Bốn: Thở, đi thiền hành và buông bỏ
Hơi thở là một phương tiện tuyệt vời đưa chúng ta trở về với thân tâm và cảm thọ của mình. Nếu biết cách sử dụng hơi thở chánh niệm chúng ta không cần phải mất nhiều thời gian. Lúc nào ta cũng thở nhưng hầu hết ta không thở chánh niệm nên không có khả năng trở về với thân tâm và cảm thọ của mình.
Sự thực tập của chúng ta là luôn luôn trở về với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Chỉ có giây phút hiện tại chúng ta mới có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Học cách sống sâu sắc trong mỗi phút giây của cuộc sống hằng ngày là sự thực tập đích thực của chúng ta. Hơi thở chánh niệm có khả năng đưa ta trở về với giây phút hiện tại. Nếu đánh mất hơi thở chánh niệm, chúng ta sẽ đánh mất giây phút hiện tại.
Khi đi, đứng, rửa bát, ăn cơm, chúng ta đều có thể thực tập hơi thở chánh niệm. Có rất nhiều cách trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Nhưng tất cả đều phải áp dụng hơi thở chánh niệm. Nếu biết nắm lấy hơi thở chánh niệm, chúng ta có thể thực tập bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất sự sống vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.
Hơi thở chánh niệm là pháp môn thực tập căn bản. Thực tập hơi thở chánh niệm, ta đưa tâm trở về với thân và thiết lập thân tâm trong phút giây hiện tại. Năng lượng chánh niệm mang trong nó yếu tố của tình bằng hữu và tình thương yêu. Nếu không thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, chúng ta không thể là người bạn cho chính mình, cũng không thể là người bạn cho bất cứ ai cả. Chỉ khi nào nuôi lớn được tình thương, ta mới có khả năng làm một người bạn đích thực.
Thực tập hơi thở chánh niệm, chúng ta trở thành một người bạn đích thực cho thân tâm, cảm thọ và tri giác của ta. Chỉ khi nào ta phát triển được tình bạn đích thực với chính mình, ta mới chuyển hóa được những tâm hành khác trong ta, và ta mới giúp được những người khác chuyển hóa. Muốn hòa giải với những người trong gia đình, với những người bạn đã làm ta tổn thương, ta phải chăm sóc bản thân trước. Nếu không có khả năng lắng nghe chính mình, làm sao ta có thể lắng nghe người khác? Nếu không biết cách nhận diện những nỗi khổ đau của mình, làm sao ta có thể hiểu được nỗi khổ đau của người khác, làm sao ta có khả năng mang đến sự an lạc và hòa hợp trong mối quan hệ của chúng ta?
Nhận diện và làm lắng dịu những cảm thọ đau nhức
Mỗi người trong chúng ta đều có một số đau nhức, bệnh tật nào đó trong thân và trong tâm. Cách hay nhất để bắt đầu trị liệu là dừng lại mọi thứ để hoàn toàn có mặt với giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại thôi là đã làm cho thân tâm tự trị liệu rồi. Khi ta chú ý tới hơi thở, thì hơi thở sẽ trở nên nhẹ nhàng thư thái. Khi đi, chúng ta chỉ chú ý vào việc đi, không suy nghĩ, không để cho bất cứ một thứ gì lôi kéo, như vậy là ta đã bắt đầu có sự trị liệu.
Khi bị những nỗi khổ niềm đau lôi kéo, ta phải trở về với hơi thở ý thức. Hơi thở ý thức giúp cho nỗi khổ niềm đau lắng dịu và thư giãn. Khi nỗi khổ đau trở lại, thay vì để nó lôi kéo và làm ta bực bội, chúng ta phải nhận diện nó mà đừng đấu tranh với nó, vì ta biết rằng nỗi khổ đau ấy cũng chính là ta, là một phần của ta. Ta không muốn đấu tranh với chính mình. Niềm đau, cơn giận và sự đố kỵ cũng chính là ta. Khi chúng phát khởi, ta có thể làm cho chúng lắng dịu bằng cách trở về với hơi thở vào ra, hơi thở bình an sẽ làm lắng dịu những cảm xúc mạnh đó.
Khi cảm xúc lắng dịu, ta sẽ thấy được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong ta và hiểu được rằng những người làm cho ta đau khổ cũng đang có nhiều khổ đau. Thông thường khi khổ đau, ta nghĩ rằng duy chỉ có ta là khổ đau còn người kia thì hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, người làm ta khổ cũng đang có nhiều nỗi khổ niềm đau và họ không biết cách để làm chủ những cảm xúc mạnh của họ. Trở về với hơi thở ý thức giúp ta chế tác năng lượng chánh niệm, nhờ chánh niệm ta có tuệ giác. Nhờ có tuệ giác, ta biết cách chuyển hóa nỗi khổ đau của chính mình; và với tình thương yêu, ta có thể giúp người khác chuyển hóa nỗi khổ đau của họ.
Khi bị tổn thương, thường chúng ta có hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là giận dữ hơn và muốn trả thù. Khuynh hướng thứ hai là làm lắng dịu vết thương bằng tình thương và sự hiểu biết, trở về ôm ấp niềm đau cho tâm mình được bình an.
Cách này giúp chúng ta thấy được người kia cũng đang đau khổ, và cơn giận của ta sẽ tiêu tan.
Buông thư
Nếu thân thể chúng ta bất an, nếu chúng ta có quá nhiều cảm xúc mạnh thì hơi thở của ta cũng hổn hển, bất an. Thực tập quán niệm hơi thở, chúng ta sẽ thấy rằng hơi thở chúng ta trở nên lắng dịu hơn, sâu hơn, hài hòa hơn, và những căng thẳng trong cơ thể ta cũng được buông thư hơn. Hơi thở chánh niệm đưa tâm trở về với hơi thở, và nếu tiếp tục thực tập ta sẽ đưa tâm trở về với toàn thân. Chúng ta trở về với thân thể và hòa giải với nó. Chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra trên thân thể ta, chúng ta đã làm gì không đúng, chúng ta đã không dễ thương với thân thể ta như thế nào, và chúng ta biết là chúng ta nên làm gì và không nên làm gì để hòa giải với thân thể ta. Với hơi thở chánh niệm, chúng ta trở về nhận diện toàn thân:
Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân tôi.
Chúng ta phải dễ thương với chính mình, phải nhận diện và mỉm cười với thân thể mình. Nếu rảnh mười, mười lăm phút chúng ta nên thực tập thiền buông thư. Chúng ta chọn một tư thế thật thoải mái.
Lý tưởng nhất là tư thế nằm, để trở về với hơi thở của mình.
Thở vào, tôi ý thức về hơi thở vào của tôi.
Thở ra, tôi ý thức về hơi thở ra của tôi.
Chúng ta có thể nằm xuống, chỉ theo dõi hơi thở vào ra và trân quý sự có mặt của thân thể. Ta cho thân thể có cơ hội được nghỉ ngơi hoàn toàn. Đó là buông thư, là thực tập từ bi đối với thân thể.
Chúng ta bắt đầu chú ý đến toàn thân, sau đó chúng ta chú ý từng bộ phận trên thân thể:
Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra, tôi buông thư tất cả những căng thẳng trên thân thể tôi.
Chúng ta có thể bắt đầu từ đầu xuống đến các ngón chân, hoặc bắt đầu từ các ngón chân trở lên. Sử dụng ý thức để nhận diện từng bộ phận trên cơ thể đang còn đó cho ta. Chúng ta nhận diện và ôm ấp bằng năng lượng chánh niệm, cho phép từng bộ phận trên thân thể được buông thư.
Chúng ta bắt đầu thực tập chánh niệm với từng bộ phận ấy:
Thở vào, tôi ý thức về bộ não của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với bộ não của tôi.
Mỗi bộ phận, ta có thể thở một hay mười hơi thở vào ra. Chúng ta đi qua tất cả các bộ phận trên thân thể. Scan thân thể bằng tia chánh niệm.
Thở vào, tôi ý thức về đôi mắt của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với đôi mắt của tôi.
Hãy buông thư tất cả những căng thẳng trên đôi mắt bởi vì những căng thẳng thường tích tụ trên ấy. Nụ cười rất mầu nhiệm. Nụ cười giúp cho khuôn mặt được buông thư. Ta có thể gởi nụ cười đến những bộ phận khác trên thân thể.
Trên khuôn mặt ta có hàng trăm cơ bắp. Khi ta giận dữ hoặc sợ hãi thì những căng thẳng tích lũy trên những cơ bắp này. Nhưng nếu ý thức, theo dõi hơi thở, mỉm cười với chúng thì chúng ta sẽ buông thư những căng thẳng đó. Khuôn mặt của ta sẽ hoàn toàn khác hẳn sau một hơi thở vào ra. Nụ cười có thể mang đến cho ta một phép lạ. Hãy cho phép đôi mắt được buông thư và gởi đến đôi mắt một nụ cười. Chỉ để ý đến đôi mắt và mỉm cười thương yêu với chúng. Đôi mắt thật mầu nhiệm.
Rồi ta đi xuống tai:
Thở vào, tôi ý thức về hai tai của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai tai của tôi.
Sau đó chúng ta đi xuống hai vai:
Thở vào, tôi ý thức về hai vai của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai vai của tôi.
Chúng ta giúp cho đôi vai của mình buông thư, không để bị căng cứng. Rồi chúng ta đi đến phổi:
Thở vào, tôi ý thức về hai lá phổi của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai lá phổi của tôi.
Hai lá phổi của tôi làm việc quá cực nhọc mà tôi không cho chúng đủ không khí trong lành để hít thở.
Tiếp theo:
Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.
Trái tim tôi làm việc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Bây giờ tôi phải ngưng hút thuốc và uống rượu, tôi muốn thật sự quan tâm đến trái tim tôi.
Chúng ta đi qua hết toàn bộ thân thể. Thong thả scan từng bộ phận bằng ánh sáng chánh niệm. Nhận diện, ôm ấp và mỉm cười với chúng trong vòng mười, mười lăm hay hai mươi phút. Và buông thư những căng thẳng trên đó.
Khi đi ngang qua bộ phận nào đang đau nhức, chúng ta có thể ngừng lại đó lâu hơn, nhận diện và ôm ấp bằng năng lượng chánh niệm, mỉm cười với nó và buông thư những căng thẳng trên ấy. Khi có một nỗi đau nhức về thân, chánh niệm sẽ cho ta biết rằng đây chỉ là nỗi đau về thân. Với ý thức đó chúng ta sẽ dễ dàng buông thư hơn và cơn đau sẽ được trị liệu nhanh hơn.
Phương tiện và cứu cánh
Khi đi trong chánh niệm, bước chân của ta không còn là phương tiện để đến đích nữa. Khi vào bếp lấy thức ăn chúng ta không cần nghĩ: “Tôi phải vào bếp lấy thức ăn”. Với chánh niệm chúng ta có thể nói: “Tôi đang đi thảnh thơi vào nhà bếp và đang tận hưởng từng bước chân của mình”, và mỗi bước chân là đích đến. Không có sự phân biệt giữa phương tiện và cứu cánh. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Không có con đường nào dẫn đến giải thoát, giải thoát chính là con đường.
Mỗi khi chúng ta bước một bước chân chánh niệm là chúng ta đang thực hiện một hành động giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ trên mỗi bước chân của mình. Mỗi bước chân đều mang trong nó một vẻ đẹp. Rửa bát cũng có thể là một hành động giải thoát giác ngộ. Rửa bát như vậy rất thích thú, an vui và hạnh phúc.
Chăm sóc khổ thọ
Khi biết cách chăm sóc thân thể bằng năng lượng chánh niệm rồi, chúng ta có thể bắt đầu đi vào lãnh vực cảm thọ. Quán chiếu về cảm thọ nghĩa là khi có một cảm thọ đang đi lên chúng ta ý thức là có một cảm thọ đang đi lên, cho dù đó là lạc thọ, khổ thọ, trung tín hay hợp thọ. Trước khi chăm sóc những khổ thọ, ta phải học cách chăm sóc những cảm thọ trung tín (không khổ mà cũng không lạc).
Đức Bụt khuyên chúng ta nên chế tác lạc thọ và hỷ thọ để nuôi dưỡng mình trước khi có thể xử lý khổ thọ. Một bác sĩ phẩu thuật khi thấy bệnh nhân quá yếu, không thể chịu đựng được ca phẩu thuật, thì ông ta sẽ cho bệnh nhân nghỉ ngơi, bồi dưỡng để có đủ sức phẩu thuật. Chúng ta cũng cần nuôi lớn niềm vui và hạnh phúc (hỷ và lạc) trước khi chú tâm vào việc chuyển hóa khổ đau. Có thể chúng ta bắt đầu bằng niềm vui. Niềm vui và hạnh phúc luôn có trong tâm thức ta dưới hình thức hạt giống.
Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui.
Thở ra, tôi mỉm cười với cảm thọ mừng vui đang có trong tôi.
Thở vào, tôi cảm thấy an lạc.
Thở ra, tôi mỉm cười với niềm an lạc đang có trong tôi.
Để lại mọi thứ sau lưng
Làm thế nào để nuôi lớn hỷ lạc (niềm vui và hạnh phúc) để những yếu tố này có thể giúp ta chuyển hóa khổ đau? Yếu tố đầu tiên là ly, buông bỏ. Ly sinh hỷ lạc.
Giả sử chúng ta đang sống trong một thành phố lớn như New York hoặc Paris, và chúng ta rất khổ đau bởi những tiếng ồn, khói xe và bụi bặm. Chúng ta muốn bỏ thành phổ để về quê nghỉ ngơi một thời gian. Chúng ta rất hạnh phúc dù có thể mất cả tiếng đồng hồ để lái xe. Khi đến miền quê, thấy không khí trong lành, thấy những ngọn đồi thoai thoải, thấy cây cối xanh tươi, thấy trời xanh mây trắng, chúng ta cảm thấy khỏe nhẹ và hạnh phúc. Chúng ta thấy mình có khả năng để lại thành phố sau lưng để ngắm nhìn và tận hưởng những khung cảnh đẹp đẽ của miền quê.
Tuy nhiên chúng ta không có khả năng giữ được niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Được vài hôm chúng ta lại muốn trở về lại thành phố New York hay Paris. Có lẽ chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này. Những ngày đầu ở miền quê, chúng ta rất hạnh phúc nhưng chúng ta không có khả năng nuôi dưỡng và giữ cho niềm vui hạnh phúc ấy lâu dài. Hạnh phúc được vài ba hôm, chúng ta lại khổ đau và muốn về. Chúng ta nghĩ rằng ngôi nhà ấm cúng thương yêu của chúng ta, quê hương của chúng ta là ở kia. Khi mới về lại New York hay Paris chúng ta cũng hạnh phúc bởi vì chúng ta được về lại ngôi nhà của mình, nhưng cũng được một thời gian sau đó ta lại khổ đau trở lại. Cho nên ta cứ đi tới đi lui như vậy hoài. Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người có hai ngôi nhà, ngôi nhà thứ hai là để khi cần họ có thể về nghỉ ngơi, bỏ qua một bên những bộn bề của cuộc sống.
Niềm vui và hạnh phúc cũng vô thường. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng để chúng có thể ở lại với chúng ta lâu hơn. Nếu không biết nghệ thuật nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc thì niềm vui, hạnh phúc sẽ chết đi. Và chúng ta sẽ đánh mất khả năng tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc mà chúng ta đang có. Niềm vui, hạnh phúc có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Tuy nhiên chúng không đủ sâu để chuyển hóa những khổ đau cùng cực nằm sâu kín trong tâm thức ta. Vì vậy ta phải học cách để chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ trong ta.
Dưới bề mặt đại dương
Nhìn trên bề mặt đại dương chúng ta thấy rất yên tĩnh, nhưng bên dưới của nó có những dòng nước ngầm. Trong sự thực tập của chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng chuyển hóa những khối khổ đau mà cha mẹ tổ tiên trao truyền lại thì chúng ta cũng chỉ hưởng được sự yên tĩnh trên bề mặt trong một khoảng thời gian nào đó. Thỉnh thoảng những khối khổ đau bên dưới sẽ trồi lên. Vì vậy, chỉ nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc thôi thì không đủ. Khi có những vấn đề khó khăn và khổ đau, ta không biết vấn đề thực sự của ta là gì, nỗi khổ đau đích thực của ta là gì. Nỗi khổ đau đó có thể là nỗi khổ đau của cha ta trao truyền lại như một phần gia tài của ta. Nỗi khổ đau mà mẹ không có khả năng chuyển hóa, mẹ cũng trao truyền lại cho ta. Nếu chúng ta chỉ thực tập trên bề mặt thì những niềm vui, hạnh phúc và sự tĩnh lặng của ta cũng rất nông cạn. Chúng không đủ mạnh, không đủ năng lực để giúp ta chuyển hóa những khối khổ đau lớn đang nằm sâu trong chiều sâu tâm thức ta.
Vì không biết được bản chất của những nỗi khổ niềm đau đó nên ý thức ta không có khả năng soi sáng và nhận diện những nỗi khổ đau nằm sâu trong tâm thức. Khi khổ đau, ta đổ lỗi cho cái này cái nọ, cho người này người kia. Chúng ta nghĩ người này, vấn đề kia là nguyên nhân gây nên nỗi khổ của ta. Có thể chúng ta nghĩ rằng: “Chị không dễ thương với mình”, “Gia đình mình không tôn trọng môi trường”, hay “Tăng thân vẫn còn phân biệt, kỳ thị những người đồng tính luyến ái”, v.v… Biết bao nhiêu vấn đề như thế, gia đình có, xã hội có. Và vì chúng ta không biết đâu là đích thực nỗi khổ niềm đau của ta nên ta có khuynh hướng đổ lỗi cho những vấn đề mà ta nghĩ là nguyên nhân tạo nên những nỗi khổ niềm đau trong ta. Vì vậy chúng ta phải trở về ngôi nhà của chính mình để nhận diện và ôm ấp khổ đau. Có thể khi trở về nhận diện những nỗi khổ đau, ta lại thấy đau khổ hơn.
Ở châu Á có một loại mướp rất đắng, Việt Nam gọi là mướp đắng hay khổ qua. Khổ là khổ đau. Mình đã gọi đúng tên nó. Nếu không quen, chúng ta sẽ khổ đau khi ăn nó. Trong ngành y học Trung Quốc, người ta tin rằng thuốc đắng dã tật. Tuy đắng nhưng khi ăn vào thì thấy mát. Cho nên có người muốn đổi tên mướp đắng thành mướp mát. Nhưng cho dù có mát đi chăng nữa nó vẫn đắng. Tuy nhiên người nào biết ăn thì thấy ngon và thích. Vị đắng rất tốt, làm cho mình thấy khỏe.
Buông bỏ
Một ngày nọ, Bụt đang ngồi trong rừng với các vị khất sĩ thì có một bác nông dân đi đến. Bác hỏi Bụt và quý thầy có thấy những con bò của bác đi ngang qua đây không. Bác vừa mới bị mất mấy con bò, không biết chúng chạy đi đâu. Đức Bụt trả lời: “Không, chúng tôi không thấy con bò nào đi ngang qua đây cả, hay là bác đi tìm hướng kia thử”. Khi người nông dân đi rồi, Bụt quay lại các thầy, mỉm cười và nói: “Này quý thầy, quý thầy rất hạnh phúc vì quý thầy không có con bò nào để mất cả”.
Một trong những pháp môn thực tập của chúng ta là viết tên những con bò của mình xuống để quán chiếu, xem chúng ta có khả năng thả được con bò nào không. Có thể chúng ta nghĩ rằng những thứ này rất cần thiết cho sự an sinh của ta, nhưng nếu nhìn sâu hơn có thể chúng ta nhận ra rằng chúng là những chướng ngại cho niềm an vui và hạnh phúc đích thực của mình.
Tôi nhớ có một thương gia ở Đức đến tham dự khóa tu, ông ta cười hoài khi nghe tôi kể chuyện thả bò. Tôi mời ông ta ở lại, nhưng ông nói ông rất bận. Ông phải tiếp tục đi công tác ở Ý và còn nhiều việc khác phải làm nên ông phải chia tay. Hôm sau tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông trong số những thính chúng đang ngồi lắng nghe. Ông nói ông đi nửa đường rồi nhưng quay lại. Và ông rất hạnh phúc. Ông có khả năng thả được con bò mà ông nghĩ là ông phải giữ nó.
Chánh niệm
Nguồn hỷ lạc đầu tiên là buông bỏ. Nhưng chỉ có buông bỏ thôi thì hạnh phúc mới chỉ ở trên bề mặt và tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy ta phải nuôi dưỡng niềm hạnh phúc lâu bền hơn. Nguồn hỷ lạc thứ hai là chánh niệm. Giả sử ta đang đứng ngắm nhìn cảnh mặt trời đang lên. Nếu tâm trí ta bận rộn với những dự án, hay lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, thì ta không thực sự có mặt đó để quán chiếu và thưởng thức sâu sắc cảnh mặt trời đang mọc, rất đẹp đẽ huy hoàng, bởi vì ta thiếu chánh niệm. Nếu ta thực sự trở về với hơi thở vào ra, thở thật sâu và chậm rãi, ta có thể đưa toàn bộ tâm ý vào giây phút hiện tại. Như vậy, ta có thể thoát ra khỏi quá khứ, tương lai và những dự án. Thân tâm ta sẽ trở nên hợp nhất. Chánh niệm giúp ta có mặt hoàn toàn, để chứng kiến, để quán chiếu và thưởng thức một cách sâu sắc khung cảnh mặt trời huy hoàng đang lên.
Giả sử có một người bạn đến thăm và uống trà với ta. Chánh niệm giúp cho khoảng thời gian chúng ta có mặt cho nhau là khoảng thời gian vô cùng quý giá, không thể nào quên được. Chúng ta không suy nghĩ về bất cứ điều gì. Không nghĩ về công việc, không nghĩ về những dự án. Chúng ta chỉ tập trung sự chú ý vào giây phút chúng ta đang có mặt với người bạn của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn ý thức rằng người đó đang có mặt đây, chúng ta có thể ngồi với người ấy và thưởng thức ly trà với người ấy. Chánh niệm giúp chúng ta hưởng được niềm vui một cách sâu sắc trong mỗi giây mỗi phút.
Giữa hỷ và lạc có một chút khác biệt. Giả sử ta đang đi qua một vùng sa mạc mà bị hết nước và ta rất khát. Bỗng nhiên ta thấy một hòn đảo trước mặt mình. Ta biết rằng sẽ có cây cối, hồ nước ở đó, và ta có thể uống nước từ đó. Ý thức ấy mang đến cho ta niềm vui. Ta biết rằng mình sẽ có cơ hội nghỉ ngơi và uống nước. Cảm thọ này gọi là hỷ. Khi đến hòn đảo rồi, ta ngồi xuống dưới bóng cây, quỳ gối xuống, vốc nước lên hai tay mà uống, lúc này ta rất hạnh phúc (đó là lạc). Trong hỷ còn có yếu tố bồn chồn, hưng phấn.
Nếu trong khi ngồi thiền, đi thiền, buông thư mà ta bị đau nhức thì có nghĩa là ta chưa thực hiện đúng. Chúng ta không cần phải đau khổ vì thiền. Thiền không phải là một lao tác mệt nhọc. Thiền phải mang đến cho chúng ta hỷ và lạc như một nguồn thức ăn. Nếu có đủ hỷ và lạc, chúng ta sẽ có đủ sức để xử lý khối khổ đau, buồn rầu và tuyệt vọng trong ta.
Đánh răng, nấu ăn sáng, đi đến thiền đường, hay làm bất cứ điều gì, mỗi bước chân, mỗi hơi thở phải mang đến cho ta hỷ và lạc. Cuộc sống đã đầy dẫy khổ đau rồi, ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa.
Để Bụt thở
Cách đây vài năm ở Seoul, Hàn Quốc, cảnh sát sắp xếp, dọn đường cho chúng tôi có một buổi thiền hành trong thành phố. Đến giờ thiền hành, tôi thấy rất khó để đi bởi vì cả hàng trăm chiếc máy ảnh đang chĩa vào tôi, không có chỗ nào để đi cả. Tôi liền nói với Bụt: “Bụt ơi, con chịu thua rồi, Bụt đi cho con đi”. Ngay tức thì Bụt đến và Bụt đi. Con đường bắt đầu mở ra. Sau kinh nghiệm này tôi làm một bài thi kệ mà chúng ta có thể dùng bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những lúc khó khăn để đi thiền và tập thở.
Để Bụt thở
Để Bụt đi
Mình khỏi thở
Mình khỏi đi.
Bụt đang thở
Bụt đang đi
Mình được thở
Mình được đi.
Bụt là thở
Bụt là đi
Mình là thở
Mình là đi.
Chỉ có thở
Chỉ có đi
Không người thở
Không người đi.
An khi thở
Lạc khi đi
An là thở
Lạc là đi.
Ban đầu có thể ta tin rằng phải có một ai đó mới có thể thở được, phải có ai đó để đi được. Nhưng thực tế thì đi và thở là đủ rồi. Mình không cần người đi, không cần người thở. Chúng ta chỉ ý thức là có cái đi đang xảy ra, có cái thở đang xảy ra.
Chúng ta hãy nghĩ về cơn mưa. Ta thường nói mưa rơi. Điều này hơi buồn cười. Bởi vì không rơi thì không có mưa. Bản thân của mưa là rơi rồi. Không cần phải có một người làm cho mưa rơi. Ta chỉ cần mưa thôi. Khi ta nói gió thổi thì cũng buồn cười như khi ta nói mưa rơi vì nếu không thổi thì không có gió. Chúng ta không cần người thổi. Vì vậy nói mưa hoặc gió là đủ rồi. Đi cũng vậy. Khi nói để Bụt đi thì chỉ có đi thôi, nhưng phẩm chất đi rất cao. Bởi vì cái đi đó rất vui, rất thích thú và dễ chịu. Đó là đi chánh niệm, có rất nhiều hỷ và lạc trong ấy. Bụt là thở, Bụt là đi bởi vì trong cái đi và thở đó có hỷ và lạc. Đó là đi chánh niệm, là thở chánh niệm.