Nhổ gốc bạo động

Khi chúng ta chế tác ra được năng lượng của Từ thì tự nhiên chúng ta nhổ lên được những gốc rễ của giận hờn. Chúng ta cũng sẽ nhổ lên được những gốc rễ của phiền não, sợ hãi và lo lắng ở trong ta. Từ quán giúp chúng ta nhổ lên những gốc rễ của tất cả những phiền não đó. Trong khi đó thì Bi quán giúp cho chúng ta hiểu và thương được bản thân của chúng ta, hiểu và thương được những người khác, và buông bỏ được những thói quen và những ý định làm hại bản thân và làm hại người khác.

Trong những tâm hành bất thiện, có tâm hành hại, tức là ý muốn phá hoại, gây thương tích, làm khổ đau. Tiếng Anh the wish to harm nghĩa là ý muốn làm hại. Làm hại đây, không phải chỉ là làm hại người khác mà còn làm hại bản thân mình. Chúng ta đã nói chính mình làm hại mình nhiều nhất. Sống trong xã hội nếu ta không biết chăm sóc, lo lắng chuyển hoá những khổ đau của ta thì tự nhiên trong con người ta sẽ phát ra năng lượng bạo động (violence). Năng lượng đó sẽ làm hại bản thân mình và làm hại người khác.

Ví dụ trong liên hệ cha mẹ và con cái. Đôi khi có chiến tranh lạnh hay nóng giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ dĩ nhiên là có quyền hành hơn con cái, và vì vậy trong cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái ta thấy hai lực lượng chống đối không cân bằng. Con cái cố nhiên lép vế hơn. Nhiều khi cha mẹ dùng quyền uy và bạo động để đối xử với con cái và con cái không thể nào dùng bạo động trở lại để đối với cha mẹ. Cho nên con cái thường thâu hết tất cả những bạo động vào trong thân thể để rồi tự hại mình. Cũng như khi ta bị cảm hàn, nếu ta không có cách làm cho cái hàn đó đi ra khỏi thân thể thì nó thấm vào xương tuỷ của ta. Cái bạo động ở nơi ta cũng vậy. Nếu ta không tìm cách chuyển hoá nếu ta không đưa nó ra ngoài được thì nó sẽ trở vào và làm hại chính ta. Đó là khuynh hướng tự nhiên. Bậc cha mẹ cũng có bạo động trong họ. Họ không biết cách chuyển hoá bạo động cho nên họ thường trút bạo động ấy lên trên con cái. Nhưng con cái vì không đứng ngang hàng với cha mẹ nên trong những cuộc kình chống, con cái thường đứng về phương diện thua thiệt. Con cái tiếp thu vào người chất liệu bạo động đó nhưng không thể nào biểu lộ ra ngoài, không thể đương đầu không thể trả miếng. Vì vậy cái bạo động mà cha mẹ trút lên con cái, con cái phải tiếp nhận và con cái sẽ dùng trở lại bạo động đó để tự huỷ hoại thân thể và tâm hồn của mình. Có những người trẻ đi tự tử có những người trẻ đi hành hạ thân xác và tâm hồn của họ đó cũng là vì bạo động trong họ không có lối ra.

Tôi biết có một thiếu phụ, sống trong một nề nếp Nho giáo, đi lấy chồng. Biết rằng trong nề nếp Nho giáo mình không bao giờ có thể đánh chồng, cãi lại chồng, hoặc cãi lại cha mẹ chồng. Vì vậy cho nên những nỗi oan ức những lời nói nặng những thái độ không dễ thương, người thiếu phụ đó phải tiếp nhận hết và dồn chứa vào trong con người của mình. Phương pháp mà người thiếu phụ ấy sử dụng để trả thù người làm khổ mình là chồng và cha mẹ chồng là tự làm khổ mình. Người thiếu phụ đó đã nằm lăn ra giữa đất, đã cào cấu mặt mày, đã lăn hai chục vòng trong bùn đất… Đó là cách duy nhất để trả thù mà thôi. Người thiếu phụ đó trong khi đưa đám ma cha chồng đã nằm ra giữa đừng ngăn chặn xe tang mà lăn khóc như là một đứa con rất có hiếu với cha chồng. Lấm bùn lấm đất, tóc tai xổ ra, lăn hết vòng này sang vòng kia… Nhìn vào ta có cảm tưởng như đứa con dâu này có hiếu với cha chồng lắm lắm. Nhưng kỳ thực đó là một sự trả thù. Mình làm khổ thân mình, để trả cái thù mà mình không thể nào trả được. Mình tiết ra cái bạo động mà mình đã không tiết ra được. Nếu mình tự tử, nếu mình nhảy vào xa lộ cho xe cán, nếu mình nhảy xuống sông, tất cả những điều đó là những hậu quả của sự bạo động đã đi vào trong con người của mình mà mình không chuyển hoá được. Phương pháp để giải thoát cho những người như vậy là Từ quán và Bi quán. Không phải là để nuốt cái bạo động đó vào trong người mà để chuyển hoá bạo động đó bằng cái thấy của tuệ giác.