Thực tập dừng lại
Phương pháp thiền tập do Đức Thế Tôn giảng dạy gồm hai phần: dừng lại và nhìn sâu (chỉ và quán). Bước thứ nhất của thiền tập là dừng lại. Hầu hết chúng ta từ khi sinh ra, chúng ta luôn luôn rong ruổi không ngừng nghỉ. Đó là một tập khí sâu đậm mà tổ tiên đã truyền lại cho ta: luôn luôn căng thẳng, dễ bị cuốn đi bởi những thứ quanh mình và hoàn toàn không có mặt một cách bình an cho giây phút hiện tại. Chúng ta quen nhìn sự vật một cách hời hợt, bị cuốn đi bởi những tri giác sai lầm và từ đó cảm thọ tiêu cực biểu hiện làm cho ta hành xử một cách lệch lạc và cuộc sống của chúng ta cũng trở nên khổ sở hơn.
Chúng ta phải huấn luyện mình dừng lại. Dừng lại sự rong ruổi. Ngay cả những khi ta được bình an, không có gì phải lo lắng, sợ hãi, chúng ta vẫn theo đuổi hết dự án này tới dự án khác hay suy tư hết việc này tới việc khác, không phút nào yên nghỉ. Vậy cho nên ngay những lúc được bình yên và vô sự thì hãy thực tập thư giãn, thực tập dừng lại để trở về với những mầu nhiệm của hiện tại.
Khi tâm được an thì trí sẽ sáng. Nếu dừng lại thật sự thì bạn không cần phải thực tập nhìn sâu bởi vì ngay khi bạn dừng lại là bạn đã nhìn sâu rồi. Dừng lại và nhìn sâu là một, là hai mặt của một tâm thức. Chú tâm vào một việc gì quan trọng tức là sử dụng định lực. Khi có định lực là có dừng lại và nhìn sâu.
Khi dừng lại và tiếp xúc với những gì tốt đẹp, ta sẽ trở nên thoải mái, sáng suốt và vui tươi. Sự thực tập chính là thức ăn nuôi dưỡng ta và giúp ta nuôi dưỡng những người khác bằng phong thái sáng suốt, nụ cười và niềm vui.
Có thể rằng bạn đang gặp nhiều khó khăn nhưng nếu nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy rất nhiều niềm vui còn đó cho bạn. Vậy thì không nên rong ruổi tìm kiếm. Hãy trở về với phút giây hiện tại để chế tác định lực, nhờ đó giúp ta có thể tiếp xúc với sự vật một cách sâu sắc và sáng suốt hơn. Đây là một phép thực tập rất đơn giản mà quan trọng.
Hãy an trú thảnh thơi với hơi thở vào ra trong giây phút hiện tại. Nếu cảm xúc quá mạnh và hơi thở không đủ giúp ta dừng lại và thư giãn thì hãy đi ra ngoài thiền hành. Chú tâm vào từng bước chân giúp ta dừng lại. Đừng để cho tâm trí bị lôi cuốn vì suy tư, phán xét, phiền muộn và cảm xúc nặng nề. Hãy trở về với phút giây hiện tại, thư giãn và dừng lại. Ngay cả lúc không có cảm xúc quá mạnh thì cũng nên thực tập để khi gặp việc cần giải quyết bạn cũng có thể ngồi yên và nhìn sâu để tìm ra giải pháp.
Nhờ thực tập, bạn có thể thư giãn và làm giảm đi những đau nhức trong cơ thể. Bạn có thể nhận diện những cảm giác đau buồn trong bạn và biết cách ôm ấp, chăm sóc những khổ thọ ấy. Bạn có thể chế tác niềm vui bất cứ khi nào bạn muốn.
Nếu thực tập giỏi, bạn sẽ không sợ những chướng ngại và khó khăn. Bạn có thể thích ứng với những khó khăn mà bạn gặp. Nếu thực tập giỏi, bạn không có gì để lo sợ, bởi vì bạn đã có con đường. Khi biết cách làm chủ cơ thể, cảm thọ, tri giác thì không có gì để lo lắng nữa.
Dù là khi đi, đứng, hay ngồi thiền, bạn đều có thể sử dụng hơi thở để giúp bạn dừng lại. Khi bạn dừng lại là bạn làm chủ thân và tâm. Bạn không để những tập khí cuốn bạn đi trong những suy tư về quá khứ hay những kế hoạch cho tương lai. Ngồi thiền không phải là đấu tranh. Bạn buông xuống hết mọi thứ.
Khi một ý tưởng dấy lên, bạn nói “xin chào”, rồi ngay tức khắc giã từ. Đừng chống cự, đừng để một bãi chiến trường trong đầu bạn. Đừng nói: “Ôi, bậy quá, tôi suy nghĩ lung tung quá.” Không cần phải tự trách mình như thế. Chỉ cần cất tiếng chào (Hi!) và tức khắc từ giã (Bye). Buông thư và thả trôi mọi thứ. Đem tâm trí về với hiện tại, an trú trong ý thức minh mẫn về cơ thể của mình. Cũng giống bạn ngâm những hạt đậu xanh trong chậu nước, nước sẽ từ từ thấm vào hạt đậu. Hạt đậu sẽ nở. Hiện tượng ấy cũng xảy ra tương tự cho bạn. Buông thả sẽ làm cho căng thẳng tan biến từ từ, từ từ. Bạn sẽ thư giãn hơn, bình an hơn. Phép thực tập là chỉ cần đem thân về hợp nhất với tâm trong giờ phút hiện tại.
Khi đi, thường thường thân bạn một nơi và tâm bạn một ngả. Bạn tiếp tục trở về với phút giây hiện tại. Thân tâm hợp nhất có ảnh hưởng rất sâu đậm. Bạn sẽ cảm nhận sự vật thông suốt hơn, bình an hơn. Nếu có một ý nghĩ tiêu cực đến lúc đó thì bạn chỉ gửi lời chào (hello), ghi nhận mà không phán xét. Ý nghĩ tiêu cực ấy có thể đến từ cha mẹ bạn hay từ một ai đó. Hãy buông xả và mỉm cười. Hãy thực tập để luôn luôn có một cơ thể trong chánh niệm. Khi ngồi thì biết là mình đang ngồi, hoàn toàn ý thức rằng mình đang ở trong tư thế ngồi. Mỗi bước chân đặt trên mặt đất là một bước chân của bình an, an nhiên, vững chãi.
Thiền tập là nuôi dưỡng
Thiền tập mang lại hạnh phúc ngay tức khắc. Bạn sẽ không còn bị lo âu, sợ hãi, hay bị những dự án cuốn bạn đi. Trở về với giây phút hiện tại, tiếp xúc với cảm thọ vui tươi còn đó trong bạn thì bạn sẽ đạt được niềm vui của thiền tập, niềm vui khi thực tập theo giáo lý của Đức Thế Tôn. Niềm vui khi thiền tập cũng giống như thức ăn hằng ngày (Thiền Duyệt Vi Thực). Không có thức ăn hằng ngày ấy, không có niềm vui mỗi ngày, bạn sẽ khô héo như một bông hoa tàn phai. Khi bạn trở về và có mặt một cách trọn vẹn thì bạn sẽ tiếp xúc liền với những yếu tố tích cực còn đó trong bạn, tâm trí bạn sẽ vui tươi. Hãy tặng cho mình một nụ cười, bạn sẽ rạng rỡ và tươi mát ra. Vậy thì không nên gạt bỏ thức ăn đặc biệt đó vì đó chính là nguồn vui của sự thiền tập.
Thân tâm nhất như
Khi tâm trí bạn buông xả thì cơ thể bạn sẽ thư giãn bởi vì thân và tâm là hai mặt của một thực tại. Nếu tâm trí bạn căng thẳng, gặp nhiều khó khăn, cơ thể bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Nhờ dừng lại, dù là đang đi thiền hay ngồi thiền, bạn có thể làm chủ được hoàn cảnh. Thân tâm bạn là do bạn nắm quyền tự chủ; đừng để những lo lắng, sợ hãi, dằn vặt cuốn bạn đi. Khi bị cuốn đi bởi những lo lắng sợ hãi, bạn sẽ giống như một vị quốc vương bị tước hết quyền hành. Thực tập là giành lấy quyền tự chủ. Khi bạn đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm, bạn đang nắm chủ quyền trong tay mình.
An trú trong hiện tại giúp bạn thấy rõ những gì làm bạn đau khổ, những gì làm bạn hạnh phúc.Với năng lượng của định và tuệ, bạn sẽ suy tư, hành động và nói năng sáng suốt hơn.
Chúng ta biết rằng người thương của chúng ta đều vô thường, nhưng trong cuộc sống hằng ngày mình luôn coi họ là thường, sẽ có mặt với chúng ta mãi mãi. Ý thức được như vậy, chúng ta sẽ đối xử với họ một cách yêu thương hơn vì một mai nào đó họ sẽ ra đi. Nhờ ý thức đó, chúng ta có thể hiểu sâu thêm về những khổ đau bên trong mình. Thay vì đổ lỗi cho người khác, chúng ta có thể nhìn lại mình và những vụng về của tự thân đã góp phần gây khó khăn cho người kia.