Chánh niệm

Những mầu nhiệm của sự sống

Khi ngồi cạnh một dòng suối, ta thấy sung sướng được nghe tiếng suối reo, được thấy dòng nước lấp lánh đang chảy, được ngắm nhìn những hòn sỏi bóng loáng và những cây xanh bên bờ suối. Ta với suối là một, ta hưởng được sự tươi mát, trong sáng và thanh tịnh của dòng suối. Nhưng rồi chỉ trong chốc lát, ta lại chán dòng suối vì tâm ta không an, trái tim ta nặng nề, lo lắng, bận rộn, suy nghĩ miên man về những thứ khác. Và ta không còn là một với dòng suối nữa.

Nếu ngồi trong một khu rừng yên tĩnh mà tâm ta bận rộn, ruổi rong về phố thị thì rừng có cũng như không. Khi ta sống bên cạnh một em bé hay một người bạn hiền thì sự tươi mát và thân thiện của người đó làm cho ta thấy khỏe khoắn, thư giãn. Ta được hưởng sự tươi mát và thân thiện đó. Ta là đứa trẻ, ta là người bạn. Nhưng nếu ta không an, tâm ta bận rộn không có mặt ở đó thì đứa bé và người bạn đó có cũng như không. Ta phải ý thức về sự quý giá của đứa bé hay của người bạn để thưởng thức sự có mặt của họ, để bồi đắp và nuôi dưỡng họ, để họ mãi là niềm hạnh phúc của ta. Nếu dại dột và thất niệm ta sẽ trở nên bất mãn, đòi hỏi quá đáng hoặc la mắng cãi cọ với họ thì ta sẽ mất họ. Đợi khi họ đi rồi ta mới nhận ra sự quý giá của họ và thấy tiếc nuối, thì khi đó đã quá trễ, có thương tiếc cũng vô ích.

Sự sống chung quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm như ly nước trong, tia nắng ấm, con bươm bướm, chiếc lá, nụ hoa, tiếng cười hay giọt mưa… Nếu sống trong tỉnh thức, ta sẽ dễ dàng nhận ra được những mầu nhiệm ấy đang có mặt khắp nơi. Trong ta cũng có vô số những mầu nhiệm. Đôi mắt ta có thể thấy được cả hàng ngàn sắc màu và hình ảnh, tai ta có thể nghe được tiếng ong hoặc tiếng sấm, óc ta có thể suy tưởng được từ một hạt bụi cho đến một thiên hà, trái tim ta thổn thức theo được nhịp tim của biết bao nhiêu loài sinh vật khác. Những lúc mệt mỏi hoặc chán nản vì những căng thẳng và áp lực của cuộc sống, có thể ta không thấy được những mầu nhiệm ấy, tuy nhiên chúng luôn luôn có đó cho ta.

Ta hãy nhìn cây táo trước sân nhà, nó là một thực tại mầu nhiệm. Hãy để ý, lân mẫn và chăm sóc nó, ta sẽ hưởng được sự mầu nhiệm ấy. Mới có một tuần mà nó tươi tốt hẳn lên, những chiếc lá xanh hơn và bóng hơn. Những người chung quanh ta cũng vậy. Nhờ có tỉnh thức mà ta để tâm nhiều hơn, thương yêu hơn và thông cảm hơn. Phong thái của ta không những nuôi dưỡng và làm đẹp cho ta mà còn nuôi dưỡng và làm đẹp cho những người chung quanh. Một người sống trong chánh niệm, bình an thì không những cả nhà được nhờ mà có thể làm thay đổi cả xã hội.

Tâm ta tạo ra mọi thứ. Đỉnh núi tuyết lấp lánh hùng vĩ kia, khi ta ngắm nó thì ta với nó là một. Nó tồn tại hay không tùy thuộc vào ý thức của ta. Khi tâm ta có mặt thì dù ta nhắm mắt lại đỉnh núi tuyết ấy cũng còn đó. Khi ngồi thiền, tuy có đóng bớt những cánh cửa giác quan lại, ta vẫn cảm nghe được sự có mặt của toàn thể vũ trụ. Tại sao? Tại vì tâm ta đang có mặt. Ta nhắm mắt lại cũng chỉ để thấy rõ hơn. Hình ảnh và âm thanh của thế giới không phải là kẻ thù của ta. Kẻ thù của ta là thất niệm, là sự vắng mặt của tâm, vắng mặt của chánh niệm.

Ngôi nhà đích thực

Ngôi nhà đích thực của ta là ở đây, ngay bây giờ, không giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc gia hay chủng tộc. Ngôi nhà đích thực không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là cái ta có thể tiếp xúc được, chạm được và sống được trong mỗi phút giây. Với năng lượng chánh niệm, chánh định, năng lượng tỉnh thức của Bụt, ta có thể tìm thấy ngôi nhà đích thực của ta ngay trong giây phút hiện tại khi thân và tâm ta thư giãn hoàn toàn. Không ai có thể lấy ngôi nhà đó đi được.

Ngừng nói chuyện và suy tư, trở về theo dõi hơi thở vào ra thật sâu, ta sẽ thấy thoải mái dễ chịu trong ngôi nhà đích thực của mình và ta có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống. Đây là con đường mà đức Bụt đã chỉ dạy cho chúng ta. Khi thở vào, ta đưa thân và tâm về lại với nhau và trở thành một với thân tâm. Thiết lập thân tâm trong niệm và định, ta bước một bước. Nếu ta bước được một bước trong chánh niệm thì ta cũng sẽ bước được những bước khác và những bước khác nữa trong chánh niệm. Ta có một tuệ giác, một cái thấy đây là ngôi nhà đích thực của ta, ta đang còn sống, ta đang có mặt hoàn toàn và ta đang tiếp xúc với sự sống rất rõ ràng. Ngôi nhà đích thực của ta là thực tại vững chắc mà ta có thể tiếp xúc được bằng đôi chân, đôi tay và bằng tâm thức của ta.

Đó là nền tảng cho ta tiếp xúc với ngôi nhà đích thực của mình và nhận ra ngôi nhà đích thực trong giây phút hiện tại. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của niệm và định. Thở một hơi thở chánh niệm hay bước một bước chân ý thức là ta có thể đưa tâm trở về với thân. Trong đời sống hằng ngày, thân và tâm ta thường đi hai hướng khác nhau. Chúng ta thường ở trong trạng thái xao lãng, tán loạn. Thân thì ở một nơi mà tâm lại ở một nẻo. Thân ta thì đang mặc áo mà tâm ta lại bận rộn lo nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Tuy nhiên giữa thân và tâm có một cái gắn liền với nhau, đó là hơi thở. Ngay khi trở về với hơi thở ý thức, thở cho nhẹ nhàng thư thái thì thân và tâm hợp nhất với nhau rất nhanh. Trong khi thở vào, đừng nghĩ ngợi gì cả, chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở vào. Đầu tư hoàn toàn con người mình vào hơi thở vào. Ta trở thành một với hơi thở vào. Và như vậy là ta có định. Định trên hơi thở vào sẽ đưa thân tâm về lại với nhau. Chỉ trong vòng một giây thôi là ta có thể làm được điều ấy. Tự nhiên ta thấy ta có mặt hoàn toàn và thật sự đang sống.

Định

Định làm phát sinh hỷ lạc. Khi uống trà thì giá trị của ly trà phụ thuộc vào định lực của ta. Chúng ta phải uống trà với một trăm phần trăm con người mình. Niềm vui thật sự là uống trà trong định. Khi đi, nếu chúng ta có định lực một trăm phần trăm thì niềm vui của ta sẽ lớn hơn rất nhiều. Chúng ta phải đầu tư một trăm phần trăm thân tâm của mình trong khi bước đi. Chúng ta sẽ chứng nghiệm được đang còn sống và bước đi trên hành tinh này là những điều mầu nhiệm.

Thiền sư Lâm Tế nói rằng: “Phép lạ là đi trên mặt đất mà không phải đi trên mặt nước hay đi trên than hồng”. Phép lạ là đi trên mặt đất, tại sao ta không thực hiện phép lạ bằng cách đi? Một bước chân chánh niệm có thể đưa ta về với an lạc/chính mình/thiện lànhcõi Tịnh độ. Điều này chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể làm ngay ngày hôm nay. Cuộc sống quá đỗi quý giá chúng ta không nên đánh mất mình trong những ý niệm, giận hờn hay tuyệt vọng. Chúng ta phải đánh thức sự sống mầu nhiệm. Chúng ta phải sống cho trọn vẹn, cho thật sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. 

Khi nâng ly trà trên tay, ta phải có mặt một trăm phần trăm. Một hơi thở vào sâu, một hơi thở ra nhẹ và thân tâm hợp nhất là ta có thể làm được điều ấy. Ý thức là mình đang còn sống. Chỉ mất mười hay mười lăm giây thôi, tự nhiên ly trà hiển lộ cho ta với tất cả những mầu nhiệm, ý vị, thanh tao của nó.

Khi cầm một quyển sách hay mở cửa, tôi luôn đầu tư một trăm phần trăm con người tôi vào đó. Điều này tôi học được khi thầy tôi dạy tôi cách dâng hương. Cây hương rất nhỏ và rất nhẹ, nhưng khi nào cũng cầm bằng hai tay. Khi dâng hương chúng ta phải đầu tư một trăm phần trăm con người mình vào hai bàn tay và vào hai ngón tay. Năng lượng chánh niệm phải có mặt ở đó. Chúng ta có thể xem việc dâng hương là một nghi lễ nhưng đúng thực đó là một hành động ý thức, là một định lực. Chúng ta dâng hương cho Bụt, nhưng Bụt có thật sự cần hương không? Thật ra chúng ta đang dâng lên sự bình an, hỷ lạc và định lực của ta cho Bụt.

Tự do

Điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Nếu trong tâm ta có điều gì đó khiến ta cứ suy nghĩ hoài rồi kẹt vào nó thì ta không có tự do. Nếu kẹt vào những buồn giận trong hiện tại hay nuối tiếc về quá khứ, hoặc lo lắng về tương lai thì ta không thực sự có tự do để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Trời xanh, mây trắng, hoa vàng, chim chóc, những cái cây vững chãi xinh đẹp, những khuôn mặt dễ thương của trẻ con có thể nuôi dưỡng và trị liệu ta trong giây phút hiện tại.

Nhiều người trong xã hội không có hạnh phúc, cho dù những điều kiện hạnh phúc luôn có đó. Tập khí luôn đẩy họ đi, làm cho họ phải vội vã, ngăn không cho họ hạnh phúc trong cái bây giờ, ở đây. Chỉ cần một chút luyện tập là ta có thể học cách nhận diện tập khí mỗi khi nó trồi lên. Tại sao ta phải chờ đợi để có hạnh phúc? Khi đi ta đi như thế nào mà mỗi bước chân đưa tới sự nuôi dưỡng và trị liệu. Điều này không khó, chúng ta có thể làm được.

Cho dù chúng ta là một thương gia đang đi qua lại trong văn phòng, hay một đại biểu quốc hội đi qua lại trong trụ sở quốc hội, hay một cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ trên đường, chúng ta cũng có thể luôn bước đi trong chánh niệm và thưởng thức từng bước chân của mình. Nếu biết được nghệ thuật đi trong chánh niệm thì chúng ta hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại bây giờ, ở đây. Chúng ta có mặt cho sự sống và sự sống có mặt cho chúng ta.

Trong chúng ta ai cũng có khuynh hướng chạy. Ta chạy suốt đời và bây giờ cũng vẫn tiếp tục chạy, chạy về tương lai. Ta đã tiếp nhận tập khí này từ cha mẹ ông bà và tổ tiên ta. Ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có ở tương lai, hạnh phúc đang đợi ta ở đó. Khi biết cách nhận diện tập khí chạy, ta có thể sử dụng hơi thở chánh niệm, mỉm cười với tập khí và nói: “Xin chào người bạn cũ, tôi biết là bạn đang ở đó”. Thì ta sẽ có tự do vượt thoát khỏi tập khí. Ta không cần phải đấu tranh với nó. Trong sự thực tập không có sự đấu tranh. Chỉ cần nhận diện và ý thức những gì đang xảy ra. Khi tập khí chạy xuất hiện, ta chỉ mỉm cười và trở về với hơi thở chánh niệm thì tập khí sẽ không còn ràng buộc sai khiến ta nữa, ta tiếp tục thưởng thức hơi thở vào ra và tận hưởng giây phút hiện tại.

Nghỉ ngơi

Này các bạn, giả sử có một người nào đó ném viên sỏi lên trời và viên sỏi rơi xuống dòng sông. Sau khi viên sỏi chạm được mặt nước thì nó từ từ chìm xuống dòng sông. Nó rơi xuống dưới đáy sông mà không cần một nỗ lực nào cả. Khi viên sỏi rơi xuống đáy sông thì nó tiếp tục nghỉ ngơi. Nó để cho dòng nước đi qua nó.

Viên sỏi đến được đáy sông bằng con đường ngắn nhất bởi vì nó cho phép nó rơi mà không cần một cố gắng nào. Khi ngồi thiền ta cũng cho phép mình nghỉ ngơi như viên sỏi vậy. Ta thả lỏng cơ thể và để cho mình rơi xuống một cách tự nhiên trong tư thế ngồi, trong tư thế nghỉ ngơi mà không cần cố gắng. Nghỉ ngơi là một pháp môn thực tập rất quan trọng. Chúng ta phải học cho được nghệ thuật này.

Nghỉ ngơi là bước đầu của thiền tập. Thân và tâm ta cần được nghỉ ngơi. Ta phải cho phép chúng nghỉ. Vấn đề là nhiều người không biết cách nghỉ ngơi. Chúng ta luôn luôn cố gắng đấu tranh và đấu tranh đã trở thành một tập khí. Ta ngồi không yên, lăng xăng hết chuyện này đến chuyện khác, đấu tranh suốt đời. Ngay cả trong khi ngủ ta cũng vẫn đấu tranh. Điều quan trọng là ta phải nhận ra ta đang có tập khí đấu tranh. Ta phải có khả năng nhận diện khi chúng biểu hiện, bởi vì nếu ta nhận diện được tập khí thì tập khí sẽ giảm bớt cường độ và không còn khả năng đẩy ta đi nữa.

Thiền tập trước hết là có mặt, có mặt cho cái bồ đoàn (gối ngồi), có mặt cho con đường thiền hành. Ăn cũng là thiền nếu ta thật sự có mặt một trăm phần trăm cho thức ăn. Cái cốt yếu là có mặt. Vì thế khi tập thiền đừng cố gắng gì hết. Cho phép mình nghỉ ngơi giống như viên sỏi. Viên sỏi nghỉ ngơi dưới đáy sông và không cần phải làm gì cả. Khi đi ta cũng nghỉ ngơi, khi ngồi ta cũng nghỉ ngơi.

Nếu ta cố gắng, ép mình trong khi ngồi thiền hay đi thiền thì ta đang không thực tập đúng cách. Đức Bụt nói rằng: “Tu vô tu tu”. Thực tập cái không thực tập. Điều này rất có ý nghĩa. Không cần cố gắng gì cả. Bỏ hết mọi cố gắng nỗ lực. Cho phép mình là mình, cho phép mình nghỉ ngơi.

Khi ngồi thiền trên chiếc bồ đoàn tôi thấy rất thích thú dễ chịu. Tôi không cố gắng một tí nào. Tôi chỉ cho phép mình có mặt và nghỉ ngơi. Vì không cố gắng nên tôi không thấy mệt mỏi khi ngồi thiền. Vì không cố gắng nên tất cả các cơ bắp của tôi được buông thư. Nếu ta cố gắng trong suốt buổi ngồi thiền, ta sẽ đau vai, đau lưng ngay. Nếu cho phép mình nghỉ ngơi trên chiếc bồ đoàn thì ta có thể ngồi rất lâu và mỗi phút là một sự nhẹ nhàng, tươi mát, có công năng nuôi dưỡng và trị liệu.

Chúng ta ngồi thiền không phải để giải thoát giác ngộ. Không. Ngồi thiền trước hết là để cho vui. Đi thiền trước hết là để đi cho vui. Ăn cũng để ăn cho vui. Nghệ thuật là phải có mặt một trăm phần trăm.

Phải có mặt thật sự. Có mặt một trăm phần trăm con người mình trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đó là yếu chỉ của thiền. Mỗi người trong chúng ta đều biết rằng chúng ta có thể làm được điều đó, vì vậy chúng ta phải luyện tập để sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đó là lý do tại sao tôi muốn định nghĩa chánh niệm là một nguồn năng lượng giúp ta có mặt một trăm phần trăm. Nguồn năng lượng đó là nguồn năng lượng của sự có mặt đích thực. Thở vào chúng ta lặp lại: ở đây, ở đây. Thở ra: bây giờ, bây giờ. Từ ngữ tuy khác nhau nhưng nội dung thì giống nhau. Tôi đã về ở đây. Tôi đã về ngay bây giờ. Tôi đã tới ở đây. Tôi đã tới ngay bây giờ.

Thực tập như vậy là chúng ta đang thực tập dừng lại. Dừng lại (chỉ) là thiền tập căn bản của đạo Bụt. Chúng ta dừng lại việc chạy đi hoang, dừng lại những cố gắng, đấu tranh. Chúng ta cho phép mình nghỉ ngơi để làm lắng dịu và trị liệu những đau nhức trong thân tâm.

Sự có mặt đích thực

Phép lạ của chánh niệm trước hết là sự có mặt. Sự có mặt đích thực rất quan trọng. Có mặt cho chính mình và có mặt cho người mình thương. Làm sao ta có thể thương được nếu ta không có mặt. Điều kiện căn bản của thương yêu là sự có mặt. Đó là điều tiên quyết, rõ ràng. May mắn cho ta là sự thực tập này không khó lắm. Chỉ cần thở và buông bỏ những suy nghĩ, kế hoạch là ta đã có thể có mặt. Trở về với chính mình, tập trung tâm ý vào hơi thở và mỉm cười. Thân tâm hợp nhất và sống cho trọn vẹn. Đó là một phép lạ.

Có những người quanh ta đang sống mà như đã chết. Họ nhai đi nhai lại quá khứ, sợ hãi tương lai và bị kẹt vào những giận hờn, ganh tỵ trong hiện tại. Họ không thực sự sống được, họ giống như những thi thể đang di động. Với con mắt chánh niệm ta có thể nhận ra được họ, họ đi như những thây ma, dở sống dở chết. Chúng ta thấy thương cho những người ấy. Họ không biết rằng cuộc sống chỉ có được trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.

Chúng ta phải tập sống trở lại. Đây là sự thực tập hằng ngày của chúng ta. Với một hơi thở vào là ta đã có thể đưa tâm trở về với thân, sống được với cái bây giờ và ở đây. Hạnh phúc và bình an là điều mà ta có thể đạt được. Ta phải có ước hẹn với sự sống ngay bây giờ và ở đây.

Chúng ta phải trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Tất cả chúng ta đều có khả năng bước đi trong cõi Tịnh độ. Ta đã có tất cả những gì ta cần: đôi chân, buồng phổi, đôi mắt và một cái tâm. Với một ít thực tập ta có thể chế tác được năng lượng chánh niệm, giống như thắp lên một ngọn đèn. Một khi đã thật sự sống, thì bước đi một bước là ta đã đi vào được cõi Tịnh độ.

Cõi Tịnh độ không chỉ là ý niệm. Cõi Tịnh độ là một thực tại sống động mà ta có thể tiếp xúc được trong đời sống hằng ngày. Nếu không vào được cõi Tịnh độ ngay bây giờ thì trong tương lai ta cũng sẽ không bao giờ vào được. Tất cả chúng ta đều có khả năng vào được đó, không chỉ bằng tâm mà bằng đôi chân của ta. Năng lượng chánh niệm giúp ta làm được điều này. Với một bước chân chánh niệm là ta có thể tiếp xúc được với cõi Tịnh độ bây giờ và ở đây.

Hơi thở chánh niệm

Hơi thở chánh niệm giúp ta duy trì sự có mặt trong giây phút hiện tại. Chúng ta không nên điều khiển hơi thở. Hơi thở là một cái gì rất tự nhiên như không khí, ánh sáng. Chúng ta phải để cho nó tự nhiên mà đừng can thiệp vào. Điều chúng ta có thể làm là thắp lên một ngọn đèn ý thức để chiếu rọi vào hơi thở. Chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm để chiếu sáng vào tất cả những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Khi thở vào, ta có thể nói: “Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào”. Thực tập như vậy, năng lượng chánh niệm sẽ ôm lấy hơi thở vào, giống như ánh sáng mặt trời ôm lấy những ngọn lá cành cây. Ánh sáng chánh niệm có mặt ôm lấy hơi thở, rất nhẹ nhàng, không bạo động, không can thiệp. Khi thở ra, ta có thể nói: “Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra”.

Tôi chăm sóc hơi thở của tôi như một em bé nhỏ yếu ốm. Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào. Tôi để cho hơi thở đi vào một cách tự nhiên. Tôi vui mừng hân hoan là hơi thở tôi còn đó. Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra. Tôi mỉm cười với hơi thở ra. Thực tập như vậy, ta có thể đạt được niềm vui lớn, và nếu tiếp tục thêm một phút, ta sẽ thấy hơi thở của ta đã khác đi rồi. Sau một phút thực tập hơi thở chánh niệm mà không kỳ thị thì phẩm chất của hơi thở sẽ được tăng tiến. Hơi thở trở nên lắng dịu hơn và dài hơn, sự hài hòa nhẹ nhàng từ hơi thở sẽ thấm vào thân thể và tâm thức ta.

Chúng ta thử thực tập như thế trong khi ta có niềm vui, chẳng hạn như khi ta ngắm mặt trời lặn và tiếp xúc với những cái đẹp của thiên nhiên. Tôi đang thở vào, thật hạnh phúc! Tôi đang thở ra, mặt trời rất đẹp. Tiếp tục như thế trong vài phút. Tiếp xúc với những cái đẹp của thiên nhiên làm cho sự sống đẹp hơn, thực hơn. Càng có chánh niệm và chánh định ta càng tiếp xúc sâu sắc với mặt trời lặn. Hạnh phúc của ta tăng lên gấp mười, hai mươi lần. Ngắm nhìn chiếc lá, nụ hoa hay lắng nghe tiếng chim hót bằng năng lượng chánh niệm, ta sẽ tiếp xúc với chúng sâu sắc hơn. Sau một phút thực tập niềm vui của ta sẽ tăng trưởng, hơi thở của ta sẽ sâu lắng, nhẹ nhàng, thư thái hơn. Chính cái nhẹ nhàng, sâu lắng này ảnh hưởng lên thân thể ta.

Hơi thở chánh niệm là chiếc cầu đưa thân và tâm về lại với nhau. Nếu qua hơi thở chánh niệm, ta chế tác được sự hài hòa, sâu lắng, tĩnh lặng thì những yếu tố ấy sẽ thấm vào thân tâm ta. Kỳ thực, những gì ảnh hưởng đến tâm sẽ ảnh hưởng đến thân và ngược lại. Nếu chúng ta chế tác được bình an trong hơi thở thì sự bình an này sẽ thấm vào thân tâm ta. Nếu đã từng tập thiền thì ta sẽ khám phá ra được điều này. Nếu ta đã từng ôm ấp hơi thở vào và hơi thở ra một cách nhẹ nhàng thì chúng cũng trở lại ôm ấp thân tâm ta. Bình an ‘lây lan’. Hạnh phúc cũng ‘lây lan’. Bởi vì khi thiền tập thì ba yếu tố thân, tâm và hơi thở trở thành một.

Khi thở vào, ta tôn trọng hơi thở vào. Thắp lên ngọn đèn chánh niệm để chiếu rọi vào hơi thở vào. “Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào”. Rất đơn giản. Nếu hơi thở vào ngắn, ta ý thức là hơi thở vào ngắn. Thế thôi. Ta không cần đánh giá. Chỉ nhận diện đơn thuần: hơi thở của tôi ngắn và tôi biết là hơi thở của tôi ngắn. Đừng cố gắng kéo cho nó dài ra. Hãy để cho nó ngắn. Và khi hơi thở vào của ta dài, ta nói: “Hơi thở vào của tôi dài”.

Chúng ta tôn trọng hơi thở vào ra, tôn trọng hình hài và tâm thức ta. Hơi thở vào đang đi vào, hơi thở ra đang đi ra. Vào, ra. Giống như chơi vậy, nhưng đem lại cho ta nhiều hạnh phúc. Trong suốt quá trình thực tập, không có một sự căng thẳng nào. Ta hoàn toàn có mặt cho sự sống. Và nếu ta có mặt cho sự sống thì sự sống cũng có mặt cho ta. Rất đơn giản.

Đi như Bụt đi

Thiền hành là một pháp môn quan trọng trong đạo Bụt, là một sự thực tập tâm linh rất sâu sắc. Khi bước đi Bụt không cần phải cố gắng. Bụt chỉ đi thôi. Bụt không cần cố gắng, bởi vì khi đi Bụt tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của cuộc sống trong tự thân và chung quanh Ngài. Đây là cách thực tập hay nhất, không mang tính hình thức. Chúng ta hãy thử đi như vậy, đi để mà đi, không cần gắng sức, không cần đấu tranh, nhưng đó là một sự thực tập rất thâm sâu. Đức Bụt nói: “Sự thực tập của tôi là tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng”.

Nhiều người trong chúng ta khó chấp nhận được ý tưởng thực tập không cần cố gắng mà có thể thong dong, thoải mái trong chánh niệm. Đó là do ta không đi bằng hai chân của mình. Có khi chân ta đi, nhưng tâm ta thì lại đang ở một nơi nào khác. Ta không đi hết thân tâm của mình. Ta thấy thân và tâm là hai cái riêng biệt, có khi thân đi một đường mà tâm thì kéo ta đi về một nẻo khác.

Trong khi đó đối với Bụt, thân và tâm là hai mặt của một thực tại. Đi, đơn giản chỉ là đặt bàn chân này tiếp nối bàn chân kia. Nhưng thường không biết cách đi thì người ta thấy mệt mỏi và chán nản. Khi hiểu được sự liên hệ mật thiết giữa thân và tâm, ta sẽ đi được như Bụt, ta sẽ cảm thấy rất thoải mái và thú vị.

Ta có thể bước một bước, tiếp xúc sâu sắc với mặt đất và thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Đã về đã tới, bây giờ ở đây. Ta không cần cố gắng gì cả. Chân ta tiếp xúc với mặt đất một cách chánh niệm. Ta đã thật sự “về” với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tự nhiên ta có tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ một dự án, lo lắng, mong chờ nào. Ta hoàn toàn có mặt, ý thức mình đang còn sống và đang tiếp xúc với mặt đất.

Khi đi thiền một mình, ta có thể thử thực tập như sau: Thở vào, bước một bước và chú tâm hoàn toàn vào lòng bàn chân của mình. Nếu ta chưa “về” được một trăm phần trăm thì đừng bước thêm bước nào nữa cả. Ta có thể lãng phí thì giờ nếu làm vậy. Khi nào chắc chắn mình đã về được hoàn toàn với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây, tiếp xúc được với thực tại một cách sâu sắc thì ta hãy mỉm cười và bước đi bước kế tiếp. Đi như vậy, ta sẽ in lên mặt đất sự vững chãi, thảnh thơi và niềm an vui của ta. Bàn chân ta như một con dấu của vị quốc vương. Khi đóng dấu lên một tờ giấy nào, con dấu sẽ làm cho tờ giấy đó trở nên quan trọng. Con dấu làm nên một dấu ấn. Nhìn vào dấu chân của ta, ta thấy gì? Ta thấy dấu ấn của tự do, dấu ấn của vững chãi, dấu ấn của hạnh phúc, dấu ấn của sự sống.

Ta có khả năng bước được một bước như thế bởi vì trong ta có Bụt, có Phật tánh, có khả năng ý thức những gì đang xảy ra. Cái đang xảy ra là: “Tôi đang còn sống, tôi đang bước đi”. Là con người có ý thức, chúng ta phải có khả năng làm được điều này. Trong mỗi chúng ta ai cũng có Bụt trong tự thân mình, chúng ta hãy để cho Bụt đi.

Tiếp xúc với đất Mẹ

Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta thực tập “Sám Pháp địa xúc” mỗi ngày. Sự thực tập này giúp ta rất nhiều. Dù không phải Phật tử nhưng nếu ta thực tập phương pháp này cũng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Khi nào thấy bất an, thiếu tự tin hoặc giận hờn, khổ đau ta có thể quỳ xuống và tiếp xúc sâu sắc với đất Mẹ bằng đôi tay của mình. Tiếp xúc với đất Mẹ như thể đất Mẹ là cái ta yêu quý nhất trên đời, là người bạn thân thiết nhất của ta.

Đất đã có đó từ lâu lắm rồi. Đất là Mẹ của tất cả chúng ta. Đất Mẹ biết hết tất cả mọi thứ. Trước khi thành đạo, Bụt còn nghi ngờ và sợ hãi, Bụt đã bắt ấn địa xúc, đặt tay lên mặt đất và xin đất làm chứng cho Ngài. Đất xuất hiện như một bà Mẹ xinh đẹp. Trên đôi tay của Mẹ mang theo nhiều hoa trái, bướm chim và nhiều loài cầm thú khác nhau để hiến tặng cho Bụt. Những nghi ngờ và sợ hãi của Bụt tan biến ngay. Khi nào có khổ đau, hãy trở về với đất Mẹ và xin đất Mẹ giúp đỡ. Tiếp xúc với đất Mẹ thật sâu sắc giống như Bụt, thì tự nhiên ta thấy đất Mẹ xuất hiện với nhiều hoa trái, cây cối, chim chóc, động vật và các loài sinh vật khác mà Mẹ đã sinh ra. Đất Mẹ hiến tặng tất cả những thứ ấy cho ta. Ta có nhiều cơ hội hạnh phúc hơn là ta tưởng. Đất Mẹ cho ta tình thương và sự kiên nhẫn. Đất Mẹ rất kiên trì và nhẫn nại. Đất Mẹ hiểu được nỗi khổ của ta, đất Mẹ sẽ giúp ta và bảo hộ cho ta. Khi ta chết, đất Mẹ cũng đón ta trở về trong vòng tay của Mẹ.

Trở về với đất Mẹ chúng ta rất an toàn. Đất Mẹ luôn luôn có đó với tất cả những mầu nhiệm như cây xanh, hoa cỏ, ong bướm và ánh nắng mặt trời. Bất cứ lúc nào mệt mỏi hay khổ đau, thực tập địa xúc sẽ giúp ta trị liệu và phục hồi lại sự tươi mát an vui của mình.

Sống chánh niệm

Khi ăn sáng cho dù ăn rất ít, ta cũng ăn như thế nào để có tự do và thảnh thơi. Trong khi ăn, đừng nghĩ đến tương lai, đừng nghĩ đến những chuyện ta sẽ phải làm. Sự thực tập của ta là chỉ ăn sáng thôi. Buổi ăn sáng có mặt cho ta. Ta phải có mặt cho buổi ăn sáng. Chúng ta phải nhai mỗi miếng thức ăn cho vui vẻ và thảnh thơi.

Khi cầm miếng bánh mì trên tay, tôi nhìn nó và thỉnh thoảng mỉm cười với nó. Miếng bánh mì là sứ giả của vũ trụ, hiến tặng chất dinh dưỡng cho ta và nuôi nấng ta. Nhìn sâu vào miếng bánh mì, ta thấy mặt trời, đám mây và đất Mẹ. Không có mặt trời thì lúa mì không thể lên được. Không có mây thì sẽ không có mưa và như vậy thì lúa cũng không thể lên được. Không có đất Mẹ thì không có gì có thể tồn tại được. Vì vậy miếng bánh mì ta cầm trong tay là một mầu nhiệm của sự sống. Nó có đó cho ta. Ta phải có mặt cho nó.

Ta ăn với niềm biết ơn. Khi đưa miếng bánh mì vào miệng ta chỉ nhai bánh mì mà đừng nhai dự án, kế hoạch, lo lắng, sợ hãi và giận hờn. Đó là sự thực tập chánh niệm. Nhai trong chánh niệm, ta biết rằng ta đang nhai bánh mì, đang nhai thực phẩm mầu nhiệm của sự sống. Điều này đem đến cho ta nhiều tự do và an vui. Mỗi miếng thức ăn ta đều ăn như thế. Đừng để mình bị lọt ra khỏi bữa ăn sáng.

Khi đánh răng, ta để ra bao nhiêu thời gian cho việc đánh răng? Ít nhất là một phút, có thể là hai phút. Đánh răng như thế nào để có thảnh thơi, an lạc và tự do, đừng để mình bị lôi kéo bởi những chuyện mình sẽ làm sau đó. “Tôi đang đứng đây, đang đánh răng và vẫn còn răng để đánh. Tôi có kem đánh răng và bàn chải đánh răng. Tôi đang còn sống, đang có tự do và đang đánh răng rất thảnh thơi”. Đừng để cho mình trở thành nô lệ của quá khứ hoặc tương lai. Đây là sự thực tập tự do. Và nếu tự do có mặt thì ta đánh răng rất thoải mái thảnh thơi. Đừng để bị lôi kéo bởi những suy nghĩ và sợ hãi.

Ở Mỹ người ta gọi nhà vệ sinh là phòng nghỉ (restroom). Thật thú vị. Ta có thấy mình được nghỉ ngơi khi vào nhà vệ sinh không? Ở Pháp người ta gọi nhà vệ sinh là phòng dễ chịu (la cabine d’aisance). Aisance nghĩa là dễ chịu. Ta có thấy dễ chịu khi vào đó không? Có thấy thoải mái không? Khi dùng nhà vệ sinh, ta phải thấy thoải mái dễ chịu và tận hưởng thời gian trong nhà vệ sinh. Khi đi tiểu tôi cho phép mình có mặt hoàn toàn cho việc đi tiểu. Nếu có tự do thì đi tiểu rất thích thú dễ chịu. Ta đầu tư một trăm phần trăm thân tâm vào việc đi tiểu. Điều đó có thể đem đến cho ta nhiều tự do và an vui.

Khi lái xe, thay vì nghĩ tới nơi đến, ta tận hưởng từng giây phút trong khi lái xe. Trước khi cho pháp thoại tôi không bận tâm, lo lắng về vấn đề: “Các bạn sẽ hỏi tôi những câu hỏi gì và tôi sẽ phải trả lời như thế nào?” Tôi không lo lắng cho vấn đề đó một chút nào cả. Từ phòng đến thiền đường, tôi đi rất thảnh thơi và thưởng thức sâu sắc từng bước chân của mình. Khi đến, tôi thấy rất tươi mát và sẵn sàng trả lời cho những câu hỏi được đặt ra. Chúng ta có thể sống chánh niệm trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

Trị vì năm uẩn

Mỗi người trong chúng ta đều có chủ quyền về lãnh thổ năm uẩn của chính mình. Năm uẩn là sắc (thân thể), thọ, tưởng, hành và thức. Sự thực tập của ta là nhìn sâu vào năm uẩn để khám phá ra tự tính của ta, khám phá ra bản chất của khổ đau, hạnh phúc, an lạc và sợ hãi trong ta.

Nếu từ bỏ lãnh thổ của chính mình thì ta không phải là những nhà trị vì có trách nhiệm. Ta không thực tập đàng hoàng, thay vì trở về chăm sóc lãnh thổ của mình ta lại chạy trốn và để cho những xung đột, bất ổn, rối loạn xâm chiếm. Ta sợ trở về lãnh thổ của chính mình để đối diện với những khó khăn và khổ đau. Bất cứ lúc nào có 15 phút hay một, hai giờ rảnh rỗi là ta có tập khí mở ti vi lên coi, đọc báo, nghe nhạc, chuyện trò hay gọi điện thoại để quên đi nỗi khổ đau đang có trong ta, và ta chạy trốn thực tại năm uẩn đã làm nên con người mình: “Tôi khổ đau quá, tôi có quá nhiều vấn đề, tôi không muốn trở về đó nữa”. Chúng ta phải trở về với thân thể và thiết lập lại trật tự của nó. Đức Bụt đã dạy cho ta những phương pháp thực tập rất cụ thể. Ngài dạy rất rõ rằng: để thanh lọc và chuyển hóa những yếu tố trong mình ta phải vun trồng chánh niệm. Chánh niệm sẽ cho ta sức mạnh để trở về với tự thân.

Chánh niệm là một cái gì rất cụ thể mà ta có thể chế tác và vun trồng. Khi ta đi trong ý thức thì những bước chân bình an vững chãi làm ra năng lượng chánh niệm và đưa ta trở về giây phút hiện tại. Khi ta ngồi theo dõi hơi thở, ý thức hơi thở vào ra là ta đang chế tác năng lượng chánh niệm. Ăn cơm trong chánh niệm, ta đầu tư một trăm phần trăm vào giây phút hiện tại, ý thức về thức ăn và những người đang cùng ngồi ăn với ta. Ta có thể chế tác chánh niệm trong khi đi, khi thở, khi làm việc, khi rửa bát, khi giặt áo… Thực tập vài ngày như thế sẽ làm tăng trưởng nguồn năng lượng chánh niệm trong ta. Chính nguồn năng lượng này giúp ta, bảo hộ ta, cho ta can đảm để trở về với chính mình, để hiểu chính mình và ôm ấp những gì đang có trong lãnh thổ của mình.

Có những nỗi khổ đau thật sự, những cảm xúc mạnh, những tư tưởng phiền muộn, những nhận thức sai lầm làm cho ta giận dữ, bực bội, lo lắng, bất an và sợ hãi. Bằng năng lượng chánh niệm ta có mặt cho những cảm thọ, tâm hành khó ở này mà không chạy trốn. Ta có thể ôm ấp chúng như cách một người mẹ ôm lấy đứa con thơ và nói với chúng: “Con ơi, mẹ đang có mặt đây cho con, mẹ đã trở về, mẹ sẽ chăm sóc con”. Chúng ta có thể thực tập như thế với tất cả những cảm xúc, cảm thọ và tri giác của ta.

Khi mới bắt đầu thực tập đạo Bụt, chúng ta tập làm một đức Bụt bán phần (part-time Buddha), từ từ ta trở thành đức Bụt toàn phần (full-time Buddha). Đôi khi ta rơi xuống làm đức Bụt bán phần trở lại, nhưng với sự thực tập đều đặn ta sẽ trở lại làm đức Bụt toàn phần. Phật tính ở trong tầm với của ta, vì ta cũng là một con người như Bụt. Chúng ta có thể trở thành Bụt bất cứ lúc nào ta muốn. Đức Bụt luôn có đó cho ta ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây và bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Là một đức Bụt bán phần, có thể ta không có nhiều truyền thông tốt, nhưng khi trở thành đức Bụt toàn phần thì ta có hạnh phúc và truyền thông tốt với mọi người dù bất kỳ khó khăn nào xảy ra.

Thành Bụt không khó lắm. Bụt là một người giác ngộ, có khả năng thương yêu và tha thứ. Ta thấy thỉnh thoảng ta cũng có những khả năng ấy. Vì vậy ta hãy làm Bụt. Khi ngồi, ta để cho Bụt trong ta ngồi. Khi đi ta để cho Bụt trong ta đi. Làm gì cũng làm cho thoải mái, thong thả, thảnh thơi. Hãy tận hưởng sự thực tập của mình. Nếu ta không làm Bụt thì ai sẽ làm Bụt?

Tập khí

Có một câu chuyện thiền kể về một anh chàng đang cưỡi ngựa. Anh ta phi ngựa rất nhanh như thể anh đi đâu quan trọng lắm. Một người đàn ông đứng bên lề đường thấy vậy liền hỏi lớn: “Anh đi đâu vậy?”. Anh ta trả lời: “Tôi không biết. Hỏi con ngựa.” Có thể ta cười anh ta, nhưng đó cũng là câu chuyện của ta. Ta đang cưỡi ngựa mà không biết mình đang đi đâu. Và ta không thể dừng lại được. Con ngựa là tập khí của ta đang lôi kéo ta đi, còn ta thì yếu thế, bất lực. Ta luôn chạy, và chạy đã trở thành tập khí của ta. Lúc nào ta cũng đấu tranh kể cả trong khi ngủ. Ta đấu tranh với chính mình và rồi đấu tranh với người khác.

Ta phải học nghệ thuật dừng lại. Dừng lại những suy nghĩ, dừng lại những tập khí, dừng lại những thất niệm và dừng lại những cảm xúc mạnh đang thống trị ta. Khi cơn bão cảm xúc đi lên, ta bất an, đứng ngồi không yên. Ta mở ti vi lên, rồi lại tắt ti vi. Ta cầm quyển sách lên rồi lại bỏ sách xuống. Làm sao ta có thể dừng lại tình trạng bực bội, bất an này? Làm sao ta có thể dừng lại được những nỗi sợ hãi, thất vọng, giận hờn và tham lam? Ta có thể dừng lại bằng hơi thở chánh niệm, bằng lời nói ái ngữ, bằng nụ cười ý thức và bằng cách nhìn sâu. Khi có chánh niệm, tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại thì luôn luôn sản sinh ra hoa trái hiểu biết, chấp nhận và thương yêu, khiến cho ta có ước muốn làm vơi đi nỗi khổ đau và đem niềm vui đến cho người.

Tuy nhiên tập khí thường mạnh hơn ước muốn. Ta không muốn nói và làm những điều ấy nhưng rồi ta vẫn nói vẫn làm, sau đó ta lại cảm thấy hối hận. Ta làm cho mình, cho người khác khổ, và gây nên nhiều tổn hại cho nhau. Ta nguyện lần sau sẽ không lặp lại nữa, nhưng lần sau ta vẫn làm y như vậy. Tại sao? Tại vì tập khí đẩy ta, khiến ta làm.

Chúng ta cần năng lượng chánh niệm để nhận diện tập khí và có mặt cho nó để dừng lại quá trình phá hoại này. Nhờ chánh niệm mà ta có khả năng nhận diện tập khí khi chúng phát khởi. “Xin chào tập khí, tôi biết em ở đó”. Chỉ cần ta mỉm cười là cường độ của nó sẽ giảm xuống. Chánh niệm là một năng lượng cho phép ta nhận diện tập khí và ngăn ngừa không cho nó hoành hành ta.

Thất niệm là ngược lại. Uống trà mà ta không biết là ta đang uống trà. Ngồi với người thương mà ta không ý thức là người thương đang ở bên cạnh ta. Ta đi mà không thực sự đi. Ta mơ mơ màng màng, đang ở đâu đâu, nghĩ về quá khứ, mơ tưởng tương lai. Con ngựa tập khí lôi kéo ta và giam hãm ta. Ta phải biểu con ngựa dừng lại và giành lại tự do của mình. Ta cần chiếu ánh sáng chánh niệm vào những gì ta đang làm để cho bóng tối của thất niệm tan đi.

Bóng tối trở thành ánh sáng

Hãy quán chiếu những chuyển biến đang xảy ra trong tâm dưới ánh sáng ý thức. Ngay cả hơi thở của ta cũng thay đổi và trở thành không hai (bất nhị, tôi không muốn nói là một) với người đang quán chiếu. Suy nghĩ và cảm thọ cũng vậy, khi ta quán chiếu về chúng, chúng sẽ được chuyển hóa ngay. Khi ta không phán xét hoặc đè nén thì chúng trở nên gắn bó không thể tách rời được với cái tâm đang quán chiếu.

Có những lúc ta thấy bực bội bất an và cái bực bội bất an đó cứ ở hoài trong ta không chịu đi. Đừng phê phán hay đàn áp nó, hãy ngồi yên theo dõi hơi thở, mỉm một nụ cười trầm lặng và chiếu ánh sáng ý thức vào cái bực bội bất an đó. Bởi vì nó cũng chính là ta. Nó xuất hiện, ở lại một thời gian, rồi sau đó nó sẽ biến mất, rất tự nhiên. Đừng vội vàng đi tìm hiểu nguyên nhân, cũng đừng cố xua đuổi nó. Chỉ chiếu ánh sáng vào nó. Từ từ nó sẽ đổi thay, nó sẽ hòa vào, liên hệ mật thiết và hợp nhất với người đang quán chiếu. Bất kỳ một trạng thái tâm lý nào nếu ta chiếu rọi ánh sáng ý thức vào thì nó cũng được nhẹ nhàng ra và mang màu sắc của tâm người đang quán chiếu.

Trong khi thiền tập hãy giữ cho ý thức luôn được chiếu sáng thường trực. Giống như mặt trời đang chiếu sáng vào mỗi lá cây, ngọn cỏ; ý thức chánh niệm cũng soi tỏ mọi suy tư, cảm thọ. Soi tỏ để nhận diện, ý thức sự sinh khởi, tồn tại và hủy diệt mà không phán xét, không đánh giá, không mời mọc và cũng không xua đuổi. Điều quan trọng là ta không coi ý thức chánh niệm là phe chánh, là đồng minh của ta, đem đến để đàn áp phe tà, kẻ thù của ta, những suy nghĩ phóng túng. Đừng biến tâm mình thành một bãi chiến trường. Đừng để cho chiến tranh xảy ra. Tất cả những cảm thọ: vui buồn, giận hờn, thù hận… đều là ta. Ý thức chánh niệm giống như một người anh, người chị lớn, có mặt đó để hướng dẫn và khai sáng cho ta, rất nhẹ nhàng, ân cần và chu đáo. Chánh niệm là sự có mặt rất sáng suốt và bao dung, không bạo động, không kỳ thị. Chỉ nhận diện những suy nghĩ và cảm thọ, không phê phán, không phân loại chánh tà, tốt xấu để dàn trận đánh nhau. Sự xung đột giữa tốt và xấu thường được so sánh với sự xung đột giữa ánh sáng và bóng tối, nhưng nếu nhìn một cách khác ta sẽ thấy khi ánh sáng chiếu vào thì bóng tối biến mất. Bóng tối không chạy đi đâu cả, nó hòa vào ánh sáng, hợp nhất với ánh sáng và trở thành ánh sáng.

Thiền tập không phải là đi đánh giặc, không phải đấu tranh với những rắc rối trong lòng. Thiền nghĩa là quán chiếu, là quan sát. Nụ cười của ta là để chứng minh cho điều ấy. Nó minh chứng rằng ta đang rất nhẹ nhàng với chính mình, mặt trời ý thức đang chiếu rọi lên ta làm cho ta có chủ quyền trong mọi tình huống. Ta là ta, ta đạt tới một mức độ an lạc nào đó. Chính sự an lạc này làm cho trẻ con muốn đến gần ta.

Ngày quán niệm

Ta nên thực tập chánh niệm từng ngày từng giờ. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Vì vậy mỗi người nên cố gắng sắp xếp, dành một ngày trọn vẹn cho sự thực tập này. Cố nhiên, theo nguyên tắc thì ngày nào cũng là ngày của mình, giờ nào cũng là giờ của mình, ngày nào cũng là ngày chánh niệm, giờ nào cũng là giờ chánh niệm, tuy nhiên rất ít người làm được điều đó. Ta nghĩ rằng gia đình, sở làm, xã hội đã cướp hết thời gian của ta. Vì vậy ta nên dành mỗi tuần một ngày cho mình.

Nếu ta chọn thứ Bảy thì phải trọn vẹn ngày thứ Bảy, ngày mà ta có thể làm chủ hoàn toàn. Ngày thứ Bảy sẽ là ngày tạo cho ta có thói quen chánh niệm. Những người làm công tác hòa bình hay phụng sự tăng thân, cho dù là công việc có cấp bách cỡ nào cũng có quyền có một ngày như thế. Bởi vì không có ngày này ta sẽ đánh mất mình mau chóng trong cuộc sống nhiều lo toan bận rộn, và như vậy những đóng góp của ta sẽ nhanh chóng trở thành vô hiệu hóa. Bất kỳ ngày nào được chọn, cũng được xem là ngày quán niệm.

Chúng ta nghĩ ra cách nào đó để nhắc nhở mình khi thức dậy, rằng hôm nay là ngày quán niệm. Ta có thể treo cái gì đó lên trần nhà, hoặc lên tường. Có thể là từ chánh niệm, hoặc là một cành thông… bất cứ thứ gì có thể nhắc ta nhớ rằng hôm nay là ngày quán niệm khi ta mới mở mắt. Hôm nay là ngày của ta. Hãy nhớ điều đó. Có thể ta nở một nụ cười để khẳng định ta đang hoàn toàn có chánh niệm, nụ cười sẽ nuôi dưỡng chánh niệm trong ta.

Khi còn nằm trên giường, ta bắt đầu theo dõi hơi thở ý thức, nhẹ nhàng và sâu lắng. Rồi từ từ ngồi dậy (thay vì ngồi dậy ngay như bình thường), ý thức vào mỗi động tác của ta. Thức dậy, ta đi đánh răng, rửa mặt… làm tất cả những công việc ấy một cách thong thả, nhẹ nhàng, thảnh thơi và tĩnh lặng. Mỗi thao tác đều được làm trong chánh niệm. Theo dõi hơi thở, nắm lấy nó, đừng để cho suy nghĩ lôi kéo ta đi. Đo bước chân bằng hơi thở nhẹ sâu và duy trì nụ cười trên môi.

Để ra ít nhất nửa giờ để tắm. Tắm thong thả và chánh niệm để khi tắm xong ta thấy nhẹ nhàng, tươi mát và sảng khoái. Sau đó ta có thể làm công việc nhà như rửa bát, quét dọn, lau bàn, hút bụi, chùi nhà bếp, xếp sách lên kệ… Bất cứ công việc nào ta cũng làm thong thả, thoải mái và chánh niệm. Đừng làm cho mau xong. Nhất quyết làm cho thảnh thơi với tất cả sự chú tâm của mình. Làm một cách thích thú, vui tươi và trở thành một với nó. Nếu không thì ngày quán niệm không có giá trị gì cả. Cảm giác mệt mỏi, chán nản sẽ sớm biến mất nếu ta làm trong chánh niệm. Hãy lấy gương của các vị thiền sư, bất kỳ công việc nào quý Ngài cũng làm thong thả, đều đặn và hết lòng.

Những người mới bắt đầu thực tập thì cách hay nhất là duy trì im lặng hùng tráng suốt ngày. Điều này không có nghĩa là ngày quán niệm thì ta không được nói chuyện. Ta có thể nói, thậm chí ta còn hát nữa, nhưng nếu ta nói hoặc hát thì phải nói và hát trong chánh niệm và cũng nên hạn chế tối đa. Tất nhiên ta cũng có thể vừa hát vừa thực tập chánh niệm nếu ta ý thức được là ta đang hát. Cũng nên ý thức là khi hát hoặc nói ta sẽ dễ bị mất chánh niệm hơn nếu như sự thực tập của ta còn yếu.

Khi ăn trưa, ta chuẩn bị bữa ăn trưa của ta cho đàng hoàng. Nấu ăn và rửa bát trong chánh niệm. Buổi sáng sau khi dọn dẹp nhà cửa hoặc buổi chiều sau khi làm vườn, ngắm mây hay hái hoa… ta pha một bình trà và ngồi xuống uống trà trong chánh niệm. Cho mình có đủ thời gian để uống trà. Đừng uống trà như những người uống vội tách cà phê giữa giờ nghỉ giải lao. Uống trà cung kính và chậm rãi như trái đất đang quay vậy, đều đặn, khoan thai, không vội vã cho những gì sắp tới. Sống hết lòng với giây phút hiện tại. Chỉ có giây phút này là giây phút đáng sống. Đừng vướng bận đến tương lai. Đừng lo lắng cho những gì phải làm. Đừng nghĩ đến chuyện đứng dậy đi làm cái gì đó.

Buổi tối, ta có thể đọc kinh, đọc sách, viết thư cho bạn, hoặc làm bất cứ điều gì ta thích ngoài những công việc thông thường trong tuần. Bất cứ điều gì ta làm cũng làm trong chánh niệm. Buổi tối ta nên ăn nhẹ để có thể ngồi thiền nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Ta có thể đi bách bộ để hưởng không khí trong lành, theo dõi hơi thở và đo chiều dài hơi thở bằng bước chân của ta. Sau đó đi về phòng ngủ trong chánh niệm. Ngày quán niệm như thế rất quan trọng. Ảnh hưởng của nó không thể lường được. Chỉ sau ba tháng thực tập ngày quán niệm một tuần một lần, cuộc sống của ta sẽ đổi thay đáng kể. Ngày quán niệm sẽ ảnh hưởng đến những ngày khác trong tuần khiến ta sống cả bảy ngày trong chánh niệm. Tôi tin chắc là các bạn thấy ngày quán niệm rất quan trọng.