Chương 1: Chế tác năng lượng chánh niệm nơi tự thân
Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nội dung
- Cung cấp những phương pháp hướng dẫn cụ thể và thực tế để chúng ta có thể bắt đầu, xây dựng, đào sâu và duy trì việc thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày.
- Tìm hiểu những cách thức áp dụng, những ý kiến và phản hồi của các giáo viên, những người đã thực tập pháp môn Làng Mai và từ đó có một đời sống tích cực. Qua đó, chúng ta cùng tìm hiểu xem điều gì đã giúp họ chế tác được năng lượng chánh niệm.
Chánh niệm bắt đầu từ chính mình
Nếu có một thông điệp chính yếu của bộ sách này, thì đó là “chánh niệm bắt đầu từ chính mình”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rất rõ ràng “trở về với chính mình” luôn là “bước đầu tiên”.
Mỗi người chúng ta đều có một tập khí. Thường thường, con người không thích trở về và tiếp xúc với những khổ đau bên trong. Họ tìm cách chạy trốn và khỏa lấp những nỗi khổ niềm đau như: cô đơn, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng. Đối với một người thầy giáo hoặc cô giáo, điều đầu tiên phải làm là trở về với chính mình. Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Về với tự thân và chăm sóc chính mình: học hỏi những cách thức làm phát sinh cảm giác mừng vui, phát sinh cảm giác hạnh phúc, học cách xử lý những cảm thọ đau buồn, lắng nghe được nỗi khổ đau để cho hiểu biết và tình thương có mặt, để mình bớt khổ. Đó là bước đầu tiên[1].
Thầy giáo, cô giáo thường chú tâm vào những nhu cầu của người khác hơn là của chính họ. Có thể chúng ta rất tâm huyết với nghề và hòa mình vào vai trò của người giáo viên đến nỗi chúng ta quên luôn điều căn bản nhất rằng chúng ta cũng là một con người. Ông Michael Schwammberger, một nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm thực tập với Làng Mai, đã được thức tỉnh từ nhận thức của một thiền sinh thuộc nhóm ông hướng dẫn trong khóa tu của Làng Mai, người đó luôn ghi nhớ sự thật quan trọng rằng chúng ta là “nhiều hơn một người thầy cô giáo”.
Một người trong nhóm của tôi nói rằng: “Không phải chỉ vì đó là thầy cô giáo mà chúng ta cố gắng trị liệu, mà bởi vì họ là một con người”. Người giáo viên này có thể có một người vợ, những người con và nhiều mối liên hệ khác nữa. Vì vậy, chúng ta làm thế nào để có thể thật sự yểm trợ người này như yểm trợ một con người, mà không phải chỉ là yểm trợ một người thầy giáo hay cô giáo.
Tất cả chúng ta đều có nhu cầu và quyền lợi của con người là dành thời gian cho chính mình, trị liệu khổ đau và chế tác hạnh phúc cho chính mình.
Thầy Pháp Lưu, một hình ảnh lãnh đạo trong phong trào Wake Up, là một trong những người hướng dẫn nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, nhận ra rằng, thầy cô giáo thường ngạc nhiên với ý tưởng chánh niệm cần bắt đầu từ chính họ. Họ đến khóa tu với mong đợi và có lẽ, hy vọng, sẽ được trao cho một chương trình để dạy chánh niệm cho học sinh của mình.
Trong những khóa tu của chúng tôi, thầy cô giáo muốn đến học hỏi các chương trình và phương pháp, nhưng chúng tôi dạy cho họ cách thức chuyển hóa và mang lại hạnh phúc cho chính cuộc sống của họ. Điều này có sức mạnh hơn bất cứ một phương pháp hay chương trình giảng dạy nào. Sau bốn hay năm ngày có mặt trong nguồn năng lượng tập thể bình an, yên lặng, chánh niệm và thanh thản, không có bất cứ một dự án nào cần thực hiện, không một buổi họp nào cần tham dự, chỉ tập buông bỏ những suy nghĩ, trở về với hơi thở, ý thức thân thể và cảm thọ của mình. Họ vô cùng cảm động khi thấy chúng tôi rất chú trọng chăm sóc cho sức khỏe thân tâm và sự an vui của chính bản thân họ. Điều đó sẽ luôn là phần cốt lõi của phong trào Wake Up – chăm sóc cho các thầy cô giáo[2].
Thầy cô giáo gặt hái được điều gì từ sự thực tập chánh niệm?
Chúng ta đã nghe khá nhiều về những thay đổi mà sự thực tập chánh niệm mang lại cho đời sống của các thầy cô giáo, cho sự nghiệp giảng dạy và cho những mối liên hệ của họ với học sinh. Trong phần này, chúng ta sẽ nhìn sâu hơn về vài thay đổi và chuyển hóa mà chánh niệm mang lại cho cá nhân các thầy cô giáo, theo tường thuật của họ.
Buông bỏ căng thẳng và áp lực “phải đạt được điều gì đó”
Mục đích và thành quả có khuynh hướng trở thành những nhân tố điều khiển chúng ta – những thầy cô giáo. Môi trường sống nhiều căng thẳng, áp lực và sự săm soi từ bên ngoài cũng tác động lên cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng có thể để mình cuốn theo những ý định tốt của bản thân như muốn “gỡ rối” cho người khác. Chánh niệm có thể giúp ta dễ dàng gỡ bỏ gánh nặng từ những vấn đề đang điều khiển cuộc sống của chúng ta. Chánh niệm có thể giúp chúng ta kết nối được với những kinh nghiệm của mình theo một cách khác, cho mình thời gian và không gian để chỉ có mặt ở hiện tại, khoảnh khắc duy nhất mà mọi thứ có thể thật sự thay đổi, chứ không phải luôn luôn dự tính cho tương lai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảnh giác cho chúng ta về sự nguy hiểm của việc biến chánh niệm thành một thứ công cụ. Thiền sư nhắc nhở chúng ta không nên sử dụng chánh niệm để đạt tới một điều gì đó trong tương lai, mà đơn giản là trở về ngay hiện tại dù chúng ta đang ở đâu.
Chúng ta đang nói về “chánh niệm”. Vậy, nếu có chánh niệm, thì tất phải có “tà niệm”, và tất cả chúng ta cần phải có khả năng phân biệt được hai điều này.
Chánh niệm, trước hết không phải là một loại công cụ. Chánh niệm cũng không phải là một phương tiện để đạt được mục đích, cứu cánh mà chánh niệm là một con đường. Dụng cụ là cái được sử dụng trong nhiều cách khác nhau, ví dụ như một con dao. Nếu bạn đưa cho ai đó một con dao, anh ta có thể dùng nó để chặt củi hoặc cắt gọt rau quả, nhưng anh ta cũng có thể dùng nó để giết hại hoặc trộm cắp. Chánh niệm không giống như một con dao. Chánh niệm không phải là dụng cụ dùng để làm điều tốt hay xấu gì cũng được. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại nói về chánh niệm như một công cụ. Chúng ta nói rằng, với chánh niệm, chúng ta có thể trị liệu; với chánh niệm, chúng ta có thể hòa giải; với chánh niệm, chúng ta có thể kiếm tiền nhiều hơn; thậm chí thời nay quân sự cũng tuyên bố rằng với chánh niệm, họ có thể giết kẻ thù hiệu quả hơn.
Chánh niệm không chỉ là con đường đưa tới hạnh phúc, mà chánh niệm chính là con đường hạnh phúc. Khi bạn thực tập thở vào có chánh niệm, thì hơi thở vào của bạn không phải là một phương tiện để đạt đến cứu cánh. Nếu bạn biết cách thở thì bạn sẽ thấy dễ chịu, bình an và trị liệu ngay khi thở. Nếu trong khi thở mà bạn cảm thấy khổ sở – nếu bạn có khuynh hướng nghĩ rằng, “Bây giờ tôi chịu khổ để đổi lại sau này tôi sẽ có được điều gì đó tốt đẹp hơn”, đó không phải là chánh niệm. Trong chánh niệm, mỗi bước đi chính là con đường. Chúng ta cần phải nhắc nhở mình thực tập như thế nào để có bình an, tĩnh lặng và vui tươi ngay lập tức. Cho dù ta đang ngồi, đang đi, đang thở, đang nấu nướng hay đang quét nhà, thì chánh niệm sẽ làm cho những hành động đó trở nên dễ chịu và hiến tặng cho ta niềm vui, bình an và tuệ giác trong chính thân tâm và hoàn cảnh của ta.
– Khóa tu 21 ngày, năm 2014
Nhiều thầy cô giáo đều cảm nhận được sự thư thái khi biết rằng có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại mà không phải lúc nào cũng dự tính cho tương lai, là điều có thể làm được. Tuệ giác này giúp ta sống chậm lại và buông bỏ, tuy tiếp tục công việc giảng dạy của mình, nhưng vẫn tận hưởng sự sống và tin rằng mọi thứ đều có hướng đi.
Một điều tôi đã học được, hay nói đúng hơn, một quan điểm tôi cố gắng áp dụng là không quá định hướng mục tiêu vào bất kì kết quả cụ thể nào. Thực sự chỉ tiến hành công việc và mọi thứ sẽ mở ra con đường của nó.
– Michael Bready, người hướng dẫn chánh niệm, Anh
Kỹ năng đáp ứng với thử thách, khó khăn và khổ đau
Trong Chương 7 của tập 1 Cẩm nang hạnh phúc, chúng ta đã khám phá vai trò của chánh niệm trong việc giúp ôm ấp những cảm thọ khó chịu và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau. Chánh niệm có thể giúp chúng ta đương đầu với những thử thách không thể tránh được trong cuộc sống bằng sự trầm tĩnh và lắng dịu sâu hơn.
Theo như quan sát của Alison Mayo, tập trung vào những điều tưởng chừng như là “những chuyện nhỏ” lại có thể xây dựng bình an, tĩnh lặng và khả năng phục hồi nhanh chóng từ bên trong.
Đời sống cá nhân của tôi đã thay đổi đáng kể. Những lời dạy về sự thực tập đã giúp tôi nổi lên mặt nước, cưỡi trên những con sóng để vượt qua nhiều thời điểm bận rộn và căng thẳng. Hai khía cạnh tôi thấy hữu ích nhất là nhấn mạnh sự thực tập nuôi dưỡng niềm vui, khinh an, hạnh phúc và đem hơi thở ý thức, chánh niệm vào trong những sinh hoạt hàng ngày. Hiện giờ, hầu như tối nào tôi cũng thực tập đi thiền lên ngọn đồi gần nhà, điều này đã làm cho đầu óc tôi sáng suốt, giúp tôi vận động, hít thở không khí trong lành và kết nối với thiên nhiên.
Cảm giác thư giãn trở lại khi có mặt với giây phút hiện tại có thể được trải nghiệm suốt trong những khoảnh khắc của đời sống hàng ngày. Gloria Shepherd, một nhà giáo dục trong lĩnh vực chánh niệm, người Mỹ, xác nhận rằng, đối với cô, chỉ đơn giản thực tập có mặt nhiều hơn nơi giây phút hiện tại với những điều nhỏ nhặt, như dắt chó đi dạo mỗi ngày, đem lại cho cô năng lượng dự trữ để đương đầu với những thời điểm khó khăn hơn.
Tôi nghĩ, điều hữu ích nhất đối với tôi là câu nói của Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), “This is it”-“Nó đây rồi!” (Cái mà ta tìm kiếm bấy lâu đây rồi), nhắc nhở chúng ta có mặt ở giây phút hiện tại với cuộc sống vốn như là, con cái, cha mẹ, gia đình, hoàn cảnh, v.v… Điều đó tạo cho tôi thêm rất nhiều không gian. Tôi thường ngồi nhìn kỹ điều này. Nó đã giúp tôi vượt qua những lúc thực sự khó khăn khi con cái tôi giận dữ và la hét. Với ý thức chánh niệm, tôi cảm nhận sự phản ứng của mình, sau đó tôi thường nhớ đến câu “Nó đây rồi!” và làm cho giây phút đó lắng dịu. Tôi thực tập lắng nghe sâu và làm lắng dịu cả nỗi đau hay phản ứng trong tôi. Tôi thực tập điều này ngay cả trong những thời khắc ngắn ngủi. Khi con chó của tôi còn sống và tôi dẫn nó đi bộ ban đêm, thỉnh thoảng tôi lại hấp tấp cho nó đi vệ sinh để tôi có thể vào nhà, đi ngủ. Nhưng sau khi tham dự khóa tu cho giới giáo chức của Thầy, và biến “This is it – Nó đây rồi!” trở thành sự thực tập thường xuyên, tôi bắt đầu tự nhắc nhở mình, nó thật sự đây rồi và tôi cũng đang có mặt đây! Sau đó tôi ngắm những vì sao, những đám mây và cảm nhận không khí mát lạnh, nóng bức hoặc mưa rơi hay bất kỳ thời tiết như thế nào. Tôi theo dõi hơi thở, thưởng thức từng giây phút, ngay cả giây phút tôi dọn vệ sinh cho con chó của mình.
Đối với tôi, sự thực tập liên tục trong suốt những thời khắc nho nhỏ trong đời sống đã giúp tôi có mặt được với những thời điểm thử thách lớn hơn.
Chánh niệm giúp chúng ta đối diện được với những thử thách khắc nghiệt hơn của cuộc sống, như trong trường hợp của cô Mariann Taigman, cô phải đối diện với căn bệnh và cái chết của người cha yêu quý.
Những lời dạy của Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) thực sự đã giúp tôi “có mặt trong từng phút giây” với cha tôi trong những ngày cuối cùng trước khi cha mất. Điều này trở thành một kỷ niệm sâu sắc hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ, mặc dù rất khó khăn khi nhìn cha mình đau đớn. Tôi vuốt lông mày của cha tôi, đút cho cha ăn, giúp cha thông đường tiểu, giúp cha di chuyển, đẩy xe lăn cho cha, giúp cha cười đùa, và hát cho cha nghe những bài hát tôi học được trong khóa tu. Đó là những ký ức sâu sắc, tuyệt đẹp (tuy buồn), và đồng thời cũng là khó khăn nhất trong cuộc đời tôi.
Chánh niệm có thể là người bạn thân thiết của chúng ta trong tất cả những giây phút khắc nghiệt nhất của cuộc đời. Jenna Joya Blondel, một giảng viên đại học đến từ Mỹ, đã đối mặt với những điều thực sự cam go, kể cả chấn thương trầm trọng của những năm trước, những đau đớn trên cơ thể, và mối quan hệ tan vỡ với người mà cô rất quan tâm. Đối với cô, chánh niệm đã giúp cô “biến cuộc đời mình thành sự thực tập”, bất chấp mọi nghi ngại để có thể sống một cuộc sống bình an, hạnh phúc và từ bi.
Với sự thực tập chánh niệm, tôi đã học cách sống bình an, nhìn nhận thế giới và những khổ đau của thế giới bằng một trái tim rộng mở, biến đời sống của tôi – đi lại, ăn uống, nói năng, lắng nghe, và thở – thành sự thực tập. Tôi đau khổ bởi chứng Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)[3] (Những nỗi khổ tôi phải chịu đựng từ gia đình của mình. Cuộc hôn nhân thứ nhất thất bại, tôi phải sống xa ba đứa con). Những lời dạy của Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) đã giúp tôi đối mặt với chứng PTSD bằng sự thực tập chánh niệm, bằng cách có mặt ngay bây giờ và ở đây mà không phải đắm mình trong những kí ức đau thương hay những sợ hãi về tương lai. Tôi đau kinh niên vì chứng u xơ và hơi thở chánh niệm đã giúp tôi ôm ấp được cơn đau này. Những lời dạy của Thầy về truyền thông và tình yêu đích thực đã giúp vợ chồng tôi tạo được một mối quan hệ bình an, hạnh phúc, từ trái tim đến trái tim, trong lần tôi tái hôn. Những lời dạy của Thầy đã giúp tôi trị liệu và trưởng thành hơn. Tôi thực sự biết ơn và cố gắng trao truyền những lời dạy hữu ích này đến với những người khác.
Chế tác tự do từ những tập khí tinh thần
Chúng ta dễ bị những hành xử, thói quen hay định kiến đã lỗi thời bó buộc làm ảnh hưởng đến tinh thần. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng tự do mang lại nhờ niệm, định, tuệ sẽ làm thay đổi cách chúng ta liên hệ với tư duy của bản thân, và vì vậy giúp ta chọn lựa được cách hành xử tốt đẹp hơn cho chính mình.
Mọi thứ tiến triển tùy thuộc vào nguyên tắc tương duyên, nhưng vẫn có tự do ý chí và khả năng chuyển hóa. Tự do ý chí là chánh niệm. Khi có chánh niệm tham dự vào, chúng ta ý thức được điều gì đang xảy ra. Nếu chúng ta thích những hành động của mình thì chúng ta cho phép chúng được tiếp tục. Nếu chúng ta không thích những hành động của mình thì chúng ta dùng những phương pháp có tuệ giác và định tĩnh để thay đổi chúng. Chúng ta không muốn chọn con đường dẫn đến khổ đau, chúng ta muốn đi con đường đưa đến việc chấm dứt khổ đau và đem lại hạnh phúc. Tự do ý chí là điều có thể làm được, bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng làm chủ được những tư duy, lời nói và hành động của mình. Chúng ta có trách nhiệm với những hành động ấy, và sự tiếp nối tốt đẹp là điều có thể đảm bảo được. Tự do bắt đầu từ chánh niệm, chánh định và tuệ giác. Có tuệ giác và chánh kiến, chúng ta có thể thực tập chánh tư duy. Chúng ta có thể thay đổi chính mình, chúng ta có thể thay đổi thế giới. Tất cả đều là kết quả của hành động[4].
Những thầy cô giáo có kinh nghiệm thực tập nhận thấy rằng chánh niệm có thể giúp họ nhìn lại những thói quen hàng ngày, những phán xét mà họ cho là điều đương nhiên, nhận diện sự có mặt của những phán xét đó, rồi mở lòng hơn, uyển chuyển hơn để thay đổi. Điều này được thầy Ranjani Shankar, một giáo viên trung học ở Ấn Độ, minh chứng bằng kinh nghiệm của mình.
Tôi đã từng là một người suốt đời hay chỉ trích, có lẽ cũng hay phán xét nữa, nhưng bây giờ tôi dễ dàng tha thứ. Điều này làm cho cuộc đời tôi bớt khổ sở hơn. Người khác cũng có thể nhận thấy những thay đổi đó ở tôi.
Cô Valerie Brown, một nhà giáo dục có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn chương trình Lãnh đạo có chánh niệm ở Hoa Kỳ, đã nói về vai trò của chánh niệm trong việc giúp cô nhận ra tư duy khép kín của mình, từ đó nuôi lớn khả năng dừng lại để ý thức những phản ứng theo thói quen, thoát ra được những lối mòn trong suy nghĩ, và nhìn nhận tình huống đúng với chính bản thân nó. Điều này mang lại cho cô và sinh viên sự tự do để đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.
Sự sáng suốt phát sinh nhờ khả năng chú ý tới những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, ý thức mình đang cảm thấy như thế nào, nơi thân thể và cảm thọ. Thêm vào đó, sự sáng suốt còn đến từ sự linh hoạt khi biết dừng lại đủ lâu để lựa chọn cách phản ứng chứ không phản ứng theo thói quen hay vô thức. Nhìn thấy tình huống một cách rõ ràng, chứ không phải những gì bạn muốn được thấy, hy vọng nhìn thấy hay mong đợi để thấy, bạn biết cách hay nhất để phản ứng và chọn lựa một cách khôn ngoan. Hành động khéo léo dựa trên tuệ giác. Một trong những người tham dự khóa học với tôi, một người lãnh đạo trong giới giáo chức ở một trường tư thục tại Midwest, Hoa Kỳ, đã sử dụng sự dừng lại có chánh niệm để làm chậm lại những phản ứng vô thức của cô. Cô nói rằng những giây phút dừng lại đầy chánh niệm này đã thực sự là “những giây phút để chọn lựa”.
Những bước đầu tiên: trở nên chánh niệm hơn
Làm sao để biến chánh niệm thành điều thực tế trong đời sống hàng ngày? Con đường đó như thế nào và những bước tiếp theo mình phải đi là gì? Những người khác đã tìm thấy con đường như vậy ở đâu? Những thầy cô giáo bắt đầu chế tác năng lượng chánh niệm như thế nào? Và họ tiếp tục ra sao?
Hẳn nhiên chúng ta biết là có nhiều nguồn cảm hứng và nhiều hướng đi. Không có một hướng đi nào là duy nhất đúng. Tuy nhiên, những bảng chỉ đường luôn có đó để giúp ta.
Nghe về chánh niệm qua một cuốn sách hoặc một bài giảng
Đối với nhiều người, chỉ đơn giản được nghe những điều cơ bản về chánh niệm là đã mang đến sự đồng cảm và đánh thức được tiếng chuông chánh niệm trong lòng. Điều đó có thể đủ khiến cho ta bắt đầu đi theo con đường này. Sự thật thì nếu chúng ta không bị rúng động khi nghe về chánh niệm, chúng ta sẽ không thích bắt đầu.
Mack Paul, một giáo viên đến từ Oklahoma, đã kể một câu chuyện tương tự về những người thầy cô giáo rất trân quý truyền thống thực tập của Làng Mai nhờ có nhịp cầu đầu tiên là những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Lúc bắt đầu dạy học, tôi không có niềm tin vào khả năng của mình khi làm một công việc nào đó lớn lao. Tôi trở nên lo lắng và bực tức khi cứ mãi khổ sở với những bệnh tật do căng thẳng gây ra. Tôi đã cố gắng thiền tập và có thể làm được trong vài phút, nhưng sau đó, khi rời khỏi chỗ ngồi tôi vẫn bị căng thẳng trở lại. Một người bạn đưa cho tôi cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức và tôi đã bắt đầu học cách duy trì chánh niệm. Điều này đã thực sự giúp tôi có thể tận hưởng hạnh phúc trong những năm tháng dạy học của mình. Tôi đã nghỉ hưu sau 32 năm đứng lớp, và bây giờ làm phụ tá cho một giáo viên đặc biệt. Tôi cũng đã trở thành một người chồng và người cha tốt hơn.
Đối với cô Valerie, đã nhắc đến ở trên, điểm khởi đầu là một bài pháp thoại đầy cảm hứng mà cô được tham dự. Nhờ buổi pháp thoại đó, cô đã quay về nhìn nhận lại sự khác biệt giữa tầm nhìn rộng lớn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cuộc sống của cô trong giờ phút hiện tại.
Hầu như mọi thứ Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) nói trong suốt buổi pháp thoại đều ngược lại với cách tôi đang sống. Thầy dạy về cách chế tác hạnh phúc từ bên trong và đem chia sẻ điều này với người khác. Thầy dạy về sự dừng lại và an tịnh thân tâm. Tôi thấy thực sự bị cuốn hút xen lẫn đôi chút phân vân bởi vì phần lớn đời sống của tôi là chạy đua. Thế rồi tôi đã quyết định bắt đầu thực tập chánh niệm trong công việc lẫn trong đời sống hàng ngày của mình.
Chúng tôi đã liệt kê ra các nguồn tư liệu, bao gồm sách và các đường liên kết mạng, vài đường liên kết trong số đó là cho các bài pháp thoại, trong phần “Tiếp theo là gì?” ở cuối cuốn sách này sẽ giúp bạn khám phá thêm về chánh niệm.
Bắt đầu thực tập chánh niệm khi đối mặt với những khổ đau cá nhân
Không cần phải tìm kiếm khổ đau, đằng nào thì khổ đau cũng đến gõ cửa. Đôi lúc có người bắt đầu con đường thực tập chánh niệm khi gặp những biến cố thách thức bản năng sinh tồn như bệnh nặng, lúc mạng sống bị đe dọa hay những khủng hoảng trong gia đình.
Michele Chaban, giảng viên đại học, đã kể một câu chuyện tuy giản dị nhưng lại khiến ta kinh ngạc về sự thực tập chánh niệm đã giúp cô đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực trong sự cố kinh hoàng xảy đến với mình. Hơn thế nữa, việc duy trì chánh niệm đã giúp cô nhìn lại trải nghiệm đó với lòng biết ơn.
Hôm đó, tôi đã bị một người tài xế say rượu tông vào. Tai nạn đó làm tôi mất đi đôi chân của mình. Đối với những loại đau khổ như thế, bạn phải lựa chọn: tiếp tục sống, nổi điên khùng hay làm một điều gì đó khác hơn. Tôi đã quyết định là học hỏi về nỗi khổ đau của mình. Cho nên phải nói rằng thiền tập chánh niệm đến với tôi qua người tài xế say rượu. Tôi trân quý sâu sắc điều đó cũng như tất cả những gì ông ta đã gây ra cho tôi.
Câu chuyện của Michele chứng minh được chánh niệm có khả năng giúp chúng ta đối diện và tạo ra sức mạnh từ những kinh nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời của mình. Đây là một thí dụ phi thường và đầy cảm hứng của giáo lý “không có bùn thì không có sen”.
Tìm một vị thầy chánh niệm
Để duy trì sự thực tập chánh niệm, chúng ta nên tìm cho mình một vị thầy ở gần nơi mình sống để tiếp tục được hướng dẫn và tạo cảm hứng cho con đường của mình. Điều này sẽ rất hữu ích. Một nhà giáo đặc biệt ở Mỹ chia sẻ rằng sự thực tập trong một cộng đồng đã giúp đỡ cô rất nhiều, dù là cô đang thực tập với tăng thân (hay với chỉ một nhóm) hoặc thậm chí khi đang ở một mình.
Đối với tôi, thực tập với một vị giáo thọ như Eileen Kiera trong hơn 23 năm qua cũng như thực tập với tăng thân đã đem lại cho tôi nhiều hạnh phúc, hiểu biết và giảm bớt rất nhiều những điều phiền muộn. Chồng tôi, chị tôi và bạn bè tôi đã nhận thấy rất nhiều những thay đổi tích cực ở tôi trong những năm tháng qua. Thực tập thiền hành im lặng giữa thiên nhiên, thực tập trong xe hơi trên đường đi làm, dừng lại một lúc trước khi phản ứng để có thể hiểu thêm vấn đề, nhận biết khi nào cần những phút giây yên tĩnh, ôm lấy những khó khăn trong lúc ngồi thiền và để yên cho những cảm thọ được biểu hiện ra, tất cả những thực tập này tiếp tục yểm trợ tôi.
Chúng ta có thể tìm được các vị giáo thọ dạy về chánh niệm trên khắp thế giới, nhiều người trong số họ đặc biệt thực tập theo những lời chỉ dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai. Bạn có thể tìm thấy họ trực tuyến hoặc thông qua Làng Mai hay các trung tâm có mở các khóa tu khác. Chúng tôi cung cấp một danh sách ngắn các vị giáo thọ Làng Mai trong phần “Điều gì tiếp theo?” ở cuối sách.
Kết nối với những phương pháp thực tập chánh niệm khác
Như chúng ta đã thấy, công tác nghiên cứu và thực hành về chánh niệm, lòng yêu thương, về phương pháp thực tập quán chiếu, tâm lý học tích cực, học hỏi về xã hội và cảm xúc đang ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới trong rất nhiều bối cảnh khác nhau. Chúng ta đang chứng kiến một sự tăng trưởng theo cấp số nhân của công tác này với các công trình nghiên cứu, học bổng, học thuyết, các trung tâm, các nhà giáo, các khóa học, đào tạo giáo viên, tự học và về các nguồn tài liệu để giảng dạy.
Những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các pháp môn thực tập Làng Mai là một phần nền tảng cho lĩnh vực phong phú, đa dạng này, đã trở thành nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu người. Trong bộ sách này, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ những đóng góp mang bản sắc riêng của Làng Mai và của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào lĩnh vực đang phát triển này. Những giáo lý được chia sẻ không hề giáo điều và độc tôn. Trái lại, các vị giáo thọ Làng Mai đã hòa mình rất khéo vào thế giới rộng lớn này và từ đó, hỗ trợ thêm cho lý thuyết và sự thực tập của mình, trong khi vẫn trân quý nền tảng vững chắc mà giáo pháp mang lại cho họ.
Rất nhiều nhà giáo đã thành công trong việc kết hợp pháp môn Làng Mai với nhiều chương trình lành mạnh có sẵn khác, như phương pháp Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness- based Stress Reduction – MBSR), hay với một trong rất nhiều các khóa học hoặc chương trình học về chánh niệm trong khung giáo án giảng dạy của các trường phổ thông và đại học.
Ví dụ như, Michael Bready đã phát triển một chương trình của riêng ông ở tại Anh, có tên “Youth Mindfullness” (Chánh niệm cho người trẻ), trong đó ông phối hợp pháp môn Làng Mai với một vài phương pháp khác và gọi đó là “sự lai ghép giữa pháp môn Làng Mai, MBSR (phương pháp giảm căng thẳng dựa trên Chánh niệm) và tâm lý học tích cực”.
Có người lại khéo léo kết hợp pháp môn Làng Mai với các phương pháp thực tập khác có gốc rễ từ văn hóa địa phương. Norma Ines Barreiro là một giáo viên giảng dạy tại Mexico, ở xứ này, những đức tính bao dung của nền văn hóa Maya được hòa quyện rất dễ dàng với giáo lý về chánh niệm.
Một điều rất ích lợi là những nền văn hóa Maya cổ xưa có rất nhiều điểm chung với truyền thống của chúng ta và làm cho người trẻ dễ dàng hấp thụ. Ví dụ như, hai trong số các ngôn ngữ Maya mà chúng tôi tìm hiểu (Tzeltal và Tzolzil), thì nguyên tắc nền tảng của ngôn ngữ là Tik, có nghĩa là “Chúng ta”. Không có một cá nhân nào bị tách khỏi cộng đồng. Một sự tương đồng khác, tư tưởng chúng ta là một với đất Mẹ. Ảnh hưởng sâu sắc của tổ tiên trong đời sống hàng ngày, tinh thần cùng nhau có mặt của cá nhân và cộng đồng là một khía cạnh khác phù hợp với các pháp môn thực tập chánh niệm theo truyền thống Làng Mai.
Chúng tôi hy vọng có thể giúp các bạn lựa chọn con đường cho riêng mình, kết hợp những ý tưởng của Làng Mai với bất kỳ phương pháp thực tập liên quan nào tương đương về những chuẩn mực, giá trị đạo đức, phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh, dễ thực hiện và có hiệu quả, chạm được tới trái tim và tâm hồn bạn, mà không cảm thấy quá sức hay rối trí.
Thực tập, Thực tập và Thực tập
Rất nhiều người chấp nhận chánh niệm trên lý thuyết và chỉ xen kẽ với thực tập họa hoằn đôi chút, nhưng họ lại thấy rất khó để duy trì một sự thực tập miên mật nhằm mang lại những chuyển hóa tích cực. Nếu muốn trở nên chánh niệm, không phải ta chỉ cần biết về chánh niệm và giới thiệu chánh niệm cho người khác thôi, mà còn phải thiết lập cho bản thân một sự thực tập đều đặn. Điều này đòi hỏi thời gian, nỗ lực và cam kết. Vậy nên, tiếp theo sự hứng khởi ban đầu sẽ là quá trình tu tập miên mật của mỗi người, điều này không chỉ mang đến niềm vui mà còn đòi hỏi sự tinh cần và tính kỷ luật.
Michael Schwammberger, người đã chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm và tuệ giác trong suốt bộ sách này, đã đưa ra một thông điệp vô cùng đơn giản cho những học viên của mình là “chỉ có thực tập”.
Các nhà giáo luôn có ý tưởng muốn làm điều gì đó cho học sinh trong giờ học, hoặc sửa đổi, hoặc là cải thiện. Nhưng thường thì chúng ta phải buông bỏ những ý tưởng đó để cùng các em đi qua những gì đang xảy ra, bởi vì những ý tưởng đó có thể trở thành chướng ngại, ngăn không cho chúng ta thực sự trải nghiệm sự thực tập. Vậy nên chúng ta phải luôn luôn quay về và phải quay về trước tiên với sự thực tập. Trải nghiệm sự thực tập. Trở về với tự thân. Trở về với hơi thở. Sống chậm lại. Buông bỏ. Tận hưởng. Trước tiên phải trở về với sự thực tập chánh niệm cơ bản và thực sự tự mình trải nghiệm.
Đời sống con người thường có khuynh hướng bị thói quen chi phối, vì vậy ta phải duy trì một chế độ luyện tập lâu dài mà không phải chỉ thực tập đôi ba ngày lẻ tẻ trong mỗi dịp năm mới. Chúng ta cần thiết lập một thời khóa hàng ngày để phát triển các “cơ bắp chánh niệm”. Điều này giúp ta, nhất là khi mới bắt đầu thực tập, xác định một phương pháp thực tập đơn giản, vừa sức, có thể làm được, gắn liền với một địa điểm và một thời điểm đều đặn mỗi ngày. Sau đó ta sẽ cố gắng hết khả năng để duy trì sự thực tập, nhận ra rằng chánh niệm là có mặt trong những gì đang xảy ra, chứ không phải là công cụ sản xuất ra một thứ hạnh phúc ăn liền. Chúng ta tiếp tục duy trì sự thực tập trong cả những ngày đặc biệt hay bất thường.
Sự thực tập của chúng ta không nhất thiết cứ phải là ngồi thiền. Tập một của bộ sách này đã đưa ra rất nhiều lựa chọn và bắt đầu bằng những thực tập căn bản, bao gồm cả thực tập ăn trong chánh niệm, các động tác chánh niệm và bước đi chánh niệm. Chúng ta đã nghe câu chuyện của Valerie về cảm hứng ban đầu của cô khi theo dõi một bài pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chúng tôi chọn câu chuyện của cô ấy một lần nữa, tại thời điểm cô khởi đầu sự thực tập, trước tiên bằng những cách thức rất đơn giản.
“Tôi bắt đầu rất đơn giản, với những khoảnh khắc tỉnh thức ngắn ngủi, như ăn một miếng sandwich với tất cả sự chú tâm nhất có thể, hay chú ý tới bàn chân đặt lên sàn nhà, hay ý thức tới trái tim tôi đang đập hối hả, đập chậm dần và rồi xoa dịu tôi. Dần dần, mỗi ngày làm việc của tôi được đong đầy bằng những khoảnh khắc tỉnh thức như vậy, giúp tôi thay đổi cách tư duy, nói năng và hành xử.”
Việc lựa chọn một nơi chốn để thực tập cũng quan trọng như việc chọn thời điểm. Điều này giúp ta có một không gian và thực tập trong không gian đó đều đặn trong khi thiết lập cho mình một thời khóa ổn định. Ta có thể tạo một không gian thở, hay “phòng thở” như Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn gọi, và đó là nơi ta quay về nương tựa. Chúng ta có thể bắt đầu rất đơn giản với một chiếc ghế, hay với chiếc gối ngồi đặt trên sàn, gần cửa sổ hay chậu cây. Tùy vào ý muốn hay khả năng cho phép mà ta thiết kế một không gian đơn giản hay cầu kỳ. Nếu thích hợp, ta có thể làm mới một góc phòng hay cả gian phòng thành không gian thở với những gam màu nhẹ, có gối ngồi, một chiếc chuông, hay thêm bức thư pháp truyền cảm hứng. Nếu ta sống cùng gia đình hay với nhóm bạn, ta vẫn có thể thiết kế một không gian chung cho ai cũng có cơ hội tới thực tập hoặc lui về ngồi yên nương náu mỗi khi gặp khó khăn.
Thực tập sâu thêm: tham dự khóa tu
Tham dự một khóa tu có nghĩa là dành ra vài ngày để sống tách biệt khỏi cuộc sống hàng ngày, lìa bỏ những việc thường làm ta phân tâm, tham gia vào một chương trình thực tập có cấu trúc và có sự hướng dẫn. Đối với rất nhiều người, khóa tu là một phần không thể tách rời của sự thực tập chánh niệm. Khóa tu giúp ta nuôi dưỡng chánh niệm, cũng như khả năng nhìn lại mình để quán chiếu, trong một môi trường tươi mát, an lành, trong khung
cảnh cuộc sống cộng đồng đơn giản. Ta có thể tham dự khóa tu vài ngày hay đôi khi có thể dài hơn.
Có những khóa tu im lặng, qua đó rất nhiều người cảm thấy được tươi mới trở lại và chuyển hóa tích cực so với cuộc sống thường ngày luôn luôn phải tiếp xúc với sự ồn ào. Các khóa tu theo truyền thống Làng Mai thì không im lặng hoàn toàn. Những thời khóa thực tập im lặng được sắp xếp xen kẽ với những thời khóa lắng nghe, chia sẻ và nhìn lại. Những thực tập căn bản và cốt lõi đã được đề cập tới trong bộ sách này đều được thực tập trong các khóa tu, đồng thời mỗi ngày đều có thời gian dành cho mình nhìn lại và chia sẻ với các thành viên khác trong mỗi nhóm “gia đình”. Trong mục “Tiếp theo là gì?” ở cuối sách, chúng tôi sẽ cung cấp danh sách các trung tâm thực tập có mở khóa tu.
Tham dự khóa tu luôn có giá trị với mọi giai đoạn trên con đường thực tập chánh niệm. Khóa tu tạo nên cảm hứng khi ta mới làm quen với sự thực tập và giúp ta khởi đầu bằng những hướng dẫn căn bản dựa trên những thời khóa thực tập thực sự. Với những ai đã thực tập lâu hơn, khóa tu tiếp thêm sinh lực, củng cố và làm sâu thêm những kỹ năng và kinh nghiệm thực tập. Chúng ta có thể bước vào một ngày mới trong cuộc sống thường ngày với cảm giác tinh khôi, hiểu biết và liên hệ tốt hơn với người khác, với quyết tâm mạnh mẽ và kỹ năng thực hành chánh niệm sắc bén hơn. Rất nhiều thiền sinh thực tập theo pháp môn Làng Mai báo cáo rằng cảm hứng ban đầu cũng như quyết tâm thực tập sâu thêm đều bắt nguồn từ việc tham dự khóa tu.
Có những nhà giáo thích tham dự các khóa tu giáo dục, chú trọng vào tầm quan trọng của cảm giác được an toàn, được lắng nghe, được thấu hiểu bởi những đồng nghiệp giáo viên khác có cùng hoàn cảnh. Đồng thời, họ cảm nhận được khả năng trị liệu của việc tham gia các khóa tu đó.
Khóa tu giúp các nhà giáo đưa ra những vấn đề mà họ chỉ có thể lên tiếng được một cách rõ ràng khi có một không gian đầy đủ sự đồng cảm và hiểu biết về vấn đề đó. Điều này vô cùng quan trọng, bởi vì nhà giáo thường giữ trong lòng rất nhiều thứ. Họ có thể chia sẻ hay buông bỏ những tâm tư này ở đâu được? Chỉ ở nơi nào có sự thấu hiểu và đồng cảm, ví dụ như trong các buổi chia sẻ pháp đàm, chia sẻ theo đề tài, hay trong những không gian yên tĩnh rất thiết yếu của một khóa tu. Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là làm thế nào để đưa sự thực tập chánh niệm vào trong trường học, mà cần phải xác thực hơn là làm sao chúng ta giúp các nhà giáo được trị liệu và chữa lành. Thật cảm động khi chứng kiến điều này xảy ra… và được mọi người công nhận
– Michael Schwammberger, người hướng dẫn khóa tu chánh niệm, Tây Ban Nha và Anh
Những khóa tu thường đem tới sự chuyển hóa trong chính bản thân mỗi người cũng như trong nghề nghiệp của họ. Khóa tu có thể cung cấp cho chúng ta những giải pháp bất ngờ bằng cách giúp chúng ta nhìn vấn đề theo một cách khác, như nhận diện ra rằng sự bế tắc xuất phát từ chính bản thân ta chứ không phải từ bên ngoài đưa tới, và thậm chí có khi còn dẫn ta tới những nơi mình không biết là mình nên tới. Sara J. Kein, hiện đang là giáo sư tâm lý học, giảng dạy tại trường cao đẳng Navajo ở Tây Nam Mỹ, đã phản ánh trong một bài viết cho tờ Tiếng chuông chánh niệm (The Mindfullness Bell) như sau:
Tới khóa tu vào tháng Mười một năm ngoái, tôi vẫn còn giữ trong lòng một niềm trăn trở là: Tôi muốn học cách liên hệ với học trò của mình. Nhưng không lâu sau đó, năng lượng tỉnh thức tập thể ở tu viện Lộc Uyển đã đánh thức thực tại trong tôi. Vấn đề không phải là liên hệ với học trò mà là liên hệ với chính tôi. Nếu có mất liên hệ thì đó là mất liên hệ với chính bản thân mình[5].
Cô Julie Berentsen, giáo viên tiểu học, ở Anh, đã có những chia sẻ khi tham gia một khóa tu. Khi khóa tu diễn ra, lần đầu tiên cô thấy mình đang quán chiếu một thực tế là mình đã rời xa những dự định ban đầu khi vừa bước vào sự nghiệp dạy học tới mức độ nào. Tiếp theo, cô nhận diện nhu cầu quay về chăm sóc sự an lạc của chính bản thân, và lấy lại cảm hứng dạy học bằng một hướng nhìn và cách tiếp cận mới là chú trọng hơn vào cách thức chế tác niềm vui, lòng nhân từ và tình thương yêu.
Tôi theo đuổi công việc giảng dạy của mình với hy vọng có thể làm một cái gì khác cho cuộc sống của những người trẻ. Tôi muốn tạo ra một lớp học đầy nuôi dưỡng để giúp sinh viên nhận diện và hoàn thiện tiềm năng của các em trong cuộc sống. Tuy nhiên, những áp lực, căng thẳng trong nghề cũng như tham vọng phải trở thành “người giỏi nhất” và hiến tặng những gì mình có đã khiến tôi quên mất việc quay về chăm sóc chính bản thân mình.
Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu và trải nghiệm được thế nào là sống chánh niệm, tức là làm cho cuộc sống của tôi tỉnh thức thay vì chỉ đơn thuần là thực tập cứng nhắc trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Điều này giúp tôi sàng lọc cách sống hàng ngày của tôi, ví dụ như nhắc mình dừng lại, thở và trở về với tự thân… Kinh nghiệm này đưa tới kết quả là tôi kết nối sâu hơn với bản thân, và với những người xung quanh. Thực tập chăm sóc tự thân và cộng đồng theo phương pháp của Làng Mai đã giúp tôi truyền thông sâu sắc hơn với bạn bè và người thân. Các khóa tu giáo dục của Làng Mai đã dạy cho tôi cách lắng nghe sâu và nói ra từ trái tim, cách trị liệu và chữa lành bản thân, cách tưới tẩm những hạt giống thương yêu trong tôi. Nhờ tập sống chậm lại mà tôi có khả năng thấy rõ những gì các học trò của tôi cần, và hoan hỷ đáp ứng những nhu cầu của các em bằng tình thương và một trái tim rộng mở. Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác bằng niềm vui.
Xây dựng tăng thân địa phương
Để duy trì sự thực tập, chúng ta cần kết nối với người khác. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rõ về tầm quan trọng thiết thực của việc tìm kiếm hoặc gầy dựng một cộng đồng hay một nhóm người thực tập chánh niệm (được gọi là tăng thân). Với chiều dài kinh nghiệm thực tế trong suốt cuộc đời giảng dạy chánh niệm trên thế giới, Thiền sư đã lặp đi lặp lại một cách quả quyết rằng nếu không có một nhóm người yểm trợ nhau như thế thì hầu hết chúng ta khó giữ gìn được sự thực tập.
Xây dựng tăng thân là một phương pháp thực tập rất căn bản. Nếu bạn có một ước nguyện sâu sắc hay một giấc mơ muốn thực hiện, bạn không thể nào đạt được nếu không có một cộng đồng. Đó là lý do tại sao xây dựng cộng đồng quả thật rất quan trọng.
Bạn có thể thành lập nên một nhóm những người cùng thực tập chung ở nơi bạn đang sinh sống. Vào mỗi cuối tuần, các bạn đến với nhau để cùng nhau thưởng thức thiền hành, ngồi thiền hay uống trà, đồng thời chia sẻ sự thực tập cho nhau. Điều đó rất tuyệt vời bởi vì cộng đồng đó sẽ giúp bạn duy trì sự thực tập trong một thời gian dài. Nếu không, bạn sẽ bị cuốn đi và bạn sẽ từ bỏ sự thực tập chỉ sau vài tuần[6].
Trải nghiệm thực tế của nhiều thầy cô giáo đều tương đồng với quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về vai trò mấu chốt của việc có một nhóm để thực tập, hay còn gọi là tăng thân.
Tăng thân giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập của mình. Tôi nhận thấy Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) coi tăng thân hết sức quan trọng, và tôi hoàn toàn hiểu rằng, nếu không có tăng thân, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
− Goyo Hidalgo, giáo viên Trung học, Tây Ban Nha
Vào một trong những buổi họp hàng tháng của Tăng thân những nhà giáo dục Barcelona, mọi người thường xin lời khuyên cho những khó khăn của họ. Tôi luôn trả lời theo một cách giống nhau: cộng đồng thực tập đem lại cho mình nơi nương tựa, bởi vì tất cả chúng
ta đang có mặt ở đây là để nuôi dưỡng và làm mới lại chính mình.
− Olga Julian Segura, chuyên viên phát triển nghiệp vụ, Tây Ban Nha
Nếu ở địa phương bạn không có một nhóm thực tập chánh niệm thì có lẽ bạn nên làm như Giorgia Rossato, một nhà giáo ở Pháp và Ý, thử gây dựng một nhóm mới ở ngay vùng bạn đang sống.
Tôi không có cơ hội chia sẻ sự thực tập với những giáo viên và phụ huynh khác, vì vậy tôi quyết định thành lập tăng thân Wake Up ở Bordeaux. Phải mất một thời gian mới bắt đầu hoạt động nhưng tôi đã cống hiến hết mình cho việc này. Để bắt đầu, tôi đã lấy những gợi ý từ cuốn sách Planting Seeds (Gieo trồng hạt giống). Chúng tôi đã thực tập ngồi thiền, đi thiền và chia sẻ với nhau.
Để bắt đầu, đơn giản bạn chỉ cần tìm một người khác ở gần mình, trong trường học, trong gia đình hay ở hàng xóm, những người mà bạn có thể chia sẻ niềm hứng thú của mình trong sự thực tập chánh niệm và cùng yểm trợ qua lại cho nhau. Bạn có thể cùng nhau tham dự một buổi pháp thoại, một khóa học hay một khóa tu, cùng đọc một cuốn sách, và dĩ nhiên là cùng nhau duy trì sự thực tập cũng như nhìn lại những suy ngẫm của mình.
Tăng thân sinh hoạt theo mô thức Làng Mai đã có mặt trên nhiều quốc gia. Phần “Tiếp theo là gì?” ở cuối bộ sách sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những tăng thân đó. Chúng ta đã gặp gỡ Mariann Taigman, một chuyên gia điều trị đến từ Hoa Kỳ. Cô ấy đã nhận được sự yểm trợ từ tăng thân địa phương về lĩnh vực chuyên môn cũng như cuộc sống cá nhân. Những người khác trong tăng thân rất hài lòng giúp cô với nhiệm vụ thiết thực là phổ biến sự thực tập chánh niệm trong trường học.
Là thành viên của một tăng thân địa phương dựa trên những lời khuyên của Thầy đã làm cho ngày giờ của tôi trở nên giàu có. Vài người bạn trong tăng thân rất hứng thú giúp tôi mang thêm những thực tập chánh niệm vào trong các trường học và cộng đồng. Thật thú vị khi chia sẻ cái nhìn của mình với người khác.
Chương cuối cùng chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn cách thức chúng ta có thể trao đổi với đồng nghiệp của mình để yểm trợ việc thực tập chánh niệm trong trường học.
Chế tác chánh niệm trong đời sống hàng ngày
Việc thực tập của chúng ta sẽ trở nên sinh động khi ta sống chánh niệm trong giờ phút hiện tại qua những hành động cụ thể. Các chương trong quyển Cẩm nang hạnh phúc của bộ sách này đã khảo sát vô số cách mà các thầy cô giáo đã kết hợp những thực tập cốt lõi vào trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày. Không nhất thiết phải tìm kiếm hay xây dựng một chương trình cứng nhắc hoặc quản lý chặt chẽ những thực tập này. Chỉ cần bạn duy trì việc thực tập hàng ngày, có thêm sự yểm trợ từ tăng thân nơi mình đang sống, và sắp xếp thời gian để tham dự các khóa tu, bạn sẽ từ từ tìm ra cách thức của riêng mình để chế tác chánh niệm trong nhiều lĩnh vực hơn.
Cô Pilar Aguilera là giáo viên dạy khóa học nâng cao việc thực tập chánh niệm theo truyền thống Làng Mai, cho các thầy giáo cô giáo tại trường đại học Barcelona. Cô đã rất ý thức về tầm ảnh hưởng của những lựa chọn nho nhỏ hàng ngày mà cô cho phép đưa vào thân tâm của mình.
Tôi ý thức rằng yếu tố chủ đạo chính là việc giữ cho được sự thực tập thực chất mỗi ngày, bằng chế độ ăn uống từ bi và lành mạnh, cùng với việc nhìn sâu vào những tác động của thức thực lên đời sống hàng ngày.
Tất cả những công việc ở nhà dù nhỏ nhặt đều có thể là một phần trong sự thực tập của chúng ta. Cách Thiền sư Thích Nhất Hạnh chiêm nghiệm về việc rửa chén, điều đã được nhiều người trong chúng ta biết đến, là “rửa chén bát chỉ để rửa chén bát”. Câu thực tập này đã được dán lên trên bồn rửa chén của rất nhiều nhà bếp, để gây cảm hứng cho người làm việc chỉ chú trọng vào xà phòng và nước mà thôi, không suy nghĩ đến chuyện khác.
Nếu trong khi rửa chén bát mà chúng ta nghĩ về tách trà đang đợi mình, chúng ta gấp gáp làm cho xong như thể việc rửa chén là một điều phiền toái, thì chúng ta đã không “rửa chén bát chỉ để rửa chén bát”. Hơn thế nữa, là chúng ta không thực sự sống có ý thức trong suốt thời gian chúng ta rửa chén bát. Thực sự thì chúng ta hoàn toàn không có khả năng nhận ra phép lạ của sự sống trong lúc chúng ta đứng nơi bồn rửa chén. Nếu chúng ta không có khả năng rửa chén bát trong chánh niệm thì khi uống trà chúng ta cũng không có khả năng uống trà. Khi uống trà, chúng ta sẽ nghĩ tới những việc khác, hoàn toàn không ý thức tới tách trà đang ở trong bàn tay mình. Như vậy chúng ta bị cuốn hút vào tương lai và chúng ta không có khả năng thực sự sống một phút giây nào của cuộc sống cả[7].
Khi bắt đầu thực tập chánh niệm, chúng ta thường lo lắng mình không đủ thời gian. Có nhiều người, như cô Christine Petaccia, một chuyên gia điều trị đến từ Mỹ, nhận thấy rằng khi chúng ta chế tác chánh niệm trong suốt những sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sẽ có thêm năng lượng và làm cho công việc của ta hiệu quả hơn. Điều này là thêm vào mà không phải làm giảm đi thời gian quý báu của mình.
Khi đi bộ trong trường, tôi sử dụng phương pháp thiền hành và tôi có vô vàn năng lượng và sự kiên nhẫn. Tôi có rất ít thời gian, nhưng mỗi giờ đồng hồ tôi có thể thở ít nhất vài hơi. Khi đi bộ, tôi cố gắng thực tập thiền hành. Tôi cảm thấy thật bình an và đem lại cho tôi nhiều năng lượng hơn. Những vấn đề cần phải giải quyết với sinh viên và thầy cô giáo trở nên dễ dàng hơn rất nhiều bởi vì không có ai bị nổi nóng. Thật khó diễn tả được ảnh hưởng sâu sắc mà điều này đem lại cho công việc giảng dạy của tôi.
Hãy để cho con đường mở ra
Chúng ta đã nói rằng chánh niệm là con đường chứ không phải là một đích đến. Chúng ta chỉ cần để cho con đường mở ra trước mặt mình bằng cách bước đi hân hoan và kiên định trên con đường này, không cần phải vội vàng đến một nơi nào đó. Câu chuyện của cô Chelsea True minh họa những gì xảy ra trong quá trình mười năm bằng cách đơn giản, đặt một bước chân yên lặng trước bước chân kia. Cô ấy đã chuyển từ những thử thách cá nhân – đã được trị liệu bằng chánh niệm – đến việc thành lập một tổ chức đem chánh niệm vào các trường học.
Chỉ cách đây hơn một thập niên, một chứng bệnh do căng thẳng gây ra đã khiến cho tôi phải nghỉ việc. Trong thời gian đó tôi tìm được cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sám Pháp Địa Xúc (Touching the Earth). Những lời dạy của Thầy là một liều thuốc dễ chịu. Tôi bắt đầu thực tập ngồi thiền mỗi ngày. Tôi thay đổi chế độ ăn uống và bắt đầu thực tập ít nhất một bữa ăn trong chánh niệm mỗi ngày. Tôi dành thời gian nhiều hơn với thiên nhiên. Tôi xem mỗi sinh hoạt hàng ngày của mình như là một cơ hội để thực tập chánh niệm. Khi tôi bắt đầu cảm nhận được kết quả của sự thực tập thì ánh sáng mặt trời như rực rỡ hơn, bầu trời trở nên bao la hơn. Tôi đã nhận ra rằng, những tia sáng mặt trời đó, sự bao la đó, cũng có ngay bên trong chính mình.
Tôi bắt đầu chia sẻ sự thực tập chánh niệm với con gái tôi, lúc đó mới ba tuổi. Qua vài năm, bạn bè và gia đình cũng khuyến khích tôi chia sẻ sự thực tập chánh niệm với họ. Năm ngoái, dự án Tinh thần Vui vẻ (Joyful Mind Project) của tôi đã được công nhận là dự án phi lợi nhuận ở California. Bây giờ chúng tôi đang mang chánh niệm đến với các trường học và gia đình khắp phía Bắc vùng vịnh San Francisco.
Năm 2014, tôi và con gái cùng nhau đi một chuyến tới Làng Mai, với tôi nó giống như một cuộc hành hương về nhà. Sống trong thời điểm mà những lời dạy này vẫn đang được áp dụng, được thực tập cùng tăng thân, nhìn thấy được những điều kỳ diệu trong đôi mắt của con mình, đây chính là kho báu đích thực. Chỉ cần ý thức mình còn sống thôi đã là một phép mầu.
Đối với một số người trong chúng ta, thực tập chánh niệm có khả năng định hướng nhân cách của ta trong thế giới này: quan điểm, giá trị cốt lõi và cảm nhận sâu sắc của chúng ta về mục tiêu và ý nghĩa. Với vài người trong chúng ta, bất kỳ một sinh hoạt nào trong cuộc đời của mình cũng đều có thể trở thành sự thực tập.
Trong chương này chúng ta đã nghe về Valerie Brown nhiều lần, như cảm hứng tiếp nhận sự thực tập chánh niệm của cô ra sao sau khi nghe một bài pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và cách thức cô từng bước áp dụng chánh niệm vào công việc hàng ngày. Kết thúc câu chuyện của mình, cô đã quan sát sự thay đổi trong các giá trị mà cô từng bước trải nghiệm. Cô chia sẻ cách thực tập chánh niệm đã trở thành cốt lõi trong đời sống của cô như thế nào.
Thực tập chánh niệm làm thay đổi cách tôi cảm nhận về chính bản thân mình, và hơn nữa, dần dần, tôi thay đổi những tiêu chuẩn, ưu tiên cho nghề nghiệp có nhiều quyền lực thành ước muốn sâu sắc là giúp đỡ người khác.
Với sự thay đổi quan niệm về giá trị này, tôi đã bắt đầu học hỏi và thực tập chánh niệm nghiêm chỉnh. Tôi tìm kiếm những phương pháp để trị liệu chính mình và tham dự các khóa tu trên khắp nước Mỹ và ở Làng Mai. Tôi đã tham dự tất cả các khóa tu mà tôi có thể của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ năm 1995 đến năm 2014.
Tôi đã từng giúp tổ chức nhiều khóa tu cho người da màu, luật sư và nhà giáo tại Tu viện Bích Nham và các nơi khác. Trước khi tôi thực sự hiểu sự thực tập chánh niệm đang ảnh hưởng đến trong tôi như thế nào thì vào năm 1998, tôi đã cùng với những người khác thành lập Tăng thân Đường xưa (Old Path Sangha) trong ngôi làng nhỏ của mình ở New Hope, Pennsylvania. Ngày nay, nhóm tăng thân đó vẫn tiếp tục gặp mặt và thêm nhiều tăng thân ở những vùng khác nữa. Năm 2003, tôi đã được gia nhập dòng tu Tiếp Hiện của Thầy.
Bây giờ Valerie là nhà cố vấn giáo dục, người hướng dẫn trong công tác lãnh đạo, là nhà văn và là người hướng dẫn khóa tu[8]. Đây là hành trình đặc biệt của cô. Chúng ta hẳn sẽ không đề xuất rằng đây phải là hướng đi, là mục tiêu hay là kế hoạch của mình. Nhiều nhà giáo bắt đầu thực tập chánh niệm như là phương pháp để giải quyết căng thẳng, để cải thiện môi trường lớp học, để liên hệ tốt hơn với sinh viên và đồng nghiệp của mình. Đối với vài người trong chúng ta, đó là tất cả những gì chúng ta cần và muốn. Những người khác thì nhận thấy rằng thực tập chánh niệm tiến bộ sẽ giúp ta mạnh hơn trong những lĩnh vực khác của đời sống, và điều này tự nó đã là một kết quả thú vị.
Những ai cảm thấy mình vẫn còn một chặng đường khá xa so với những cống hiến và thành tích mà Valerie đã đạt được (chắc là phần lớn chúng ta) có thể cảm thấy tự tin hơn khi biết “Cô ấy tin chắc rằng thưởng thức một cây kem cho có hạnh phúc và chơi vòng quay ngựa gỗ một cách chánh niệm là điều vô cùng quan trọng để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.”
[1] Thiền sư Thích Nhất Hạnh, khóa tu dành cho giáo chức, Brock University, Canada, 2013, trích đoạn từ cuốn phim tài liệu với tựa đề Happy Teachers will Change the World (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới).
[2] Thầy Pháp Lưu, xuất sĩ Làng Mai, Pháp, trích đoạn từ cuốn phim tài liệu với tựa đề Happy Teachers will Change the World (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới).
[3] Posttraumatic stress disorder – PTSD.
[4] Pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 21.6.2009, trong khóa tu 21 ngày tại Làng Mai với chủ đề “Con đường của Bụt”.
[5] S. J. Kein (formerly Sara Unsworth), giảng viên đại học, tác giả bài viết “Teaching the Student Within,” (Giảng dạy cho người học trò trong chính mình), tạp chí The Mindfulness Bell 54 (2010), 20.
[6] Buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 11.5.2014, trong khóa tu dành cho giáo viên tại Barcelona, Tây Ban Nha.
[7] Trích trong cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức (The Miracle of Mindfulness, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Boston: Beacon, 1996).
[8] V. Brown and K. Olsen, The Mindful School Leader: Practices to Transform Your Leadership and School (Thousand Oaks, CA: Corwin, 2014). (Quản lý trường học trong chánh niệm: Những thực tập để thay đổi sự lãnh đạo của mình và trường học)