Ngồi thở và kinh hành

Tại chùa, chúng ta ngồi thiền ở thiền đường. Nhiều chùa chỉ có Phật đường mà không có thiền đường, và Phật đường cũng được sử dụng làm thiền đường. Từ đầu thế kỷ thứ ba, thiền sư Tăng Hội đã bắt đầu dạy thiền ở nước ta rồi, chùa chiền ở nước ta do đó đều đã thực tập thiền. Chùa có khi cũng gọi là Chiền. Chữ Chiền chắc là từ chừ Thiền mà ra. Ta cũng gọi chùa là chữ Thiền, hay là Thiền môn nữa. Tới giờ ngồi thiền, ta nghe ba tiếng chuông báo hiệu. Biết đã tới giờ thiền tọa, ta nhiếp niệm, theo dõi hơi thở, đứng dậy, đi rửa mặt rồi khoác áo dài. Áo quần cần phải rộng để ta ngồi thiền cho thoải mái. Ta làm tất cả mọi cử động ấy (đi, đứng, rửa tay, mặc áo v.v….) một cách ung dung, thong thả, im lặng, vẫn nhiếp tâm và theo dõi hơi thở, ta tiến về phía thiền đường. Bức vào thiền đường, ta thấy không khí thanh tịnh và êm mát, ta thầm đọc bài kệ sau đây:

Vào thiền đường

Thấy chân tâm

Một ngồi xuống

Dứt trầm luân

Ta chắp tay búp sen, nghiêng mình làm lễ các Bụt và Tổ, rồi thong thả đi đến chỗ ngồi đã được chỉ định. Chắp tay làm lễ tọa cụ (gối ngồi) ta thầm đọc bài kệ:

Ngồi đây ngồi cội bồ đề

Vững thân chánh niệm không hề lãng xao

Và ta ngồi xuống.

Lúc này, ba hồi chuông bảo chúng đang được vọng lên khoan thai. Ta có thể vừa theo dõi tiếng chuông, vừa chỉnh đốn thế ngồi. Ta ngồi quay mặt vào vách Thiền đường. Ta kê tọa cụ (gối ngồi) thế nào để cho thế ngồi của ta vững vàng và toàn thân ta thấy thoải mái. Ta có đủ thì giờ để điều thân nghĩa là để đi tới một thế ngồi vững chãi và an lạc, bởi vì ba hồi chuông đang được thỉnh một cách rất khoan thai. Chiếc gồi ngồi cuả ta phải đừng thấp quá cũng đừng cao qua thì ta mới đạt tới thế ngồi ta muốn. Do đó ta phải chọn trước gối ngồi của ta.

Bạn ngồi theo tư thế hoa sen (kiết già) hoặc nửa hoa sen (bán già). Trong tư thế hoa sen, bàn chân phải đạt trên bắp chân và bàn chân trái đặt trên bàn chân phải, hoặc ngược lại. Trong tư thế nửa hoa sen, bàn chân phải đặt trên bắp chân trái, hay ngược lại. Sống lưng bạn thẳng, nhưng không cứng, mắt bạn có thể mở và nhìn về phía trước chừng một thước tây. Nếu mới tập ngồi, bạ nên nhờ người khác nhìn tư thế ngồi cuả bạn và cho bạn biết thế ngồi đó đã đúng và đẹp chưa, lưng có thẳng không, vai có ngang nhau không và đầu có ngả về sau hoặc chúi về trước không. Bàn tay mặt đặt thoải mái trên bàn tay trái, hoặc ngược lại. Bạn buông thả hết tất cả các bắp thịt trong toàn thân bạn. Chỉ cần giữ cho sống lưng thẳng và duy trì chánh niệm theo hơi thở ra vào mà thôi.

Điều chỉnh xong thế ngồi, ta thầm đọc bài kệ điều thân sau đây:

Trong tư thế kiết già

Đóa hoa nhân phẩm nở

Hoa Ưu Đàm muôn thuở

Vẫn tỏa ngát hương thơm

Tư thế ngồi thiền là một trong những tư thế đẹp nhất của con người. Ngày xưa Bụt Thích Ca Mâu Ni đã đạt tới nhân phẩm cao nhất của con người trong thế ngồi đó dưới cội cây bồ đề.

Điều chỉnh thế ngồi xong, ta xoay sang điều chỉnh hơi thở. Ta thở ra cho không khí trong phổi ra hết rồi bắt đầu thực tập bài kệ sau đây:

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời

Trong khi thở vào, ta để hết tâm ý vào hơi thở. Hơi thở cần nhẹ nhàng, khoan thai và liên tục như một dòng nước nhỏ chảy trong cát mịn. Hơi thở càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì thân tâm của ta càng dễ thanh tịnh bấy nhiêu. Hơi thở ấy gọi là hơi thở tinh tế, khác với hơi thở gấp rút, hổn hển và đứt quãng mà gọi là hơi thở thô phù. Hơi thở tinh tế làm cho thân tâm lắng dịu và dễ trở thành tinh tế. Đây là điều kiện để có an lạc cho thân tâm và có chánh niệm. Trong khi thở vào như thế, ta biết là ta đang thở vào, ta thấy hơi thở ta đang đi vào trong từng tế bào của cơ thể ta đem đến sự an lạc trong từng tế bào ấy. Không khí ta thở vào không phải chỉ đi tới phổi; dưỡng khí lọc máu và thật sự đi theo máu về tận các tế bào trong cơ thể. Trong khi thầm đọc câu “thở vào tâm tĩnh lặng”, ta thấy thanh khí đi vào trong ta, làm tĩnh lặng và an lạc từng tế bào của cơ thể ta. Trong lúc trời nóng nực, uống vào một ly nước đá chanh, ta thấy như nước đi tới đâu thì ruột gan ta mát rượi tới đó. Khi thở vào ta cũng thấy hơi thở ta đang đem lại sự thanh tịnh an lạc cho từng tế bào của cơ thể ta. Hơi thở làm an lạc cho cả thân cả tâm; tuy nói tâm tĩnh lặng nhưng ta đừng phân biệt tâm với thân; ta hãy cho tâm với thân là một bởi vì trong thiền tập, thân với tâm quả là một (thân tâm nhất như) (Nói như vậy, nhưng bạn đừng vội bị lôi cuốn theo những lý luận triết học như thân chỉ là tâm  hoặc tâm chỉ là thân v.v…)

Thở được một hơi vào như thế bạn đã thấy an lạc và thanh tịnh rồi, cho nên khi thở ra, bạn đã có thể mỉm cười. Bạn thở ra, cũng nhẹ nhàng, cũng khoan thai, cũng liên tục trong khi miệng mỉm cười. Bạn thở tới đâu thì biết tới đó, và bạn thầm đọc câu thứ hai của bài kệ: Thở ra miệng mỉm cười.

Bạn phải mỉm cười thật sự, dù nụ cười của bạn rất nhẹ. Trên mặt ta, có hàng trăm bắp thịt nhỏ. Khi ta mỉm cười, các bắp thịt ấy tự khắc thư giãn lại, hệ thần kinh cũng thư giãn lại, và ta cảm thấy thoải mái an lạc. Các nhà khoa học đều đồng ý với nhau về điểm này. Khi ta an lạc, ta mỉm cười, và khi ta mỉm cười, ta được an lạc. Pho tượng nào diễn tả được nụ cười nhẹ nhàng và an lạc của Bụt là một pho tượng thành công. Nếu may mắn, bạn có thể thỉnh được một pho tượng Bụt như thế để về thiết trí phòng Tĩnh Tâm của bạn.

Đời sống mới đầy dẫy những lo âu và bạn ít có dịp để mỉm cười. Áp lực của đời sống hàng ngày và những lo âu và bực dọc thường làm cho bắp thịt và thần kinh căng thẳng lại. Nếu không tập khoan thư thần kinh bằng cách ngồi thiền, đi thiền, thở và mỉm cười thì tình trạng có thể trở thành nguy hiểm. Nếu không giữ gìn, sẽ có ngày bạn phải dùng đến thuốc an thần và đi bác sĩ chuyên trị tâm thần. Trong nước cũng vậy mà ngoài nước cũng vậy. Đã có rất nhiều đồng bào lâm vào tình trạng này. Thiền tập trở thành một phép sống cần thiết cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và an lạc xã hội. Nếu bạn thấy mỉm cười là một việc khó làm, thì đó là tình trạng đã trở nên nghiêm trọng rồi đấy. Có một người nói:”Đời tôi đau khổ như vậy, làm sao tôi có thể mỉm cười?”. Tôi trả lời: “Ta phải mỉm cười với sự đau khổ của chính ta”. Hãy nhìn nụ cười trên môi Bụt. Bụt là người tỉnh thức, thấy được tất cả những đau khổ của mọi loài. Vậy tại sao Bụt còn cười? Theo tôi, Bụt biết khóc mà cũng biết cười. Bởi vì nếu không biết cười thì làm sao Bụt có thể đối phó với khổ đau, khổ đau của chính mình và khổ đau của muôn loài? Có phải chúng ta chỉ có thể chia sẻ sự an lạc cho kẻ khác khi chính ta có sự an lạc trong lòng?

Để chiến thắng và vượt qua những đau khổ của chính mình, chúng ta chỉ có nụ cười của chúng ta mà thôi.

Trong một khóa tu học tổ chức tại thiền viện San Francisco, tôi gặp một thiếu phụ Hoa Kỳ đang có mang một em bé. Chị cũng tham dự khóa tu. Chị hỏi: Khi mình buồn thì làm sao mình cười được? Tôi trả lời : “Nếu chị không cười thì em bé trong bụng chị sẽ lãnh đủ”. Người thiếu phụ giật mình. Chị thấy cười là một bổn phận. Để cho khổ đau chôn vùi đời sống hàng ngày của mình tức là làm hại tới em bé, làm hại tới thế hệ tương lai. Ta hãy cười đi, rồi ta sẽ xây dựng lại đời sống.

Đêm ấy trong giờ thiền tọa, tôi thấy mỗi người trong chúng ta, đàn ông hay đàn bà, trẻ em hay người lớn đều có mang một bào thai trong mình. Đó là bào thai của một đức Bụt chưa sinh: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính, tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành”. Đó là giáo lý của đạo Bụt đại thừa. Nếu chúng ta không cười, nếu chúng ta để khổ đau và phiền não chôn chặt và đè nặng trên chúng ta, đó là chúng ta làm mất cơ hội của bào thai Bụt trong ta. Mỗi chúng ta là một hoàng hậu Magia; mỗi chúng ta đều có trách nhiệm.

“Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”, hai câu đầu của bài kệ được bạn sử dụng trong khi thở vào và thở ra. Bạn có thể thực tập với hai câu này trong năm mười phút. Rồi bạn thực tập đến hai câu kế tiếp.

“An trú trong hiện tại” là câu thứ ba của bài kệ. Trong khi thở vào, bạn biết là thân bạn cũng như tâm bạn đang có mặt tại đây và trong giờ phút hiện tại. Sống tức là sống trong giờ phút hiện tại, bởi vì chỉ hiện tại mới có thực còn quá khứ và vị lai chỉ là những bóng ma. Trong kinh Người biết sống một mình, Bụt nói: “Đừng nghĩ tới quá khứ, đừng tưởng tới tương lai: quá khứ thì không còn, tương lai thì chưa tới. Kẻ thức giả an trú, vững chãi và thảnh thơi trong giờ phút hiện tại”. Trở về với giờ phút hiện tại tức là trở về với sự tỉnh thức, tức là để tính Bụt phát hiện trong ta: Bí quyết của thiền tập là trở về với giây phút hiện tại và biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, trước hết là trong thân tâm mình và sau nữa là trong hoàn cảnh mình.

Biết bao nhiêu người trong chúng ta không có khả năng sống trong hiện tại. Nếu họ không ngồi tiếc nuối quá khứ thì họ chỉ lo lắng cho tương lai. Họ không sống, họ chỉ chuẩn bị để sống. Khi chưa học xong thì họ tự hẹn học xong có bằng cấp thì mới thực sự sống. Khi ra trường rồi, họ cũng chưa sống, bởi vì họ nghĩ là họ cần phải có công ăn việc làm trước đã. Rồi chạy theo xe, theo nhà, theo gia thất, theo sự nghiệp, họ gia hạn thời gian chuẩn bị sống của họ mãi cho đến giờ phút chót của cuộc đời, và không lúc nào họ thực sự sống cả.

Tìm được an lạc trong giờ phút hiện tại, thấy cuộc đời là mầu nhiệm, sống trọn vẹn được giây phút hiện tại, đó là tác dụng của hơi thở vào “an trú trong hiện tại”. Câu thứ tư của bài kệ “giờ phút đẹp tuyệt vời” để dành cho hơi thở ra, soi rõ thêm tính cách mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Giây phút này là đẹp tuyệt vời bởi vì nó là giây phút duy nhất có thật. Chỉ có giây phút hiện tại là có thật. Chỉ có giây phút hiện tại là miên viễn. Ta chỉ có giây phút ấy để sống và để tỉnh thức mà thôi.

Trong lúc thực tập hai câu này của bài kệ, nếu muốn duy trì nụ cười thì bạn cứ duy trì, bạn có thể thực tập hai câu này riêng biệt trong năm hay mười phút. Bạn cũng có thể thực tập của bài kệ bốn câu liên tục với nhau. Xin nhớ mỉm cười, ít nhất là trong khi thực tập câu thứ hai. Nụ cười ấy không phải chỉ để riêng cho sự an lạc của bạn. Thế giới cũng được thừa hưởng nụ cười ấy.

Phương pháp vừa chỉ dẫn có thể đưa bạn đến thanh tịnh và an lạc ngay trong giờ phút thực tập. Yếu chỉ của thiền nằm trong hai phần chỉquán. Chỉ là chấm dứt tình trạng tạp loạn của thân và của ý. Chỉ là tình trạng chuyên nhất và tập trung. Vì vậy chỉ còn gọi là định. Quán là nhìn cho kỹ để thấy cho rõ. Trong khi thực tập bài kệ trên đây, bạn nhìn và thấy được rằng sự thanh tịnh của tâm ý trong giây phút hiện tại là quan trọng nhất và quý hóa nhất, vì vậy bạn vừa có chỉ vừa có quán. Chỉ là điều kiện cần thiết để đưa tới quán, và quán giúp cho chỉ càng lúc càng vững chãi. Hơi thở là phương tiện duy trì chỉ và quán.

Có nhiều phương pháp thực tập chỉ và quán nương theo hơi thở, nhưng chúng ta sẽ đề cập tới sau. Ở đây chúng ta chỉ biết nên biết rằng bước đầu của thiền tập là làm cho thân tâm thư thái và an lạc. Nếu có an lạc, bạn sẽ nở như một bông hoa; sự có mặt của bạn sẽ dễ chịu đối với người xung quanh, trong gia đình và ngoài xã hội. Trên căn bản đó bạn sẽ đi sâu hơn trên đường thiền tập.

Sau khi ngồi và thực tập chừng nửa giờ và bốn mươi phút, bạn nghe một tiếng chuông gia trì. Tiếng chuông này được báo trước bằng một tiếng thức. Tiếng thức là do dùi chuông đặt vào vành chuông mà phát ra. Đặt vào mà thôi, chứ không thỉnh. Thức như vậy tức là thức chuông và cũng là để báo hiệu cho đại chúng biết là sẽ có một tiếng chuông lớn vọng lên. Mỗi lần thỉnh chuông bạn nên thức chuông như thế. Bạn nhớ rằng đối với đại hồng chung hay chuông bảo chúng thì có tới  bảy tiếng thức chứ không phải là chỉ có một.

Nghe tiếng chuông, bạn biết giờ ngồi thiền đã hết. Bạn chắp tay thành búp sen để đáp lại tiếng chuông, rồi nhè nhẹ dao động thân thể qua hai bên, về phía trước, gỡ hai chân ra, và nhè nhẹ xoa bóp cho máu chảy đều. Bạn có tới một phút hay hơn nữa để làm việc này. Bạn vừa làm vừa theo dõi hơi thở và ý thức về những động tác của hai tay mình.

Khi nghe một tiếng khánh, bạn đứng dậy, quay mặt về phía trong đứng ngay ngắn phía sau gối ngồi, sau khi đã vuốt và đặt lại gối ngồi cho ngay ngắn. Nghe tiếng khánh kế tiếp bạn chắp tay xá người đối diện và xoay mình nửa vòng, tay phải của bạn về phía chiếc gối ngồi, trong khi hai tay bạn vẫn chắp thành hình búp sen. Nghe tiếng khánh kế tiếp, bạn bước bước đầu tiên để đi kinh hành.

Kinh có nghĩa là đi ngang qua và thu tóm lấy mọi lý nghĩa. Như khi ta đóng sách ta cho một sợi chỉ đi ngang qua tất cả mọi tờ giấy để gom lại tất cả những tờ giấy ấy không cho rơi rụng tờ nào. Kinh hành là đi trong chánh niệm; chánh niệm như sợi dây liên tục đi qua tất cả mọi bước chân, không có bước chân nào đi ra ngoài chánh niệm. Cũng giống như sợi dây xâu hạt cườm, sợi dây đi qua hết cả mọi hạt nào rơi rớt ra ngoài. Kinh hành là như thế: duy trì chánh niệm trong từng bước chân.

Đi Kinh hành trong Thiền đường ta đi chậm rãi, vững vàng, theo dõi hơi thở, có thể là một bước thở vào. Bạn cũng có thể áp dụng bài kệ “thở vào tâm tĩnh lặng…” Giữ búp sen của hai bàn tay cho thẳng, chóp của búp sen hướng về phía trên. Có những truyền thống theo đó người đi kinh hành nắm tay để trước ngực, tay trái lại trên ngón tay cái và tay phải nắm lấy tay trái. Theo truyền thống Việt, chúng ta đi kinh hành với hai bàn tay chấp thành búp sen. Đi như thế đồng thời cũng là đi nhiễu, có nghĩa là đi quanh Bụt và Tổ để bày tỏ sự cung kính. Đây là do ảnh hưởng của truyền thống Ấn Độ. Mỗi khi muốn bày tỏ sự cung kính đối với Bụt, các vị đệ tử thường trật vai áo ra khỏi vai bên phải, chắp tay và đi quanh Phật ba vòng, chiếc vai trần hướng về phía Bụt.

Đi kinh hành ta cũng duy trì được chánh niệm như khi ta ngồi thiền và đi như thế làm cho máu huyết lưu thông, và ta có thể ngồi thiền trở lại. Trong những mùa an cư, ta thực tập kinh hành giữa hai buổi thiền tọa.

Nghe một tiếng khánh, ta biết là ta đang đi vòng chót của buổi kinh hành. Khi về đến chỗ ngồi của ta, ta đứng trước gối ngồi, chắp tay hướng về phía trong. Nghe một tiếng khánh, chúng ta xá rồi hướng về phía bàn thiền tổ. Ta nghiêng mình xá về phía trước. Đến cửa thiền đường ta hướng về bàn thiền tổ xá một lần nữa trước khi ra. Trong suốt thời gian này, ta vẫn chăm chú theo dõi hơi thở và duy trì chánh niệm.

Nếu là buổi thiền tọa sớm, thì ta còn trì tụng Tâm kinh Bát Nhã trước khi làm lễ thiền tổ và ra khỏi thiền đường. Tâm kinh có thể được trì tụng khi ta đứng chắp tay đối diện nhau sau giờ kinh hành. Hoặc ta có thể ngồi xuống gối ngồi, trong trường hợp duy na muốn như vậy.

Trong lúc ngồi thiền, mọi người đều ngồi quay mặt vào tường. Riêng vị duy na quay mặt vào trong, ngồi trước chuông gia trì. Vị này có thể nhìn thấy tất cả mọi người cùng tư thế ngồi của họ. Nếu thấy ai ngồi không đúng phép vị này có bổn phận phải tới chỉ dẫn cho người ấy ngồi lại cho đúng phép, trước khi thỉnh chuông báo hiệu giây phút khởi sự chính thức của giờ thiền tọa. Nếu ngồi một vòng quanh bàn thiền tổ (đồ hình 1) không đủ chỗ; thiền sinh sẽ ngồi hai vòng quanh bàn thiền tổ (đồ hình 2). Trong trường hợp này ta có hai lối đi kinh hành.

Ngoài ra còn có vị tuần hương với cây trượng giám hương của vị này. Trong giờ thiền tọa, tuần hương có bổn phận chăm sóc đại chúng và bảo vệ sự thanh tịnh của giờ thiền tọa. Vị này có thể đứng hay ngồi trong góc thiền đường, cây trượng giám hương nâng thẳng trước ngực hoặc để trước mặt. Nếu có thiền giả nào ngồi không nghiêm chỉnh hoặc đang ngủ gục, vị tuần hương sẽ nhè nhẹ đi từng bước một tới bên người này và giúp người này ngồi lại cho chỉnh đốn và tỉnh táo. Người tuần hương làm việc rất im lặng và không dùng cây trượng giám hương để gây nên tiếng động làm động niệm đại chúng như ở các truyền thống khác.