Vững chãi
Mong sao cho tôi được sống mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi.
Vững chãi là một tính chất quan trọng của niết bàn. Nếu không có sự vững chãi thì chúng ta không làm được gì cả, đừng nói đến sự thành công trong sự tu học. Ta không phải chạy. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần đi những bước vững chãi. Chúng ta biết chúng ta muốn gì và mỗi ngày chúng ta bước những bước vững chãi hướng về phía ấy. Buổi sáng chúng ta thức dậy nếu là người xuất gia, chúng ta nên tự nhắc: “tôi là một sư chú” hay “tôi là một sư cô”. Thế nào là một sư chú? thế nào là một sư cô? Một sư chú là một người nguyện đem cuộc đời của mình để thực tập chánh pháp, để đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho nhiều người và cho các loài chúng sanh. Để thực hiện điều ấy tôi phải học, tôi phải thực tập, tôi phải sống với tăng thân và ngày hôm nay tôi nguyện đi vững chãi trên con đường đó. Buổi sáng ta sử dụng một phút hoặc hai phút để tự nhắc ta là một sư chú hay là một sư cô. Điều đó giống như là phân định phương hướng lại để ta khỏi phải đi lạc. Trước khi đi ngủ ta cũng phải để ra một hai phút để kiểm điểm lại: ngày hôm nay ta đã sống được với tư cách của một sư chú hay một sư cô hay không? Chúng ta đã bước được những bước vững chãi về phía lý tưởng của chúng ta hay không? Nếu ta thấy được rằng trong ngày hôm nay ta đã bước được hai bước hay ba bước về hướng đó thì tự nhiên trong lòng ta có sự hân hoan. Chúng ta sẽ đi vào giấc ngủ trong niềm hân hoan đó. Còn nếu rủi ra mà thấy rằng trong ngày hôm nay ta chưa bước được bước nào về hướng đó thì chúng ta phát sinh ra tâm hổ thẹn. Tâm sở tàm và tâm sở quý rất quan trọng. Chúng ta hổ thẹn, chúng ta tự nói: ngày mai thế nào ta cũng phải làm khá hơn. Sáng ngày mai khi ta thức dậy ta nhất định sẽ sống cuộc sống xuất gia cho đầy đủ, sẽ bước những bước cho vững chãi sẽ đi về hướng lý tưởng của ta. Không cần chạy mau không cần hối hả. Mỗi bước chân phải bồi đắp sự vững chãi. Ta không cần nhìn người khác với sự so đo và phân biệt. Chúng ta hãy nhìn bản thân của chúng ta để thấy chúng ta có đang bước những bước vững chãi về hướng lý tưởng hay không.
Muốn đời sống của ta mỗi ngày mỗi thêm vững chãi ta chỉ nên nương tựa vào một cái gì vững chãi mà thôi. Nếu ta nương tựa vào một cái không vững chãi thì ta mất sự vững chãi của chính ta… Điều này rất quan trọng. Tam Bảo là cái gì rất vững chãi, nếu ta biết thực tập nương tựa vào Tam Bảo thì ta sẽ có sự vững chãi. Khi xây nhà chúng ta xây trên đất cứng chứ không xây trên bùn trên cát. Đời sống chúng ta cũng vậy. Tăng thân mười phương là những gì vững chãi; có thể ở đây hay ở kia có một vài phần tử tăng thân không vững chãi, nhưng tăng thân là một thực tại lớn trong không gian và thời gian. Trong tăng thân có những người đã thực tập, đã thành công và niềm tin của chúng ta sẽ không bị lung lay khi chúng ta thấy được tăng thân ấy trong không gian và thời gian. Một người đàn bà ly dị chồng hay chồng chết, phải sống để nuôi con thường hay nghĩ rằng mình cần phải nương tựa vào một người đàn ông thứ hai để có sự vững chãi và để cho đứa con của mình có chỗ nương tựa. Cái hiện tượng gọi la single parent ở tây phương rất phổ biến tại vì ở tây phương người ta ly dị rất nhiều. Ban đầu bằng ý niệm mình là người đàn bà không có sự vững chãi và con mình đang còn trứng nước không có sự vững chãi, người đàn bà trẻ kia nghĩ rằng mình cần có người đàn ông để có sự vững chãi đó. Nhưng người ấy có biết đâu là hầu hết những người đàn ông mình có thể tìm tới kia cũng không có sự vững chãi mình trông đợi. Nếu mình tìm tới một người đàn ông không có sự vững chãi thì cái chút ít vững chãi mình đang có cũng tan biến luôn và đứa con của mình sẽ rất lung lay và bơ vơ. Cho nên khi những người mẹ trẻ đã ly dị tới tu học ở làng Hồng, họ thường được chúng ta dạy đi tìm nương tựa nơi hải đảo tự thân trước, thực tập tự mình làm chỗ nương tựa cho mình, tự mình tạo dựng ra sự vững chãi cho mình để cho con mình có chỗ nương tựa. Chạy theo hết anh chàng này đến anh chàng kia thì cái chút vững chãi còn lại trong mình cũng sẽ không còn và đứa con lớn lên sẽ không có một chút nền tảng vững chãi nào hết. Người xuất gia hay người cận sự tu học ở làng Hồng cũng thế. Chúng ta đừng tìm nương tựa vào những yếu tố không vững chãi. Nếu ta làm như vậy ta sẽ đánh mất sự vững chãi còn lại trong ta. Hãy nhận diện chỗ nương tựa của mình. Chỗ nương tựa của mình có vững chãi hay không? Bụt dạy hãy về nương tựa nơi pháp, đừng nương tựa nơi bất cứ cái gì khác. Pháp không phải là những giáo lý và những ý niệm mà là một đường lối sống, đường lối sống đó đem lại sự vững chãi, tươi mát và thảnh thơi của ta.