Chương 4: Thiền đi

An lạc từng bước chân

Thích Nhất Hạnh

Nội dung

  • Hiểu được đi chánh niệm (hay còn gọi là đi thiền hoặc là thiền hành) nghĩa là gì.
  • Quán chiếu xem tại sao ta phải đi chánh niệm.
  • Tìm ra những hướng dẫn thực tế, cụ thể từng bước một để dạy và học hai phương pháp thực tập căn bản:
  • Đi trên đoạn đường được quy định, như vòng tròn.
  • Đi ngoài trời với đoạn đường dài hơn; và những đề nghị khác.
  • Khám phá những ý tưởng thực tế trong việc áp dụng đi chánh niệm vào đời sống hằng ngày và vào công việc giảng dạy.

Đi để mà đi là một niềm vui. Khi đi chánh niệm, thân tâm ta trở nên có mặt hoàn toàn với bước chân và hơi thở một cách vững chãi ngay bây giờ và ở đây. Trong ngày, bất cứ lúc nào chúng ta cất bước đi đâu thì mỗi bước chân cũng đều trở thành cơ hội cho sự thực tập.

Mỗi bước chân khi thực tập đi thiền đều có thể chế tác năng lượng bình an, buông bỏ những căng thẳng trong thân, giúp ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống và có khả năng nuôi dưỡng trị liệu cho ta. Nếu có đủ niệm, định, chúng ta có thể tiếp xúc với đất Mẹ sâu sắc bằng mỗi bước chân. Đi từ bãi đậu xe đến lớp học, ta có thể thưởng thức từng bước chân của mình.

Bằng cách kết hợp hơi thở và bước chân, ta có cơ hội thưởng thức sâu sắc pháp môn thiền đi (đi chánh niệm). Thở vào, ta có thể bước hai hoặc ba bước. Thở ra, ta có thể bước ba, hoặc bốn bước. Ta chú ý đến sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất. Đừng để sự chú tâm ở trên đầu, ta đưa sự chú tâm xuống lòng bàn chân và tiếp xúc với mặt đất một cách chánh niệm. Ta hôn lên đất Mẹ bằng bàn chân của mình giống như ta đang hôn lên mặt đất. Điều này có thể rất dễ chịu. Ta không cần phải chịu đựng, phải đau khổ hay phải cố gắng đặc biệt để có chánh niệm khi tiếp xúc với đất Mẹ. Tiếp xúc với mặt đất bằng bàn chân của mình, kết hợp với hơi thở vào, ta có thể nói: “Tôi đã về, tôi đã về”. Tôi đã về đến đích của sự sống, bởi vì sự sống có mặt bây giờ và ở đây. Bây giờ và ở đây là thời gian và nơi chốn duy nhất mà sự sống có mặt.

Có thể chúng ta chạy suốt đời, hy sinh cái hiện tại cho mục đích ở tương lai. Sống như vậy ta không có khả năng hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy đi chánh niệm là một cuộc cách mạng, là một loại đề kháng, chống lại việc chạy đua. Ta không muốn chạy nữa. Ta thấy thoải mái và bình an trong giây phút hiện tại, cho nên ta có thể nói với chính mình: “Tôi đã về trong cái bây giờ và ở đây, nơi sự sống đang có mặt. Tôi không muốn chạy nữa”. Chánh niệm cho chúng ta đủ sức mạnh để chống lại việc chạy đua.

Đối với những ai trong chúng ta đã quen với sự thực tập này rồi thì có thể về 100% trong cái bây giờ và ở đây. Khi chúng ta có khả năng về 100% trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây thì lập tức chúng ta thấy bình an và hạnh phúc. Nếu còn mới trong sự thực tập này thì ta có thể đi chánh niệm chậm hơn. Thở vào, ta bước một bước và nói: “Tôi đã về”. Đầu tư toàn bộ thân tâm vào bước chân và về 100% trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Nếu ta chưa về 100%, mà chỉ mới 20% hoặc 30% thôi thì ta đừng bước bước kế tiếp. Đứng đó, thở vào thở ra lại. Thách thức chính mình phải về cho được 100 % trong cái bây giờ và ở đây. Mỉm một nụ cười chiến thắng. Sau đó mới bước bước kế tiếp và nói: “Tôi đã tới”. Tôi đã tới ngôi nhà của mình. Ngôi nhà của mình ngay ở đây trong giây phút hiện tại.

Hướng dẫn dành cho giáo viên

Thiền đi (đi chánh niệm)

Tại sao phải thực tập thiền đi?

  • Để đưa tâm trở về đoàn tụ với thân trong giây phút hiện tại.
  • Để tập sống chậm lại và không vội vã. Thực tập “không đi đâu nữa, không có chi để làm”.
  • Để làm lớn mạnh ý thức về thân thể trong các động tác.
  • Để ý thức hơn về sự liên hệ giữa cảm thọ và các động tác.
  • Để thay đổi với ngồi thiền, nhằm phát triển sự chú tâm, định lực và tĩnh lặng, giảm bớt căng thẳng, lo lắng và buông bỏ những suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại, nhai đi nhai lại.
  • Để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống, tiếp xúc sâu sắc hơn với chính mình, với những người đang đi cùng mình và với khung cảnh môi trường xung quanh.

Thiền đi là một sự thực tập vô giá cho chính bản thân và cho học sinh. Thực tập đi chánh niệm giúp ta có mặt hoàn toàn trong tất cả các sinh hoạt, bất cứ lúc nào, ở đâu, ngay cả giữa những bộn bề cuộc sống. Người lớn thường thấy rằng đi thiền, buông bỏ những dự án, chấm dứt những lo lắng cho phép họ thấy thoải mái thảnh thơi hơn, tiếp xúc được với niềm vui và an trú hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Điều này các em nhỏ cũng có thể trải nghiệm được. Khi thân tâm mình bận rộn và bức bối, thay đổi sự thực tập bằng cách đi chánh niệm có thể thích hợp hơn ngồi hay nằm.

Chúng ta đi với sự tự do và vững chãi, không còn hấp tấp nữa. Chúng ta thực tập sống chậm lại, không vội vã, tiếp xúc được với cảm thọ “không đi đâu nữa, không có chi để làm”. Khi nhận thấy tâm mình bị lạc vào những suy nghĩ, tuy điều này cũng rất tự nhiên, chúng ta chỉ cần nhẹ nhàng hướng tâm về với hơi thở và bước chân. Trong khi thực tập, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta thường hay vội vã và đánh mất mình trong những suy nghĩ, kế hoạch, mơ mộng, chuyện trò, nghe nhạc, những điều cứ lặp đi lặp lại trong lúc bước đi.

Khi mới bắt đầu học phương pháp đi chánh niệm, chúng ta nên tập trung vào bàn chân và đi chậm hơn. Tuy nhiên, đi chánh niệm không cần phải đi một cách trang trọng, cứng nhắc, quá mất tự nhiên. Đi tự nhiên với một nhịp điệu nhẹ nhàng có thể giúp thân thể mình thư giãn.

Chúng ta đừng bao giờ ép hơi thở, bắt hơi thở phải thay đổi. Chúng ta bước đi theo hơi thở, để cho hơi thở như nó đang là trong giây phút đó. Khi đi phải vui mà không phải là một lao tác mệt nhọc, không cần phải thay đổi hơi thở, chúng ta chỉ ý thức hơi thở và bước chân thôi. Khi thực tập, ta có thể thấy ta đi như ta đi dạo, rất thích thú. Ta chú tâm hơn về những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta, ta duy trì chánh niệm về hơi thở và bước chân của mình.

Nếu chúng ta có đủ may mắn thực tập ngoài trời giữa thiên nhiên thênh thang, thỉnh thoảng ta có thể dừng lại, nhìn ngắm xung quanh và chú ý đến những vẻ đẹp của sự sống, như cây cối, mây trắng, bầu trời bao la rộng lớn. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận những cơn gió mát. Sự sống có mặt xung quanh ta. Và ta đang còn sống để thưởng thức sự sống này.

Cho dù bị thương hay bị khuyết tật, chúng ta cũng có thể đi trong an lạc. Có thể chúng ta cần giúp đỡ, chẳng hạn như sự nâng đỡ từ một người bạn, hoặc cần một cái nạn hoặc cái gậy, hoặc chiếc xe lăn. Tuy nhiên, sống giữa cuộc đời này, chúng ta vẫn có thể ý thức về một đặc ân bình đẳng là ai cũng có cơ hội đi như một con người tự do. Ta có thể cảm nhận hơi thở ta buông thư, cơ thể ta nhẹ nhàng hơn khi thực tập…

Có những ví dụ và những phản hồi khác ở cuối chương của những giáo viên đang thực tập chánh niệm nói về cách áp dụng thiền đi vào đời sống của họ, đời sống của sinh viên học sinh trong các lớp học, trong trường phổ thông và đại học.

Thực tập căn bản

Đi thiền trong vòng tròn

(Phần tóm tắt nằm ở Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông)

Chọn địa điểm để đi  
Khi mới học cách đi thiền một mình, ta chọn một nơi yên tĩnh, vắng vẻ để tập trung ý thức mà không bị quấy rầy. Ta có thể đi trong nhà hoặc ngoài trời, trong vườn hoặc nơi công viên vắng vẻ. Chọn một vòng ngắn hoặc một con đường ngắn, ta bước đi chậm rãi và im lặng.
Khi muốn lên kế hoạch cho học sinh đi thiền, ta phải tập đi một mình trước. Ta có thể bắt đầu đi trong nhà, như trong phòng thể dục, trong hội trường hay trong một phòng học lớn, đi quanh thành một vòng. Tuy nhiên, không gian bên ngoài như sân trường, sân chơi rất có hiệu quả cho sự thực tập. Nên nhớ rằng tự thực tập là cách hay nhất để gây cảm hứng cho sinh viên học sinh cùng làm.  
Bài tập này giúp ta học cách tự đi thiền và có thể giới thiệu cách đi thiền đơn giản và cơ bản cho người khác.

Nhớ để ý theo dõi những học sinh có khó khăn về việc đi lại như những em bị thương, bị khu- yết tật, những em cần gậy, cần xe lăn hay bất kỳ một trợ giúp nào, để quan tâm chăm sóc các em, giúp các em tự tin tham dự.  
1. Giải thích, chuẩn bị cho học sinh
– Chúng ta đi trong im lặng để tập trung vào việc đi mà không bị phân tán.
– Đi với nhau và theo nhịp điệu của người đi trước.
– Đi mà không suy nghĩ về quá khứ, hoặc tương lai, hay lên kế hoạch. Khi thấy mình bị lạc vào suy nghĩ, hãy đưa sự chú tâm về với hơi thở và bước chân.
– Nếu đi dài hơn, chúng ta mở lòng ra với những mầu nhiệm của sự sống trong mình và xung quanh mình, nơi những người khác đang có mặt quanh chúng ta.
Hướng dẫn rõ ràng lúc ban đầu, ví dụ cho học sinh biết trước nếu mình muốn dừng lại một lúc rồi tiếp tục hay dừng lại sau khi đi một vòng.  
2. Đến địa điểm thiền hành  
Thỉnh một tiếng chuông để bắt đầu.  
Thở ba hơi chánh niệm trong khi nghe chuông có thể giúp mọi người lắng dịu và tập trung.  
3. Tập trung thành vòng tròn  
Mọi người bắt đầu xếp thành vòng tròn. Nếu thích hợp thì nắm tay nhau.
Sau đó thả tay ra và nới rộng vòng tròn để có không gian giữa người này với người kia.
Mọi người có thể quay qua trái để vai phải của mình hướng vào trong vòng tròn.  
4. Đứng chánh niệm  
Đứng thẳng trong tư thế buông thư và thưởng thức vài hơi thở chánh niệm.
Ta có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận hơi thở vào và hơi thở ra.
Ý thức về sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất hoặc sàn nhà. Thân tâm dần lắng dịu trong ý thức sáng tỏ này.
Ý thức từng giây phút của đôi chân đang cử động, giữ cho thăng bằng đừng để bị té.
Đưa sự chú tâm từ trên đầu xuống bụng, và để cho tất cả những suy nghĩ, lo lắng buông thả xuống đất.    
5. Đi chánh niệm  
Sau vài hơi thở, một tiếng chuông được thỉnh lên và mọi người bắt đầu đi theo người hướng dẫn. Đi với nhau thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ.  
Khi thở vào, bước một bước bằng chân trái. Khi thở ra bước một bước bằng chân phải.
Tập trung hoàn toàn vào hơi thở và sự tiếp xúc giữa đôi chân và mặt đất. Đi như thể mình đang hôn lên mặt đất bằng đôi chân của mình.
Khi trở về lại chỗ cũ hoặc khi nghe chuông thì dừng dại, tiếp tục theo dõi hơi thở, để ý đến sự cảm nhận của mình khi đứng vững chãi trên mặt đất.
Đi một cách tự nhiên, chú tâm mà không máy móc hoặc ép mình.  
Chúng ta có thể hát những bài hát của Làng Mai như Đã về, đã tới, Thở vào, thở ra để tập trung năng lượng. Điều này thường có hiệu quả hơn đối với người lớn hoặc với những em học sinh nhỏ tuổi, còn những em thanh thiếu niên thì có thể còn mắc cỡ và không thấy thoải mái. Chúng ta có thể tìm thấy những bản nhạc Làng Mai bằng tiếng Việt trên trang mạng: https://langmai.org/ dai-may-tim/thien-ca/ tiếng Anh trên trang: www.wakeupschool. org/songs,  

Chúng ta có thể hát bất cứ bài hát nào mà cả lớp biết nếu những bài hát này có tác dụng làm lắng dịu và hợp với sự thực tập.    

Nhắm mắt lại hoặc hơi nhìn xuống và nhẹ nhàng tập trung vào một điểm, nếu cảm thấy mất thăng bằng thì mở mắt ra.    

Thỉnh thoảng nhắc mình và các em học sinh trở về với cái neo là hơi thở và với ý thức về sự tiếp xúc giữa đôi chân và mặt đất hoặc sàn nhà để đưa tâm đang lang thang trở về.    

Đi chậm rãi quanh vòng tròn thật bình an và tĩnh lặng.  
6. Dừng lại/Kết thúc  
Chúng ta có thể kết thúc sau một vòng, hoặc bắt đầu đi tiếp vòng thứ hai.
Kết thúc buổi đi thiền bằng cách xoay mặt vào nhau, nhận diện sự có mặt của nhau bằng cách mỉm cười hoặc xá nhau đề bày tỏ niềm biết ơn với những người khác đã cùng chế tác ra năng lượng tập thể giúp nâng đỡ chúng ta trong lúc đi.  
 
Những thực tập thiền hành khác  
Với những bài tập này, ta thực tập chậm lại, hoàn toàn chú tâm và thường xuyên dừng lại để yên lắng và quán chiếu.
– Khi đi, chuyển sự chú tâm đều đặn lên cơ thể, từ lòng bàn chân đến cổ chân, rồi đến đầu gối, đến hông, đến hai cánh tay. Tập trung hoàn toàn vào từng bộ phận của cơ thể và cảm nhận rõ ràng khi đưa sự chú tâm đến những nơi ấy.
– Thay đổi tốc độ đi, chậm hơn và nhanh hơn nhịp độ đi thiền bình thường, quan sát những ảnh hưởng lên thân và tâm.
– Đọc thầm hoặc đọc lớn cho mình nghe những câu thi kệ thiền hành bên dưới đúng với bước chân, ví dụ như nói: “đã về” khi thở vào và “đã tới” khi thở ra.
Tôi đã về/ tôi đã tới
Ngay bây giờ/ ngay ở đây
Tôi vững chãi/ tôi thảnh thơi
Tôi quay về/ tôi nương tựa  
Những đề nghị khi sử dụng thi kệ:  
Khi thở vào ta nói phần đầu như “bây giờ” và khi thở ra ta nói phần sau như “ở đây”.
Ta có thể im lặng lặp lại các từ khoá: đã về/ đã tới, bây giờ/ ở đây, vững chãi/ thảnh thơi. Khi thở vào, ta nói: “đã về”. Khi thở ra, ta nói: “đã tới”. Mỗi bước chân tiếp xúc với mặt đất, ta phải “về” thật sự 100% với giây phút hiện tại.
Nên nhớ rằng, những từ này không phải để cho ta lặp lại một cách máy móc, mà là một lời mời để ta thực tập có mặt hoàn toàn với mỗi bước chân của mình.
Ta cũng có thể chỉ tập trung vào một dòng thi kệ trong suốt buổi thực tập.
 
Thực tập vui tươi:  
Để giúp học sinh tự tin tham dự, nhiều giáo viên thích sử dụng trí tưởng tượng của các em để làm cho sự thực tập vui tươi, sống động, bằng cách hướng dẫn những trò chơi đi thiền khác nhau theo nhóm. Trò chơi này có thể tạo nên tinh thần tươi vui, hạnh phúc, đầy năng lượng và đầy tiếng cười. Điều này cho phép thầy cô giáo và học sinh có mặt với thân thể mình sâu hơn trong lúc đi. Chúng ta có thể quán chiếu xem đi thiền bằng nhiều cách khác nhau này ảnh hưởng như thế nào đến tâm trạng, suy tư và cảm thọ của mình.
Trong trò chơi này, giáo viên có thể nêu ra các đề nghị đi thiền. Sau đây là một vài ví dụ:
– Đi trong những điều kiện thời tiết và tình huống khác nhau. Ví dụ: tưởng tượng ta đang đi trong mưa, trong tuyết, trong băng, trên cát, trên than nóng hay đi qua nước.
– Đi với những mẫu người có những công việc khác nhau (ví dụ như: doanh nhân, nhân viên kiểm lâm, giáo viên…); tính cách khác nhau (ví dụ như: phi hành gia, nữ vũ công, thây ma…); hoặc trạng thái tâm thức khác nhau (ví dụ như: mắc cỡ, tự tin…) hoặc tuổi tác khác nhau (em bé mới biết đi, thiếu niên, người già…)
– Đi như những động vật khác nhau: khỉ, voi, chuột…
– Đi với những tâm trạng khác nhau: vội vã, sợ hãi trong bóng tối, hạnh phúc trong công viên…  
Mọi người đi theo cách đó cho đến lúc tiếng chuông được thỉnh lên. Khi chuông thỉnh lên, tất cả dừng lại và im lặng, trở về với hơi thở. Điều quan trọng là ta phải hướng dẫn rõ ràng trước khi bắt đầu, đặc biệt là với các em học sinh nhỏ tuổi. Những em này có thể rất háo hức khi thử những cách mới và tốc độ đi khác nhau. Luôn kết thúc thiền đi bằng cách khiến cho mọi thứ lắng dịu, với lời đề nghị đi chậm hơn, như tưởng tượng mình đang đi trên mật ong hay đi dưới nước. Sau đó mời các em thở một hơi thở bước một bước, hoặc đơn giản là trở về với nhịp độ đi thiền bình thường.
Khi học sinh đã quen với ý tưởng này, ta có thể đề nghị cách thực tập mới.  
 

 

Thực tập căn bản

Đi thiền trên đoạn đường dài hơn

(Xem Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông)

Khi giáo viên và học sinh đã cảm thấy thoải mái và dễ chịu với những bài tập đi thiền trên đoạn đường ngắn đã nói ở trên, ta có thể tiếp tục đi thiền với nhau trên đoạn đường dài hơn, và giáo viên là người hướng dẫn đi đầu. Chúng ta phải đợi cho đến khi thấy tự tin, thấy mình và học sinh đã sẵn sàng, để tất cả có thể thưởng thức mà không lo lắng với sự thực tập đi thiền dài hơn, lâu hơn. 
Đồ dùng và chuẩn bị  
– Chuông và dùi thỉnh (không bắt buộc).  
– Thầy cô giáo có kinh nghiệm đi thiền.  
– Tìm một nơi an toàn, đủ dài cho lứa tuổi học sinh, có thể là trong phòng tập thể dục (phòng gym), sân trường hay những đoạn đường yên tĩnh, một công viên gần đó hay ở miền quê.
Ban đầu ta có thể chọn đi ngoài trời, trên một đoạn ngắn, ở một nơi an toàn, như trong sân trường.
Ta phải tự đi trên con đường đó ít nhất là một lần trước khi hướng dẫn người khác. Phải lường trước những bất trắc có thể xảy ra, những thứ làm ta phân tán và những chướng ngại ta gặp trên đường.
Nếu chọn con đường ngoài trời, cách tốt nhất là nhờ một người lớn đi đằng sau để canh chừng các em không cho những rủi ro xảy ra, đồng thời giữ cho không khí được yên tĩnh, yểm trợ cho những em bị phân tâm.
Bây giờ chúng ta hãy thở, mỉm cười và thưởng thức buổi đi thiền hành.
Có một không gian lớn hơn cũng rất tốt nhưng càng lớn thì sự tập trung càng khó. Những môi trường thực tập rộng và khó hơn ta phải xây dựng từ từ, từng bước một.      



Có thể có những người trẻ không thấy thoải mái để đi ở những nơi công cộng.  
1. Giúp cho nhóm bình an  
Khi mọi người đã tập trung ở nơi quy định, ta hãy giúp cho nhóm lắng dịu và tập trung bằng cách theo dõi những hơi thở ý thức và thực tập nghe chuông chánh niệm.
 
2. Giải thích sinh hoạt này  
Nhắc lại với mọi người về những phương pháp mà ta có thể áp dụng để giữ sự tập trung trong suốt buổi thực tập đi thiền ngắn, ví dụ như hơi thở, bước chân, thi kệ – “đã về/ đã tới”(sử dụng những hướng dẫn trên).
Hướng dẫn rõ ràng những nội dung căn bản như đi theo và đi sau người hướng dẫn, giữ khoảng cách đều nhau để duy trì nguồn năng lượng tập thể, di chuyển như một cơ thể, giữ sự im lặng để hoàn toàn có mặt cho tự thân và cho người khác.
Minh họa cách kết hợp hơi thở với bước chân, ví dụ như bước hai bước khi thở vào và ba bước khi thở ra, hoặc ba bước khi thở vào và năm bước khi thở ra, hoặc bốn bước khi thở vào và sáu bước khi thở ra.
Nhắc các em học sinh là không cần ép số lượng bước chân mình đi đều với hơi thở. Chúng ta chỉ nhẹ nhàng lưu ý xem mình bước được bao nhiêu bước khi thở vào và bao nhiêu bước khi thở ra. Bất kể là bao nhiêu bước cho mỗi hơi thở thì ta cũng giữ khoảng cách đều nhau.
Mời các em cũng như chính bản thân mình ý thức về những lo lắng và phấn khích trong thân tâm khi chuẩn bị bước bước đầu tiên, rồi mỉm cười và buông thư.
Lưu ý là mình càng đi thiền ở những nơi công cộng thì càng có nhiều người có thể nhìn mình và bình luận, vì vậy mình cần phải chuẩn bị tâm lý. Chúng ta có thể đề nghị là nếu mình đi ngang qua người nào mà họ nhìn chăm chăm vào mình hoặc nhìn vào mắt mình thì mình chỉ đơn thuần mỉm cười lại với họ và trở về với hơi thở.      

Nếu ta muốn thỉnh thoảng dừng lại để thưởng thức vẻ đẹp của khung cảnh xung quanh thì phải cho mọi người biết trước. Như vậy trong khi dừng lại mọi người vẫn hiểu được là họ phải giữ sự im lặng và tiếp tục theo dõi hơi thở.  
3. Bắt đầu đi  
Theo dõi ba hơi thở vào ra thật sâu. Nếu muốn ta có thể thỉnh chuông và mời mọi người lắng nghe chuông, để cho tiếng chuông đi vào cơ thể mình khi đứng vững chãi trên mặt đất.
Nếu có bản nhạc nào của Làng Mai, hay bài hát nào thích hợp có tác dụng làm lắng dịu mà mọi người biết đến thì ta có thể hát chung với nhau trước khi đi thiền.
Sau đó ta bắt đầu đi, nhẹ nhàng, tự do. Và mọi người sẽ theo mình.
Chúng ta có thể tìm những bài hát bằng tiếng Việt ở trang mạng https://langmai.org/dai- may-tim/thien-ca/, tiếng Anh ở trang www.wakeupschools.org/ songs,  
4. Dừng lại (phần này không bắt buộc)  
Nếu ta thấy có một nơi nào cho ta cảm hứng dừng lại để thở, để thưởng thức khung cảnh xung quanh, như một gốc cây, một dòng sông, hay những con côn trùng đang bò bên lề đường… thì ta có thể dừng lại một lúc và có mặt cho hình ảnh đó.
Nếu có một bãi cỏ hay một nơi thích hợp cho mọi người ngồi thì ta có thể dừng lại ngồi thiền ngoài trời một lúc. Mời mọi người giữ im lặng.  
Nhắc mọi người đặc biệt ý thức về cơ thể và hơi thở khi đi để tiếp xúc với sự mầu nhiệm và niềm vui là mình đang còn sống.  
5. Kết thúc  
Sau khi thỉnh một tiếng chuông ta có thể mời các em học sinh chia sẻ kinh nghiệm, theo từng cặp hoặc từng nhóm, ví dụ như chia sẻ về âm thanh, cảnh vật, mùi hương mà các em cảm nhận được hay những suy nghĩ và cảm thọ trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể sử dụng những câu hỏi quán chiếu bên dưới để hướng dẫn.
Thỉnh thoảng thỉnh một tiếng chuông để các em có cơ hội trở về với hơi thở.
Mời các em duy trì năng lượng chánh niệm khi chuyển sang hoạt động kế tiếp (như học bài, ăn trưa, ra chơi hay tan trường).  
Ta nên kết thúc buổi đi thiền ở điểm bắt đầu để cho mọi người có cảm giác là mình đã đi xong một vòng.      

Nếu ta đang ở ngoài trời mà có nơi thích hợp để ngồi thì ta có thể tiếp tục thưởng thức khung cảnh xung quanh trong khi quán chiếu.  

Nhìn sâu: Những câu hỏi quán chiếu cho sự thực tập đi thiền

Sau đây là một vài câu hỏi cho giáo viên dùng để tự quán chiếu, hoặc sử dụng cho các em học sinh chia sẻ trong lớp, hoặc để những câu hỏi này đi vào tâm thức các em. Ta không cần phải sử dụng hết tất cả các câu hỏi, đây không phải là bài kiểm tra.

  • Tôi đã chú ý tới điều gì trong khi đi: bản thân, khung cảnh xung quanh?
    • Hôm nay, sự thực tập này ảnh hướng đến tôi như thế nào? Có làm thay đổi những suy nghĩ, cảm thọ, thân thể và hơi thở của tôi không?
    • Đi như thế này có khác với cách thường đi không? Nếu khác thì khác như thế nào?
    • Sự thực tập này khó hay dễ? Khó như thế nào? Dễ ra sao? Vui, chán, yên tĩnh, thử thách?
    • Đi trong im lặng có dễ dàng, thoải mái không? Dễ dàng và thoải mái như thế nào? Cho mình kinh nghiệm gì?
    • Tâm mình có rong ruổi nhiều không? Nếu nhận ra tâm đang rong ruổi, mình có khả năng đưa tâm trở về với hơi thở và bước chân không?
    • Cảm thấy ra sao khi đi như thế với mọi người?

Ta có thể thêm vào một số câu hỏi thích hợp khác. Đặt những câu hỏi đơn giản, cởi mở, có tính chất khuyến khích mà không lên án. Chấp nhận tất cả những câu trả lời kể cả những câu trả lời tiêu cực và câu trả lời “Em không biết”. Nhẹ nhàng hướng sự chia sẻ về những kinh nghiệm hiện tại có thực trong cuộc sống.

Đi thiền trong đời sống hằng ngày và trong việc giảng dạy

Đưa thiền đi vào đời sống hằng ngày

Đi thiền có thể đem lại cho ta rất nhiều niềm vui và lý thú ở mọi lúc mọi nơi, và là một phần thưởng xứng đáng cho giáo viên. Ta có thể đưa thiền đi vào đời sống bận rộn của ta một cách dễ dàng. Ta không cần thêm một khoảng thời gian nào cả so với thời gian ta đã dự định để đi từ nơi này đến nơi khác.

Trong Chương Ngồi thiền, ta có nói đến giá trị của sự thực tập thường xuyên và đều đặn. Đi thiền có thể là một viên đá làm nền tảng trong sự thực tập song song với ngồi thiền, hoặc thay cho ngồi thiền. Để bắt đầu một ngày an lành, ta có thể tạo thói quen đi thiền vào mỗi buổi sáng sớm trên đường đến trường. Như thường lệ, ban đầu ta chỉ chọn và tập trung vào một đoạn đường ngắn, có thể là một đoạn đường nào đó trên con đường mình đi làm hằng ngày, và quyết tâm đi thiền trên đoạn đường này mỗi ngày trong vòng một tuần. Thực tập đi thiền trên đoạn đường đã quy định, hoặc chỉ đi từ bãi đậu xe đến văn phòng. Nếu đi lại bằng phương tiện công cộng, ta có thể theo dõi hơi thở trong lúc đang ngồi hay đứng trên xe buýt, trên tàu lửa.

Đừng để tâm hướng đến chỗ làm việc trước khi mình đến đó. Bằng cách đi thiền và có mặt, ta có thêm thời gian cho chính mình trước khi bắt đầu công việc trong một ngày.

Tôi ngồi trong xe hơi ở bãi đậu xe để thực tập, chú tâm vào hơi thở và có mặt cho giây phút hiện tại. Sau đó tôi đi bộ đến lớp học, nhớ là “đi như thể bàn chân mình đang hôn vào mặt đất.” Tôi ý thức không phải lúc nào mình cũng được đi như thế này, điều này nhắc tôi nhớ đến cái bây giờ và ở đây, và nhắc tôi nhớ đến niềm biết ơn khi đi.

Một giáo viên xã hội học, Canada

Cô Meena Srinivasan, một nhà giáo dục có kinh nghiệm thực tập theo pháp môn Làng Mai, nhận ra rằng bắt đầu một ngày bằng cách đi thiền đến lớp học giúp cô an định tâm hành để hoàn toàn có mặt cho học sinh và sẵn sàng cho công việc giảng dạy. Cô tiếp tục thực tập trong những khoảng thời gian trống trong ngày, cho dù rất ngắn:

Mỗi sáng tôi đi thiền từ bãi đậu xe đến lớp học, mỗi bước chân tôi thầm nói: “vui tươi, hạnh phúc, bình an, thương yêu”. Đi như vậy, tôi thay đổi trạng thái tâm thức rất nhanh chóng để đến lớp học với niềm cảm hứng, tích cực. Tôi cũng thử đi thiền ở những đoạn đường nào đó trong trường, như từ lớp học đến nhà vệ sinh. Dùng những thời gian chuyển tiếp (giữa giờ) để nuôi dưỡng bình an trong tâm là một cách tuyệt vời để chăm sóc mình trong những ngày lên lớp. Thiền đi là một phương pháp kỳ diệu để thực tập chánh niệm trong những ngày bận rộn khi không có đủ thời gian để ngồi.

Đi thiền trong lúc giảng dạy, Canada

Ta cũng có thể đi chánh niệm trong lớp học. Cho dù đi thiền trong một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng có thể giúp ta duy trì chánh niệm hơn và có mặt cho học sinh trong giữa giờ sinh hoạt. Cô Sahra Woolman, giáo viên cấp I – II, ở Anh, nói dù chỉ vài bước cô cũng thực tập đi thiền:

Tôi thực tập đi thiền trên đoạn đường từ cái máy photocopy đến lớp học, từ cái bàn đến bảng đen. Hiểu được mọi thứ đều nằm trong giây phút hiện tại mà không phải ở mục đích và kết quả trong tương lai, điều đó giúp tôi rất nhiều trong công việc giảng dạy. Tôi có mặt cho những gì mà các em học sinh đang trải qua và muốn mở lòng để thay đổi. Thực tập như vậy cho phép các em hít thở chánh niệm và nhận ra là mình đang còn sống.

Dần dần ta có thể tạo được thói quen đi thiền bất kỳ lúc nào trong ngày.

Đi thiền với những người khác

Ở một vài trường học, đi thiền đã trở thành một nét văn hóa được mọi người chấp nhận. Ở những nơi như thế, ta có thể khởi sự đi cho những người khác và đi cho chính mình. Sự định tĩnh bên trong do thiền đi tạo ra có thể âm thầm ảnh hưởng đến người khác và nhắc người khác có chánh niệm hơn. Cô Bea Harley, một thành viên của nhóm quản lý cấp cao và là một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu ở Anh, chia sẻ:

Mỗi chúng ta nên hành động như một cái chuông chánh niệm để nâng đỡ nhau. Thấy đồng nghiệp đi lên cầu thang một cách chánh niệm nhắc nhở chúng ta thở có ý thức và hành xử bình tĩnh hơn.

Cô Bea, làm việc ở một trường tiểu học, mà sự thực tập chánh niệm được áp dụng trong văn hóa của trường. Đây là một điều rất đặc biệt, hiếm hoi. Tineke Spruytenburg, một giáo viên chuyên ngành giáo dục đã thực tập chánh niệm ở Hòa Lan, làm việc ở trường công lập. Cô nói với sinh viên sư phạm rằng một trong những niềm vui của việc đi thiền là mình có thể đạt được tất cả các lợi ích mà không cần ai biết là mình đang đi thiền.

Khi huấn luyện cho các giáo viên, tôi khuyên họ hằng ngày khi đi vào phòng vệ sinh nên đi theo cách đi thiền. Tôi đề nghị họ không đi nhanh như thường lệ, mà cũng đừng đi quá chậm khiến mọi người thắc mắc không biết là mình đang có vấn đề gì không. Tôi đề nghị họ đi bằng đôi chân mà không đi bằng cái đầu. Khi thấy căng thẳng trên hai vai, mình nên nghỉ ngơi bằng cách đi thiền vào nhà vệ sinh. Không ai hỏi mình về chuyện đi vệ sinh cả, vì vậy lợi dụng cơ hội này để nghỉ ngơi cho dù mình không có nhu cầu đi tiêu đi tiểu. Đi thong thả chánh niệm đến nhà vệ sinh và một khi đến đó mình chú tâm vào những thao tác của mình như rửa tay, v.v… Mình sẽ tươi mát khi trở lại lớp học.

Đi thiền có khả năng giúp giải tỏa căng thẳng

Thiền đi có thể là một loại thuốc giảm căng thẳng rất hiệu quả. Nếu ta đang đối phó với một sự kiện căng thẳng hay đang cảm thấy bực bội, ta có thể thử đi đến nơi có sự kiện ấy một cách chánh niệm, ít nhất là một phần trên đường. Điều này giúp ta bớt lo lắng về những gì mà ta đang phải đối diện. Ta có thể khám phá ra những cảm thọ khác nhau mà ta thường gặp trong những tình huống tương tự như thế. Ta cũng có thể thực tập thiền hành khi rời đi khỏi tình trạng khó khăn đó, ta cũng có thể đi thiền, lưu ý xem cơn bực bội từ từ lắng xuống như thế nào, hay ta chỉ cần có mặt với cơn bực bội của ta thôi.

Sư cô Chân Đức, một sư cô lớn của Làng Mai, đang ở Học viện Ứng dụng châu Âu, bắt đầu vào nghề bằng sự nghiệp giáo dục ở Anh. Sư cô chia sẻ về giá trị của thiền đi giúp sư cô vượt qua những khó khăn thử thách khi làm việc ở trường trong một trung tâm ở thành phố lớn. Sư cô thấy rằng đi thiền vào cuối ngày đặc biệt giúp sư cô buông bỏ được những vấn đề khó khăn để tập trung vào những điều vui tươi và tiếp xúc lại với những vẻ đẹp của cuộc sống qua những cảnh tượng đơn giản mà sư cô bắt gặp trên đường về nhà.

Khi tôi còn là một giáo viên, tôi chỉ đến tham dự một khóa tu và học cách đi thiền. Tôi biết đó là một giải pháp cho tôi trong đời sống hằng ngày. Tôi quyết định dậy sớm hơn để đi bộ một đoạn trên con đường đến trường. Khi về, tôi quyết định đi bộ từ trường về nhà. Tuy là đoạn đường không xa lắm nhưng trước đó tôi thường đi bằng xe buýt. Điều này làm tôi thay đổi rất nhiều. Đi thiền từ nhà đến trường giúp tôi có sự chuẩn bị, buông thư và định tĩnh hơn rất nhiều. Đi thiền từ trường về nhà cho phép tôi buông bỏ tất cả. Ở trường luôn luôn có những thứ phiền toái xảy ra. Dù cũng có những thứ dễ chịu, nhưng tôi cũng gặp nhiều khó khăn ở trường với nhiều bạo động nên không thấy vui lắm. Tôi cần phải buông bỏ tất cả. Mỗi ngày khi đi bộ về, tuy ở Luân Đôn tôi cũng có thể nhìn vào những khu vườn của người dân để ngắm hoa. Có những nơi tôi có thể đi bộ trên những bãi cỏ xanh tươi, và đó là một cơ hội rất tuyệt vời để cho những thứ khó chịu xảy ra trong ngày được thay đổi, chỉ bằng cách tiếp xúc với những điều mầu nhiệm của cuộc sống.

Đi thiền giúp ta kết nối với thế giới xung quanh

Khi có kinh nghiệm hơn, chúng ta có thể đưa chánh niệm vào tất cả các kiểu đi: đi nhanh hay đi chậm, đi một mình hay đi trên những con đường đông đúc tấp nập, đi dưới nắng hay dưới mưa, đi lên hay xuống cầu thang, v.v… Thậm chí ta có thể chạy chánh niệm, bơi chánh niệm hoặc lái xe đạp chánh niệm. Đơn giản là ta đưa sự chú tâm về cảm nhận từng bộ phận của cơ thể, kết nối những thao tác của ta với hơi thở ý thức và đưa tâm về giây phút hiện tại.

Ngoài giờ làm việc, đi thiền trong những giờ rảnh rỗi có thể giúp tâm trí ta nhẹ nhàng, thư thái, giúp ta tiếp xúc được với thế giới thiên nhiên. Như Alison Mayo, một giáo viên mầm non ở Anh nói, ta có thể chọn cho mình một con đường đi thiền ngắn, không cần một mục đích nào cả, đi chỉ để tận hưởng những bước chân chánh niệm của mình.

Bây giờ hầu như mỗi chiều tôi đều đi thiền lên ngọn đồi gần nhà. Đi như vậy tôi thấy tâm trí trở nên rỗng rang sáng suốt. Đó cũng là cơ hội cho tôi tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành và giúp tôi tiếp xúc với thiên nhiên.

Đi thiền giúp ta làm chủ cảm thọ và tạo ra không khí tĩnh lặng

Những em nhỏ và những em tuổi thiếu niên rất thích đi thiền hành khi các em được dạy một cách đơn giản, nhẹ nhàng và vui thú. Jess Plews, giáo viên ngoại khóa và từng là giáo viên tiểu học, ở Anh, chia sẻ, thiền hành giúp cho các em học sinh tiểu học chú ý và kể lại những thứ tiếp xúc xung quanh mình, kể cả những em hay rụt rè nhút nhát.

Buổi thiền hành hôm qua rất đẹp. Các em học sinh vô cùng thích thú và thật sự tập trung. Chúng ta có thể thấy rõ rằng, được hướng dẫn cách chú tâm cho phép các em đặt ra những câu hỏi về mọi thứ xung quanh. Có những em rất hiếm khi nói, thường hay nhút nhát, mắc cỡ, vậy mà buổi đi thiền đã tạo ra cho các em nhiều cảm hứng. Các em chia sẻ về buổi đi thiền, và đã chỉ ra nhiều thứ, đặt nhiều câu hỏi về thiên nhiên.

Tự chủ tức là khả năng quản lý những cảm thọ và cách hành xử của mình, là kỹ năng kết nối mật thiết trước những bốc đồng, vốn là một khó khăn, một thử thách lớn đối với nhiều người trẻ. Bất an là cơ sở cho những khó khăn mà các em phải đối mặt

trong học tập, trong cách sống hòa đồng với người khác, và trong phương cách làm chủ đời sống bản thân. Giáo viên có thể nhận thấy được những khó khăn thử thách, những bốc đồng căng thẳng trong các mối liên hệ của học sinh, từ đó có ước muốn tìm ra những cách thức tích cực nhẹ nhàng để giúp các em hành xử bình tĩnh hơn. Thiền đi có thể là một phương pháp tốt và hiệu quả để đạt được điều này.

Cô Christine Petaccia, nhà trị liệu mà chúng ta đã gặp ở chương hơi thở ý thức, chia sẻ kinh nghiệm đi thiền giúp cho lớp học đạt được trạng thái tĩnh lặng nhanh chóng và sẵn sàng để học tập.

Một ngày nọ, tôi được gọi vào lớp học để yểm trợ cho một giáo viên sử dụng phương pháp tự chủ với mục đích giúp cho các em học sinh yên lặng. Gần đây tôi có tham dự một khóa chánh niệm lần đầu tiên và có kinh nghiệm đi thiền. Tôi nghĩ là mình có thể thử cách này. Tôi đưa hết các em đến phòng của tôi, tập thở và nằm buông thư. Sau đó tôi dạy cho các em cách đi thiền. Các em đã trở về lớp rất yên lặng, trầm tĩnh và sẵn sàng để học tập. Ngay lần đầu tiên mà hiệu quả đã tốt như thế. Thật là phi thường.

Cảm giác rối loạn trong lòng, sự mất tập trung mà nhiều người trẻ đang đối diện, thường xuất hiện trong bầu không khí áp lực của học đường. Tiếng ồn chát chúa hằng ngày làm cho học sinh và giáo viên căng thẳng. Cảm giác hỗn loạn có thể đặc biệt thấy rõ khi học sinh di chuyển trong những toà nhà kín. Trường học thường cố gắng giải quyết vấn đề nhiệt náo này bằng những bảng nội quy, đôi khi còn bằng những lời phê bình và trừng phạt. Tuy nhiên, giới thiệu và hường dẫn cho các em học sinh cách đi thiền mỗi ngày có thể giúp các em thay đổi tích cực, giúp học sinh tự nguyện giữ sự yên lặng và bình tĩnh, như hai giáo viên đã chia sẻ:

Vào những giờ giải lao, mọi thứ có thể rất hỗn loạn. Đi thiền lên xuống cầu thang đã thay đổi năng lượng giữa các lớp học. Chúng tôi thường thực tập điều này và nó đã trở thành một phần nhân cách của chúng tôi.

  • Caroline Woods, giáo viên tiểu học, Anh.

Chúng tôi thường xếp hàng yên lặng ở cửa lớp, các em đi đến phòng treo đồ. Trước đây, ngay khi vừa đến đó là đã có nhiều tiếng ồn ào và xáo trộn. Bây giờ chúng tôi đi thiền bình an thanh thản đến phòng treo đồ, trong phòng rất yên lặng và các em đi ra ngoài một cách bình an. Khi ra ngoài, các em được buông thư.

  • Susannah Robson, giáo viên tiểu học, Anh

Susannah nhắn nhủ rằng các em học sinh cần được nghỉ xả hơi, đó là một điều tốt. Đi thiền luôn luôn phải như một lời mời mà không phải là sự áp đặt. Không sử dụng phương pháp thiền đi như một hình thức kỷ luật để bắt học sinh “đi đẹp và yên”. Thiền đi chỉ nên là một phần sinh hoạt trong ngày ở trường. Ngoài ra phải tạo nhiều điều kiện an toàn để các em sinh hoạt năng động, tràn đầy năng lượng và tạo ra những âm thanh vui tươi.

Đi thiền tạo nên sự tự tin

Đưa tâm về với thân là nền tảng của chánh niệm. Cách đi đứng ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của chúng ta cũng như ảnh hưởng đến cách nhận thức của ta về người khác. Thầy Mike Bell, một giáo viên ở Anh có kinh nghiệm trong việc áp dụng những phương pháp thực tập của Làng Mai vào lớp học của mình, thầy sử dụng phương pháp thiền đi để giúp những em hay bị bắt nạt, ăn hiếp. Thầy thấy rằng thiền đi giúp cho học sinh cảm thấy vững vàng hơn trong tự thân cũng như thể hiện sự tự tin.

Thiền đi rất có hiệu quả cho những em học sinh hay bị bắt nạt. Tôi thấy những em hay bắt nạt là những em thích thấy người khác buồn khổ, vì vậy bí quyết là đừng cho chúng có một ý niệm nào là mình đang buồn khổ. Tôi đã chỉ cho học sinh đưa sự chú tâm xuống bàn chân, để ý đến sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, giữ sự chú tâm ở đó khi đi qua sân chơi, đừng biểu hiện sự thay đổi cảm xúc khi có ai đó trêu chọc. Tôi quan sát và thấy sự thay đổi trong hai, ba em học sinh. Một em gái đã từng nói với tôi: những người chọc ghẹo kia rất kinh khủng, bây giờ em ấy không còn nói với tôi về những bạn trêu chọc mình nữa.[1]

Những cách dạy thiền đi sinh động

Giải thích thiền đi bằng những ngôn từ và hình ảnh sống động, đầy màu sắc gây cảm hứng lớn cho người trẻ. Chelsea True, ở Mỹ, đã sử dụng hình ảnh rất đáng nhớ trong lớp học của mình với những em học sinh nhỏ tuổi. Ví dụ như: “Đi bằng đôi chân cáo”. Hình ảnh rất ấn tượng đến nỗi có vài em đã đem về nhà áp dụng.

Sử dụng lời dạy của Thầy cùng với những hình ảnh sống động vui tươi, tôi nói: “Con cáo có bàn chân lông mềm mại. Khi đi, bàn chân lông mềm mại hôn lên mặt đất. Mỗi bước chân làm nở ra một đoá hoa. Chúng ta cũng có thể đi như con cáo, bình an trong mỗi bước chân của mình.

Trước tiên, chúng tôi để hai tay lên bụng và thở cho thân tâm yên lắng. Khi bắt đầu đi, tôi giới thiệu lời Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh): “Trên con đường xinh đẹp này, tôi đi trong bình an. Mỗi bước chân tôi làm nở ra một đoá hoa.” Chúng tôi hát bài này như là ‘một tiếng gọi và một lời đáp’ khi mình đi bằng đôi chân lông mịn màng của con cáo, và hôn lên đất Mẹ bằng mỗi bước chân của mình. Trẻ em ba tuổi cũng có thể đi thiền bằng “đôi chân cáo”.

Có một phụ huynh báo cáo rằng con gái của cô, Aubrey, 5 tuổi, sử dụng đôi chân cáo để đi thiền ở nhà. Gracyn, 10 tuổi, rất thích đi thiền hành bằng đôi chân cáo đến nỗi em tìm ra một đôi dép con cáo để đi ở nhà. Khi gia đình em dời đi nơi khác vì công việc của cha em, lúc ở phi trường, em gửi cho tôi một bức hình em đang mang đôi dép con cáo đi chánh niệm trên đoạn đường tiếp theo của cuộc hành trình đời em.

Làm việc với những em thanh thiếu niên ở Làng Mai, Mark Vette ở Hà Lan đã khuyến khích các em thực tập thiền đi và tự chọn cho mình một tên gọi, các em đã có những kinh nghiệm lý thú khi đối diện với Thiền sư:

Cách đây mấy năm trong lúc làm việc ở Làng Mai trong chương trình thanh thiếu niên, khi tiếp xúc với những pháp môn căn bản, chúng tôi cũng thực tập và tự đặt tên cho nó. Một ngày nọ, Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) thấy một nhóm chúng tôi đi và khen chúng tôi đi thiền đẹp quá. Một em lớn hướng về Thầy và nói: “Chúng con không có đi thiền, chúng con chỉ bước đi theo thế ‘tai chi’ thôi, rồi tiếp tục bước đi một cách hạnh phúc.

Trong phần Những bài tập thiền đi khác nhau, chúng tôi có giải thích, thiền đi như là một pháp môn thực tập. Cô Peggy Rowe Ward, một nhà giáo dục sư phạm ở Mỹ, chia sẻ những kinh nghiệm của cô khi sử dụng những pháp môn thực tập vui thú cho học sinh nhỏ tuổi và lớn tuổi.

Những em học sinh trẻ tuổi của tôi đặc biệt rất thích siêu nhân. Tại sao ta không hướng dẫn các em đi như “Người nhện”. Chúng tôi có thể sử dụng cảm giác như người nhện. Còn Hulk thì sao? Nó có chánh niệm không? Chúng tôi có thể đi chánh niệm như những con voi, con chuột túi, con chó và con gà. Bằng trí tưởng tượng, chúng tôi có thể đi trên những bề mặt khác nhau, như trên cát nóng, trên mặt nước, trên mật ong, hoặc trên sáp nóng.

Khi học sinh đang học về Ai Cập, chúng tôi xem Steve Martin đi như người Ai Cập trên YouTube từ chương trình Saturday Night Live. Khi các em học về đại dương, chúng tôi tưởng tượng mình đi dưới đáy đại dương. Khi học về đề tài Mahatma Gandhi hay Dr. Martin Luther King thì chúng tôi đi như Mahatma Gandi hay Dr. Martin Luther King. Rõ ràng, điều này giúp cho học sinh nắm được bài học một cách cụ thể và khiến cho giáo viên cảm thấy hạnh phúc.

Cho học sinh hướng dẫn

Khi các em tiếp thu sự thực tập, chánh niệm trở nên rất sinh động. Peggy chia sẻ một vài ý tưởng rất phong phú và gây cảm hứng cho học sinh thực tập đi thiền.

Thử thực tập đi với người khác. Các em rất thích hướng dẫn cho nhau bằng những cách đi mới. Đi chân không là điều không phổ biến lắm đối với nhiều em ở các nước châu Á, tuy nhiên một số thì rất thích. Tất cả các em đều thích cầm tay đi với một người bị bịt mắt. Chúng tôi đặt những quyển sách lên đầu, hai người cầm tay nhau, người đi chánh niệm dẫn người tâm trí bị phân tán.

Mời các em học sinh minh hoạ. Quan sát xem những em nào thật sự thích thực tập thì mời hướng dẫn cho những em khác. Dần dần tất cả mọi người đều muốn hướng dẫn thực tập. Tôi học hỏi rất nhiều từ các em học sinh. Một trong những lớp làm tôi cảm động nhất mà tôi đã chứng kiến, do Lukie hướng dẫn, là một em học sinh mẫu giáo dẫn cả lớp đi thiền đến một nơi rất đẹp. Khuôn mặt của em rất trong sáng và thanh thoát, mỗi bàn chân nhỏ nhắn đặt trong chánh niệm. Tất cả các em đều bước vào thửa ruộng an bình.

Những phương pháp thu hút như thế có thể làm cho kinh nghiệm đi thiền vui tươi, sống động và thực chất, xây dựng cho học sinh niềm tin, sự tự quản và bồi đắp những mối quan hệ đáng tin cậy giữa học sinh và thầy cô giáo.

Thực tập thiền đi bằng các giác quan

Đi thiền có thể giúp chúng ta trân quý và thưởng thức thế giới xung quanh qua các giác quan của mình. Trong khóa tu mùa hè “Happy Camp” (trại hạnh phúc) ở Ý, Anita Constantini, người đã từng hướng dẫn những khóa tu, thực tập với các em từ sáu đến mười hai tuổi cùng với bố mẹ các em, đã chia sẻ một vài kinh nghiệm sống động dựa vào các giác quan của mình.

Chúng tôi đi chân đất giữa thiên nhiên nhằm đánh thức các giác quan xúc chạm. Có nhiều ấn tượng khi không mang giày dép. Chúng tôi đưa mắt xuống chân và để chúng dẫn đường ít nhất là 20 phút. Để ý sự khác biệt khi bước đi: giữa những nơi có ánh nắng và những nơi râm mát, giữa nơi khô ráo và nơi ẩm ướt, giữa lá khô và cỏ tươi, hay những nơi có bề mặt khác nhau. Bàn chân ta sẽ thích nghi được và những cảm giác của ta sẽ thay đổi. Chúng tôi cũng chia sẻ cho nhau nghe cảm giác khi mang giày vào.

Bobbie Cleave và Gordon “Boz” Bosworth, vốn là người bảo vệ rừng ở Mỹ, bây giờ là nhà giáo dục về môi trường, sử dụng những phương pháp ‘dùng giác quan’ tương tự để giúp người trẻ tiếp xúc sâu sắc hơn với đất Mẹ và thiên nhiên.

Đi thiền là một phương pháp hiệu quả dùng để dạy người trẻ tiếp xúc với đất Mẹ một cách sâu sắc. Ở nhiều lớp học, chúng tôi đi chân không với nhau, cầm tay nhau, đi vòng quanh gốc cây, rồi chạm vào vỏ cây, hay đứng bên cạnh dòng nước, nhìn sát vào lá cây, vào những cây nấm. Có vô số cách để tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên bằng những thực tập ý thức, thực tập chậm lại và tĩnh lặng.

Thiền đi cho những học sinh lớn tuổi hơn

Thiền đi rất vui, có khả năng giúp ta khi đối diện với những công việc nghiêm trọng. Cô Katrina Tsang, giáo sư y khoa ở Hồng Kông, có tóm tắt chương trình dạy môn thiền đi cho học sinh y khoa. Như cô đã trình bày, chắc chắn các em cần những quan tâm chăm sóc. Thiền đi giúp các em biết cách thương mình và nuôi lớn tâm bình an, cho bây giờ và cho cả tương lai, khi các em bắt đầu có những nghề nghiệp gây nhiều áp lực lớn.

Đối với những sinh viên y khoa, thông thường các em cũng thích đi thiền. Nếu thời tiết cho phép, chúng tôi đi thiền ngoài trời, ở những nơi các em có thể gần gũi với thiên nhiên đất Mẹ. Chúng tôi bắt đầu đi chậm rãi, sau khi thực tập được một lúc, chúng tôi đi nhanh hơn, tỏa ra theo nhiều hướng khác nhau. Các em cảm nhận sự khác biệt của việc tập trung ở những tốc độ khác nhau. Các em báo cáo rằng, khi đi chậm thì dễ tập trung vào bước chân hơn. Tôi gợi ý cho các em chọn một con đường mà các em thường đi mỗi ngày và quy định đó là con đường đi thiền. Có thể là một đoạn đường ngắn từ phòng ngủ đến nhà vệ sinh hay nhà bếp, hoặc từ nhà đến trạm xe buýt hay nhà ga xe lửa. Tôi cũng đề nghị những cơ hội đi thiền khác cho tương lai, ví dụ như khi các em có những cuộc gọi khẩn cấp trong bệnh viện, nơi mà những sinh viên thực tập khác và tất cả mọi thứ đều bận rộn. Các em có thể trở về an trú nơi những bước chân của mình, để cho tâm trí được nghỉ ngơi mà không bị bận rộn và hấp tấp trong lúc các em di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Khi nghe các em sinh viên chia sẻ là các em thấy bình an, thấy đời sống tuyệt vời, ít căng thẳng, ít giận dữ hơn, các em có những cái thấy mới về thân tâm giúp các em hiểu sâu hơn và biết cách chăm sóc mình hơn, lòng tôi thấy rất ấm áp. Đó là một phần thưởng lớn cho tôi. Tôi hy vọng các em sẽ luôn nhớ rằng đối với những người chăm sóc sức khỏe cho người khác thì trước hết, các em phải biết cách chăm sóc chính mình. Khi có từ bi và tình thương đích thực với chính mình thì mình sẽ có từ bi và tình thương đích thực đối với người khác.

Đi qua những con đường làng

Ở Làng Mai, mỗi khi thực tập đi thiền, mọi người thường đi với một nhóm đông người, đi qua những con đường làng. Hình ảnh tất cả mọi người đi với nhau trong im lặng và an vui thường gây ảnh hưởng sâu đậm cho những người đang thực tập và cho những người đang tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó. Đi thiền tạo nên sự vững chãi và bình an. Thực tế thì những người đứng quan sát cuối cùng cũng tham dự vào sự thực tập đi thiền chung với mọi người. Victoria Mausisa, một người đã từng hướng dẫn các khóa tu chia sẻ, thiền đi như thế đã thu hút những sinh viên trong trường ở Santa Clara, Cali.

Chúng tôi hướng dẫn các em sinh viên trong trường đại học Santa Clara. Những thanh nam và thanh nữ từ từ bước ra khỏi lớp học, đi qua những cánh cửa lớp, qua những hành lang, đi đến sân trường.

Nơi đó có phong cảnh tinh khôi, có cỏ cây xanh mát. Đó là một buổi chiều sáng rực trong ánh nắng rất ấm áp. Trong khi những em học sinh khác đi nhanh để băng qua sân trường thì các em này đi một cách chậm rãi và chánh niệm. Những bước chân chậm rãi, đi thành từng hàng rồi đứng quanh một cây hoa đang nở. Nhiều người xung quanh chú ý và họ mỉm cười với chúng tôi.

Trong khi đứng chánh niệm trong vòng tròn quanh một cây lớn đang nở hoa, trái tim tôi rung động bởi hình ảnh một chàng thanh niên nhắm mắt lại, hai tay ôm trái tim mình một cách thành khẩn và sâu lắng. Vài phút sau, chúng tôi mời mọi người nắm tay, đứng yên lặng bên nhau trong vòng tròn.

Sau đó một em học sinh phát biểu: “Ban đầu em thấy kỳ cục vì mình đi quá chậm và những người xung quanh nhìn mình, nhưng sau đó em cứ đi và tập trung vào bước chân của mình, không còn nghĩ về người khác nữa”. Một em khác chia sẻ: “Từ trước đến giờ, chưa bao giờ em đi chậm như vậy, chưa bao giờ em thực sự thấy một cội cây gần gũi với mình như thế. Cho đến khi đi thiền và dừng lại như vậy, em mới thực sự thấy và cảm nhận được.

Thật là một món quà quý giá khi đi với nhau, mọi người cảm nhận được hơi ấm của mặt trời, thở với cây cối trước mặt, khám phá ra tính tương tức giữa mình với mặt trời, với cỏ hoa, không khí và sinh viên trong trường.


[1] Bell, “Wisdom of Ordinary Children,” (Trí tuệ của những đứa trẻ bình thường), tạp chí The Mindfulness Bell 54 (2010), 38.