Tài liệu tham khảo

THIẾT KẾ MỘT BUỔI SINH HOẠT CHÁNH NIỆM

Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể tìm được những cách bắt đầu và kết thúc mỗi buổi sinh hoạt mà các em sẽ nhớ và thích. Ý thức đến hơi thở trong khi nghe chuông là một bài tập hay. Nhắc các em rằng các em lúc nào cũng có thể tự mình trở về với hơi thở mỗi khi cần sự chú tâm. Khi các em đã biết cách thỉnh chuông, cho các em bắt đầu và kết thúc các sinh hoạt sau đây bằng tiếng chuông. Sau đây là các bài dạy mẫu kéo dài 45 phút – 1 giờ cho các em từ 6 đến 12 tuổi:

Bài một: Thở theo tiếng chuông để lắng dịu thân tâm

DỤNG CỤ: Chuông, bình thủy tinh, nước, cát màu.

  1. Giới thiệu ý nghĩa của tiếng chuông và đếm hơi thở theo tiếng chuông 10 phút (chương 4)
  2. Học cách thỉnh chuông 10 phút (chương 4)
  3. Chiếc lọ tâm trí 20 phút (chương 1)

BÀI TẬP VỀ NHÀ: Đề nghị các em chọn một âm thanh hay một vật bất kỳ làm tiếng chuông chánh niệm để các em thực tập cho đến giờ học tiếp theo. Khi các em tiếp xúc với âm thanh hay vật đó, các em dừng lại mọi hoạt động để trở về với hơi thở. Các em cũng có thể chọn một hành động mà các em làm trong suốt ngày hôm đó để lưu tâm đến (coi đó như là tiếng chuông chánh niệm), ví dụ như khi đeo ba lô lên lưng, mở một quyển sách, uống nước, đi vệ sinh. Khi làm những điều này thì trở về với hơi thở. Trong giờ học kế tiếp, các em có thể chia sẻ cho nhau biết mình đã thực tập chánh niệm như thế nào với tiếng chuông tự chọn này.

Bài hai: Tươi mát, vững vàng, tĩnh lặng, thênh thang

DỤNG CỤ: Chuẩn bị một tờ giấy thực hành thiền sỏi cho mỗi em (hoặc cho mỗi em một tờ giấy trắng để các em tự làm) – chương 5.

  1. Dạy các em hát bài Thở vào, thở ra 5 phút
  2. Thiền Sỏi (chương 5), bao gồm thời gian chia sẻ và chiêm nghiệm sau khi thực tập: 15 phút
  3. Điền và vẽ vào tờ giấy thực hành thiền sỏi (chương 5): 15 phút

BÀI TẬP VỀ NHÀ: Tìm một không gian trong nhà, nơi em có thể ngồi yên. Đặt những viên sỏi của em ở đó. Em có thể trang trí thêm để làm cho không gian đặc biệt dùng để tập thở này đẹp và gây cảm hứng cho em. Chia sẻ với mọi người về không gian này trong lần gặp tới.

Bài ba: Tương tức

DỤNG CỤ: Một hạt nho khô cho mỗi em, giấy, các dụng cụ cần thiết để vẽ.

  1. Thiền nho 10 phút (chương 7) hoặc Sự mãn nguyện 10 phút (chương 9)
  2. Vẽ sự Tương tức (chương 7) 20 phút
  3. Chơi trò chơi “Nút thắt tình bạn” (Human Knot)[1] 10 phút

BÀI TẬP VỀ NHÀ: Chuẩn bị một món ăn nhẹ tại nhà cho gia đình. Cùng nhau thảo luận về sự tương tức của món ăn này với tất cả mọi thứ khác.

Bài bốn: Hiểu và thương

DỤNG CỤ: Một bản Tờ thực hành Hai lời hứa cho mỗi em (chương 7).

  1. Bài hát Hai lời hứa 5 phút
  2. Chia sẻ với các em về Hai lới hứa (chương 7) 10 phút
  3. Tờ thực hành Hai lời hứa (xem trang 190, chương 7) 10 phút
  4. Xá chào nhau (chương 4) 5 phút

BÀI TẬP VỀ NHÀ: Học bài hát Hai lời hứa. Từng cá nhân hoặc từng nhóm tự sáng tác điệu múa cho bài hát Hai lời hứa. Dạy cho mọi người trong lớp múa bài này trong lần gặp tới. Hoặc thực tập hiểu và thương với người khác rồi chia sẻ về trải nghiệm đó trong buổi học tới.

Bài năm: Địa xúc
  1. Kể câu chuyện về Bụt và Ma vương (chương 6) 10 phút
  2. Thực tập Thiền lạy (chương 6) 10 phút
  3. Mình được làm bằng gì? (chương 6) 30 phút

BÀI TẬP VỀ NHÀ: Dành thời gian ngoài thiên nhiên (ở công viên, ngoài vườn, gần một gốc cây hay một loài thực vật). Nhìn sâu xem chúng ta liên hệ như thế nào với khía cạnh này của thiên nhiên (công viên, vườn,…). Thực tập “Xin phép thiên nhiên” (chương 8).

Thời khóa mẫu cho một buổi sinh hoạt với thiếu niên (Teens)

Các vị xuất gia Làng Mai đã được mời đến hướng dẫn một buổi sáng chánh niệm tại một trường trung học ở Waldbrol, Đức. Sau đây là chương trình sinh hoạt của buổi sáng đó:

  1. Hướng dẫn các em thực tập hơi thở ý thức (Ý thức chiều dài của hơi thở vào – hơi thở ra, chương 4) 5 phút
  2. Giới thiệu, chia sẻ về mục đích của buổi sinh hoạt 20 phút
  3. Chia sẻ về lợi ích của chánh niệm và cách áp dụng chánh niệm trong đời sống 20 phút
  4. Thực tập các động tác chánh niệm 10 phút[2]
  5. Thiền buông thư (chương 5) 30 phút (Có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ vắn tắt các em có thể làm gì khi bị căng thẳng)
  6. Thiền trà và cam (tương tự như thiền nho, chương 7) 30 phút
  7. Giải lao 20 phút
  8. Dạy phương pháp Lắng nghe sâu và Ái ngữ 10 phút
  9. Thực tập lắng nghe sâu theo từng cặp (chương 10) 30 phút
  10. Kết thúc: mời các em chia sẻ điều các em thích, không thích, điều các em học được 30 phút
Chương trình mẫu cho một ngày quán niệm dành cho gia đình

Bạn có thể tổ chức ngày quán niệm dành cho gia đình để cha mẹ và các con có mặt cho nhau trọn một ngày. Chương trình sau đây đã khá thành công:

9:30 Giới thiệu tổng quát cho ngày quán niệm

10:00 Chia mọi người vào 5 nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 10 người trong đó có cả người lớn và trẻ em. Mỗi nhóm đến một địa điểm khác nhau để thực tập hoặc Thiền Sỏi (chương 5), cùng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật tập thể hoặc một mạn đà la dùng vật liệu từ thiên nhiên (chương 8), chơi một trò chơi tập thể (chọn trò chơi mà bạn thích từ chương 8), làm một món ăn vặt để sau đó cùng thưởng thức (chương 7), hoặc làm một vở kịch về giải quyết mâu thuẫn trong đời sống gia đình (chương 10). Mỗi 30 phút, các nhóm sẽ đổi phiên cho nhau để tất cả các nhóm đều có cơ hội tham gia đầy đủ 5 hoạt động. Những người đã chuẩn bị các hoạt động/trò chơi, đồng thời cũng là những người điều phối chương trình nên có mặt tại địa điểm do mình phụ trách để hướng dẫn từng nhóm mới tới. (Bạn có thể tùy nghi thêm hoặc bớt số hoạt động và nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế)

12:30 Ăn trưa

14:00 Thiền buông thư cho trẻ em (chương 5) do các em hướng dẫn, tiếp theo là thiền lạy dành cho trẻ em (chương 6). (Cũng có thể do các em xướng đọc).

15:00 Thực tập Làm mới giữa cha mẹ và con cái (chương 3). (Các em không cần phải làm thiệp. Các em chỉ cần nói lên lòng biết ơn đối với cha mẹ là đủ. Phụ huynh chuẩn bị một món quà từ thiên nhiên cho con của mình).

16:00 Chia tay


[1] Dành cho nhóm từ 8-20 người. Nếu đông hơn thì chia thành nhiều nhóm nhỏ. Cho các em đứng thành một vòng tròn, vai liền vai. Hướng dẫn các em đưa tay phải ra và nắm lấy một bàn tay bất kỳ hướng về phía mình. Tay trái cũng đưa ra và với lấy một bàn tay bất kỳ hướng về phía người khác. Trong một khoảng thời gian nhất định, cả nhóm phải tìm cách mở nút rối của những cái nắm tay thành một vòng tròn lớn mà không phải thả tay ra. Nhóm nào gỡ rối nhanh nhất sẽ chiến thắng.

[2] Xem trên trang nhà Làng Mai: https://langmai.org/thien-duong/tt-can-ban-lang-mai/muoi-dong-tac-chanh-niem/