Quán chiếu năm uẩn

Bước sang lĩnh vực tâm. Làm thế nào cho tâm ta được an? Tâm ta không được an là tại những lý do nào, ta tìm ra, ta viết xuống và trong khi ngồi yên trên bồ đoàn, ta phải nhìn sâu để quán chiếu và thấy cho được. Nếu tâm ta không an là do ta vọng động, do ta muốn cái này, muốn cái khác, giận cái này ghét cái kia. Ta phải ghi xuống hết. Ta phải thấy được những cái đó thật rõ ràng trong thiền quán của ta. Ta biết rằng nếu ta muốn sống trong an toàn, không vướng vào tai nạn, thì ta phải biết những tai nạn có thể xảy ra cho ta là những thứ tai nạn nào, và ta biết rằng ta có quyền hạn tới mức nào đó để có thể ngăn ngừa những tai nạn đó đừng cho chúng xảy ra. Ta không nên để cho tai nạn xảy ra rồi mới lo. Ta phải nhìn trước, phải lo lắng trước. Nhân vô viễn lự tắc hữu cận ưu, đó là giáo lý của Khổng giáo. Nếu không nhìn xa, ta sẽ có những khổ đau và lo lắng xảy ra trong tương lai gần. Trong những cảm thọ của ta, có buồn, có giận, có chán nản, có tuyệt vọng, và ta phải nhìn vào bản chất của những cảm thọ đó để tìm đến cái nguồn cơn gốc rễ của chúng. Và có những phiền não khác nữa như là mê đắm, thèm khát nghi ngờ; chúng tạo ra những cảm thọ không dễ chịu trong con người của ta. Rồi ta quán chiếu đến những tri giác của ta, vì những tri giác của ta rất dễ bị sai lầm, tri giác của ta về ta người đã sai lầm, mà tri giác của ta về người cũng lại rất sai lầm, vì thế cho nên ta và người đều khổ. “Người khổ nhiều là người có tri giác sai lầm nhiều”. Bụt nói như vậy. Tri giác sai lầm về chính bản thân của ta có gốc rễ ở chỗ ta chưa bao giờ quán chiếu về năm uẩn, chưa bao giờ thấy được cái chân tướng của năm uẩn ta. Hành tức là những tâm hành của ta: tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là những phiền não ; tích cực là những hạt giống của thương yêu, của giải thoát, của niềm vui có sẵn trong ta. Ta phải quán chiếu để thấy những điểm này. Cũng như khi quán chiếu về sắc thân, ta thấy rằng ta có sức khoẻ, có tuổi trẻ, có hai chân còn mạnh, hai mắt còn sáng, trái tim còn đang hoạt động tốt, đồng thời cũng phải thấy được những cái yếu trong cơ thể để biết chăm sóc và bảo vệ. Thọ cũng vậy. Ta thấy hàng ngày ta có những niềm vui nào cần phải được nuôi dưỡng, phải có những cảm thọ an lạc và lành mạnh nào để được tiếp tục sử dụng làm thức ăn cho ta. Và ta phải thấy được những khổ đau của ta để chuyển hoá. Tưởng cũng vậy. Ta phải thấy được những gì ta đã hiểu, đã biết, những tiến bộ của ta trên phương diện học hỏi và quán chiếu, và ta phải thấy được những tri giác sai lầm đã từng làm cho ta đau khổ. Hành cũng vậy. Thức cũng vậy. Ta phải thấy chúng trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Như vậy Từ Bi quán phải là quán chiếu, chứ không phải chỉ là chúc tụng.

Trong nhiều Kinh, Bụt dạy rằng nếu chỉ thực tập phép Tứ Vô Lượng Tâm một cách sơ đẳng thì chỉ có thể sinh lên cõi Phạm Thiên, và sau đó có thể rơi xuống thấp, làm loài người, loài vật, loài a tu la, và cũng có thể rơi xuống địa ngục. Nhưng nếu được thực tập với tứ đế, với thất giác chi và bát chánh đạo, tứ vô lượng tâm sẽ làm cho ta đi lên mãi và ta sẽ không bao giờ còn rơi xuống. Chánh niệm là năng lượng mà ta sử dụng để quán chiếu sắc, thọ, tưởng, hành và thức của ta, để ta có thể thấy rõ những nhu yếu đích thực của con người ta. Có những nhu yếu không phải là đích thực nhưng chúng ta vẫn cứ chạy theo. Những nhu yếu giả tạo đó làm hư hại thân và tâm của ta, ví dụ nhu yếu hút thuốc, nghiện ngập, uống rượu, than thở. Than thở cũng là một cách tưới tắm những hạt giống đau khổ của mình và đồng thời tưới tắm luôn những hạt giống đau khổ của người. Khi nghe người ta than thở ta cũng có thể giận theo, buồn theo, chống báng theo và do đó ta tưới tắm luôn hạt giống xấu của người đang than thở. Ta làm thầy thuốc độc cho ta và cho người. Khi người kia than thở ta phải biết an trú trong chánh niệm, ta phải biết giúp người kia chứ đừng để bị ngập lụt trong biển thở than của người kia. Chỉ khi nào ta có tiến bộ thật rõ ràng, ta thấy được rằng quả thực là ta đã bắt đầu hiểu ta, thương ta và biết chăm sóc cho ta, thì lúc đó ta mới nên chuyển Từ và Bi sang những đối tượng khác. Sự chuyển sang như vậy không có gì đột ngột cả. Có năm đối tượng Từ Bi quán:

1) Bản thân

2) Người thân

3) Người rất thân

4) Người dưng

5) Người ghét