Theo đạo nhất thần cũng có thể thực tập đạo Bụt

Chúng ta nên biết rằng vào thời của Bụt có rất nhiều người tin tưởng và mong ước sau khi chết được sanh lên cõi trời Phạm Thiên để cộng trú với Brahma. Brahma là tương đương với Thượng đế của nhất thần giáo. Vấn đề cũng giống hệt như ngày hôm nay. Nếu ở Cơ Đốc giáo các bạn chúng ta nói rằng Thượng đế là tình thương, "God is love", thì ngày xưa cũng vậy, Brahma là tình thương và Bụt nói rằng muốn cộng trú với Brahma thì ta phải có cùng một chất liệu với Brahma là tình thương. Nếu giữa chúng ta với Phạm Thiên mà không có một cái gì tương ứng hết thì làm sao chúng ta có cơ duyên để sống chung với Phạm Thiên. Nếu quý vị không xuất gia và sống trong tăng đoàn của chúng tôi thì quý vị cũng có thể tiếp tục tu học với niềm tin tưởng ở Brahma. Tuy nhiên ít nhất quý vị phải thực tập tứ vô lượng tâm thì mới mong có thể sinh lên cõi Phạm thiên được. Ta thấy rằng Bụt không bắt buộc họ phải nhất thiết từ bỏ niềm tin nơi Phạm thiên mới có thể thực tập được giáo lý của Người. Điều này là một điều rất quan trọng mà chúng ta có thể học được của đức Thế Tôn: không bắt buộc người khác phải bỏ niềm tin của họ mới có thể thực tập được giáo lý đạo Bụt. Đối với các bạn Tây phương có gốc rễ tâm linh của họ, chúng ta cũng phải làm như Bụt đã làm. Chúng ta nói với họ: quý vị không cần phải bỏ gốc rễ tâm linh và tôn giáo của quý vị. Nếu quý vị gốc Do thái thì quý vị cứ giữ gốc Do Thái nếu quý vị có gốc Cơ Đốc thì quý vị cứ giữ gốc Cơ Đốc. Quý vị cứ thực tập những gì quý vị thấy hay trong đạo Bụt. Tinh thần này của chúng ta chẳng qua là nối tiếp tinh thần của Bụt mà thôi. Chúng ta nhớ khi những giáo sĩ Cơ Đốc mới tới Việt Nam, họ không có thái độ đó. Họ nói phải từ bỏ cái đức tin hiện có của quý vị thì quý vị mới có thể theo được đạo Chúa. Và họ không cho phép người Việt thờ cúng ông bà hay lên chùa lạy Phật. Phương pháp của chúng ta là phương pháp đi ngược hẳn lại, vì ta biết rằng khi một con người bị bứng ra khỏi môi trường văn hoá và tâm linh của mình thì người đó sẽ không có hạnh phúc. Vì vậy thay vì khuyên người ta bỏ gốc rễ của họ thì ta khuyên họ trở về với gốc rễ. Và đường lối đó, ta biết Bụt đã khởi sự làm trong thời đại của ngài đối với những người tin tưởng ở Phạm Thiên. Ngài đã đề nghị họ thực tập bốn tâm vô lượng.