Vấn đề không phải ly dị hay không ly dị
Trước hết ta phải ý thức được rằng thất niệm đã là nguyên do đưa tới tình trạng này. Ta không hoàn toàn trách cứ người kia đã thương ta với tình thương độc tài, chiếm hữu và vướng mắc. Ta biết rằng ta đã chịu trách nhiệm một phần nào đó và bây giờ đã tìm ra con đường, ta phải có can đảm đi. Ta nói với người kia: “Này em, tôi rất đau khổ trong tình thương của em. Em đã thương tôi bằng quá nhiều tính chất của sự vướng mắc, chiếm hữu và độc tài. Tôi mất hết tự do. Tôi không còn là tôi nữa. Vì vậy chúng ta phải thấy rõ niềm đau khổ của chúng ta, chúng ta phải ngồi lại để mà tìm ra một con đường có thể đem lại bình an và hạnh phúc cho cả hai.” Nếu nói không được ta phải viết thư. Có thể ta nên đi xa người ấy một tuần lễ hay hai tuần lễ, và trong hai tuần lễ đó ta viết thư gởi về cho người ấy. Người ấy sẽ có không gian mà đọc để suy ngẫm và quán chiếu lại tình trạng. Không có lý do gì mà cả hai cùng phải tiếp tục lê lết theo một tình trạng vướng bận và bi lụy như vậy. Chúng ta biết rằng chúng ta phải thoát ra khỏi hai cực, một cực là vướng mắc và một cực là ghét bỏ. Có nhiều người trong một cuộc tình lao đao và lận đận, đã nghĩ rằng con đường giải thoát duy nhất là ly dị. Làm như ly dị xong là hết vấn đề. Nhưng sự thực không phải như vậy. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng sau khi đã ly dị vấn đề vẫn còn y nguyên như cũ. Tất cả những nội kết và khổ đau trong ta sẽ còn y nguyên. Ly dị không phải là cách thức hay nhất để giải quyết vấn đề. Cố nhiên càng đi sâu vào cực vướng mắc chừng nào ta càng có khuynh hướng đi tới sự xa lìa, ghét bỏ chừng đó. Biết bao nhiêu người sau khi ly dị vẫn tiếp tục khổ đau, có khi còn khổ đau hơn là trước khi ly dị. Tại vì sao? Ly dị chỉ là một giải pháp hình thức, trong khi những nỗi niềm khổ đau ở trong tâm hai người vẫn còn là một thực tại nguyên vẹn. Chỉ có sự thực tập, chỉ có sự quán chiếu mới giúp chúng ta thấy được bản chất của những đau khổ đó. Có nhiều người lặp lại những lỗi lầm xưa không phải hai lần mà ba lần, bốn lần hoặc hơn thế nữa. Sau khi đã ly dị một người họ tới với người thứ hai và lập lại đúng cái lỗi lầm họ đã làm đối với người thứ nhất. Và những khổ đau gây ra cũng giống hệt như trong trường hợp thứ nhất. Sau khi ly dị lần thứ hai, họ lại tới với người thứ ba và cũng lặp lại những lỗi lầm cũ. Trong xã hội phương tây người ta ly dị nhau dễ dàng hơn ở xã hội Á đông. Đương sự thường cứ lặp đi lặp lại nề nếp của những lỗi lầm cũ. Vấn đề không phải là vấn đề thay áo, vấn đề không phải là vấn đề đổi người thương, vấn đề là đổi nhận thức của ta và chuyển hoá những khổ đau trong ta, chuyển hoá những thói quen trong con người ta. Khi ta có con thì những tập khí và những khổ đau đó tự nhiên sẽ được truyền lại cho con, và con ta sẽ đau những nỗi đau mà ta đang có bây giờ. Cái đó gọi là luân hồi. Chấm dứt luân hồi là chuyện phải làm trong tâm của ta, chấm dứt luân hồi cho mình tức là chấm dứt luân hồi cho cha mẹ mình và cho ông bà mình. Như vậy thực tập cũng là thực tập cho cả tổ tiên dòng họ và con cháu của chính ta. Nạn nhân của tình thương chiếm hữu phải biết thực tập như thế. Phải có can đảm nói cho người kia nghe, phải có can đảm viết cho người kia đọc và phải tìm cách cho người kia có được không gian và hoàn cảnh để có thể nghe lời ta nói. Tâm người kia có thể đã bị những sự ghen ghét và đam mê làm bít lấp và người đó cần có ánh sáng. Khi ta có một tăng thân tu tập thì ta phải biết lợi dụng – theo ý – cái tăng thân đó của ta để giúp ta và giúp cho người kia.