Phần dẫn nhập – Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương

 

Phần dẫn nhập

Kim Sư Tử Chương là một tác phẩm rất ngắn của thầy Pháp Tạng nhưng bao hàm được giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm. Trung Quốc có khoảng mười tông phái Phật giáo, trong đó có tông Hoa Nghiêm. Tất cả chúng ta đều phải nên tìm hiểu nội dung của mười tông phái đó. Tông phái Hoa Nghiêm được thành lập dựa trên giáo lý của kinh Hoa Nghiêm, một kinh Đại Thừa và tông này đã xiển dương giáo lý duyên khởi tới mức tròn đầy.

Thầy Pháp Tạng là tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm, Pháp Tạng có nghĩa là kho tàng của chánh pháp. Tổ thứ hai là thầy Trí Nghiễm. Trên thầy Trí Nghiễm là thầy Đỗ Thuận, sơ tổ của tông Hoa Nghiêm. Sau tổ Pháp Tạng có tổ Trừng Quán và sau tổ Trừng Quán có tổ Tông Mật. Đó là năm vị tổ của tông Hoa Nghiêm gọi là Hoa Nghiêm Ngũ Tổ. Tông Hoa Nghiêm thừa hưởng nhiều giáo lý của các ngài Mã Minh và Long Thọ nên có khi người ta nhận hai ngài này là hai vị tổ đầu tiên, trước thầy Đỗ Thuận. Nhưng kỳ thật tông Hoa Nghiêm chỉ có năm vị tổ.

Các thầy ngày xưa rất giỏi. Thầy Nghĩa Tịnh đi Ấn Độ về và được vua Đường khuyến khích lập một trung tâm dịch thuật kinh điển từ tiếng Phạn ra chữ Hán. Thầy Huyền Trang cũng vậy. Sau chuyến đi Ấn Độ về hai thầy đều có viết hồi ký và đã thành lập những trung tâm dịch thuật để dịch kinh từ tiếng Phạn sang chữ Hán. Thầy Pháp Tạng có tham gia vào trung tâm dịch thuật của thầy Nghĩa Tịnh. Thầy Pháp Tạng đã dịch rất nhiều kinh ra chữ Hán như kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Già và hàng chục bộ kinh khác.

Thầy Pháp Tạng cũng là người gốc Khương Cư (Sogdian) như thầy Tăng Hội. Cha ông từ nước Khương Cư di cư qua Trung Quốc. Có thể gọi thầy là Khương Pháp Tạng như ta gọi thầy Tăng Hội là Khương Tăng Hội vậy. Thầy biết tiếng Tây Tạng, tiếng Phạn và các thứ tiếng khác. Thầy rất thông minh.

Thầy Pháp Tạng sinh năm 643 và tịch năm 712. Thầy sống đến 70 tuổi. Thầy nhỏ hơn thầy Huyền Trang 41 tuổi. Thầy Huyền Trang sinh năm 602 và tịch năm 664. Năm thầy Huyền Trang tịch thầy Pháp Tạng mới có 21 tuổi, lúc đó thầy chưa đi xuất gia nhưng đã theo học với thầy Trí Nghiễm. Tới năm 28 tuổi, có lẽ không có duyên được trực tiếp làm đệ tử thầy Trí Nghiễm nên khi xuất gia thì thầy Pháp Tạng làm đệ tử thầy Bạt Trần.

Tuy là tổ thứ ba nhưng phải nói là thầy Pháp Tạng có công nhiều nhất trong sự nghiệp thành lập Tông Hoa Nghiêm. Thầy đã hệ thống hóa giáo lý Hoa Nghiêm một cách rất thông minh. Thầy đã giảng kinh Hoa Nghiêm tới ba mươi lần.

Một hôm hoàng hậu Võ Tắc Thiên mời thầy vào cung, bà rất thích nghe thầy thuyết pháp. Hôm đó thầy giảng về kinh Hoa Nghiêm. Thấy trong cung có một con sư tử bằng vàng, thầy cầm lên và lấy nó làm ví dụ để giảng về giáo lý Hoa Nghiêm cho hoàng hậu nghe. Sau buổi giảng thầy về chùa và ghi chép lại những điều mình đã giảng. Và đó là tác phẩm mà mình sẽ học hôm nay: Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương.

 

Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chuơng
Kinh Đại Tiến Phúc tự, sa môn Pháp Tạng thuật

Kinh ở đây là kinh đô Trường An đời Đường. Đại Tiến Phúc tự là nơi cư trú của thầy Pháp Tạng và thầy cũng đã tịch tại đây. Sa môn là tiếng gọi những vị tu sĩ. Ngày xưa người ta gọi Đức Thích Ca là sa môn Gautama. Sa môn, tiếng Phạn là sramana, có nghĩa là bần tăng, một ông thầy tu khiêm nhường.

Thuật có nghĩa là kể lại. Thuật là một chữ rất là khiêm nhường. Thuật khác với tác. Tác có nghĩa là sáng tác. Người xưa rất là khiêm nhường, sự khiêm nhường đó được diễn tả bằng câu: thuật nhi bất tác. Câu đó có nghĩa là thầy đã sáng tác rất nhiều nhưng thầy chỉ nói đây là ý của Bụt, của tổ, của thầy mình, còn thầy chỉ lặp lại chứ không tự làm ra. Đó là tính khiêm nhường của những nhà trí thức ngày xưa. Tác giả là người tạo ra, còn thuật giả là người kể lại. Thầy Pháp Tạng đã dùng câu sa môn Pháp Tạng thuật, chữ sa môn là một danh từ khiêm nhường mà chữ thuật cũng là danh từ khiêm nhường. Khi nghe người nào nói giọng khiêm nhường thì ta biết người đó giỏi. Còn khi nghe người nào nói kiểu ba hoa ta biết người đó chưa giỏi. Ba hoa là khoe khoang.

Trong Đại Tạng Hán có hai nhà chú giải, một trong hai vị đó là Vân Gian (có nghĩa là trong mây). Bản chú giải của thầy Vân Gian mang số 1180 trong Đại Tạng. Ở đây chúng ta không sử dụng bản chú giải của hai thầy đi trước. Chúng ta đi trực tiếp vào nguyên văn.