Chương 6: Ăn cơm chánh niệm
Uống mây.
Thích Nhất Hạnh
Nội dung
- Quán chiếu xem ăn chánh niệm nghĩa là gì – Ăn chậm lại, thưởng thức và quán chiếu thức ăn từ đâu tới, ảnh hưởng của thức ăn và cách ăn đến bản thân và những người xung quanh như thế nào.
- Tìm ra những hướng dẫn thực tế, cụ thể từng bước một cho giáo viên và học sinh về ba phương pháp thực tập căn bản:
- Thiền quýt. 2) Thiền ăn nhẹ. 3) Thiền ăn cơm (ăn cơm chánh niệm)
- Đọc những tư duy và đề nghị của các giáo viên đang thực tập về cách đưa ăn chánh niệm vào đời sống hằng ngày, vào việc giảng dạy trong lớp, trong trường và đại học.
Ăn có thể là một thiền tập rất sâu sắc. Nhờ chánh niệm và chánh định mà mỗi phút ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hay thậm chí ăn bữa lỡ đều có thể trở thành giây phút an vui và hạnh phúc.
Trong khi ăn cơm chánh niệm, ta cho phép mình ngưng nói chuyện và suy nghĩ bởi vì suy nghĩ kéo ta ra khỏi giây phút hiện tại. Chúng ta chỉ thưởng thức sự có mặt của nhau và của thức ăn. Mọi người ăn chung với ta đều có thể tham dự, đóng góp cho năng lượng chánh niệm và niềm vui tập thể.
Trong suốt bữa ăn chánh niệm, chúng ta chỉ tập trung vào hai thứ. Thứ nhất là chúng ta ý thức về thức ăn. Chúng ta thở vào thở ra và ý thức về cơm, rau quả, hoặc bất cứ thứ gì ta đang ăn. Khi gắp miếng cà rốt, tôi gắp trong chánh niệm và nhìn nó trong giây lát. Chỉ một giây thôi là đủ để thấy được trong miếng cà rốt có mặt trời, có mưa, có đất. Thời gian, không gian, bác nông dân, bác tài xế chuyên chở thức ăn… tất cả đều có mặt trong miếng cà rốt. Miếng cà rốt mang trong nó cả vũ trụ. Như thế, một giây nhìn chánh niệm có thể giúp ta tiếp xúc với toàn thể vũ trụ.
Tiếp đến ta đưa miếng cà rốt vào miệng mà không đưa bất cứ thứ gì khác vào như lo lắng hoặc kế hoạch. Chỉ có miếng cà rốt thôi. Trăng sao, trời Cha, đất Mẹ và vũ trụ đi vào ta qua hình thức miếng cà rốt để nuôi dưỡng ta. Đó là tình thương. Khi nhai, ta chỉ nhai cà rốt mà không nhai dự án, giận dữ và sợ hãi. Nhai những thứ này không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Như vậy chúng ta có thể thưởng thức từng miếng thức ăn với một tâm hồn sáng suốt, với niềm trân quý, biết ơn và an vui.
Đối tượng chánh niệm thứ hai trong lúc ăn là sự có mặt của những người xung quanh. Chúng ta có thể ăn cơm chánh niệm với đồng nghiệp, với học sinh trong lớp học, hoặc với mọi người trong gia đình. Ăn cơm với nhau như vậy, chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm và an vui để chúng ta được nuôi dưỡng. Không những được nuôi dưỡng bởi thức ăn mà còn bởi năng lượng tập thể của tình huynh đệ, bình an và tươi vui. Ăn như vậy rất vui cho dù chúng ta ăn trong im lặng. Im lặng như vậy quả là một sự im lặng hùng tráng. Im lặng nhưng nói lên rất nhiều về tình huynh đệ và tập thể. Ăn cơm chánh niệm có thể nuôi dưỡng cả thân thể lẫn tinh thần.
Sức khỏe của ta phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn. Chúng ta hãy ăn như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi, để giúp cho mọi loài chúng sanh bớt khổ và giúp bảo vệ hành tinh quý báu của chúng ta.
Quán chiếu về thức ăn
Chúng ta có thể đọc những lời này cho mình và cho học sinh khi bắt đầu chuẩn bị ăn.
Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, mưa, nắng.
Con xin cám ơn tất cả những người đã làm ra thức ăn này như: bác nông dân, người bán hàng, người nấu ăn hôm nay.
Con xin chỉ lấy đủ thức ăn.
Con xin nhai thức ăn thật chậm rãi để có thể thưởng thức nó.
Con nguyện ăn như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo hộ các loài vật và môi trường, trị liệu và gìn giữ hành tinh xinh đẹp của chúng ta.
Con xin ăn thức ăn này để có sức khoẻ, hạnh phúc và để thương yêu nhau như một gia đình.
− Phỏng theo năm quán của Làng Mai đọc trước mỗi bữa ăn, sửa lại cho phù hợp với học sinh và người trẻ.
Nguyên văn “Năm lời quán nguyện trước khi ăn” cho các em thanh thiếu niên và người lớn nằm ở Phụ lục C, tập 2, Đi như một dòng sông.
Hướng dẫn dành cho giáo viên
Ăn chánh niệm
Tại sao ta phải ăn chánh niệm?
- Để ý thức hơn trong quá trình ăn: ăn chậm lại, nếm, thưởng thức và ăn một lượng thức ăn hợp lý được lựa chọn một cách có ý thức.
- Để nâng cao ý thức về tập khí chọn lựa thức ăn, tập khí ăn uống và tiêu thụ (có thể được áp dụng rộng rãi hơn mà không phải chỉ riêng cách ăn. Có rất nhiều hình thức tiêu thụ).
- Nuôi lớn niềm biết ơn qua cách ý thức về sự tương quan giữa thức ăn, những yếu tố làm nên thức ăn và người mang thức ăn đến cho ta.
Ăn là một nhu yếu chính của con người, tuy nhiên ta thường ăn một cách máy móc, ăn theo tập khí. Ăn chánh niệm có thể biến cách ăn hằng ngày của chúng ta thành một cơ hội tốt để đưa chánh niệm vào đời sống của mình và đời sống của học sinh bằng một hình thức đơn giản và đều đặn. Ăn như thế trở thành một nguồn an lạc lớn, giúp ta tiếp xúc sâu sắc với những yếu tố khác quanh mình.
Học cách ăn chánh niệm có rất nhiều lợi ích, như giúp ta phát triển chánh niệm và từ bi, giúp ta biết thưởng thức thức ăn, giúp ta củng cố sức khỏe tinh thần và thể chất, làm chủ được cuộc đời của mình. Chúng ta có thể lấy việc ăn cơm chánh niệm để nhìn sâu vào cảm giác lúc nào cũng bận rộn, lúc nào cũng bị cái gì đó kéo đi. Giáo viên là người đặc biệt nổi tiếng làm việc nhiều mà không dành thời gian chăm sóc mình đàng hoàng. Làm việc luôn cả giờ nghỉ, soạn bài hoặc làm việc hành chánh trong khi ăn. Điều này khiến ta chọn thức ăn hộp, thức ăn chế biến sẵn, không lành mạnh, ăn một cách vội vã hoặc ăn trên đường đi. Đó không phải là một tấm gương tốt cho học sinh. Ta hay có cảm giác là phải làm cái gì đó trong khi ăn, như trả lời điện thư, nói chuyện với đồng nghiệp. Thậm chí ta cảm thấy lạ lùng nếu chỉ ăn mà không làm gì khác.
Qua cách ăn cơm chánh niệm, ta có khả năng tiếp xúc với những suy tư, cảm xúc và cảm nhận của thân thể quanh thức ăn nhiều hơn. Điều này giúp ta phân biệt khi nào ta cần ăn và khi nào ta ăn do tập khí và cảm xúc thúc đẩy. Có thể ta đang cố khỏa lấp những khoảng trống trong lòng mà không phải do đói. Một khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ có khả năng tìm ra những cách tích cực hơn để giúp chính mình và giúp các em học sinh xử lý được căng thẳng và khổ đau. Chúng ta có tự do để lựa chọn thức ăn và chế độ ăn lành mạnh hơn. Sư tự do này giúp ta tránh được bệnh béo phì, tránh được chứng rối loạn ăn uống như chứng biếng ăn (anorexia), chứng háu ăn (bulimia), và chứng ám ảnh thức ăn (orthorexia) mà những hiện tượng này đang trở nên phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ.
Chúng ta có thể ăn một miếng thức ăn, một miếng bánh hay nguyên cả bữa ăn trong chánh niệm. Chúng ta bắt đầu bằng cách chuẩn bị thức ăn kỹ lưỡng, thong thả và chánh niệm. Chúng ta có mặt hoàn toàn cho thân tâm và cảm thọ trong suốt quá trình chuẩn bị. Khi lấy thức ăn và khi ăn, chúng ta ý thức đến những nhu yếu của mình để chọn thức ăn kỹ càng, chỉ lấy đủ lượng thức ăn mình cần. Nếu ăn chung với những người khác, ta nhận diện người đang ăn với mình bằng nụ cười, bằng cái gật đầu hay chắp tay xá. Nếu ăn trong im lặng, ta sẽ thấy ta có khả năng tập trung hơn. Chúng ta thấy, ngửi, nhai, nếm và thưởng thức từng miếng thức ăn một cách ý thức. Khi nào thấy tâm mình rong ruổi, ta mỉm cười thật dễ thương với chính mình và trở về ăn với sự chú tâm. Khi nhai thức ăn, ta có thể đặt muỗng đũa xuống, không xúc muỗng kế tiếp, cho đến khi ta nuốt hết trong miệng. Khi quán chiếu thức ăn, ta thấy rằng nhiều yếu tố như mưa, nắng, đất đai, không khí và tình thương đến với nhau làm nên thức ăn cho chúng ta. Thực tế, qua thức ăn ta thấy được toàn thể vũ trụ đang nâng đỡ sự sống trong ta. Ăn xong, ta dành vài giây để ý thức là ta đã ăn xong, thức ăn đã vơi, bụng đã no rồi. Chúng ta có thể nhìn sâu để thấy rằng ta thật may mắn có thức ăn mỗi ngày để ăn, để nâng đỡ ta trên con đường hiểu thương và để quan tâm đến người khác. Chúng ta nhận ra mình thật may mắn được ăn mỗi ngày và nhận ra mình có khuynh hướng lờn đi với những bữa ăn thường lệ đó, quên rằng đó có thể là một món quà quý cho nhiều người đang đói khổ trên thế giới.
Trước khi rời bàn ăn, chúng ta trân quý những người ăn chung với mình bằng một nụ cười thân thiện hay chắp tay xá chào.
Ăn chánh niệm – những tóm tắt ngắn gọn
- Chuẩn bị (thức ăn, chánh niệm).
- Trở về (trong giây phút hiện tại, ví dụ như hơi thở, chuông).
- Nhìn sâu (tương tức, niềm biết ơn).
- Ước muốn (ăn chánh niệm).
- Chọn lựa.
- Xem (kết cấu, màu sắc, hình dáng).
- Mùi vị.
- Nơi chốn (miệng).
- Ăn (nhai, nếm, nuốt).
- Sự mãn nguyện (thức ăn đi qua miệng như thế nào, thỏa mãn).
Chăm sóc học sinh
Khi thực tập ăn cơm chánh niệm, ta cần chăm sóc bản thân và chăm sóc các em học sinh vì thức ăn và cách ăn thường tạo ra những cảm xúc, đôi khi là cảm xúc mạnh. Chúng ta giữ cho sự thực tập nhẹ nhàng, thoải mái và vui tươi. Chúng ta bắt đầu ăn trong im lặng vài phút, sau đó có thể nói chuyện nho nhỏ với nhau. Chúng ta đi từ từ, bắt đầu ngắn gọn, quan sát học sinh xem các em có khó khăn gì không, nên có một người nào đó luôn sẵn sàng có mặt để chăm sóc các em khi cần đến. Khi khuyến khích học sinh quán chiếu, ta phải quan tâm hơn bình thường để đón nhận tất cả những câu trả lời của các em. Đối với tất cả các pháp môn thực tập, chúng ta phải cảnh giác bất kỳ khó khăn nào phát khởi trong tự thân mình và trong lòng các em học sinh để chăm sóc chúng tử tế, ân cần.
Trước khi thực tập ăn chánh niệm, để được lợi lạc ta nên thực tập hơi thở chánh niệm, để giáo viên và học sinh biết cách trở về nơi an toàn của hơi thở.
Cuối chương này, chúng ta khám phá thêm việc ăn cơm chánh niệm với sự giúp đỡ của các giáo viên đang thực tập. Chúng ta sẽ nghe chia sẻ về lý do và cách họ áp dụng sự thực tập ăn cơm chánh niệm cho tự thân và cho học sinh như thế nào.
Thực tập căn bản
Thiền quýt
(Tóm tắt phần thực tập này có trong phần Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông)
Phần hướng dẫn này dành cho giáo viên thực tập, và là những điều cơ bản để theo dõi khi dạy cho người khác. Nếu cần, ta có thể thay đổi ngôn ngữ cho thích hợp.
Đồ dùng và chuẩn bị – Giáo viên có kinh nghiệm trong sự thực tập ăn chánh niệm. – Mỗi trái quýt cho mỗi học sinh và giáo viên. – Nước và xà phòng để rửa tay, hoặc khăn giấy hay khăn khử trùng để lau tay trước và sau khi ăn. – Chuông và dùi thỉnh (không bắt buộc nhưng nên có). | Đây có thể là một bài thực tập khó! Có trái cây tươi thì tốt, nhưng nếu trái cây tươi có thể tạo thêm lộn xộn, hoặc lớp học không thích trái cây thì chúng ta có thể dùng nho khô hoặc sô cô la cứng có lớp bọc ngoài. Mỗi em cần ít nhất là ba trái nho khô. Chúng ta nên chọn những thứ đơn giản, dễ kiếm, thích hợp với môi trường của mình, và gây hứng thú trong lần đầu. |
1. Chuẩn bị Trong những phần sau đây hãy dành thời gian cho mỗi phần, ý thức về những gì thôi thúc mình và học sinh vội vã. Bằng hơi thở ý thức, hãy yên lặng để cho những thôi thúc đó đi qua. | |
2. Giới thiệu sự thực tập Lần đầu tiên thực tập, khi có trái quýt trong tay các em nghĩ là mình sẽ ăn ngay, vì vậy phải chuẩn bị cho các em để các em không thấy bị bỡ ngỡ. Trước tiên mời các em theo dõi hơi thở và ý thức về thân thể. Cho các em biết lát nữa mình sẽ ăn quýt chung với nhau. Cho các em biết là mình sẽ thực tập với nhau trong im lặng để các em tập trung và mình có thể hướng dẫn mọi người các bước quán chiếu. | Hướng dẫn thật ngắn gọn, càng ngắn càng tốt, đặc biệt là lần đầu, hãy để cho sự thực tập diễn ra một cách tự nhiên. Có thể một vài em học sinh sẽ ăn quýt ngay, cứ để tự nhiên như vậy. |
3. Có mặt với hơi thở Thỉnh một tiếng chuông để bắt đầu, cho mọi người có cơ hội thở vào thở ra ba lần. | |
4. Lấy quýt và chuyền quýt Chuyền quýt cho mỗi thành viên trong lớp học, có thể mời vài em chuyền. Mời các em nhận trái quýt của mình và cầm nhẹ nhàng trong lòng bàn tay. | Khi quýt được chuyền xong, mời học sinh và chính mình có mặt với hơi thở và ý thức về những phản ứng có thể xảy ra, như thiếu kiên nhẫn, vội vã, không thích quýt hoặc muốn ăn ngay, v.v… |
5. Quán chiếu về thức ăn Đọc lớn cho cả lớp nghe hai điều quán niệm đầu trước khi ăn: Trái quýt này là tặng phẩm của đất, trời, mưa, nắng. Con xin cám ơn tất cả những người đã làm ra trái quýt này cho con: đặc biệt là bác nông dân và người bán hàng. Dành một ít thời gian để quán tưởng tất cả những thứ có trong trái quýt và những người mang trái quýt đến cho ta, như: – Trái quýt được trồng ở đâu? Như thế nào? Điều kiện nào làm cho trái quýt lớn lên và chín (đất đai, mặt trời, mưa, v.v…) – Những người có mặt trong trái quýt (người trồng, người chăm sóc, người hái, người đóng thùng, người chuyên chở, người bán, người giao hàng, v.v…) | |
6. Nhìn sâu Nhìn kỹ vào trái quýt như chưa bao giờ thấy nó. Quả thực mình chưa bao giờ thấy nó đặc biệt như thế. Chú ý vào màu sắc, cấu tạo, hình dáng, cuống quýt, chỗ lõm vào, hoặc ánh sáng phản chiếu như thế nào. Xoay nó trong bàn tay để nhìn cho kỹ, cho thấu đáo. Chú ý xem thử có gì khác biệt giữa mặt này với mặt kia không. | Ý thức về những phản ứng trong cơ thể, ví dụ như chờ đợi, chảy nước bọt, không thích. |
7. Ngửi Đưa trái quýt lên mũi và ngửi hương thơm của nó. Lưu ý xem chính xác mình cảm nhận nó ở đâu: mũi, vòm miệng hay cuống họng? | Nhắm mắt lại có thể giúp mình tập trung vào hương thơm. |
8. Tiếp xúc và lột vỏ Nhẹ nhàng lột trái quýt ra, nguyên trái hoặc một nửa. Chú ý cảm giác của mình khi tiếp xúc với trái quýt. Nhìn kỹ vào vỏ quýt, thấy sự khác biệt giữa hai mặt – mặt này mịn, mặt kia bị rỗ hoặc nhẵn, màu sắc, mùi hương tỏa ra. Nhẹ nhàng tách ra một múi. | Các em nhỏ, thậm chí ngay cả các em lớn có thể chưa bao giờ biết cách lột vỏ trái cây, vì vậy giáo viên phải chỉ bày rõ ràng hoặc âm thầm giúp đỡ các em. Để nghe được âm thanh, ta có thể cho các em để quýt gần lỗ tai và lột một ít để các em có thể nghe được tiếng vỏ quýt bị rách ra. |
9. Đưa vào miệng và ăn Nhẹ nhàng đưa múi quýt vào miệng. Cố gắng đừng nhai và nuốt ngay. Chú ý xem miệng mình phản ứng như thế nào, như tăng lượng nước bọt, muốn nhai và nuốt ngay. Nhẹ nhàng lật múi quýt quanh miệng, chú ý đến kết cấu và mùi vị. Nhẹ nhàng cắn vào múi quýt, ý thức là hương vị có thể bất bất ngờ tỏa ra. Xem thử chính xác điều đó xảy ra ở đâu trong miệng mình và mình phản ứng ra sao. Nhai múi quýt chậm rãi và chánh niệm. Ý thức về sự thôi thúc muốn nuốt. Nhai kỹ múi quýt, chống cự lại cái thôi thúc muốn nuốt một lúc và xem thử mình cảm thấy thế nào. Khi múi quýt đã được nhai nhuyễn thì nuốt xuống. Ý thức toàn bộ cảm giác khi nuốt, trong miệng, trong cổ họng và trong bao tử. | |
10. Sau khi ăn múi đầu tiên Ngồi thở và chiêm nghiệm kết quả mùi vị trong miệng, hay bất kỳ cảm giác nào khác trong cơ thể và trong tâm thức. | Chú ý xem mình có bị thôi thúc lấy múi quýt thứ hai ngay không. |
11. Kết thúc Nếu muốn ta có thể ăn hết trái quýt. Ăn càng chánh niệm càng tốt. Ngồi yên tiếp xúc với hơi thở và quán chiếu về kinh nghiệm của mình. Nếu thích thú hãy cám ơn tất cả những điều kiện làm nên trái quýt và hương vị trong miệng mình. | Có thể không phải em nào cũng đều thích quýt. Vì vậy có thể mời em nào muốn bày tỏ niềm biết ơn vì chưa bao giờ thực tập điều này trước đây, làm lại một lần nữa. Chúng ta có thể tính trước cách xử lý vỏ quýt, làm phân xanh hay làm thành những cánh hoa, hoặc trái tim. |
12. Những cách ăn đơn giản khác – Ăn chánh niệm bất kỳ loại thức ăn nào có kích cỡ nhỏ. Nho khô được chọn lựa nhiều nhất vì dễ ăn mà không tạo thêm lộn xộn, hương vị lại thơm ngon. Có thể thử một mẫu sô cô la, một cây cà rem, các loại hạt, một miếng trái cây hoặc nguyên trái. – Chúng ta có thể thử nghiệm bằng cách ăn miếng đầu bình thường, miếng thứ hai ăn chánh niệm và để ý đến sự khác biệt giữa hai miếng. – Ăn một hoặc nhiều miếng đồ ăn nhẹ, hay một bữa ăn trong chánh niệm. – Phần cuối của “phối hợp ăn chánh niệm” nêu những ví dụ có thật về nhiều cách ăn chánh niệm của các giáo viên có kinh nghiệm thực tập. |
Thực tập căn bản
Ăn nhẹ chánh niệm
Đồ dùng và chuẩn bị Chúng ta cần: một loại thức ăn nhẹ và lành, đặt trong bát hoặc trong đĩa (như trái cây tươi hoặc khô, các loại bánh quy với hạt nguyên có chứa lượng đường thấp như bánh quy cây, bánh bích quy, bánh lạt. Nước uống lành như nước suối hoặc nước trái cây (không bắt buộc), khay, khăn giấy, ly (tốt hơn nên sử dụng những thứ tái sử dụng để các em có thể rửa lại sau khi dùng), chuông và dùi thỉnh. Chúng ta có thể nhờ vài em chuẩn bị những thứ này sẵn cho cả nhóm. | Giáo viên và học sinh nên thực tập thiền quýt trước khi ăn nhiều thứ hơn trong chánh niệm. Cần biết những loại thức ăn nào làm cho học sinh dị ứng ví dụ như đậu phụng, gluten, những thức ăn được chế biến từ sữa. Nói chung, ta nên hướng đến sự an toàn, tránh những thức ăn có mầm mống nguy hại. |
1. Giới thiệu Mời các em im lặng và tập trung. Nhắc các em nhớ lại kinh nghiệm ăn một miếng thức ăn chánh niệm: quá trình quán chiếu, nhìn, ngửi, nếm, v.v… Nhấn mạnh về năng lượng ăn chánh niệm tập thể mà mình sẽ chế tác hôm nay. Nhắc các em là mình sẽ thực tập ăn trong im lặng và mọi người sẽ đợi cho đến khi tất cả đều có thức ăn mới ăn. | Không khí ăn picnic rất dễ thương, ví dụ như mọi người ngồi trên sàn nhà thành nhóm hoặc thành vòng tròn, nếu được có thể ngồi ngoài trời. Tuy nhiên, ngồi trong lớp học với bàn học bình thường cũng tốt. |
2. Thực tập ăn Đặt thức ăn nhẹ (snack), khăn giấy và nước uống lên khay và giới thiệu sự thực tập: Bây giờ chúng ta có cơ hội thiền bánh. Khay bánh sẽ được chuyền đi cho mọi người. Trước khi chuyền khay bánh đi, chúng ta giữ khay bánh lại để cho người ngồi kế ta có thể lấy bánh được. Nếu ai đó đang nâng khay cho mình, thì mình mỉm cười, lấy một cái khăn giấy và một chiếc bánh, hoặc một thứ thức uống, sau đó nhận khay và nâng khay cho người kế tiếp. Nên nhìn người khác khi lấy bánh hoặc khi đưa bánh. Hãy đợi cho đến khi tất cả mọi người có bánh và chuông thỉnh mới bắt đầu ăn. Chúng ta ăn trong chánh niệm để thật sự thưởng thức và trân quý từng mẩu bánh. Khi mọi người đã nhận bánh xong, mời một em thỉnh chuông. Nếu muốn, ta có thể đọc lớn lời “quán niệm trước khi ăn” trong phần hướng dẫn ở đầu chương. Hoặc có thể nói đơn giản hơn như: Chúng ta hãy thưởng thức bánh và nước trong im lặng. Thong thả ăn trong chánh niệm. Thực sự nhìn, ngửi, nếm, nhai bánh và suy tư xem nó từ đâu đến. Chúc mọi người thưởng thức bánh ngon. | Giáo viên có thể tham dự để làm mẫu cho học sinh, ngồi vững chãi như núi và ăn trong chánh niệm. Nếu thích hợp, ta có thể chuyền khay bánh đi lần nữa để ai muốn có thể lấy thêm. |
3. Kết thúc Thỉnh một tiếng chuông báo hiệu kết thúc thời gian ăn im lặng. Ngồi yên tiếp xúc với hơi thở, quán chiếu về kinh nghiệm mình vừa trải qua. Nếu thích, ta cám ơn tất cả những điều kiện cho ta có buổi ăn bánh hôm nay. |
Thực tập căn bản
Thực tập chánh niệm suốt buổi ăn
Một khi đã thực tập ăn chánh niệm, chúng ta có mong muốn tổ chức thêm những bữa ăn chánh niệm khác. Khi mở rộng sự thực tập ta nên làm từ từ và học hỏi kinh nghiệm từ đó. Chúng ta có thể ăn chánh niệm với lớp, với nguyên nhóm học sinh, sinh viên cùng tuổi, với một nhóm giáo viên, với cả trường, và sau đó với phụ huynh. Phần hướng dẫn như trên, ta có thể thêm vào vài chi tiết khi ăn với nhóm đông người hơn.
- Mời mọi người xếp hàng đứng yên để lấy thức ăn, chọn thức ăn kỹ lưỡng và chỉ lấy vừa đủ. Nếu mọi người tự mang thức ăn đi, mời mọi người im lặng vào phòng, đặt thức ăn ngay trước mặt, đợi tất cả ngồi xuống trước khi bắt đầu ăn.
- Trước khi ăn, mời mọi người nghe đọc “quán niệm trước khi ăn” (ở trên), mời mọi người quán chiếu với lòng biết ơn đối với nhiều người và nhiều yếu tố đã làm nên thức ăn cho mình, quán chiếu về tầm ảnh hưởng của việc tiêu thụ lên toàn thế giới.
- Ý thức những người bạn đang ngồi chung bàn với mình hoặc đang ngồi trên sàn nhà bằng một nụ cười, một cái gật đầu hay một cái xá chào trước và sau khi ăn.
- Chúng ta có thể bắt đầu bằng tiếng chuông, hoặc chỉ đọc quán niệm. Mời mọi người ăn thong thả. Để tâm vào hơi thở và vào giây phút hiện tại.
- Nếu giữa bữa ăn có thỉnh chuông thì ta dừng lại, đưa sự chú tâm về với hơi thở, rồi tiếp tục ăn. Những giây phút dừng lại này nhắc nhở mọi người ý thức về cái tâm năng động của mình và tập trung vào giây phút hiện tại bằng cách ý thức về hơi thở.
- Hướng dẫn trước là ăn trong im lặng nguyên bữa ăn hay chỉ một phần để cho mọi người tập trung hoàn toàn vào ăn chánh niệm.
Nhìn sâu: Những câu hỏi quán chiếu về sự thực tập ăn chánh niệm
Có thể chúng ta cảm nhận thực tập như thế là đủ. Tuy nhiên đặt những câu hỏi sau đây có thể giúp mình và học sinh quán chiếu thêm. Chúng ta không cần phải sử dụng hết tất cả các câu hỏi, đây không phải là bài kiểm tra.
- Trải nghiệm của mình như thế nào, trong thân và trong tâm, qua những thời khắc khác nhau của bữa ăn chánh niệm? Suy nghĩ, mong đợi, cảm thọ? Vui, khổ, bình thường?
- Ăn chánh niệm có khác với cách mình thường ăn không? Khác như thế nào? Mình có vừa ăn vừa xem ti vi, vừa nghe điện thoại, vừa làm bài tập, vừa chuẩn bị bài không?
- Chúng ta thấy như thế nào khi được mời quán chiếu thức ăn từ đâu đến, niềm biết ơn và sự tương quan giữa các yếu tố tạo nên thức ăn? Dễ, khó, thích thú, sâu sắc, tĩnh lặng, hay khó chịu, bực bội, v.v…? Mình cảm nhận những điều đó xảy ra ở đâu trong thân thể? Suy nghĩ và quán chiếu của mình như thế nào?
- Ăn trong im lặng thấy như thế nào?
- Ăn với mọi người thấy như thế nào?
Ta có thể đặt thêm một số câu hỏi khác. Đặt những câu hỏi đơn giản, cởi mở, có tính chất khuyến khích mà không lên án. Chấp nhận tất cả những câu trả lời kể cả những câu trả lời tiêu cực. Tập trung vào những kinh nghiệm có thật trong cuộc sống.
Ăn chánh niệm trong đời sống hằng ngày và trong trường học
Học cách ăn chánh niệm hơn
Trước tiên, cách hay nhất là tập ăn chánh niệm trong khoảng thời gian ngắn nhưng rất sinh động để có thể tập trung vào kinh nghiệm của mình. Chúng ta có thể sử dụng bất cứ loại thức ăn nào, tuy nhiên nhiều giáo viên thích dùng trái cây tươi, lành và có hương vị dễ nhận biết.
Kaira Jewel Lingo, một giáo thọ lâu năm thực tập theo truyền thống Làng Mai, kể lại kinh nghiệm ăn chuối của lớp, cảm giác như lần đầu được ăn khi cô đến hướng dẫn ở đó.
Chúng tôi ngồi trên bãi cỏ để thiền chuối. Mỗi em được một miếng chuối chưa bóc vỏ. Các em cầm chuối trên tay và chỉ nhìn vào nó. Các em thấy được bao nhiêu màu sắc? Các em cảm thấy trong tay mình như thế nào? Lạnh? Ướt? Mềm? Mùi vị ra sao? Rồi các em từ từ bóc vỏ ra và lắng nghe âm thanh của nó, chú ý đến cái vỏ đã được bóc ra để lại những đường rãnh trên miếng chuối. Các em cắn một miếng nhỏ và ngậm trong miệng, khoan nhai vội. Chú ý đến nhiệt độ của miếng chuối và nước bọt trong miệng. Sau đó các em bắt đầu nhai chuối một cách vui vẻ, chú ý đến mùi vị của nó. Cảm nhận được hương vị mạnh nhất ở đâu trong lưỡi? Răng mình nhai như thế nào? Sau đó dùng lưỡi để nuốt. Chúng tôi cần năm phút cho một miếng chuối nhỏ.
Trong phần quán chiếu sau đó, một em học sinh nam chia sẻ niềm kinh ngạc, rằng em thấy mình chưa bao giờ thật sự ăn chuối trước đây. Sau đó giáo viên của em kể cho tôi nghe là em rất ấn tượng về bài tập này nên đã giới thiệu cho cả nhà. Mẹ em báo cáo lại với giáo viên là bây giờ gia đình cô thực tập thiền trái cây rất thường xuyên.
Cô giáo Lauri Bower, thực tập chánh niệm, làm việc với người trẻ ở Anh, sử dụng thiền nho như là môn thực tập đầu tiên để giới thiệu chánh niệm cho lớp học. Cô thấy bắt đầu dạy chánh niệm bằng cách này giúp cô tránh được ngay từ đầu hình ảnh rập khuôn là chánh niệm chỉ có nhắm mắt ngồi yên.
Gần đây tôi giới thiệu chánh niệm cho trường tiểu học ở Anh, từ 7 đến 11 tuổi. Con gái của tôi cũng dạy trong trường này. Chúng tôi bắt đầu bằng cách thực tập ăn chánh niệm, chú tâm vào một trái nho khô, sử dụng tất cả các giác quan, kể cả tai, để khám phá. Đây có thể là một cách tuyệt vời để giới thiệu chánh niệm, vì nó không giống thiền. Đây cũng có thể là cách để khám phá sự hiểu biết của các em về thiền, mà thiền theo nhiều người nghĩ có thể rất giới hạn, liên quan đến một tư thế đặc biệt như ngồi bắt chéo chân, v.v… Tôi rất hạnh phúc khi xua tan được những lời đồn đại về thiền.
Chúng ta có thể dùng bất cứ loại thức ăn nào, kể cả những thức ăn mà người trẻ ghiền như bánh ngọt, sô cô la, để giúp học sinh thưởng thức hương vị đậm đà, nuôi lớn sự tôn trọng và trân quý thức ăn. Carme Calvo Berbel, nhà đào tạo phát triển chuyên môn ở Tây Ban Nha, kể lại:
Để phát triển sự tập trung trong lớp học và khám phá những cảm nhận khác nhau trong đời sống hằng ngày, chúng tôi ăn bánh và thực tập có mặt với năm giác quan (cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm). Chúng tôi hiểu được nhiều yếu tố (trong quy trình chế biến) làm nên chiếc bánh cho chúng tôi ăn và thưởng thức. Nhờ sự quán chiếu này mà chúng tôi thấy được những mầu nhiệm của sự sống, nuôi dưỡng niềm biết ơn và biết cách thư giãn.
Ăn một bữa ăn chánh niệm
Một khi đã thực tập được điều cơ bản, chúng ta sẽ thực tập ăn chánh niệm trong suốt bữa ăn. Trong một trường tiểu học ở Anh, ăn chánh niệm đã trở thành một thói quen thú vị hằng ngày cho
các em nhỏ. Giáo viên của các em, cô Aliso Mayo thấy rằng ăn chánh niệm cũng bắt đầu ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của gia đình các em.
Ăn chánh niệm với nhau là một phần của “gia đình” lớp học, bây giờ đã tạo thành một thói quen quan trọng trong nhà trẻ vào mỗi buổi sáng. Ăn uống những thức ăn lành không những nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn mà còn có khả năng trị liệu, nuôi dưỡng ở nhiều cấp độ: cá nhân, xã hội và tâm linh… Thỉnh thoảng chúng tôi san sẻ với nhau những thức ăn các em tự đem đến, những thức ăn từ các truyền thống văn hóa khác nhau hoặc những thức ăn mà các em chưa bao giờ được ăn. Sau một phút, chúng tôi thỉnh chuông lần nữa, rồi tiếp tục ăn và trò chuyện với nhau.
Tôi xúc động khi thấy các em nhỏ (ba, bốn tuổi) nắm được bài tập này một cách nhanh chóng. Các em học sinh mới bắt chước các em học sinh cũ. Dường như các em rất thích và bắt đầu quán chiếu về thức ăn. Một em nhỏ nói: “Con tự hỏi là những chiếc bánh yến mạch này từ đâu đến?”. Ăn bánh chánh niệm bây giờ là một nét nổi bật trong những sinh hoạt hằng ngày. Một vài em đã giới thiệu cho gia đình thực tập tương tự như thế ở nhà.
Cô Chelsea True, nhà giáo dục ở Mỹ, mô tả một chương trình ngoài giờ, cô mời gia đình các em mang thức ăn đến để ăn chánh niệm ngoài trời với nhau.
Trong chương trình ngoài giờ, chúng tôi ăn chánh niệm. Bất cứ lúc nào thuận tiện, chúng tôi ngồi dưới cây táo trong vườn. Quán chiếu những thay đổi tinh tế trong cây qua các mùa đã trở thành một phần của sự thực tập. Gia đình mang đến các thức ăn lành mạnh, không chế biến, đủ cho mình ăn.
Để bắt đầu, chúng tôi nghe một tiếng chuông và thở vào thở ra. Khi không còn nghe chuông nữa, chúng tôi đọc bài Harvest (Mùa gặt hái) của Alice Corbin Henderson. Cuối bài thơ này tôi nói “Xin mọi người thưởng thức tia nắng mặt trời trong thức ăn.” Thường chúng tôi không ăn im lặng hoàn toàn. Thay vào đó, chúng tôi thực tập kỹ hơn trong buổi ăn nhẹ.
Thông thường, tôi sẽ yêu cầu một em nhỏ ngưng lại khi các em chuẩn bị đưa thức ăn vào miệng và để ý xem những gì đang xảy ra cho thân thể. Maggie, chín tuổi, tường thuật lại cảm giác mình có chủ quyền trong lúc ăn. Em thấy mình nôn nóng muốn đưa miếng thức ăn vào miệng ngay, và chánh niệm cho em sự chọn lựa nên làm gì trong giây phút đó. Những em khác tường thuật là để ý thấy miệng chảy nước miếng, cái bụng kêu rột rột, cơn đói tăng lên. Như thế, ăn chánh niệm giúp chúng tôi nuôi lớn ý thức về thân thể và những vọng động thôi thúc trong tâm.
Cô cũng để ý thấy ảnh hưởng này lan rộng đến lớp học như thế nào.
Sự thực tập ăn chánh niệm ảnh hưởng rất mạnh đến học sinh và môi trường lớp học. Liam, năm tuổi, nhận ra rằng khi ăn chánh niệm em thấy trái dâu đỏ tươi hơn. Cả lớp thường cảm thấy rung động và tỉnh thức hơn. Ý thức cộng đồng lớn lên nhờ năng lượng chánh niệm tập thể. Cảm giác dễ chịu phát khởi khi ăn cơm chung với nhau cho phép chúng tôi tăng sự chú tâm và hòa hợp khi chuyển qua một sinh hoạt hoặc một tiết học mới.
Cơ hội tự nhiên để thực tập ăn chánh niệm
Có vô số cơ hội tự nhiên khuyến khích chúng ta ăn chánh niệm, chẳng hạn như khi có ai đó mang một chiếc bánh sinh nhật đến
để ăn chung với nhau, hoặc khi cả lớp ăn trong giờ giải lao hay trong bữa ăn trưa, hoặc khi cả lớp đi chơi và ăn picnic chung. Một giáo viên quan sát:
Khi có sinh nhật một em học sinh nào, các em thường mang bánh đến cho chúng tôi thưởng thức. Chúng tôi luôn luôn ăn trong chánh niệm, các em rất thích nói về hương vị và những thành phần làm nên chiếc bánh.
Bây giờ, mỗi khi ăn bữa ăn nhẹ, tôi thấy các em học sinh của tôi thường mở bánh ra, dừng lại một lúc và ngửi trước khi ăn.
Hãy để cho học sinh đề nghị ăn chánh niệm bao nhiêu lần trong một tuần, giữ cho sự thực tập tích cực, vui tươi và như một lời mời mà không phải bắt buộc. Điều này rất có lợi. Chúng ta có thể âm thầm công nhận và khuyến khích các em ăn chánh niệm hơn. Cái quan trọng nhất cần phải nhớ là chính mình phải làm những gì mình nói, mình phải ăn chánh niệm trong đời sống hằng ngày để khi ăn chánh niệm trong lớp học, chúng ta tự động là một tấm gương cho học sinh.
Thưởng thức sự bình an trong khi ăn
Nếu chưa có kinh nghiệm thì ăn chánh niệm trong im lặng thấy có vẻ nặng nề, ngột ngạt. Vì vậy ban đầu ta có thể ăn im lặng ít thôi, hoặc đối với các em nhỏ, ta nên khuyến khích các em nói chuyện nhỏ lại. Trong sự thực tập, người lớn và trẻ em rất thích thời gian nghỉ ngơi bình an, như Grace Bruneel, một em tình nguyện viên trong trường Công giáo ở Hồng Kông mô tả:
Chúng tôi giới thiệu một pháp môn thực tập gọi là: “Bữa ăn im lặng là bữa ăn hạnh phúc”. Khung cảnh ở Căn tin (nhà ăn) thường rất ồn, với nhiều tiếng la hét, chạy nhảy, chơi đùa xung quanh. Các giáo viên mô tả đi qua căn tin vào giờ ăn trưa như băng qua Biển Đỏ.
Bây giờ thì khác, mỗi lớp đều xếp hàng trước căn tin, khi mọi người đã sẵn sàng, giáo viên hoặc một em học sinh thỉnh lên một tiếng chuông. Rồi mọi người đi vào căn tin. Khi tất cả các lớp có mặt, cha Vicente Sanchez, hoặc thầy hiệu trưởng, hay nhà giáo dục tâm linh, thỉnh chuông và đọc lời cầu nguyện. Sau đó mọi người bắt đầu ăn. Nhạc nền cổ điển được mở lên và mọi người được khuyến khích ăn trong chánh niệm. Các em được khuyến khích nói nhỏ lại (nếu nói chuyện). Sự thay đổi này thực sự được các giáo viên và học sinh hoan nghênh vì chính các em cũng phàn nàn về tiếng ồn, thấy đau đầu nhức tai khi phải nghe những tiếng ồn đó.
Xây dựng ý thức tương tức qua bữa ăn chánh niệm
Dành thời gian ăn chánh niệm chung với nhau, chúng ta có thể thấy được sự kết nối lớn hơn với những người xung quanh ta. Khi quán chiếu thức ăn từ đâu đến chúng ta có thể nuôi lớn lòng biết ơn, sự liên hệ, tình thương và hiểu biết với những người làm nên thức ăn cho ta, những người ăn chung với ta, và với những người không đủ thức ăn để ăn trên thế giới.
Niềm trân quý và biết ơn có thể lan rộng đến người nấu ăn, như Shantum Seth, một giáo thọ lâu năm thuộc truyền thống Làng Mai ở Ấn Độ ghi nhận:
Trong suốt khóa tu cho toàn trường ở Trường Welham Boys, chúng tôi áp dụng năm phút ăn trưa im lặng để khuyến khích học sinh ăn chánh niệm. Một đầu bếp của trường chia sẻ rằng qua sự im lặng đó, chú nghe được niềm trân quý của các em học sinh về công việc nấu ăn cực nhọc của chú, đây là lần đầu tiên chú được nghe những lời như thế.
Katrina Tsang, giáo sư Y khoa ở Hồng Kông, sử dụng ăn cơm chánh niệm như là pháp môn thực tập đầu tiên cho sinh viên Y khoa của cô. Cô thấy rằng ăn cơm chánh niệm ngay lập tức chạm tới cảm giác gắn kết sâu sắc.
Thiền nho khô là cách tôi thường giới thiệu chánh niệm cho người mới bắt đầu. Dần dần học sinh để ý đến niềm vui, những mầu nhiệm của sự sống và đặc biệt là mình đang còn sống. Có vài em báo cáo rằng nho khô rất thơm và hấp dẫn. Các em thấy sự thực tập này rất vui và thú vị. Nhiều em đặc biệt tập trung, chú ý về tâm hành của mình và lần đầu tiên các em thấy được bản chất rong ruổi của tâm. Các em biết rằng thực sự đây là bản chất chung của tâm. Thiền nho khô có hướng dẫn bao gồm quá trình hình thành trái nho khô, làm nổi bật những yếu tố không phải nho trong trái nho, sự tương tức với những con người, động vật, thực vật và khoáng vật khác, sự thay đổi từ một trái nho tươi đến một trái nho khô, đến chất dinh dưỡng. Trong buổi chia sẻ sau đó, chúng tôi thảo luận về sự liên hệ giữa thân và tâm (miệng mình bắt đầu tiết nước bọt như thế nào trước khi đưa trái nho khô vào), tầm quan trọng và sức mạnh của tâm, mà hầu hết chương trình y khoa không chú ý tới. Chúng tôi chia sẻ tầm quan trọng của việc học và biết cách có mặt trong giây phút hiện tại, có mặt cho sự sống, có mặt thật sự cho những bệnh nhân mà mình chăm sóc.
Sau thiền nho khô chúng tôi chuyển qua thực tập hơi thở, sau đó ăn trưa chánh niệm với nhau. Tôi mời các em ăn chánh niệm với nhau theo nhóm, hoặc ăn chánh niệm một mình ở nhà suốt bữa ăn hay 15 hoặc 20 phút đầu. Điều này làm cho tôi mỉm cười khi thấy học sinh thật sự từ tốn, điềm đạm, cũng như hiếu kỳ về những thức ăn chay và thưởng thức thức ăn từng giây từng phút.
Khi tiếp xúc với thành phần học sinh vốn là trẻ em đường phố bị xã hội bỏ rơi, một tình nguyện viên làm việc trong một thành phố lớn ở Mỹ sử dụng nhiều hình thức khác nhau khi thực tập ăn một trái cam chánh niệm. Đầu tiên các em nhỏ được mời cầm trái cam lên và nhận diện trái cam của mình, sau đó đặt nó trở lại với tất cả những trái cam khác và cố gắng tìm ra trái cam của mình. Trò chơi này giúp những em bị bỏ rơi thấy được sự hợp nhất và tương quan của sự sống.
Trong nội thành nơi tôi ở, có nhiều đứa trẻ mà ngoài giờ học là “bị bỏ rơi”, đây là ngôn ngữ của các em, tất nhiên các em cũng sống như những người bị bỏ rơi. Tôi muốn tác động đến thực tại này bằng cách triển khai phương pháp chánh niệm cho các em. Ví dụ tôi giảng dạy về cách nhìn cho có chánh niệm nhìn. Tôi mang một giỏ cam đến. Mỗi em lấy một trái. Tôi yêu cầu các em quan sát thật kỹ rồi đặt trái cam ở giữa bàn. Sau đó tôi yêu cầu các em lấy lại trái cam đặc biệt của mình. Tất cả các em đều tuyên bố không thể làm được, không một trường hợp ngoại lệ nào. Nhưng sau đó, cũng không một trường hợp ngoại lệ nào, tất cả các em đều tìm được trái cam của mình. Lúc này chúng tôi vui mừng nói lên những yếu tố tương quan của sự sống biểu hiện trong trái cam. Chúng tôi gọi tên bầu trời, đám mây, mưa, nắng, công nhân, xe tải, chợ, v.v…
Ăn chánh niệm có khả năng giúp chúng ta ý thức hơn về sự ảnh hưởng của thức ăn lên sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Sau khi có kinh nghiệm thực tập, mọi người thường thích tìm những yếu tố lành mạnh để thay thế trong sinh hoạt hằng ngày. Trong một thế giới với áp lực thương mại nặng nề và tình trạng dư thừa, nhiều người phải cố gắng để tránh bị thừa cân. Thực tập này khích lệ bản thân, học sinh, gia đình, cộng đồng giảm bớt tình trạng lãng phí và ăn quá nhiều, bằng cách chỉ ăn những thức ăn nào mà cơ thể cần; ăn chậm giúp chúng ta ý thức khi nào thì no và nên dừng lại.
Với những nhà giáo dục có trách nhiệm chế ra nội quy, định hướng môi trường học đường cho trường phổ thông và đại học, thì ăn chánh niệm có thể giúp chúng ta có nhiều động lực hơn để đảm bảo cho trường có nội quy thực tập liên quan đến thức ăn và chất dinh dưỡng, nhằm nâng cao sức khỏe và an lạc cho tất cả những ai học và làm việc ở đó.