Chương 10: Đôi mắt của voi chúa
Mỗi bước chân của ta phải có công năng trị liệu và chuyển hóa, trị liệu và chuyển hóa cho chính bản thân mình, cho đất Mẹ, cho cả vũ trụ chung quanh.
Trong kinh Đại Niết Bàn (Mahaparinirvara) có mô tả đời sống của Bụt vào năm cuối cùng, những nơi Ngài đặt chân đến, những người Ngài gặp và những bài pháp cuối cùng. Theo như kinh nói, Bụt đã an cư ba tháng mùa đông ở thành Vương Xá, phía Bắc sông Hằng. Sau đó Ngài đi về hướng Bắc để trở về thành phố quê hương của Ngài là Kapilavastu. Dù biết rằng đây là lần cuối cùng nhìn ngắm cảnh tượng xinh đẹp của thành Vương Xá, Ngài vẫn không đưa tay vẫy chào tạm biệt. Với đôi mắt của voi chúa, Ngài chỉ lẳng lặng quay lại nhìn thành Vương Xá lần cuối cùng rồi nói với thầy Anan: “Thầy có thấy thành Vương Xá đẹp không?”
Ngài trìu mến nhìn thành Vương Xá để đón nhận lần cuối cùng tất cả vẻ đẹp của nó, rồi Ngài tiếp tục đi về hướng Bắc.
Ngài luôn dùng đôi mắt của voi chúa để ngắm nhìn mọi vật, để có thể thấy được sâu hơn những gì đang xảy ra. Chúng ta cũng có đôi mắt của Bụt, đôi mắt của voi chúa. Nếu ta biết nhìn sâu vào vẻ đẹp của thiên nhiên quanh ta là ta đang nhìn bằng đôi mắt của Bụt. Ta là sự tiếp nối của Ngài, ta phải thay Ngài ngắm nhìn thế giới xinh đẹp chung quanh.
Khi ngồi thiền, ta cũng đang ngồi cho Bụt. Bụt trong ta đang ngồi lưng thẳng rất vững vàng. Ngài đang thưởng thức từng hơi thở vào ra, thong thả nhẹ nhàng. Ngài tiếp xúc được với mọi vẻ đẹp trong sáng đang có mặt quanh Ngài.
Khi ta biết nhìn bằng con mắt của Bụt thì cái gì cũng trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa. Ta cũng có thể lắng nghe bằng tai của Bụt. Ta làm được như vậy thì con cháu ta cũng sẽ có cơ hội được nhìn như Bụt nhìn, được nghe như Bụt nghe. Ta trao truyền đức Bụt trong ta cho con cháu ta qua cách ta đi, đứng, nằm, ngồi, nhìn ngắm. Kể cả cách ta ăn uống và tiêu thụ. Và điều này ta có thể làm được ngay bây giờ. Có như thế ta mới là sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, vị Thầy tâm linh của chúng ta.
Mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày là một cơ hội để chúng ta bước những bước thật ung dung nhẹ nhàng như Bụt, nhìn bằng con mắt từ bi của Bụt, nghe bằng lỗ tai của Bụt, và ngồi tĩnh tọa thật an nhiên và đầy hạnh phúc như Bụt. Ta dùng con mắt của Bụt để thưởng thức tất cả mọi vẻ đẹp của thế giới quanh ta. Làm được như thế, ta mới có thể giúp cho cha mẹ, tổ tiên và con cháu trong ta biểu hiện một cách đẹp đẽ, đồng thời ta cũng giúp cho thầy tổ của ta hoàn thành ước nguyện của mình. Đời sống của ta trở nên một thông điệp của tình thương, và ta đóng góp tích cực vào việc ngăn chận tình trạng nguy hại của trái đất.
Khi nhìn sâu vào tự thân của mình, ta thấy được những yếu tố lành mạnh của nước Chúa đang có mặt ngay trong ta. Nước Chúa hay cõi tịnh độ của Bụt không phải là một ý niệm mơ hồ mà là một thực tại sống động. Cây tùng xanh tươi xinh đẹp, đứng vững chãi trên đỉnh núi kia cũng thuộc về nước Chúa, cũng thuộc về tịnh độ, cả tiếng trẻ em cười đùa hồn nhiên và ngay cả bạn nữa cũng thuộc về tịnh độ. Khi ta nhận ra được điều đó, rằng tất cả những mầu nhiệm của cuộc sống đều thuộc về cõi tịnh độ, dòng sông êm đềm, trời xanh, mây trắng, hoa nở, chim ca, những ngọn núi hùng vĩ, mặt trời, sương, tuyết v.v… khi ta biết được tất cả những cái đó đều thuộc về cõi tịnh độ, thì ta mới biết cách để giữ gìn bảo vệ tịnh độ của chúng ta, ta không để chúng bị hũy diệt để con cháu chúng ta cũng có cơ hội được thừa hưởng.
Đức Bụt đã dạy ta về luân hồi, về những khổ đau cứ được lập đi lập lại nhiều lần. Nếu ta không thực tập, ta sẽ không chuyển hóa được khổ đau và sẽ không thoát khỏi được vòng luân hồi này. Nếu ta biết thở, biết đi thiền hành trong chánh niệm, biết an trú trong giây phút hiện tại thì ta không còn thấy cần phải tiêu thụ nhiều, phải chạy theo những đối tượng tham đắm mới có hạnh phúc. Ở làng Mai, không một ai có xe hơi riêng, hay điện thoại di động riêng. Các thầy cô và thiền sinh thường trú không ai có tiền lương mà vẫn có nhiều niềm vui và hạnh phúc, bởi vì họ có tình huynh đệ. Họ không cần phải chạy theo giấc mơ của người Mỹ (American dream). Với hơi thở chánh niệm, ta tiếp xúc được với trăng sao, mây nước, núi rừng. Khi ta có chánh niệm và chánh định hùng hậu thì bước chân nào cũng đưa ta về nước Chúa, về với cõi tịnh độ của Bụt.
Khi ta nhìn sâu vào lòng đóa hoa, ta thấy hoa được làm bằng nhiều yếu tố góp mặt lại. Ta thấy trong hoa có mây, bởi vì nếu không có mây thì sẽ không có mưa, và không có mưa thì không có một sinh vật nào có thể sống được. Nhìn vào đóa hoa ta có thể tiếp xúc được với mây và mưa. Đây không phải là thơ ca mà là một thực tại sống động. Nếu lấy mây và mưa ra khỏi hoa thì hoa sẽ không còn nữa. Bằng con mắt của Bụt, ta có thể thấy được mây và mưa trong hoa. Ta cũng có thể tiếp xúc được với mặt trời trong đóa hoa, vì nếu không có mặt trời thì không có gì có thể tồn tại được. Ta cũng không thể lấy mặt trời ra khỏi đóa hoa, vì hoa không thể nào tồn tại biệt lập với mọi thứ khác. Hoa tương tức với mọi thứ khác, với mặt trời, với rừng cây, với mây mưa v.v… Từ ‘tương tức’ diễn tả thực tại chính xác hơn là từ ‘hiện hữu’. Thật ra hiện hữu chính là hiện hữu trong tương tức.
Chúng ta cũng vậy, mà Bụt cũng vậy. Bụt cũng tương tức với mọi thứ khác. Ta phải thường xuyên quán chiếu về bản tính tương tức và vô ngã của mọi sự mọi vật, và trong đời sống hàng ngày phải thực tập như thế nào để thể hiện được thông suốt lý lẽ tương tức và vô ngã mà Bụt đã dạy. Làm sao tiếp xúc được với mưa, với mây trời, với rừng cây, với tiếng cười của trẻ thơ, với mọi vẻ đẹp của hành tinh Mẹ, tất cả đều đồng ca bài ca của vô thường, vô ngã, tương tức và duyên sinh.
Chúng ta đã gây quá nhiều tổn thương cho đất Mẹ, giống như những con vi khuẩn tàn hại cơ thể của ta. Đất Mẹ cũng là một cơ thể. Có những con vi khuẩn có lợi cho cơ thể con người, giúp cơ thể có thêm chất đề kháng, tạo ra những chất lên men (enzymes) mà cơ thể cần để phòng ngừa bệnh tật. Con người chúng ta cũng thế, nếu chúng ta sống có ý thức, có trách nhiệm, biết thương yêu chăm sóc cho nhau thì chúng ta trở nên một cơ thể cùng góp sức bảo vệ hành tinh Mẹ của chúng ta. Chúng ta và đất Mẹ là một, nếu Mẹ sống thì chúng ta sống, nếu Mẹ chết thì chúng ta cũng chết.
Thật là mầu nhiệm khi chúng ta biết rằng chúng ta là con một nhà, là con của đất Mẹ. Cho nên khi ta chung sống với nhau như một đại gia đình, ta nên biết quan tâm chăm sóc cho nhau, và chăm sóc môi trường của chúng ta. Khi một người trong đoàn thể thực tập có chuyển hóa thì mọi người khác cũng sẽ thay đổi. Việc bảo vệ môi sinh cần được chúng ta quan tâm ưu tiên. Chúng ta cần phải thảo luận vấn đề này với nhau cho nghiêm túc. Chúng ta có thể mời gia đình và bạn bè tham gia. Đức Bồ Tát Trì Địa cũng được mời để cùng chúng ta quyết định và hợp tác với nhau để kịp thời hành động cứu sống hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Ta chỉ cần thay đổi cách sống là ta có niềm vui ngay, chỉ cần thở một hơi có chánh niệm là đã thấy có trị liệu rồi. Ngay khi thở hơi thở đầu tiên có chánh niệm là sự trị liệu đã bắt đầu.