Quan tâm
9 – Mong sao cho tôi không bị rơi vào thái độ dửng dưng và kẹt vào hai cực vướng mắc và ghét bỏ.
Dửng dưng là một thế giới buồn thảm. Trong thế giới ấy, ta không có gì thích thú cả, ta không thấy cái gì hay ho cả, ta không thấy sự sống có hứng thú gì cả. Như vậy thì đâu có bồ đề tâm, đâu có tình thương. Không có tình thương thì không sống được, đời sống sẽ không có nghĩa lý và lạc thú gì cả. Tại sao ta dửng dưng với tất cả? Tại vì tuệ giác của ta nghèo nàn, ta không thấy được cái mầu nhiệm của sự sống. Nếu ta thấy được cái mầu nhiệm của sự sống thì ta đâu có thể dửng dưng. Ngôi sao Hôm chiếu sáng long lanh trên bầu trời như thế kia mà ta cũng dửng dưng luôn; những lá vàng mùa thu đỏ và đẹp như thế đó, rơi ngoạn mục như thế đó mà ta cũng dửng dưng; những em bé đang nô đùa, tiếng cười trong trẻo như những chuỗi ngọc thế kia mà chúng ta cũng dửng dưng. Chúng ta không thiết, chúng ta không chú ý, không biết thưởng thức những thứ đó. Chúng ta rơi vào hố dửng dưng vì chúng ta không thấy được những mầu nhiệm của sự sống. Ta dửng dưng vì ta không biết rằng người ta đang khổ và người ta đang vui. Nếu chúng ta thấy được niềm vui của cuộc sống, nếu chúng ta thấy được khổ đau của cuộc sống thì chúng ta thoát ra được hố dửng dưng… Hố dửng dưng là một tai nạn. Sống dửng dưng là sống không trí tuệ, không tình thương. Nếu ta đang sống trong thái độ dửng dưng nếu ta không thấy cái hứng thú của sự sống thì ta phải tự cứu ta, ta phải nhờ những người bạn của ta cứu ta ra khỏi cái thái độ đó. Cuộc sống rất là mầu nhiệm, khổ đau cũng rất mầu nhiệm. Cái sinh cũng mầu nhiệm mà cái tử cũng mầu nhiệm. Nằm sâu dưới sinh tử có bản thể, bản môn, cũng rất mầu nhiệm. bản môn vượt thoát ra ngoài sinh tử.
Chiều hôm qua thầy đã gửi bài kệ truyền đăng cho anh Chân Sinh. Anh Chân Sinh đáng lý đã về dự lễ truyền đăng giáo thọ mùa hè này, nhưng anh đã không qua được và anh được chở vào nhà thương một tuần lễ. Bác sĩ nói anh chỉ sống được một số ngày nữa thôi… Thầy gặp anh Chân Sinh mười hai năm về trước. Hồi ấy anh cũng đã có chứng bệnh này, nhưng nhờ tiếp xúc được với đạo Bụt, với sự thực tập anh đã thoát khỏi tử thần và anh đã sống được trên mười năm. Nhưng bây giờ chứng bệnh tái phát, đi rất mau, thành ra không ai trở tay kịp. Hiện bây giờ anh đang ở nhà thương, các anh chị Tiếp Hiện đang túc trực ở đó và bác sĩ nói chỉ trong một hai ngày nữa là tối đa. Bây giờ anh còn có thể nghe được tiếng nói của người khác nhưng miệng anh đã cứng và anh nói không được nữa. Nhận được tin, thầy đi tìm bài kệ truyền đăng để gởi cho anh. Chiều hôm qua thầy đã gởi kệ ấy sang Montreal bằng fax và chị Chân Huyền cùng anh Chân Văn đã đem tới bệnh viện. Pháp tự của anh là Chân Sinh. Bài kệ ấy như sau:
Chân như là bản môn
Sinh diệt nào động tới?
Thức dậy sớm mai hồng
An nhiên không chờ đợi.
Và thầy có viết một câu ở dưới: Anh Chân Sinh, thầy đang nắm tay anh để thầy trò mình cùng vượt thoát tất cả mọi ách nạn. Chiều hôm qua bài kệ đó đã tới anh Chân Sinh, nhưng mà thầy chưa được báo cáo là anh đã có đủ tỉnh táo để nghe đọc cái thông điệp đó của thầy hay không. Cái sinh mầu nhiệm, cái tử cũng mầu nhiệm và cái bản môn nằm dưới sinh diệt cũng là mầu nhiệm. Nếu ta tiếp xúc được với cái mầu nhiệm ấy thì ta sẽ không còn dửng dưng nữa và từ từ đạt tới cái tính vững chãi và thảnh thơi của tâm thức cũng như của sự sống.