Thuốc bệnh và thuốc bổ
Chúng ta sẽ đi vào những phương pháp thực tập cụ thể để Từ Bi Hỷ Xả trở thành những năng lượng có thật, có thể biểu hiện ra sự sống và chuyển đổi con người mình. Khi nghe những bài pháp thoại về tứ vô lượng tâm chúng ta phải lấy đời sống mình, những kinh nghiệm của mình, những nỗi khổ của mình để tạo tác ra những bài tập và chúng ta sẽ thực tập trong suốt thời gian đó.
Để kết luận, ta có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những thứ thuốc để chữa bệnh. Thuốc có hai loại, một là thuốc bổ, hai là thuốc bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là thuốc bổ chỉ bổ thôi hay thuốc bệnh chỉ để chữa bệnh thôi; thuốc bổ cũng có thể chữa bệnh và thuốc bệnh cũng có thể bồi bổ. Đó là vấn đề tương tức. Từ, theo định nghĩa, là hiến tặng hạnh phúc. Một người kia đang bị bệnh mà sức khoẻ héo mòn. Ông thầy thuốc nói: Chữa bệnh thì chữa nhưng vì người này yếu quá thành ra ta phải cho uống thuốc bổ để ông ta mạnh lên một chút. Chúng ta ai cũng biết rằng khi bị cảm mà uống thuốc bổ vào thì ta có thể cảm thêm, cho nên thầy thuốc thường trị bệnh rồi mới cho thuốc bổ, hoặc nếu cho thuốc bổ thì phải có thuốc bệnh đi theo. Phân tích ta sẽ thấy rằng Từ và Hỷ là thuốc bổ. Có những trường hợp người kia sầu khổ quá chừng, không có khả năng tiếp nhận nguồn vui do mình đưa tới ta biết rằng thuốc bổ trong trường hợp đó chưa có thể xử dụng được, và ta phải chữa cái bệnh sầu đau của người đó, trước khi người đó có khả năng tiếp nhận niềm vui. Trời rất xanh, hoa nở rất đẹp, ta muốn đưa người kia ra để tiếp xúc với trời xanh mây trắng nhưng vì niềm đau lớn quá, người kia không tiếp xúc được vì vậy ta phải chữa bệnh trước, phải dùng tới thuốc Bi. Bi là chuyển hoá chất khổ đau. Xả cũng vậy. Ta hãy xem Từ và Hỷ là những thứ thuốc bổ đem lại sức khoẻ, đem lại hạnh phúc còn Bi và Xả là những thuốc bệnh để chuyển hoá sầu đau, kỳ thị, vướng mắc. Nếu cơ thể ta mạnh hơn lên một chút, khoẻ hơn lên một chút thì tự nhiên khả năng chuyển hoá khổ đau của ta sẽ tăng cường gấp bội nhưng sự phân biệt giữa thuốc bệnh và thuốc bổ này cũng chỉ có giá trị tương đối.