Giới Hiền lúc đó đã gần 100 tuổi và làm viện trưởng trường đại học Na Lan Đà. Khi về nước, thầy Huyền Trang tom góp lại những tư liệu đã học làm thành một tác phẩm gọi là Thành Duy Thức Luận. Thầy có một đệ tử rất giỏi là thầy Khuy Cơ. Chính thầy Khuy Cơ đứng ra chủ trương thành lập một tông phái gọi là Pháp Tướng Duy Thức Tông. Thầy Khuy Cơ (632-682) cùng đồng thời với thầy Pháp Tạng.
Cố nhiên thầy Pháp Tạng chịu ảnh hưởng của giáo lý Pháp Tướng Tông trong đoạn nói về A lại gia thức, đồng thời thầy cũng thừa hưởng được nhiều của Tông Thiên Thai.
Tông này được thành lập trên một ngọn núi tên Thiên Thai. Tông Thiên Thai cũng dựa trên giáo lý của Tam Luận Tông, phát triển và đưa ra những giáo lý rất đặc thù, trong đó có ba phép quán (Tam quán): Không, Giả và Trung. Tông Thiên Thai có đề cập tới bản thể học nhưng khi nói tới hai phép quán Giả và Trung thì cũng có đề cập tới hiện tượng.
Đứng về phương diện triết học có thể nói Tam Luận Tông đi về bản thể (ontologie), Pháp Tướng Tông đi về hiện tượng (phénoménologie).
Hiện giờ có một trường phái triết học gọi là Hiện Tượng Luận (Phénoménologie) do triết gia Husserl chủ trương. Ông chủ trương đừng nên chìm đắm hay tự đánh mất mình trong bản thể học. Hiện tượng phát sinh ra trong tâm của ta như thế nào thì ta nghiên cứu cái đó, đừng nên đi xa quá, đừng tự đánh mất mình trong những suy tưởng siêu hình. Duy Thức Tông thuộc về Hiện Tượng Luận.
Thiên Thai Tông nói về tánh nhưng cũng có nói về tướng. Có thể nói Thiên Thai Tông ôm lấy cả tánh lẫn tướng. Vạn vật có đó nhưng có một cách hư giả. Bản chất của nó là không. Khi nhìn vào hiện tượng mà thấy được bản chất không của nó thì mình vượt thoát tất cả các cặp đối nghịch như sinh-diệt, một-nhiều, tới-đi, còn-mất. Có ba phép quán: Không, Giả và Trung. Không không phải là bước thứ nhất, Giả không phải là bước thứ hai, Trung không phải là bước thứ ba. Quán Không thì thấy Giả, Trung. Quán Giả thì thấy Không, Trung. Quán Trung thì thấy Không, Giả. Một cái bao hàm ba cái, không có cái nào thấp hơn cái nào cả. Ba cái đều tương tức gọi là Tam quán viên dung.
Khi học Hoa Nghiêm Tông mình thấy phản chiếu trong đó giáo lý của Thiên Thai, của PhápTướng và của Tam Luận. Có thể nói Hoa Nghiêm Tông thừa hưởng những giáo lý này và đã đưa những giáo lý này đến mức toàn mỹ.
Vào thời đó có phong trào nghiên cứu thực thể trên căn bản duyên khởi. Có một tác phẩm nổi danh tên là Đại Thừa Khởi Tín Luận, có nghĩa là giáo lý đại thừa có khả năng làm phát khởi lòng tin cho con người. Đại Thừa Khởi Tín Luận chủ trương rằng, vạn sự vật là do tâm của chúng sanh. Tâm của chúng sanh có thể được nhìn qua hai mặt, mặt chân như (suchness) và mặt sinh diệt của nó. Quán chiếu về thực tại như một biểu hiện của tâm thì ta thấy hai mặt: một là chân như của tâm và hai là sinh diệt của tâm. Chân như của tâm là đứng về phương diện tánh, còn sinh diệt của tâm là đứng về phương diện tướng.
Khi Pháp Tướng Tông đưa ra A lại gia thức thì A lại gia là sự nối kết giữa chân như và sinh diệt. Khi nói tới chân như (tánh), người ta nói chân như chỉ là chân như mà thôi, và khi nói tới sinh diệt (tướng) thì sinh diệt chỉ là sinh diệt. Nhưng khi nói tới A lại gia thì nó ôm cả tánh lẫn tướng, cả chân như lẫn sinh diệt. Chân như và sinh diệt hòa hợp với nhau trong A lại gia thức. Nếu tiếp xúc với A lại gia thức thì chúng ta tiếp xúc được với sinh diệt, và nếu tiếp xúc cho sâu sắc thì đồng thời chúng ta cũng tiếp xúc được với chân như. Trong A lại gia thức có đầy đủ tất cả. Đó là giáo lý của Đại Thừa Khởi Tín. Giáo lý đó cũng được phản chiếu trong Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương: Đề cập tới sư tử là đề cập tới sinh diệt, còn đề cập tới thể tính của vàng là đề cập tới chân như; lý và sự được đem ra để bàn chung.
Trước đó, người ta bàn về lý và sự riêng ra. Đó gọi là nguyên tắc tánh tướng biệt quán, tức là tánh (bản thể) và tướng (hiện tượng) phải được nghiên cứu riêng (the separated investigation of the numena and the phenumena).
Trong ví dụ sóng và nước, chúng ta thấy liên hệ giữa sóng và sóng, và liên hệ giữa sóng và nước khác nhau. Cũng như khi nói tới Thượng đế và con người. Con người là do cha mẹ, thức ăn sinh ra, đó là đứng trên phương diện tướng hay hiện tượng mà nói. Còn nói con người là do Thượng đế sinh ra là chuyện khác. Đem Thượng đế xuống ngang hàng với con người, coi Thượng đế như là một trong những hiện tượng thì sai. Các sóng xô nhau, làm ra nhau. Bây giờ đem nước tới ngang hàng với sóng thì không được, sóng là sóng, nước là nước. Nghiên cứu về sóng thì chỉ nghiên cứu sóng thôi còn nghiên cứu về nước thì chỉ nghiên cứu nước thôi. Lôi nước xuống ngang hàng với sóng, lôi Thượng đế xuống thành một ông cha sinh ra một đứa con như mình sinh ra con của mình thì không được. Nước sinh ra sóng khác với sóng sinh ra sóng.
Trong kinh thánh Cơ đốc giáo có nói: Kitô là con của Thượng đế (the son of God) nhưng Kitô cũng là con của con người (the son of man). Khi nói về Thượng đế và về con người thì phải đứng ra hai mặt khác nhau, không thể đem Thượng đế đặt ngang hàng với con người. Thượng đế sinh ra con người không giống như con người sinh ra con người.
Thật ra các sóng xô đẩy, sinh ra nhau, nước chỉ đóng vai trò gọi là vô lực. Thượng đế chỉ cho phép con người sinh ra thôi, Thượng đế không làm gì hết. Đó là tánh tướng biệt quán.
Thiên Thai Tông nói, tại sao không nghiên cứu chung vì vậy đã đưa ra A lại gia thức. A lại gia thức ôm cả tánh lẫn tướng, vừa ôm chân như, vừa ôm sinh diệt. Chân như là sinh diệt, sinh diệt là chân như, tại sao lại tách rời hai cái ra? Đó gọi là tánh tướng đồng quán.
Chân như và sinh diệt hòa hợp với nhau, bản thể và hiện tượng hòa hợp với nhau, A lại gia thức làm phát sinh kiến giải chân chính. Cái đó gọi là Thác Sự hiển Pháp Sinh Giải Môn.
Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn
Cửu, sư tử hữu vi chi pháp, niệm niệm sinh diệt. Sát na chi gian, phân vi tam tế vị quá khứ, hiện tại, vị lai. Thử tam tế các hữu quá hiện vị lai. Tổng hữu tam tam chi vị, dĩ lập cửu thế, tức thúc vi nhất đoàn pháp môn. Tuy tắc cửu thế các các hữu cách tướng, do thành lập dung thông vô ngại, đồng vi nhất niệm danh Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn.
Cánh cửa thứ chín: Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn
Sư tử là pháp hữu vi, sinh diệt trong từng phút giây. Trong mỗi sát na có chia thành ba thời, quá khứ, hiện tại và vị lai và mỗi thời đều chứa đựng quá khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả đều có ba lần ba làm vị trí, do đó lập thành chín thời. Chín thời này gom lại thành một pháp môn (cửa ngõ của pháp) duy nhất. Tuy là chín thời nhưng mỗi thời đều có tướng cách biệt. Vì tất cả đều được thành lập một cách dung thông vô ngại nên tất cả đều có mặt chung trong một niệm (khoảnh khắc thời gian). Cái này gọi là Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn.
Trong đoạn này sư tử được ví dụ là một pháp hữu vi. Sư tử là hữu vi thì cái gì là vô vi? Vô vi tức là vàng. Nếu sư tử đại diện cho hữu vi thì vàng đại diện cho vô vi. Trong khi hữu vi có sinh, có diệt, có biến đổi trong từng sát na thì vô vi lại không sinh không diệt, không biến đổi trong từng sát na.
Trong tương lai, chúng ta sẽ học về pháp vô vi trong các bộ phái của Phật giáo. Có những tông phái chủ trương các pháp đều là hữu vi, chỉ có một pháp vô vi thôi, đó là Niết Bàn. Có những tông phái thì chủ trương có ba thứ vô vi, sáu thứ vô vi hay chín thứ vô vi.
Hữu vi là do các điều kiện nhân duyên tập hợp mà thành, mà hoại. Vô vi là không do những điều kiện tập họp mà thành, nó không bị biến hoại, thay đổi hay biến chuyển trong từng sát na.
Trong ví dụ sư tử vàng, sư tử tượng trưng cho hữu vi và vàng tượng trưng cho vô vi. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng một ví dụ chỉ là ví dụ thôi. Nếu chúng ta bị kẹt vào ví dụ thì chúng ta sẽ đi lạc. Vàng làm ra tướng sư tử, và khi tướng sư tử mất thì vàng có thể làm ra những hình tướng khác như bông tai vàng, vòng vàng hay kiềng vàng. Những đồ trang sức đó tuy có thay đổi hình thái có diệt, có có, có không, có còn, có mất nhưng vàng thì vẫn y là vàng, không thay đổi, không có không, không còn mất. Vì vậy vàng tượng trưng cho vô vi, không sinh không diệt. Còn sư tử và những đồ vật làm bằng vàng thì tượng trưng cho hữu vi, có sinh, có diệt, có có, có không.
Nhưng có nguy hiểm là chúng ta có thể bỏ sư tử để đi tìm vàng. Chúng ta bỏ thế giới hiện tượng để đi tìm thế giới bản thể. Chúng ta bỏ thế giới của tướng để đi tìm thế giới của tánh như là một cái gì chắc thật. Nguy hiểm nằm ở chỗ đó! Vì vậy phải nhắc đi nhắc lại là ngoài con sư tử thì đi tìm vàng không bao giờ có. Vàng không thể nào có ngoài sư tử vàng. Ngoài các pháp hữu vi, không thể tìm được vô vi pháp!
Khi một đệ tử tới hỏi một vị thiền sư : “Bạch thầy! Mình đi tìm cái bất sinh bất diệt ở đâu?” thì thiền sư nói: “Tìm ở trong cái sinh diệt đó!“ Rất là hay! Tìm cái bất sinh bất diệt ở đâu? Tìm ngay trong cái sinh diệt. Ngoài cái sinh diệt đừng mong tìm ra cái bất sinh bất diệt.
Một người Phật tử cũng có thể nói như vậy khi nói tới Thượng đế là tạo hóa, và loài người, núi sông, cây cỏ là tạo vật. Đi tìm Thượng đế ở đâu? Phải tìm ngay ở tạo vật. Ngoài tạo vật không thể tìm ra được Thượng đế. Cũng như đi tìm nước ở đâu? Phải tìm ngay nơi sóng. Vứt hết sóng đi thì làm gì có nước nữa? Nếu muốn tìm Thượng đế thì phải tìm ở ngay con người (thế giới tạo sinh). Chúng ta có danh từ creature (créature). Créature là vật tạo sinh, là thế giới tạo sinh, còn créateur là tạo hóa. Theo nguyên tắc tánh-tướng hay sư tử-vàng, chúng ta đi tìm vàng ngoài sư tử vàng không được. Đi tìm tạo hóa (créateur) ngoài tạo vật (créature) là không được. Theo nguyên tắc của đạo Bụt là như vậy. Tìm Bụt ở đâu? Tìm ngay trong chúng sinh. Tìm Thượng đế ở đâu? Tìm ngay nơi con người. Tìm cha ở đâu? Tìm ngay nơi con. Tìm chúa cha ở đâu? Tìm ngay nơi chúa con. Chúa con tuy là con của chúa cha nhưng cũng là con của con người (the son of god and the son of man).
Chỗ nguy hiểm là chúng ta nói rằng: Thế giới hiện tượng này, nó phù hoa, nó ảo mộng, nó sinh diệt, chúng ta nên chán, nên tìm thế giới của bản thể thường hằng, bất biến, nên tìm Niết Bàn. Nghĩ như vậy rất nguy hiểm, vì ngoài thế giới sinh diệt, biến ảo thì đừng hòng tìm được thế giới của vô vi, của bất diệt.
Cũng như Làng Mai chúng ta hay nói tới đám mây. Nhìn vào đám mây, ta thấy hầu như là có sinh có diệt. Nhưng ta cũng đã bao nhiêu lần quán chiếu thấy đám mây là không sinh không diệt. Vì vậy ta phải tìm cái không sinh không diệt ngay chỗ sinh diệt. Chúng ta bỏ những cái gọi là vô thường, sinh diệt để tìm những cái thường, không sinh không diệt, việc làm đó là nguy hiểm nhất.
Nói đến tánh là một cái gì chân thật, còn mãi, còn hoài, thì không có đâu! Nó là vô tánh. Nói tánh là chỉ để nói mà thôi. Nếu mình chấp vào tánh là một cái gì thường hằng, bất biến ngoài những cái sinh diệt, biến hóa thì còn tệ hơn là tin vào những hiện tượng là thường hằng, bất biến.
Khi chúng ta học ba tự tánh là biến kế chấp, y tha khởi và viên thành thật thì lập tức phải học ba vô tự tánh để ngăn ngừa, để khỏi kẹt vào một tự tánh chắc thật có ngoài sinh diệt.
Sư tử là pháp hữu vi, sinh diệt trong từng phút giây. Trong mỗi sát na có chia làm ba thời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Cánh cửa thứ chín này nói về sự tương tức giữa ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Tương tức giữa ba thời là cái nhìn sâu sắc hơn.
Khi các bạn mới tới Làng Mai thì nghe nói: “Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, hai cái đó chỉ là ảo mộng thôi, chỉ có hiện tại là có thật”. Đó là cách nói để tiếp độ cho những người mới tới. Nếu ta bị kẹt vào đó như một giáo điều thì ta cũng hỏng. Nói Làng Mai chủ trương, chỉ có hiện tại là có thật còn quá khứ và vị lai thì không có, là oan cho Làng Mai. Làng Mai cũng biết rằng, hiện tại ôm lấy quá khứ và tương lai.
Hôm nay chúng ta thực tập địa xúc ở xóm Thượng. Chúng ta nói rằng: “Con lạy xuống, con tiếp xúc được với tổ tiên đang có mặt trong con và con tiếp xúc được với con cháu tuy là chưa biểu hiện nhưng đã có mặt trong con rồi”. Trong hiện tại ta tiếp xúc được với quá khứ và vị lai.
Trong mấy mươi tông phái của thời kỳ đạo Bụt Bộ phái, có tông phái chủ trương: Chỉ có hiện tại, không có quá khứ và tương lai, và hiện tại thì sinh diệt từng sát na. Nhưng có tông phái nói: Có hiện tại, nhưng quá khứ cũng có và tương lai cũng có. Phái Hữu Bộ nói: Tam thế hằng hữu. Nghĩa là ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai luôn luôn có đó, không mất đi đâu hết.
Vấn đề thời gian là một vấn đề lớn, cho nên các tông phái, các bộ phái đạo Bụt đều đề cập tới.
Cánh cửa thứ chín này cho chúng ta thấy giáo lý tương tức giữa ba đời rất rõ. Nhìn vào các pháp thì thấy thời gian trong đó. Nhìn vào không gian thì thấy thời gian trong đó. Thời gian ôm không gian và không gian ôm thời gian. Có sự tương tức giữa không và thời. Nói thời gian mà không nói các pháp thì làm sao nắm được thời gian? Chính khi nhìn các pháp mới thấy được thời gian. Nói về thời gian là nói về không gian và các pháp. Nói về thời gian là nói về ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Mỗi thời trong ba thời đều có cả ba thời. Đây là hiện tại, trong hiện tại có quá khứ, hiện tại và vị lai; đây là quá khứ, trong đó có quá khứ, hiện tại và vị lai; đây là vị lai, trong đó có vị lai, quá khứ và hiện tại. Nhìn vào ba thời, theo lý tương tức, chúng ta thấy có chín thời. Chín thời đó, tuy chia ra như vậy nhưng nhìn kỹ thì nó tương tức nên có thời tổng hợp thứ mười, gọi là thập thế (mười thời). Nhìn một pháp qua mười thời thì mới thấy được pháp đó.
Thập thế cách pháp dị thành môn có nghĩa là các pháp khác nhau (dị) được thành lập (thành) riêng biệt khác nhau (cách) nhưng nó chia sẻ chung cả mười thời (All things variously arise through the oneness of the ten times). Đó là ý niệm tương tức giữa thời gian và các pháp. Thời gian làm gì có nếu không có các pháp? Chính là nhờ có các pháp và nhìn vào các pháp mà ta thấy được thời gian và tính tương tức của nó.
Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn
Thập, kim dữ sư tử hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc nhất hoặc đa, các vô tự tính, do tâm hồi chuyển. Thuyết sự thuyết lý, hữu thành hữu lập, danh Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn.
Cánh cửa thứ mười: Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn
Vàng và sư tử hoặc ẩn hoặc hiển tùy trường hợp, hoặc một hoặc nhiều, thật ra cả hai đều không có tự tánh, tất cả đều xoay quanh và biến chuyển theo tâm. Dù nói về sự hay về lý (bản thể hay hiện tượng) thì cả hai đều do tâm mà có sự thành lập và có cái vị trí của mình. Cái này gọi là Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn.
Sư tử không có tự tánh mà vàng cũng không có tự tánh. Tướng, tánh là từ tâm chúng ta mà ra. Giống như khi ta chơi nhạc vậy, chơi ra một bản nhạc rồi thôi, bị vướng vào một bản nhạc thì không được.
Đó là một cách nói, chia ra làm tướng, làm tánh, làm vàng, làm sư tử, nhưng tất cả đều do tâm mà hiện ra. Sự thành lập của các pháp trên cơ bản nhân duyên, sự liên hệ giữa tánh và tướng, tất cả thứ đó đều do thi thiết của tâm mà thôi. Rốt cuộc tất cả chỉ là tâm, cái đó gọi là duy tâm hồi chuyển thiện thành môn (The universal accomplishment through the projection of mind only). Sự thành lập khéo léo của các môn đều quay về nhất tâm. Duy tâm tức là tất cả đều từ tâm. Hồi chuyển thiện thành có nghĩa là khéo léo qui về nơi tâm. Tướng-tánh, hiện tượng-bản thể, duyên sinh, tất cả những cái chúng ta đưa ra đều là phương tiện. Tất cả đều từ một tâm mà ra. Cánh cửa thứ mười, sau này thầy Pháp Tạng đổi ra thành:
Chủ Bạn Viên Minh Cụ Đức Môn
Chủ là cái chính, bạn là cái phụ. Tùy theo trường hợp, có lúc cái này làm chủ, cái kia làm bạn, nó thay đổi nhau mà đóng vai trò, không có cái nào quan trọng hơn cái nào. Đức Quan Âm bồ tát đã thành Bụt lâu rồi mà vẫn đóng vai đệ tử. Đức Thích Ca cũng vậy, ngài đã thành Bụt lâu rồi mà cũng có thể đóng vai thính chúng, thanh văn. Chính Đức Quan Âm cũng hóa hiện ra nhiều tướng, khi thì con nít, khi thì người lớn.
Tùy theo trường hợp mà đóng vai trò, lúc nào cần làm con nít thì chúng ta làm con nít, lúc nào cần làm người lớn thì chúng ta làm người lớn. Nếu cần làm sư chị thì ta sợ gì không làm sư chị? Nếu cần làm sư em thì tại sao ta không làm sư em? Miễn là mình làm cho đẹp, cho thành mà thôi. Không có cái nào quan trọng hơn cái nào.
Ở trong một cây lúa, trong một bông hoa cũng vậy. Nó có chủ, có bạn. Cái nào nổi bật hơn, trở thành quan trọng nhất thì nó là chủ. Cái nào núp sau lưng để yểm trợ thì là bạn. Núp sau lưng không có nghĩa là không quan trọng bằng. Khi một cái núp sau lưng biểu hiện ra thì cái hồi nãy hiển hiện làm chủ bây giờ trở thành bạn. Làm vua, làm tôi, làm anh, làm em, làm thầy, làm trò đều là như vậy. Kiếp này ta làm thầy, kiếp sau ta làm trò. Kiếp này ta làm cha, kiếp sau ta làm con. Vấn đề là ta làm được trách vụ của mình cho đẹp thôi. Một cái hiển thì tất cả cái khác ẩn. Ẩn-hiển, chủ-bạn có liên hệ với nhau, chúng ta phải làm cho khéo, phải làm như những nhà nghệ thuật.
Đoàn kịch tại Brusselles đang tập vở “Đường xưa mây trắng”. Họ có đến thăm tôi trong khóa tu vừa rồi. Có một cô rất xinh đóng vai Da du đà la. Cô đó cũng sẽ đóng vai người phụ nữ tới vu oan cho Bụt đã ngủ với cô, làm cho cô mang bầu rồi bỏ cô ta. Cũng cô đó, khi thì đóng vai này, khi thì đóng vai kia, nhưng vai nào cũng là để phụng sự cho vở kịch.
Trong nghệ thuật hát bội, có những qui luật của hát bội: khuôn mặt người đóng vai trung thần thì bôi màu khác, nịnh thần thì bôi màu khác, không được lẫn lộn. Sau khi diễn xong vai người nịnh, rồi làm người trung thì phải bôi màu khác. Ẩn-hiển, chủ-bạn là như vậy.
Bây giờ chúng ta đi tới lục tướng.