Nơi nuôi dưỡng và chữa trị
Gia Đình Phật Tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia Đình Phật Tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia Đình Phật Tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Có thể là trong gia đình em bé không có hạnh phúc: Em bé không có được hạnh phúc với cha, với mẹ, với anh, với chị; khi tới trường thì em bé cũng không có hạnh phúc với thầy, với bạn. Bởi vì trong gia đình có thể có sự bạo động, có sự lộn xộn, có sự chia rẽ. Trong học đường cũng vậy, ở đó bây giờ cũng có những bạo động, những tệ nạn phản ảnh cái xã hội mà trong đó học đường có mặt. Chẳng những gia đình phản chiếu sự tệ hại của xã hội mà ở học đường cũng phản chiếu điều đó. Em bé không có hạnh phúc trong gia đình mà cũng không có hạnh phúc trong học đường thì em bé chỉ còn có một cơ hội chót là Gia Đình Phật Tử. Đó là nơi để nuôi dưỡng và chữa trị những vết thương của em. Đó là nơi trao truyền cho các em những phương pháp để các em có thể sống hạnh phúc trong gia đình, trong học đường của các em. Nhưng Gia Đình Phật Tử có làm được phận sự đó hay không hay là chúng ta cũng đã sa vào cái chủ nghĩa gọi là hình thức?
Chúng ta là Huynh Trưởng, là anh, là chị, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc, phải tháo gỡ những khó khăn, khổ đau cho những đứa em của chúng ta. Những khó khăn, khổ đau đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống gia đình của em, một gia đình thiếu sự vững chãi, thiếu sự thực tập, thiếu hòa thuận, và thiếu hạnh phúc. Những thương tích đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống học đường, đã bị ảnh hưởng của những người bạn xấu đầy bạo động, đã sống bất cần không theo một nguyên tắc đạo đức và tâm linh nào cả. Một em bé bị tổn thương như vậy khi tới với các anh, các chị, liệu các anh, các chị có đủ sức, đủ tài năng, đủ đức độ để chữa trị cho em, để cho em bớt khổ khi trở về nhà, để em có thể đem một ít sự thực tập về nhà giúp cho gia đình mình? Và khi đi vào học đường em có thể đóng vai trò gương mẫu cho những học trò khác hay không? Sứ mệnh đó là một sứ mệnh rất lớn của Gia Đình Phật Tử.
Chúng ta đã biết rằng Gia Đình Phật Tử không thể nào làm việc đơn độc được. Những tệ hại, những vết thương gây ra cho em bé từ gia đình cũng như từ học đường rất lớn. Một mình Gia Đình Phật Tử với một số rất ít Huynh Trưởng không có đủ thì giờ, không có đủ sự huấn luyện, không có đủ tư liệu thì có thể bảo bọc, chữa trị, nuôi dưỡng được các em bé bị thương hay không? Nếu Gia Đình Phật Tử chỉ đứng đơn độc một mình không có sự yểm trợ của gia đình huyết thống, cũng không có sự yểm trợ của thầy trụ trì địa phương (nhiều khi thầy không cho sinh hoạt trong chùa) thì chúng ta có thể làm gì được trong vai trò của mình? Chúng ta phải thực tế, chúng ta đừng có sống bằng những danh từ, chúng ta không thể hồ hởi, phấn khởi bằng những thành công hình thức. Chúng ta phải hiểu rõ thực chất và mục đích của tổ chức.