Năm: Chuyển hóa khổ đau
Chúng ta có thể làm gì để chuyển hóa hạt giống khổ đau có gốc rễ sâu xa trong tâm thức ta?
Có ba cách:
Cách thứ nhất là tập trung vào việc gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc. Chúng ta không làm việc trực tiếp với hạt giống khổ đau, mà để cho hạt giống hạnh phúc chuyển hóa chúng. Đó là cách chuyển hóa gián tiếp.
Cách thứ hai là thực tập chánh niệm liên tục để khi hạt giống khổ đau phát khởi, chúng ta có khả năng nhận diện chúng. Mỗi khi chúng biểu hiện, chúng ta tắm gội chúng trong ánh sáng chánh niệm. Hạt giống là một vùng năng lượng, và chánh niệm cũng là một vùng năng lượng. Khi những hạt giống này được tiếp xúc với chánh niệm thì chúng sẽ yếu đi và chánh niệm sẽ chuyển hóa chúng.
Cách thứ ba là xử lý những phiền não đã có trong ta từ thời thơ ấu bằng cách thận trọng mời nó lên trên bề mặt ý thức. Chúng ta mời lên những nỗi buồn rầu, khổ đau, tuyệt vọng, hối tiếc, nhớ nhung mà chúng ta khó đối diện trong quá khứ, rồi ngồi xuống nói chuyện với chúng như một người bạn cũ. Nhưng trước khi mời chúng lên, ta phải đảm bảo là ngọn đèn chánh niệm trong ta đang được thắp sáng và ngọn lửa đó phải cháy đều và cháy mạnh.
Ý thức về khổ đau
Giả sử chúng ta đang đi thiền hành để tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống thì tâm ta hướng về những hình ảnh từ hồi còn ấu thơ, và cảm giác khổ đau tuyệt vọng xuất hiện. Mặc dù bây giờ ta đang đi thiền hành, ta cũng không thấy thích thú vì ta không đi trong thiên đường mà đi trong địa ngục. Khổ đau đang có mặt đó. Cho nên bước đầu tiên là ta ý thức về nó: “Khổ đau đang có trong tôi”.
Thở vào, tôi biết khổ đau, tuyệt vọng, sợ hãi đang có trong tôi.
Thở ra, tôi ôm ấp nỗi khổ đau trong tôi.
Với chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể trở về với hình ảnh đó và biết được nguyên nhân nào đã làm cho nó phát khởi: “Tôi có nỗi khổ đau này là bởi vì tôi tiếp xúc với cái kia. Nhờ chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể đáp trả lại hình ảnh này bằng tuệ giác, rằng là chúng ta không còn là một đứa trẻ vô tích sự nữa. Chúng ta đã lớn rồi, đã trưởng thành rồi, chúng ta có khả năng tự bảo vệ chính mình.
Một số người trong chúng ta là dân di cư. Và nhiều người trong số đó là những thuyền nhân từ Đông Nam Á vượt biên đến tị nạn ở các nước Tây phương. Trong suốt những chuyến đi đó chúng ta rất sợ hãi. Chúng ta có thể rớt chìm sâu xuống đại dương và chết bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể bị giết chết hoặc bị hãm hại bởi cá mập và hải tặc. Những ai đã từng đi trong những chuyến đi ấy, thì tất cả những cảnh tượng hiểm nguy vẫn còn đó trong tâm thức chúng ta.
Bây giờ chúng ta đã đến bờ bên kia rồi, đã được chấp nhận như những người tị nạn rồi, đã ở trên đất liền rồi, vậy mà có khi ta cũng quên. Mỗi khi tiếp xúc với những hình ảnh quá khứ, ta lại khổ đau mặc dầu hiện tại ta đang được an toàn. Điều này là có thật, cho dù nỗi khổ đau có thể đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi.
Nhiều người trong số chúng ta vẫn còn bị kẹt trong thế giới của hình ảnh. Sự thật chúng chỉ là những hình ảnh thôi. Chúng không còn là thực tại nữa. Trong khi thở vào thở ra chánh niệm, chúng ta có thể có được tuệ giác này. Giả sử ta vẫn còn cất giữ những bức ảnh về đại dương, một cảnh tượng mà ta có thể chết chìm trong đó. Và khi xem những bức ảnh đó ta thấy khổ đau và sợ hãi. Nhưng chánh niệm và chánh định có thể mang đến cho ta tuệ giác rằng đây chỉ là hình ảnh thôi mà không phải là đại dương thật. Ta có thể chết chìm trong đại dương nhưng không thể chết chìm trong bức ảnh này.
Vì vậy khi ôm ấp một tâm hành tuyệt vọng và khổ đau, ta có thể thấy rằng nỗi khổ đau và tuyệt vọng này có thể được sinh ra từ đó, khổ đau và tuyệt vọng được sinh ra vì chúng ta tiếp xúc với hình ảnh của quá khứ. Thực tế là chúng ta đang an toàn và chúng ta có khả năng thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống ngay trong giây phút hiện tại. Khi chúng ta nhận ra được nỗi khổ đau này chỉ dựa trên những hình ảnh của quá khứ mà không phải là thực tại đang hiển hiện thì sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là điều mà chúng ta có thể làm được ngay tức thì. Đó là sức mạnh của chánh niệm và chánh định.
Giới thiệu thức mạt na
Một trong những lý do ta trốn tránh em bé bên trong mình là do ta sợ khổ đau. Giữa tàng thức và ý thức có một thức gọi là mạt na thức. Mạt na thức này khiến chúng ta đi tìm kiếm dục lạc và trốn tránh khổ đau. Mạt na là nền tảng của niềm tin hão huyền rằng chúng ta có một cái ngã riêng biệt. Chúng ta khổ đau bởi vì sự phân biệt và ảo tưởng trong thức mạt na.
Khi con cá thấy một miếng mồi hấp dẫn, nó có khuynh hướng muốn đớp miếng mồi đó. Nó không biết rằng trong miếng mồi ấy có một cái móc câu được giấu trong đó và nếu nó đớp miếng mồi ấy nó sẽ bị cắn câu và bị kéo ra khỏi mặt nước. Với chánh niệm, chúng ta có thể ý thức về sự nguy hại của việc đi tìm kiếm dục lạc. Chúng ta có thể khám phá ra hạt giống tuệ giác ở trong tàng thức để giúp mạt na chuyển hóa. Đây là công việc của ý thức.
Sáu đặc tính của mạt na
Mạt na có nhiều khuynh hướng.
Thứ nhất là nó luôn thích thú đi tìm kiếm dục lạc. Thứ hai là cố trốn tránh khổ đau. Thứ ba là mạt na không biết sự nguy hiểm của việc tìm kiếm dục lạc. Chạy theo dục lạc có thể hủy hoại thân tâm mình.
Nếu nhìn sâu vào đối tượng tham đắm, chúng ta có thể thấy được mối nguy hiểm này.
Đặc tính thứ tư của mạt na là không thấy được mặt tốt của khổ đau. Mỗi người trong chúng ta đều cần một liều lượng khổ đau nào đó để lớn lên, để chế tác hiểu biết thương yêu và vun trồng niềm an vui hạnh phúc. Hỷ và lạc của chúng ta chỉ có thể đạt được dựa trên nền tảng khổ đau.
Nếu không có khổ đau từ chiến tranh, chúng ta sẽ không có khả năng trân quý hòa bình. Nếu chúng ta chưa từng khổ vì đói, chúng ta sẽ không trân quý một cách trọn vẹn miếng bánh mì ta đang cầm trên tay. Có cái gì đó để ăn là một điều rất mầu nhiệm. Niềm hạnh phúc này chỉ có được khi ta biết đói là gì.
Trong cuộc đời của ta, ta đã từng trải qua những giây phút rất nguy hiểm. Khi nghĩ về những giây phút nguy hiểm ấy ta trân quý hơn sự an toàn ngay trong giây phút này. Nhờ có khổ đau mà ta học được bài học hiểu biết và thương yêu. Nhờ tiếp xúc với nỗi khổ đau, hiểu được nỗi khổ đau mà tình thương trong ta phát khởi.
Tôi không muốn gởi bạn bè, con cháu và đệ tử của tôi tới một nơi không có khổ đau, bởi vì những nơi như thế, ta không có cơ hội để học cách chế tác hiểu biết và thương yêu. Bụt nói rằng nếu không có khổ đau thì không có cách nào để học hỏi cả. Sở dĩ Bụt giác ngộ toàn vẹn là vì Ngài khổ đau nhiều. Mình phải đến với Bụt bằng tất cả những nỗi khổ đau của mình. Khổ đau là con đường. Chính vì trải qua những khổ đau mà ta có thể thấy được con đường giải thoát, thương yêu và từ bi. Chính vì nhìn sâu vào bản chất của nỗi buồn phiền, khổ đau, mà ta khám phá ra được con đường để đi ra. Nếu không biết khổ đau là gì thì ta không có cách nào để đến với Bụt, không có cơ hội nếm được an lạc và tình thương yêu. Chính vì nhờ ta có khổ đau mà bây giờ ta nhận ra được con đường đưa đến giải thoát, hiểu biết và thương yêu.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có khuynh hướng chạy trốn khổ đau. Chúng ta nghĩ rằng đi tìm kiếm khoái lạc sẽ giúp chúng ta tránh được khổ đau. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Nó sẽ làm ta cằn cỗi không lớn lên được, và hạnh phúc của ta cũng héo mòn theo. Hạnh phúc không thể có được nếu không có sự hiểu biết, lòng từ bi và tình thương yêu. Tình thương cũng không thể có được nếu ta không hiểu được nỗi khổ đau của ta và của người khác. Tiếp xúc với nỗi khổ đau giúp ta vun trồng hiểu biết và tình thương. Không có hiểu biết và thương yêu chúng ta không thể hạnh phúc được và chúng ta cũng không thể làm cho người khác hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có hạt giống từ bi, tha thứ, bao dung, an vui và không sợ hãi. Nếu chúng ta liên tục trốn tránh khổ đau thì không có cách nào cho những hạt giống ấy lớn lên được.
Ở xóm Thượng, Làng Mai có một hồ sen. Chúng ta biết rằng sen không thể lớn lên được nếu không có bùn. Chúng ta cần bùn để có sen. Chúng ta không thể trồng sen trên cẩm thạch. Bùn đóng một vai trò quan trọng trong việc cho ra những bông sen. Khổ đau cũng vậy, cũng đóng một vai trò quan trọng để phát khởi hiểu biết và từ bi.
Ôm ấp khổ đau và nhìn sâu vào nó, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều. Khi hạt giống sợ hãi từ trong chiều sâu tàng thức biểu hiện lên mặt ý thức thì sự thực tập của ta là mời chánh niệm cùng đi lên. Chánh niệm giúp ta có mặt thật sự để nhận diện và ôm ấp nỗi khổ đau mà không chạy trốn nó. Ban đầu có thể chánh niệm của ta không đủ mạnh để ôm ấp nỗi buồn khổ, đau đớn trong ta. Nhưng khi thực tập, đặc biệt là khi có tăng thân nâng đỡ, chánh niệm của ta sẽ lớn lên đủ mạnh, và ta sẽ ôm ấp được nỗi buồn khổ, đớn đau và sợ hãi.
Mỗi chúng ta đều cần một liều lượng khổ đau nào đó để vun trồng hiểu biết và thương yêu. Nhưng chúng ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa. Chúng ta đã có quá nhiều khổ đau trong ta và chung quanh ta rồi. Ý thức có khả năng học hỏi bằng cách quan sát nỗi khổ đau và chuyển tải sự hiểu biết này đến tàng thức.
Đặc tính thứ năm của mạt na là không biết chừng mực. Ý thức phải nhắc mạt na về tuệ giác chừng mực này. Với hơi thở chánh niệm, ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu, nhận diện mạt na với tất cả sự vô minh của nó và nhận ra rằng trong tàng thức có hạt giống tuệ giác. Khi ý thức thực tập định thì đối tượng của định là tương tức, tương duyên và vô phân biệt. Nếu ý thức tập trung vào những đối tượng này thì tuệ giác sẽ phát khởi một cách nhanh chóng, đáng ngạc nhiên.
Đặc tính thứ sáu của mạt na là luôn luôn tìm cách nắm giữ, chiếm hữu những gì nó muốn. Tham đắm là sự thôi thúc mạnh nhất. Vì nó mà trong ta đầy dẫy sự ganh tị, ta cố chiếm hữu những người ta thương, những vật ta muốn. Nhưng với tuệ giác tương tức, ta sẽ thấy không có gì để sở hữu cả.
Chuyển hóa mạt na
Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể chuyển hóa được mạt na. Với hơi thở chánh niệm, ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu và nhận diện mạt na với tất cả sự vô minh của nó, đồng thời nhận ra rằng trong tàng thức có hạt giống tuệ giác. Khi mạt na được chuyển hóa thì nó sẽ trở thành vô phân biệt trí (trí tuệ không phân biệt, nirvikalpa-jñāna).
Có một câu chuyện diễn tả về vô phân biệt trí rất hay. Đó là câu chuyện của một hạt muối muốn biết độ mặn của nước biển như thế nào. Hạt muối nói: “Tôi là hạt muối, tôi rất mặn. Tôi tự hỏi liệu nước biển có mặn như tôi không?”. Một vị thầy đến bên hạt muối và trả lời: “Này hạt muối, cách duy nhất mà con muốn biết nước biển thật sự mặn như thế nào là con phải nhảy xuống biển”. Hạt muối nhảy xuống, hòa vào nước biển và trở thành một với nước biển. Nó hoàn toàn hiểu được nước biển mặn như thế nào.
Chỉ khi nào mình là một với người đó, vật đó, mình mới hiểu được người đó, vật đó một cách trọn vẹn. Trong tiếng Pháp, từ comprendre nghĩa là hiểu. Nghĩa đen của nó là cầm một vật gì lên và trở thành một với nó. Nếu còn tách biệt thì chúng ta đừng mong là hiểu được nó.
Thiền tập là khi nhìn vào thực tại ta không thấy có ranh giới giữa chủ thể và đối tượng. Chúng ta phải lấy đi cái ranh giới đó, ranh giới giữa người quán chiếu và đối tượng được quán chiếu. Nếu muốn hiểu một người nào, ta phải đặt mình là chính con người đó. Để cho bạn bè và những người thương trong gia đình hiểu được nhau thì họ phải là nhau. Cách duy nhất để hiểu trọn vẹn là ta phải trở thành một với đối tượng cần được hiểu. Để hiểu đúng, chúng ta phải phá vỡ rào cản giữa đối tượng hiểu và chủ thể hiểu.
Giả sử ta cho ai đó một vật gì thì với tuệ giác vô phân biệt ta sẽ thấy rằng không có người cho và không có người nhận. Nếu ta vẫn còn nghĩ ta là người cho và người kia là người nhận thì đó chưa thật sự là cho. Ta cho là bởi vì người kia đang cần thứ mà ta đang cho và ta cho một cách rất tự nhiên. Nếu thực sự thực hành hạnh bố thí, ta sẽ không nói: ‘nó không có biết ơn gì cả’. Ta không có những ý niệm như vậy.
Thực tập chánh niệm, ta sẽ nhận ra được sự có mặt của thức mạt na trong ta. Nếu ý thức được khuynh hướng của mạt na thì ta có thể sử dụng niệm, định, tuệ để chuyển hóa những khuynh hướng ấy và nuôi dưỡng tuệ giác vô phân biệt. Ta không chạy trốn khổ đau, trái lại ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào nó, như thế khổ đau bắt đầu chuyển hóa, và giải thoát giác ngộ sẽ hiển lộ.
Trong đời sống của mình, chúng ta phải có khả năng biết được những gì ta cần cho hạnh phúc của ta. Chúng ta cũng cần biết được những nhu yếu của mọi người trong gia đình, trong cộng đồng và xã hội. Khi biết được những nhu yếu đó, ta biết là ta nên làm gì. Ta có mục đích và bây giờ ta hành động, ta có thể cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, quyền dân chủ, tự do cho con người. Khi có mục đích, ta xác định rõ hành động của mình, công việc mà ta làm là giúp xã hội đi về hướng tích cực. Để xác định hành động của mình tốt hay xấu, thiện hay ác, chúng ta phải xem thử là hành động đó có hướng tới tầm nhìn tối hậu hay không.
Vô phân biệt trí
Trong tàng thức có một hạt giống có thể chuyển hóa được thức mạt na, đó là vô phân biệt trí. Phân biệt cái này với cái kia, hay cái này chống lại cái kia, là nền tảng của không biết bao nhiêu nỗi khổ đau. Điều quan trọng của ý thức là nhận diện hạt giống của tuệ giác vô phân biệt đang nằm sâu trong tàng thức và giúp nó biểu hiện. Với sự thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ giúp cho tuệ giác vô phân biệt biểu hiện.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có tuệ giác vô phân biệt. Ví dụ như khi tay phải thỉnh chuông hay làm thơ thì với tuệ giác vô phân biệt tay phải không bao giờ nói với tay trái: “Này tay trái, mày không làm được tích sự gì cả, chính tao làm tất cả những bài thơ này, chính tao là người viết nên những bức thư pháp này”. Không, tay phải không bao giờ thấy mình giỏi hơn tay trái. Chính vì vậy mà hai tay truyền thông và hợp tác với nhau rất hoàn hảo. Không có mặc cảm hơn người, thua người, hay thậm chí là bằng người. Khi so sánh, ta thấy có sự hơn, thua hay bằng. Từ sự so sánh này mà có sự phân biệt kỳ thị, và vì phân biệt kỳ thị nên mới có khổ đau.
Các tế bào trong cơ thể ta hợp tác với nhau một cách chặt chẽ, không hề có sự phân biệt. Một ngày nọ tôi muốn treo bức ảnh lên tường, tay trái tôi cầm chiếc đinh và tay phải cầm cái búa. Nhưng tôi đã không chánh niệm lắm, thay vì đóng vào đinh tôi đã đóng vào ngón tay trái. Ngay lập tức, tay phải đặt cái búa xuống và chăm sóc tay trái giống như là nó đang chăm sóc cho chính nó vậy. Tay trái cũng không hề giận dữ tay phải, vì tay trái có tuệ giác vô phân biệt. Tay phải không hề nói: “Này tay trái, ta đang chăm sóc cho mày nè, mày phải nhớ nhé”. Tay trái cũng không nói với tay phải là: “Này tay phải, mày không công bằng với tao gì cả, tao muốn được công bằng, đưa cái búa đây cho tao”. Không có tao, không có mày, không có sự phân biệt kỳ thị, hai tay là một. Giống như Chúa ba ngôi vậy. Đức Chúa Cha có trong đức Chúa Con. Đức Chúa Thánh Thần cũng có trong đức Chúa Cha và đức Chúa Con. Đó là tương tức. Trong một đức Chúa ta có thể thấy được hai đức Chúa kia. Khi tay trái bị đau thì cả hai cùng chia sẻ nỗi đau này, không hơn không kém, vì trong mối quan hệ thân thương không có sự phân biệt kỳ thị. Đó là xả (Upekṣā). Khi tuệ giác vô phân biệt có mặt thì hạnh phúc và khổ đau không còn là vấn đề cá nhân nữa.
Hạnh phúc và khổ đau
Với tuệ giác vô phân biệt, chúng ta có thể nhận ra rằng khổ đau và hạnh phúc có mặt trong nhau. Thông thường chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã có quá đủ khổ đau rồi và ta muốn một cái gì khác, như hạnh phúc chẳng hạn. Chúng ta muốn chạy trốn khổ đau và đi tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng sự thực là hạnh phúc đã có đó rồi, trong khổ đau ta có thể tìm thấy an lạc. Nếu chạy trốn khổ đau ta sẽ ít có cơ hội hơn để tìm thấy hạnh phúc.
Tất cả những niềm hạnh phúc của chúng ta đều có hương vị khổ đau. Giống như bông hoa vậy. Khi nhìn sâu vào bông hoa ta sẽ thấy rác, thấy đất, thấy phân trong đó. Ta biết rằng nếu không có phân thì hoa sẽ không có được. Vì vậy khi tiếp xúc sâu sắc với bông hoa ta có thể tiếp xúc với phân.
Thức ăn
Một trong những cách chạy trốn khổ đau là ăn uống và giải trí. Chúng ta cảm thấy quá cô đơn, buồn tủi, trống trải, tuyệt vọng và sợ hãi đến nỗi ta cố lấp đầy những khoảng trống trong ta bằng phim ảnh hoặc thức ăn, như một miếng bánh mì sandwich chẳng hạn. Đó là cách chúng ta xử lý những phiền muộn nằm sâu kín trong tâm thức ta. Ta muốn đè nén nỗi khổ đau, tuyệt vọng, giận hờn và trầm cảm trong ta bằng cách tiêu thụ như nghe nhạc, mở tủ lạnh ra tìm cái gì đó để ăn, hay cầm tờ báo lên đọc. Cho dù chương trình tivi không hấp dẫn gì mấy ta vẫn cứ xem. Chúng ta nghĩ rằng làm bất kỳ điều gì cũng tốt hơn là chịu đựng nỗi khổ đau, phiền muộn ấy.
Tuy nhiên, càng tiêu thụ ta càng đưa vào cơ thể những độc tố của bạo động, thèm khát, hận thù, tuyệt vọng và kỳ thị, và ta càng làm cho tình trạng tệ hại hơn. Với năng lượng chánh niệm, chánh định, ta có thể nhìn sâu vào bản chất của khổ đau và nhận diện xem nguồn thức ăn nào đem lại nỗi khổ đau đó trong ta.
Không có gì có thể sống sót được mà không có thức ăn, ngay cả nỗi khổ đau cũng vậy. Không có một con vật hay một cây cối nào có thể sống được mà không cần đến thức ăn. Để cho tình thương của ta được sống mãi, ta cũng phải cho nó ăn. Nếu không cho nó ăn hay cho nó ăn nhầm thức ăn thì tình thương sẽ chết. Và chẳng bao lâu nữa tình thương sẽ biến thành thù hận. Khổ đau và trầm cảm của ta cũng cần thức ăn mới sống được. Sở dĩ cơn trầm cảm của ta cứ ở hoài với ta mà không chịu ra đi là bởi vì ta cho nó ăn hằng ngày. Chúng ta phải nhìn sâu vào nguồn thức ăn mà ta đang nuôi dưỡng nỗi khổ đau của ta.
Thỉnh thoảng nỗi khổ đau của chúng ta biểu hiện qua những cảm xúc mạnh khiến chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động bằng cách này hay cách khác. Nếu ta nhận ra được loại thức ăn nào ta đang nuôi dưỡng nỗi khổ đau của ta thì ta sẽ cắt bỏ nguồn thức ăn ấy đi, và như vậy nỗi khổ đau sẽ héo úa. Nếu tiêu thụ khổ đau, bạo động, ta sẽ làm cho bản thân và những người chung quanh ta đau khổ hơn. Chấm dứt việc tiêu thụ những hình ảnh bạo động và những truyền thông độc hại là cho ta cơ hội chuyển hóa bạo động, khổ đau trong ta. Hiểu biết, từ bi sẽ phát khởi để giúp ta trị liệu bản thân và trị liệu những người chung quanh.
Chấp nhận cuộc sống như chính nó đang là
Chúng ta biết rằng cuộc sống bao gồm cả sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta không muốn già, không muốn bệnh và không muốn chết, nhưng quy luật cuộc sống là như vậy. Nếu kháng cự, chống đối, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Nếu ta chấp nhận cuộc sống và chấp nhận những gì thuộc về nó như hạnh phúc, an lạc, vui tươi, kể cả bệnh tật, già yếu, chết chóc,… chúng ta sẽ không khổ đau nữa. Dù có khổ đau cũng không sao. Không những ta thấy khổ đau không có vấn đề gì mà trái lại nhờ khổ đau ta mới có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc.
Để vượt thắng sự sợ hãi, trước hết ta phải ý thức về nỗi sợ hãi trong ta. Sau đó, bước thứ hai là ta tác ý không chạy trốn sự sợ hãi. Ta có khuynh hướng chạy trốn sự sợ hãi bởi vì nỗi sợ hãi không dễ chịu. Ta không muốn sống trong sự sợ hãi. Nhưng nỗi sợ hãi cứ trở về với ta. Ta sợ rằng điều gì đó sẽ xảy ra chiều nay hoặc ngày mai. Ta sợ vô thường. Vì vậy bước thứ hai trong sự chuyển hóa là cam kết có mặt cho chính mình dù bất cứ ở đâu, sau đó ta nhìn sâu vào nỗi sợ hãi ấy và chấp nhận nó.
Nếu nhìn sâu vào nỗi sợ hãi và chiệm nghiệm về nó, chúng ta sẽ thấy được những phản ứng của ta về nỗi sợ hãi đó. Chúng ta có thể phản ứng bằng sự bối rối, bất an, hay phủ nhận, từ chối. Hoặc chúng ta có thể đáp lại bằng sự ân cần, chấp nhận và thương yêu. Đây là cách phản ứng mang lại sự trị liệu. Đó là bước thứ ba, đáp lại sự sợ hãi bằng tuệ giác.
Bởi vì ta biết cách trị liệu, cho nên ta không bị những nỗi khổ đau bất ngờ ập tới. Nhờ thực tập, nhờ chánh niệm hùng hậu và vững chãi, ta không đợi cho hạt giống khổ đau xuất hiện đột ngột. Ta biết rằng chúng đang nằm sâu trong tàng thức ta. Ta có thể mời chúng lên trên bề mặt ý thức và chiếu ánh sáng chánh niệm vào.
Xử lý khổ đau cũng giống như bắt một con rắn độc. Chúng ta phải học hỏi cách bắt rắn, và chính chúng ta cũng phải đủ mạnh mẽ và vững chãi để bắt rắn mà không để nó làm hại chính mình. Cuối cùng là chúng ta phải giáp mặt, đối diện với con rắn. Nếu chúng ta không bao giờ đối diện với nó thì một ngày nào đó nó sẽ xuất hiện bất ngờ và cắn chết ta. Nỗi đau khổ mà ta mang trong chiều sâu tâm thức cũng tương tự như vậy. Khi nỗi đau khổ lớn lên và xuất hiện trong ta, ta sẽ không làm được gì nếu không thực tập chánh niệm hùng hậu vững chãi. Tuy nhiên chúng ta chỉ mời nỗi khổ đau đi lên khi ta đã sẵn sàng. Và khi nó đi lên chúng ta có khả năng xử lý một cách an toàn. Để chuyển hóa khổ đau, chúng ta không nên đấu tranh với nó cũng không chạy trốn nó. Đơn thuần chúng ta tắm gội nó dưới ánh sáng chánh niệm.