Ba: Nỗi sợ hãi nguyên thủy và ước muốn nguyên thủy
Khi chúng ta sinh ra, nỗi sợ hãi cũng đi theo ta. Trong khoảng thời gian chín tháng trong bụng mẹ, chúng ta cảm thấy rất an toàn, không cần phải làm gì cả. Thật thoải mái và dễ chịu. Nhưng khi sinh ra thì hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn. Cuống rốn của ta bị cắt đi và ta phải tự thở. Có thể trong phổi ta còn một ít chất loãng và ta phải đẩy chất loãng đó ra để có thể thở được hơi thở vào đầu tiên. Chúng ta có khả năng sống được hay không là nhờ vào những hơi thở đầu tiên ấy. Nỗi sợ hãi nguyên thủy cũng bắt đầu từ đó. Là một đứa trẻ bé bỏng, chúng ta có chân tay nhưng không biết cách sử dụng chân tay của mình như thế nào nên chúng ta cần người chăm sóc. Nguồn gốc, căn nguyên của nỗi sợ hãi này cũng do cái ước muốn nguyên thủy mà có. Đó là ước muốn được sống. Chúng ta sợ bị bỏ rơi một mình. Cho dù khi lớn lên, trưởng thành thành người lớn rồi, nỗi sợ hãi và ước muốn nguyên thủy này vẫn còn.
Nỗi sợ hãi và ước muốn này có cùng chung một gốc rễ. Đó là sợ chết và muốn sống. Chúng ta muốn có ai đó giúp chúng ta để chúng ta có thể sống được. Chúng ta hy vọng rằng mỗi phút mỗi giây đều có ai đó đến giúp ta, bảo vệ ta. Chúng ta cảm thấy bơ vơ, bất lực, không thể tự lo liệu được, không thể tự mình sống sót được. Chúng ta cần một người nào đó. Nếu nhìn sâu vào những ham muốn của ta trong hiện tại, ta sẽ thấy được mọi ham muốn của ta đều bắt nguồn từ cái ham muốn nguyên thủy này. Vì không biết được ước muốn của em bé bên trong nên chúng ta không thể thỏa mãn được mong muốn của mình. Chúng ta muốn có một mối quan hệ mới, một công việc mới, hay có thật nhiều tiền bạc. Nhưng khi đạt được những thứ này rồi, chúng ta vẫn không thấy thỏa mãn, vẫn không hạnh phúc. Cứ đi từ ham muốn này đến ham muốn khác, không bao giờ dừng lại.
Tri túc (Biết đủ)
Đức Bụt khuyên chúng ta thực tập saṃtuṣṭa, chúng ta phải thấy rằng chúng ta có đủ điều kiện để hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải thêm gì nữa cả. Saṃtuṣṭa nghĩa là thiểu dục, là muốn ít. Trở về với giây phút hiện tại, nhận diện những điều kiện hạnh phúc ta đang có, chúng ta sẽ thấy rằng ta đang có quá đầy đủ điều kiện hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải tìm kiếm hay chạy theo bất cứ gì nữa cả, bởi vì cho dù có đạt được đối tượng mình mong muốn, ta cũng sẽ không hạnh phúc và tiếp tục chạy theo một đối tượng khác.
Nếu thấy đủ an toàn, chúng ta sẽ không còn tham muốn nữa. Cái thất của tôi rất nhỏ, nhưng tôi thấy vừa đủ, không cần phải có một cái lớn hơn. Cái thất ấy tuy nhỏ nhưng có nhiều khung cửa sổ, nhìn ra bên ngoài quang cảnh rất đẹp. Chúng ta đã có quá nhiều điều kiện hạnh phúc, chúng ta không cần phải chạy tới tương lai để tìm kiếm thêm những điều kiện khác. Những gì chúng ta đang có là đã quá đầy đủ rồi. Nếu chọn cách sống như vậy thì ngay lập tức chúng ta sẽ trở thành một người hạnh phúc.
Sống trong xã hội hiện đại này, chúng ta phải làm thế nào để có thể tiếp nhận tuệ giác đó. Nhiều người vẫn tin rằng mình chỉ có thể hạnh phúc khi có thật nhiều tiền tài, danh vọng và quyền lực. Nhưng nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta thấy được rất nhiều người có nhiều tiền tài và quyền lực, mà họ vẫn khổ đau cùng cực vì nỗi cô đơn và căng thẳng. Vì vậy quyền lực và tiền tài không phải là tiêu chuẩn cho một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta phải rèn luyện cho chính mình một nghệ thuật sống chánh niệm.
Đừng kẹt vào quá khứ
Tàng thức là một nơi mà trong đó tất cả những bộ phim của quá khứ luôn luôn được trình chiếu. Những nỗi khổ đau và những vết thương vẫn còn cất giữ lại đó. Quá khứ đã qua rồi, nhưng những hình ảnh của quá khứ vẫn còn và thỉnh thoảng vẫn trở về trong giấc mơ của ta hay lúc ta còn thức, và chúng ta sống lại với những nỗi khổ đau trong quá khứ đó. Chúng ta có khuynh hướng để cho nhà tù quá khứ giam hãm ta. Về mặt lý thuyết chúng ta biết rằng quá khứ không còn nữa, những ký ức của chúng ta chỉ còn là những hình ảnh, những cuốn phim trong quá khứ. Tuy nhiên những bộ phim ấy vẫn được chiếu lên, và mỗi khi bộ phim được chiếu lên thì chúng ta đau khổ trở lại.
Giả sử chúng ta đang ngồi trong rạp chiếu bóng xem phim, chúng ta tin rằng đây là một câu chuyện có thật, và có thể chúng ta khóc. Khổ đau là có thật, những giọt nước mắt cũng có thật, nhưng những gì xảy ra trên màn hình thì không thật, nó chỉ là phim ảnh. Nếu lên sờ vào màn hình, ta thấy không có ai ở đó cả, chỉ có ánh sáng lung linh trên màn hình thôi. Ta không thể nói chuyện với người trên màn hình, không thể mời họ uống trà với ta bởi vì đó là một câu chuyện hư cấu, là một cái gì đó không thật. Tuy nhiên nó có thể tạo ra những khổ đau và trầm cảm thật cho ta.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng em bé bên trong chúng ta vẫn còn đó, vẫn còn kẹt vào quá khứ. Chúng ta phải cứu em bé. Ngồi cho vững chãi, thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại và nói chuyện với em bé trong ta: “Em ơi, em nên biết là chúng ta đã lớn rồi. Giờ đây chúng ta có thể tự bảo hộ và che chở được cho chính mình rồi”.
Như lý tác ý
Nếu lúc bảy tuổi ta bị lạm dụng thì ta sẽ mang theo trong mình hình ảnh của em bé bảy tuổi bị lạm dụng đó, rất dễ bị tổn thương và đầy ắp sự sợ hãi. Khi nghe một điều gì gợi cho ta nhớ lại những nỗi khổ đau của thời quá khứ thì tự động chúng ta tiếp xúc với những hình ảnh của quá khứ đó. Nhiều thứ ta nghe, thấy, chứng kiến trong giây phút hiện tại đều có khả năng đưa chúng ta về với những ký ức khổ đau đó.
Nếu khi nhỏ ta bị lạm dụng thì hầu như những gì ta thấy, ta nghe đều có thể kéo ta trở về với hình ảnh của em bé đang bị lạm dụng đó. Thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh quá khứ ấy sẽ làm tăng thêm cảm giác sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong ta. Chúng ta gọi đó là phi như lý tác ý (Ayoniso Manasikāra) bởi vì nó làm cho ta đắm chìm trong những khổ đau của quá khứ mà không an trú được trong phút giây hiện tại. Khi nào tác ý của ta đi về hướng những hình ảnh quá khứ đó, ta phải biết cách để xử lý những nỗi buồn, sợ hãi và khổ đau đang trỗi dậy trong ta.
Tiếng chuông có thể nhắc nhở chúng ta dừng lại những suy nghĩ, nói năng và trở về an trú nơi hơi thở vào ra. Tiếng chuông có khả năng đưa chúng ta ra khỏi hình ảnh khổ đau và nhắc chúng ta trở về với hơi thở. Thở thật sâu và mỉm cười để làm lắng dịu thân tâm. Khi khổ đau trỗi dậy thì sự thực tập của chúng ta là trở về với hơi thở vào ra: “Thở vào, tôi biết là khổ đau đang có trong tôi”. Nhận diện và ôm ấp tâm hành chính là một trong những pháp môn thực tập của chúng ta. Nếu thực tập thành công, chúng ta có thể đi thêm một bước xa hơn. Với chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể trở về với hình ảnh quá khứ để biết nguyên nhân nào làm cho hình ảnh đó phát khởi. Sở dĩ tôi có cái này là vì tôi tiếp xúc với cái kia.
Nhiều người trong chúng ta không thể thoát ra được thế giới của hình ảnh. Với năng lượng chánh niệm, chúng ta nhận ra rằng những khổ đau trong quá khứ chỉ là những hình ảnh mà không phải là một thực tại hiển hiện, và cuộc sống với những mầu nhiệm của nó đang có mặt ở đây. Sống hạnh phút trong giây phút hiện tại là điều chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể thay đổi được toàn bộ tình trạng.
Học hỏi từ khổ đau
Khả năng hiểu được nỗi khổ đau có thể mang đến cho ta tình thương và lòng từ bi. Hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu. Nhờ có khổ đau ta mới học được bài học hiểu biết và thương yêu. Hiểu được nỗi khổ đau rồi chúng ta không còn đổ lỗi, trách móc nữa, chúng ta có khả năng chấp nhận và thương yêu. Vì thế khổ đau rất hữu ích. Không biết cách xử lý khổ đau, chúng ta sẽ bị đắm chìm trong biển khổ. Nhưng nếu biết cách xử lý, chúng ta sẽ học được rất nhiều từ những nỗi khổ đau ấy.
Chúng ta có khuynh hướng trốn chạy khổ đau. Trốn chạy khổ đau và đi tìm kiếm dục lạc là khuynh hướng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, chúng ta phải chỉ cho cái tâm của chúng ta biết rằng khổ đau đôi khi cũng rất hữu dụng. Khổ đau cũng có mặt tốt của nó. Nhờ có khổ đau chúng ta mới hiểu được, mới thông cảm được. Và nhờ hiểu biết, cảm thông chúng ta mới có khả năng chấp nhận và thương yêu. Không có hiểu biết và thương yêu thì không thể có hạnh phúc. Khổ đau dính liền với hạnh phúc. Vì vậy chúng ta không nên sợ hãi khổ đau. Chúng ta có thể ôm ấp nỗi khổ đau một cách nhẹ nhàng, nhìn sâu vào nó và học hỏi từ nó. Chúng ta biết là chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ khổ đau. Phải thấy được mặt tốt của khổ đau. Không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Không có bùn thì không có sen. Vì vậy nếu biết cách xử lý khổ đau thì khổ đau đến cũng không sao. Khi ta có thái độ vô úy, không sợ hãi trước khổ đau, ta sẽ không khổ đau nhiều. Và khi ra khỏi khổ đau thì đóa hoa hạnh phúc sẽ bừng nở.
Năm phép quán tưởng
Đức Bụt nói rằng tất cả chúng ta ai cũng có hạt giống sợ hãi, nhưng hầu hết chúng ta đè nén nó và khóa chặt nó trong bóng tối. Để giúp chúng ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào những hạt giống sợ hãi đó, đức Bụt đã cống hiến cho chúng ta một sự thực tập gọi là năm phép quán tưởng:
- Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh khỏi cái già.
- Tôi thế nào cũng phải bệnh. Tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh.
- Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết.
- Tất cả những người tôi thương yêu và tất cả những gì tôi trân quý hôm nay, một mai tôi phải xa lìa và buông bỏ.
- Tôi không thể nào tránh thoát được sự xa lìa và buông bỏ ấy.
- Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, khẩu, ý của tôi tạo nên.
Những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.
Mỗi ngày chúng ta phải để dành vài phút để thực tập, quán chiếu những bài tập này kết hợp với hơi thở. Chúng ta thực tập năm phép quán tưởng này để hạt giống sợ hãi trong ta được chuyển hóa. Chúng ta phải mời nỗi sợ hãi lên để nhận diện và ôm ấp. Khi nỗi sợ hãi trở lại hình thức hạt giống thì cường độ của nó sẽ nhẹ hơn. Mời hạt giống sợ hãi lên như thế, chúng ta sẽ được trang bị kỹ càng để chăm sóc cơn giận của chúng ta vì nỗi sợ hãi sẽ làm phát sinh sự giận dữ. Khi nỗi sợ hãi có mặt thì ta bất an, vì vậy nỗi sợ hãi trở thành mảnh đất cho cơn giận phát sinh. Vô minh là nguồn gốc của nỗi sợ hãi. Thiếu hiểu biết là nguyên nhân đầu tiên của cơn giận.