Tám: Trở thành một vị Bồ tát
Nhiều người trong chúng ta ngồi thiền là để trốn chạy khổ đau của mình, bởi vì ngồi thiền đem lại cho ta một ít thư giãn, tĩnh lặng, giúp ta từ bỏ thế giới khổ đau tranh chấp để trải nghiệm một ít an vui và hạnh phúc. Chúng ta ngồi thiền để bớt đau khổ. Chúng ta hành xử như những con thỏ chui vào cái hang của nó để có cảm giác được an toàn và được bảo hộ, để không bị quấy rầy. Chúng ta muốn bỏ lại thế giới sau lưng. Chúng ta hành xử như vậy là bởi vì ta khổ đau quá nhiều, nên muốn chạy trốn để được nghỉ ngơi. Nhưng đó không phải là mục đích đích thực của thiền tập. Khi ta ngồi như một con thỏ chui vào hang, ta chỉ trốn tránh khổ đau, trốn tránh thực tại. Chúng ta phải sử dụng trí thông minh và định lực của ta để đạt được tuệ giác, chuyển hóa khổ đau trong lòng và trở thành một vị Bụt, trở thành một người giải thoát giác ngộ.
Trong đạo Bụt, có ý niệm về tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chúng ta có khả năng rời bỏ cõi dục, buông bỏ những tham muốn thèm khát, để lại sau lưng thế giới của dục lạc để nếm được niềm an vui và hạnh phúc. Đó là bước đầu tiên của sự thực tập. Cho dù chúng ta có rời bỏ cõi dục giới đi chăng nữa thì những cuộc độc thoại trong tâm chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động. Đó là lý do tại sao ta phải thực tập tĩnh lặng. Những cuộc độc thoại được làm bằng hai yếu tố: tầm (vitarka) và từ (có khi gọi là tứ, vicāra). Tầm là suy nghĩ đơn thuần ban đầu và từ là suy nghĩ sâu xa hơn, nghĩ lui nghĩ tới, liên tục không ngừng.
Chúng ta không thể dừng suy nghĩ được. Trong đầu ta luôn có một cái máy thu thanh chạy liên tục, đó là tiếng ồn gây ra bởi những cuộc độc thoại luôn diễn ra trong tâm thức ta. Để dừng lại những suy nghĩ, dừng lại những cuộc độc thoại đó, chúng ta phải nhận diện và an trú nơi hơi thở vào ra. An trú nơi hơi thở vào ra là ta có khả năng dừng lại những cuộc độc thoại ấy. Đó là tĩnh lặng. Chúng ta có thể ngồi theo dõi hơi thở và “chơi” với hơi thở vào ra, thưởng thức sự tĩnh lặng, thưởng thức sự vắng mặt những cuộc độc thoại trong tâm thức, và thưởng thức niềm an vui hạnh phúc của mình.
Tuy nhiên chừng đó cũng chưa đủ. Nếu chỉ thực tập chừng đó thôi thì ba năm sau, chúng ta có thể rời bỏ tăng thân. Khi chúng ta từ bỏ tăng thân để trở về với thế giới bên ngoài, một lần nữa ta lại thấy được khổ đau trên thế giới nhiều đến mức nào. Sau ba tháng, hoặc một năm sống với thế giới bên ngoài, ta lại muốn quay trở lại với tăng thân. Và điều đó cứ tiếp tục tái diễn. Chúng ta có thể thực tập như trước, an vui và hạnh phúc được phát sinh từ sự tĩnh lặng, nhờ bỏ lại mọi thứ sau lưng.
Đây là một tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở chúng ta phải đi sâu hơn. Khi thực tập không có hạnh phúc, chúng ta thường đổ lỗi cho những thứ làm cho ta không hạnh phúc. Chúng ta nói rằng sở dĩ ta không hoàn toàn hạnh phúc vì những điều kiện bên ngoài và chung quanh ta, mà không phải là do ta gây ra. Đây là vấn đề của tất cả các trung tâm tu học. Nếu biết rõ vấn đề, chúng ta sẽ có khả năng xây dựng một tăng thân như thế nào để mọi người có thể nhận ra được điều này. Sở dĩ ta không có hạnh phúc là vì ta không biết cách gìn giữ và duy trì niềm hạnh phúc của ta. Ta không biết cách thực tập sâu hơn để chuyển hóa những lo lắng, muộn phiền, bất an, chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ thâm sâu vẫn còn nằm trong chiều sâu tâm thức ta.
Nỗi khổ đau đó có thể là nỗi khổ đau ta chịu đựng trong khoảng thời gian thơ ấu. Có thể do khi còn nhỏ ta đã bị lạm dụng. Hoặc là nỗi khổ đau của cha mẹ trao truyền lại, do lúc còn nhỏ cha mẹ ta bị đối xử tệ bạc và bây giờ nỗi khổ đau đó trở thành nỗi khổ đau của ta. Cho dù chúng ta còn rất mơ hồ về nỗi khổ của ta, chúng ta cũng phải thực tập để tiếp xúc với nó. Sử dụng tuệ giác để nhận diện. Nếu cần khổ đau, chúng ta cứ khổ đau và chúng ta có thể nói: “Tôi sẽ khổ đau, bởi vì tôi biết rằng khổ đau như thế, tôi sẽ học hỏi được từ khổ đau và tôi sẽ khá hơn”. Điều này cũng giống như ta ăn mướp đắng. Chúng ta không sợ hãi vì ta biết rằng mướp đắng giúp ích cho ta.
Vì vậy, khi nỗi khổ đau xuất hiện, chúng ta có mặt với nó, chào đón nó, cho dù đó là cơn giận, nỗi tuyệt vọng, hay sự bất mãn về điều gì đó mà ta không đạt được. Cho dù khối khổ đau đó không có tên gọi, và ta chưa gọi được tên nó thì nó vẫn là nỗi khổ đau. Vì vậy ta phải sẵn sàng chào đón nó, ôm ấp nó nhẹ nhàng và sống với nó.
Khi chúng ta chấp nhận được nỗi khổ đau và sẵn sàng đau khổ, thì nỗi khổ đau không quấy rầy ta nữa. Chúng ta thấy rằng chúng ta có khả năng sống với nỗi khổ đau đó. Bởi vì nỗi khổ đau sẽ giúp ích cho ta, giống như mướp đắng vậy, nó sẽ trị liệu ta. Vì vậy ta hãy cho phép nỗi khổ đau có mặt. Chấp nhận nó, sẵn sàng khổ đau một ít để được học hỏi. Nếu không chấp nhận nó, không ôm ấp nó nhẹ nhàng, ta sẽ không biết nó là gì. Ta sẽ không hiểu được rằng khổ đau có thể dẫn dắt ta, mang đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Không có khổ đau, không hiểu được nỗi khổ đau thì sẽ không có hạnh phúc chân thật.
Chấm dứt hiểu lầm
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, hàng triệu người tin rằng tôi là cộng sản, còn những người khác thì tin rằng tôi là thành viên của CIA. Nếu quý vị ở trong hoàn cảnh đó quý vị sẽ khổ đau rất nhiều. Quý vị có thể nghĩ mình là nạn nhân của sự hiểu lầm và bất công. Quý vị có thể nghĩ rằng khổ đau chỉ chấm dứt khi người ta không còn nghĩ mình là cộng sản hay là thành viên của CIA nữa. Tuy nhiên chúng ta có thể làm khác đi, chúng ta có thể chấp nhận tình huống đó. Có cả hàng triệu người tin rằng quý vị là cộng sản, và cũng có hàng triệu người khác tin rằng quý vị là người yểm trợ cho CIA. Đó là cách nghĩ duy nhất của họ, một là thuộc về bên này, hai là thuộc về bên kia. Tôi không phải là cộng sản, cũng không phải là người của CIA, vì vậy không có lý do gì để tôi đau khổ cả. Chỉ bằng cách sống, cách hành động và cách nói năng, tôi có thể chứng minh được tôi có thiện chí tốt, có mục đích lành mạnh, đó là mục đích đạt được bình an và hòa giải. Nếu chúng ta có khả năng làm được điều đó thì khổ đau không còn quấy rầy ta nữa.
Khổ đau là do sự hiểu lầm, giận dữ, hận thù và vô minh gây ra. Nếu chúng ta trông chờ vào người khác để xua tan đi những hiểu lầm này, có thể ta phải chờ đợi rất lâu. Chúng ta phải đi sâu hơn, dùng định lực và tuệ giác của ta để hiểu, rằng những người chung quanh ta khổ đau là do cách họ suy nghĩ, cách họ hành động và cách họ nói năng. Nếu ta khổ đau như họ, ta sẽ không giúp được họ. Vì vậy chúng ta phải thấy được vấn đề để chuyển hóa khổ đau, phải phát khởi tuệ giác và từ bi để giúp đỡ họ. Với thái độ và sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ không khổ đau nữa, bởi vì bây giờ ta có tuệ giác và từ bi. Tuệ giác và từ bi này ta chỉ có thể đạt được bằng sự thực tập mà thôi.
Trong suốt thời đại của Bụt, Bụt cũng từng gặp những khó khăn và bất công. Một lần nọ, có người giết một cô vũ công rồi chôn thi thể cô ấy trong khuôn viên tu viện và sau đó báo cho quan quân. Quân lính đến, khám phá ra thi thể đó và bắt đầu loan tin là Bụt và quý thầy đã tà dâm với cô vũ công này, rồi giết cô ta và chôn giấu thi hài cô. Vào buổi sáng khi quý thầy mang áo, cầm bát đi vào thành để khất thực, người ta nhìn quý thầy với một cái nhìn nghi kị, khinh miệt và khó chịu.
Điều này xảy ra trong nhiều ngày. Quý thầy chịu không nổi nữa nên đến thưa với Bụt: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con không thể chịu đựng nổi nữa. Mỗi khi chúng con đi vào thành, người ta nhìn chúng con với con mắt khinh miệt như thế, chúng con rất đau khổ”. Đức Bụt nói: “Điều quan trọng là quý thầy không làm điều đó, quý thầy không làm những điều mà người ta lên án cho rằng quý thầy làm. Quý thầy biết rõ là quý thầy giữ gìn uy nghi và giới luật nghiêm túc. Một ngày nào đó, bằng cách sống và thực tập của chính mình, sự hiểu lầm sẽ tan biến đi. Những chuyện như thế này thường xảy ra khắp nơi trên thế giới. Nếu quý thầy hiểu được điều này và quý thầy có lòng từ bi, quý thầy sẽ không khổ đau. Có những người hay những nhóm người vì sự ganh tị và đố kị mà đã tạo ra những tình huống để bôi nhọ thanh danh của chúng ta. Những người như thế họ khổ đau rất nhiều. Vì vậy, ta phải đối xử với họ bằng lòng từ bi. Nhờ thực tập mà chúng ta có khả năng giúp họ thức tỉnh và giúp họ hiểu được rằng những gì họ đã làm không xứng đáng với những người đi trên con đường tâm linh”. Nghe Bụt nói, quý thầy không còn khổ đau nữa.
Vài tuần sau, cư sĩ Cấp Cô Độc, học trò của Bụt và cũng là người người yểm trợ Bụt hết lòng, thuê những thám tử tư để dò xét, và họ đã tìm ra tội phạm. Tuy nhiên tăng đoàn của Bụt đã phải chịu khổ đau gần cả tháng vì sự việc này.
Sở dĩ ta khổ đau ít hay nhiều, hay không khổ đau tí nào cả, là do ta có tuệ giác và từ bi hay không. Hoàn toàn là tùy thuộc vào ta. Vì vậy, nếu cần một ít khổ đau thì hãy cho phép ta khổ đau. Ôm ấp nỗi khổ đau một cách nhẹ nhàng bằng tất cả trái tim mình, sử dụng nguồn định lực và tuệ giác, quán chiếu cho thật sâu sắc, để phát khởi tâm từ bi và sự cảm thông. Nhờ thế ta sẽ không ghét người đã gây cho ta khổ đau. Ta nguyện tập sống như thế nào để có thể giúp được người ấy.
Nếu nỗi khổ đau của ta được cha mẹ trao truyền lại thì cũng đừng đổ lỗi cho cha mẹ. Ví như cha mẹ không có cơ hội gặp được Phật Pháp, không có cơ hội thực tập cho nên nỗi khổ đau đó cứ tiếp tục biểu hiện trong cha mẹ và cha mẹ đã trao truyền nó lại cho ta. Nếu chúng ta biết cách thực tập, chúng ta sẽ giúp được cho cha trong mình, giúp được cho mẹ trong mình. Chúng ta sẵn sàng khổ cho cha, sẵn sàng khổ cho mẹ. Khổ đau như thế không phải là một điều tiêu cực. Chúng ta khổ đau để biết cách tìm đường đi ra. Ta hãy cho phép mình khổ đau một ít. Đừng cố chạy trốn khổ đau. Đây là một sự thực tập rất mầu nhiệm. Có nhiều đứa trẻ ban đầu rất ghét khổ qua (mướp đắng), nhưng khi lớn lên chúng rất thích ăn canh khổ qua.
Trường hợp khó nhất là khi ta biết khổ đau có mặt đó nhưng không biết được bản chất của nỗi khổ đau ấy vì nó rất mơ hồ. Ta không thể gọi tên được. Nó thật sự có mặt trong ta, tuy nhiên rất khó để soi chiếu ánh sáng ý thức vào đó để nhận diện. Đó là do ta có những bế tắc trong lòng, do ta có những kháng cự, có khuynh hướng chạy trốn, và không chịu quay trở về với chính mình để nhận diện nó. Như chúng ta đã biết, đây là khuynh hướng của thức mạt na. Mỗi khi chuẩn bị tiếp xúc với nỗi khổ đau, ta không muốn đụng tới nó, ta muốn chạy trốn. Ta đã hành xử như thế lâu lắm rồi, vì vậy ta không có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và nhận diện nỗi khổ đau. Ta phải nói với chính mình rằng ta sẽ không hành xử như vậy nữa. Bất cứ khi nào nỗi khổ đau đến gần ta, ta sẽ dừng lại để đón tiếp, ta sẽ không chạy trốn nữa. Bằng cách quan sát và ý thức chánh niệm, ta sẽ có khả năng nhận diện nỗi khổ đau trong ta. Bởi vì bất kỳ khối khổ đau nào cũng luôn tìm cách biểu hiện. Chúng ta không cần phải tìm cách trở về quá khứ để tiếp xúc và nhận diện khổ đau. Chúng ta chỉ cần có mặt trong giây phút hiện tại, với sự cẩn trọng và chánh niệm, chúng ta sẽ thấy nó biểu hiện bằng cách này hay cách khác. Khi nhận ra những dấu hiệu biểu hiện, chúng ta sẽ có khả năng nhận diện được bản chất của nỗi khổ đau đó.
Thiền tập trong đạo Bụt chú trọng đến phút giây hiện tại. Chúng ta không cần phải trở về quá khứ, trở về với tuổi thơ để tiếp xúc với nỗi khổ đau và tìm hiểu nguyên nhân của nỗi khổ đau đó. Chúng ta chỉ cần có mặt ngay nơi phút giây hiện tại và quan sát. Chúng ta sẽ thấy rằng nỗi khổ đau có gốc rễ từ quá khứ sẽ biểu hiện, có thể nỗi khổ đau này đã có từ trong nhiều kiếp trước. Thực tế nó biểu hiện trong mọi lúc và chúng ta có thể nhận diện được.
Con người tỉnh thức
Đức Bụt là một trong những mẫu người mẫu mực, đẹp nhất của loài người mà ta gọi là loài người tỉnh thức. Chúng ta đã có loài người đứng thẳng, loài người khéo léo, và loài người ý thức. Bây giờ ta có cụm từ loài người tỉnh thức. Người tỉnh thức là người có ý thức, chánh niệm. Đây là một cụm từ đã được mọi người dùng trước đây mà không phải do tôi sáng tạo ra.
Khi con người ý thức rằng “mình sẽ bệnh, mình sẽ già, mình sẽ chết…” thì cái ý thức đó có thể mang tới cho ta nhiều lo lắng, sợ hãi, thống khổ, và điều này có thể làm cho ta bệnh hoạn. Người ta tự hỏi là liệu có một loài khác ít ý thức hơn và không khổ đau vì những lo lắng cho tương lai của mình hay không? Vì loài người có những nỗi thống khổ đó nên ta đặt ra những câu hỏi triết học như: Tôi là ai? Điều gì sẽ xảy ra cho tôi? Trong quá khứ tôi có tồn tại không? Nếu có, thì trong quá khứ tôi thuộc loài nào? Trong tương lai tôi có tồn tại không? Nếu có, tôi sẽ thuộc loài nào? Tất cả những câu hỏi đó đến từ nỗi khổ đau trầm kha của chúng ta và đem đến cho ta nhiều bất an, bệnh tật. Và những câu hỏi như: Cha mẹ tôi có muốn tôi có mặt trên cõi đời này không? Có phải tôi ra đời là vì mong muốn của cha mẹ không hay vì tai nạn? Có ai thương tôi không? Tất cả những câu hỏi đó cũng đến từ nỗi thống khổ này và những suy nghĩ dựa trên những nỗi thống khổ đó.
Tuy nhiên, khả năng ý thức, khả năng làm người có chánh niệm sẽ cứu chúng ta. Ý thức đó sẽ giúp chúng ta biết rằng môi trường hành tinh xanh này là của tất cả mọi loài, và ta nhận ra rằng loài người đang hủy hoại môi trường sống này. Khi người ta ý thức những nỗi khổ đau do áp lực chính trị, bất công xã hội gây ra, họ sẽ có khả năng dừng lại những gì họ đang làm và giúp những người khác dừng lại để đi về một hướng khác, đó là hướng bảo hộ hành tinh xanh. Ý thức của chúng ta đưa đến những lo lắng, bất an, sầu khổ. Nhưng nếu ta biết cách sử dụng ý thức đó, biết cách sử dụng chánh niệm đó, ta sẽ có khả năng thấy được tình trạng của chúng ta. Chúng ta sẽ biết những gì chúng ta nên hay không nên làm để chuyển hóa tình trạng, mang lại bình an, hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp cho tương lai.
Ngồi thiền không phải để đạt được giải thoát giác ngộ trong tương lai. Khi ngồi ta có cơ hội có mặt hoàn toàn cho chính mình. Chúng ta thở như thế nào để chúng ta thực sự sống trọn vẹn, hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại, trong cái bây giờ và ở đây. Có thời gian để ngồi, có thời gian để đi, có thời gian để đánh răng, để tận hưởng dòng nước mát đang chảy trên đôi tay, đang tẩy sạch xà phòng khi mình rửa tay, đó là văn minh.
Khi ăn cơm, chúng ta ăn như thế nào để sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, khinh an và hạnh phúc có mặt, bởi vì ăn cơm chung với nhau là một sự thực tập sâu sắc. Cũng giống như thở, ngồi, đi và làm việc, ta ăn như thế nào để tổ tiên của ta cùng ăn với ta. Cha ta cùng ăn với ta, mẹ ta cùng ăn với ta, ông bà nội ngoại cùng ăn với ta. Ngồi thoải mái thảnh thơi như một người tự do, không có chuyện gì ràng buộc, không lo lắng buồn khổ. Đức Bụt dạy ta khi ăn đừng để đánh mất mình trong những suy nghĩ và những cuộc chuyện trò vô nghĩa. Chúng ta nên an trú trong phút giây hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với thức ăn và với mọi người chung quanh. Ăn như thế nào mà hạnh phúc, nhẹ nhàng, bình an có mặt để cho tổ tiên và con cháu ta được thừa hưởng lợi lạc.
Khi tôi còn là một cậu bé bốn, năm tuổi, mỗi khi đi chợ về mẹ tôi thường mua cho tôi một cái bánh đậu xanh. Khi mẹ đi vắng, tôi thường ra vườn chơi với những viên sỏi và những chú ốc sên. Khi mẹ tôi về, tôi rất hạnh phúc, chạy vào cầm chiếc bánh mẹ cho rồi chạy ra vườn ăn. Tôi biết là tôi không nên ăn nhanh, tôi phải ăn thật chậm rãi, càng chậm càng tốt. Tôi chỉ cắn từng miếng thật nhỏ quanh phần rìa chiếc bánh, nhai thật chậm cho chất ngọt thấm vào miệng và ngước nhìn lên bầu trời. Rồi nhìn xuống con chó, con mèo. Tôi ăn bánh như vậy đó, phải mất nửa tiếng mới ăn hết chiếc bánh. Tôi không lo lắng gì cả. Tôi không nghĩ về danh vọng, địa vị hay lợi nhuận. Vì vậy chiếc bánh tuổi thơ là một ký ức tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên được. Tất cả chúng ta đều sống qua những giây phút đẹp đẽ như thế khi chúng ta không tham đắm, hối tiếc bất cứ điều gì. Ta sẽ không đặt ra những câu hỏi triết học như ‘tôi là ai’ nữa. Bây giờ ta có khả năng ăn một chiếc bánh, uống một tách trà như thế không? Ta có khả sống với chính mình một cách hạnh phúc trong môi trường chúng ta đang sống không?
Chúng ta có thể học đi trở lại, chậm rãi như một người tự do, không một bóng ma nào có thể đuổi theo sau lưng ta. Chúng ta phải học cách ngồi, ngồi cho khỏe nhẹ, thoải mái như thể ta đang ngồi trên hoa sen mà không phải ngồi trên một đống than hồng. Ngồi trên than hồng ta sẽ đánh mất bình an. Chúng ta sẽ học cách thở, cách mỉm cười, cách nấu ăn. Mẹ ta đã dạy cho ta cách ăn, cách uống, cách đứng, cách đi, cách nói năng, mẹ ta dạy cho ta mọi thứ. Bây giờ ta phải học lại tất cả những thứ ấy bằng chánh niệm. Như thế chúng ta sẽ được tái sinh trở lại trong ánh sáng ý thức chánh niệm.
Bồ đề tâm
Bồ đề tâm là tâm giác ngộ, là sơ tâm. Khi chúng ta có cảm hứng muốn thực tập để chuyển hóa nỗi khổ đau trong ta và giúp những người quanh ta đang đau khổ cũng được chuyển hóa, cái tâm của giây phút đó rất đẹp. Đó là tâm của một vị Bồ tát, đã đạt tới giải thoát giác ngộ, muốn giúp đỡ cho tất cả chúng sanh. Có khi ta gọi đó là tâm thương yêu. Vì tình thương yêu mà ta thực tập. Chúng ta không muốn chỉ có trốn chạy khổ đau thôi, ta muốn nhiều hơn thế. Chúng ta muốn chuyển hóa nỗi khổ đau và đạt được giải thoát để giúp đỡ nhiều người chuyển hóa nỗi khổ đau của họ. Là quý thầy, quý sư cô hay cư sĩ, chúng ta phải giữ cho tâm ấy lớn mạnh, bởi vì đó là một nguồn năng lượng rất hùng hậu. Chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi nguồn năng lượng ấy. Nhờ nguồn năng lượng này mà chúng ta thực tập giới luật tinh chuyên. Chúng ta sẽ đủ năng lượng để đối diện và đi ra khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy nuôi dưỡng tâm thương yêu, gìn giữ sơ tâm, làm lớn mạnh bồ đề tâm là một sự thực tập rất quan trọng. Đừng để cho nó chết đi sau vài ba năm thực tập.
Tôi rất hạnh phúc giữ cho sơ tâm của mình lớn mạnh và bền bỉ, điều đó không có nghĩa là trên con đường thực tập tôi không gặp những chướng ngại. Thực tế tôi gặp rất nhiều chướng ngại, nhiều khó khăn trắc trở. Nhưng tôi không bỏ cuộc, bởi vì bồ đề tâm, sơ tâm trong tôi luôn luôn lớn mạnh. Vì vậy ta nên biết rằng mỗi khi tâm bồ đề còn hùng mạnh thì ta không cần phải lo lắng gì nữa cả. Cho dù gặp nhiều khó khăn trên đường đi, ta cũng có khả năng vượt qua. Khi nào thấy bồ đề tâm trong ta suy yếu thì khi đó ta biết ta sẽ gặp hiểm nguy lớn, bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu tâm bồ đề trong ta suy yếu. Cho nên ta hãy nuôi dưỡng bồ đề tâm, gìn giữ vị Bồ tát trong mình suốt đời, đừng để cho nó suy yếu đi. Chúng ta sẽ là những người hạnh phúc. Và ta có khả năng chế tác hạnh phúc cho nhiều người.