Sáu: Trị liệu em bé bên trong
Khi còn nhỏ, chúng ta rất mong manh, rất dễ bị tổn thương. Một cái nhìn nghiêm khắc của cha cũng có thể làm ta đau khổ. Một lời nói gắt gỏng của mẹ cũng có thể tạo nên vết thương trong tim ta. Là một đứa trẻ, ta có nhiều cảm thọ nhưng khó để bày tỏ. Ta cố gắng không biết bao nhiêu lần. Đôi khi ta tìm được lời lẽ thì người lớn chung quanh ta không lắng nghe ta hoặc không cho phép ta nói.
Chúng ta có thể trở về ngôi nhà của chính mình để nói chuyện với em bé, lắng nghe em và trả lời trực tiếp với em. Chính tôi cũng đã từng làm như vậy, ngay cả khi tôi nhận được tình thương và sự quan tâm từ cha mẹ. Sự thực tập này giúp tôi rất nhiều. Em bé vẫn còn đó và có thể bị tổn thương sâu nặng. Chúng ta đã bỏ bê em bé đó lâu lắm rồi. Bây giờ ta phải trở về an ủi, vỗ về, thương yêu và chăm sóc.
Thiền tập về em bé năm tuổi
Chúng ta có thể thiền tập về đề tài này trong khi ngồi thiền hay đi thiền. Điều quan trọng là ta phải tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái và có thể buông thư mà không bị gián đoạn ít nhất là trong vòng năm phút. Khi thở vào thở ra, ta có thể nói với chính mình:
Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi trong tôi bằng tình thương yêu.
Ban đầu chúng ta có thể nói nguyên câu, sau đó chúng ta chỉ dùng những từ khóa, như:
Tôi là em bé năm tuổi.
Mỉm cười bằng tình thương yêu.
Em bé năm tuổi bên trong ta cần nhiều tình thương và sự quan tâm, chăm sóc. Do vậy nếu mỗi ngày ta có năm phút để ngồi xuống và thiền tập về đề tài này thì rất hay. Rất được nuôi dưỡng và được an ủi. Bởi vì em bé năm tuổi trong ta vẫn còn sống và cần được chăm sóc. Bằng cách để ý và truyền thông, ta có thể thấy được em bé trả lời lại với chúng ta và nó sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu hơn. Nếu em bé thấy dễ chịu, ta cũng thấy dễ chịu và ta bắt đầu có tự do lớn.
Em bé bên trong ta không phải chỉ là bản thân ta thôi. Khi còn là một đứa trẻ, cha mẹ ta cũng đã từng khổ đau. Cho dù khi đã lớn lên, cha mẹ ta cũng không biết cách xử lý nỗi khổ đau đó, vì vậy cha mẹ đã làm cho con cái khổ đau. Họ là nạn nhân của nỗi khổ đau của họ, và con cái của họ cũng trở thành nạn nhân của những nỗi khổ đau ấy. Nếu chúng ta không có khả năng chuyển hóa nỗi khổ đau trong chúng ta thì ta sẽ trao truyền lại cho con cái ta. Mỗi bậc cha mẹ đều đã từng là em bé năm tuổi, rất mong manh và dễ bị tổn thương.
Cha tôi và tôi không phải là hai thực thể riêng biệt. Tôi là sự tiếp nối của cha tôi, vì vậy cha tôi có trong tôi. Giúp đỡ cho cậu bé năm tuổi là cha tôi trong tôi là cách trị liệu cho cả hai người cùng một lúc. Giúp đỡ em bé năm tuổi là mẹ tôi trong tôi là cách giúp mẹ tôi chuyển hóa và giải thoát. Tôi là sự tiếp nối của mẹ. Em bé năm tuổi bị tổn thương và khổ đau đó vẫn còn sống trong tôi. Nếu tôi có khả năng chuyển hóa và trị liệu cho cha mẹ tôi trong tôi, tôi cũng có thể giúp đỡ cha mẹ tôi ngoài tôi. Thiền tập về em bé năm tuổi sẽ giúp ta chế tác hiểu biết và thương yêu trực tiếp cho chính bản thân ta cũng như cho cha mẹ ta.
Chúng ta nói rất nhiều về cái hiểu. Nhưng liệu có cái hiểu nào cao hơn cái hiểu này không? Khi ta có thể mỉm cười được thì ta biết rằng ta đang mỉm cười với cha mẹ và giải thoát cho cha mẹ. Nếu thực tập được như vậy thì tất cả những vấn đề làm cho con người khổ đau như: Tôi là ai? Mẹ tôi có thương tôi không? Cha tôi có muốn tôi ra đời không? Cuộc sống tôi có ý nghĩa gì?… đều trở nên vô nghĩa.
Chúng ta không cần tìm về quê hương, không cần tìm về Ái Nhĩ Lan hay Trung Quốc để tìm lại gốc rễ của chính mình. Chúng ta chỉ cần tiếp xúc với mỗi tế bào trong cơ thể ta. Cha ta, mẹ ta, ông bà tổ tiên ta đều đang có mặt rất thực trong mỗi tế bào cơ thể ta, có mặt ngay cả trong những con vi khuẩn. Sự hiểu biết tỉnh thức được trao truyền cho ta qua tất cả các thế hệ, qua tất cả các loài có tri giác hoặc không có tri giác. Chúng ta cũng vừa là cha mà cũng vừa là con. Có khi ta biểu hiện dưới hình thức một người cha, một người mẹ, có khi ta biểu hiện dưới hình thức một người con. Ngay khi trái ổi được kết trái thì đã có hạt ổi trong đó rồi, vì vậy nó đã là một người mẹ, người cha rồi. Chúng ta có thể thực tập như sau:
Thở vào, tôi thấy cha tôi là cậu bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với cậu bé năm tuổi là cha tôi.
Cha, năm tuổi.
Mỉm cười với tình thương yêu.
Cha ta là một cậu bé năm tuổi trước khi làm cha. Là một cậu bé năm tuổi, cha rất dễ bị tổn thương. Vết thương đó có thể do ông nội, bà nội hoặc những người chung quanh gây nên. Vì vậy cha gắt gỏng khó chịu, có thể là do khi còn là cậu bé năm tuổi cha bị đối xử như thế. Và có lẽ lúc còn nhỏ, cha đã bị tổn thương. Nếu hiểu được điều đó, ta sẽ không giận cha nữa. Ta sẽ có từ bi đối với cha. Nếu có bức ảnh của cha lúc cha năm tuổi, ta có thể nhìn vào bức ảnh đó để thiền tập. Nhìn vào cha khi cha là cậu bé năm tuổi, thở vào thở ra thật sâu ta sẽ thấy cậu bé năm tuổi ấy vẫn còn sống trong cha và trong ta.
Khi mẹ còn là một cô bé năm tuổi, mẹ cũng mong manh dễ bị tổn thương. Mẹ dễ bị tổn thương nhưng mẹ lại không có thầy, không có bạn để giúp mẹ trị liệu. Vì vậy mà vết thương và nỗi khổ đau vẫn tiếp tục nằm trong mẹ. Cho nên nhiều khi mẹ đã hành xử không dễ thương với mình. Nếu ta có thể thấy được mẹ là em bé năm tuổi thì ta có thể tha thứ cho mẹ một cách dễ dàng bằng tình thương yêu. Em bé năm tuổi vẫn luôn còn sống trong mẹ và trong ta.
Thở vào, tôi thấy mẹ tôi là em bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi bị tổn thương là mẹ tôi.
Mẹ, năm tuổi.
Mỉm cười với tình thương yêu.
Là một người trẻ, điều quan trọng là ta phải thực tập để trị liệu em bé năm tuổi trong ta. Nếu không, khi có con ta sẽ trao truyền đứa bé bị tổn thương đó cho con cái ta. Tuy nhiên, nếu ta đã trao truyền em bé năm tuổi bị tổn thương đó cho con cái ta rồi thì điều đó cũng chưa quá muộn. Bây giờ chúng ta phải thực tập để trị liệu em bé trong ta và giúp con mình trị liệu em bé bị tổn thương mà ta đã trao truyền.
Tất cả chúng ta, cha mẹ và con cái, cùng thực tập chung với nhau để trị liệu em bé bị tổn thương trong ta và trong con cháu ta. Đây là một sự thực tập rất khẩn thiết. Nếu ta thực tập thành công thì sự truyền thông giữa chúng ta và gia đình sẽ được tái lập, mọi người sẽ hiểu nhau và cảm thông cho nhau.
Chúng ta có mặt trong con cháu ta. Chúng ta trao truyền toàn bộ con người mình cho chúng. Con trai ta, con gái ta là sự tiếp nối của ta. Chúng có mặt trong ta. Và chúng sẽ mang ta đi về tương lai. Nếu chúng ta chăm sóc thương yêu con cái bằng sự cảm thông và lòng bi mẫn thì chúng sẽ thừa hưởng được. Như thế, chúng ta sẽ làm cho tương lai con cháu chúng ta và của các thế hệ tương lai xán lạn hơn.
Lắng nghe em bé trong mình
Để chăm sóc tốt cho chính mình, ta phải trở về chăm sóc em bé bị tổn thương trong ta. Chúng ta phải thực tập trở về với em bé bị tổn thương đó mỗi ngày. Chúng ta phải ôm ấp em bé một cách nhẹ nhàng như một người anh, người chị ôm ấp em mình.
Chúng ta phải lắng nghe em. Em bé bị tổn thương trong ta đang ở đây trong giây phút hiện tại. Và ta có thể trị liệu cho em bé ngay bây giờ. “Em bé bị tổn thương ơi, chị (anh) có mặt đây cho em, chị (anh) sẽ lắng nghe em nói, em nói cho chị (anh) nghe tất cả những nỗi khổ niềm đau của em đi. Chị (anh) đang có mặt đây để thật sự lắng nghe em.” Chúng ta phải thật sự ôm ấp em bé đó. Nếu cần, chúng ta cũng có thể khóc với em bé đó, có thể là trong lúc ngồi thiền. Chúng ta có thể vào rừng để thực tập điều này. Nếu ta biết cách trở về với em bé và lắng nghe em khoảng năm, mười phút mỗi ngày thì sự trị liệu sẽ xảy ra.
Trong số chúng ta đã có nhiều người thực tập như thế. Sau một thời gian là có sự chuyển hóa, và nỗi khổ đau được thuyên giảm rất nhiều. Sau khi thực tập như vậy, chúng ta thấy sự truyền thông giữa mình và người khác trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Trong ta cũng có nhiều an lạc và tình thương hơn.
Nói chuyện với em bé trong mình
Em bé trong ta và ta thực sự không phải là hai, mà cũng không phải là một. Chúng ta ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm và mời em bé trong ta cùng thực tập với ta. Em bé trong ta cũng có thực như con người trưởng thành này. Giống như hạt bắp vẫn còn nằm trong cây bắp vậy. Nó đang ở đó, không phải chỉ là vấn đề của quá khứ. Nếu cây bắp biết rằng nó là một với hạt bắp thì nó có thể trò chuyện được với hạt bắp. Nếu ta có khuynh hướng trở về quá khứ để sống lại với những ký ức đau thương thì chúng ta phải ý thức rằng bản thân chúng ta và em bé trong ta cũng đang trở về quá khứ sống lại những kinh nghiệm đau thương, sợ hãi và tham vọng đó. Điều này đã trở thành tập khí của ta mặc dù ta không muốn, và nó chẳng có lợi ích gì cả.
Thay vì sống lại những kinh nghiệm đau thương, ta có thể nói chuyện với em bé trong ta. Ta mời em lên, mời em đi ra để làm quen với cuộc sống mới trong giây phút hiện tại. An trú trong giây phút hiện tại là một sự thực tập, một sự rèn luyện. Ngay khi chúng ta thiết lập được thân tâm trong phút giây hiện tại, ta sẽ không khổ đau với những tổn thương (trauma) của quá khứ nữa. Trong giây phút hiện tại, ta có thể nhận ra nhiều điều mầu nhiệm và nhiều điều kiện tích cực khác. Vì vậy nắm tay em bé đi chơi và tiếp xúc sâu sắc hơn với những mầu nhiệm của sự sống là một sự thực tập đích thực. Đôi khi chúng ta cũng cần nâng đỡ yểm trợ, cần một người ta tin tưởng để giúp ta làm điều đó một cách dễ dàng, bởi vì ta có khuynh hướng trôi dạt về quá khứ.
Tất cả những mong muốn của ta đều phát xuất từ cái ước muốn nguyên thủy là muốn được an toàn. Trong giây phút hiện tại, mọi thứ đã yên ổn, không có một vấn đề nào, không có một sự đe dọa nào. Nhưng em bé trong ta vẫn tiếp tục lo lắng và sợ hãi. Nếu trong hiện tại ta không có vấn đề nghĩa là ta không có vấn đề. Tại sao ta lại tiếp tục lo lắng và sợ hãi? Chúng ta phải trao truyền tuệ giác này cho em bé trong ta. Chúng ta phải cho em biết rằng em không cần phải lo lắng, sợ hãi nữa.
Chúng ta có thể lên đồi ngồi một mình. Đi giữa những hàng cây mận, cây nho và nói chuyện với em bé. Ta có thể nói: “Em ơi, chị (anh) biết em đang đau khổ”. Em là em bé trong chị (anh). Chị cũng là em. Chúng ta đã trưởng thành rồi nên em đừng sợ hãi nữa. Chúng ta an toàn rồi. Chúng ta có cách để bảo vệ chính mình. Đến đây với chị và mình có mặt cho giây phút hiện tại. Đừng để quá khứ giam hãm mình. Hãy nắm tay chị và chúng ta cùng đi. Chúng ta hãy thưởng thức từng những bước chân của mình”.
Chúng ta phải thực sự nói chuyện với em bé bên trong mình thành tiếng, chúng ta không phải chỉ suy nghĩ mà hãy thực hiện nó. Chúng ta có thể nói chuyện với em bé mỗi ngày. Như vậy em bé sẽ được trị liệu. Và em bé sẽ tham dự vào cuộc đời của ta. Chúng ta nói chuyện với em bé, nắm tay em, dẫn em về với giây phút hiện tại để thưởng thức sự sống ngay bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta có 15 phút nói chuyện như thế với em bé bị tổn thương trong ta, thì nỗi sợ hãi có thể được phơi bày ra.
Chúng ta hãy tưởng tượng chúng ta đang nấu một nồi nước sôi có nắp đậy. Hơi nóng sẽ đẩy cái nắp lên. Nếu chúng ta giở cái nắp ra cho hơi nước bốc lên thì hơi nước không còn gây áp lực nữa. Nó được giải thoát. Tương tự như vậy, nếu ta nói chuyện với em bé bên trong ta như thế và đem nỗi sợ hãi nguyên thủy từ thời thơ ấu phơi bày ra trong ánh sáng chánh niệm thì chúng ta có thể mang lại sự trị liệu. Chúng ta cũng phải cho em biết rằng mặc dù nỗi sợ hãi là có thật nhưng bây giờ nó không còn cơ sở, căn cứ nữa. Chúng ta đã trưởng thành rồi. Chúng ta có thể tự bảo hộ và phòng thủ cho chính mình.
Cuộc đối thoại với em bé bên trong mình.
Chúng ta phải nói chuyện với em bé trong ta, và điều quan trọng không kém là ta cũng phải để cho em bé nói chuyện, hãy để cho em tự bộc lộ chính mình. Nếu lúc nhỏ ta không có cơ hội để nói ra thì đây là cơ hội cho em.
Chúng ta thử lấy hai cái gối ngồi, xếp đối diện nhau. Chúng ta ngồi lên một cái và nhìn vào cái kia. Hãy quán tưởng mình là một em bé năm tuổi, bốn tuổi hay ba tuổi đang ngồi đó, và ta nói chuyện với em: “Em bé trong tôi ơi, tôi biết em đang ở đây, em đang bị tổn thương. Em đã trải qua rất nhiều đau khổ. Tôi biết đó là sự thật, bởi vì tôi cũng là em. Tuy nhiên bây giờ tôi nói chuyện với em với tính cách em là một người trưởng thành. Và tôi muốn nói cho em biết là cuộc sống rất mầu nhiệm với nhiều yếu tố tươi mát và trị liệu. Chúng ta đừng chạy về quá khứ để sống và gặm nhấm lại những nỗi khổ đau của quá khứ nữa. Nếu em có gì để nói thì xin em hãy nói cho tôi nghe”. Rồi ta đổi vị trí, ngồi vào cái gối ngồi kia. Nếu muốn ta cũng có thể nằm xuống như một em bé ba tuổi và nói chuyện bằng ngôn ngữ của trẻ em. Ta có thể phàn nàn, rằng ta rất mong manh, dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy bất lực, ta không có khả năng làm được gì cả và ta rất sợ hãi. Ta rất muốn có người lớn ở đây bên cạnh ta. Ta muốn bày tỏ điều này và ta đóng vai em bé trong ta. Nếu có cảm thọ hay nỗi sợ hãi đi lên, điều đó cũng không sao. Ta thấy sợ hãi thật. Ta thực sự muốn có một ai đó ở gần để bảo vệ ta.
Sau đó ta đổi lại ngồi cái gối ngồi bên kia và nói: “Ồ, tôi đã nghe em nói, em bé của tôi ơi. Tôi hiểu hết những nỗi khổ đau của em. Nhưng em biết không, chúng ta đã trưởng thành rồi, đã trở thành người lớn rồi, bây giờ chúng ta có khả năng bảo vệ cho chính mình. Thậm chí nếu cần ta cũng có thể gọi điện cho cảnh sát. Chúng ta có thể ngăn chặn người khác không cho họ làm những điều mà ta không muốn. Chúng ta có thể tự làm bất cứ điều gì. Chúng ta không cần người lớn, không cần bất kỳ ai nữa. Chúng ta có khả năng hoàn toàn là mình rồi. Chúng ta thật sự không cần một người khác để trở thành chính mình”. Khuynh hướng của chúng ta là tin rằng phải có một người khác đóng vai mẹ hay cha để bảo hộ cho ta, nhưng đó chỉ là một cảm thọ, mà không phải là thực tại. Tôi có kinh nghiệm là ta có thể thấy đầy đủ trong chính tự thân mình, ta thấy thỏa mãn là chính ta, ta không cần có một người khác để cho ta cảm thấy thư giãn, nhẹ nhàng và dễ chịu. Nếu ta nói chuyện và lắng nghe như thế năm phút mỗi ngày, ta sẽ được trị liệu.
Viết thư cho em bé năm tuổi
Ta có thể viết một lá thư một, hai hay ba trang cho em bé trong ta để nói rằng ta công nhận sự có mặt của em và sẽ làm mọi cách có thể để trị liệu vết thương cho em. Sau khi viết vài bức thư cho em bé trong ta, ta có thể thấy rằng em bé cũng muốn viết gì đó cho ta.
Chia sẻ niềm vui với em bé trong mình
Một cách khác mà ta có thể đảm bảo cho em bé trong ta cảm thấy an toàn là mời em bé lên chơi với ta trong giây phút hiện tại. Khi ta leo lên một ngọn núi hùng vĩ, ta mời em bé trong ta cùng leo núi với ta. Khi ngắm ánh hoàng hôn rực rỡ huy hoàng, ta cũng mời em bé trong ta cùng ngắm với ta. Nếu ta thực tập như thế vài tuần hoặc vài tháng thì em bé bị tổn thương trong ta sẽ được trị liệu.
Ngồi với bạn bè trong tăng thân
Nếu khi còn là một em bé mà ta bị tổn thương sâu nặng, thì khó để ta tin tưởng và thương yêu, khó để cho tình thương thấm nhuận vào lòng mình. Tuy nhiên trong sự thực tập này, dù khó khăn đến đâu, ta cũng phải trở về ngôi nhà của chính mình để chăm sóc em bé bị tổn thương trong ta. Chúng ta cần những hướng dẫn thực tập cụ thể để chúng ta không bị khổ đau tràn ngập. Chúng ta thực tập nuôi lớn năng lượng chánh niệm cho đủ vững mạnh. Và năng lượng chánh niệm của bạn bè cũng có khả năng nâng đỡ ta. Có thể ban đầu lúc mới trở về, ta cần một hay hai người bạn, đặc biệt là những người đã thành công trong sự thực tập, ngồi cạnh ta, cho ta mượn năng lượng chánh niệm và sự yểm trợ từ họ. Khi người bạn ngồi cạnh ta, nắm tay ta, chúng ta kết hợp năng lượng của ngườí ấy với năng lượng của chính mình, trở về ôm ấp em bé bị tổn thương. Nếu chúng ta có một tăng thân dễ thương thì sự thực tập của ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thực tập một mình, không có anh chị em bạn bè cùng thực tập chung thì rất khó, đặc biệt là đối với những ai mới bắt đầu thực tập. Nương tựa tăng thân và có các anh chị em giúp đỡ, khuyên bảo và yểm trợ trong những lúc khó khăn là điều rất rất quan trọng.