Chương 01: Truyện Kiều văn xuôi
Chữ tài chữ mệnh
Trong khoảng thời gian một trăm năm của kiếp người, tài sắc và số mạng thường hay chống đối nhau. Trải qua những cuộc thăng trầm dâu biển của kiếp sống, những điều ta trông thấy thường làm cho trái tim ta co thắt lại. Được cái này thì mất cái khác, ông trời xanh đã quen thói đánh ghen với những khách má hồng. Những kẻ có tài có sắc thì thường phải gánh chịu những khổ đau của số mạng.
Hoa ghen thua thắm
Những đêm gần đây chong đèn đọc những truyện tình ngày trước, tôi có để ý đến một câu chuyện chép trong bộ Phong Tình Lục. Câu chuyện này đã xảy ra trong những năm Gia Tĩnh (1522-1566) triều Minh, khi đất nước bốn phương còn thanh bình, và thế đứng của hai kinh đô, Bắc Kinh và Nam Kinh, còn vững chãi. Tại một miền phụ cận Bắc Kinh có gia đình họ Vương. Hai ông bà sống với ba người con; họ thuộc về hạng trung lưu, khá giả. Cậu con trai có phận sự nối nghiệp nho gia tên là Vương Quan, người con út. Đầu lòng là hai cô con gái, đẹp như trăng: cô chị tên là Thúy Kiều, cô em tên là Thúy Vân. Cốt cách của hai chị em là cốt cách thanh tao của mai, thần thái của hai chị em là thần thái trong sáng của tuyết. Mỗi người đẹp một cách khác nhau, và người nào cũng rất đẹp.
Thúy Vân có nét đẹp đài các sang trọng khác thường: khuôn mặt rạng rỡ như trăng, lông mày nở dài như liễu. Nụ cười nàng tươi thắm như hoa. Giọng nói nàng thanh tao như ngọc. Mây cũng không dịu bằng mái tóc, tuyết cũng không mịn bằng làn da. Vậy mà Thúy Kiều lại còn sắc sảo và mặn mà hơn. Lông mày nàng như dáng núi mùa xuân, hai mắt nàng như hồ thu nước biếc. Khóm hoa cũng phải ghen tức vì không tươi thắm bằng nàng, rặng liễu cũng phải hờn dỗi vì không được xanh tốt như nàng. Nụ cười của Kiều có khả năng làm nghiêng nước nghiêng thành. Đứng về mặt sắc đẹp, Kiều chắc phải đứng vào hạng nhất, điều đó đã đành. Nhưng đứng về mặt tài hoa cũng chưa chắc có ai sánh được với nàng. Không những Kiều rất thông minh mà nàng còn làm thơ rất hay, vẽ rất đẹp và ca ngâm rất có tài. Nàng cũng có khiếu về âm nhạc, rất giỏi về nghệ thuật sáng tác theo cung bực ngũ âm, sử dụng đàn hồ cầm rất khéo, không ai theo kịp. Một trong những bản nhạc mà nàng tự tay sáng tác có tên là Phận Mỏng (Bạc Mệnh), một bản nhạc rất hay, ai nghe cũng cảm thấy thấm thía ruột gan, ảo não cả cõi lòng.
Kiếp hồng nhan mong manh
Mùa Xuân năm ấy đẹp lắm. Chim én đã về bay lượn trên khung trời tươi sáng như những chiếc thoi, những bông hoa lê trắng muốt đã nở trên bối cảnh của những đồi cỏ xanh non dàn tận đến chân trời. Thấm thoát mà sáu mươi ngày xuân đẹp đã đi qua, chỉ còn lại có ba chục. Đầu tháng ba là tiết Thanh Minh, có lễ Tảo Mộ và có hội Đạp Thanh. Như chim én chim oanh, thiên hạ gần xa nô nức đi trẩy hội và dự lễ rất đông. Ba chị em Thúy Kiều cũng sắm sửa mặc áo đẹp và điểm trang để đi chơi Xuân. Tài tử và giai nhân dập dìu chật mọi nẻo đường. Ngựa xe xuôi theo các con đường như nước chảy. Khăn và áo phô trương đủ màu đủ kiểu. Đó đây người ta kéo nhau lên viếng thăm, thắp hương, cầu nguyện và cúng lễ tại các ngôi mộ của thân nhân. Những thoi vàng giấy được rải ra, và tro tiền giấy phất phới bay lên từ những địa điểm ấy. Mặt trời đã ngả về phương Tây, ba chị em nắm tay nhau thong thả ra về. Họ đi bên một dòng suối nhỏ. Phong cảnh có vẻ thanh tú. Giòng nước uốn quanh, cuối ghềnh lại có một cây cầu nhỏ bắc sang. Bên đường, họ để ý thấy một nấm mộ nhỏ quạnh hiu, không ai chăm sóc tới. Cỏ trên nấm mộ nửa vàng nửa xanh, có vẻ điêu tàn. Kiều hỏi các em:
– Tại sao trong ngày Thanh Minh mà nơi đây lại vắng tanh, không có ai đến viếng thăm và đốt hương như thế hả các em?
Vương Quan bảo:
– Đây là mộ của Đạm Tiên. Em nghe nói ngày xưa nàng là một ca nhi nổi tiếng tài sắc một thời. Biết bao nhiêu người đã tìm tới nàng. Nhưng số phận má hồng quá mỏng: nàng đã chết khi tuổi nàng còn nhỏ. Cành thiên hương đã gãy vào giữa độ xuân thì. Có một người ở phương xa nghe danh tiếng nàng đã tìm tới cầu thân, nhưng khi thuyền tình ghé bến thì nghe tin nàng vừa mất. Trâm đã gãy, bình đã rơi. Buồng không lạnh ngắt như tờ. Những người trong quá khứ đã từng dập dìu lui tới vì tài sắc của nàng bây giờ đã không một ai trở lại. Dấu xe dấu ngựa của họ đã phủ rêu xanh mờ. Người khách này động lòng than khóc. Ông ta cho là mình không có duyên số gặp gỡ người đẹp, và ông quyết định làm một nghĩa cử để gieo duyên với nàng cho kiếp sau. Ông bỏ tiền ra lo tang lễ cho nàng. Nấm mồ này là do chính ông ta đắp nên. Từ ấy đến nay, nấm mồ được phú thác cho cỏ hoa. Ngày tháng qua đi, nấm mồ vẫn còn là một nấm mồ vô chủ. Vì vậy chẳng có ai tới viếng thăm, dù là vào dịp tết Thanh Minh này.
Đã có sẵn mối thương tâm trong lòng, nghe tới đây, Thúy Kiều bật khóc nức nở. Nàng nói:
– Số phận người đàn bà thật đau đớn. Thì ra cái danh từ ‘phận mỏng’ cũng là để nói lên được nỗi đau khổ, bất hạnh của rất nhiều người. Ông trời quả thật phũ phàng. Tuổi trẻ đi qua, sắc đẹp tàn phai mau chóng, khi còn sống thì phải làm vợ của thiên hạ khắp nơi, còn khi chết đi lại trở thành con ma không chồng. Bây giờ họ đi đâu hết rồi, tất cả những kẻ đã ham chuộng tài hoa và sắc đẹp, tất cả những người đã từng bỏ tiền của ra để được cùng với Đạm Tiên vui vầy loan phượng? Này các em, nếu đã không có ai đoái hoài tới số phận của Đạm Tiên thì tiện đây chị em chúng ta nên dừng lại để thăm viếng và thắp một vài nén hương trên mộ nàng. Cũng là một cách tỏ bày tấm lòng lân mẫn khi có dịp gặp nhau. Mong Đạm Tiên dưới suối vàng biết cho lòng ta.
Nói xong, Kiều bắt đầu lầm rầm khấn vái cầu nguyện. Tiếng Kiều lúc nhỏ lúc to. Rồi nàng ngồi sụp xuống trước mộ Đạm Tiên, đặt một nắm cỏ trên mộ làm lễ vật, rồi đứng dậy bước ra. Lúc ấy bóng chiều đã nhuộm vàng một vùng cây cỏ và gió chiều đã bắt đầu hiu hiu thổi làm lay động một vài bông lau gần đấy. Rút chiếc trâm sẵn có trên đầu, Kiều rạch trên da cây một bài thơ bốn câu có đủ ba vần để tặng Đạm Tiên. Tâm hồn nàng vẫn mải mê nghĩ tới số phận của người quá cố nên Kiều còn đứng lặng yên tại chỗ mà chưa chịu bước ra. Khuôn mặt tươi như hoa của nàng bây giờ đã trở nên ủ dột. Nỗi buồn xâm chiếm lòng nàng không dứt, và hai hàng nước mắt lại bắt đầu tuôn rơi. Thấy thế, Thúy Vân phản đối:
– Chị này thật là buồn cười. Nước mắt đâu mà chị có dư dả để khóc những người đời xưa như thế?
Kiều đáp:
– Số mệnh mỏng manh từ xưa tới nay chưa từng buông tha bất cứ một khách hồng nhan nào. Điều này càng nghĩ đến chị càng thấy đau xót. Nhìn người đang nằm dưới mộ mà chị phân vân không biết số mệnh của chị ngày sau sẽ ra sao?
Nghe thế,Vương Quan cũng chịu không nổi. Chàng can thiệp vào:
– Sao chị lại ăn nói lạ lùng như vậy? Mỗi lời nói của chị cứ như là để vận cái rủi của người ta vào trong con người của chị. Em không đồng ý với chị chút nào. Ở đây âm khí nặng nề, ngột ngạt. Hoàng hôn đã xuống mà đường về còn xa. Thôi chúng ta về đi thôi.
Kiều bảo:
– Những đấng tài hoa, khi chết thì chỉ có thể phách của họ tan rã mà thôi, chứ cái phần tinh anh của họ thế nào cũng còn tồn tại. Có thể là khi cảm thấy được gặp gỡ một tâm hồn tri kỷ, hồn Đạm Tiên sẽ hiển linh cho chúng ta thấy. Mình hãy chờ một chút xem sao.
Chưa ai kịp đáp lại lời nàng thì bỗng một trận gió nổi dậy làm đổ lộc rung cây ào ào. Trong gió mọi người thoáng nghe có mùi hương bay. Theo chiều gió mà nhìn, mọi người thất kinh khi thấy hiện ra những dấu giầy in trên rêu xanh. Kiều khấn:
– Thật là linh ứng! Khi tâm chúng ta tinh thành thì làm gì còn có khoảng cách giữa âm và dương nữa. Đã có mối duyên được gặp nhau, thì xin nàng đừng có phân biệt kẻ âm người dương, như thế thì chúng mình mới thật sự là chị em.
Kiều nói những lời ấy để tạ ơn Đạm Tiên đã hiển hiện cho chị em nàng trông thấy. Lòng thơ còn lai láng, bồi hồi, Kiều lại rút trâm trên đầu vạch thêm một bài thơ nữa vào gốc cây theo thể cổ phong tứ tuyệt.
Lưng túi gió trăng
Còn đang dùng dằng nửa muốn ở nán lại, nửa muốn đi về thì bỗng nghe tiếng nhạc vàng trỗi dậy càng lúc càng rõ. Nhìn ra ba chị em thấy một chàng sinh viên ngồi trên lưng ngựa, tay cương buông lỏng, đang từ từ đi tới. Ngựa chàng sắc trắng như tuyết, áo chàng màu xanh cây cỏ pha với màu non da trời. Phong thái chàng thật thảnh thơi, nửa túi gió trăng hình như có mang theo bên mình. Đi sau ngựa chàng là một vài em bé.
Từ xa, người con trai đã nhận ra được sự có mặt của ba chị em Kiều. Chàng xuống ngựa, đi bộ tới. Bước chân của chàng và sự có mặt văn vẻ của chàng như làm sáng lên cả một vùng cây cỏ. Cây cỏ lá cành đẹp lên như ngọc quỳnh ngọc giao. Vương Quan vốn đã từng quen biết với chàng liền đi ra chào hỏi và trò chuyện. Còn hai chị em Kiều thì e lệ nép vào dưới hoa, không dám tới gần tham dự. Chàng thư sinh này tên là Kim Trọng, cũng đang cư trú không xa trong vùng. Kim Trọng là con nhà quyền quý, xuất thân từ một gia đình giàu sang và danh vọng. Được trời đất phú cho óc thông minh và tài văn học, chàng là người có phong tư và tài mạo tuyệt vời. Ở nhà chứng tỏ là một người phong nhã, đi ra ngoài chàng thường nổi tiếng là một bậc tài hoa. Chàng đã từng là bạn học của Vương Quan, và đã quen thân với địa phương đất nước này. Chàng cũng đã từng nghe nói tới sự có mặt của những cô láng giềng xinh đẹp, rằng trong đền Đồng Tước hiện có cất giữ tới hai mùa xuân kiều diễm. Lâu nay chưa có cơ hội, cũng giống như vì bị cách núi ngăn sông, cho nên chàng chưa từng được gặp gỡ, chỉ biết thầm yêu trộm nhớ mà thôi. Ai ngờ hôm nay tình cờ không hẹn mà được gặp. Trong hội Thanh Minh này mà mọi người có cơ hội thỏa lòng tìm hoa đố lá, Kim Trọng đã có dịp từ xa thoáng thấy được hai bóng hồng. Một người như hoa cúc mùa thu, một người như hoa lan mùa xuân, cả hai đều mặn mà xinh đẹp. Kiều là trang quốc sắc, Kim là kẻ thiên tài, lần đầu gặp nhau, trong lòng hai người như đã có sự ngấm ngầm thỏa mãn nhưng bên ngoài cả hai còn e dè, chưa ai dám ngỏ lời nói ra cảm xúc của mình. Tiếng sét tình ái đã nổ, cả hai người đều được dìu vào trạng thái vừa mê vừa tỉnh, ráng ngồi thêm thì không tiện, mà đứng dậy đi về thì lại tiếc. Bóng hoàng hôn như làm cho nỗi buồn ly biệt càng thêm man mác. Nhưng cuối cùng rồi người ta cũng phải chia tay. Kim đã lên ngựa ra về, Kiều còn nấn ná nhìn theo. Dưới cầu, nước chảy trong veo. Bên cầu, bóng chiều còn thướt tha trên cành liễu.
Trong sổ đoạn trường có tên
Kiều về tới nhà thì mặt trời đã gác núi và hồi chiêng thu không đã vang vọng. Ngồi trong khuê phòng nhìn ra, Kiều thấy gương nga đang chênh chếch dòm vào cửa sổ. Ngoài kia trăng vàng đang lung linh trên biển cạn và ánh trăng chiếu xuống mặt sân lồng qua bóng cây. Cây hải đường lả ngọn về bức tường phía đông, những giọt sương đã gieo trên các cành xuân đang la đà trĩu xuống vì những bông hải đường đầy đặn. Một mình lặng lẽ ngắm bóng chị Hằng, Kiều để tâm hồn mình xâm chiếm bởi những nỗi niềm lo âu về số phận mình, trong tương lai và cả trong hiện tại. Nàng nghĩ: ‘Kiếp số mà mỏng manh như thế thì cuộc đời có tài hoa cách mấy cũng là một cuộc đời bỏ đi. Tội nghiệp cho Đạm Tiên biết bao. Còn người con trai kia nữa: gặp nhau để làm chi? Ta có duyên kiếp gì với người ấy hay không?’ Lòng ngổn ngang trăm mối, Kiều đem những cảm xúc trong lòng diễn bày ra trong một bài thơ tuyệt diệu. Bóng trăng đã xế bên mành, Kiều còn ngồi dựa vào cửa sổ một mình. Nàng chợt thiếp đi trong một giấc ngủ thiu thiu. Trong mơ Kiều thấy một thiếu nữ có chiều phong vận, có chiều thanh tân, đang từ từ bước tới. Mặt nàng như in sương, thân nàng như pha tuyết. Những bước chân nàng lãng đãng, khi thì như gần, khi thì như xa. Kiều vội chạy ra đón mừng và ân cần mở lời thăm hỏi:
– Em xin chào mừng chị. Chị là ai, và chị mới từ đâu tới? Hay chị là một nàng tiên nữ vừa lạc lối từ Đào Nguyên?
Thiếu nữ nói:
– Chúng ta vốn là người đồng thanh đồng khí. Mình vừa gặp gỡ nhau lúc ban chiều đó mà, chị đã quên sao? Ngôi nhà lạnh lẽo của em ở về phía mái Tây, gần dòng nước chảy, bên trên có chiếc cầu bắc ngang đấy! Em cám ơn chị đã có lòng đoái hoài tới em, đã đề tặng cho em hai bài thơ diễm tuyệt. Tài thơ của chị thật là tài ném châu gieo vàng. Em đã đem trình với bà Hội Chủ hội Đoạn Trường bài thơ ấy. Bà Hội Chủ của em tra lại sổ Đoạn Trường thì lại thấy trong sổ có tên chị. Thôi thế thì cũng đành là nhân duyên quả báo từ kiếp trước: chúng ta đều là những người cùng thuyền cùng hội, đâu phải là xa lạ gì với nhau. Đây là mười đề tài mới mà bà hội chủ đưa ra để mời chị sáng tác. Chị hãy sử dụng ngọn bút tài hoa của chị mà làm ra những câu thơ thần diệu đi.
Kiều tiếp nhận mười đề tài. Bàn tay tiên của nàng chỉ cần vẫy một cái là mười bài thơ đã được hoàn tất. Đạm Tiên tiếp lấy. Xem xong, Đạm Tiên nức nở khen:
– Phẩm chất nghệ thuật của những bài thơ này thật tuyệt diệu. Quả là cẩm tú, về ý cũng như về lời. Nếu đem so với những bài thơ khác trong tuyển tập ‘Thơ Đoạn Trường’ thì chắc chắn những bài thơ của chị sẽ chiếm giải nhất. Có ai làm thơ hay được bằng chị đâu.
Đạm Tiên nói lời từ biệt và trở gót bước ra thềm hoa, nhưng Kiều còn muốn tìm cách giữ nàng lại để trò chuyện. Bỗng một cơn gió thoảng vào làm sịch bức mành khiến Kiều tỉnh dậy. Thì ra đây chỉ là một giấc chiêm bao. Nhìn ra, Kiều chẳng thấy ai, nhưng dư hương của mỹ nhân vẫn còn như phảng phất đâu đó.
Còn lại một mình trong đêm khuya, Kiều để lòng đắm chìm trong tâm tư lo lắng và bất định. Nghĩ tới số phận mình trong tương lai, nàng bỗng thấy một niềm kinh hãi trào lên. Chắc chắn duyên phận của mình sẽ là duyên phận của hoa trôi bèo dạt. Nghĩ như thế, tâm nàng trở nên rối loạn. Nàng khóc sụt sùi. Và càng nghĩ thêm chừng thì nàng càng khóc lớn chừng đó.
Mua não chuốc sầu
Mẹ của Kiều nghe tiếng khóc, tỉnh dậy. Bà hỏi:
– Đêm khuya rồi, tại sao con không ngủ mà lại khóc hả con? Có chuyện gì khiến con khóc nhiều như thế, hỡi cành hoa lê còn đẫm sương của mẹ?
Kiều thưa:
– Con còn là phận trẻ thơ ngây, chưa biết gì nhiều về cuộc đời, ơn cha sinh mẹ dưỡng chưa từng báo đáp được một hào ly tơ tóc. Vậy mà ngày hôm qua đi chơi gặp mả cô Đạm Tiên, buổi tối về thiếp đi thì thấy ứng liền trong chiêm bao. Số Đoạn Trường là số gì hở mẹ? Tại sao người ta đã ra cho con những đề tài như thế, và tại sao con lại phải sáng tác để đóng góp vào trong một tập thơ gọi là thơ Đoạn Trường như thế? Mẹ ơi, cứ suy theo những triệu chứng trong giấc mộng thì số phận con còn ra gì nữa mai sau?
Bà Vương tìm cách khuyên giải Kiều:
– Mộng mị là hư ảo con ơi. Tại sao con lại cứ tin vào một điều hư ảo để mà mua chuốc lấy sầu não vào lòng như thế hả con?
Nghe lời mẹ khuyên giải thấp cao hơn thiệt, Kiều cũng dần dần yên tâm trở lại. Nhưng niềm lo lắng sợ hãi vừa lắng xuống thì sự tưởng nhớ Kim Trọng lại bắt đầu trỗi dậy trong lòng. CÙ nhÜ th‰ mà nàng thÙc cho ljn sáng. Ngoài cºa s°, con oanh vàng Çã vŠ thÕ thÈ và một bông tơ liễu từ góc sân nhà bay lên, vượt qua bức tường của nhà ông hàng xóm. Trước hiên, còn sót lại một ánh trăng tà thoi thóp. Kiều cảm thấy cô đơn với những tâm tư và cảm xúc của riêng nàng.
Giống hữu tình
Nếu anh đã lỡ sinh ra trong giòng giống những kẻ đa tình thì tôi đố anh dứt bỏ được dễ dàng những mối thương nhớ vấn vương trong lòng anh. Kim Trọng, từ giờ phút trở về học xá, bắt đầu tương tư Kiều. Chàng không thể nào quên được hình bóng của người đẹp mà chàng đã gặp. Càng cố quên chừng nào thì chàng lại càng nhớ tưởng chừng đó. Một ngày thương nhớ dài như cả ba năm. Cái hũ của sự sầu nhớ càng lắc thì lại càng đầy. Đám mây sầu nhớ phủ kín cả cuộc đời người học trò, bao nhiêu thảnh thơi vô tư của chàng dường như mất hết. Trong những giấc mơ liên tiếp, Kim Trọng thấy mình một mình một bóng đi về cõi bụi hồng, mong ước được gặp hình ảnh của người tiên. Chàng chẳng học hành gì được nữa. Căn phòng sinh viên của chàng đã trở nên lạnh lẽo. Cây bút lông lâu ngày không dùng tới đã se ngọn, cây đàn nguyệt chầy tháng chẳng sử dụng đã chùng giây. Trăng ngoài song đã khuyết, đĩa đèn dầu đã hao, mà chàng có học hành được thêm chữ nào đâu. Giờ nào chàng cũng mơ tưởng được gặp mặt Thúy Kiều, khắc nào chàng cũng khao khát cơ hội cùng nàng ngỏ lời tâm sự. Bức mành phía trước mỗi khi gặp gió lại như phần phật rung lên bản đàn tương tư. Hương đốt trong lư trầm chỉ gây thêm mùi thương nhớ, trà pha trong bình tích chỉ nhắc lại vị sầu tình.
Kim băn khoăn tự hỏi: nếu ta không có duyên nợ với nàng thì tại sao lại có cuộc gặp gỡ ấy? Tại sao nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành ấy đã làm cho ta mất hết sự bình an? Nhớ lại giờ phút gặp gỡ chiều hôm nao, chàng bâng khuâng muốn tìm về nơi chốn cũ. Kim vội cất bước ra. Đến nơi, chàng chỉ thấy một vùng cỏ mọc xanh rì. Nước dưới dòng trong vắt. Ngọn gió chiều như khêu gợi cơn sầu nhớ, và lau lách đìu hiu lay động trong gió như trêu chọc chàng. Những gì chàng nhớ được thì ít, mà những gì chàng tưởng tượng thì lại rất nhiều, đó là bản chất nhà văn của chàng. Rồi Kim xăm xăm bước đi hướng về phía Lam Kiều, nơi người đẹp ở.
Chàng tìm ra được nhà Thúy Kiều. Nhưng quang cảnh có vẻ quá thâm nghiêm. Tường thì cao, cổng thì đóng kín. Làm sao liên lạc được với nàng? Dù có con chim xanh đưa thư thì cũng không có nẻo cho nó bay vào, dù có ngọn lá thắm đề thơ cũng không có dòng nước mà thả xuống. Phía ngoài, những cây liễu buông mành lơ thơ, và trên cành liễu có một con chim oanh đang học nói. Giọng chim như mỉa mai đùa cợt chàng sinh viên si tình. Bốn bề cửa đóng then cài cẩn thận. Hoa rụng đầy thềm, nhưng biết tìm nàng ở đâu? Làm sao để được gặp? Kim đứng tần ngần khá lâu trước cổng, rồi bắt đầu tản bộ dạo quanh. Chàng chợt khám phá ra rằng mé sau nhà Kiều có một cái nhà không có ai ở. Hỏi thăm chàng biết rằng đây là nhà một thương gia thường hay đi buôn bán ở vùng Ngô Việt. Người ấy hiện không có mặt nơi đây vì vậy ngôi nhà này đang bị bỏ trống. Chàng bèn lấy cớ mình là sinh viên du học đang cần nhà ở và tìm cách hỏi thuê. Thuê được nhà rồi, Kim Trọng về dọn hết nào cặp sách, nào túi đàn, đem sang nhà mới. Ở đây phong cảnh khá thanh tú, có cây, có đá, có sân ngắm cảnh. Phía trên có treo một bức ‘Lãm Thúy Hiên’ nét mạ vàng còn tươi. Lãm Thúy, tại sao lại đặt tên là hiên Lãm Thúy? Đây là nơi để ngồi ngắm nhìn màu xanh biếc của da trời, hay là để ngắm nhìn một người đẹp có tên là Thúy Kiều? Kim Trọng thấy mừng thầm trong lòng. Chàng nghĩ chắc hẳn là thế nào giữa mình và Kiều cũng có duyên nợ ba sinh cho nên trời mới xui khiến mình được dọn về ở nơi đây, nơi hiên Lãm Thúy, sát cạnh nhà nàng. Cửa sổ phòng chàng bao giờ cũng được mở hé. Ngày nào chàng cũng để ý nhìn về bức tường phía đông. Sống gần sát bên nhau nhưng động thì khóa, nguồn thì phong, nên tuyệt đối chưa bao giờ chàng có cơ hội được thấy bóng hồng vào ra thấp thoáng.
Chiều hôm ấy trời mát dịu, Kim bỗng thoáng thấy dưới những nhánh anh đào dường như có bóng người thướt tha đi dạo. Chàng vội buông đàn, khoác áo đi ra. Ra tới nơi thì không còn ai nữa, trong khi mùi nước hoa vẫn còn thơm nức. Đi dạo dọc theo bức tường, Kim nhác thấy một chiếc kim thoa còn gác trên một cành hoa đào. Chàng nhón gót đưa tay lên với lấy và đem vào nhà, ngắm nghía: ‘Nếu không có duyên kiếp gì với nhau tại sao ta lại đang được cầm trong tay món trang sức quý giá này của người đẹp?’ Chàng cứ cầm chiếc kim thoa ngắm nghía mãi, không chịu đi ngủ. Chiếc kim thoa còn thoang thoảng hương trầm. Mùi trầm chưa phai, làm chàng có cảm tưởng là mình đang được gần gũi với người mình nhớ thương.
Sáng hôm sau, khi tr©i m§i tan sÜÖng, Çã có bóng ngÜ©i Çi d†c phía tÜ©ng bên kia có š tìm tòi ngẩn ngơ. Đã có ý đợi chờ giờ phút ấy, Kim Trọng đứng bên này tường lên tiếng. Chàng nói như tự nói với chính mình, để xem phía bên kia có phản ứng gì không.
– Chiếc thoa này tự nhiên mà mình bắt được trong hư không. Biết ai là chủ nhân của nó để có thể trả về cho người ấy bây giờ? Làm sao để viên ngọc châu có dịp trở về chốn quê hương của nó là miền Hiệp Phố?
Từ phía bên kia lọt qua giọng nói của Thúy Kiều:
– Chiếc kim thoa đâu có đáng giá là bao, nhưng tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của người quân tử thật khiến cho chúng tôi xiết bao cảm phục.
Kim nói với qua:
– Chúng ta là hàng xóm với nhau. Ra vào, cũng là người quen thuộc. Tôi đây cũng đâu phải là người nào xa lạ. Hôm qua tình cờ nhặt được một chút hương thơm rơi rụng, thật đã khiến cho tấm lòng này thỏa mãn được bao nhiêu niềm khao khát và sầu héo lâu nay. Tôi đã chờ đợi biết bao nhiêu ngày mới có được giây phút gặp gỡ hôm nay. Vậy xin tiểu thư hãy nán lại một chút để cho tôi được tỏ bày chút ít nỗi niềm tâm sự.
Nói xong Kim Trọng vội chạy về nhà lấy thêm hai chiếc xuyến vàng và một vuông khăn lụa. Chàng bắc thang vào tường và leo lên. Đứng trên thang Kim thấy quả thật là người hôm nọ, rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa. Hai người đều còn giữ ý rụt rè. Cả hai đều còn sượng sùng e ngại. Kim Trọng có dịp nhìn Kiều tận mặt, trong khi Kiều không dám nhìn thẳng lên. Nàng còn e dè cúi đầu nhìn xuống.
Đá vàng thủy chung
Một lát sau, Kim Trọng mở lời:
– Từ ngày tình cờ được gặp nhau trong chuyến du xuân đến giờ, Kim Trọng tôi luôn luôn thầm yêu trộm nhớ, mong ước có dịp được gặp lại tiểu thư. Nỗi mong nhớ đã kéo dài quá lâu. Mình hạc xương mai càng ngày càng thêm mòn mỏi. Tháng ngày như bị giam hãm trong cung mây của sự đợi chờ. Nhưng để có dịp được gặp gỡ tiểu thư và được tiểu thư đoái hoài tới thì Kim Trọng tôi sẽ sẵn sàng chờ đợi cho hết cả một cuộc đời. Cơ hội này rất quý báu đối với tôi. Tôi muốn nhân cơ hội này mà cầu xin tiểu thư ban cho một ân huệ. Tiểu thư như một đài sen, mà Kim Trọng tôi chỉ như một cánh bèo trên mặt nước. Liệu đài sen cao quý ấy có soi chiếu đến được cánh bèo hèn mọn này hay chăng?
Kiều ngần ngừ một lát, rồi mới nhìn lên, tìm lời thưa lại:
– Gia đình em là một gia đình có nề nếp. Truyền thống đòi hỏi sự sạch trong của băng tuyết và sự chân chất của rau muống, rau lang. Nếu câu chuyện mà có liên quan đến việc lá thắm chỉ hồng, thì tất cả đều phải do các đấng mẹ cha quyết định. Tuy rất thông cảm đến tấm lòng xót liễu vì hoa của chàng, nhưng em còn là phận con trẻ thơ ngây, đâu đã biết gì mà dám thưa thốt này nọ?
Kim nói:
– Cuộc đời luôn luôn thay đổi, nay trời gió nhưng mai trời lại có thể mưa. Tuổi trẻ chúng ta làm gì có nhiều cơ hội như cơ hội hôm nay? Nếu em chẳng thông cảm được cho tấm lòng ái luyến của anh mà lại cứ một mực từ khước như thế thì không những anh là người chịu thiệt thòi rất lớn, mà em cũng chẳng có được một chút nào vui trong lòng khi thấy anh thất vọng và khổ đau. Chi bằng chúng ta hãy trước hết nói với nhau những lời keo sơn gắn bó, rồi sau đó anh sẽ tìm người làm trung gian mai mối và cuối cùng cha mẹ anh sẽ chính thức tới nhà em để làm lễ cầu hôn. Anh đã qưyết định rồi. Nếu ông trời không cho phép anh thương em và cưới em thì thà anh chết chứ không thể còn thương ai được nữa. Tuổi trẻ của anh như vậy cũng sẽ như bị bỏ đi. Nếu em không mở được lượng sông biển của trái tim em ra mà chấp nhận cho tấm tình tha thiết này của anh thì không lẽ bao nhiêu công phu đeo đuổi lâu nay của anh chỉ là hoàn toàn vô ích? Và không lẽ anh phải là kẻ duy nhất phải gánh chịu mọi thiệt thòi hay không?
Kiều im lặng lắng nghe. Lời nói êm đềm của Kim như dìu nàng vào trong giấc mộng yêu thương mùa Xuân khiến cho sóng thu bắt đầu xao động trong hồ mắt nàng. Giọng còn vương chút ngập ngừng, nàng nói:
– Trong buổi gặp gỡ đầu này, em còn bỡ ngỡ và ngại ngùng nhiều lắm. Em rất cảm động về tấm lòng thiết tha của anh, và em nghĩ là em không nỡ lòng nào mà nói ‘không’ với anh được. Anh đã có lòng cưu mang thương nhớ tới em đến mức này thì em cũng xin một lòng ghi vàng tạc đá, nguyện sau này sẽ mãi mãi thủy chung với anh.
Được lời chấp nhận của Thúy Kiều, Kim Trọng thấy hả hê cả cõi lòng. Chàng liền lấy đôi xuyến vàng và chiếc khăn lụa hồng đưa ra, trân trọng trao tặng cho Kiều. Kim bảo:
– Cuộc tình duyên trăm năm của chúng ta bắt đầu từ giây phút này đây. Anh xin gởi em chút quà tặng này làm chứng tích ghi nhớ ngày chúng ta đổi trao lời nguyện ước.
Sẵn trong tay có chiếc quạt quỳ, chiếc khăn gấm, và chiếc kim thoa mà Kim Trọng vừa trao trả, Kiều đưa cả ba thứ trao tặng lại Kim Trọng.
Những lời giao ước vừa nói lên, và những món quà tặng vừa được đổi trao thì ở mái sau đã có xôn xao tiếng người. Lập tức như bông hoa rụng, như chiếc lá rơi, Kiều trở lại lầu trang, còn Kim thì đi về viện sách.
Cơ hội ngộ
Tưởng được gặp nhau như thế thì nhẹ được nỗi niềm nhớ thương, ai ngờ từ khi đá biết tuổi vàng thì tình càng thấm thía mà dạ càng ngẩn ngơ. Sông Tương Giang một giải tuy không sâu gì mấy, nhưng người thì đứng đầu sông, kẻ thì chờ cuối sông. Cả Kim lẫn Kiều còn nhớ nhau và thiếu nhau gấp bội. Một bức tường chở che sương tuyết chia hai người thương nhau thành hai thế giới. Làm sao mà có được tin tức của nhau cho thường xuyên?
Ngày thì có gió, đêm thì có trăng, màu xanh của lá đã ra nhiều, mà màu hồng của hoa đã ít lại: mùa Xuân đã bắt đầu nhường chỗ cho mùa Hạ. Gặp ngày đi ăn sinh nhật bên ngoại, cha mẹ và hai em của Kiều tưng bừng sắm sửa áo xiêm và chuẩn bị lễ vật đem về quê, để dâng lên ông ngoại một tấm lòng thành. Kiều xin phép được ở lại nhà.
Một mình trong nhà thanh vắng, nàng nghĩ đây là cơ hội để có thể đi gặp người yêu. Kiều chuẩn bị vài thức ăn ngon để đem qua tặng bạn. Rồi gót sen thoăn thoắt, nàng tiến về phía mái tường. Cách bên khóm hoa, nàng vừa lên tiếng thì bên kia dưới khóm hoa đã thấy Kim đứng đấy chờ nàng. Kim trách nàng hờ hững để cho lửa hương bấy lâu đã phải lạnh lùng.
– Anh nhớ em quá, càng nhớ thì càng sầu, và càng sầu thì lại càng thêm nhớ. Em nhìn xem, chờ đợi em mãi cho đến nỗi mái đầu anh như muốn bạc ra, nhuộm cả màu sương tuyết đây này.
Kiều bảo:
– Em xin lỗi. Em công nhận là đã tệ bạc với người bạn tri âm. Nhưng lâu nay gió bắt, mưa cầm, em đâu có cơ hội nào để sang thăm anh được? Mãi đến hôm nay được bữa vắng nhà, em mới có thể qua, để đem tất cả tấm lòng chân thành của em mà đền đáp lại tấm lòng ưu ái của anh.
Đi vòng qua ngọn giả sơn đến cuối bức tường, Kiều thấy một nẻo thông giữa hai nhà mới được rào lại. Nàng đưa tay tháo bỏ những cây rào. Mây đã rẽ để làm tỏ tường lối vào động Thiên Thai. Họ nhìn nhau, mặt người nào cũng tươi. Người con gái mở lời chúc mừng vạn phúc, người con trai nói lời hàn huyên thăm hỏi. Họ sánh vai đi bên nhau bước về hiên sách. Họ tha hồ chia sẻ với nhau những nỗi niềm thương nhớ và nói với nhau những lời gắn bó thệ nguyền.
Trong phòng học của Kim, có giá đựng bút và ống đựng thơ để trên bàn viết. Phía trên lại có treo một bức tranh tùng màu xanh nhạt, bút pháp diễn bày được nét tự nhiên của gió sương. Nhìn bức tranh tùng, Kiều không tiếc lời khen ngợi:
– Bức tranh này của anh đẹp quá, càng nhìn em càng thấy đẹp.
Kim bảo:
– Anh vừa mới vẽ xong đấy. Lạc khoản chưa có chữ nào, anh xin mời em đề lên đấy vài câu thơ cho bức tranh có thêm giá trị.
Bàn tay Kiều, như gió táp mưa sa, trong chốc lát đã đề lên được khoảng trên của bức tranh một bài tứ tuyệt. Kim khen:
– Em thiệt có tài phun châu nhả ngọc. Nàng Ban Châu đời Đông Hán và cô Tạ Đạo Uẩn đời Tấn là hai người phụ nữ nổi tiếng thông minh, học rộng, và rất giỏi thi văn. Tuy thế, anh nghĩ rằng dù họ tài hoa cách mấy thì cũng không thể nào hơn em được. Này em, nếu trong kiếp xưa mà anh không tu, phúc anh chưa dày thì tại sao trong kiếp này anh lại có diễm phúc được em yêu như thế?
Kiều nói:
– Từ lúc mới trông thấy anh lần đầu, em đã biết ngay rằng nếu anh không phải là người xuất thân từ sân Ngọc Bội thì cũng là kẻ sĩ ngự ở điện Kim Môn. Em nghĩ thế nào anh cũng có tương lai lớn, thế nào anh cũng sẽ hiển đạt, và sẽ được triều đình trọng dụng. Trong khi đó thì em lại có cảm tưởng là số phận của em rất mỏng, mỏng như một cánh chuồn chuồn. Không biết em có đủ phước đức để được trời xanh tác thành cho trong cuộc hôn nhân này hay không. Em nhớ từ năm em còn nhỏ tuổi, có một ông thầy tướng đã nói: ‘Nhìn cô bé này ta thấy tất cả anh hoa của nó đều phát tiết ra bên ngoài. Như vậy là suốt đời nó sẽ khổ đau vì số kiếp nghìn thu bạc mệnh.’ Vì vậy cho nên sau khi nhìn anh, rồi nhìn lại tự thân em, em cứ hỏi: ‘Một bên thì phúc dày, một bên là phận mỏng, cuộc nhân duyên này làm sao mà thành tựu cho được?’ Anh ơi, em sợ lắm.
Kim Trọng an ủi Kiều:
– Cuộc gặp gỡ này của hai ta há không phải là do tiền định mà xảy ra hay sao? Xưa nay, trong cuộc đời, đã có bao nhiêu trường hợp trong đó ý chí của con người thắng được cả ý muốn của ông trời. Với lại nếu có chuyện gì xảy ra, anh nguyện sẽ suốt đời trung thành với lời nguyền vàng đá, thà chết chứ không bao giờ anh phản bội.
Hai người trẻ cứ thế mà trao đổi với nhau bao nhiêu niềm tâm sự. Lòng xuân của họ phơi phới, chén xuân của họ làm họ ngây ngất. Nhưng ngày vui ngắn quá, chẳng đầy một gang tay. Trông ra, Kiều thấy mặt trời đã bắt đầu lặn sau đỉnh núi phương Đoài. Nghĩ rằng nhà thì vắng, mà ngồi mãi ở đây thì chẳng tiện, cho nên Kiều buộc lòng từ giã Kim. Nhưng về tới nhà thì nàng thấy cha mẹ và hai em đi ăn sinh nhật chưa về. Buông chiếc màn the phía cửa ngoài xuống, Kiều lại đi xăm xăm một mình ra vườn khuya để qua nhà Kim Trọng. Ánh trăng đang lọc qua cành lá, nơi dày nơi thưa. Ánh đèn từ phía thư phòng của Kim Tr†ng chi‰u qua màn cºa s° cûa chàng, h¡t hiu, m© nhåt. Kim Tr†ng Çang t¿a vào án thÜ, còn thiu thiu ngủ, nửa tỉnh, nửa mê. Tiếng chân của Kiều đánh thức chàng dậy. Nhìn ra, chàng thấy bóng trăng đã xế, và người yêu, như một bông hoa lê trắng muốt, đang tiến tới gần. Chàng tự hỏi mình đã thức hay đang còn trong một cơn mơ? Đây có phải là cảnh núi Giáp, non Thần hay đây là sự thật? Bóng Kiều xuất hiện làm cho chàng có cảm tưởng mình đang ở trong một cơn mê:
– Anh đang tỉnh hay anh đang mê hả em? Có phải là em thật đấy không? Hay chỉ là một bóng hình trong giấc mơ của anh?
Kiều trả lời:
– Trong đêm khuya vắng vẻ, vì hoa mà em phải đánh liều đi tìm hoa. Giờ phút này nhìn nhau ta đang thấy rõ được mặt nhau. Biết đâu rồi mai mốt cảnh tượng này sẽ chỉ còn là một chiêm bao, phải không anh?
Kim mừng rỡ làm lễ rước nàng vào nhà. Chàng nối thêm một cặp nến nữa trên đài sen, và bỏ thêm trầm vào lò đào. Hai người ngồi lại, cùng thảo với nhau những lời thề nguyền trên một tờ giấy hoa tiên. Họ lấy con dao vàng cắt tóc của nhau, trộn lại, và chia hai cho nhau, mỗi người giữ một phần làm kỷ niệm. Rồi dưới ánh trăng vằng vặc giữa trời, hai người cùng đọc lên với nhau một lần những lời thề nguyện mà họ mới viết. Họ căn dặn nhau đủ lời, tỏ bày với nhau tất cả những gì sâu kín nhất trong lòng họ. Họ muốn tạc hai chữ ‘đồng tâm’ vào xương tủy của nhau. Bóng trăng lấp loáng trong những chén rượu thề nguyện mà họ đang uống. Bóng trăng chiếu qua bức bình phong có những tấm gương lấp lánh trong khi ngọn gió xuân làm lay động bức màn lụa phảng phất hương trầm.
Kim nói:
– Gió thì mát, trăng thì trong và chúng ta đang có hạnh phúc được ngồi bên nhau. Vậy mà lòng anh vẫn còn ấp ủ một niềm ao ước chưa từng được thỏa mãn. Nhưng anh nghĩ, chúng ta chưa chính thức làm lễ cưới hỏi, thì sợ lời cầu thỉnh của anh đối với em không biết là sẽ quá đáng hay không?
Kiều trả lời:
– Tờ lá thắm đã đưa chúng ta tới với nhau và sợi chỉ hồng đã buộc chúng ta lại với nhau. Chúng ta đã cùng nhau thề nguyền, đã xem nhau như những người tương tri. Ngoài chuyện hoa nguyệt ra, không có gì mà em lại còn tiếc với anh. Xin anh cứ nói.
Kim bảo:
– Lâu nay anh đã nghe đồn về tài nghệ âm nhạc của em. Cả sông cả núi cũng còn muốn lắng chiếc tai Tử Kỳ mà nghe em đàn, huống hồ anh đây là một người đã từng nhiều phen mến mộ.
Kiều mỉm cười:
– Em đàn đâu có hay gì mấy, thưa anh? Nhưng anh đã dạy thì em phải vâng lời.
Phía hiên sau có treo sẵn một cây đàn nguyệt. Vội vàng, chàng đi lấy đàn, và trịnh trọng nâng chiếc đàn lên ngang mày trước mặt Thúy Kiều.
Kiều tiếp nhận cây đàn:
– Công phu tập tành của em có bao nhiêu đâu, đâu đáng để cho anh bận lòng đến thế.
Kiều bắt đầu so giây. Nàng so giây Vũ, giây Văn, giây to, giây nhỏ, theo vần ngũ âm là cung, thương, giốc, chủy và vũ. Rồi, Kiều bắt đầu đàn. Khúc nhạc đầu nghe văng vẳng có tiếng sắt và tiếng vàng chen nhau. Thật giống khúc chiến trường Hán Sở. Rồi đến một khúc nghe như khúc Tư Mã Phượng Cầu, có tiếng con chim phượng đang lang thang đi tìm con chim hoàng, giọng đầy ai oán và sầu thương. Rồi đến một khúc nghe như khúc Quảng Lăng, có tiếng mây bay và nước chảy. Tiếp đến là một khúc tương tợ khúc Chiêu Quân, diễn bày tâm sự của người cung phi bị triều cống sang nước Hồ, một mặt khổ đau vì phải xa nhà, một mặt xót xa vì nhớ thương Vua cũ. Tiếng đàn khi trong thì như chim hạc bay qua trên không gian bát ngát, khi đục thì như tiếng suối mới sa xuÓng nºa v©i còn cu¶n theo bùn Çá, khi khoan thai thì nhË nhÜ gió thoäng ngoài hiên, khi cấp tốc thì như trời đang đổ mưa sầm sập. Ngồi đó dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ, Kim Trọng bị chất liệu của sầu thương xâm chiếm. Chàng đau buồn đến ngẩn ngơ. Chàng không thể ngồi yên. Có khi chàng phải tựa gối, có khi chàng phải cúi đầu. Có lúc chàng phải chau mày, có lúc chàng lại cảm thấy ruột vò chín khúc. Khi bản đàn chấm dứt, chàng nói:
– Em đàn hay quá sức. Nhưng bản nhạc của em buồn quá, người nghe như cảm thấy phải ngậm đắng nuốt cay thế nào ấy. Tại sao em lại chọn một điệu nhạc đau buồn quá như thế, khiến cho cả kẻ đánh đàn và người nghe đàn đều phải não nề trong dạ?
Kiều đáp:
– Sáng tác nhạc buồn, anh ơi, đã trở thành cái thói tật quen thuộc của em rồi. Em đã lỡ có một tâm hồn như thế, biết làm sao? Có lẽ trời đã sinh ra em như vậy. Nhưng em sẽ vâng theo ý của anh để thay đổi từ từ, họa may sau này nhạc của em sẽ giảm bớt được chất sầu đau một phần nào hay chăng.
Nhìn Kiều, Kim thấy nàng như một bông hoa nồng thắm, nàng đẹp lên một cách lạ thường. Niềm say đắm của người con trai đã bắt đầu hiển lộ nơi đầu mày cuối mắt. Sóng tình đã làm cho con thuyền chàng xiêu xiêu, và trong cử chỉ âu yếm của người con trai đã bắt đầu có nét lơi lả.
Kiều nghiêm mặt bảo Kim:
– Em xin anh cho em nói vài lời trước đã. Chuyện trăm năm của chúng mình không phải là chuyện chơi. Em có tiếc chi với anh một đóa hoa đào tươi thắm, và vườn hồng kia đâu dám ngăn rào con chim xanh không cho nó bay vào. Nhưng trong nếp sống truyền thống tốt đẹp của nho gia, người con gái theo đạo tòng phu phải lấy chữ trinh làm trọng. Nếu chúng ta cư xử với nhau theo thói tục trên sông Bộc hoặc trong bãi Dâu mà làm chuyện không đúng lễ giáo, nếu chúng ta ăn xổi ở thì, chỉ biết thỏa mãn những đòi hỏi nhất thời thì chúng ta sẽ làm cho tan nát hạnh phúc trăm năm trong vòng một giây lát. Nói đến những mối duyên kỳ ngộ xưa nay thì có lứa đôi nào tốt đẹp bằng cặp Trương Cung và Thôi Oanh Oanh? Nhưng vì họ đã để cho cuộc mây mưa phá đổ tình vàng đá, cho nên cuộc tình của họ đã tan vỡ. Sau này, trong khi chim đang chắp cánh thành hàng, trong khi cây đang đan cành liền lại với nhau, thì trong lòng người con trai đã có sự âm thầm khinh rẻ. Nếu lò hương nguyện ước ở mái Tây chùa Phổ Cứu nơi Thôi và Trương gặp gỡ đã trở nên lạnh tanh, và duyên tình đầu thắm đó đã trở nên bẽ bàng, đó có phải là tại lỗi của người con gái? Nếu hôm nay em không bắt chước người thiếu nữ dệt cửi ngày xưa mà liệng cho chàng Tạ Côn một chiếc thoi dệt để ngăn ngừa không cho việc phi lễ xảy ra, thì sau này chính em sẽ phải hối hận vì đã không biết ngăn anh kịp lúc. Xin anh đừng vội ép liễu nài hoa. Thân mạng em còn đây thì chắc chắn mai sau có ngày em sẽ có dịp đền bồi.
Lời Kiều biểu lộ được tất cả thái độ đoan chính của nàng. Kim Trọng vì thế càng nể nang và kính trọng người yêu. Ánh trăng vừa nhạt mầu trên lá thì đột nhiên bên ngoài có tiếng người gọi cổng. Kiều vội vàng trở lại buồng thêu của nàng. Kim Trọng cũng bước qua sân đào đi ra ngoài ngõ.
Sầu chia phôi
Chiếc then hoa vừa rút để cánh cổng gỗ mở ra thì tên gia đồng nhà Kim Trọng xuất hiện. Nó đem thư nhà gởi chàng. Thư báo tin là ông chú ruột của Kim vừa mới từ trần, thi hài còn quàng tại chốn tha phương. Ông chú ruột không có con trai. Từ Liêu Dương cách trở bao nhiêu núi sông, thân phụ của Kim Trọng gọi chàng về gấp để cử hành tang lễ.
Nghe tin dữ ấy, Kim hoảng hốt. Chàng băng mình tới tận chốn đài trang của người yêu và kể hết cho nàng nghe mọi cớ sự. Chàng than thở về sự rủi ro của gia đình và về sự việc chàng phải từ giã nàng và một mình phải lên đường đi xa ngàn dặm. Kim nói:
– Anh buồn quá. Sự việc xảy ra trong khi chúng ta chưa có dịp nói hết với nhau những lời tâm tình và những lời đổi trao về duyên kiếp. Nhưng em ơi, mảnh trăng thề đêm qua vẫn còn đó, và dù xa nhau ngàn vạn dặm anh cũng sẽ không bao giờ không nghĩ tới em. Cách nhau đến ba mùa Đông, mối sầu nhớ này làm sao anh gỡ ra khỏi được? Xin em hãy hứa với anh là sẽ hết sức gìn vàng giữ ngọc để cho ở chốn chân mây cuối trời anh được an lòng.
Nghe Kim nói, Kiều cảm thấy ruột gan rối bời. Nàng chẳng nói gì được. Sau đó một hồi lâu nàng mới tìm lời nói ra những điều nàng cảm thấy trong lòng:
– Em không hiểu tại sao ông Tơ và bà Nguyệt lại đối xử với chúng mình một cách không dễ thương như thế. Chúng ta chưa kịp vui được với cái vui xum họp thì đã phải buồn với cái buồn của sự chia phôi rồi. Mình đã nặng lời thề ước với nhau, thì dù tóc trên đầu em có bạc, tấm lòng của em cũng không bao giờ dám đổi dời. Xin anh hãy có đức tin nơi em. Chờ đợi bao nhiêu năm tháng em cũng có đủ sức để đợi chờ; em chỉ đau sót nghĩ đến những lúc anh phải lận đận một mình trên con đường mưa gió. Đã cam kết một lòng một dạ với anh, em xin thề với anh là em sẽ không còn yêu ai khác. Anh ơi, chúng ta đang còn trẻ, chúng ta đang còn tháng rộng năm dài và quê hương bao la trước mặt. Em mong rằng trên con đường quan san ngàn dặm anh sẽ chẳng bao giờ quên em; chẳng bao giờ quên những giây phút gặp gỡ của chúng ta trong suốt một ngày vừa qua.
Họ dùng dằng, chưa nỡ chia tay. Nhưng mặt trời đã lên tới nóc nhà, Kim không thể chần chừ được mãi. Chàng nói lời từ biệt và nước mắt chan hòa. Mỗi bước chân của chàng là một bước làm cho khoảng không gian chia cách giữa hai người thêm lớn. Tên tiểu đồng đã vội vã giúp chàng thắng yên cương. Rồi nó quảy lên vai hành lý đã xắp sẵn. Kim và Kiều nhìn nhau. Họ chia xẻ cùng một nỗi buồn trầm trọng.
Chuyến đi thật xa. Nhìn phong cảnh quê người, Kim Trọng nhận thấy ở bên trời bóng chim nhạn đã thưa, và đầu cành liễu tiếng chim quyên dã bắt đầu dồn dập. Xuân đã đi qua, hè đã tới. Niềm thương nhớ trong lòng càng ngày càng nặng đối với người lữ hành phải trải qua bao cảnh ăn gió nằm sương. Gánh nặng của đường xa cũng là gánh nặng của nỗi niềm thương nhớ.
Đất bằng dậy sóng
Thúy Kiều còn đứng dựa vào hiên nhà phía Tây, lòng nàng còn rối bời như một cuộn tơ, và nỗi sầu thương làm cho cả chín khúc ruột nàng thắt lại. Nhìn về phía cửa sổ nhà Kim, nàng cảm thấy tất cả sự vắng vẻ, cảnh tượng như chìm trong sương khói nhớ thương: bông hoa không còn tươi thắm, còn cành liễu cũng đã xơ xác màu vàng. Kiều vừa định đi về phòng nàng thì phái đoàn đi chúc thọ bên ngoại cũng vừa về tới. Mọi người chưa kịp hàn huyên kể chuyện về chuyến đi thì bỗng đâu bốn bề cảnh sát công an ập tới, người cầm đao, kẻ cầm gậy, toàn là thứ đầu trâu mặt ngựa, xôn xao như một bầy ruồi xanh tìm tới những miếng mồi tham nhũng. Họ lấy gông gông cổ hai người đàn ông của gia đình là ông Vương và chàng Vương Quan lại. Họ lục soát, vơ vét lấy tất cả những gì có giá trị như nữ trang, vàng bạc và những thứ riêng tư của mỗi người trong gia đình để nhét vào túi tham của họ. Họ sục sạo tìm bới trong mọi ngõ ngách. Khung cửi dệt lụa họ cũng làm cho rơi rụng, các hộp đựng đồ may vá họ cũng làm cho tan tành.
Ai đã giăng bẫy? Ai đã vu cáo? Ai đã bày mưu để xảy ra cớ sự này? Hỏi ra mọi người mới biết đây là do lời khai của một gã bán tơ, mà thân sinh Kiều đã từng cho ngồi uống rượu chung, đã tưởng rằng đó là một kẻ lương thiện. Ai ngờ nó thuộc về một đảng ăn cướp, và khi bị bắt, nó đã khai bừa cho gia đình Kiều. Sai nha bây giờ lấy cớ đi bắt cướp để vào nhà Kiều ăn cướp.
Tình trạng xảy ra khiến cả nhà ngẩn ngơ, hoảng hốt. Nỗi oan như làm cho mặt đất cũng phải trồi dậy, bản án kết tội sai lầm như làm cho bầu trời mờ mịt mây đen. Gia đình ông Vương kêu ca, khóc lóc, van lạy suốt ngày, nói là mình vô tội, nhưng tai người ta vẫn làm như tai điếc, và bàn tay người ta vẫn tiếp tục phũ phàng đập xuống. Họ trói ông Vương và chàng Quan lại, lấy giây thừng treo ngược hai người lên sàn nhà. Nhìn thấy cảnh ấy dù đá cũng phải mềm, huống hồ mình chỉ là người. Trông thấy cảnh ấy mấy mẹ con đều cảm thấy rụng rời, đau đớn. Nỗi oan này chỉ có thể kêu được với trời, nhưng trời xa quá làm sao kêu thấu? Ai còn lạ gì cái thói tham nhũng của bọn sai nha? Chỉ vì tiền mà họ đành nhẫn tâm gây ra bao nhiêu điều khốc hại thảm thương như thế.
***
Làm sao để chu toàn được sinh mạng của những người thương? Làm sao cho tình cốt nhục được toàn vẹn? Gặp cơ nguy biến, mình phải biết uyển chuyển hành động để cứu nguy, đó là theo nguyên tắc ‘ngộ biến tùng quyền.’ Thúy Kiều suy nghĩ hết nước. Một bên là duyên hội ngộ, một bên là đức cù lao, một bên là tình, một bên là hiếu, bên nào nặng hơn, nàng phải xử sự làm sao cho phải? Đã đành là mình đã thề non hẹn biển với chàng, nhưng mà phận làm con, mình phải đền đáp ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ trước hết. Quyết định được điều đó trong lòng rồi, nàng đem ra nói ý định của nàng cho mọi người nghe:
– Xin mọi người đừng than khóc bàn cãi nữa. Hãy nghe con nói đây, con đã quyết định bán mình để lấy tiền chuộc cho cha con để cho cha con khỏi phải đi vào chốn tù tội.
Trong số những người láng giềng tới thăm viếng và chia buồn với gia đình họ Vương có một người tên Chung đang làm nhân viên thư ký trong quận. Ông Chung là kẻ biết thương người. Thấy Thúy Kiều có hiếu có tình thâm trọng như thế, ông cũng động lòng muốn đứng ra để sắp xếp. Tính đi tính lại trong đầu, là muốn bảo lãnh cho thân phụ Kiều khỏi đi vào vòng tù tội, thì ít ra cũng phải có ba trăm lạng vàng để lo lót đó đây mới có thể thành công. Ông ta liền chạy chọt năn nỉ để thân phụ và em trai của Kiều được phép giam tạm ở nhà công sai vài ba hôm để Kiều có thì giờ lo liệu, chứ nếu một khi đã được đưa vào chốn cửa quan thì sẽ không còn có hy vọng chạy chữa.
Thật tội nghiệp cho Kiều, tuổi còn thơ ngây mà đã phải gánh chịu những tai nạn tày trời, những cơn rủi ro như tai bay vạ gió. Nàng nghĩ: Tử biệt sinh ly là chuyện bi thảm nhất; chính hình hài mình đây mà mình còn phải hy sinh đi để cứu cha, huống hồ là một mối tình? Thân phÆn mình, nàng nghï, chÌ là thân phÆn hèn m†n cûa m¶t håt mÜa xa. Mình së Çem tÃt cä cuộc đời mình để đền đáp lại công cha sinh mẹ dưỡng, như một tấc cỏ hiến mình cho cả mùa xuân.
Đầu xanh đã tội tình gì
Ý định của nàng được đưa ra nói với những người chuyên làm môi giới. Tin này được đồn đại một cách mau chóng làm cho thiên hạ xa gần đều xôn xao. Có một bà mối thuộc vùng phụ cận tìm vào, đem tới một người khách phương xa nói là muốn đến để làm lễ vấn danh. Đứng ngoài cổng, người khách này tự xưng tên là Mã Giám Sinh, quê quán ở huyện Lâm Thanh, không xa Bắc Kinh là mấy. Tuổi ông ta đã vào khoảng trên bốn mươi, mày râu nhẵn nhụi, áo quần có vẻ bảnh bao. Người làm mối đưa ông ta vào lầu trang; lao xao đi theo ông ta là mấy người đầy tớ. Chưa ai mời mà Mã Giám Sinh đã ngồi tót lên ghế một cách sỗ sàng. Từ buồng trong Kiều bị bà mối thúc dục đi ra để người ta xem mặt. Lòng trĩu nặng vì chuyện tình duyên éo le trắc trở và nỗi đau xót vì mối oan trái lớn lao của gia đình, Kiều đi trên thềm hoa mà nước mắt cứ trào ra từng dòng với mỗi bước chân. Sượng sùng như e sương ngại gió, nhìn hoa nàng cũng thấy thẹn mà nhìn vào tấm gương nàng cũng thấy bộ mặt mình như dạn dày. Bà mối hết vén tóc rồi lại nâng tay nàng để chỉ cho ông khách là nàng đẹp đến mức nào. Này nhé, nét đẹp buồn dịu dàng như hoa cúc, dáng điệu thanh tao có khác gì hoa mai. Bà mối lại ép nàng làm thơ đề trên cánh quạt của ông khách và biểu diễn tài nghệ âm nhạc bằng chiếc nguyệt cầm cho khách nghe. Sau một hồi cân sắc, đo tài, người ta thấy đứng về mặt nào Kiều cũng xuất sắc, không mặt nào là không mặn nồng, không mặt nào là không đáng yêu. Ông khách có vẻ bằng lòng, liền tìm cách đi vào thực tế. Ông ta nói:
– Chúng tôi muốn mua ngọc đem về Lam Kiều, vậy xin cho biết sính lễ là bao nhiêu?
Bà mối nói:
– Tài sắc này đáng giá một nghìn lạng vàng. Nhưng vì nhà đây có tai nạn cho nên không dám đòi hỏi đủ số đó. Xin quý khách mở lượng mà thuơng tình, chúng tôi nào dám nài ép.
Sau một thời gian khá lâu thương lượng, cò kè bớt một thêm hai, hai bên đồng ý là bốn trăm năm mươi lượng. Một phen hai bên đã có sự thỏa thuận, chiếc thuyền xuôi theo mái chèo một cách êm ái. Hai bên trao đổi cho nhau tên họ, tuổi tác, và định ngày nạp thái vu quy. Mã Giám Sinh xin khi nạp thái xong thì được làm lễ rước dâu liền lập tức.
Đã có tiền rồi thì việc gì mà không giải quyết được? Mẹ Kiều và em Kiều nhờ ông Chung can thiệp để cho thân phụ và em trai của Thúy Kiều được có tự do tạm, và được lãnh về nhà.
Về tới nhà, biết được những gì xảy ra, ông Vương nhìn con mà ruột thắt, gan bào, trái tim rướm máu. Ông nói:
– Nuôi con là chỉ mong muốn con có một tương lai, sau này được trao tơ đúng lứa và gieo cầu đúng nơi. Ông trời ơi, tại sao ông khắc nghiệt quá chừng như thế? Ai đã vu oan giá họa để cho người cùng một gia đình phải xa nhau? Tấm thân già này của ta đâu còn ngại gì những búa rìu mà người ta bổ xuống? Nhưng mà đày đọa con trẻ như thế thì oan khốc cho tuổi già này biết bao nhiêu? Trước sau thì cũng chỉ một lần chết. Thà ta chết trước để khỏi phải trông thấy những điều thương tâm xảy ra.
Ông Vương khóc ròng khi nói lên mấy câu ấy. Trong cơn tuyệt vọng, ông đã muốn liều mình đập đầu vào bức tường vôi để tự tử. Thấy thế, mọi người đều vội vàng can thiệp, người thì cố ôm giữ ông lại, người thì tìm cách khuyên nhủ chăm sóc ông.
Thúy Kiều tìm hết mọi lời to nhỏ để khuyên can cha. Nàng nói:
– Có đáng gì một chút phận gái thơ ngây mà đến nỗi cha phải liều mình như thế? Mẹ cha sinh dưỡng, con chưa từng có một cơ hội nào cả để đền đáp ơn sâu. Đã không có cơ hội của cô Đề Oanh dâng thơ lên vua Hán để xin thế tội cho cha, thì không lý con lại không làm được việc của nàng Lý Ký ngày xưa bán mình để nuôi cha mẹ? Cha của con càng ngày tuổi hạc càng cao, mà một thân cây phải gánh vác biết bao là cành. Nếu cha có mệnh hệ nào thì chắc cả bốn mẹ con con đều chết hết. Xin cha cứ xem là cha chưa bao giờ sinh ra con. Nếu cha không làm được như vậy thì cơn bão tố này sẽ làm tan tành hết cả gia đình ta. Thà rằng hy sinh một mình con mà cả nhà được thoát: hoa dù có bị rã cánh mà lá vẫn còn xanh tốt trên cây. Xin cha thương xót chúng con mà đừng nghĩ quanh nghĩ quẩn nhiều quá, điều đó sẽ đưa tới sự thiệt mạng của cha và sự tan nát của cả gia đình.
Nghe lời nói hơn thiệt của Kiều, ông Vương dịu lại. Trong khi mọi người đang nhìn nhau với nỗi niềm thương cảm giọt ngắn giọt dài thì bên ngoài phái đoàn Mã Giám Sinh đã tới. Đây là lúc phải ký hợp đồng trên giấy và trao nhận số tiền bốn trăm năm chục lạng vàng. Hỡi trăng già độc địa, tại sao se giây mà không biết phân biệt, cứ bạ đâu buộc đấy như thế! Tại sao một cô gái tài sắc như Thúy Kiều lại lọt vào một kẻ tầm thường như Mã Giám Sinh? Nhưng đã có tiền trong tay, người ta có thể đổi trắng thay đen một cách dễ dàng. Ông Chung đã đứng ra để lo liệu và chạy chọt. Một khi ba trăm lạng vàng đã được đặt lên làm lễ vật, thì bản án được xóa, và phụ thân của Kiều được trả tự do.
Việc nhà vừa mới được giải quyết xong thì có tin báo là sáng ngày hôm sau đã có lễ rước dâu. Một mình thức bên ngọn đèn khuya, Kiều âm thầm khóc. Áo nàng ướt hết vì những giọt tủi, tóc nàng xõa cả xuống vì những niềm đau. ‘Phận mình thì như vậy cũng đành, nhưng nghĩ tới tấm lòng tha thiết bấy lâu của chàng Kim thì thực tình ta chịu không nổi. Chàng đã để ra bao nhiêu tâm huyết và thời gian trong công trình đeo đuổi. Tại vì ta đã đáp ứng lại một cách tha thiết cho nên cuộc đời của chàng phải đến nỗi dở dang. Chén rượu thề còn chưa ráo mà ta đã phải phụ lời nguyền. Kim ơi, từ Liêu Dương xa xôi cách bao nhiêu sông núi anh có biết rằng người chịu trách nhiệm làm chia rẽ đôi ta chính là em đây hay không? Thôi thế là hết! Bao nhiêu thề nguyện, bao nhiêu hứa hẹn duyên nợ, tất cả đã không còn gì nữa trong kiếp này. Em chết đi mà hương thề chưa dứt thì em sẽ đầu thai làm kiếp trâu kiếp ngựa để đền bù lại cho anh trong những kiếp sau. Nợ tình chưa trả được cho anh, khối tình em mang xuống dưới tuyền đài cũng sẽ không thể nào tan được!’
Nỗi niềm tâm sự của Kiều làm cho Kiều trăn trở suốt đêm. Đĩa đèn dầu đã cạn, mà nước mắt nàng vẫn tiếp tục rơi cho đến khi khăn tay nàng ướt đẫm.
Trăm nghìn gởi lạy tình quân
Thúy Vân chợt tỉnh. Nghe tiếng chị khóc, nàng đi đến bên ngọn đèn dầu hỏi thăm và cố tìm hiểu. Nàng nói:
– Tội cho chị quá. Một mình chị phải gánh chịu nỗi oan trái cho cả gia đình. Ông trời tạo ra nhiều chuyện dâu biển éo le, thật không thể nghĩ lường được. Nhưng chị ơi, chắc chị còn có một nỗi niềm tâm sự gì riêng tây mà chưa nói ra được, khiến chị phải ngồi thức một mình suốt cả năm canh thư thế, phải không chị?
Kiều bảo:
– Em ơi, lòng chị đang tràn đầy những nỗi niềm thổn thức. Có một mối tơ duyên còn vương vấn mà chị gỡ chưa xong. Nói ra thì cảm thấy thẹn thùng, mà giữ kín trong lòng thì lại phụ lòng người ấy. Chị muốn nhờ em giúp chị giải quyết vấn đề này. Nếu em có lòng chịu giúp chị thì xin em hãy ngồi lên cho chị lạy hai lạy rồi chị mới nói. Từ khi gặp chàng Kim, chị đã yêu chàng, và không có ngày nào đêm nào là không nghĩ đến chuyện chén thề quạt ước. Hai bên đã nặng lời thề nguyện với nhau. Nhưng cơ sự đã xảy ra như thế này cho gia đình mình, thì gánh tương tư như thế đã nửa chừng bị gãy. Chỉ có một cách cứu chữa được tình trạng là nhờ em thay chị nối lại sợi giây đàn đã đứt. Cơn sóng gió vừa xảy ra cho gia đình mình, ai mà biết trước được? Làm sao chị có thể xử sự cho trọn vẹn được cả vừa bên tình và bên hiếu? Em ơi, ngày xuân của em vẫn còn dài, em hãy vì tình máu mủ của chị em ruột thịt một nhà mà thay chị làm cho tròn lời thề sông núi ấy. Nếu được như vậy thì dù thịt của chị có nát xương của chị có mòn thì ở dưới suối vàng hồn chị cũng hãy còn được thơm lây. Đây là những chiếc xuyến vàng và vuông lụa mà chàng Kim đã trao tặng. Và đây là tờ giấy hoa tiên mang lời nguyền ước của hai người đêm ấy. Nếu sau này em được tác hợp với chàng thì tình duyên ấy phải đi chung với kỷ vật này. Một ngày kia khi cuộc tình duyên này được thành tựu thì chắc chắn em và chàng sẽ không quên được người có số mệnh mỏng manh là chị. Lúc ấy tuy không còn chị nữa, nhưng những kỷ vật này sẽ dùng làm chứng tích của lòng chị mong cầu. Em nhìn xem đây: đây là những phím đàn và những phần còn lại của những mảnh hương đã được đốt lên để nói lời thệ ước. Sau này mỗi khi chàng và em có dịp đốt những mảnh hương này và sử dụng những phím đàn này thì xin hai người hãy để ý một chút: nếu nhìn ra ngọn cỏ lá cây mà thấy gió thổi hiu hiu thì biết là hồn chị đã về. Hồn chị vẫn sẽ còn mang nặng lời thề nguyền, thì tấm thân bồ cây liễu này của chị dù có phải bị nát tan thành tro bụi chị vẫn không quên nghĩ đến chuyện đền đáp lại mối ân tình trúc mai ấy. Lúc đó biết rằng chị đang ở chốn dạ đài, âm dương cách biệt, không chuyện trò được với nhau thì xin em và chàng hãy rảy cho một chén nước lạnh để làm mát dịu linh hồn của người đã chết vì oan ức. Bây giờ trâm đã gãy, bình đã tan, làm sao nói ra được hết muôn ngàn niềm ân nỗi ái? Anh Kim ơi, cho em gởi lại anh một trăm cái lạy, một ngàn cái lạy. Cuộc tình của chúng ta chỉ ngắn ngủi có chừng ấy mà thôi! Tại sao thân phận của em lại bạc trắng như vôi như thế? Số phận của em là số phận của hoa trôi bèo dạt, bây giờ đây tất cả đều đã trở thành lỡ làng. Anh Kim ơi! Anh Kim ơi! Thôi thế là hết, thôi thế là em đã phụ tình anh từ giờ phút này đây!
Nói ra được hết những lời vừa nói, ngất say niềm tuyệt vọng, Kiều ngã lăn ra bất tỉnh, thân thể và hai tay nàng lạnh ngắt như đồng.
Ông bà Vương nghe tiếng hét của Kiều chợt tỉnh dậy. Cả nhà xúm lại, xôn xao trong ngoài, kẻ thì lo đi lấy nước, người thì chạy tìm thuốc men, làm mọi cách để vực Kiều tỉnh dậy. Nàng đã tỉnh, nhưng lệ còn ướt đẫm trên hai má. Ông bà Vương hỏi:
– Con ơi, con ơi, tại sao lại xảy ra chuyện lạ lùng đến thế? Tại sao mà con phải đến nông nỗi này?
Kiều vẫn nức nở khóc. Nàng không nói được lời nào. Lúc bấy giờ Thúy Vân mới nói cho cha mẹ biết về tất cả cớ sự và nông nỗi. Và nàng kết luận:
– Đây là chiếc kim thoa và đây là mảnh giấy hoa tiên có ghi lời thệ nguyện của hai người.
Ông bà Vương bảo:
– Như vậy là cha đã làm lỡ làng duyên phận của con. Nhưng con ơi, con đừng đau khổ quá, vì em gái con đây sẽ có thể thay con đền bù lại sự mất mát này cho chàng. Trời đất có hay cho không? Ai đã làm cho rơi kim rụng cải, để cho đứa con bé bỏng của tôi phải chịu kiếp bèo nổi mây chìm? Con ơi, những lời con căn dặn, cha mẹ và các em con sẽ nhất thiết làm theo, không dám để cho sai chạy một tấc, một ly nào.
Thúy Kiều lạy xuống tạ ơn cha mẹ và hai em. Rồi nàng thưa:
– Nếu cha mẹ và hai em đền đáp được cho êm xuôi tình nghĩa này đối với chàng Kim Trọng thì dù con có phải suốt đời làm thân phận con ở, hoặc dù con có chết bỏ xương trắng ở quê người con cũng không còn quản ngại.
Trà mi một đóa
Đêm đen đã chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu, nhưng trống canh từ phía lầu Nam đã dồn dập báo rằng một ngày mới sắp đến. Kiệu hoa đã được khiêng đến trước cửa ngoài. Nhạc rước dâu đã bắt đầu trỗi dậy, báo hiệu giờ ly biệt. Kẻ ở người đi ai cũng cảm thấy đau lòng. Giọt nước mắt rơi như thấm cả vào lòng đá, sợi tơ lòng kéo ra như làm nát ruột cả con tằm. Ngày biệt ly lại là ngày mây kéo tối sầm cả trời đất. Ngọn cỏ thì dầu dầu héo hắt, cành cây thì đẫm ướt giọt sương. Người ta rước Kiều về ở tạm nơi một quán trọ, và để nàng ở một mình trong ấy, bốn bề phong tỏa. Chưa bao giờ từng lâm vào tình trạng như thế, Thúy Kiều vừa thẹn thùng vừa bỡ ngỡ. Nàng cảm thấy xót xa khi xét lại lòng mình. Nàng than thở: ‘Thân thế của mình như vầy mà lại rơi vào tay một người quá ư phàm tục. Vậy là công phu giữ nắng gìn mưa lâu nay vì chàng cũng trở thành uổng phí. Nếu biết rằng thân phận sẽ ra thế này thì chi bằng trước đây ta đã dâng đóa hoa đào phong nhị cho người tình chung. Ai là kẻ đã ngăn đón ngọn gió mùa xuân? Ai đã làm cho kẻ đi người ở đều đau lòng xót dạ? Dù trong tương lai chúng mình còn có cơ hội gặp gỡ lại thì anh ơi, thân em còn có ra gì nữa? Đã sinh ra kiếp long đong thì làm sao mà làm chủ được thân phận má hồng của mình?’ Trên mặt bàn có sẵn một con dao. Kiều đưa tay với lấy, gói lại trong một chiếc khăn và dấu vào trong tay áo. Nàng tự nhủ: ‘ Nếu sau này lỡ nước có đến chân, tai họa hiểm nhục dồn tới, thì ta đã có con dao này mà kết liễu cuộc đời mình.’
Đêm càng lúc càng về khuya. Một mình trong phòng the, Thúy Kiều có lúc như say, có lúc như tỉnh. Nàng không biết rằng anh chàng Mã Giám Sinh ấy vốn là một gã phong tình quen thói ăn chơi trác táng. Ăn chơi quá mức và gặp phải thời rủi ro, Mã liền quyết định tìm kiếm cách sinh sống ngay trong giới hoa nguyệt. Trong giới lầu xanh anh ta lại gặp một người tên là Tú Bà. Mụ ta trước cũng là kỹ nữ, bây giờ tuổi già không còn duyên sắc. Tú Bà và Mã Giám Sinh, một bên mạt cưa giả làm bột cám, một bên mướp đắng giả làm dưa leo, cả hai đều là phường buôn hương bán phấn. Họ chung vốn mở một ngôi hàng, làm ăn lâu năm đã có kinh nghiệm. Họ đi khắp nơi thôn quê và phố chợ kiếm và dụ dỗ những cô gái nghèo còn trẻ đem về, nói là để nuôi làm con ở nhưng kỳ thực là để dạy nghề ăn chơi. Rủi may âu cũng là số trời, Kiều đã bị lọt vào cái ổ ấy. Một thiếu nữ xinh đẹp mơn mởn tợ một cành hoa như Kiều mà lại bị giao bán vào chiếc thuyền của một kẻ lái buôn. Nàng đã rơi vào lưới của Tú Bà và Mã Giám Sinh: sính nghi thì chỉ được trả có 450 lạng, và lễ rước dâu thì tổ chức cấp tốc. Mã Giám Sinh cảm thấy mừng thầm trong bụng. Gã thấy rằng cây cờ đang nằm trong tay gã. Càng ngắm nhìn vẻ đẹp ngọc ngà của Kiều thì gã càng thấy lòng mình say đắm. Sắc của nàng đáng được gọi là sắc nước, hương của nàng đáng được gọi là hương trời. Nụ cười tươi thắm của nàng ta có thể gọi là nụ cười đáng giá ngàn vàng, điều ấy thật không ngoa. Rước Kiều về tới lầu xanh thì trong giới vương tôn quý khách ai cũng sẽ tranh nhau để được chiếm đoạt nàng trước nhất. Ít nhất cũng phải trả 300 lạng vàng mới có quyền bẻ hoa, như vậy là ngay lần đầu Tú và Mã đã lấy lại được vốn. Còn sau đó là cứ tiếp tục có lời dài dài. Nhưng trong giờ phút này đây khi món ngon đã được đưa kề tới miệng, Mã Giám Sinh rất muốn chiếm đoạt xác thân của Kiều. Nhưng gã lại sợ là nếu làm như thế thì lại đánh mất vốn liếng của nhà chứa: ‘Khi Kiều đã mất trinh thì còn ai chịu trả giá cao để được có cái thú bẻ hoa?’ Nhưng gã lại suy nghĩ thêm: ‘Đào tiên đã nằm trong tay kẻ phàm tục mà mình không biết lợi dụng thời cơ thì thật là uổng quá. Trên đời có biết bao kẻ được xem là biết chơi hoa thật sự? Có bao kẻ chơi hoa biết được cái quý cái đẹp của hoa? Thôi ta cứ liều mạng đi. Sau khi chiếm được Kiều ta sẽ tìm những phương thức giả tạo để đánh lừa người tới sau, để cho họ có cảm tưởng họ là người đầu được động tới nó. Những chất như nước vỏ lựu và máu mào gà có thể sử dụng để đánh lừa những kẻ dại dột, và biết đâu họ cũng có thể trả giá mà ta đưa ra. Nếu lỡ mà mụ Tú kia biết được thì ta chỉ cần quỳ một buổi xin tha tội, thế nào mụ ta cũng sẽ tha thứ. Với lại ở đây đường xá xa xôi, nếu ta không hành xử như một chú rể thật sự thì người ta sẽ có thể nghi ngờ rằng đây không phải thật sự là một đám cưới’. Nghĩ như thế, Mã Giám Sinh thực hành ngay. Thương tiếc thay cho một đóa trà mi mơn mởn: con ong bây giờ đã biết cả đường đi lẫn lối về. Mã Giám Sinh là một kẻ vũ phu, không biết thương gì đến ngọc, không biết tiếc gì đến hương, vì vậy Kiều đã phải trải qua một cơn nặng nề mưa gió. Sau giấc mộng kinh hoàng ấy của một đêm xuân, Kiều nằm trơ một mình dưới những ngọn đuốc tân hôn, vì Mã Giám Sinh đã bỏ đi ra ngoài ngay sau đó. Kiều khóc như mưa, một phần vì căm giận, một phần vì buồn tủi cho thân phận mình. ‘ Thật là một kẻ thuộc giòng giống tanh hôi. Thế là hết, còn đâu nữa là thân thế và danh dự của một khách má hồng. Có còn chi nữa để mà mong mà đợi? Đời một người con gái đến đây là chấm dứt.’
Một xe trong cõi hồng trần
Căm giận và tủi hờn vì thân phận, Kiều lấy dao ra tính kết liễu cuộc đời mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nàng biết là làm như thế có hại. ‘Mình chết thì được rồi, nhưng còn cha mẹ thì sao? Nếu sau khi mình chết mà họ sinh sự kiện cáo thì có phải là mình sẽ làm lụy cho đấng song thân hay không. Chết trước hay chết sau cũng là một lần chết mà thôi, chi bằng ta hãy đánh liều đợi xem tình thế ra sao đã.’ Còn đang suy nghĩ đắn đo thì tiếng gà gáy sáng đã sôi lên bên phía mái tường. Trong sương sớm tiếng còi đã vọng lên lầu mai: Mã Giám Sinh ra lệnh phải khởi hành lập tức. Đau lòng thay giờ phút tiễn biệt. Vó câu khấp khểnh, bánh xe ghập ghềnh. Đi được mười dặm, đoàn xe dừng lại ở một quán trường đình. Ông bà Vương đã đi theo được tới đây, có cả người nhà gánh theo tiệc tiễn hành. Chủ và khách bày tiệc ăn uống thù tạc với nhau bên ngoài. Bên trong chỉ có hai mẹ con Kiều. Nước mắt tầm tã, nàng kể hết nỗi lòng với mẹ: ‘Con rất lấy làm hổ thẹn mẹ ơi. Sinh ra làm phận thơ đào, lâm vào tai nạn này, biết kiếp nào mới đền trả được ơn nghĩa mẹ cha? Duyện phận con lại lỡ làng, nước trong đã bị bùn đen quấy lên vẩn đục. Một tấm lòng chung thủy con không bao giờ dám quên, xin nhờ mẹ cha nhắn lại với chàng Kim Trọng. Trong mấy ngày qua, con để tâm quan sát và có linh tính là con đã bị rơi vào bẫy của một bọn bợm già. Mã Giám Sinh là một người không có tư cách đàng hoàng. Anh ta có khi nào có mặt ở nhà đâu, và mỗi khi cần phải đi vào thì hai mắt lấm lét, và mỗi khi đi ra thì hai chân vội vàng. Cách xưng hô ăn nói của thầy tớ họ cũng rất hàm hồ và có khi cộc lốc. Có khi anh ấy gọi bà tú là mợ, có khi thì gọi là mụ. Bọn đứa ở thì có khi gọi con là dì, có khi lại gọi là chị, có vẻ khinh xuất, thiếu hẳn lễ độ. Anh chàng này không có tư cách của một con người thanh lịch quý phái. Ngắm cho kỹ thì như là một người lái buôn. Chết con mất rồi, mẹ ơi. Thân phận con rồi đây nếu sống thì sống nhờ đất khách, và khi chết thì sẽ bị chôn ở quê người, hy vọng gì có ngày trở lại cố hương.’
Nghe con nói như thế, bà Vương cảm thấy nỗi oan ức chất chứa đầy trái tim, bà những muốn ngửa mặt lên trời mà kêu cho thấu. Hai mẹ con còn chưa nói được với nhau bao nhiêu lời tâm sự thì bên ngoài người ta ra lệnh khởi hành.
Trái tim trĩu nặng niềm thương xót đối với con gái, ông Vương đứng bên yên ngựa của Mã Giám Sinh hết lời năn nỉ: ‘Em nó thân phận liễu yếu đào tơ, vì phận rủi của gia đình mà phải buộc lòng bước đi làm thân lẽ mọn. Từ đây nó sẽ phải trải qua cảnh nắng mưa thui thủi một mình bên chân trời góc biển, xa cách gia đình thân thuộc. Rất mong người quân tử đóng được vai trò của cây tùng cao có bóng mát, che chở được cho phận gái như một giây leo có thể leo lên được ngàn tầm mà không bị tuyết sương làm cho héo úa.’ Mã Giám Sinh thưa lại: ‘Cuộc nhân duyên này đã được định trước một cách mầu nhiệm, cho nên hai đứa chúng con mới được sợi dây đỏ buộc lại với nhau. Mai sau nếu con có ăn ở tệ bạc với Kiều, thì gương nhật nguyệt cũng như dao quỷ thần vẫn còn đó: con sẽ bị trừng phạt, xin nhạc gia đừng lo.’ Mã vừa nói dứt lời thì như gió giục, mưa vần, chiếc xe của Kiều đã lăn bánh chạy và chẳng mấy chốc đã bị cuốn đi và mất hút trong cõi bụi hồng.
Tóm lược
Tú Bà và Mã Giám Sinh mua Kiều từ Bắc Kinh đem về Lâm Tri, chứ không phải đem về Lâm Thanh. Đi một tháng trời mới đến. Kiều khám phá ra rằng chỗ người ta mang Kiều tới là một chốn lầu xanh. Sau khi biết được Mã Giám Sinh đã phá trinh Kiều, Tú Bà giận quá la mắng và rút roi sắp sửa đánh Kiều. Kiều rút dao ra tự tử. Vết thương quá nặng, Kiều nằm thiêm thiếp. Trong khi hôn mê, Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên. Đạm Tiên nói: ‘Chị không trốn được nợ đoạn trường đâu, chị phải sống cho hết kiếp này đã. Em sẽ đợi rước chị dưới sông Tiền Đường sau khi chị đã trả hết nghiệp.’ Thấy Kiều có thể chết, Tú Bà sợ quá vội tìm thầy cứu chữa và khuyên Kiều nên tịnh dưỡng cho mau lành. Bà hứa là sẽ không ép Kiều tiếp khách và sẽ tìm cơ hội gả Kiều cho người tử tế. Kiều bình phục thì có một chàng tên Sở Khanh, giả làm kẻ hào hiệp tổ chức cho Kiều đi trốn. Kiều không ngờ đây là mưu của Tú Bà. Trên đường đi trốn, Sở Khanh bỏ Kiều giữa rừng. Tú Bà rượt theo bắt Kiều về, hung hăng đánh phạt. Kiều đau quá phải hứa chấp nhận tiếp khách thì Tú Bà mới tha cho. Thúy Kiều nói: ‘Cái tính ưa trinh bạch của con, từ nay xin chừa.’ Tú Bà bèn dạy cho Kiều cách hành nghŠ thanh lâu.
Một thời gian sau có chàng Thúc Kÿ Tâm, từ Vô Tích ở Triết Giang theo cha về Lâm Tri mở ngôi hàng buôn bán. Thúc còn là sinh viên, có vợ tên là Hoạn Thư, con quan thượng thư bộ Lại. Thúc mê Kiều, bỏ tiền chuộc Kiều ra sống chung. Cha của Thúc biết được, buộc Thúc trả Kiều về thanh lâu. Thúc không chịu. Giận quá cha Thúc đưa Thúc ra tòa. Quan phủ ra lệnh cho Kiều trở về lầu xanh. Kiều thưa rằng nàng sẵn sàng chịu hình phạt hơn là phải bị bắt buộc phải trở về thanh lâu. Quan cho gông Kiều lại. Thúc Sinh khóc. Quan hỏi, và biết được Kiều cũng là người biết điều và lại có tài văn chương. Quan ra đề tài cái gông cho Kiều vịnh. Quan khen thơ hay và khuyên thân phụ Thúc Sinh nên chấp nhận Kiều là con dâu cho yên nhà yên cửa.
Sống được với Thúc Sinh một năm, Kiều tính chuyện lâu dài, khuyên Thúc về Vô Tích nói hết sự thực với người vợ cả để mọi sự êm xuôi và để nàng được chính thức chấp nhận là vợ lẽ của Thúc. Thúc về thăm, nhưng không chịu nói. Ai ngờ Hoạn Thư đã biết cả. Hoạn tổ chức sai hai tên côn đồ là Ưng và Khuyển đi đường hải đạo về Lâm Tri bắt cóc Kiều đưa về Vô Tích làm con hầu cho mẹ là phu nhân của quan thượng thư. Kiều bị đánh bầm tím người vì khi được tra hỏi nàng đã thật thà nói hết tất cả những gì đã xảy ra. Nhờ bà quản gia hiền lành chăm sóc, nàng mới khỏi chết sau trận đòn đó. Kiều được ghép vào giới con ở, mặc áo xanh và được đặt tên là Hoa Nô.
Những chuyện trên xảy ra trong khi Thúc Sinh còn trên đường về Lâm Tri. Thúc về tới thì được cha báo tin là nhà đã cháy và Kiều đã chết. Bọn côn đồ trước khi bắt cóc Kiều đã liệng một thây người vô chủ bên sông vào nhà và đốt nhà sau khi bỏ đi. Ai cũng tưởng là Kiều đã chết cháy. Gia đình Thúc đã tổ chức đám tang cho Kiều.
Vài tuần sau, Hoạn Thư xin mẹ cho Kiều về nhà mình giúp việc. Từ Lâm Tri về Thúc Sinh vào nhà thì Hoạn Thư sai Kiều ra lạy chào với tư cách một con ở. Hai bên được đặt vào cái thế không thể nhận nhau và chào hỏi nhau. Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều và Thúc Sinh bằng cách bắt hai người phải đóng vai trò con ở và chủ nhà trong một thời gian khá lâu. Hành hạ hai người như thế để bõ những cơn ganh tức đau ngầm đã gánh chịu xưa nay.
Gác kinh viện sách
Sớm khuya, Kiều làm công việc hầu hạ của một đứa thị tỳ ở chốn dinh thự cao sang. Một hôm trông thấy mặt Kiều ủ rũ, Hoạn Thư lên tiếng tra hỏi. Kiều lựa lời giải thích:
– Sở dĩ con có nét mặt rầu rĩ là tại vì con đang nghĩ tới số phận không may của mình.
Hoạn Thư nói với Thúc Sinh:
– Em nhờ anh điều tra giúp em về trường hợp con Hoa Nô này. Anh bảo nó khai cho thật tình đi nhé.
Thúc Sinh đang khổ đau cực kỳ, gan ruột chàng đã tan nát như đang bị bào ra, thế mà chàng cũng giả bộ bày cách tra hỏi Kiều. Một mặt chàng đã chẳng dám nói sự thật với vợ, một mặt khác chàng lại chẳng nỡ nhìn cảnh Kiều bị đày đọa. Chàng chỉ sợ làm liên lụy đến Kiều để cho Kiều lại bị hành hạ thêm. Được Thúc Sinh hỏi, Kiều quỳ trước sân hoa dâng lên một tờ cung khai về thân phận nàng. Thúc nhận lấy tờ khai và trao cho Hoạn Thư. Đọc xong tờ cung khai của Kiều, trong lòng Hoạn Thư dường như có phát sinh ít nhiều thương xót. Nàng trao tờ cung lại cho Thúc Sinh:
– Xét tờ cung khai này thì tình Hoa Nô cũng đáng thương, mà tài Hoa Nô cũng đáng trọng. Nếu con này mà có số phận giàu sang thì với tài sắc đó, có thể cũng sẽ có người đúc được một chiếc nhà vàng cho nó ở. Nhưng số phận nó lại là số phận hữu tài mà vô duyên. Thật cũng đáng thương cho số kiếp long đong của nó trong biển trần chìm nổi.
Thúc Sinh nói:
– Đúng như lời hiền thê đã nói. Kiếp số má hồng phận mỏng từ xưa tới nay luôn luôn là thế. Vậy thì em cũng nên đem lòng từ bi mà đối xử nhẹ tay với nó một chút.
Tiểu thư nói:
– Trong tờ cung khai này, Hoa Nô có ý muốn xin đi xuất gia. Có lẽ ta cũng nên chấp nhận lời yêu cầu này của nó, để nó có cơ hội bước ra khỏi cái vòng hệ lụy. Trong vườn nhà ta có gác Quan Âm, có cây trăm thước, có hoa bốn mùa, có cả cổ thụ, có cả sơn hồ; thôi ta hãy cho nó xuống tóc ra đó giữ chùa và chép kinh.
Một buổi sáng nọ trời mới rạng đông, mọi người chuẩn bị hoa hương và năm thức cúng dường để đưa Kiều ra trước Phật đường làm lễ xuất gia. Kiều được cởi chiếc áo xanh của người thị tỳ ra và mặc vào chiếc áo nâu sồng của một ni cô. Nàng được đặt pháp danh là Trạc Tuyền. Tiểu thư họ Hoạn cung cấp đầy đủ các phí tổn về dầu đèn, trầm hương và cử hai tên thị nữ khác tên là Xuân và Thu để phụ tá cho sư cô mới trong việc hương đèn và bái sám.
Từ khi được ra ở Quan Âm Các ngoài vườn hoa, có những lúc Kiều có cảm tưởng như là đã được lánh xa cõi bụi hồng của nhân gian và tới gần với rừng trúc tím của đức Quan Âm bồ tát. Nghĩ cho kỹ, nàng thấy nàng không còn hy vọng gì nữa về cuộc tình duyên với Thúc Sinh. Cầu cho đừng bị nhục trong cảnh thẹn phấn tủi hồng đã là may mắn lắm rồi. Ở chốn Phật đường ni cô Trạc Tuyền tìm mọi cách để vùi lấp thảm sầu, nàng cố quên đi những niềm tủi và những nỗi hờn của mình bằng cách chép kinh và tụng niệm. Nghĩ ra thì giọt nước cành dương của đức Quan Âm cũng có công năng tưới tắt những ngọn lửa phiền não đang bừng cháy trong lòng. Từ khi Kiều mặc vào chiếc áo nâu sồng của người tu, thấm thoát mà mấy mùa trăng đã đi qua. Sống ở chốn cửa thiền thì theo nguyên tắc phải giữ gìn giới luật và uy nghi cho nghiêm mật. Nhưng đó chỉ là vấn đề hình thức. Khi có mặt người bổn đạo lui tới thì sư cô Trạc Tuyền vẫn nói vẫn cười, nhưng khi vắng người, sư cô vẫn thường rơi lệ khóc than cho thân phận. Thật là oái oăm. Phía bên này thì Kiều ở trên gác kinh, phía bên kia thì Thúc Sinh ngồi trong viện sách. Tuy ở gần nhau trong gang tấc mà cả hai đều cảm thấy bị xa cách nhau đến ngàn trùng núi sông.
Ấy mới gan, ấy mới tài
Một hôm trong khi Thúc Sinh còn đang ngậm ngùi than thở một mình, thấy không có một cơ hội nào để đi thăm Kiều, thì hôm đó tiểu thư lại có việc phải đi về thăm mẹ. Thừa cơ hội này Thúc lẻn ra vườn hoa, xăm xăm đi về Quan Âm Các. Gặp Kiều chàng khóc lóc kể lể với Kiều những nỗi niềm đau khổ của mình, nước mắt chàng thấm ướt cả vạt áo xanh của người thư sinh.
– Xin lỗi em, lâu nay anh đành phải cam chịu là bạc bẽo. Chút Xuân đã để cho một mình em phải gánh chịu những khổ đau uất ức. Anh là con trai mà ngu ngốc cho đến nỗi phải thua trí một người đàn bà. Nhìn vào thì đau ruột mà nói ra thì anh ngại ngùng chẳng dám. Trăm sự chỉ vì anh mà một mình em bị lụy. Em như viên ngọc đang bị trôi trong cát bùn. Anh thấy tội cho em đã đánh mất cả một cuộc đời tươi trẻ. Thật ra anh chẳng quản ngại việc lên thác xuống gềnh. Anh cũng có thể hy sinh mạng sống cho tình yêu chúng ta. Ngặt vì anh chưa có con trai nối dõi tông đường để bầy tỏ lòng hiếu thảo với mẹ cha, nếu không thì anh sẽ nhất quyết đòi ly thân với nó. Anh rất thẹn vì đã phụ lời thề cùng em, để cho bây giờ đá nát vàng phai. Xin em biết cho là dù có hy sinh tấm thân này trong một trăm kiếp liên tục anh cũng không chuộc lại được một lời thề nguyền anh đã nói.
Kiều bảo:
– Thân phận em cũng như một chiếc thuyền nhỏ bé đang trôi giạt giữa biển ba đào, nổi chìm cũng là do may rủi cả. Em đã từng quằn quại trong một vùng lầy, đến bây giờ còn được sống thừa ở đây đã là một điều may mắn lắm. Em có dám trách cứ gì anh đâu. Chỉ xót xa là chúng ta đã bắt đầu so dây cho một cung đàn tình ái. Tuy chưa đích thực là một cuộc trăm năm nhưng em nghĩ một ngày cũng đã nên tình nên nghĩa. Vậy thì nếu anh còn có nghĩ đến em thì hãy tìm cho em một lối thoát để ra khỏi nơi này. Đó mới thật là ân sâu nghĩa nặng.
Thúc Sinh bảo:
– Cứ theo những điều anh thấy lâu nay thì lòng người đàn bà kia thật là nham hiểm, không thể nào lường được. Anh sợ một ngày nào đó khi giông tố phũ phàng nổi dậy thì bao nhiêu thiệt thòi em sẽ phải gánh chịu tất cả, mà anh sẽ cũng khổ đau không kém. Vậy thì em hãy kiếm cách mà xa chạy cao bay đi thôi. Tình duyên của chúng ta tới đây có lẽ là đến lúc phải nên chấm dứt. Bây giờ em ra đi, thì sau này kẻ ngược người xuôi, chẳng bao giờ chúng ta lại có cơ hội nối lại lời nguyền xưa đâu. Nhưng em ơi, dù cho sông có cạn, đá có mòn, một con tằm như anh thì đến chết kiếp nó vẫn còn vương tơ không thể nào ngưng nghỉ.
Hai người kể cho nhau nghe bao nhiêu nỗi niềm tâm sự. Hết người này nói, lại đến người kia nói, câu chuyện như không bao giờ chấm dứt. Thúc Sinh cứ nhìn Kiều mà tay chàng vẫn không muốn buông Kiều ra. Chợt con thị tỳ từ xa làm dấu hiệu là đang có người đi đến. Lúc ấy chàng mới chịu đứng dậy. Tuy nhiên bụng chàng còn ấm ức muốn nói thêm. Lúc ấy Hoạn Thư không biết từ đâu đã rẽ hoa bước vào. Vẫn tươi cười và bằng một giọng nói rất ngọt, tiểu thư hỏi Thúc:
– Anh đi đâu mà lại lạc tới đây vậy?
Thúc Sinh tìm lời nói dối:
– Anh đi xem hoa, vui bước tới đây hồi nào mà chẳng hay. Nhân tiện anh ghé vào xem sư cô Trạc Tuyền chép kinh.
Tiểu thư đến gần nâng bản chép kinh cûa Kiều lên xem rồi khen:
– Bút pháp tinh vi thật. So với chữ trong thiếp lan đình thì nét bút này đâu có thua gì. Rất tiếc cho đương sự có số lưu lạc giang hồ. Nếu không thì tài nghệ này cũng đã có người chịu trả ngàn vàng để rước lấy.
Hai người ngồi chơi uống cạn một chén trà hồng mai rồi mới cùng sánh vai nhau thong thả đi về thư viện. Kiều cảm thấy vừa buồn vừa sợ. Nàng hỏi nhỏ con thị tỳ. Cô này nói rằng Hoạn Thư đến đã từ lâu, và đã nhón gót đứng núp và nghe hết mọi lời thở than và tâm sự của cả hai người:
– Tiểu thư bảo con đứng tránh sang một bên, không cho con gây nên tiếng động. Tiểu thư đứng đấy nghe lén vào khoảng chừng một giờ. Nghe chán rồi tiểu thư mới bước lên lầu.
Nghe con thị tỳ nói, Kiều kinh hãi:
– Đàn bà như thế thì trên đời này họa ra chỉ có một người! Tài thật, gan thật. Càng nghĩ ta càng thấy rợn tóc gáy. Người đâu mà thâm hiểm đến thế, khiến cho cả chàng Thúc Sinh cũng phải bó tay. Nếu là kẻ khác thì trong một cuộc bắt ghen như thế này thế nào người ta cũng đã nổi máu ghen lên để chau mày, nghiến răng và làm dữ. Thế mà ở đây người ấy vẫn cứ cười cợt vui vẻ và nói năng dịu dàng như thường! Nếu đùng đùng nổi giận thì đó là một kẻ thường rồi. Đằng này người ta không nổi giận mà lại còn ngọt ngào cười nói: thế mới biết cái hiểm và cái sâu trong lòng người đàn bà này thật không thể nào đo lường được. Thôi thôi, ta phải biết lo cho cái thân phận của ta. Đây là chốn miệng hùm nọc rắn, ta không thể nào ở lâu được. Phải tìm cách chắp cánh mà cao bay. Ở đây sẽ có ngày bị hại. Thân phận của ta đã là thân phận của một cánh bèo thì ta đâu cần phải sợ hãi gì cái cảnh sông nước nữa. Đã lênh đênh thì đâu cũng lênh đênh. Ta còn ngại gì mà không đi. Chỉ hiềm một chút là ra đi nơi đất khách một mình, không có đồng nào trong tay thì làm sao mà tránh được cơn đói rét?
Chùa đâu trông thấy nẻo xa
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co, Kiều quyết định dắt theo một ít những đồ thờ tự làm bằng vàng và bằng bạc trong chùa để làm của hộ thân. Nàng đợi đúng vào lúc nửa đêm, khi trống canh ba vừa điểm thì leo tường trốn ra. Dưới ánh trăng tà, Kiều tìm đường đi về hướng Tây. Vượt qua nhiều đồi cây và những dặm đường cát, Kiều lần đi trong tiếng gà điểm nguyệt và để lại dấu chân trên những chiếc cầu đẫm sương. Đêm thì khuya, đường thì dài mà một mình thân gái, Kiều vừa sợ hãi về những bất trắc có thể xảy ra trong bước đường tỵ nạn, vừa cảm thương cho thân phận dãi dầu của mình. Từ phương Đông ánh mai vừa xuất hiện đủ để soi rõ được khu rừng dâu. Kiều vẫn còn bơ vơ chưa biết là mình sẽ đi tới đâu. Bỗng nàng thấy từ xa thấp thoáng hình bóng một ngôi chùa. Tới gần, Kiều đọc được ba chữ Chiêu Ẩn Am dưới mái tam quan rất rõ. Nàng gõ cửa. Một ni sư đi ra và mở cửa cho Kiều vào. Đây là ni sư Giác Duyên, vị sư trưởng của chùa. Thấy Kiều dưới y phục nâu sồng, ni sư vốn là một người rất lành, bất giác đem lòng thương hại. Ni sư hỏi thăm Kiều là ai và từ đâu tới. Trong buổi mới lạ lùng, Kiều phải tìm lời nói quanh:
– Bạch ni sư, con quê ở Bắc Kinh, đi xuất gia tu hành đã lâu. Con đi với thầy con. Thầy con có chút việc phải ghé đâu đó, dạy con đến đây trước rồi thầy sẽ đến sau. Thầy con có dặn đem các pháp bảo này theo để cúng dường ni sư.
Rồi Kiều lấy ra chuông vàng khánh bạc và đem trình lên. Nhìn qua, ni sư nói:
– Nếu thầy của cô là ni sư Hằng Thủy thì đó là bạn rất thân của tôi. Cô nên ở lại đây ít ngày để đợi thầy của cô đến, rồi hãy cùng đi tiếp cuộc du hành. Đừng nên đi sớm một mình mà nguy hiểm.
Có chốn am mây để gởi thân, Kiều cảm thấy rất may mắn. Nàng được sống những ngày tháng thong dong trong nếp sống dưa muối đạm bạc của nhà chùa. Trước đây Kiều đã có dịp học thuộc được một ít kinh kệ. Việc hương đèn thì Kiều cũng đã từng làm quen tay. Thành ra trong nếp sống xuất gia này không có gì là khó khăn với nàng cả. Mỗi sớm mỗi khuya Kiều tham dự vào những buổi tụng niệm và sử dụng chuông mõ. Tối đến thì nàng đốt đèn. Sáng dậy thì nàng thỉnh chuông đại hồng. Thấy Kiều là một sư cô thông tuệ, ni sư Giác Duyên càng lúc càng nể và càng thương. Kiều cũng cảm thấy chỗ đứng của mình ở đây càng ngày càng vững chãi. Tình đạo bạn giữa chị em nảy nở.
Tóm lược
Nhưng Kiều chỉ ở được am Chiêu Ẩn tới mùa thu thì bị tiết lộ, vì có người nhận ra được chuông vàng khánh ngọc của Quan Âm Các. Ni sư Giác Duyên khuyên Kiều sang ở ẩn tạm bên nhà một người bổn đạo tên là Bạc Bà. Ai dè Bạc Bà cũng là một thứ Tú Bà. Bà ta dọa dẫm nếu Kiều không lấy cháu trai của bà là Bạc Hạnh và đi lập nghiệp nơi xa thì sớm muộn gì cũng bị Hoạn Thư sai người tới bắt. Bạc Hạnh cũng là một loại Mã Giám Sinh. Lễ cưới vừa xong thì Bạc chở Kiều đi Châu Thai và bán Kiều cho một trung tâm lầu xanh ở đây. Kiều lại rơi vào vũng bùn một lần nữa. Tiếc thay, nước đã đánh phèn, mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Một thời gian sau đó, may mắn Kiều được gặp Từ Minh Sơn, một chàng hiệp sĩ, một người làm cách mạng. Gặp nhau lần đầu hai người đã ưng ý nhau. Từ Hải bỏ tiền chuộc Kiều ra ở riêng. Nửa năm sau, Từ Hải lên đường lập nghiệp. Kiều xin đi theo, Từ không cho, nói rằng một năm nữa khi làm nên sự nghiệp, Từ sẽ cho quân đội tướng tá và cung nga về đón Kiều. Từ Hải dấy binh chiếm một phần lãnh thổ của nước Minh, hùng cứ một vùng đất ven biển. Thành công rồi, Từ cho quân lính đi rước Kiều. Kiều lên ngôi phu nhân ngồi bên Từ Hải. Nghe Kiều kể những chuyện oan ức ở Lâm Tri và Vô Tích, Từ nổi giận cho hai đạo binh đi bắt hết cả những kẻ đã làm khổ Kiều, và cũng để mời luôn những người ơn của Kiều như bà quản gia, ni sư Giác Duyên và chàng Thúc Sinh về để Kiều được tạ ơn. Cuộc hành quân này thành công. Kiều đã báo ơn và trả thù bằng những phương tiện quyền lực của Từ Hải. Kiều muốn mời ni sư Giác Duyên ở lại chơi lâu hơn, nhưng ni sư không muốn. Và khi ni sư nói lời từ giã, ni sư bảo là theo lời tiên đoán của đạo cô Tam Hợp, năm năm nữa thì hai chị em sẽ lại được gặp nhau.
Từ Hải tiếp tục hành quân chiếm cứ thêm năm huyện thành nữa ở Phúc Kiến và Triết Giang, uy thế lừng lẫy. Quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến được lệnh vua ra đối phó. Hồ đề nghị giải pháp phong quyền tước cho Từ Hải nếu Từ Hải chịu quy phục triều đình. Từ Hải không muốn bó thân về với triều đình, nhưng sau khi nghe Kiều phân giải, đã bằng lòng quy phục. Kiều rất mong được có dịp về đoàn tụ với gia đình cho nên đã khuyên Từ Hải như thế. Nhưng Hồ Tôn Hiến đã sử dụng phương pháp quân sự thay vì chính trị. Từ bị lừa, tử trận trong cuộc đánh úp. Kiều bị Hồ ép dâng rượu và đánh đàn trong đêm mừng chiến thắng của quan quân nhà nước. Đêm ấy Hồ Tôn Hiến vì say rượu cho nên đã say luôn nhan sắc của Kiều. Sáng hôm sau thức dậy, sợ mất uy tín triều đình, Hồ quyết định gả gấp Kiều cho một viên tù trưởng địa phương. Vị thổ quan rước Kiều xuống thuyền.
Đầu hôm ngồi trong thuyền, Kiều nghe tiếng thủy triều lên ầm ầm. Hỏi ra Kiều biết thuyền đang đi trên sông Tiền Đường. Nhớ lời của Đạm Tiên nói trong giấc mộng, Kiều tin chắc đây là lúc mình phải chết. Kiều để lại một bài thơ tuyệt mệnh, rồi vén màn thuyền nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử.
Nạn xưa trút sạch
Sau khi từ giã Kiều, ni sư Giác Duyên mang theo bên mình một bầu nước và một túi kinh, bắt đầu du hành rộng rãi. Trên bước đường vân du, ni sư lại có dịp gặp đạo cô Tam Hợp. Trong những giờ phút thảnh thơi, hai người đàm đạo, ni sư tâm sự và kể hết cho đạo cô nghe về những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của Kiều. Cuối cùng ni sư hỏi đạo cô:
– Đạo huynh, tại sao một con người vừa có hiếu vừa có nghĩa đầy đủ mọi đường như thế mà trong kiếp sống lại chỉ gặp toàn những chuyện đau thương, đứt ruột như thế?
Đạo cô Tam Hợp trả lời:
– Tai họa và hạnh phúc nói là do trời quyết định nhưng thật ra cội nguồn của chúng cũng do từ ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta: tu hành là cội nguồn của hạnh phúc, tình ái là sợi giây oan nghiệt buộc lấy thân mình. Kiều là một người có nhan sắc và có thông minh, nhưng lại là một cô gái thiếu duyên phúc. Thêm vào đó, Kiều lại đa tình đa cảm, và trở thành nạn nhân của chính cái đa tình đa cảm ấy, luôn luôn tự lấy sợi giây tình mà buộc thân phận mình vào những hoàn cảnh hệ lụy. Cũng vì vậy mà ngay những lúc đáng được thong dong, cô ta cũng ở không yên, ngồi không vững. Mình bị cái đa tình đa cảm của chính mình kéo mình đi về những chốn đoạn trường không ngớt. Thật là ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Hết tai nạn này thì tới tai nạn khác. Hết hai lần làm kỹ nữ đến hai lần làm nô tỳ. Bây giờ thì trong chốn giáo dựng gươm trần cô ta đang kề lưng hùm sói, và sau này cũng sẽ lại rơi xuống làm thân nô lệ. Đã hết đâu. Trong tương lai sẽ phải gieo mình trên sóng nước bập bềnh làm mồi cho loài rồng cá. Tình và oan đi đôi với nhau, oan kia sẽ đi theo mãi với tình, và trong hoàn cảnh khổ đau đó chỉ một mình mình biết, một mình mình hay, không ai thấu được nỗi khổ đau của mình, không ai chia sẻ được với mình nỗi cô đơn cùng cực ấy. Cái oan tình ấy sẽ làm cho Kiều sống thì đọa, chết thì đày, và cái khổ đau đứt ruột này sẽ đi theo Kiều cho hết kiếp.
Nghe đạo cô nói thế, ni sư Giác Duyên cảm thấy toàn thân bủn rủn rụng rời. Ni sư than:
– Nếu quả thật như thế thì cả một kiếp sống của Kiều đâu còn gì nữa?
Đạo cô nói:
– Nhưng không sao đâu. Nghiệp duyên của Kiều còn được cân lại nhắc đi nhiều lần. Xét cho kỹ thì trong trường hợp của Kiều tuy đã từng vướng vào tình ái nhưng lại không để cho mình phạm vào tội tà dâm. Lại còn biết lấy tình thâm để đền trả nghĩa thâm: sự kiện Kiều bán mình chuộc cha đã làm đất trời cảm động. Hơn nữa, hành động hại một người để cứu được muôn người, biết cái gì là quan trọng và cái gì là không quan trọng, biết cái gì là phải, biết cái gì là sai, đó là những công đức tích cực của Kiều, ít ai sánh kịp. Nhờ đó mà nghiệp trước sẽ được dần dần rửa sạch. Rồi sẽ đến lúc trời cũng chiều người, nghiệp xưa một khi đã nhẹ thì duyên sau sẽ được đền bồi. Nếu ni sư Giác Duyên có còn tha thiết với tình bạn thì hãy chuẩn bị một chiếc bè lau đợi ở sông Tiền Đường để cứu Kiều. Như vậy thì lời hứa năm xưa trước sau sẽ được vẹn toàn, và khi ta gây nhân tốt thì phúc trời kia cũng sẽ đến với ta.
Nghe đạo cô nói, Giác Duyên mừng rỡ trong lòng. Ni sư tìm đến bên sông Tiền Đường đánh tranh dựng một thảo am để cư trú. Cảnh trí ở đây thật đẹp. Một gian thảo am trên thì có mây vàng, dưới thì có nước biếc. Ni sư thuê hai người ngư dân đóng thuyền trực ở bến, kết lưới giăng sông suốt cả một năm. Ni sư không quản gì công phu chờ đợi, và may thay duyên nghiệp đã sắp đặt để ni sư có dịp gặp lại Kiều trong khung cảnh ấy một cách mầu nhiệm. Khi Kiều gieo mình xuống sông thì nước cuốn nàng trôi xuôi ngay vào lưới của hai người ngư phủ. Khi thấy lưới nặng hai người kéo lên thì thấy có Kiều trong lưới. Thế mới biết những lời tiên đoán của đạo cô thật là ứng nghiệm thần diệu. Kiều được kéo lên mui thuyền, áo lụa của nàng lướt mướt. Tuy Kiều có bị uống nước, nhưng tánh mạng của nàng chưa đến nỗi nào. Ni sư nhận thật ra được mặt Kiều, trong khi Kiều còn nằm thiêm thiếp bất tỉnh. Phách quế hồn mai còn đang mơ màng, Kiều chợt thấy Đạm Tiên ngày xưa xuất hiện. Đạm Tiên nói:
– Em chờ chị ở đây từ mười mấy năm nay, công phu biết mấy. Thật là mầu nhiệm. Phận của chị tuy mỏng, nhưng đức của chị lại dày. Quá khứ đầy khổ đau như thế, nhưng tương lai dễ có mấy người có được nhiều may mắn như chị. Tấm lòng của chị đã làm cảm động đến trời. Bán mình chuộc cha, chị là người có hiếu. Chấm dứt binh đao để cứu người khỏi chết, chị là người có nhân. Vì chị một lòng vì nước vì dân cho nên cán cân nghiệp báo đã nghiêng về phía tích cực. Bây giờ tên của chị đã được rút ra khỏi sổ đoạn trường thì em phải gặp chị để trả lại cho chị mười bài thơ đoạn trường mà chị đã đóng góp cho hội. Chị đừng lo nhé: từ đây về sau chị sẽ hưởng thụ rất nhiều hạnh phúc, và mối lương duyên của chị sẽ được tròn trặn như xưa.
Kiều còn ngớ ngẩn chưa biết trả lời ra sao thì bên tai bỗng nghe tiếng gọi:
– Trạc Tuyền!
Nàng giật mình tỉnh dậy. Ngơ ngác, Kiều chẳng biết đây là chốn nào và ai đang ở chung quanh. Trên thuyền nàng không thấy bóng dáng Đạm Tiên đâu cả. Trái lại, ngồi sát bên cạnh là sư chị Giác Duyên bằng xương bằng thịt. Thấy nhau, cả hai đều mừng rỡ không thể nào kể xiết. Ni sư Giác Duyên cho dọn dẹp thuyền lưới lại, và đưa Kiều về thảo am. Hai chị em lại được sống chung một nơi, sớm chiều có nhau. Tuy nếp sống muối dưa đạm bạc nhưng tâm hồn cả hai đều được thảnh thơi. Cänh trí có gió có træng làm cho cä hai ngÜ©i, ngÜ©i nào cÛng m¥t mày tÜÖi mát.
Buổi hôm buổi sớm đều có tiếng thủy triều lên xuống, và từ phía trước am cũng như phía sau am, hai người được ngắm những áng mây có đủ sắc màu. Cảnh trí ở đây mênh mông bát ngát cả bốn bề. Tai nạn xưa bây giờ đã hoàn toàn trút sạch, và mối duyên xưa nào ai có biết sẽ lại xảy ra ngay ở chốn này?
Đau nỗi biệt ly
Kiều đã đi qua bao nhiêu tai nạn trong cuộc đời nàng. Nhưng những gì xảy ra cho Kim Trọng trong thời gian ấy cũng thật đáng thương. Từ giã Kiều để về Liêu Dương hộ tang chú, Kim Trọng phải ở lại đấy tới nửa năm trường. Khi về lại Bắc Kinh, tìm tới vườn Thúy thì chàng thấy phong cảnh đã hoàn toàn đổi khác. Đầy vườn nhà Kiều cỏ hoang đã mọc, các cửa sổ hình mặt trăng đã trở nên thê lương quạnh quẽ, còn vách tường nhà đã bị dầm mưa rã rời từng mảng. Nhìn trước nhìn sau Kim chẳng thấy một bóng người. Chỉ có những cây anh đào trước sân đang tới mùa hoa nở, hoa vẫn cười cợt với gió mùa xuân giống y như năm ngoái. Chim én đang xập xòe bay lượn trên chiếc lầu trống trải. Cỏ dại lan đầy mặt đất, rêu rong đã phủ hết các dấu chân người. Cuối bức tường gai góc mọc đầy. Và đây là những ngõ ngách mà Kiều đã chui qua thăm Kim ngày nọ.
Cảnh vật xung quanh lạnh ngắt như tờ. Nỗi niềm tâm sự tràn đầy, Kim chẳng biết chia sẻ cùng ai. Ngay lúc ấy có một người láng giềng đi ngang. Kim nhân cơ hội tới gần và hỏi thăm về gia đình Kiều. Chàng được biết là ông Vương đã bị bắt oan, và Kiều đã phải bán mình để chuộc cha ra khỏi vùng tù tội. Gia đình đã dời đi nơi khác. Hỏi thăm Vương Quan và Thúy Vân, Kim được biết rằng cả gia đình đều sa sút. Gặp bước khó khăn, mọi người phải đi may thuê viết mướn để tìm cách sinh nhai. Những điều Kim được nghe như sét đánh lưng trời làm cho chàng choáng váng rụng rời. Chàng vội hỏi xem gia đình ông Vương đã dời đi nơi đâu, rồi lập tức tìm tới tận nơi ấy. Chỗ gia đình ông Vương đang ở bây giờ là một túp lều tranh, vách tô bằng đất, đã có vẻ tả tơi, rèm nhà thấp chủn đan bằng lau sậy. Phên nhà thì được gài bằng tre thưa. Khoảng sân trước nhà đầy cỏ và ướt dầm nước mưa, trông thật tiều tụy và ngao ngán. Đứng ngoài tường, Kim Trọng đánh liều lên tiếng gọi. Nghe tiếng chàng, Vương Quan vội vàng chạy ra. Thấy Kim, Vương nắm tay chàng kéo ngay vào nhà. Từ mái sau, hai vợ chồng ông Vương cũng lập tức đi ra. Ông bà thấy Kim liền sa nước mắt. Họ khóc than kể lể hết mọi nỗi niềm khổ đau mà họ đã chịu đựng.
– Cháu ơi, cháu có biết những gì rủi ro đã xảy đến cho Kiều hay chưa? Em nó không có phước, phận nó mỏng như một tờ giấy. Nó lỡ thề nguyền tóc tơ với cháu, nhưng gặp cơn tai biến của gia đình, nó đã phải bán mình cứu cha, làm lỡ làng cả duyên phận. Ngày ra đi, nó đau khổ vô cùng. Nó cứ dùng dằng mãi và dặn bác tới ba bốn bận, là xin bố mẹ mượn em Thúy Vân để thay thế nó mà đền đáp lại ân tình cho người nó yêu. Nó nói: ‘Bố mẹ ơi, chỉ có cách đó thì con mới đền trả được chút ít cái tình nghĩa lớn lao của chàng. Con sẽ muôn đời không quên chàng. Kiếp này con đã phụ chàng thì kiếp sau con nguyền sẽ đền đáp lại.’ Nó cứ dặn đi dặn lại mấy điều đó một cách rất kỹ lưỡng, cốt để cho hai bác phải nhớ lấy rồi mới cất mình ra đi. Kiều ơi, đứa con yêu của bố mẹ ơi, sao mà số phận con mỏng manh đến như thế? Chàng Kim đã về tới đó, nhưng còn con thì bây giờ con ở đâu?’ Hai ông bà càng nói thì niềm đau xót càng tăng. Nghe đến đâu thì ruột Kim Trọng càng thắt lại tới đó. Chàng lăn xuống sân nhà, khóc như mưa như gió. Nước mắt chàng đầm đìa, hồn phách chàng thẫn thờ. Có những lúc niềm đau dâng lên cao quá, Kim ngất đi. Ngất đi để rồi tỉnh dậy mà khóc than tiếp. Khóc than nhiều thì cơn đau lại dâng lên và Kim lại ngất đi nữa. Thấy Kim đau khổ quá nhiều vì nỗi biệt ly, ông bà Vương cố tìm cách khuyên giải chàng. Ông nói:
– Bây giờ em nó đã bị gả bán cho người ta, cũng như ván đã đóng thuyền. Nó đã chấp nhận số phận bạc bẽo của mình, không hy vọng gì đáp lại tấm tình chung của cháu nữa. Hai bác biết là cháu rất thương nó, tiếc nó, nhưng không lẽ cháu lại đi hủy hoại cái thân ngàn vàng của cháu hay sao? Cháu phải biết giữ gìn cái thân của cháu chứ?
Càng tìm mọi phương cách dỗ dành và khuyên giải, hai ông bà lại càng làm cho nỗi đau phiền của Kim lớn lên. Những kỷ vật ngày xưa như trầm hương và xuyến vàng được đem ra. Thấy những kỷ vật này Kim càng thương, gan chàng càng tức tối, ruột chàng càng xót xa. Kim nói:
– Chỉ vì con lỡ bước chân ra cho nên mới xảy ra cơ sự bèo dạt hoa trôi như thế. Nếu con ở nhà thì đã đâu đến nỗi này? Chúng con đã thề thốt nặng lời với nhau, những điều vàng đá đó đâu phải là những điều nói suông được. Dù cho chúng con chưa chung chăn chung gối với nhau, nhưng trên nguyên tắc chúng con đã là vợ là chồng của nhau rồi, làm sao mà có thể chấm dứt liên hệ này dễ dàng như thế cho được. Nếu cần bao nhiêu công của, tốn bao nhiêu tháng ngày để tìm kiếm, con cũng quyết tìm gặp lại cho được Kiều.
Nỗi nhớ niềm thương nói ra chưa hết, Kim chào tạm biệt gia đình ông Vương và bước ra. Chàng về chuẩn bị sửa soạn căn nhà chàng thuê bên vườn Thúy để rước cả gia đình ông Vương cùng tới ở. Kim Trọng quyết thay thế Kiều để chăm sóc cha mẹ Kiều, sớm hôm hầu hạ hai người với tư cách của một người con có hiếu, làm công việc mà Kiều đã làm ngày xưa. Trong thời gian ấy chàng lấy nước mắt để mài mực viết thơ rồi gởi người đi hỏi thăm và tìm kiếm tung tích của Kiều. Biết bao nhiêu công mượn của thuê, và đã biết bao người đã được gởi về quận Lâm Thanh để điều tra tìm kiếm. Nhưng người thì đang ở Lâm Tri mà tìm thì lại đi tìm ở Lâm Thanh, mênh mông trời biển tìm sao cho ra được? Vì vậy cho nên Kim càng nóng ruột, càng khẩn thiết, gan chàng như nung, ruột chàng như bào, thân thể chàng càng ngày càng ốm o, hao mòn như một con ve. Lúc thì chàng tỉnh, lúc thì chàng mê, máu muốn trào theo nước mắt, hồn muốn lìa xác trong những giấc chiêm bao.
Hai ông bà Vương thấy thế xiết bao lo sợ. Lỡ chàng có mệnh hệ nào thì chẳng biết làm sao. Họ bèn quyết định chọn ngày lành tháng tốt chuẩn bị làm lễ cưới, gả Thúy Vân cho chàng. Thế là đám cưới được cử hành. Chàng là kẻ sĩ tài hoa, nàng là giai nhân yểu điệu, hai bên đều xuân xanh vừa lứa.
Tuy Kim Trọng tìm được niềm vui trong cuộc tác hợp này nhưng mối sầu đau của chàng vẫn chưa gỡ ra được. Khi ăn ở, lúc ra vào, tuy cảm thấy được niềm vui của cuộc tác hợp mới nhưng niềm nhớ thương của mối tình cũ vẫn canh cánh bên lòng. Nhớ thương cho đến bao giờ mới khuây? Có khi trong thư phòng vắng vẻ, Vân và chàng đem hương xưa ra đốt và đàn xưa ra gảy. Tiếng tơ rủ rỉ chuyển mình trong khi trầm bay nhạt khói và gió nhè nhẹ đưa chiếc màn lay động. Cả Vân và Kim đều có cảm tưởng là bên chái bên thềm có tiếng Kiều về đồng vọng, và có cả bóng xiêm y của Kiều thấp thoáng mơ màng. Bởi vì lòng của hai người đã ghi nhớ lời trăn trối của Kiều nên khi tưởng nhớ tới Kiều thì họ thấy như có Kiều hiện về trong giây phút ấy.
Hoa chào ngõ hạnh
Những phiền muộn vì nhớ thương kéo dài với bao nhiêu năm tháng. Năm ấy có khoa thi đặc biệt. Cả Kim Trọng lẫn Vương Quan đều đậu tiến sĩ cùng một ngày. Thế là cửa trời rộng mở đường mây, cả hai đều được vinh quy bái tổ. Hoa chào hai chàng ở ngõ hạnh nơi vườn ngự uyển, và hương thơm danh dự bay về tận chốn quê nhà. Nhớ đến gia đình ông Chung đã từng nâng đỡ cho mình trong giai đoạn khó khăn ngày trước, chàng Vương bèn sang nhà ông để tạ ơn. Nhân dịp này, chàng được ông bà Chung gả con gái cho. Còn Kim Trọng thì từ khi thi đậu làm quan, càng nghĩ chàng càng thấy thương Kiều. Ngày xưa ai đã dặn ngọc thề vàng với mình? Và bây giờ mình đang hưởng kim mã ngọc đường với ai? Cố nhân đang lạc loài phương nào nơi rễ bèo chân sóng? Giờ đây được vinh hiển, chàng nhớ tới người đang lạc bước lưu ly. Kim được lệnh vua ban ra nhậm chức ở Lâm Tri. Đường xa ngàn dặm, chàng đem theo cả gia đình. Trong khi làm quan chàng được sống những ngày tháng nhàn nhã, sớm hôm chỉ có tiếng đàn và tiếng hạc. Một đêm mùa xuân, nằm nơi chốn trướng rũ hoa đào, Thúy Vân bỗng nằm mơ thấy Kiều. Sáng ra nàng kể lại với Kim. Nghe Vân nói chàng sinh nghi: Có thể ngày xưa Kiều đã bị bán về Lâm Tri chứ không phải Lâm Thanh. Có lẽ người ta đã nghe lầm chữ Tri ra chữ Thanh. Đồng thanh thì tương ứng và đồng khí thì tương cầu, Vân nằm mơ thấy Kiều có thể là vì như thế. Ta hãy hỏi dò thử xem. Sáng hôm ấy thăng đường, Kim mới bắt đầu hỏi tra. Có một vị thừa lại tuổi đã già họ là Đô thưa lên với chàng:
– Chuyện này chính con biết, đã xảy ra hơn mười năm về trước. Con cũng biết mặt, biết tên rõ ràng các đương sự. Tú Bà và Mã Giám Sinh đã đi mua người đẹp ở Bắc Kinh đem về. Thúy Kiều là người vừa có tài, vừa có sắc, không ai bì kịp, đã giỏi nghề đàn hát lại thạo nghề văn thơ. Nàng thật là một người đàn bà kiên trinh, đã liều mình tự tử như thế để không bị nhục, nhưng đã bị đánh lừa như thế kia để phải buộc lòng tiếp khách. Bao nhiêu phong trần nàng đã phải gánh chịu trong hoàn cảnh này. Sau đó Kiều đã được gả cho chàng Thúc Sinh để làm vợ lẽ. Nhưng Kiều quá rủi ro. Bà vợ cả của Thúc Sinh là một người quá phũ phàng. Bà ta cho người đi bắt cóc Kiều đem về Vô Tích định bức tử nàng. Cuối cùng chịu không nỗi nữa Kiều đã trốn đi. Không may lại gặp một cặp thứ hai là Bạc Bà và Bạc Hạnh. Họ mua Kiều về rồi bán Kiều ngay lập tức. Thật kiếp số của Kiều là kiếp số mây trôi, bèo nổi. Nhưng lần này Kiều gặp một bậc trí dũng hơn người, uy linh khôn kể. Trong tay ông ta có hơn mười vạn quân lính, kéo về đóng chật một thành Lâm Tri. Ông đã cho điều tra kỹ lưỡng về các vụ bức hại Thúy Kiều trước kia, và cho người đi lùng bắt những tội nhân ấy đem về. Ai gây oán thì bị trả oán, ai thi ân thì được ÇŠn ân. KiŠu thÆt là m¶t ngÜ©i có nghïa có nhân. Nhân nghïa vËn toàn, xa gÀn ai cũng khen ngợi. Con chưa biết được họ tên và tung tích của con người đặc biệt ấy. Việc này xin quan lớn mời ông sinh viên họ Thúc đến hỏi thì mới biết.
Theo lời ông thư ký họ Đô, Kim Trọng viết thiếp mời Thúc Sinh:
– Người chồng ấy của Kiều là ai, tên họ là gì? Xin nói rõ cho biết.
Thúc Sinh trả lời:
– Có dịp gặp Kiều trong quân ngũ vào thời loạn lạc, tôi đã hỏi và đã biết rất nhiều chi tiết. Đại vương họ Từ tên Hải, đánh giặc trăm trận trăm thắng, một mình có thể đọ sức với muôn người. Ông gặp Kiều ở Châu Thai. Cố nhiên người quốc sắc kẻ thiên tài khi gặp nhau thì sự việc đã xảy ra như thế. Quân lính của đại vương Từ Hải đã vẫy vùng trong bao nhiêu năm làm cho kinh thiên động địa cả một vùng. Đại quân sau đó về đóng tại miền Đông. Từ đó về sau tôi chẳng còn tin tức gì nữa.
Ngọn triều non bạc
Được nghe về Kiều với tất cả những chi tiết có ngành có ngọn rõ ràng, Kim cảm thấy lao đao và thẫn thờ trong dạ. Thương thay cho thân phận Thúy Kiều, thân phận của một chiếc lá lìa cành bơ vơ không nơi nương tựa. Không biết những năm tháng gió bụi ấy bao giờ mới rũ sạch cho xong? Tưởng chừng như cánh hoa rụng đã theo dòng nước chảy xuôi, thật xót xa cho thân Kiều chìm nổi, và đau đớn biết mấy cái cuộc phân ly này. Lời nguyền xưa đã lỡ, tuy mảnh gương còn đó và phím đàn còn đây. Nâng chiếc đàn lên thì bốn giây đàn cũng chỉ phát ra được những âm thanh ngơ ngẩn. Trong kiếp này ta còn có chút hy vọng nào về hương lửa nữa chăng? Nàng còn phiêu lưu ngoài kia như một cánh bèo trôi, như một bông cỏ nhẹ, không biết ở chốn nào, thì dù cho có bao nhiêu phước lộc vua ban ta cũng không thể ngồi yên đây mà tận hưởng.
Kim Trọng những muốn treo ấn từ quan, để xông pha lặn lội đi tìm Kiều, nghĩ rằng mấy sông chàng cũng có thể lội và mấy đèo chàng cũng sẽ vượt qua. Chàng nghĩ nếu cần dấn thân đi qua những nơi binh lửa, dù có phải vào sinh ra tử nữa, chàng cũng sẽ liều mình, nếu không thì không có cơ hội gặp lại được người yêu cũ. Nhưng nghĩ lại cho kỹ thì trời đất thăm thẳm, sông biển bao la, dấu tích Kiều như bóng chim tăm cá, biết hướng nào mà đi tìm?
Trong khi nấn ná chờ đợi để mong nhận thêm được một vài tin tức về Kiều, bao nhiêu năm tháng cùng mưa nắng đã đi qua. Bỗng nhiên có chiếu của vua ban tới, dạy rằng Kim Trọng phải đi trấn nhiệm ở Nam Bình và Vương Quan cũng phải đi trấn nhiệm ở thành Thư Dương. Cả hai gia đình đều vội vàng sắm sửa xe ngựa cùng một đường đi nhậm chức. Nghe tin giặc giã miền ấy đã tan, sóng Phúc Kiến đã êm và lửa Triết Giang đã tàn, Kim Trọng mới rủ Vương Quan trên đường đi nhậm chức cùng ghé lại tìm Kiều. Đến Hàng Châu, hai người hỏi được rất nhiều tin tức về nàng. Người ta đã kể về chuyện nàng rất rành mạch với thật nhiều tin tức: ‘Ngày hôm hai bên giao chiến, vì thất trận, Từ Hải đã bỏ mình giữa chốn chiến trường. Công lớn của Kiều trong cuộc chiến thắng ấy lại không được đền trả, trái lại nàng đã bị ép lấy một viên tù trưởng địa phương. Vì vậy mà Kiều đã nhảy xuống sông tự tử. Sông Tiền Đường ấy là mộ của nàng.’
Thương xót biết bao nhiêu! Tại sao có chia ly mà không có hội họp? Cả nhà được vinh hiển, duy chỉ có một mình nàng là gánh chịu oan khổ. Mọi người tổ chức làm lễ chiêu hồn, thiết lập bài vị của Kiều. Một đàn chay giải oan được dựng lên ngay bên bờ sông Tiền Đường. Nhìn ngọn sóng triều vĩ đại dâng lên như một hòn núi trắng xóa, đợt này nối theo đợt khác, ai cũng tưởng tượng được giờ phút cánh chim hồng đang gieo mình xuống nước. Trong tình máu mủ, ai lại không thấy lòng mình đang chìm đắm trong biển cả thảm sầu? Hồn con chim Tinh Vệ bây giờ biết tìm ở đâu?
* * *
Nhưng cơ duyên thật là lạ lùng. Trong khi đàn chay sắp sửa khai mạc thì ni sư Giác Duyên tự nhiên đi ngang, tìm tới. Trông lên linh vị, thấy tên của Thúy Kiều, ni sư kinh hãi, vội hỏi:
– Quý vị là ai? Tại sao người ta đang còn sống mà lại đi làm chay để cầu siêu cho người ta như vậy?
Nghe ni sư nói ai cũng ngơ ngác, rụng rời. Tất cả mọi người đều xúm quanh Giác Duyên để tra hỏi. Đây là thân phụ của Kiều, đây là thân mẫu của Thúy Kiều, đây là em trai của Kiều, đây là em gái của Kiều, đây là chồng chưa cưới của Kiều, và đây là em dâu của Kiều. Chúng tôi được nghe tin rằng Kiều đã chết. Ai cũng nói như thế! Bây giờ ni sư lại dạy là Kiều còn sống thì chúng tôi làm sao mà tin được? Lạ quá! Đâu có thể như vậy được? Giác Duyên bảo:
– Tôi có nhiều mối nhân duyên quan hệ với Kiều. Trước đã từng gặp Kiều ở Lâm Tri, sau lại còn gặp Kiều ở sông Tiền Đường. Khi Kiều gieo mình tự tử tôi đã quăng lưới cứu được Kiều, rồi đón Kiều về chùa. Chùa lá cũng gần đây thôi, không xa xôi gì mấy. Chúng tôi đã cùng sống và tu học với nhau tại đó từ ấy tới nay. Thỉnh thoảng Kiều cũng có ý nhớ nhà. Các vị muốn gặp Kiều thì tôi sẽ đưa quý vị về chùa ngay tức khắc.
Trời còn để có hôm nay
Nghe ni sư Giác Duyên nói, ai cũng cảm thấy nở mặt nở mày. Còn có nỗi mừng vui nào lớn hơn nỗi mừng vui này nữa hay không? Từ khi chiếc lá lìa rừng, công cuộc thăm tìm đã lắm mà mặt nước chân mây vẫn không có dấu tích gì. Ai cũng nghĩ rằng Kiều như một bông hoa đã rụng, một áng mây đã bay, họa chăng kiếp sau mới gặp được, chứ trong kiếp này thì không còn hy vọng. Tưởng rằng âm dương đã chia thành hai ngả, vậy mà bây giờ lại có hy vọng tìm ra được người chín suối ngay trên cõi trần này! Cả nhà xúm nhau lại lạy tạ ni sư Giác Duyên, và tất cả đều đi bộ theo ni sư ngay lúc ấy. Mọi người bẻ lau vạch cỏ tìm đường đi tắt về chùa, nhưng trong lòng vẫn còn hồ nghi chưa tin ngay được rằng đây là sự thật. Đi quanh co theo giải bờ sông, vượt khỏi khu rừng lau, họ tới được sân Phật đường. Đứng ở cổng chùa, ni sư Giác Duyên cất tiếng gọi. Từ trong liêu xá, sư cô Trạc Tuyền xuất hiện, bước những bước chân hoa sen đi ra.
Nhìn lên, nàng thấy cả nhà đều có mặt. Ông Vương còn khỏe, bà Vương còn tươi. Cả hai em đều trưởng thành thông thấy. Và đó là chàng Kim Trọng ngày xưa. Kiều không tin rằng cảnh này có thật. Đúng là mình đang mở mắt, vậy mà mình có cảm tưởng đang ở trong một giấc mơ. Mừng mừng tủi tủi, nàng để rơi hai dòng nước mắt ướt cả chiếc áo tràng nâu. Kiều gieo mình ôm lấy chân mẹ, vừa khóc vừa kể lại chuyện mình:
– Mẹ ơi, từ khi con bị lưu lạc xứ người, bèo trôi sóng vỗ, mới đó mà đã mười lăm năm. Những tưởng con đã phải chết trong cảnh sông nước cát lầm, ai dè con còn đủ phúc để được gặp lại gia đình ngay trong kiếp hiện tại.
Hai ông bà Vương cầm tay Kiều, nhìn vào mặt Kiều, thì thấy dung nhan của Kiều cũng chẳng khác gì mấy ngày nàng bước ra đi. Tuy đã trải qua mười lăm năm dãi dầu hoa nguyệt, nhưng con nó vẫn còn tươi đẹp, mười phần xuân sắc chỉ có gầy bớt đi ba bốn phần. Nỗi vui mừng lớn quá không có gì cân đo được. Lời tan hợp, chuyện xa gần, thiếu gì đề tài để nói. Vương Quan và Thúy Vân cũng xúm lại, người trước kẻ sau hỏi han tíu tít. Nhìn cảnh đoàn tụ của Kiều với gia đình, chàng Kim Trọng cũng cảm thấy bao nhiêu sầu muộn tan biến và trong lòng rộn rã một niềm vui. Tất cả mọi người xúm lại trước Phật đài để lạy Bụt và ni sư trụ trì. Chính nhờ ân đức từ bi mà Kiều đã chết còn được tái sinh trở lại. Vương ông ra lệnh chuẩn bị xe cộ để rước Kiều cùng về quan nha.
Kiều thưa:
– Thân phận nhỏ bé của con là thân phận của một cánh hoa rơi, con đã nếm đủ mùi đắng cay qua nửa đời người. Con đã tưởng sẽ phải suốt đời sống nơi mặt nước chân mây, đâu có dám tưởng là có được ngày hôm nay. Ngày hôm nay được gặp mặt trở lại, giống như đã được sinh ra lại trong một kiếp sống mới, nguyện ước tha thiết bấy lâu nay của con đã được hoàn toàn thỏa mãn. Con đã đi xuất gia, biết vui sống cuộc sống giải thoát, thì tuổi này đem gởi với cảnh thiên nhiên cũng đã vừa rồi. Nếp sống nơi cửa thiền đơn giản với rau đậu muối dưa và chiếc áo nâu sồng con đã quen thuộc, lòng con bây giờ đã nguội lạnh sự đời, con còn chen vào chốn bụi hồng làm gì nữa. Tu mà nửa chừng bỏ dở thì có hay ho gì đâu? Đã tu thì phải tu cho trọn. Những gì trong quá khứ cần để cho trôi qua thì cứ để cho chúng trôi qua. Con xin cha và mẹ cho phép con ở lại đây. Ân tái sanh của con đối với sư chị con rất nặng. Con làm sao dứt được ân nghĩa ấy mà bỏ ra đi?
Ông Vương nói:
– Con ơi, mỗi thời gian mình có một bổn phận khác nhau. Tu hành là việc hay, nhưng mình phải biết thích ứng với hoàn cảnh chứ. Đã đành tu theo Bụt theo tiên là điều quý, nhưng còn tình kia hiếu nọ, bổn phận của con ai sẽ làm thế cho con đây? Chúng ta luôn luôn ghi nhớ ơn đức cứu mạng của Bụt và của ni sư, sau này ta sẽ làm chùa và sẽ rước ni sư về cùng tu học.
Hoa xưa ong cũ
Cuối cùng Kiều phải chiều lòng cha mẹ. Giã từ ni sư, giã từ thảo am, mọi người cùng bước ra. Đoàn người về tới quan nha thì một bữa tiệc được mở ra để ăn mừng sự đoàn tụ. Khi men rượu cúc đã bắt đầu thấm, Thúy Vân liền đứng lên để phát biểu ý kiến. Nàng nói:
– Vì cơ trời tác hợp cho nên anh và chị mới có dịp gặp gỡ và thề nguyện với nhau mười lăm năm về trước. Nhưng vì đất bằng đã nổi phong ba, cho nên gia đình đã phải đem duyên người chị để buộc vào cho người em. Nhìn cho kỹ thì đây cũng là mối duyên kim cải, đây cũng là cảnh máu chảy ruột mềm. Trong mười lăm năm ấy, đã có biết bao thao thức và ước ao! Bây giờ tấm gương vỡ đã lành lặn trở lại, sau bao nhiêu năm tháng lừa lọc, ông trời lại trả cho chị chỗ đứng của chị ngày xưa. Người còn thì duyên phận cũng vẫn còn, thật là điều may mắn. Vầng trăng thề còn đó thì lời ước nguyện xưa vẫn còn. Trái mai còn đó, mười phần vẫn còn lại bảy phần, anh và chị nên chuẩn bị làm lễ thành hôn ngay đi cho kịp thời đúng lúc.
Vân vừa nói xong thì Kiều đã gạt đi:
– Thôi đi em ơi, chuyện cũ rích ngày xưa bây giờ ta không nên kể lại nữa. Tuy ngày xưa có lời ước nguyện thật đó, nhưng xét lại chị thấy chị đã dãi gió dầm mưa quá nhiều. Càng nhắc đến chuyện này chị càng thấy hổ thẹn, thôi thì cứ cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi cho xong chuyện.
Kim Trọng lên tiếng:
– Em nói lạ quá. Dù em có nghĩ như thế đi nữa, nhưng lời thề nguyền năm cũ thì sao? Một lời thâm giao đã trót nói lên, dưới thì có đất làm bằng trên thì có trời làm chứng, thì dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, dù sao có dời, vật có đổi thì ta cũng phải tôn trọng lời nguyền tử sinh của ta. Người kia đã có bao giờ có ý phụ tình ấy đâu mà mình lại định xẻ gánh ân tình ra làm đôi như thế?
Kiều bảo:
– Cái hạnh phúc của lứa đôi gia thất, ai mà không mơ ước? Nhưng em thiết nghĩ là trong đạo vợ chồng thì cái quý nhất là hoa còn phong nhị, và trăng còn tròn gương. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng, có cái ấy thì mới không thẹn với chàng dưới đuốc hoa đêm hợp cẩn. Từ khi gặp tai nạn cho đến bây giờ, em đã trải qua bao nhiêu gió táp, mưa sa, ong qua bướm lại, trăng nào mà còn không khuyết, hoa nào mà còn không tàn? Giá trị của một kẻ má hồng bây giờ đâu nữa mà còn tính chuyện lo toan? Càng nhìn lại, mình càng thấy hổ thẹn. Sao lại dám đem cái thân bụi bặm này để đặt vào cái địa vị của một người chính chuyên? Tình anh có thể còn nặng, nhưng nếu em chấp nhận thì khi nhìn vào hoa đèn đêm tân hôn, em há không thấy hổ thẹn cho mình sao? Từ giờ trở đi em phải khép cửa phòng thu, tuy không mặc áo tu nhưng cũng phải sống như người tu mới đúng điều em mong ước. Nếu anh có nghĩ đến tình cũ, thì xin anh đem tình chăn gối đổi thành tình bạn bè. Nói làm chi đến việc kết tóc xe tơ bây giờ nữa? Nghe thì buồn cả ruột, mà lại thấy dơ cả cuộc đời mình!
Kim nói:
– Em khéo nói lắm. Nhưng trong lẽ phải thì người nào cũng có lý của người ấy. Xưa nay, trong cái đạo làm người phụ nữ, người ta cũng thấy có nhiều cách để thực tập chữ trinh. Xã hội có khi bình yên, có khi tai biến, và có những trường hợp người ta phải biết cư xử linh động, khi thì kinh nhưng lúc lại phải quyền. Trong trường hợp của em, em đã biết lấy cái hiếu làm cái trinh, thì bụi nào có thể làm vẩn đục thân hình em cho được? Trời đã để cho chúng ta có được ngày hôm nay, ngoài đầu ngõ sương đã tan, giữa lưng trời mây đã vén thì tuy hoa tàn nó lại còn tươi thắm thêm và trăng tàn mà nó còn sáng hơn mười lần những đêm rằm cũ! Còn điều gì để cho em nghi ngờ nữa đâu, sự thật là vậy, em đừng hành xử như chàng Tiêu một cách quá hờ hững.
Nghe Kim nói hết mọi điều, và cha mẹ cũng một mực theo về lý luận của chàng nên Kiều phải chấp nhận. Nàng cúi đầu thở than một mình. Không lẽ nàng cứ cãi lại lời cha mẹ mãi? Trong nhà mở tiệc đoàn viên, thắp đuốc sáng, giăng màn hồng cho hai người làm lễ giao bái. Lễ nghi đã đủ, hai người xứng đôi, vào giờ phút động phòng, chén rượu hợp cẩn mời nhau, ngậm ngùi tình xưa mà buâng khuâng duyên mới. Từ khi sen còn là ngó, đào còn là tơ, mười lăm năm đã đi qua, bây giờ đây hai người mới được chính thức để được ngồi bên nhau trở lại. Cuộc tình duyên ấy, những buồn đau xa cách và những hạnh phúc gặp gỡ hôm nay, bao nhiêu chuyện vui buồn được nhắc lại.
Đêm đã khuya, trăng đã cao, bên bức gấm thêu rũ xuống, dưới ánh đèn tỏ rạng, Kim Trọng nhìn Kiều thấy nàng càng thêm phần xuân sắc. Bây giờ đây, người tình lại được gặp người tình. Hoa là hoa xưa, ong là ong cũ, mối tình nay đã trở lại mười phần trọn vẹn.
Gạn đục khơi trong
Kiều bảo Kim:
– Em biết thân phận của em và thấy rõ cái hình hài này không còn giá trị gì nữa cả. Vì nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ cho nên em mới chiều lòng một chút để làm cái lễ cưới hình thức này. Riêng trong lòng em rất lấy làm hổ thẹn. Nếu chỉ làm ra vẻ âu yếm bên ngoài thì tuy với mặt dạn mày dày em còn có thể nhìn mặt người khác được chứ nếu làm theo thói tục vét hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa, giở ra cái trò chăn gối nhơ nhuốc ra như kẻ khác thì đối với em đó là chuyện nhục nhã, em không thể nào chấp nhận. Yêu nhau mà làm nhục nhau như thế thì lại còn bằng mười phụ nhau. Nếu nói đến chuyện con cái nối dõi tông đường thì đã có Thúy Vân đó, tại sao phải cần tới em đây nữa? Chữ trinh của em chỉ còn lại một chút ở nơi cách hành xử này, xin anh đừng bắt em dày xéo lên để cho nó tan vỡ, mà hãy giúp em cầm lấy nó cho vững. Đứng về phương diện tình cảm, thì giữa chúng ta còn có bao nhiêu là ân nghĩa, vậy thì có thú vị gì mà cứ vầy một cánh hoa tàn để chơi, hả anh?
Kim Trọng đáp:
– Ngày xưa sau khi nói lời thề thốt gắn bó, chúng ta đã rủi ro để lạc mất nhau như chim trời cá nước. Tâm sự của anh là xót thương cho số phận lưu lạc của em qua bao nhiêu ngày tháng. Thề thốt nặng nề bao nhiêu thì anh lại cảm thấy đau đớn vì sự mất mát bấy nhiêu. Chúng ta đã thề vào sinh ra tử có nhau thì được gặp nhau trở lại sau những ngày lưu lạc là điều trọng yếu nhất. Đó đích thực là tâm tình của anh. Nhưng bởi vì anh nghĩ tuổi em còn trẻ, tơ liễu còn xanh, chắc là em cũng chưa vượt thoát cái vòng ái ân cûa hình hài cho nên anh mới đề nghị như thế. Nhưng bây giờ biết được lòng em như một tấm gương trong chẳng dính một chút bụi trần, thì những lời em nói đã làm cho anh kính phục em thêm lên cả muôn ngàn lần. Lâu nay đi mò kim dưới đáy biển là vì tình vàng đá chứ không phải là vì chuyện trăng hoa đâu em. Giờ đây hai bên được gặp lại, muôn dặm trở nên một nhà, thì đâu nhất thiết phải cần đến việc chăn gối mới gọi được là mối duyên cầm sắt?
Nghe Kim nói như thế, Kiều đứng dậy sửa áo, cài trâm và lạy xuống trước Kim Trọng để đền tạ cái ơn cao thâm ngàn trùng ấy:
– Tấm thân tàn này của em mà gạn đục khơi trong được trở lại chính là nhờ anh. Anh thật không giống chút nào với những kẻ tầm thường trong thiên hạ. Mấy lời tâm huyết ruột rà của anh nói ra chứng tỏ anh là người hiểu em rất sâu sắc. Bạn tương tri mà thấy và hiểu được sâu sắc như thế mới thật là bạn tương tri. Từ đây về sau em sẽ được anh chở che đùm bọc hết lòng và danh tiết trăm năm của em cũng sẽ được bảo tồn suốt đời vì cái đêm tân hôn lịch sử này đây anh!
Nói xong, hai người cầm tay nhau. Họ yêu kính nhau vì đức hạnh, thân thiết nhau vì mối tình. Hai người nối thêm nến trên giá, cho hương thêm vào bình, và rót mời nhau uống thêm những chén quỳnh tương. Trong khi mối tình xưa lai láng sống dậy, Kim lại có dịp hỏi Kiều về bản đàn năm củ và xin Kiều đàn lại cho mình nghe. Kiều nói:
– Chính vì mấy đường tơ đứt ruột ấy mà em đã đi lầm đường lạc nẻo cho đến bây giờ. Ăn năn thì sự đã muộn. Nhưng không sao, nể lòng người cũ, em sẽ đàn cho anh nghe một lần cuối.
Cuốn dây từ ấy về sau cũng chừa
Phím đàn dìu dặt trong tay Kiều. Trong khi khói trầm tỏa bay cao thấp thì âm thanh huyền diệu của bản đàn cũng vang vọng gần xa. Khúc đàn nào mà đầm ấm như thế? Đó là Hồ Điệp, hay là Trang Sinh? Khúc đàn nào mà êm ái như tình xuân như thế? Đó là tiếng gọi của hồn vua Thục hay của chim Đỗ Quyên? Những âm thanh trong sáng như hạt châu nhỏ vào biển trăng, những âm thanh ấm áp như những hạt ngọc Lam Điền mới đông cứng lại. Nghe suốt một bản nhạc có đủ năm cung bậc, Kim thấy không có âm nào là không xinh đẹp, chẳng có âm nào mang tính não nùng. Chàng hỏi:
– Bản nhạc này ai sáng tác? Đây là bản nhạc ngày xưa hay là một bản nhạc mới? Nếu cũng là một bản nhạc thì tại sao ngày xưa nó buồn bã như thế mà ngày nay nó lại vui tươi như thế này? Có phải là khổ hay vui đều do lòng của ta, hay là vì khi cái vận rủi đã hết thì cái vận may lại tới?
Kiều đáp:
– Ngày xưa cũng chỉ vì mê đắm cái loại nhạc đứt ruột ấy mà em đã khổ đau từ ấy đến giờ. Loại văn nghệ đoạn trường này thật là tai hại. Hôm nay vì anh mà em đã đàn lại khúc ấy. Từ đây trở đi, em quyết tạ từ thứ âm nhạc buồn khổ này.
Hai người chuyện trò tâm sự với nhau chưa xong thì gà đã gáy sáng và trời vừa rạng đông. Chuyện gì xảy ra giữa hai người Kim đem kể lại rõ ràng cho tất cả mọi người trong gia đình đều biết. Ai cũng lấy làm lạ lùng. Ai cũng khen Kiều là người có chí khí thanh cao, không giống với bất cứ một kẻ tầm thường nào khác, sớm thì mận tối thì đào. Tình yêu và tình bạn đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo. Tuy không chung chăn chung gối nhưng hai người vẫn xướng họa và hòa tấu cùng nhau. Khi thì chén rượu, lúc thì cuộc cờ, khi thì cùng xem hoa nở, lúc thì cùng chờ trăng lên. Lời nguyền ba sinh đã được thực hiện hoàn toàn, vì tình yêu đôi lứa đã biến thành tình yêu bè bạn.
Mây bay hạc lánh
Họ vẫn nhớ lời tâm nguyện là xây một ngôi chùa để đi rước ni sư Giác Duyên về trụ trì và hướng dẫn tu học cho cả nhà, nên gia đình Kiều đã cho người thân tín đi rước ni sư. Nhưng khi đến chốn thảo am, họ thấy cửa am đã đóng, then cửa đã cài, rêu rong đã trùm lên kẽ ngạch và cỏ đã mọc lên cả trên mái nhà. Giác Duyên đã đi hái thuốc ở một phương trời xa nào đó, như đám mây bay, như con hạc lánh, làm sao để tìm ra tung tích ni sư bây giờ? Nhưng vì tình nghĩa sâu đậm với ni sư cho nên gia đình Kiều sớm tối nào cũng lên trên am để đốt đèn và thắp hương.
Gia đình hưởng đầy đủ phúc và lộc. Kim và Vương cứ từ từ được thăng quan tiến chức và hạnh phúc kéo dài lâu bền. Thúy Vân đảm đang hết trách nhiệm thừa kế. Nàng sinh ra một đàn con cháu khá đông đảo, từ một gốc cù mộc nở ra bao nhiêu hoa quế hoa hòe. Nếp phong lưu và phú quý của gia đình họ ai mà sánh kịp, và họ như một thửa vườn đầy xuân sắc để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Mới hay muôn sự đều tại ông trời. Trời đã bắt ta làm người, cho ta thân thể này thì khi bắt ta phải chịu cảnh gió bụi ta cũng phải chấp nhận cảnh gió bụi. Chỉ khi nào trời cho ta hưởng cảnh thảnh thơi thì ta mới được hưởng cảnh thảnh thơi. Trời đâu có thiên vị ai đâu. Tài và mệnh trong hai cái mình chỉ chọn được một, làm sao mà có một lần đầy đủ cả hai? Có tài thì đừng hợm hĩnh, cậy thế cái tài của mình, vì chữ tài cùng một vần với chữ tai. Đã mang lấy nghiệp dữ vào thân thì đừng có trách là ông trời không có mắt. Thiện căn nằm trong lòng ta: tâm ta hiền thiện thì còn bằng mười lần hơn là ta có tài. Tôi đã chắp nhặt những lời thơ quê mùa này viết thành ra một câu chuyện khá dông dài, mong rằng tác phẩm này sẽ đem lại niềm vui cho quý vị độc giả trong một vài giờ đồng hồ, trong thời gian thưởng thức.