CHƯƠNG 3: Giới và sự tu tập nghiêm túc

Giới Sự tu tập nghiêm túc

Là những người theo Đạo Bụt ở Tây Phương, chúng ta thừa nhận di sản tinh thần của truyền thống xuất gia, nhưng lại có khuynh hướng tự coi mình vượt thoát ra ngoài lề lối tu tập xưa cổ, giới hạn và loại trừ này. Hầu hết chúng ta đều không phải là tu sĩ. Những trung tâm Phật giáo của chúng ta không thể gọi là tu viện theo bất cứ một định nghĩa truyền thống nào. Dầu vậy chúng ta đã theo đuổi cùng một mục đích là đưa sự nghiệp của Bụt Thích Ca Mâu Ni và các hậu duệ Á Đông của Ngài đi tới trong thời đại, địa phương và văn hoá chúng ta. Chúng ta có đang làm điều ấy hay không? Lối tu tại gia của chúng ta có phải là một sản phẩm tự nhiên của truyền thống cũ trong hoàn cảnh mới hay không? Hay không khéo chúng ta lại đang tạo ra một cái gì đó từ những vật liệu đương thời và vỏn vẹn tô lên bên ngoài một lớp sơn Phật giáo?

Chúng ta không phải là những người đầu tiên phải đối diện với những câu hỏi như vậy. Đạo Bụt, sau bước du nhập vào Trung Quốc, chuyển sang bước kế tiếp là kiến lập các tự viện và đoàn thể phước điền cho giới cư sĩ sùng đạo – với sắc thái Trung Quốc. Nếp sống không lao tác thời nguyên thỉ đã được gác sang một bên. ‘Một ngày không làm, một ngày không ăn’, đó là tuyên bố của Thiền sư Bách Trượng, người sáng lập ra Thiền Môn Thanh Quy. Tuy nhiên, phần lớn công việc đều là bảo trì. Bố thí cúng dường (Dana) xưa nay vẫn là nền tảng của những đoàn thể Phật Giáo Đông Á. Người tại gia đóng góp lớn vào việc cấp dưỡng cho người xuất gia và chùa chiền. Ở Nhật, khuôn hội được nhóm hợp bởi các gia đình Đàn Việt (Danka.)

Sự thế tục hoá đạo Bụt đã lên đường. Hãy lại lấy Nhật Bản làm ví dụ, sự cải tổ thời đại Kamakura vào thế kỷ 13 đã chuyển phần nào trách nhiệm thực hành giáo pháp sang giới cư sĩ. Phật Giáo nhìn chung đã có một sự suy hoại trong tiến trình này, dầu vậy ta lại có thể thấy những người bình dân niệm danh hiệu Bụt hay ngồi chỉ toạ, tham vấn với tu sĩ về sự tu tập hay cùng tham dự khóa tu với người xuất gia. Trong các phái Tân Phật Giáo, như Rissho Koseikai, ngay đến những người chủ trì cũng chẳng phải là người xuất gia, vai trò của họ cũng giống như các mục sư Tin Lành.

Trong các Đạo Tràng Phật giáo Đại Thừa của người Tây Phương chúng ta, các tu sĩ nam hay nữ đều có lễ công nhận, thế nhưng đối các giới cũ về Phạm hạnh, đã bị xói mòn qua các cuộc cải cách, thì bây giờ gần như không mấy ai hành trì. Các điều lệ về lao tác của dòng Biển Đích (Benedictine) [4] đã được áp dụng và một số Đạo tràng tìm cách tự túc bằng con đường kinh doanh. Người tại gia chiếm số đông, và cùng tu chung với các tu sĩ. Cũng có các Đạo Tràng Phật giáo Nam Tông va Mật Tông xuất hiện ở Tây Phương – Nam Tông thì chẳng mấy đặt nặng truyền thống xuất gia, còn Mật Tông thì lại ít có người đi tu.

Thời điểm đã đến lúc chín muồi để những người Phật tử Tây Phương chúng ta kiểm điểm lại vốn liếng. Hãy bắt đầu bằng chủ ý của Bụt: Chắc chắn Ngài muốn Tăng Đoàn là một cái gì nhiều hơn là một hội ái hữu những người chia sẻ cùng những ước vọng tôn giáo chung. Là một viên ngọc quý trong Đạo, Tăng Già, theo Bụt, là tập thể nhóm hợp một cách tự nhiên, cống hiến những phương tiện tốt nhất cho con người có thể đạt tới sự giải thoát khổ đau. Thêm nữa, Giới Luật, bắt nguồn từ những ước lệ tự thuở xa xưa nào trên xứ Ấn Độ và Ba Tư, theo Bụt, chính là cách ứng xử của mỗi người tu Đạo.

Qua bao nhiêu đổi thay trong Đạo Bụt, những người theo Đạo Phật vẫn trung thành với quan điểm Tăng Đoàn là giáo đoàn tu theo Phật Pháp, và Giới Luật là nếp sống của Tăng Đoàn. Tuy nhiên, như một thực thể sinh động, Tăng Đoàn cũng đang tiến hoá. Bà Joanna Macy đã cho ta thấy các thầy Nam Tông ở Tích Lan đã thay phiên nhau cầm xẻng như thế nào trong phong trào Sarvodaya Shramadaya, một phong trào tự túc tự lực trên nhiều bình diện trong mỗi làng ấp tại Tích Lan. Các Phật tử tại gia ở Tây Phương nghĩ, như một lẽ đương nhiên, rằng họ chịu trách nhiệm cho sự tu tập của chính mình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người ‘Thầy’ hay ‘Sư’ đại diện cho truyền thống Phật giáo Việt Nam ở phương Tây, đã ưu tư nhiều về Tăng Bảo. Dòng tu Tiếp Hiện của Thầy gồm có những Tiếp Hiện nam và nữ ở châu Âu và khắp nơi trên thế giới. Những khoá tu di động cua Thầy cung ứng cho những người Tiếp Hiện này và các thiền sinh một dạng phục hồi của Tăng Đoàn mà các bậc Hiền Thánh ngày xưa đã có được trong những kỳ An Cư mùa Mưa [5]. Cũng như với Tăng Đoàn nguyên thỉ của Bụt, giáo pháp cơ bản hàng đầu là Giới Luật, con đường của đức hạnh. Học trò của Thầy học sống đàng hoàng tử tế với nhau, và như những người đàng hoàng tử tế, họ bắt tay vào việc cứu độ cho nhiều người.

Pancasila, Năm Giới căn bản của giáo lý nguyên thỉ, đã được Thấy Nhất Hạnh lấy làm nền tảng cho sự tu tập này. Thầy trình bày mỗi Giới theo chiều hướng tích cực trong khi vẫn duy trì sức mạnh phủ định, dứt khoát của chúng. Cách trình bày của Thầy trung thành với dụng ý sâu xa của Bụt, và đồng thời lại phù hợp với những môn đồ thời đại, sẵn sàng nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm cho sự tu tập của mình. Vì vậy, ‘Tôi nguyện không giết hại’ trở thành: ‘Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh Đại Bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.’

Biến lời nguyện này thành lời nguyện của riêng ta, ta cũng biến lối sống này thành lối sống của riêng mình, chấp nhận một cách khiêm nhượng rằng: ‘Với tất cả những yếu kém và sai sót của mình, con xin gánh nhận vai trò Bồ Tát.’ Con đường của một vị Bồ Tát là sự thực tập ‘không giết hại’, nhưng ‘không giết hại’ nghĩa là gì, nếu không phải là nuôi dưỡng cuộc đời, cụ thể bằng mỗi nụ cười và lời nói khích lệ? Và những điều ‘không’ trong các giới – ‘không trộm cắp’, ‘không nói dối’, v…v…– kia là gì nếu không phải là sự tu tập, từ mỗi cá nhân, hạnh đại bi và bảo vệ mọi người, mọi loài, cỏ cây, cần thú và đất đá! Ngôn ngữ hay đẹp của Thầy Nhất Hạnh đã nới rộng tầm cỡ của Giới – và tôi nghĩ rằng đây là điều mà hầu hết các vị thầy Tây phương đều nhắm tới.

Nếu trong những thế kỷ vừa qua, Giới là những cam kết hình thức hay những thể thức trừu tượng, thì thời ấy đã không còn nữa. Trong hầu hết các trung tâm của chúng tôi, Giới được tham cứu trong các lớp học và các hướng dẫn cần thiết cho lễ Quy Y. Sự tìm hiểu Giới và các buổi lễ Quy Y như vậy, đưa ta đến chỗ hiểu biết rõ rệt rằng mình là con người, dù trình độ chứng đắc của mình đến đâu. Không có cái tuyệt hảo, ngoại trừ cái tuyệt hảo trong tâm mà chúng ta cố gắng vươn tới với hết khả năng mình khi sống giữa gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cuộc đời. Là thầy cũng như trò, chúng ta cần luôn hết lòng nhớ nghĩ và hành trì Giới trong đời sống hằng ngày, bằng không thì phải chăng chúng ta chỉ là những người Phật tử bề ngoài, có thể làm lây lan ra nhiều điều tai hại như chúng ta đã đau lòng trông thấy.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, cuối chuyến du hành dài, khi chàng thanh niên Thiện Tài Đồng Tử bước vào bảo điện của Bồ Tát Di Lặc, chàng nhận ra có vô số cung điện bên trong, ngôi nào cũng đẹp đẽ trang nghiêm. Bước vào một trong những cung điện bên trong ấy, chàng lại thấy có vô số cung điện chứa đựng bên trong nữa. Đến đây Thiện Tài Đồng Tử nhận ra – thể nghiệm – tấm Lưới Châu Báu của Vua Trời Đế Thích, mỗi điểm trên đó là một viên lưu ly phản chiếu trọn vẹn tất cả những viên lưu ly khác. Mỗi chúng sanh, mỗi yếu tố của một chúng sanh, đều chứa đựng trọn vẹn tất cả những thành phần khác. Cuối cùng, Thiện Tài Đồng Tử, với tất cả sự tỉnh giác, đã thể nhập vào tự tánh, với tư cách một viên ngọc không thể tách lìa của mạng lưới tương tức.

Cũng như mọi câu chuyện dân gian, cuộc hành trình của Thiện Tài Đồng Tử tự thân nó là một ngôi đền để mỗi chúng ta tự dấn thân và thể nghiệm, như một đấng anh thư hay một trang hào kiệt, với tư cách của người trưởng thành, bô lão hay thiếu niên. Cuộc hành trình của Thiện Tài Đồng Tử là một sự nhân cách hóa, không phải chỉ để nói lên mục tiêu tối hậu của cuộc hành trình tâm linh, mà còn vẽ lên kích cỡ của mỗi bước trên đường hành Đạo.

”Kích cỡ của mỗi bước” này được chiếu soi bởi giới luật của Bụt. ”Không giết hại” là gì nếu không phải là thể hiện sự thân thiết cùng cực mà ta tán thán nơi Thiện Tài Đồng Tử, làm cho sự thân thiết ấy càng ngày càng trở nên hiện thực hơn, cụ thể bằng mỗi nụ cười nuôi dưỡng và mỗi lời nói khích lệ. Còn những điều ”không” trong các giới – ”không trộm cắp”, ”không tà dâm”, v…v… – kia là gì nếu không phải là việc các anh, chị Thiện Tài Đồng Tử ở đây và bây giờ phô bày những châu ngọc ngàn năm của họ!

Còn với sự thông đồng phá hoại nhạo báng các ẩn dụ, có thể đưa các nền văn minh của Bồ Tát Quan Âm , Đức Mẹ Maria, nữ văn hào Murasaki [6] và nhạc sĩ Bach lên dàn hoả thiêu thì sao? Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải tìm những phương tiện thích hợp để biến mạng lưới châu báu trở thành hiện thực ở ngay bên trong và ngay bên cạnh các vấn đề khai thác khách tiêu thụ và quyền lợi quốc gia. Đây là một bước nằm bên kia cổng chùa, chư tổ chưa từng lưu gót đến. Nhưng nó là một bước đi, một con đường nhất thiết phải có do sự có mặt của khối liên minh tà ngụy của tham lam, tự ái quốc gia, kỳ thị chủng tộc, trọng nam khinh nữ, và kỹ thuật. Tất nhiên, đây không phải là một con đường dễ dàng. Tôi xin tri ân Thầy Nhất Hạnh, bởi ngọn đèn và đồ chúng của Thầy đang đưa đường chỉ lối cho chúng ta.

 

[4]. Theo điều lệ của dòng Benedictine của Ki Tô giáo, các tu sĩ dòng nay phải kiếm sống bang việc làm của mình. Vi dụ các tu sĩ trong tu viện Portsmouth, Rhode Island, Hoa Kỳ điều hành một trường học. Nhiều tu viện khác chế tạo rượu Benedictine. [chú thích của người dịch]

[5]. Có những ngộ nhận cho rằng dòng tu Tiếp Hiện là một phái ‘Tân Tăng.’ Kỳ thực, dòng tu Tiếp Hiện hành trì theo 14 Giới Tiếp Hiện với ý hướng Đạo Bụt nhập thế (tiếp nối tinh thần Bồ Tát Đạo), dòng Tiếp Hiện bao gồm hai giới xuất gia và tại gia. Người Tiếp Hiện xuất gia, đương nhiên, thọ trì Giới Ba La Đề Mộc Xoa cùng với Giới Tiếp Hiện. [chú thích của người nhuận.]

[6]. Nữ văn sĩ Nhật (973-1025), viết văn có tiếng và từng làm quan. Lúc cuối đời bà từ quan đi tu. [chú thích của người dịch]