Chương 2: Tiếng chuông chánh niệm

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Thích Nhất Hạnh

Nội dung

  • Khám phá tầm quan trọng của việc thỉnh chuông, chế tác giây phút chánh niệm, tập dừng lại, có mặt trọn vẹn hơn, trân quý thời gian và cuộc sống của mình.
  • Chọn thời điểm thỉnh chuông thích hợp nhất cho những tình huống xảy ra trong lớp học.
  • Hướng dẫn thực tế, cụ thể từng bước một cho hai phương pháp thực tập căn bản: 1) Thỉnh chuông. 2) Kết hợp nghe chuông với những thực tập khác.
  • Quán chiếu về cách sử dụng chuông chánh niệm trong đời sống hằng ngày và trong việc giảng dạy với những ví dụ, đề nghị của các giáo viên có thực tập.

Chúng ta muốn trân quý từng phút, từng giây của cuộc sống.

Chúng ta không cần phải quên đi hay muốn thời gian qua nhanh. Thời gian là sự sống.

Mỗi giây phút chứa đựng trong nó nhiều viên ngọc quý. Mỗi thời khắc là một viên ngọc quý. Khi nhìn vào viên ngọc quý của giây phút này, ta thấy bầu trời, đất Mẹ, cây cối, núi đồi, sông hồ, biển cả, tất cả đều rất đẹp. Chúng ta không muốn giết thời gian. Ta muốn thừa hưởng sâu sắc mỗi giây phút mà ta có để sống. Tiếng chuông chánh niệm giúp ta làm điều đó.

Không có chánh niệm, ta sẽ lãng phí thời gian, ta không sống đời sống của ta một cách sâu sắc. Tiếng chuông giúp ta trở về với chính mình và tạo ra nguồn năng lượng an bình, tươi vui.

Tiếng chuông là sứ giả của bình an, hạnh phúc trong gia đình và lớp học. Vì vậy, chúng ta dùng từ “thỉnh chuông” mà không phải là “đánh chuông” hay “gõ chuông”. Ta muốn tiếp đãi vị sứ giả này với lòng cung kính, mời vị sứ giả này chia sẻ với ta âm thanh huyền diệu đã có sẵn từ bên trong. Khi thấy chuông là sứ giả của bình an, hạnh phúc, ta có thể thở vào chánh niệm và ý thức rằng cái chuông, vị sứ giả, đang có mặt đây. Khi thở ra, ta mỉm cười với vị sứ giả. Thở vào thở ra như vậy mang lại cho ta bình an và thanh thản.

Chương này sẽ giúp ta chuẩn bị làm một vị tri chung (người thỉnh chuông) giỏi. Chúng ta bắt đầu bằng cách giữ chuông và dùi thỉnh chuông, thực tập thở vào thở ra thật sâu hai lần trong khi đọc thầm bài thi kệ. Câu đầu của bài thi kệ là “Ba nghiệp lắng thanh tịnh”. Trong khi thở vào, ta đọc thầm câu này và đưa thân, khẩu, ý về hợp nhất với nhau trong định.

Thở vào: “Ba nghiệp lắng thanh tịnh”

Thở ra: “Gửi lòng theo tiếng chuông”

Thở vào lần hai: “Nguyện người nghe tỉnh thức”

Thở ra lần hai: “Vượt thoát nẻo đau buồn”.

Khi thở vào thở ra và đọc thầm bài thi kệ này, ta đưa vào trong ta nguồn năng lượng chánh niệm, bình an và thanh thản. Như vậy là ta có đủ phẩm chất để làm một vị tri chung. Khi không có đủ bình an, định tĩnh hay hạnh phúc, ta không nên thỉnh chuông. Nếu ta có bình an, tiếng chuông sẽ chuyên chở và truyền đi phẩm chất bình an này.

Điều đầu tiên ta làm sau khi đọc thi kệ là thức chuông. Ta không thỉnh chuông liền mà chỉ thức (nhấp) chuông, bằng cách chạm dùi chuông vào thành chuông và giữ lại ở đó.

Tiếng thức (nhấp) chuông này thông báo cho mọi người trong lớp biết là có một tiếng chuông đang chuẩn bị được thỉnh lên. Khi mọi người thưởng thức hơi thở vào ra, dừng lại mọi nói năng, suy nghĩ và sẵn sàng tiếp nhận tiếng chuông thì chúng ta bắt đầu thỉnh lên tiếng chuông đầu tiên.

Sau khi thỉnh chuông, ta để cho mọi người có đủ thời gian thưởng thức ba hơi thở vào ra thật sâu. Ta phải rộng lượng, bởi vì đây là lúc mọi người chế tác bình an và hạnh phúc. Chiều dài hơi thở của mọi người khác nhau. Vì vậy, là người thỉnh chuông, ta có thể thở bốn hơi. Đặc biệt là khi các em nhỏ thỉnh chuông, các em phải cho thêm một hơi thở nữa sau mỗi tiếng chuông bởi vì hơi thở vào ra của các em có thể không dài như hơi thở vào ra của người lớn, những người đã từng thực tập lâu năm.

Trong khi thở vào, ta thầm nói: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”. Chúng ta mời tất cả những tế bào trong cơ thể ta cùng tham dự lắng nghe chuông với ta thật sâu sắc. Ta để tiếng chuông đi vào mỗi tế bào để giúp cơ thể ta buông thư. Trong cơ thể ta có hàng tỉ tế bào đang thở vào với nhau. Vì vậy khi ta nói: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe” nghĩa là “chúng ta đang lắng nghe, chúng ta đang lắng nghe”. Hàng tỉ tế bào đang lắng nghe cùng một lúc. Hàng tỉ tế bào đến với nhau để tạo ra một năng lượng lắng nghe tập thể. Chúng ta không lắng nghe như một cá nhân, chúng ta lắng nghe như một cộng đồng, cộng đồng các tế bào. Đó gọi là lắng nghe sâu. Lắng nghe như vậy mang lại bình an, thư giãn cho cả thân thể lẫn cảm thọ. Khi có những cảm thọ bất an, thực tập nghe chuông như vậy rất tốt, ta sẽ có khả năng làm cho những cảm thọ ấy lắng dịu.

Chúng ta biết rằng, tất cả tổ tiên tâm linh và huyết thống đều có mặt trọn vẹn trong mỗi tế bào cơ thể ta. Chúng ta mời tất cả tổ tiên tâm linh và huyết thống cùng nghe chuông với chúng ta để cho họ có thể được sống trở lại. Chúng ta nghĩ rằng tổ tiên của chúng ta đã qua đời rồi, không còn sống nữa, nhưng nếu nhìn sâu chúng ta sẽ thấy điều đó không đúng. Họ luôn luôn còn sống trong mỗi tế bào cơ thể ta. Chúng ta có thể tiếp xúc với họ bất cứ lúc nào ta muốn. Chúng ta có thể nói chuyện với họ. Chúng ta có thể mời tổ tiên cùng đi, cùng thở. Ta có thể mời tất cả tổ tiên trong ta cùng nghe chuông với ta. Nghe chuông như vậy mang lại sự chuyển hóa và trị liệu rất lớn.

Khi thở ra, ta thầm nói: “Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Đưa về nhất tâm là đưa về ngôi nhà đích thực của mình, là đưa ta về trong giây phút hiện tại, giây phút mà sự sống đang thực sự có mặt cho ta. Vì vậy, trong khi thở ra và nghe chuông, ta rời bỏ quá khứ, rời bỏ tương lai, rời bỏ dự án và thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống trong ta và xung quanh ta. Dù đang ở đâu, nếu có chánh niệm thì nơi đó đích thực là nhà của ta.

Ta thở vào thở ra ba lần trước khi thỉnh tiếng chuông thứ hai.

Với ba tiếng chuông, ta có cơ hội được thở chín lần.

Buổi sáng trước khi đi làm hay đi học, ta có thể ngồi xuống nghe chuông, nghe một mình hoặc nghe chung với mọi người trong gia đình. Nếu thỉnh ba tiếng chuông, ta có cơ hội thực tập thở vào thở ra chín lần. Khi một nhóm người cùng thở như vậy thì năng lượng chánh niệm và bình an sẽ rất hùng hậu, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu rất lớn. Nếu con em mình ngồi với mình, chúng sẽ cảm được nguồn năng lượng ấy. Chúng ta không cần chúc mọi người có một ngày an lành tốt đẹp. Chúng ta có thể làm cho ngày ấy an lành tốt đẹp bằng cách bắt đầu ngày ấy thật an lành tốt đẹp. Buổi tối cũng vậy, trước khi đi ngủ, chúng ta có thể tập trung con cái lại nghe chuông, thực tập hơi thở chánh niệm để buông thư thân thể và ý thức sự có mặt của những người thương trong gia đình.

Trong ngày, bất cứ lúc nào thấy không khí không đủ bình an, như giận dữ, bất an hay khó thở, ta có thể thỉnh chuông để cả lớp theo dõi hơi thở, buông thư và khôi phục lại bình an hạnh phúc. Chúng ta có thể cài tiếng chuông chánh niệm vào máy tính để mỗi 15 phút ta có thể ngưng làm việc, nghe chuông và trở về thưởng thức hơi thở vào ra của mình.

Hướng dẫn dành cho giáo viên

Thỉnh chuông và nghe chuông chánh niệm

Tại sao lại thỉnh chuông và nghe chuông?

  • Để có kinh nghiệm tạo ra giây phút chánh niệm vui tươi, nhẹ nhàng.
  • Để dừng lại và thưởng thức giây phút hiện tại.
  • Để ý thức về hơi thở và ý thức về cảm thọ ngay giờ phút này.
  • Để làm cho thân tâm lắng dịu, nghỉ ngơi và buông thư.
  • Để cải thiện bầu không khí trong lớp học, trong buổi họp hay trong buổi ăn cơm tập thể nhằm mang lại nhiều hạnh phúc, bình an, có khả năng buông thư và tập trung hơn.
  • Để xây dựng truyền thông với những người khác.

Sử dụng chuông trong đời sống hằng ngày

Chúng ta sử dụng tiếng chuông để hỗ trợ cho các pháp môn thực tập chánh niệm khác, như thở, ngồi thiền, đi thiền và ăn cơm chánh niệm.

Chúng ta có thể nhắc nhở mọi người trở về với chính mình trong giây phút hiện tại, dành thời gian cho chính mình. Tâm của chúng ta thường bị phân tán, bị chi phối bởi quá khứ hay tương lai, hoặc kẹt vào những lo lắng, kế hoạch ngay cả khi ta thực tập chánh niệm. Chúng ta dễ dàng đánh mất khả năng tiếp xúc với cảm thọ, với những gì cơ thể ta đang nói cho ta nghe, với những gì đang xảy ra trong thế giới thực này. Tiếng chuông giúp ta cắt đứt những suy nghĩ bận rộn. Nhẹ nhàng, ân cần đưa ta trở về tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại bằng sự hiểu biết và lòng thương yêu.

Tâm của chúng ta cũng dễ dàng trở về với giây phút hiện tại. Tuy nhiên, nhiều khi ta có thể bị những cơn cảm xúc mạnh, những khó khăn trấn ngự và chi phối. Trong cả hai trường hợp này, ta đều tiếp tục thực tập có mặt nhẹ nhàng với chính mình và có mặt với những gì đang xảy ra, nghĩa là giữ sự bình an với cái tâm khuấy động, bực bội, bình an trong sự kiên nhẫn, với lòng nhân từ, hay có thể với sự hài hước của mình.

Dần dần chúng ta có thể chọn lựa vài hình ảnh quy định làm “tiếng chuông chánh niệm” thường xuyên trong đời sống hằng ngày, tức là những điều nhắc nhở chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm, tuy ít nhưng thường xuyên. Ví dụ như đèn đỏ giao thông, ba tiếng chuông điện thoại đầu tiên, lên xuống cầu thang, hay khi đóng cửa. Chúng ta dùng những hình ảnh này như là cơ hội nhắc nhở chúng ta dừng lại để trở về với giây phút hiện tại.

Dành thời gian để học các kỹ năng

Chúng ta không nên thỉnh chuông một cách máy móc. Chúng ta cần phải thỉnh chuông chánh niệm. Học phương pháp thỉnh chuông, cần phải có kỹ năng, cần sự chuẩn bị, cần thực tập cho mình và cho học sinh. Học thỉnh chuông có thể rất vui thú. Tuy nhiên, có thể không dễ như ta nghĩ và thấy. Đừng bắt mình và mọi người phải làm hoàn hảo. Kỹ năng thỉnh chuông đi cùng với kinh nghiệm của mình.

Phẩm chất của tiếng chuông phụ thuộc vào trạng thái thân tâm của người thỉnh chuông. Thỉnh một tiếng chuông ấm và vững ta cần thỉnh nhẹ nhàng, vì vậy điều quan trọng trước tiên là làm cho thân tâm lắng dịu và định tĩnh, càng nhiều càng tốt và thưởng thức cái định tĩnh lắng dịu đó. Là giáo viên, ta có thể học cách thỉnh chuông trước khi dạy cho các em sinh viên học sinh. Đây là một sự thực tập rất tuyệt vời mang lại cho ta sự tĩnh lặng và khinh an.

Hướng dẫn chọn chuông

  • Chuông Nhật, hình cái chén, với kích cỡ nhỏ dễ bỏ túi (kích cỡ này rất tiện cho lớp nào có tiết học ở những địa điểm khác nhau) và âm thanh nghe hay. Đi kèm với chuông là cái dùi thỉnh (để nhắc nhở chúng ta là tiếng chuông đã có mặt trong cái chuông rồi, ta chỉ cần thêm một điều kiện cuối cùng nữa thôi, đó là hành động của bàn tay, để mời âm thanh lên tiếng) và một cái đế để đặt chuông lên.
  • Những chiếc chuông bằng đồng lớn hơn thì khi thỉnh lên sẽ nghe được những âm thanh ấm và hùng. Những chiếc chuông lớn hơn tạo ra những âm thanh lớn hơn, rất tốt để sử dụng cho những lớp học lớn, trong những hội trường hay đi thiền hành ngoài trời, v.v…
  • Có thể tải tiếng chuông chánh niệm trên trang nhà Làng Mai (https://langmai.org/lau-chuong/chuong-chanh-niem-trong-may- tinh-cua-ban) cài vào máy tính hay smartphone để dự bị, phòng khi chuông có trục trặc. Nhiều chương trình ứng dụng (apps) cũng có chuông chánh niệm.
  • Nếu trong một vài hoàn cảnh mà việc sử dụng chuông khiến cho ta có cảm giác mang tính “tôn giáo” thì ta có thể dùng một thanh chuông (bar chime), hay một cái thước tam giác có khả năng tạo ra âm thanh để có thể thích ứng hơn với hoàn cảnh của mình, tuy phẩm chất âm thanh không hay và đặc biệt bằng tiếng chuông. Phần cuối của chương này có đưa ra một vài ví dụ của các giáo viên đã sử dụng nhiều loại chuông khác nhau trong việc giảng dạy.

Những điều cần nhớ trong lớp học

  • Đối xử với chiếc chuông ân cần và khuyến khích học sinh, sinh viên cũng làm như vậy. Chỉ sử dụng chuông để thực tập chánh niệm và với sự tôn trọng.
  • Thực tập cho tâm lắng dịu và có khả năng hiến tặng một nụ cười thư giãn, duy trì xuyên suốt nguồn định lực của mình để có thể chuyên chở sự thực tập khi thỉnh chuông.
  • Không sử dụng chuông như một dụng cụ để kỷ luật. Ta sẽ trao truyền đến mọi người cảm xúc mà ta đang có khi thỉnh chuông. Vì vậy nếu ta đang có tâm hành bực bội, giận dữ thì ta phải làm lắng dịu những tâm hành, cảm xúc ấy bằng hơi thở và nụ cười trước khi thỉnh chuông.
  • Phải đảm bảo cho sự thực tập tươi mát và thực chất, bằng cách sử dụng những bài tập, từ ngữ, hình ảnh gây cảm hứng để hướng dẫn cho mình và học sinh.

Cuối chương này, chúng ta sẽ khám phá cách sử dụng chuông với vài câu chuyện của các giáo viên đang thực tập, chia sẻ về loại chuông nào mà họ sử dụng, lý do tại sao, dùng như thế nào trong lớp học và trong đời sống hằng ngày.

Thỉnh chuông luôn đi đôi với hơi thở chánh niệm, thường được sử dụng khi ngồi thiền, vì vậy những hướng dẫn, minh họa trong chương một và chương ba rất hữu ích cho ta.

Thực tập căn bản

Thỉnh chuông

Đồ dùng và cách chuẩn bị  
– Chuông và dùi thỉnh chuông.
– Giáo viên với tâm trạng thư giãn, vui tươi và cởi mở để học kỹ năng mới này.
Phần tóm tắt nằm ở Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông
1. Chuẩn bị  
Giữ cho thân tâm yên tĩnh và tập trung. Ngồi thẳng lưng nhưng buông thư.
Để bàn tay nằm ngang, khuỷu tay cong lại và lòng bàn tay ngửa ra, đặt chuông lên lòng bàn tay. Giữ bàn tay càng phẳng càng tốt, nhưng thoải mái, diện tích tiếp xúc giữa chuông và bàn tay càng nhỏ càng tốt, để tay mình không làm hãm âm thanh của tiếng chuông. Nếu thấy cách này khó để thỉnh cho tiếng chuông trong trẻo, ta có thể đặt chuông trên đầu các ngón tay được khép vào nhau (các ngón tay khép lại và hướng lên trên như hình nụ hoa).
 
2. Thức chuông  
Đầu tiên, ta thở vào thở ra chánh niệm ít nhất là hai lần để trở về với giây phút hiện tại và thưởng thức hơi thở của mình.
Giữ dùi chuông thẳng và song song với vành chuông, sau đó thức (nhấp) chuông (chạm nhẹ nhưng chắc vào vành chuông một góc 30 độ). Giữ dùi chuông lại trên vành chuông để hãm âm thanh, tạo thành tiếng thức chuông.  
“Thức chuông” là âm thanh có thể nghe được rõ ràng nhưng bị hãm lại và không ngân, thường được dùng trước khi thỉnh chuông, để “thức” chuông và báo cho người nghe biết rằng có một tiếng chuông tròn sắp được thỉnh lên.
3. Thỉnh chuông  
Thở vào thở ra chánh niệm một lần.  
Giữ dùi thỉnh bằng ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ, sau đó đưa nhẹ lên chạm vào vành chuông. Khi thỉnh chuông, để dùi chuông hướng lên, hoặc nằm ngang song song với vành chuông sẽ giúp cho âm thanh thanh thoát và trong trẻo. Thực tập và thử nghiệm vài lần, giữ cho sự thực tập nhẹ nhàng, thích thú và thoải mái, ta sẽ tìm ra cho mình cách thỉnh chuông hay.  
Tiếng chuông hay là tiếng chuông trong, rõ và hùng.
4. Nghe chuông
Thở vào thở ra chánh niệm một cách tự nhiên thêm ba lần nữa, để tiếng chuông thấm vào từng tế bào cơ thể ta
Chúng ta có thể sử dụng bất kỳ bài thực tập nào được liệt kê ở phần cuối của những bài thực hành “nghe chuông”.

Thực tập căn bản

Nghe chuông

Đồ dùng và chuẩn bị
– Giáo viên đã thực tập thỉnh chuông.
– Chuông và dùi thỉnh chuông.  
Phần tóm tắt của bài thực hành này nằm trong phần Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông
1. Chuẩn bị  
Ngồi hay đứng trong một tư thế thoải mái và vững vàng. Ta có thể nghĩ là ta đang ngồi như một ngọn núi, một hoàng tử, hay như một công chúa.
Bài thực hành này cho ta những hướng dẫn nghe chuông căn bản và nhiều đề nghị sâu hơn cho sự thực tập.  
2. Thức chuông  
Ngồi thẳng lưng nhưng buông thư, thở vào thở ra chánh niệm hai lần cho thân tâm lắng dịu và tĩnh lặng. Sau đó thỉnh một tiếng thức chuông.
 
3. Thỉnh chuông  
Thở vào thở ra chánh niệm thêm một lần nữa, hoàn toàn tập trung vào hơi thở vào ra.
Khi thấy mình đã sẵn sàng thì thỉnh một tiếng chuông tròn. Ta có thể thỉnh một lần, hai lần hoặc ba lần.
Giữa mỗi tiếng chuông ta phải cho phép mình thở ba hơi vào ra thật đầy.
 
Thi kệ nghe chuông (không bắt buộc)  
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Ta có thể chọn một trong những bài thực hành khác dưới đây.  
Những bài tập khác về nghe chuông  
Chọn một trong những bài thực hành sau, thực tập bao nhiêu lần cũng được, sao cho mình thấy thong thả, chậm rãi và dễ chịu. Giữa mỗi lần ta nên dừng lại và quán chiếu. Chỉ sử dụng một hoặc hai bài cho mỗi lần thực tập hay mỗi bài học.
– Chú ý tới những suy nghĩ đi lên, sau đó xem thử ta có khả năng để chúng ra đi một cách nhẹ nhàng hay không, ta có đưa sự chú tâm trở về với tiếng chuông và ý thức về hơi thở vào ra hay không.
– Để cho tiếng chuông đi vào mỗi tế bào cơ thể ta.
– Sử dụng tiếng chuông để giúp ta trở về tiếp xúc với hải đảo tự thân (trung tâm của mình), nơi mình thấy an toàn, vững chãi và kiên cố.
– Chú tâm vào tiếng chuông cho đến khi không còn nghe nữa.
– Mời các em học sinh di chuyển quanh phòng, khi nghe chuông thì dừng lại, thở. Sau ba hơi thở hay khi tiếng chuông chấm dứt, các em bắt đầu di chuyển trở lại. (Đối với những em học sinh nhỏ tuổi và hiếu động hơn thì cách này có thể hiệu quả hơn ngồi.)
– Mời các em học sinh đếm xem các em thở được bao nhiêu hơi (thở vào/ thở ra đếm một). Mời các em mở mắt ra khi các em không còn nghe tiếng chuông nữa và đưa các ngón tay lên ra dấu là các em thở được bao nhiêu hơi.
Chúng ta có thể đọc thầm bài thi kệ này trước khi tiếng chuông được thỉnh lên để chuẩn bị thân tâm và giúp các em chuẩn bị thân tâm sẵn sàng nghe chuông, hoặc đọc sau khi nghe chuông để giúp giữ sự tập trung. Đọc thầm một câu với hơi thở vào và một câu với hơi thở ra.

Nhìn sâu: những câu hỏi quán chiếu về sự thực tập nghe chuông

Sau đây là một vài câu hỏi cho giáo viên dùng để tự quán chiếu, hoặc sử dụng cho các em học sinh chia sẻ trong lớp, hoặc để những câu hỏi này đi vào tâm thức các em. Ta không cần phải sử dụng hết tất cả các câu hỏi, đây không phải là bài kiểm tra.

  • Tiếng chuông có thể giúp mình tìm thấy trung tâm bình an, thấy “hải đảo tự thân” không? Hay lo lắng, bực bội? Điều gì xảy ra cho mình?
    • Khi suy nghĩ đi lên mình có khả năng đem tâm về với tiếng chuông hoặc hơi thở không?
    • Duy trì sự tập trung vào hơi thở và tiếng chuông khó hay dễ?

Ta có thể thêm vào một số câu hỏi thích hợp khác. Đặt những câu hỏi đơn giản, cởi mở, có tính chất khuyến khích mà không lên án. Chấp nhận tất cả những câu trả lời kể cả những câu trả lời tiêu cực và câu trả lời “Em không biết”. Nhẹ nhàng hướng sự chia sẻ về những kinh nghiệm hiện tại có thực trong cuộc sống.

Chuông chánh niệm trong đời sống hằng ngày và trong việc giảng dạy

Sử dụng tiếng chuông chánh niệm để yểm trợ sự thực tập của mình

Ông Denys Candy, giám đốc chương trình đại học và tư vấn, nhận thấy tiếng chuông là một món quà vô giá mang lại bình an và tươi mát trong đời sống bận rộn của ông. Ông chia sẻ một kinhnghiệm ấm cúng thời thơ ấu ở Ireland, bày tỏ sự tươi mát mà tiếng chuông mang lại cho ông.

Tôi thấy thỉnh chuông vào những thời điểm khác nhau trong ngày và trong tuần rất lợi ích. Tôi gọi đó là chuông kết bạn. Thỉnh chuông trong lúc đi bộ hay trước khi ngủ, trong khi nghỉ giải lao giữa những giờ làm việc trên máy tính hoặc nghỉ giải lao để gọi điện thoại, hay đơn giản là thỉnh ngẫu nhiên, nhắc tôi nhớ rằng bình an có mặt khắp mọi nơi, bất cứ lúc nào. Sống chậm lại và nghe chuông đưa tôi về với hơi thở tươi mới. Hơi thở ấy giúp tôi mở ra những thực tập khác như mỉm cười, làm lớn lên niềm vui. Là một cậu bé ở Ireland, khi thấy tôi thức dậy với khuôn mặt tươi mát, tỉnh táo sau một giấc ngủ dài và sâu, bố mẹ tôi nói: “Con có một giấc ngủ thật ngon”. Thỉnh chuông giống như “một giấc ngủ thật ngon” đang thẩm thấu vào ngày mới của tôi vậy.

Thỉnh chuông có thể không đơn giản như ta nghĩ, John Bell, ở Mỹ, một giáo thọ lâu năm theo truyền thống Làng Mai, làm việc suốt mấy chục năm qua với những người trẻ không đi học, đã khám phá ra một số kỹ năng thích hợp để thỉnh chuông hiệu quả.

Tôi đã dành nhiều thời gian cho chiếc chuông này. Tôi hiểu nó rất rõ. Tôi biết có rất nhiều cách để chiếc chuông ngân lên, có những điều kiện nào đó làm cho tiếng chuông hay nhất. Chẳng hạn như ở những điểm khác nhau trên vành chuông cho ra những âm thanh khác nhau. Tôi cũng thấy rằng nếu thỉnh ở phần dưới của dùi chuông mà không phải ngay sát trên đỉnh dùi chuông thì tiếng chuông sẽ hay hơn. Tôi cũng thấy rằng nếu khi thỉnh mà ta đưa dùi chuông đi lên thì âm thanh hay hơn là đưa dùi chuông đi xuống. Thêm những điều kiện nào đó cho phép tiếng chuông hay nhất, giúp chuông hoàn thành đúng bản chất thật của nó.

John biết rằng, mình với chuông “tương tức”: chiếc chuông rất nhạy cảm với tâm trạng người thỉnh chuông. Đề nghị dưới đây của ông nhắc nhở mọi người ý thức về tình trạng thân tâm mình khi thỉnh chuông.

Một bài học khác là khi tôi thỉnh chuông, tâm trạng tôi như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến tiếng chuông như thế đó, bởi vì tôi và chuông liên quan mật thiết với nhau. Nếu tôi giận dữ thì tiếng chuông có thể lớn hơn mức độ tiêu chuẩn. Nếu tôi bị trầm cảm thì tiếng chuông có thể quá nhỏ làm cho người nghe không chú tâm được. Nếu tôi bị sao lãng, không chánh niệm về sự di chuyển của dùi chuông thì có thể thỉnh không đúng và tạo ra một âm thanh chát chúa. Tôi và chuông tương tức. Nếu tôi không có chánh niệm thì chuông không thể hiến tặng khả năng hay nhất của nó được. Vì vậy, là thầy cô giáo, chăm sóc tốt cho chính mình bằng những phương pháp lành mạnh ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chăm sóc tốt cho các em học sinh.

Cái thấy của John nhắc nhở chúng ta rằng khi hướng dẫn thực tập, nếu quán chiếu thấy mình không yên lắng và điềm tĩnh thì ta phải chăm sóc mình tốt hơn.

Thực tập tiếng chuông chánh niệm với các em học sinh

Một khi đã thực tập thỉnh chuông và dùng nó để yểm trợ cho sự thực tập chánh niệm, nhiều giáo viên muốn tiếp tục sử dụng trong lớp học. Denys có một vài lời khuyên rất thực tế và hữu ích.

  1. Buông thư và chăm sóc sự thực tập của chính mình. Đừng lo lắng là người ta sẽ nghĩ gì. (Ví dụ như “cái này lạ quá!”.)
  2. Dành thời gian giải thích đầy đủ cách thực tập thỉnh chuông và nghe chuông. Tập thỉnh chuông với những người tham dự vài lần. Yêu cầu mọi người ngồi thẳng, buông thư trên ghế, ý thức về sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, cho phép mọi người nhắm mắt nếu họ muốn, rồi đọc thầm các câu như: “Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra.”
  3. Tập tin tưởng: Tin tưởng vào sự thực tập và sự có mặt của chính mình, tin tưởng vào nhóm người đang thưởng thức hơi thở chánh niệm, và tin tưởng vào tiếng chuông sẽ phát ra nguồn năng lượng chánh niệm cho tất cả mọi người.

Chúng ta nên nương vào tiếng chuông thường xuyên, điều này có lợi rất lớn trong khi yểm trợ cho những thực tập khác đã được đề nghị trong bộ sách này, như thở ý thức, ngồi thiền, di chuyển, đi thiền, ăn cơm chánh niệm, có mặt cho mình và cho những người khác.

Thực tập tiếng chuông chánh niệm để hướng dẫn bài học một cách nhẹ nhàng, thoải mái

Một vài giáo viên đã thấy rằng thường xuyên thỉnh chuông theo khoảng thời gian cố định rất lợi ích. Khi học sinh đã làm quen và thoải mái với sự thực tập này, ta có thể thỉnh hai, ba lần trong một tiết học, để học sinh có cơ hội dừng lại thở. Điều này có thể mang lại sự tĩnh lặng và tập trung cao, giúp mọi người thưởng thức được giây phút hiện tại. Khoảng mỗi hai mươi phút thỉnh một lần là tốt nhất, đừng thỉnh quá nhiều.

Chúng ta chú ý đừng làm suy giảm phẩm chất thực tập tiếng chuông chánh niệm, đừng sử dụng chuông như một phương tiện để quản lý lớp. Alisin Mayo nhắc nhở chúng ta:

Chúng ta dạy cho các em học sinh biết tại sao phải thở và thở như thế nào, giới thiệu cho các em một số từ ngữ để mô tả về cảm giác của các em. Điều quan trọng là giới thiệu cho các em cách nghe chuông và thở như là một phương pháp làm cho thân tâm lắng dịu và thưởng thức sự lắng dịu ấy mà không phải dùng tiếng chuông để quản lý lớp hay để bắt các em phải im lặng. Chúng ta có thể thỉnh chuông và thưởng thức hơi thở tĩnh lặng trước khi hát bài hát cảm ơn trong buổi ăn nhẹ hay lúc nghỉ giải lao, lúc ngồi chuyện trò ở hành lang.

Đôi khi giáo viên có thể dùng chuông để đánh dấu một sự chuyển tiếp, như bắt đầu hoặc kết thúc bài học. Điều này giúp cho học sinh trong lớp có cơ hội dừng lại để thở, để quan sát kỹ lưỡng, để di chuyển chánh niệm đến nơi có sinh hoạt kế tiếp trong ngày thay vì vội vã một cách thất niệm. Betsy Black Arizu, giáo viên trung học đã nghỉ hưu và là nhà cố vấn ở Florida, đề nghị như sau:

Nghe chuông, thật sự nghe chuông và cảm nhận âm thanh trong cơ thể mình, là một cách tuyệt vời để buông thư và đưa ý thức về giây phút hiện tại, để bắt đầu mỗi buổi họp, bắt đầu giờ học, hay bắt đầu và kết thúc một pháp môn thực tập chánh niệm.

Dần dần người trẻ gắn bó thân thiết với cái chuông hơn, và nó trở thành chuông chánh niệm của lớp học. Với người trẻ, nên chọn một nơi thích hợp để đặt chuông và giới thiệu với các em cách sử dụng. Đối với các em học sinh nhỏ tuổi hơn của lớp cô Ross Young, ở Anh, chuông trở thành “con vật cưng” của lớp.

Tôi giải thích với các em rằng chuông như một nụ hôn. Trước khi thỉnh chuông, chúng ta phải nhẹ nhàng với cái chuông và phải thức chuông. Chúng tôi coi chuông như là “một người bạn” hay là “con vật cưng” của lớp, mỗi ngày các em có thể thay phiên nhau đem về nhà để thỉnh lên mỗi sáng và trước khi đi ngủ. Chúng tôi để chuông “ngồi” với những thành viên khác nhau của lớp, với em chăm sóc nó ngày hôm ấy.

Alison Mayo thấy rằng học sinh rất hứng khởi khi được mời thỉnh chuông những lúc thích hợp, các em rất chú tâm học những kỹ năng và tư cách để trở thành người tri chung (người thỉnh chuông) giỏi.

Các em rất thích được thỉnh chuông, bài tập mà tôi thường làm là đưa chuông đến gần từng em một để các em lắng nghe âm thanh nhẹ nhàng thanh thoát và xem thử mình có thể mang âm thanh này đi quanh vòng tròn không. Điều này quả thật giúp các em giữ sự tập trung rất tốt.

Thực tập tiếng chuông chánh niệm để giúp học sinh xử cảm xúc

Giáo viên thường tha thiết rèn luyện cho các em học sinh khả năng tập trung cao và làm cho bầu không khí trong lớp học yên lặng, nhưng điều này có thể khó đạt được. Một khi học sinh đã quen với tiếng chuông, thầy cô giáo có thể diễn giải sinh động về khả năng phi thường mà tiếng chuông truyền cho lớp học. Tiếng chuông thường có một tác động kỳ diệu xảy ra ngay tức khắc, mang lại không khí sôi nổi cho việc truyền thông và học tập.

Đối với vài người, như Michael Schwammberger, ở Anh và Tây Ban Nha, là nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm, làm việc lâu năm theo truyền thống Làng Mai, nói rằng: tiếng chuông có phẩm chất yên tĩnh và bình an.

Trong khi thỉnh chuông, nếu ta có khả năng định tĩnh, trở về với hơi thở, ta sẽ cảm được một nguồn năng lượng chánh niệm nào đó. Các em nhỏ cũng có khả năng cảm nhận được, các em có thể nghỉ ngơi và yên tĩnh.

Tiếng chuông giúp mọi người định tâm và làm cho thời gian dường như dừng lại. Richard Brady[1], giáo viên toán đã nghỉ hưu và nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm theo pháp môn Làng Mai, chia sẻ:

Tôi gặp Thầy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) ở học viện Omega, New York. Ở đó tôi được giới thiệu về một thói quen dừng lại khi nghe chuông và đưa sự chú tâm về với giây phút hiện tại. Tôi mang một cái chuông nhỏ về nhà, và mang theo vào giờ toán của tôi. Tôi thỉnh lên vào đầu tiết học, trong suốt tiết học thỉnh thoảng tôi cũng thỉnh lên để giúp cho học sinh dừng lại và định tâm. Thời gian dường như dừng lại trong suốt những giây phút ngắn ngủi đó. Học sinh nghe chuông một cách rất trân trọng.

Tiếng chuông giúp cho các em trở về với chính mình. Meena Srinivasan, một giáo viên lâu năm, và là nhà quản lý chương trình học hỏi về các kỹ năng cảm xúc – xã hội và chánh niệm ở Mỹ, chia sẻ:

Tôi bắt đầu tiết học bằng cách lấy cái chuông nhỏ ra và đặt câu hỏi với các em học sinh: “Thân của chúng ta đang ở đây, còn tâm chúng ta thì đang ở đâu? Tâm chúng ta có thể vẫn còn ở trong giờ ăn trưa, hay vẫn còn trong giờ toán, phải không? Nếu đúng vậy, thì một tay đại diện cho tâm và tay kia đại diện cho thân. Khi tôi thỉnh chuông, chúng ta đưa ý thức về với hơi thở, thân và tâm chúng ta về đoàn tụ lại với nhau. Chúng ta hãy dành một phút, thỉnh chuông, đem hai tay lại với nhau, trở về với chính mình để chúng ta có thể có mặt ở đây, trong giây phút hiện tại.” Điều này thực sự giúp cho giáo viên như tôi rất nhiều.

John Bell tạo ra sự kết nối giữa chất lượng chuyển hóa của tiếng chuông và mục đích tương tự của giáo viên là khuyến khích các em học sinh “tỏa sáng”.

Bây giờ, tại sao tôi lại nói về tiếng chuông? Đối với tôi, các nhà giáo dục đang nỗ lực tạo ra những điều kiện thuận lợi trong các lớp và trường học, giúp học sinh thể hiện khả năng tốt nhất của mình, như một nhạc cụ phát ra âm thanh hay nhất. Có nghĩa là có mặt đầy đủ, phát triển được những tài năng đặc biệt và niềm vui học tập thiên phú. Đó không phải là những gì chúng ta thực sự muốn hay sao?

Chúng ta có thể sử dụng không khí mà tiếng chuông tạo ra để nuôi dưỡng những trạng thái đặc biệt của tâm thức. Coreen Morsink, giáo viên tiểu học và trung học ở Hy Lạp, giúp học sinh của mình phát triển khả năng suy nghĩ những điều hạnh phúc bằng cách hướng dẫn các em kết nối tiếng chuông với những điều tích cực.

Sau khi hát bài hát khởi động, tôi yêu cầu các em nghe tiếng búng ngón tay và nghĩ về một hoặc nhiều điều hạnh phúc. Tôi muốn các em kết nối niềm hạnh phúc của mình với tiếng chuông. Hầu hết các em làm rất nhanh, nhưng cũng có một vài em có vấn đề khi nghĩ về những điều hạnh phúc. Tuy nhiên sau khi các em khác kể về những điều hạnh phúc thì những em này cũng tìm thấy niềm hạnh phúc của mình, niềm hạnh phúc từ cây kem cho đến niềm hạnh phúc được chơi với ba.

Các giáo viên thường nhận thấy rằng, sử dụng âm thanh trực tiếp ảnh hưởng rất mạnh đến những em học sinh có khó khăn, dễ bị tổn thương. Murielle Dionnet, một giáo viên chuyên ngành giáo dục, ở Pháp, sử dụng những âm thanh khác nhau để yểm trợ các em học sinh nhỏ tuổi có những khó khăn về việc học và tâm lý để giúp các em buông thư, làm lắng dịu thân tâm và ngay cả để giải quyết những xung đột ở nhà, đơn giản bằng cách nhớ lại tiếng chuông.

Bài thực hành đầu tiên mà tôi giới thiệu cho các em là hơi thở chánh niệm. Tôi dạy các em thở ba lần để buông thư và làm lắng dịu thân tâm. Chọn một em “trầm tĩnh” có trách nhiệm thỉnh chuông (sau khi em ấy thở ba hơi chánh niệm) bất cứ lúc nào lớp học quá ồn ào và lộn xộn.

Học sinh nào cũng có thể đến thỉnh chuông nếu em thấy trong người không ổn. Năm đó, trong lớp tôi có một em học sinh 5 tuổi, ba vừa mới mất. Em ấy thường sử dụng tiếng chuông để lắng dịu nỗi khổ đau và để chia sẻ khổ đau của mình với mọi người. Kinh nghiệm này làm tôi vô cùng cảm động.

Tôi nhớ một em học sinh chia sẻ rằng: “Khi em giận chị mình, em vào phòng thỉnh một tiếng chuông trong đầu”.

Tôi làm việc với những em học sinh khác bị bệnh tâm thần. Tôi sử dụng phương pháp mà tôi đã áp dụng ở nhà: dùng chiếc đồng hồ điểm giờ tự động mỗi 15 phút. Với nhóm học sinh này tôi hướng dẫn chu đáo đi kèm với ba hơi thở.

Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra.

Thở vào, tôi làm cho thân tâm tôi lắng dịu.

Thở ra, tôi buông thư thân tâm.

Thở vào, tôi thấy an ổn. Thở ra, tôi mỉm cười.

Bài tập này giúp các em rất nhiều.

Trong câu chuyện đầy cảm hứng và ấm áp trái tim, Shelley Murply, giáo viên tiểu học, bây giờ là nhà giáo dục sư phạm ở Canada, đã mô tả tiếng chuông giúp cho một em học sinh nhỏ tuổi bị bệnh tâm thần lắng dịu suy nghĩ của mình như thế nào khi em đang gặp vấn đề rối loạn cảm xúc.

Raymon băng qua cửa lớp. Em nói chuyện từ khi mới bước vào lớp, phê bình liên tục tất cả những gì em thấy. Raymon rất khó để làm cho những suy nghĩ trong đầu dừng lại. Khi chúng tôi ngồi xuống, đôi mắt mở to của em dán vào những cái chuông giống chuông Tây Tạng đang đặt ngay trước lớp. Tôi có thể thấy được những suy nghĩ trong tâm em dường như bắt đầu chậm lại. Lần đầu tiên khi tôi giới thiệu chuông cho cả lớp, Raymon, cậu bé tám tuổi đặt ra hàng ngàn câu hỏi và nhận xét: “Chúng từ đâu tới? Chúng được làm bằng gì? Em có thể thỉnh được không? Chúng có phải là những dụng cụ âm nhạc không? Em có thể ghi âm khi cô chơi không?” Đến bây giờ là đã đi qua mấy tháng trong năm học rồi, mỗi ngày chúng tôi đều bắt đầu và kết thúc lớp học bằng tiếng chuông. Tôi thỉnh chuông vài lần và các em trở nên ý thức hơn về hơi thở của mình. Raymon lắng nghe. Em cứ lắng nghe như thế cho đến khi không còn nghe tiếng chuông và độ ngân của nó nữa. Mắt em nhắm lại, chú tâm vào bụng đang phồng lên, xẹp xuống và vào hơi thở vào ra. Những suy nghĩ đang chiếm lĩnh sự chú ý của em đã lắng xuống.

Raymon dần dần thoải mái với sự thực tập chánh niệm. Em chờ đợi nó và mong nó trở thành một phần trong sinh hoạt hằng ngày của em. Em biết rằng cả tôi và em đều để ý đến một khám phá mới, đó là khả năng chạm tới được trạng thái tập trung cao hơn của em. Em yên hơn và có khả năng xử lý những kích động, những xao lãng trong lớp học. Em có bình an hơn.

Thực tập tiếng chuông chánh niệm với đồng nghiệp

Chúng ta cũng thực tập tiếng chuông chánh niệm với đồng nghiệp của mình để giúp cho tâm hồn tĩnh lặng và khuyến khích nhau truyền thông đích thực, như John đã mô tả rất cảm động.

Tôi thường bắt đầu huấn luyện giáo viên mới bằng cách thỉnh chuông. Tôi thỉnh ba lần. Những người tham dự từ từ hết nói chuyện và năng lượng dần yên lắng xuống. Sau đó tôi hỏi: “Tiếng chuông này có hay không? Đây là chiếc chuông mà tôi sử dụng mỗi sáng khi ngồi thiền. Đi đâu tôi cũng mang nó theo. Tôi xem nó như là một cách gợi chuyện mỗi khi chuyền quanh cho mọi người. Mọi người giữ nó trong tay trong khi rót trái tim ra chia sẻ.”

Denys đã sử dụng chuông trong các buổi họp công việc và những buổi họp của tăng thân lớn hơn. Ông nhận thấy rằng không những nó tác động đến những tình cảm ấm áp trong khi trao đổi chuyện trò mà còn nâng cao tính hiệu quả trong các quyết định.

Dần dần tôi giới thiệu tiếng chuông cho vài người bạn và đồng nghiệp của mình. Tôi mời họ cùng nghe chuông với tôi đều đặn mỗi ngày, tạo cơ hội hiến tặng sự có mặt và tĩnh lặng cho đồng nghiệp. Khi tạo ra được năng lượng chánh niệm tập thể, chúng tôi có niềm tin rằng chúng tôi cũng đang thừa hưởng niềm vui và tình thương trong môi trường làm việc này. Thực tập nghe chuông sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong những ngày tồi tệ khi có nhiều chuyện lộn xộn, rối tung xảy ra khiến cho ta thấy tuyệt vọng, bất công hay giận dữ. Chúng tôi cùng nhau thực tập nuôi dưỡng niềm biết ơn khi nghe chuông với nhau, và dừng lại thở để nhớ rằng bầu trời, đóa hoa đang nhắc ta nhớ về bản chất đích thực của ta rất mầu nhiệm.

Tôi cũng giới thiệu sự thực tập nghe chuông cho những buổi họp nhân viên của những tổ chức dựa trên nền tảng cộng đồng, những buổi họp lớn với những công nhân trẻ đang đi tìm những truyền thông tốt đẹp hơn, trong đó có hơn cả trăm người tập hợp lại để lên kế hoạch hay để giải quyết một cuộc tranh cãi.

Tại những buổi họp công chúng, tôi yêu cầu mọi người thiết lập những nội quy căn bản, như nói và lắng nghe với tâm hồn kính trọng, cho mọi người không gian phát biểu. Tôi giới thiệu sự thực tập nghe chuông. Mọi người đồng ý dừng lại và im lặng thở ba hơi ý thức trước khi tiếp tục thảo luận. Cho dù đang chia sẻ sôi nổi và nóng bỏng, mọi người cũng phải tôn trọng tiếng chuông. Sau đó những người tham dự chú ý đến cảm giác phấn chấn của nguồn năng lượng tích cực đang có mặt. Những quyết định quan trọng được thực hiện dù có những xung đột và lo lắng, những cuộc đối thoại với chính quyền địa phương hay thành phố có tính chất xây dựng hơn.


[1] R. Brady, “My Path as a Mindful Educator,” (Con đường đến với chánh niệm của một nhà giáo dục), tạp chí The Mindfulness Bell 54 (2010).