Tình thương chuyển hóa hận thù và khổ đau

Trong khi ta làm như vậy thì trong con người ta vắng mặt những tâm sở tiêu cực như nội kết, oán thù, sân nhuế, và tranh đoạt. Kinh A Hàm dùng bốn danh từ là vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh. Trong khi đó bản dịch Đại Trí Độ Luận lại dùng bốn từ khác là vô nhuế, vô hận, vô oán, vô não. Cố nhiên là trong khi tâm ta theo Từ và đi về một phương hay hai phương hay ba phương thì phải có sự vắng mặt của bốn tâm sở tiêu cực này. Nếu bốn tâm sở này vẫn còn có mặt thì Từ không có mặt đích thực. Trong trường hợp này dù mình có nói bằng miệng hay bằng trí óc là mình chấp nhận, muốn thương yêu thì mình cũng vẫn chưa chấp nhận và thương yêu được. Vì vậy cho nên các bộ luận lớn đều dạy: trước khi thực tập tâm Từ ta phải thực tập quán chiếu để đối trị với cái giận và cái oán của ta trước.

Có một học giả tây phương tên là Etienne Lamotte trong khi dịch Đại Trí Độ Luận có nói một câu trong phần chú giải của ông rằng Tứ Vô Lượng Tâm là những sự cầu chúc, ước muốn hoàn toàn có tính cách lý tưởng ý niệm. Ông nói: Les quatres immesurables ne sont que des souhaits complètement platoniques”. Platonique có nghĩa là chỉ có ý thức trong chủ quan của ta thôi chứ không có trong thực tế bên ngoài. Etienne Lamotte nói như vậy ta có thể hiểu được vì ông chỉ là một nhà học giả thôi. Ông là người Cơ Đốc giáo.

Đại Trí Độ Luận là một bộ luận được trước tác vào thế kỷ thứ hai, khi Phật giáo đại thừa đang lên. Trong Đại Trí Độ Luận thầy Long Thọ nói về Từ như sau:

Khi chúng ta mong mỏi cho chúng sanh mười phương được hnh phúc thì trong các tâm sở phát sinh một tâm sở gọi từ (maitri). Tâm sở này bắt đầu đi theo thọ, tưởng, hành, thức các pháp ấy làm khởi ra những hành động về lời nói về thân thể tác động trên các pháp bất tương ứng khác.

Tt c các pháp ấy h hp với nhau đu được gi từ c, vì các pháp y sinh ra lấy từ làm gốc, do đó cho nên gọi từ. Các pháp tâm tâm sở tuy đều những điều kiện tạo ra hành động cho đời sau nhưng tất cả đều do tâm sở (cetana, ý chí) tên, tại trong sự tạo tác các nghiệp thân khẩu thi ( cetena ý chí) năng lượng lớn mạnh nhất. Đối với bi, đối với hỷ, đối với xả cũng vậy.

Ý của thầy Long Thọ (Nagarjuna) nói là khi trong lòng ta mong mỏi cho tất cả chúng sanh được an lạc thì có một tâm sở phát sinh gọi là Từ, tức là nguồn năng lượng thương yêu. Khi tâm sở Từ phát sinh ra thì những hiện tượng là thọ, tưởng, hành, thức đều đi theo và chịu ảnh hưởng của tâm Từ cả. Cố nhiên là trong những tâm hành đó có tâm hành gọi là Từ (cétana–volition) và không những những hiện tượng thọ, tưởng hành và thức chịu ảnh hưởng Từ mà những pháp gọi là tâm bất tương ứng cũng bị ảnh hưởng Từ nữa. Khi các tâm sở chịu ảnh hưởng Từ rồi thì tâm sở Tư (tức là ý chí muốn làm cái gì đó) cũng chịu ảnh hưởng và có tư thì cố nhiên là có ảnh hưởng về nghiệp, tức là về hành động trong tương lai. Có Từ rồi thì khẩu nghiệp ta sẽ đi theo với Từ, tức là ta sẽ nói những lời yêu thương, những lời xây dựng, những lời làm cho người kia có hạnh phúc. Rồi đến thân nghiệp là những hành động có thể đem lại niềm vui và sự bớt khổ cho người. Khẩu nghiệp và thân nghiệp là kết quả của ý nghiệp mà khi trong ý nghiệp đã có Từ thì tất cả hành động đều sẽ nương vào tâm sở Tư (ý chí) này mà phát xuất.

Nói như vậy nghĩa là khi tâm sở Từ sinh ra thì thế nào nó cũng được biểu lộ qua hành động, lời nói, và việc làm. Nhưng cũng có một chỗ thầy Long Thọ nói rằng tứ vô lượng tâm chỉ là những ức tưởng bên trong mà thôi giống hệt như ông Lamotte khi ông nói về souhait platonique. Chính thầy đã mớm lời cho ông Lamotte nói theo. Nhưng ta có thể hiểu tại sao. Thầy Long Thọ đang lo lắng làm thế nào để chuyển cái nhìn tiểu thừa tới cái nhìn đại thừa. Vì vậy nên thầy nói: “Những người tiểu thừa cũng tu tứ vô lượng tâm nhưng tứ vô lượng tâm của họ chỉ là ức tưởng. Tứ vô lượng tâm phải đi đôi với lục độ ba la mật thì mới là tứ vô lượng tâm của Bồ tát để có thể ra hoá độ ở cõi đời.” Vì muốn đưa đại thừa lên mà thầy đã vô tình làm một lầm lỗi là nói trong giới thanh văn (tức tiểu thừa) tu tứ vô lượng tâm hoàn toàn chỉ là những ức tưởng bên trong chứ không có ảnh hưởng gì tới bên ngoài. Nói như vậy là nói ngược lại những điều mình vừa nói trước. Mà điều mình vừa nói trước là sự thật. Hễ trong lòng mình có tâm sở Từ thì sớm hay muộn gì nó cũng được biểu lộ qua hành động, lời nói và thân thể. Vậy thì nói rằng tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả chỉ là những ức tưởng và là những sự cầu mong bên trong là không đúng.