Người dưng
Sau đó có thể là nhiều tháng sau, ta sẽ lấy một người dưng (không thương cũng không ghét) làm đối tượng quán chiếu. Ví dụ như ông đưa thư. Ông đưa thư thì mình cũng có hơi thương hoặc hơi ghét rồi đó. Một người nào đó, mình có biết, nhưng không thân cũng không ghét. Người đó cũng có thể làm tiêu biểu cho một hạng người trong xã hội. Ví dụ như ta không biết người Bosnia nhiều mà muốn thương người Bosnia thì ta phải lấy một người Bosnia mà ta biết để làm đối tượng. Trong quá trình quán chiếu ta mới thấy sắc. thọ, tưởng hành, và thức của người đó hoàn cảnh đất nước của người đó và khi ta thương được người đó, thì ta cũng có thể thương được hết dân Bosnia. Khi chúng ta biết và hiểu được một người thì chúng ta thương người đó dễ dàng hơn. Chưa biết gì về một người mà bắt thương người ấy thì thật là khó. Khi xem một tấn tuồng hát bội hay là một truyện phim và theo dõi cuộc đời của vai chính ta sẽ có cảm tình với vai chính đó, nhất là vai chính đó đang bị khổ đau, nguy hiểm – nhất là vai chính đó có một trái tim rất tốt. Chúng ta lo sợ khi thấy tai nạn có thể xảy ra cho người đó. Khi người đó chạy trốn chúng ta cũng muốn chạy trốn theo người đó; chạy mau mau, chạy mau thêm chút nữa! Trong lòng chúng ta có cái cảm tình như vậy. Cho đến nỗi dù nhân vật đó là một tướng cướp, một người không đứng theo phe thiện, mà nếu chúng ta đã biết, đã hiểu nhân vật đó rồi thì chúng ta cũng không muốn người đó bị bắt hay bị giết. Điều đó chứng tỏ rằng tình thương của ta đối với một người tuỳ thuộc ở chỗ chúng ta biết và hiểu được nhiều về sắc, thọ, tưởng, hành và thức của người đó. Không biết thì không thể thương, hoặc tình thương rất mơ hồ.
“Mong rằng tất cả các loài chúng sanh đều được hạnh phúc và an toàn”, đối tượng này không rõ ràng, không cụ thể. Khi thấy một con sâu chết, chúng ta có thể nói: “Mong sao cho con sâu này và những con sâu đồng loại của nó có thể sống suốt cả mùa xuân, mùa hè và mùa thu, không bị tai nạn, không bị ai dẫm lên” và lúc đó lòng thương của chúng ta đối với loài sâu kia mới có thật. Hồi sáng khi đi thiền hành, chúng ta đã thấy một sinh vật chết mà thịt đã rữa ra, làm lòi cả bộ xương trắng hếu từ xương đầu cho đến xương lồng ngực và xương đuôi, rất rõ ràng. Khi thấy được rõ ràng như vậy ta khởi lên một tâm niệm xót thương, và ta thương ngay được sinh vật đó. Thương được con vật đó thì ta có thể thương được tất cả những con tương tự. Cái thấy và cái hiểu đưa tới cái thương, vì vậy trí tuệ là chất liệu để làm nên Từ Bi. Ta thấy được về ta, ta hiểu được ta thì ta mới có thể thương ta được. Ta thấy được về người, ta hiểu được người thì ta mới có thể thương người được. Nếu không thì chẳng qua chỉ là những chúc tụng hời hợt, không có năng lượng. Quán chiếu thành công thì những người dưng trở thành người thân thuộc của mình. Ta cũng thấy trong họ tất cả những ước muốn, những lo sợ, những phiền não giống như ta đã có. Vì vậy cho nên ta thương rất dễ.