Năm lời phát nguyện
Năm Điều Phát Nguyện là thực tập chánh niệm trong liên hệ tình yêu. Năm Điều Phát Nguyện bồi dưỡng hiểu biết thương yêu, nhất là trong những lúc liên hệ có khó khăn. Năm Điều Phát Nguyện rất thích hợp để sử dụng trong lễ cưới.
Điều phát nguyện thứ nhất
Chúng con nguyện sống đời sống hằng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và nòi giống chúng con.
Điều phát nguyện thứ hai
Chúng con nguyện sống đời sống hằng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mỗi chúng con.
Điều phát nguyện thứ ba
Chúng con nguyện trong đời sống hằng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho các thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai.
Điều phát nguyện thứ tư
Chúng con nguyện nương tựa vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn.
Điều phát nguyện thứ năm
Chúng con nguyện tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới bồi đắp được hạnh phúc và an lạc.
Với lời phát nguyên thứ nhất ta ý thức rằng ta là mối liên kết giữa các tổ tiên đời trước và các thế hệ con cháu đời sau. Ý thức như thế ta biết rằng chăm sóc thân tâm chúng ta tức là chăm sóc tất cả các thế hệ quá khứ cũng như tương lai.
Lời phát nguyện thứ hai nhắc nhở ta rằng tổ tiên cũng như con cháu đang đặt nhiều kỳ vọng nơi ta. Hạnh phúc hay khổ đau của ta cũng là hạnh phúc hay khổ đau của các thế hệ tổ tiên và con cháu. Quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ nhận ra những kỳ vọng của con cháu ta nơi ta.
Lời quán nguyện thứ ba dạy ta rằng niềm vui, an bình, tự do và hòa hợp không chỉ là một vấn đề cá nhân. Chúng ta phải sống thế nào để cho tổ tiên trong ta được giải thoát để nhờ đó mà ta được giải thoát. Nếu không ta sẽ mãi mãi bị ràng buộc và tiếp tục trao truyền sự ràng buộc cho con cháu. Chúng ta có thể hiến tặng niềm vui, an bình, tự do, và hòa hợp cho các bậc tổ tiên đồng thời cho chúng ta và con cháu chúng ta. Đây là giáo lý tương tức (interbeing). Chừng nào mà tổ tiên trong ta còn đau khổ thì chúng ta không thể hạnh phúc.
Lời nguyện thứ tư nhắc nhở ta rằng hiểu biết tức là thương yêu. Khi chúng ta biết rõ niềm đau, nỗi khổ của một ai, chúng ta muốn tìm cách giúp đỡ, từ đó mà ta phát lòng yêu thương, vì hạnh phúc và giải thoát của người ấy. Thiện chí trong tình yêu không đủ. Nếu không có hiểu thì không có thương.
Cần nhớ rằng nên thực tập lời nguyện này trong tinh thần của một cộng đồng. Phải làm bất cứ gì để đem lại hạnh phúc cho bầu không khí, cho nước, cho cỏ cây, đất đá, cho chim chóc loài vật, và cho loài người. Sống đời sống hằng ngày sao cho luôn luôn cảm nhận rằng cộng đồng có mặt trong ta, là nơi cung cấp năng lượng để chúng ta có thể vượt qua trong đời sống của ta cũng như khi gặp khó khăn ngoài xã hội. Vậy xin hãy ý thức về những gì đang xảy ra.
Chúng ta phải sống sâu sắc từng giây phút của đời sống. Nếu sống được sâu sắc chỉ trong một giây thì bạn có thể sống sâu sắc suốt cả đời. Thi sĩ người Pháp, René Char có nói: “Nếu bạn có thể an trú trong một phút giây thì bạn có thể khám phá thời gian vĩnh cửu.” Hãy nắm lấy cơ hội để sống sâu sắc, hạnh phúc, bình an. Mỗi giây phút là một cơ hội để chúng ta thiết lập hòa bình với thế giới và cho thế giới. Thế giới cần đến hạnh phúc của chúng ta. Thực tập chánh niệm có thể xem như là thực tập hạnh phúc, thực tập thương yêu. Phải bồi đắp khả năng sống hạnh phúc, khả năng thương yêu. Và quán chiếu sâu sắc là thực tập căn bản.
Chúng ta cần thực tập lời phát nguyện thứ năm là vì mặc dầu chúng ta biết rõ rằng trách móc và tranh cãi không bao giờ giúp ích được gì, nhưng chúng ta không nhớ. Hơi thở có ý thức giúp phát triển khả năng dừng lại khi cần, để tránh trách móc và tranh cãi.
Tất cả chúng ta cần cố gắng cải thiện lối sống. Chúng ta có bổn phận chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta là những người làm vườn, chăm bón cho hoa nở. Nếu có hiểu biết, chúng ta sẽ trồng được những bông hoa đẹp. Chỉ có thiện chí thì không đủ, chúng ta phải học nghệ thuật hiến tặng hạnh phúc cho người khác. Nghệ thuật rất thiết yếu cho đời sống và chánh niệm chính là căn bản của nghệ thuật.