Lớp học yêu thương và chăm sóc những khó khăn
MỘT HÔM, BỤT vào rừng thiền hành, trên đường về Người nhặt một nắm lá simsapa. Tại cửa rừng, Người gặp một nhóm các vị khất sĩ. Người mỉm cười và đưa nắm lá simsapa lên hỏi: “Các vị khất sĩ! Lá trong tay tôi nhiều hay lá trong rừng nhiều?” Các vị khất sĩ trả lời, “Lá trong tay Bụt thì ít mà lá trong rừng thì nhiều”.
Bụt nói: “Cũng như thế đó, các vị khất sĩ! Những điều tôi biết do sự thực chứng thì nhiều, nhưng những điều tôi đem ra dạy quý vị thì ít. Tại sao thế? Tôi chỉ muốn trình bày cho quý vị những gì thật sự có ích lợi cho công trình tu tập của quý vị mà thôi”.
Tương tự như vậy, trước tiên chúng ta nên dạy những gì có thể đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của các em học sinh và nếu có thời gian, thì dạy thêm những kiến thức khác. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo và Bộ Giáo dục xem xét lại vấn đề này. Quý vị nên biết rằng giáo viên bị áp lực thời gian vì chương trình dạy quá nặng. Khi học sinh có nhiều đau khổ vì bạo lực, tuyệt vọng, giận dữ và thiếu tình thương thì các em không thể học tập tốt được. Đây là một vấn đề nền tảng mà các nhà giáo dục cần giải quyết.
Tất cả chúng ta ai cũng có những nhu yếu sâu sắc của mình. Mà nhu yếu sâu sắc nhất là thương yêu và được thương yêu. Chúng ta phải tìm cách chạm vào những hạt giống thương yêu của học sinh. Thương yêu là một nghệ thuật. Nếu nhà giáo dục biết cách thương yêu thì người đó sẽ có khả năng dạy cho học sinh của mình biết cách thương và cách tiếp nhận tình thương.
Nhu yếu sâu sắc thứ hai là nhu yếu hiểu. Khi ta tò mò muốn tìm hiểu thì ta sẽ thích học hỏi. Vì vậy, nếu ta có thể khơi dậy hạt giống tò mò muốn tìm hiểu trong học sinh, thì các em sẽ ham học. Khi đó ta không cần ép các em mà việc dạy và học sẽ trở thành một niềm vui.
Tôi luôn luôn cảm thấy vui sướng mỗi khi bước vào lớp học. Nhìn các em tôi thấy hạnh phúc và các em cũng hạnh phúc vì cả thầy lẫn trò đều có cùng một ước muốn. Chúng ta phải làm cho đối tượng của việc dạy và học trở thành vui tươi, có thể đánh thức hạt giống thương yêu và tâm muốn tìm hiểu nơi học sinh cũng như nơi thầy cô giáo.
Chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được không những cho học sinh mà còn cho cả chúng ta – những giáo viên, bởi vì ai cũng đều có nhu yếu muốn hiểu và được hiểu, muốn thương và được thương. Chúng ta không chỉ cần được học sinh hiểu, mà cũng cần đồng nghiệp và ban lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo ngành giáo dục hiểu. Nếu không được hiểu thì chúng ta không thể nào có hạnh phúc và không thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Những vị làm việc trong ngành giáo dục cần phải học cách lắng nghe nhau và thực tập ái ngữ để nói cho người khác hiểu được những khó khăn và khổ đau của mình. Trường học có thể được vận hành như một tăng thân, một cộng đồng thực tập của những nhà giáo dục. Chúng ta có thể đến để chia sẻ với nhau những băn khoăn và cái thấy của mình, đồng thời giúp người khác ý thức về khó khăn mà mình đang gặp phải.
Nhiều người trong chúng ta có đủ năng lực để tổ chức những buổi lắng nghe sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục. Ta cần bầu ra một số thành viên trong cộng đồng giáo dục để nêu lên những mối quan tâm lo lắng của chúng ta. Ta phải mời được những nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm những nhà làm luật và quan chức chính phủ, đến nghe ta nói. Đây là sự thực tập giới thứ tư, ái ngữ và lắng nghe như một tập thể. Trên khắp đất nước có nhiều bậc nhân sĩ có khả năng lắng nghe, họ là những học giả, nhà báo, thi sĩ, chính trị gia…, ta có thể mời những người đó đến tham gia thực tập lắng nghe chúng ta. Buổi thực tập chia sẻ và lắng nghe đó có thể được phát sóng trên vô tuyến truyền hình cho cả nước theo dõi.
Chia sẻ
MỘT GIÁO VIÊN CHIA SẺ KHÓ KHĂN CỦA MÌNH
Trích từ buổi thực tập lắng nghe sâu trong khóa tu do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn
Tôi là một giáo viên dạy lớp 3 và lớp 4 sống tại Brooklyn, New York. Tôi rất lo lắng cho các học sinh của mình. Các em rất hay lo và suy nghĩ quá nhiều. Còn tôi thì không thấy có cách nào để giúp các em đi ra khỏi những sợ hãi và lo lắng ấy.
Những khi lớp học cực kỳ mất trật tự và lộn xộn, tôi chỉ cần dừng lại và nói với các em: “Chúng ta cần dừng lại một chút”. Tôi tắt hết đèn trong lớp rồi hỏi: “Có chuyện gì vậy các em? Tại sao các em lại ồn ào quá như vậy?”. Khi đó các em sẽ cho tôi biết: “Đêm qua, em không ngủ được bao nhiêu”; “Khu chung cư của em thật ầm ĩ”; “Em thức chờ mẹ. Đến tận nửa đêm mẹ mới đi làm về”; “Sáng nay, em chưa ăn sáng”. Trò chuyện với các em về những chuyện đó thật sự hữu ích và sau đó lớp học trở lại bình thường… Tôi nhận ra rằng nếu tôi bỏ qua, không để ý gì đến sự bất an của các em, hoặc chỉ nói: “Chúng ta phải học cho xong tiết toán này đi đã” thì tiết học cũng sẽ chẳng được gì, mà cơ hội để hiểu thêm về các em cũng trôi đi.
Các bậc phụ huynh thân mến, tôi mong rằng quý vị có thể dành thời gian nhiều hơn cho con cái. Là một giáo viên, tôi nghĩ rằng điều hay nhất phụ huynh có thể làm để giúp đỡ học sinh là lắng nghe một cách tận tường những gì đang xảy ra cho các em. Các em rất lo lắng cho cha mẹ và cho chính bản thân. Chúng ta, phụ huynh và giáo viên cần phối hợp để cùng nhau dạy dỗ các em. Chúng ta nên tạo điều kiện để các em có thể bộc lộ cảm xúc của mình. Phương pháp thực tập lắng nghe sâu chính là một lối thoát.
Lớp học là một gia đình
Thiền tập không còn là sự thực tập của một cá nhân. Chúng ta cần thực tập chung với nhau như một tăng thân hay một đoàn thể. Năm phép thực tập chánh niệm (hay còn gọi là “Năm Giới”[1] trong đạo Bụt) cần được thực tập chung trong tinh thần của một quốc gia. Trong lớp học, giáo viên cần có thời gian lắng nghe những khổ đau và khó khăn của học sinh. Khi được lắng nghe, các em sẽ thấy nhẹ lòng hơn và nhờ đó mới có tinh thần để học tập và tiếp thu những gì ta muốn trao truyền. Các em cũng cần có cơ hội tìm hiểu những nỗi khổ tâm và khó khăn của thầy cô giáo. Giáo viên nên chia sẻ những khó khăn cũng như những ước nguyện sâu sắc của mình với học sinh. Một giáo viên hay một học sinh lớp lớn có thể đóng vai trò người điều phối để tổ chức một buổi chia sẻ và lắng nghe sâu. Bằng cách này chúng ta có thể biến lớp học thành một tăng thân, một cộng đồng, một gia đình.
Giáo viên và học sinh có thể tổ chức những buổi sinh hoạt trong đó thầy trò chơi với nhau, cùng thưởng thức âm nhạc, đi bộ, hoặc ăn chung như trong một gia đình. Chúng ta có khả năng tổ chức để biến lớp học thành một gia đình. Trong không khí gia đình đó ta mới có thể tạo điều kiện để mọi người hiểu và cảm thông sâu sắc cho nhau. Niềm đau nỗi khổ trong mỗi người nhờ đó mà được vơi nhẹ đi. Điều này sẽ làm cho việc dạy và học trở nên vui vẻ hơn. Dù lương tháng chẳng là bao nhưng sự nghiệp trao truyền tuệ giác và tình thương của một nhà giáo mang lại cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều niềm vui.
Chúng ta cần phải làm gì để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong lớp học? Đây là công án, là đề tài thiền quán cho mỗi người – làm sao để các em cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến trường lớp? Làm sao để giáo viên cảm thấy hứng khởi khi nghĩ đến lớp học của mình? Giáo viên có thể vận dụng tài năng và sức sáng tạo của mình, kết hợp với tài năng và sức sáng tạo của học sinh để làm cho lớp học trở thành một môi trường tuyệt diệu cho cả thầy lẫn trò. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nhóm tương thân tương ái
Trong lớp học, nếu các em có nỗi khổ nào đó thì giáo viên có thể giúp các em thành lập các nhóm tương thân tương ái để tìm hiểu và giúp chuyển hóa khổ đau đó. Giáo viên cùng các em học sinh có thể chọn 2 – 5 học sinh vào nhóm. Mục đích của nhóm là thực tập bình an để làm cho tất cả các học sinh và các thầy cô giáo hạnh phúc. Sau khi nhóm khởi đầu đã có một vài kinh nghiệm thực tập lắng nghe sâu, những em khác có thể thay phiên nhau tham gia vào nhóm để học hỏi phương pháp thực tập này. Rất nhiều khổ đau của các em là do hiểu lầm mà ra. Vì vậy, thường thường các em cảm thấy người khác không nghe mình, không hiểu mình. Qua sự thực tập lắng nghe sâu và nhìn sâu, con đường thoát khổ sẽ tự hiển bày. Sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau có thể làm cho lớp học trở nên hạnh phúc và hòa hợp.
Để chuyển hóa những khó khăn trong lớp học, nhóm tương thân tương ái có thể tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu với tâm thương yêu. “Thưa thầy/cô, chúng em muốn tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu để mọi người có thể nói ra tất cả những khổ đau, khó khăn của mình. Nhiều bạn có khổ đau trong gia đình, nhiều bạn gặp khó khăn trong lớp học, chúng em rất mong được thầy/cô hiểu những khổ đau, khó khăn của chúng em”. Đây là một yêu cầu rất chính đáng. Khi bạn lắng nghe những tâm tư tình cảm của học sinh là bạn đã thực tập lời Bụt dạy: nhìn sâu vào bản chất của khổ đau. Ban giám hiệu nên cho phép giáo viên tổ chức những buổi lắng nghe như thế để giáo viên ngồi lắng nghe thật hết lòng những khổ đau, khó khăn của học sinh mình.
Trong một khóa tu mùa hè tại Làng Mai, có một em gái khoảng 7, 8 tuổi. Em khóc rất nhiều. Em không biết tại sao mỗi ngày thầy/cô của em lại làm khổ em nhiều như thế; em không biết tại sao thầy/cô ấy lúc nào cũng nhắm vào em, và em không biết làm sao để thầy/cô ấy đừng làm như vậy nữa. Em không muốn đến lớp chút nào, nhưng em vẫn phải đi học mỗi ngày. Khi tăng thân nghe em kể, nhiều người, kể cả người lớn đã khóc. Nhiều người trong chúng ta đã phải trải qua những khổ đau tương tự.
Nếu trong lớp học bạn phụ trách có một nhóm tương thân tương ái thì những em trong hoàn cảnh khó khăn tương tự như em gái này có thể đến chia sẻ với nhóm, “Mình khổ quá, các bạn giúp mình với”. Cả nhóm sẽ ngồi lại và nói: “Chúng mình rất sẵn lòng nghe bạn nói. Có chuyện gì vậy?”. Và tất cả mọi người lắng nghe câu chuyện của em ấy.
Nhóm tương thân tương ái có thể tìm cách giúp cho nỗi khổ của bạn mình vơi nhẹ. Nhóm có thể đề cử một hay hai thành viên đến gặp thầy/cô giáo có liên quan để nói cho thầy/cô giáo ấy biết về khó khăn của bạn mình. “Thưa thầy/ cô, chúng em không biết tại sao ngày nào bạn ấy cũng khóc, bạn ấy cho chúng em biết là thầy/cô làm bạn ấy khổ. Bạn ấy thật sự là rất khổ, bạn ấy không hề có ý trách móc thầy/cô, bạn ấy chỉ không muốn khổ như vậy nữa mà thôi. Xin thầy/ cô chỉ dạy cho chúng em cách giúp bạn ấy bớt khổ”. Khi nhóm tương thân tương ái đến thưa với thầy/cô giáo như vậy, tôi tin là thế nào giáo viên ấy cũng sẽ tìm cách thay đổi tình trạng.
Dĩ nhiên nếu em học sinh có đủ can đảm thì em có thể đến nói chuyện trực tiếp với thầy/cô giáo. “Thưa thầy/cô, em không biết tại sao thầy/cô lại tập trung vào em mỗi ngày làm em rất khổ sở. Em không biết mình đã làm gì sai. Nếu em có điều gì làm cho thầy/cô không vui, xin thầy/cô cho em biết, em sẽ cố gắng hết sức để thay đổi”. Học sinh có thể chia sẻ bằng những lời dễ thương như vậy. Trong trường hợp, học sinh không đủ tự tin để chia sẻ trực tiếp với thầy/cô giáo thì nhờ nhóm tương thân tương ái giúp. Đó là một cách xử lí rất hòa ái.
Giáo viên cũng nên nói cho học sinh biết là mình cũng có những nỗi khổ riêng trong gia đình và nếu có thêm những nỗi khổ trong lớp học thì có thể hơi quá sức cho mình. Nếu trong lớp có một Nhóm tương thân tương ái thì các em học sinh nên tìm cách động viên thầy cô giáo của mình nói ra được những khó khăn trong lòng. Khi các em đã hiểu những khó khăn của thầy cô giáo thì các em sẽ hành xử dễ thương hơn, sẽ hợp tác và biết cách yểm trợ cho thầy cô giáo.
Nếu giáo viên và học sinh không bắt được nhịp cầu cảm thông sâu sắc cho nhau thì cả thầy lẫn trò không thể nào có hạnh phúc. Thầy cô chẳng có hứng thú giảng dạy mà trò cũng chẳng có hứng thú để học.
HOẠT CẢNH VỀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN
Mời một em kể chuyện về mâu thuẫn nào đó từng xảy ra giữa em với người khác. Nếu thấy câu chuyện phù hợp, bạn cho các em khác diễn lại câu chuyện này. Sau đó, cho các em thảo luận để tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn đó một cách hài hòa và có chánh niệm hơn.
Nhắc các em quay về với hơi thở và ý thức về cảm xúc của mình. Khuyến khích các em rời khỏi nơi xảy ra mâu thuẫn càng sớm càng tốt nếu có thể, trước khi sự việc trở nên trầm trọng. Hoặc nên rời khỏi khi các em cảm thấy hơi nguy hiểm. Khi các em có đủ bình tĩnh để chia sẻ với người kia về những khó khăn của các em, dạy các em dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (con, tôi, mình, em…) để các em có trách nhiệm hơn về cảm xúc của mình. Tránh nói với ý than phiền, trách móc hay lên án người kia. Khuyến khích các em miêu tả cụ thể hành động và lời nói nào của người kia đã làm em buồn[2]. Ví dụ, em thấy tổn thương và giận vì chị đã hứa cho em chơi chung đồ chơi với chị nhưng sau đó chị lại nuốt lời. (Thay vì các em nói: chị là kẻ nói xạo, chị chỉ biết hứa suông mà không làm!)
Cho các em diễn lại cảnh xung đột này một lần nữa. Lần này các em sử dụng những phương pháp mà các em đã nghĩ ra ở trên. Nếu có nhiều ý hay thì có thể tổng hợp lại thành một màn kịch để biểu diễn.
Hoạt cảnh về giải quyết mâu thuẫn cũng có thể rất hữu ích khi có sự tham gia của cha mẹ và con cái, hoặc giáo viên với học sinh. Diễn cảnh xung đột thật trước (ví dụ cảnh thức các con dậy vào buổi sáng để đi học, cảnh giáo viên tìm cách làm học sinh tập trung khi các em liên tục nói chuyện trong lớp học), sau đó diễn lại cùng hoàn cảnh nhưng cách xử lí đã khác hơn khi cả hai bên đã hiểu được những nhu yếu của nhau. Nhiều khi để cho người khác diễn vai về mình trong hoàn cảnh khó khăn lại giúp cho ta hiểu thêm được vấn đề.
THỰC TẬP LẮNG NGHE SÂU THEO TỪNG CẶP[3]
Có khả năng lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác là một điều rất quan trọng. Chỉ khi nào chúng ta có thể thực sự lắng nghe bản thân thì chúng ta mới có thể lắng nghe người khác. Lắng nghe bản thân có nghĩa là gì?
[Lắng nghe cơ thể của chúng ta, khi mệt thì phải lên giường nghỉ ngơi, không ép uổng thân thể mình, tôn trọng giới hạn của bản thân…]
Lắng nghe người khác thật sâu sắc chính là món quà đích thực có tác dụng trị liệu rất lớn. Các em có nhớ những lần các em được ai đó thật sự lắng nghe mình hay không? Các em cảm thấy thế nào khi được lắng nghe như vậy? Làm thế nào các em biết là người kia thực sự lắng nghe các em? Người ấy đã tỏ lộ sự cởi mở và tiếp nhận những gì các em chia sẻ ra sao?
Viết lên bảng những phẩm chất của lắng nghe sâu mà các em định nghĩa. Ngoài ra, có một số phẩm chất quan trọng như: không ngắt lời người khác, lắng nghe bằng cả tấm lòng, không phê phán hoặc so sánh, không nhận xét, liên tưởng này nọ trong đầu khi nghe những điều người kia nói. Nếu không nghe các em nhắc đến các phẩm chất này thì gợi ý và nói cho các em biết tầm quan trọng của những điều đó. Nhắc các em rằng trong việc lắng nghe sâu, chúng ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là giúp cho người kia cảm thấy được lắng nghe và chấp nhận.
Để giúp cho các em thực tập lắng nghe, cho các em bắt cặp với nhau. Chỉ định em nào nói trước. Bạn có thể viết ba đề tài lên bảng để các em chọn một. Ví dụ: các em có thể nói về một khó khăn gần đây; hoặc các em đang háo hức chờ đợi một điều hay một sự kiện gì đó sắp xảy ra; hoặc ngay bây giờ các em cảm thấy thế nào. Hướng dẫn các em:
Bây giờ, chúng ta sẽ chia sẻ thật lòng, cố gắng không cần che giấu điều gì. Các em nghĩ như thế nào thì chia sẻ như thế về đề tài mà em chọn. Mỗi em có từ hai đến ba phút. Trong khi em thứ nhất chia sẻ thì các em khác chỉ cần lắng nghe thật hết lòng, bỏ qua những suy nghĩ hay nhận xét đi lên trong đầu để có mặt hoàn toàn cho bạn kia. Thỉnh chuông để bắt đầu và kết thúc. Bây giờ hãy đổi vai với nhau.
Khi cả hai bên đã chia sẻ, mời các em trở lại nhóm lớn để chia sẻ trải nghiệm của các em khi thực tập lắng nghe và chia sẻ. Đối với các em, lắng nghe và chia sẻ khó hay dễ? Các em có cảm thấy mình thật sự được lắng nghe không? Nếu được lắng nghe thật sự, các em cảm thấy như thế nào trong thân và trong tâm?
Trị liệu trong môi trường học đường
Có thể chúng ta cần tổ chức những buổi lắng nghe sâu ở phạm vi rộng hơn chứ không chỉ trong lớp học. Giáo viên lắng nghe học sinh của mình, và nếu một buổi lắng nghe không đủ thì chúng ta tổ chức buổi thứ hai, thứ ba để lắng nghe tất cả những gì học sinh cần chia sẻ. Chúng ta có thể mời những giáo viên khác tham gia và thực tập nghệ thuật lắng nghe sâu với học sinh. Chúng ta cũng có thể mời hiệu trưởng đến để cùng chúng ta lắng nghe các em học sinh.
Học sinh cần phải chuẩn bị kỹ càng để diễn đạt ý mình một cách rõ ràng, mạch lạc. Các em cần cảm thấy đủ an toàn để nói ra tất cả những nỗi khổ của các em ở nhà và ở trường. Nếu các em cảm thấy có quá nhiều bài tập về nhà, các em nên nói ra cho thầy cô giáo và những người khác đang lắng nghe biết. Trọng tâm của giáo dục không nên hy sinh hiện tại để đạt được một điều gì đó trong tương lai, mà làm sao cho giáo viên và học sinh có niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Nếu ta không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng khó có thể hạnh phúc. Trách nhiệm của giáo viên là hiểu được những khó khăn, khổ đau và nguyện vọng của học trò. Có thể giáo viên cần tổ chức nhiều buổi thực tập lắng nghe mới có thể hiểu hết học sinh của mình. Và ban giám hiệu nên cho giáo viên thời gian để làm chuyện đó. Đây đích thực là đạo đức của nghề giáo.
Các em học sinh cũng nên bày tỏ nguyện vọng được lắng nghe thầy cô giáo của mình bởi vì giáo viên cũng có nỗi khổ trong gia đình và trong trường học. Nhiều giáo viên đã phải rơi nước mắt vì học sinh quá ngỗ ngược. Nhiều em có năng lượng bạo động rất lớn và hiếp đáp bạn bè mình để tiêu khiển. Đôi khi các em này cũng làm như thế với thầy cô giáo của mình. Nếu các em thấy được yếu điểm của giáo viên thì các em càng thích chí trong việc gây khó dễ. Đó là lý do tại sao nhiều buổi lắng nghe sâu cần được tổ chức để lắng nghe nỗi khổ, niềm đau của cả thầy lẫn trò.
Chia sẻ
TẠO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN VÀ TIN CẬY TRONG LỚP HỌC
Chia sẻ của cô Bonnie Sparling và cô Uri Wurtzel, giáo viên trường Paideia, Hoa Kỳ
Lớp học của chúng tôi là lớp tổng hợp gồm 30 học sinh, trong đó một số có trình độ lớp Bảy và một số khác trình độ lớp Tám. Ngày nào chúng tôi cũng dạy từ 3 đến 4 tiếng cho 30 em học sinh đó. Triết lý dạy học của chúng tôi là mọi chương trình học đều lấy học sinh làm trọng tâm, từ đó xây dựng các chủ đề giúp các em có cái thấy rộng hơn, sâu hơn về chính mình. Dù chủ đề là gì – văn học, xã hội học, đạo đức hoặc viết lách – chúng tôi muốn các em tự cảm thấy việc học môn đó là quan trọng và có ý nghĩa cho chính mình.
Các học sinh tìm thấy ý nghĩa khi tự điều động cuộc thảo luận, và hỏi nhau những câu hỏi vừa có tính cách chất vấn phản biện vừa có tính cách riêng tư. Các em công khai thảo luận về vấn đề bắt nạt học đường do ham muốn nổi tiếng trong trường. Các em cùng nhìn xem những ai có khả năng/quyền lực làm cho người khác sợ hãi, và thảo luận để tìm ra phương pháp đối trị một cách có đạo đức.
Gia đình, đời sống xã hội và nhu yếu khẳng định bản sắc cá nhân là những mối quan tâm hàng đầu của các em độ tuổi thiếu niên. Do đó, các em đặt những đề tài này vào phần trọng tâm trong chương trình học. Qua nhiều năm, các em phát triển chương trình viết và hệ thống tòa án lớp học giúp các em làm sáng tỏ nhiều phương diện trong đời sống; đạt được một cách giải quyết mâu thuẫn giúp các em hạnh phúc hơn.
Chương trình viết tập trung chủ yếu vào những câu chuyện cá nhân của từng học sinh, đòi hỏi sự thành thật trong cảm xúc và ý hướng muốn trưởng thành của chính các em. Các em viết câu chuyện về chính cuộc đời của mình để chia sẻ cho nhau biết mình là người như thế nào. Bởi vì khổ đau và mâu thuẫn thường là những nhân tố giúp trưởng thành và có ý thức hơn, cho nên các em đã tổ chức những buổi chia sẻ với giáo viên hoặc với các bạn mà các em tin tưởng để công khai đối diện với những cảm xúc của mình. Những chiếc mặt nạ phòng thủ của các em bắt đầu rơi xuống. Đằng sau gương mặt giận dữ là sự tổn thương. Và tổn thương được chuyển hóa thành tình thương. Những buổi chia sẻ này giúp các em có được một cái nhìn mới và sáng tỏ về điều mà trước đó có thể bị che lấp dưới những cảm xúc hỗn độn.
Khi viết xong, những câu chuyện của các em được đọc lên cho cả lớp nghe trong không khí ăn mừng nhiệt liệt. Sau đó, các em thảo luận về câu chuyện vừa được chia sẻ và những gì trong câu chuyện mà các em cảm thấy gần gũi với chính mình. Sinh hoạt theo cách thức như vậy giúp các em xây dựng được một đoàn thể trong đó có sự tin tưởng lẫn nhau và hiểu nhau hơn.
Để các em cảm thấy đủ an toàn đối với những bạn đồng trang lứa mà mở lòng ra chia sẻ, các em phải xây dựng niềm tin đối với nhau. Trong việc này, các em đã xây dựng những quy định, luật lệ và một hệ thống xét xử để giúp các em chịu trách nhiệm với nhau trong trường hợp niềm tin bị rạn nứt. Các em giúp nhau tìm hiểu động cơ phía sau các hành vi gây rạn nứt niềm tin, rồi cùng tìm ra cách giải quyết. Hệ thống xét xử này hoạt động như một công cụ đắc lực để bảo đảm an toàn và công bằng, san bằng mọi khác biệt về “địa vị” và sự “nổi tiếng” giữa các học sinh.
Không hành xử thô tháo trong lớp học, không nói những lời làm người khác tổn thương, và không vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin là ba trong hai mươi điều luật mà các em học sinh đã đề ra và tuân theo rất nghiêm túc. Các em rất cố gắng giữ gìn hệ thống này, để bảo vệ lẫn nhau, không để cho bất cứ một hành vi nào có thể làm cho các bạn trong lớp cảm thấy mất an ninh mà từ đó không dám chia sẻ với các bạn khác về những vấn đề mà các em đang phải vật lộn. Khi một em nào đó bị cáo buộc là đã vi phạm điều luật, em đó có thể công nhận hay không công nhận mình phạm lỗi. Sau đó bị cáo và công tố viên sẽ ra trước hội đồng xét xử do một số các em học sinh đảm trách. Cả lớp sẽ ngồi lắng nghe hai phía trình bày và đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ ràng động cơ và gốc rễ của tình trạng xung đột. Thường thì sự thật phía sau một mâu thuẫn phức tạp và có nhiều sắc thái hơn ta tưởng lúc ban đầu. Có thể một câu nhận xét không dễ thương của một em gái trong tiết học Đại số bắt nguồn từ mặc cảm kém toán của chính em. Hoặc một học sinh nam tẩy chay một bạn chăm học trong lớp bởi vì chính em ấy đã bị tẩy chay khi mới vào tiểu học.
Khi các thành viên trong lớp học hưởng được sự an ninh, tin cậy và cơ hội do hệ thống này mang lại, các em không còn nhìn nó như một sự trừng phạt từ bên ngoài nữa, mà là một công cụ giúp cho các em cảm thấy cởi mở, thoải mái và gần gũi. Thật tuyệt khi được chứng kiến ý thức cộng đồng, sự tự do thể hiện con người thật của mình, cơ hội để vui vẻ với nhau và sức mạnh của lòng cảm thông mà các học sinh đạt được qua thời gian.
Đối với nhiều em học sinh, tuổi dậy thì đồng nghĩa với những biến động. Nhưng vì các em học sinh tự tạo ra chương trình học nên rất nhiều vấn đề đi kèm với lứa tuổi này đã được giải quyết. Đây là một minh chứng về những gì mà các em thật sự quan tâm: phát triển tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giải quyết xung đột, tinh thần chia sẻ và gần gũi, có đầu óc nhạy bén, muốn tìm hiểu, và làm việc với một tinh thần đạo đức nghiêm túc nhưng cũng rất tự nhiên.
Khi học sinh đến tuổi lên trung học, chúng tôi rất hãnh diện và mừng cho các em. Các em có một tinh thần vững vàng hơn về chính bản thân, có khả năng yêu thương, mạnh mẽ và thoải mái khi đối diện với những gì dễ tổn thương. Ngoài ra, các em còn có một sự liên hệ sâu hơn, có chánh niệm hơn với các bạn học của mình.
Chia sẻ
TỪ ÁI TRONG LỚP HỌC
Chia sẻ của cô giáo Susanna Barkataki, trường Sequoyah, Hoa Kỳ
Đây là cách tôi bắt đầu một ngày dạy học cho các em học sinh lớp Năm và lớp Sáu của mình. Tôi bắt đầu bằng việc quay về với hơi thở. Sau đó, tôi hình dung mình đang cắm rễ thật vững vàng và định tĩnh vào lòng đất, đầu chạm bầu trời xanh vô tận và tiếp xúc với năng lượng yêu thương từ vũ trụ. Tôi cảm thấy tĩnh lặng, tự do, biết ơn và tràn đầy hạnh phúc. Sau đó, tôi gửi năng lượng này đến các em học sinh của mình. Tôi nhìn các em, thầm gọi tên các em và gửi đến các em những lời nói từ ái. Tôi áp dụng các câu thực tập lòng từ ái truyền thống mà tôi đã học được, đôi khi tôi cũng sửa lại một chút cho phù hợp với hoàn cảnh khi cần thiết: “Mong cho Miro hạnh phúc. Mong em khỏe mạnh. Mong em có tự tin. Chúc em chiều nay chơi bóng rổ vui”. Tôi đem sự chú tâm của mình đến từng em một: “Mong cho Latika được hạnh phúc. Mong em không còn khổ đau và tìm lại được bình an trong tâm hồn”.
Khi thực tập như vậy trong lớp học, tôi luôn nở một nụ cười với từng em. Thường thì các em có vẻ cảm được năng lượng này và mỉm cười đáp lại dù tôi chỉ nói những lời ấy trong tâm mà thôi. Ở nhà, tôi thường không thể ngăn được nụ cười khi hình dung lại từng gương mặt của học trò. Tôi cứ mong tới lúc quay lại lớp. Đôi lúc tôi bị căng thẳng hoặc buồn, khi ấy sự thực tập có khó hơn. Vì vậy, tôi quay lại gửi năng lượng thương yêu đến chính mình trước. Nếu tôi không thể chế tác được đủ niềm vui để đi ra khỏi tình trạng thì tôi biết mình cần phải nghỉ ngơi và chăm sóc thêm cho bản thân.
Sự thực tập gửi năng lượng thương yêu đến các em học sinh giúp tôi nhớ vai trò chính yếu của mình với tư cách một giáo viên và giúp tôi bước vào một ngày mới với năng lượng thương yêu, chăm sóc. Học sinh cũng có khả năng hiến tặng tình thương. Tôi đã chứng kiến các em trở nên tươi tắn và mạnh mẽ khi các em liên hệ với nhau trong tinh thần thương yêu. Tất cả chúng ta đều có thể hiến tặng tình thương và niềm vui như thế cho chính mình, rồi từ đó chia sẻ với người khác cũng như mở lòng ra để đón nhận tình thương.
Chia sẻ
ÔM ẤP NHỮNG HỌC SINH CÁ BIỆT
Angela Bergmann, Đức
Lớp học nào cũng có vài em cá biệt, và chúng ta phải luôn tìm cách để giúp các em. Tôi đã tìm ra hai phương pháp hữu hiệu cho mình:
Trước hết, tôi tìm ra một điểm mà tôi thích nơi em học sinh đó: một điều mà em ấy có khả năng, hoặc một điểm nào đó giống tôi. Nói chung là bất cứ một điểm gì giúp tôi kết nối với em. Tôi thấy nếu tôi tìm ra được điểm đó thì thế nào tôi cũng có thể tạo được sự liên hệ với em. Tôi cố gắng kết hợp điểm nối kết đó vào phương pháp giảng dạy của mình. Ví dụ tôi và một em học sinh cùng gu âm nhạc, do đó tôi khuyến khích em mang âm nhạc ( những loại nhạc được phép chơi tại trường học) vào mở trong giờ thể thao, để giờ học trở nên thú vị hơn.
Điều thứ hai, tôi tìm một nhân viên trong trường thực sự thương em học sinh đó để tìm hiểu thêm những tính cách tích cực của em. Nếu vị này đồng ý thì tôi mời vị ấy đến lớp để giúp tôi hướng dẫn cho em. Điều này có thể làm thay đổi cảm giác của học sinh khi ở trong lớp học. Các em học sinh có thể nhận ra mỗi khi tôi gặp khó khăn với các em, và điều này tạo ra căng thẳng ở cả giáo viên lẫn học sinh. Việc mời một người thích em học sinh ấy đến và tham gia với lớp mang đến cho chúng tôi một cách làm việc mới với nhau.
Chia sẻ
KHI MỌI VIỆC TRỞ NÊN KHÓ KHĂN
Tineke Spruytenburg, Hà Lan
Bất cứ ai đã từng làm việc với trẻ em đều có thể nhớ lại một số em không dễ cho chúng ta hướng dẫn. Dưới đây là một vài ý tưởng có thể giúp các bạn trong những trường hợp như thế.
Duy trì tâm từ bi: Không có học sinh khó, chỉ có học sinh trong tình trạng khó khăn mà thôi. Hoàn cảnh riêng của các em trong quá khứ hoặc hiện tại khiến các em trở nên sợ hãi và căng thẳng, khó cho các em nghe lời chỉ dạy và tham gia cùng các bạn.
Tạo cho học sinh cảm giác thuộc về: Thường thường chỉ cần gọi em đến ngồi gần bên, trong khi đặt tay lên vai hay lưng của em đã đủ để tạo nên một cảm giác an ổn; hơi thở chánh niệm và những lời an ủi của bạn là đã đủ. Những em đang gặp khó khăn thường có tâm lý muốn tìm một nơi nương tựa. Bạn hãy giao các em làm một công việc đặc biệt – ví dụ như thỉnh chuông – để các em cảm thấy mình được trân quý, hữu dụng và được chấp nhận.
Sử dụng câu khẳng định: Chúng ta rất hay nhắc nhở các em không được làm cái này hay cái khác. Và trong rất nhiều trường hợp, các em không chịu thực hiện những việc giáo viên yêu cầu. Có thể là do các em không rõ chúng ta muốn các em làm gì.
Cho nên, thay vì yêu cầu các em không được leo tường, ta có thể yêu cầu các em đứng yên trên mặt đất. Cần một thời gian thực tập thì ta mới quen với cách sử dụng ngôn ngữ như thế này, nhưng hiệu quả của nó thì rất lớn.
Khen ngợi công khai, phê bình riêng tư: Khi cần sửa lỗi của học trò, chúng ta nên có thái độ khách quan và công bằng. Cho các em cơ hội để giải thích nguyên nhân dẫn đến sự việc đó. Thông thường, các em có thể tự mình nhận lỗi và sửa lỗi. Khi các em có trách nhiệm với những hành động của mình, chúng ta nên có lời khen đồng thời tìm cách giúp các em giải hòa với những người đã làm em tổn thương.
Đối với nhóm học sinh gây mất trật tự, hãy công nhận cảm giác không thoải mái của các em và nhờ các em cùng giúp cải thiện tình hình: Chúng ta có thể yêu cầu các em nghĩ ra một sinh hoạt khác mà các em thích. Tôi còn nhớ lần đó trong chương trình trẻ em tại Làng Mai. Ngày đầu, cả nhóm ngồi trong phòng sinh hoạt để chia sẻ và chơi một vài trò nhẹ nhàng như: làm tóc cho nhau, hát, vẽ, tô màu… Một nhóm các bạn nữ không thèm tham gia. Những tình nguyện viên trong chương trình không có cách gì để làm cho các em hứng thú với sinh hoạt của nhóm. Các em này cũng biết được là các tình nguyện viên không cảm thấy thoải mái với cách hành xử của các em. Hai ngày sau, một sư cô (có trách nhiệm hướng dẫn chương trình thiếu nhi) vào phòng sinh hoạt của các em trong giờ nghỉ ngơi buổi chiều vì sư cô biết là thế nào các em nữ cũng đang chơi trong phòng. Sư cô tham gia làm đồ trang sức với các em, sư cô vừa chơi vừa chia sẻ cho các em biết cảm nhận của mình và mời các em chia sẻ cảm giác của các em về những sinh hoạt trong mấy ngày qua. Sau buổi chia sẻ đó, các em nữ đã có thể hòa chung với mọi người để tập một màn văn nghệ cho buổi tối Tết Trung Thu.
[1] Đây là một trong Năm Giới – năm phép thực tập chánh niệm theo truyền thống đạo Bụt. Có thể xem nội dung của Năm Giới tại đường link này: https://langmai. org/phat-duong/tung-gioi/van-ban-5-gioi-tan-tu/
[2] Có thể tìm đọc thêm những tác phẩm về Giao tiếp bất bạo động với trẻ em của tác giả Marshall Rosenberg.
[3] Đây là bài thực tập rất tốt cho các em thiếu niên, chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp với trẻ em độ tuổi dưới 12.