Phần 04: Học hành
Chắc hẳn là em không muốn đi quanh quẩn trong những vòng lý luận. Tôi cũng vậy. Chúng ta hãy tìm một con đường, tìm bằng tất cả những kinh nghiệm và những khổ đau của chúng ta, trong tình trạng hiện tại và trong bài toán hiện thời của chúng ta. Không có bài toán nào là không chứa đựng đáp số của nó nếu quả đó đích thực là một bài toán, nghĩa là có chứa đựng đủ những dữ kiện để đi tới đáp số. Chúng ta quả đang sống trong một cuộc sống khó sống. Và chúng ta cũng biết rằng không phải vì cuộc sống vốn là khó sống mà chính vì chúng ta, tất cả chúng ta đã làm cho cuộc sống trở thành khó sống. Cuộc sống khó sống ấy không thể biến mất dễ dàng được bởi vì nó không phải là một ác mộng: nó rất hiện thực, nó có những dấu vết trong ta và nó mang những dấu vết của tâm hồn ta. Không có cách chi hay hơn cho chúng ta là hãy bình thản lại và tìm cách thoát khỏi, một cách từ từ, tình trạng hiện tại. Tình trạng do con người tạo ra đã trở lại khống chế con người , vậy thì công cuộc giải phóng của con người ra khỏi sự khống chế đó của tình trạng cần phải được đi đôi với công cuộc giải phóng của nội tâm con người. Con người và hoàn cảnh làm bóng và làm hình cho nhau nên sự giải phóng không được quan niệm một chiều. Và do đó, khởi điểm của công cuộc giải phóng nằm ở ý thức giác ngộ, nằm ở ý chí chuyển hóa nội tâm và chuyển hóa cuộc đời.
Tuổi trẻ luôn luôn ước ao thực hiện một cuộc thay đổi mau chóng, nhưng sự diễn tiến của mọi dòng hiện tượng không phải bao giờ cũng đáp ứng lại được dễ dàng cho sự nóng nảy đó. Không, chúng ta đang không ở trong một hoàn cảnh dễ dàng. Chúng ta phải có rất nhiều bình tĩnh, rất nhiều kiên nhẫn. Những lúc khó khăn và nguy nan nhất đòi hỏi nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn nhất. Em đừng bực bội, đừng thất vọng, đừng oán trách. Dù sao thì chúng ta vẫn còn là chúng ta mà. Dù sao thì chúng ta cũng vẫn còn nở được nụ cười mà. Để cho những đường nhăn trên trán chúng ta mất đi, để cho thần kinh ta bớt căng thẳng, để cho tâm hồn ta êm dịu lại. Và cũng để cho sự êm dịu ấy tỏa rộng đến một vài người quanh ta. Cái trán của em nóng hổi như thế, hai mắt em đỏ ngầu như thế thì em cần phải ngồi xuống, cần phải hướng về tiếng gọi của thiên nhiên, cần phải trở về bơi lội tắm mình trong giòng nước mát của tâm linh để tìm sức mới. Em đừng vội vàng, miễn là em không quên lãng.
Tôi biết em sẽ còn tranh đấu. Tuổi trẻ không bao giờ chịu thua. Nhưng nếu muốn thành công, chúng ta không thể tự đốt cháy chúng ta bằng những thất vọng, những bất mãn, những đòi hỏi vô lý. Em không nên đòi hỏi, nhất là đòi hỏi hơi nhiều ở những người lớn. Người lớn cũng chỉ là người, nghĩa là cũng bị buộc ràng trong những điều kiện của tình trạng hiện tại. Người lớn cũng đang vùng vẫy, cũng đang mắc kẹt như em vậy. Sở dĩ chúng ta có ít tự do là vì cái bản ngã đích thực của chúng ta đã bị phong tỏa trong một cái vỏ giả tạo mà ta tưởng lầm là chính bản ngã của chúng ta. Nó ưa thích, xét đoán mà ta cứ tưởng là ta ưa thích, xét đoán. Nó vâng theo mệnh lệnh của những điều kiện đã tạo nên nó mà ta cứ tưởng là nó vâng theo mệnh lệnh của chính ta. Lầm rồi, lầm rồi, chúng ta phải xét đoán lại, phải kiểm điểm lại. Tất cả chúng ta đều đã là nạn nhân rồi. Không nên kết án nhau. Chỉ nên kết án tính cách phi nhân bản của những ước lệ, những khuôn đúc, những guồng máy. Người lớn có khi còn tệ hơn em ở chỗ bản ngã đích thực của họ còn bị phong tỏa nhiều hơn, sự hồn nhiên cương trực và trong trắng của tâm hồn họ còn bị sứt mẻ và tiêu diệt một cách thảm hại hơn. Đứng ở địa vị người lớn, họ có vẻ như là có thế có quyền lực hơn em, có thể làm được nhiều việc tốt đẹp hơn em. Và em oán trách họ chỉ vì em nghĩ rằng họ có quyền lực ấy mà họ không chịu làm, họ không chịu làm cho họ, cho đất nước họ, cho đàn con em của họ. Kỳ thực đứng vào chỗ đứng của họ em mới thấy được rằng họ cũng lúng túng khó khăn không khác gì em. Họ có một mớ thẩm quyền nhưng họ chẳng làm gì được nhiều bởi vì họ bị ràng buộc nhiều hơn em và do đó cũng cảm thấy bất lực như em đã từng cảm thấy.
Tôi thấy là các em không nên đòi hỏi ở họ, hoặc nếu có thì nên đòi hỏi họ một chút ít mà thôi. Đừng nói cho họ nghe bổn phận của họ. Họ biết chán cái bổn phận ấy là gì rồi. Điều cần thiết là xét xem họ có đủ sức làm "bổn phận" ấy hay không. Em thử nghĩ xem họ đã có thể làm trọn được bổn phận của họ đối với họ không đã, đừng nói đến những bổn phận của họ đối với em. Họ cũng có những vấn đề ray rứt, khốn nạn của họ và họ có thể cũng đang vùng vẫy tuyệt vọng trong cái tình trạng của họ. Hãy thương hại họ cũng như có lần em đã thương hại chính em. Thấy được hình dáng thực của họ em sẽ không còn đòi hỏi quá đáng ở họ, hy vọng quá đáng ở họ để rồi tiếp tục thất vọng và bất mãn vì họ. Đừng đòi hỏi, đừng thất vọng, đừng bất mãn: như thế em đã tiết kiệm được biết bao nhiêu năng lực của em rồi. Và bởi vậy tôi đã đề nghị với em là đừng tự thiêu đốt em vì những đòi hỏi, những thất vọng, những bất mãn vô ích, không cần thiết. Đề mặc cho người lớn làm những việc người lớn trong khả năng người lớn. Em phải làm việc của em, trong khả năng tuổi trẻ của em. Những gì em thực hiện được trong phạm vi hoạt động của em, tôi biết, cũng có thể chuyển được tình thế và mở lối thoát cho cả người lớn nữa. Điều đó tôi tin chắc như tin chắc ở khả năng vô biên của tuổi trẻ.
Tình trạng của chúng ta đòi hỏi một cuộc cách mệnh mọi mặt về kinh tế cũng như về giáo dục, văn hóa, xã hội. Em đừng tưởng chỉ có bằng con đường quyền bính ta mới có thể thực hiện được cách mệnh. Em đừng nghĩ rằng chỉ khi nào có được một chính quyền chủ trương cách mệnh xã hội thực sự khi ấy ta mới có cách mệnh xã hội thực sự. Em đừng tưởng, ví dụ, có làm bộ trưởng bộ giáo dục mới có thể có cơ hội làm cách mệnh giáo dục. Cố nhiên là làm bộ trưởng thì sẽ có một số quyền năng nào đó và một số phương tiện nào đó (dù là những quyền năng và phương tiện rất giới hạn) nhưng nếu vì vậy mà ta nghĩ rằng chỉ có quyền bính mới thực hiện được cách mệnh thì đó là một điều lầm lẫn to lớn. Vì lẽ như thế nên chúng ta mới để phí ngày giờ và tâm lực của chúng ta mà hy vọng, mà hoan hô, mà đả đảo, mà trông chờ trong khi chúng ta có rất nhiều quyền lực và phương tiện mà chúng ta không sử dụng để xây dựng bằng chính bàn tay và tâm não của chúng ta. Tuổi em không phải là tuổi làm thủ tướng, làm bộ trưởng ; tuổi em không phải là tuổi làm người lớn, làm những việc của người lớn. Nhưng có phải chỉ những việc "người lớn" là quan trọng nhất đâu. Em cứ làm đi, làm những việc của tuổi hai mươi, làm cách mệnh văn hóa, giáo dục, xã hội bằng tuổi hai mươi. Tôi tin rằng em sẽ thành công, và em sẽ làm được những việc mà người lớn không thể nào làm được, vì một lý do duy nhất; họ đã là người lớn mất rồi. Tôi muốn đàm đạo với em về sự xây dựng nền tảng cách mệnh, mà chính tuổi trẻ là tuổi có thể xây dựng được nhiều hơn hết bởi vì tuổi trẻ nhiều cương trực và bất mãn hơn hết, và cũng vì không có cương trực không có bất mãn thì không thể có cách mệnh đích thực. Đừng quan niệm rằng cách mệnh là một trận mưa ân huệ từ trên tưới xuống mà hãy theo con đường xây dựng từ dưới lên trên.
Chúng ta hãy nói đến việc học muốn hành. Trước hết tôi rất không khuyên em nên chăm học. Chăm học để làm chi? Để thi đỗ, để có bằng cấp, để tìm được một địa vị xã hội? Quả thực tôi cũng muốn em thi đỗ, có bằng cấp, tìm được việc làm, có được một địa vị trong xã hội. Nhưng nếu mục đích của sự học mà chỉ như thế thì thời gian nấu sử sôi kinh của em sẽ trở thành một phương tiện mất, và trở thành một cách oan uổng. Thời gian học tập là một thời gian quý báu, không thể được xem như một thời gian khổ sai. Biết bao nhiêu người rời học đường bước vào trường đời rồi mới nhận thấy rằng thời học trò là thời sung sướng nhất. Thế nhưng hầu hết chúng ta đều mong cho cái thời gian hoàng kim ấy qua mau để chóng được giải thoát khỏi sự học. Như thế là chúng ta đã nhận thức sự học tập như là một công việc quá nặng nhọc và không có sinh thú. Điều đó là một sự dại dột và thiệt thòi. Chỉ cần một thời gian chiêm nghiệm và một vài phương pháp áp dụng là chúng ta có thể chuyển đổi sự học hành thành một nguồn lạc thú. Tôi biết rõ tất cả những bực mình của các em về chương trình, về lề lối giảng dạy, thi cử, về tiêu chuẩn xét định giá trị học lực và bằng cấp. Tôi sẽ nói đến những vấn đề ấy, nhưng trước tiên tôi muốn em hãy nhìn lại sự bực mình của chính em. Những sự bực bội kia sở dĩ ra cũng do em một phần không nhỏ.Và cũng do những người thực sự yêu thương em nữa.Như các bậc phụ huynh chẳng hạn. Họ muốn em chăm học, nhưng mà họ không biết làm cho em tìm thấy lạc thú trong sự khám phá kiến thức. Động cơ của sự ham học hầu chỉ nằm ở mảnh bằng, ở địa vị tương lai của em trong xã hội. Động cơ của sự học, trước hết, đáng lẽ phải được tìm nơi những lạc thú của khám phá, đi tìm kiến thức, mở rộng chân trời kiến thức.
Em than phiền về chương trình, em than phiền về lề lối giảng dạy của các giáo sư. Cố nhiên là chương trình ấy lề lối giảng dạy ấy có những khuyết điểm. Tuy nhiên xét lại ta vẫn thấy rằng tại vì ta thiếu khao khát tìm học hỏi. Chương trình tú tài hoặc những chứng chỉ đại học mà em đang theo học, thực ra, không đến nỗi dở, không đến nỗi "bỏ đi". Chúng chứa đựng những đề tài rất hay nhưng tại em thiếu sự khao khát tìm hiểu cho nên chúng trở nên nghèo nàn. Em cũng biết ngày xưa có người học sinh ngữ mà không có tự điển nghiên cứu, không có thư viện, không có tài liệu. Thế mà vì khao khát học hỏi họ thành công hơn những người hiện có trong tầm tay mình hầu hết các phương tiện để thành công. Đã có khi nào em thầm cám ơn sự hiện diện của một cuốn tự điển chưa, một tài liệu tham khảo, một cuốn sách hay chưa? Chúng ta giàu quá, và chúng ta đã khinh thường. Cái môn sử địa hay công dân ấy có lúc ta thấy no đến tận cố là tại vì ta thiếu sự ham thích, sự khao khát. Có một lúc nào đó ta sẽ lục lại sách vở, tắm mình trong biển tài liệu để đi tìm những điều ta khát khao hiểu biết về các môn đó. Tôi có nói với em một lần rằng trong ta luôn luôn có nhu yếu khám phá tìm hiểu. Chỉ tại vì ta đã tiêu phí năng lực của ta vào những hoạt động không chínhđáng và không cần thiết ta mới trở thành lơ lửng không thiết tha đến sự học hỏi tìm biết. Em hãy tìm nếm hương vị ngọt ngào và say mê của sự học hỏi, và em sẽ thấy chúng cũng có hấp dẫn lực lớn lao như các bộ môn thể thao hay nghệ thuật vậy. Nếu không, tại sao đã có những người để ra hai ba mươi năm hay trọn đời để mà chỉ nghiên cứu về một vấn đề.
Nếu em không thích học thì em không thể chăm học được. Vì vậy phải đánh thức sự khát khao hiểu biết trong em dậy. Có những phương pháp giúp em thực hiện trong đó tôi thấy có phương pháp giữ gìn sinh lực đừng cho phân tán vào những hoạt động không đâu và phương pháp gần gũi với những người thích học. Cố nhiên những người này không phải là những người "học gạo" – những người này, trong số đó có giáo sư và sinh viên, hay tìm gặp nhau để đàm luận, trao đổi và chia xẻ những lạc thú của sự khám phá. Tôi đã có đi dạy học và nhiều khi nhờ tiếp xúc với vài ba người sinh viên ham chuộng hiểu biết thôi, thế mà tôi cũng được lây sự hăng hái và có thêm nhiều lạc thú trong sự nghiên cứu và trao đổi. Tôi cám ơn họ và tôi nghĩ rằng trong một lớp học mà không có một vài người học với tinh thần đó thì lớp học sẽ rất buồn tẻ. Có nhiều lớp học buồn tẻ thật vì sinh viên trong lớp chỉ muốn học để thi đỗ. Rất ít khi họ hỏi tôi về tài liệu và phương pháp khảo cứu; họ cứ hỏi tôi về bài giảng để họ có thể học thi. Như vậy thì chính tôi, tôi cũng phải xuống tinh thần. Tôi thường nói: thi đỗ thì không khó, nhưng mà học không phải chỉ là để thi đỗ. Học là để biết, để khám phá. Có những lớp học mà giáo sư giảng không biết mệt, đàm luận không biết mệt, chỉ vì trong đó có vài người thích học. Tôi đã dạy trong một chứng chỉ triết và tôi ưa chứng chỉ này lắm chỉ vì trong lớp có một người lớn tuổi rất ham học. Người này là một bà khoảng gần sáu mươi tuổi, bà cố nhiên không phải vì muốn có bằng cấp mà vì sự hiểu biết. Bà theo dõi tôi rất chăm chú và hai con mắt của bà chứng tỏ rằng bà tìm thấy rất nhiều hứng thú trong sự học. Hồi tôi giảng về triết Duy Thức ở Columbia, có một bà mẹ Công giáo, mother Fiske, giáo sư trường nữ đại học Manhattanville, đến dự thính. Bà không bỏ qua một giờ nào. Lại có một người bạn họa sĩ cũng đến ghi tên học. Thành thử chúng tôi đã làm việc hăng hái với nhau trong suốt giảng khóa. Mỗi người đều viết một thiên tiểu luận, và trước khi viết ai cũng có dịp trình bày đề tài và phương pháp của mình trong lớp để mọi người có thể góp ý của họ cho thiên tiếu luận. Kỳ thi ấy, ai cũng đỗ điểm cao.
Nhưng mà sự khát khao hiểu biết đôi khi có liên hệ tới những yếu tố khác ví dụ tính cách cấp thiết và thực dụng của một số kiến thức. Cố nhiên ta khát khao hiểu biết về mọi sự, nhưng trong tình trạng sinh hoạt xã hội ta, ta thấy có nhiều vấn đề cần được giải quyết ước muốn giải quyết các vấn đề ấy cũng là một động lực đẩy ta đi tới khảo cứu, khám phá và tìm tòi giải đáp. Cuộc sống luôn luôn nhắc nhở ta, thúc đẩy ta đi khảo cứu học hỏi và tìm tòi những lời giải đáp ít khi chúng ta có thể sống trong tháp ngà được. Ta phải sống hiện thực trong cuộc đời và do đó ta phải đi tìm giải đáp, đi tìm lối thoát cho những vấn đề của chúng ta. Quốc gia Việt Nam là một quốc gia đang phát triển (đang phát triển có nghĩa là chưa phát triển, và cũng có nghĩa là chậm tiến) ta có những đề tài học hỏi vô cùng quan trọng, cấp thiết, và thực dụng; những vấn đề thuộc phạm vi kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, lịch sử. Những năm gần đây, tôi bắt buộc phải xếp bớt các sách về Phật học, về triết học tôn giáo, để chong đèn: đọc về phát triển cộng đồng, hợp tác xã phân bón, nuôi gà vịt, v.v.. Cũng tại vì tôi thấy cần đóng góp một phần vào công việc xây dựng nông thôn. Bốn năm trước đây, tôi không có hứng thú gì về các vấn đề đó. Nhưng gần đây tôi đã biết đọc, biết tìm hiểu một cách say mê về chúng, cũng bởi vì tính cách thực dụng của các kiến thức kia thúc đẩy. Tôi lấy tôi làm thí dụ để cho em thấy một trường hợp có thể tin cậy. Vậy thì trong niềm khao khát hiểu biết, ta không thể không quên rằng trong tình trạng đất nước hiện thời, có những đề tài cấp thiết cần được tìm hiểu, khảo cứu, để ta có thể đóng góp vào sự xây dựng lại đất nước bằng sự hiểu biết và bằng sự thực hành của chúng ta. Cái học biết hướng về hiện thực ấy, tôi gọi là cái học "khế cơ". Với lại chúng ta cần có tinh thần phê phán độc lập và khách quan. Chúng ta đừng tin tưởng quá ở giá trị của các sách giáo khoa. Chúng ta phải cố gắng sưu tầm thêm, nghiên cứu thêm, và đừng bao giờ cho rằng ta không thể vượt cao hơn sách và hơn thầy. Chúng ta phải vượt chứ, và vượt sau khi đã biết rõ sách và biết rõ thầy. Rồi chúng ta đừng ôm chặt lấy mớ kiến thức đã thâu lượm được và cho đó là hay nhất, cao nhất. Phải nhớ rằng chúng, chính những kiến thức ấy, cũng cần được vượt. Như thế ta có thái độ cởi mở, cầu tiến, không bo bo cố thủ, không giữ quyến chân lý, không trở nên độc tài và cuồng tín. Thái độ đó tôi gọi là thái độ "phá chấp". Và cuối cùng, ta không được tự mãn với một số những lý luận thiếu kiểm chứng. Phải coi chừng cái biết lý thuyết, cái biết sách vở. Cái biết đó không chắc thực, không có nền móng vững chãi ở hiện thực, có thể đi lạc rất xa, không phù hợp với hiện thực. Hãy đừng mất liên lạc với thực tại, hãy gần gũi với các dữ kiện của thực tại, hãy luôn luôn kiểm chứng lại và chỉ tin tưởng ở những hiểu biết nào có tính cách phù hợp với thực tại. Tôi gọi cái học ấy là cái học "thực chứng".
Bằng cách ham học của em, bằng những khát khao hiểu biết của em hướng về nẻo khế cơ, phá chấp và thực chứng, em có thể chuyển đổi được cả không khí của lớp học. Em sẽ làm cho các vị giáo sư thêm hứng khởi, em sẽ làm cho họ biết lo học hỏi thêm lên, lo nghiên cứu thêm lên, và đối với những vị xem dạy học là một công trình đổi chác, em cũng có thể khiến cho họ thay đổi hẳn. Em không biết rằng em đóng một vai trò khá lớn trong việc cách mệnh giáo dục. Cách mệnh giáo dục không hẳn đã có thể được thực hiện bằng những đạo luật thay đổi chương trình, mở lớp tu nghiệp cho giáo sư thay đổi thể chế thi cử…. Em đóng một vai trò quan trọng lắm mà em không biết. Điều này tôi mong em chiêm nghiệm cho kỹ lưỡng. Nếu em thực hiện được sự ham học hướng về khế cơ, phá chấp và thực chứng thì chính từ chương trình tú tài hay chương trình đại học hiện thời cũng có thể xuất hiện những sinh khí mới, những giác sắc mới. Thế rồi những môn mà em thay "ứ đến cổ" ấy cũng sẽ trở nên hấp dẫn vô cùng cần thiết vô cùng. Để rồi em thấy chúng có liên hệ mật thiết đến đời sống em, đời sống dân tộc em, liên hệ nhiều hơn em đã tưởng. Còn nếu em không thực hiện được điều đó thì tôi tưởng chương trình có thay đổi ba mươi lần cũng không tạo được một cái gì đáng kể. Nếu em học như là đi mua một ít kiến thức để đi thi thì vị giáo sư cũng sẽ dạy như là bán cho em một ít kiến thức để đi thi. Đó là một điều có thực và rất đáng buồn cho hiện tình giáo dục.
Em nói: sở dĩ em phải học theo kiểu ấy là tại vì em đang cần bằng cấp, em khinh thường bằng cấp, em biết rõ giá trị thực của bằng cấp; nhưng sở dĩ em phải "giật" cho được bằng cấp cũng là vì em phải có bằng cấp mới "sống" được. Điều đó tôi cũng hiểu. Em cứ việc giật bằng cấp đi, tôi có nói sao đâu. Nhưng mà đồng thời em cũng vẫn có thể học theo tinh thần khám phá được mà. Càng học như thế em càng phát triển nhân cách em; càng học như thế thì em càng trở nên cao thượng, nhiều tài năng, đạt được nhiều mến chuộng, nhiều kiêng nể. Đó há không phải là những yếu tố lớn để thành công sau này sao?
Tôi không thể không đồng ý với em về việc chúng ta phải xét lại vấn đề thi cử và bằng cấp. Có người nói: dù chúng ta có ý kiến gì hay đi nữa về vấn đề thi cử và bằng cấp thì chúng ta cũng chỉ nói cho nhau nghe chơi vui vậy thôi, chớ ta có quyền gì mà thực hiện. Tôi không nghĩ như thế. Tôi tưởng chưa chắc làm bộ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục mà đã có quyền thực hiện những gì mình ước muốn trong lĩnh vực cách mệnh giáo dục. Tôi trở lại ý kiến trước kia là chính các em, chính tuổi trẻ, có thể đóng góp phần quan trọng nhất vào việc cách mệnh giáo dục mà không cần phải nuôi mộng làm bộ trưởng hay làm thủ tướng.
Để tôi trình bày em nghe. Chúng ta không dễ gì trong một sớm một chiều mà xô ngã được những tiêu chuẩn những khuôn khổ hiện thời xã hội đang dùng, bởi vì hiện có cả một sự thông đồng cấu kết của những thành phần được ưu đãi để bảo vệ cho những tiêu chuẩn và những khuôn khổ ấy. Bức thành thật là khó phá, dù cho đối với những người có chức vị có thẩm quyền như một ông bộ trưởng. Em cứ thử nhìn hiện tượng gian thương ở xứ ta.
Những kẻ gian thương mạnh lắm, khiến cho cả một nội các dù có thiện chí cũng vẫn thấy khó lòng loại họ ra ngoài vòng pháp luật. Vậy nếu không có một phong trào quần chúng và một kế hoạch có quần chúng tham dự, ta khó lòng thực hiện nổi những điều ta ước mơ. Ta vẫn phải kiên nhẫn đặt nền tảng cách mạng ngay ở hạ tầng, phải bắt đầu xây dựng từ dưới lên trên. Cái bằng tú tài hay cái bằng cử nhân tự nó nó không xấu, nhưng cách sử dụng những thứ bằng cấp ấy để làm những bức tường hạn chế, những bức tường giai cấp, những cơ sở bảo vệ cho quyền lợi của những giai cấp – ta gọi là những giai cấp bằng cấp – thì quả thực rất xấu xa. Hầu hết những người có bằng cấp dù không nói ra vẫn cứ âm thầm muốn bảo vệ cho quyền lợi của kẻ có bằng cấp và luôn luôn muốn cho ít người leo lên được địa vị của mình. Bởi vì nếu họ leo lên nhiều quá thì giá trị của bằng cấp sẽ không còn bao lăm nữa, tiền bạc và địa vị do bằng cấp bảo đảm sẽ không đáng là bao lăm nữa. Thành ra sự học hành chỉ là những khó nhọc cần thiết để mua một địa vị, một quyền lợi, và sự thi cử là những hạn chế cần thiết để bảo đảm cho địa vị và quyền lợi đó. Một nền giáo dục mà như thế thì thực là một niềm tủi hổ. Tuy vậy đó không phải là lỗi của kẻ đặt ra chương trình đặt ra sự thi cử. Đó là tội ác của sự cấu kết thông đồng của những kẻ được xã hội ưu đãi nhờ bằng cấp của họ. Để đập vỡ sự cấu kết thông đồng ấy, chúng ta phải có những cuộc vận động rộng rãi trên bình diện quần chúng. Chúng ta phải biết làm cách mệnh bằng cách không chịu thần phục những tiêu chuẩn những khuôn khổ hiện thời về thi cử. Chúng ta có thể không thừa nhận chúng, và không thừa nhận một cách tập thể. Chúng ta hãy vạch rõ cho giới tuổi trẻ và cả mọi giới thấy rằng để bảo vệ quyền lợi và địa vị họ, những kẻ được ưu đãi kia đã thông đồng cấu kết với nhau để chận đứng cả đà tiến thủ của một dân tộc, gây bao nhiêu điêu đứng cho một đa số những người trẻ tuổi và làm cho cả một nền học vấn trở nên xa cách lạc lõng và không thiết thực. Một mặt khác, chúng ta tạo nên tiêu chuẩn mới, giá trị mới và hô hào tuổi trẻ, đồng bào và những nhà trí thức chân chính hãy can đảm nhìn nhận các tiêu chuẩn mới, các giá trị mới ấy. Ngoài công cuộc vận động ấy không có cách gì để chúng ta có thể thực hiện được cách mệnh giáo dục, kể cả cách năn nỉ, viết thỉnh nguyện, viết kiến nghị cho các nhà hữu trách. Công việc khó nhọc, cần phải được thực hành một cách kiên nhẫn và có phương pháp, nhưng tuổi trẻ có thể làm được. Điều cần thiết nhất là đừng tìm con đường dễ dãi, con đường đầu hàng những tiêu chuẩn và những khuôn khổ hiện hữu.
Để tôi nói với em về một vài chi tiết của vấn đề. Lề lối thi cử bây giờ chỉ là những phương tiện hạn chế, ngăn cản người học sinh và người sinh viên không cho số người thi đỗ vượt lên quá mức cần thiết. Có nhiều cuộc thi tốt nghiệp hoặc thi vào trường mà được tổ chức như những cuộc thi tuyển. Số người đáng đỗ thì nhiều, nhưng số người cần lấy đỗ thì ít. Ta biết rằng nhờ có thi cử mà người sinh viên biết lo học. Nhưng ta không thể chấp nhận được một lối thi cử như lối thi cử hiện tại. Thi cử, như được tổ chức lâu nay, làm tốn của công quỹ một số tiền hết sức lớn lao. Có những lớp không thi, như đệ ngũ, đệ tam chẳng hạn, trong đó người học sinh thấy mình nhàn hạ hơn những người trong các lớp phải thi, như đệ tứ và đệ nhị, rất nhiều. Và thời gian học thi làm tiêu phí thật nhiều sức khỏe của người họ. Ốm mòn, bệnh tật, yếu đuối, mất ngủ, thần kinh suy nhược cũng vì học thi. Uống thuốc không ngủ, tàn phá sức khỏe để mà học thi. Chỉ cần biết đến đỗ hay rớt chứ không cần biết đến cái học khám phá, cái lạc thú hiểu biết, cái tính cách cần thiết của các kiến thức. Chỉ cần biết học vẹt, học tủ, nhảy hai lớp trong một năm. Cái đỗ và cái không đỗ cách xa nhau một trời một vực; đỗ là tất cả, và không đỗ là không gì hết. Hằng hà sa số người thất chí, không bước vào trung học hay đại học cũng vì một ít hơn kém nho nhỏ, một ít may rủi nho nhỏ. Có những người thông minh học ít nhưng khi vào thi, có thể làm nên chuyện mười lần hơn những kẻ suốt năm cần cù. Đánh hỏng vì thiếu chỗ học và vì giữ quyền lợi cho kẻ đã đỗ. Mọi tiêu chuẩn xét định giá trị con người, ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, đều bị bỏ quên. Tất cả những khuyết điểm to lớn ấy của chế độ thi cử hiện nay không thể nào được bù lắp bằng một ít lợi ích mà người ta nêu lên: lợi ích khuyến khích học hành, lợi ích có phương tiện tuyển lựa người có thực học. Ta vẫn có thể áp dụng những thể chế học tập và thi cử khác. Chúng ta có thể hủy bỏ thể lệ thi cử và cấp phát các thứ bằng cấp tú tài và cử nhân hiện nay mà vẫn có thể kiểm soát được sự làm việc của người sinh viên. Thay vì thi một lần ở cuối năm, ta có nhiều kỳ thi trong một năm, để kiểm soát sự làm việc ấy và cũng để thúc đẩy người sinh viên làm việc đều đặn. Trường học phải kiểm soát sự chuyên cần và sự làm việc của người sinh viên. Giáo sư phải theo dõi sự tiến bộ của sinh viên. Tất cả các thành tích đều được ghi vào học bạ. Môn nào kém, thi không đủ điểm thì học sinh chỉ cần học và thi lại môn đó mà không cần phải bỏ phí cả một năm để "ở lại". Mùa hè có thể là thời gian trau dồi môn mình kém để thi lại. Như thế những oan uổng do thi cử gây nên sẽ được loại trừ gần hết. Học xong trung học, người học sinh sẽ được cấp phát chứng chỉ tốt nghiệp trung học, và tỷ số người nhận chứng chỉ tốt nghiệp trung học so với tỷ số người đỗ tú tài toàn phần bây giờ sẽ cao hơn nhiều. Như thế có nghĩa là số người thi hỏng, bỏ học, trở nên bất đắc chí sẽ trở thành không đáng kể. Trên thực tế, ta thấy có những người giỏi hơn những sinh viên đại học nhưng không có điều kiện vào đại học, cũng chỉ vì họ là nạn nhân của sự thi cử ở xứ ta, hình như ai cũng nghĩ rằng học sinh các trường trung học công lập là giỏi hơn các trường tư. Thực ra, ta chỉ có thể nói rằng trường công có kỷ luật hơn trường tư, và không có hiện tượng nhảy lớp và phát chứng chỉ bất hợp pháp như một vài trường tư. Thế nhưng không thể nói rằng học trò trường công giỏi hơn học trò trường tư. Một trường tư nếu biết xây dựng nghiêm chỉnh uy tín mình thì sẽ không bao giờ mời những giáo sư dở vào dạy và cũng sẽ không bao giờ vi phạm kỷ luật của chính mình. Giá trị của chứng chỉ tốt nghiệp trung học được thành lập trên uy tín của trường trung học mà người ta theo học. Nếu các trường được tự do phát triển và cạnh tranh về mặt uy tín thì nền học vấn càng ngày càng trở nên nghiêm chỉnh, tiến bộ. Các trường dở và thiếu kỷ luật học tập sẽ tự nhiên bị đào thải. Thi vào đại học hoặc thi vào một công hay tư sở chẳng hạn, chỉ có những ai tốt nghiệp ở các trường trung học danh tiếng mới có thể đỗ. Chứng chỉ tốt nghiệp của một trường trung học danh tiếng, lắm khi đã có thể bảo đảm cho người thí sinh được rồi. Và thành tích trong học bạ nữa. Tỷ số những người được nhận vào các đại học hay vào các công tư sở bảo đảm cho uy tín của trường trung học đã phát bằng tốt nghiệp cho học. Những trường không có uy tín ấy sẽ không có ai theo học và phải đóng cửa. Bộ Quốc Gia Giáo Dục có thể làm công việc kiểm soát và nâng đỡ các trường tư thục. Chắc chắn là có nhiều tư thục sẽ trở lên danh tiếng hơn cả các trường công lập. Vấn đề học nhảy và vấn đề cấp phát chứng chỉ và học bạ không đứng đắn là hai vấn đề phải giải quyết trước tiên. Thi cử nếu tổ chức đều đặn thì học sinh sẽ làm việc đều đặn, ngay từ đầu năm, và không phá hoại sức khoẻ mình để học rút ở cuối năm. Ngân khoản tổ chức thi cử sẽ để dành lo những việc hữu ích như học bổng, như sách giáo khoa, như nhân viên kiểm soát lưu động. Khi số người bị loại bởi các kỳ thi tú tài không còn nữa thì số người có chứng chỉ tốt nghiệp trung học sẽ nhiều hẳn lên và xấp xỉ số người học ở các lớp đệ nhị, đệ nhất. Không ai theo học đàng hoàng mà lại không tốt nghiệp cả. Ta loại bỏ được các hiện tượng bất đắc chí, tự tử, mặc cảm, may rủi, những hiện tượng đáng kể đang rạch nát thế hệ tuổi trẻ. Số người tốt nghiệp trung học đông thì số trường đại học cũng tăng lên. Nước ta cần chừng mười trường đại học, những trường này có đường lối phát triển riêng của mình. Những trường này cũng cần xây uy tín của họ, cũng cần cạnh tranh về uy tín chuyên môn và bổ túc cho nhau. Nếu ta chỉ có một trường đại học thôi thì những trường ấy sẽ làm trời làm đất và không chịu nghe lời xây dựng của kẻ khác để cải tiến và phát triển. Chính quyền phải nâng đỡ cho các trường đại học được thành lập trên toàn quốc, cung cấp điều kiện, mời giáo sư giỏi và đào tạo giáo sư giỏi cho mỗi trường.
Các trường đại học căn cứ vào giá trị và uy tín của trường trung học đã cấp phát chứng chỉ tốt nghiệp trung học để nhận sinh viên vào trường. Học bạ cũng sẽ dược dùng làm tài liệu xét định. Nếu cần, sẽ có thêm một cuộc thi trắc nghiệm nữa.
Ở các trường đại học, các chứng chỉ mười giờ, hay mười hai giờ, cần được chẻ ra làm nhiều chứng chỉ nhỏ. Có thể gọi những chứng chỉ đó là những giảng khóa ; những giảng khóa như thế chỉ có chừng ba giờ học mỗi tuần và thi ít nhất là hai lần trong một năm. Chương trình sơ cấp đại học (cử nhân bây giờ) sẽ có chừng mười tám giảng khóa như vậy. Thi đủ điểm được hai mươi giảng khóa như thế thì được cấp văn bằng tốt nghiệp. Thi thiếu điểm giảng khóa nào thì chi cần học và thi lại giảng khóa ấy. Chứ không phải vì thiếu điểm môn ấy mà các môn khác cũng "rớt" theo. Chúng ta tránh được sự "ở lại", oan uổng trong một năm. Mỗi năm sinh viên có thể theo học năm giảng khóa (I5 giờ học mỗi tuần) và như vậy trong bốn năm có thể học xong được hai mươi giảng khóa – Họ không cần lo lắng đèn xanh người mỗi khi kỳ thi cuối năm tới. Nhưng họ phải đọc sách, nghe giảng, thuyết trình, viết tiểu luận và thi trắc nghiệm suốt từ đầu đến cuối năm.
Nhiều nước tiên tiến đang áp dụng lề lối học tập và thi cử như thế và số người tốt nghiệp sơ đẳng đại học (undergraduate) so với tỷ số sinh viên tốt nghiệp đại học của ta thì nhiều hơn bội phần. Do đó số người theo học cấp cao đẳng đại học (graduate) cũng nhiều và cơ hội cho nhân tài xuất hiện cũng nhiều hơn trong trường hợp ta gấp bội. Ở xứ ta, lên được vào đại học đã là "oai" lắm rồi; tốt nghiệp cử nhân thì lại càng hiếm lắm. Có bao nhiêu người được ghi tên học cao học và tiến sĩ? Các kỳ thi tú tài và cử nhân, lợi khí bảo vệ cho quyền lợi thiểu số có bằng cấp là mồ chôn của bao nhiêu thanh niên thiếu nữ.Tôi thù ghét độc địa thể lệ học hành thi cứ ấy. Tôi oán trách những lưỡi dao ác nghiệt, những cánh cửa sắt uy nghiêm và lạnh lùng ấy. Tôi đang nghe người ta nói: phải giữ giá trị cho bằng tú tài, phải giữ giá trị cho bằng cử nhân. Chúng ta có cần giá trị ấy đâu. Chúng ta chỉ cần phá tung những gông cùm tàn ác bít lắp đường tiến thủ của một số rất lớn những người tuổi trẻ. Ở các nước người tốt nghiệp đại học (college graduate), kể cả ở Phi và ở Úc, nhiều như khoai lang bên xứ mình. Nhiều thì cố nhiên là mất giá. Nhưng nếu chỉ vì sợ mất giá mà kìm hãm bít lắp đường tiến thủ của tuổi trẻ thì đó là một tội ác với dân tộc, với tổ quốc.
Ta cần có thêm hằng ngàn bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư và chuyên viên khác. Cố nhiên số người tốt nghiệp càng nhiều thì giá trị (giá trị? thực ra là quyền lợi) sẽ xuống bớt – Ta cần phát triển quốc gia, phụng sự dân chúng nghèo khổ, hơn là cần bảo vệ quyền lợi cho những người có bằng cấp. Không phải nhờ đánh bóng thật nhiều mà bằng cấp trở thành có giá trị. Cần tổ chức sự học và sự thi cử lại cho hợp lý, cần phải làm cách mệnh tận gốc rễ. Có nhiều bác sĩ chẳng hạn, thì số lượng bác sĩ giỏi sẽ được tăng lên, và ta mới có được nhiều bác sĩ chuyên môn. Ta mới có thể loại trừ được hiện tượng độc quyền, làm giàu trên mồ hôi nước mắt người nghèo. Công bình xã hội mới có thể được thực hiện từ từ, và tính cách phục vụ và hữu hiệu của học vấn mới được chú trọng tới.
Trong khuôn khổ và khả năng của tuổi trẻ, ta có thể làm được gì ? Tôi đã nói với em rằng chúng ta phải có can đảm bắt đầu bằng một sự "không chấp nhận" những khuôn khổ những tiêu chuẩn cũ. Nghĩa là bằng thái độ "không đầu hàng". Không đầu hàng ở đây có nghĩa là phải chịu hy sinh quyền lợi của mình để dám đi trên những con đường gai góc nhưng hứa hẹn nhiều cho tương lai dân tộc Trước hết em hãy thử quan sát, nghiên cứu và tố cáo những tội ác của sự cấu kẹt bảo vệ quyền lợi của thiểu số những người có bằng cấp. Bằng học tập, thảo luận, báo chí, em nêu lên cho quần chúng thấy ở những khuyết điểm Lớn lao trong chế độ học hành và thi cử hiện tại. Bằng những con số, những tài liệu chính xác, sống động mà em có thể thu lượm được rất dễ dàng, em trình bày cho quần chúng thấy cái lưới thi cử đang bổ chụp xuống đầu thế hệ trẻ tuổi để hạn chế sự tiến thủ của họ, để gây nên bao nhiêu tấn kịch thảm thương giữa họ. Em hãy liên kết với những bạn đồng chí hướng, gần gũi các bậc phụ huynh nào biết lo cho nền giáo dục mới, ủng hộ họ, nâng đỡ tinh thần cho họ. Em sẽ học thật giỏi và từ chối không dự những kỳ thi hiện tại. Em sẽ cổ động cho những tiêu chuẩn mới để xét định giá trị con người. Các tư sở, các trường đại học tư thục sẽ chịu ảnh hưởng phong trào mới, dư luận mới, và cũng sẽ đi tiên phong trong việc áp dụng những tiêu chuẩn mới ấy. Rồi đến các công sở và các trung đại học công lập. Một số những bài báo viết rải rác đó đây không đủ để tạo nên cách mệnh giáo dục. Nhu yếu cách mệnh đường lối học tập và thi cử đã trở nên cấp bách rồi, ai cũng thấy như vậy. Nhưng chỉ có em, chỉ có sự liên kết của tuổi trẻ để vận động, để đòi hỏi, để tự tạo cho mình một thái độ một phương pháp mới có đủ sức giáng những đòn khá nặng trên sự cấu kết vừa ý thức vừa vô ý thức của những phần tử được xã hội ưu đãi. Việc là việc của đa số, của tuổi trẻ, của em. Em hãy biết rũ bỏ, biết khinh thường, biết đứng dậy. "Nổi loạn" bằng cách ấy đòi hỏi can đảm, kiên nhẫn, hy sinh và thời gian. "Nổi loạn" bằng cách ấy sẽ đóng góp lớn lao vào công việc giải phóng tuổi trẻ, giải phóng con người. Còn nếu chỉ phá phách đôi chút, biểu lộ thái độ bất mãn, bất cần, hoặc giả chỉ đày đọa thân thể em, tâm hồn em thì em chỉ gây thêm khổ đau cho em và cho tất cả chúng ta, chứ không thay đổi được gì. Những "người lớn" như chúng tôi sẽ rất sung sướng tiếp tay với các em. Em hãy đứng dậy để cho chúng tôi cùng được đứng dậy.