Tố

Tố ngừng thổi sáo vì nó biết nó đang khóc. Một giọt nước mắt lăn trên gò má nó, đi qua vành môi, rồi thấm vào miệng nó, mằn mặn. Con bé đặt ống sáo xuống đùi, cầm lấy chéo áo bà ba đưa lên chùi nước mắt. Lau nước mắt xong, Tố lại mỉm cười. Rừng buổi sáng mát mẻ quá. Tố nghe tiếng lá thì thào. Nó biết nếu nó không mù thì bây giờ ngẩng lên nó sẽ trông thấy những chiếc lá đang vẫy tay gọi nó. Bây giờ là giữa mùa xuân, lá đang non, và ánh sáng Mặt Trời tháng tư đang đi xuyên ngang những tờ lá xanh non ấy mà tìm tới hai mắt Tố. Tố biết tuy mình bị mù, ánh sáng dịu dàng đó cũng vẫn đi tới tận mắt mình. Tố quên mất màu xanh non ấy rồi vì nó đã bị mù từ sáu tháng trước. Tố cũng quên mất vẻ mặt của ba nó, bởi vì ba nó đã chết cách đây hai năm rồi. Riêng vẻ mặt của má nó thì Tố còn nhớ, bởi vì đêm nào trước khi đi ngủ nó cũng đưa hai bàn tay lên mà rờ rẫm khuôn mặt của má nó, rờ rẫm để mà khám phá lại, cũng là để ôn lại cho đừng quên, những đường nét quen thuộc. Những đường nhăn trên mặt bà, Tố thấy mỗi ngày như mỗi sâu đậm thêm.
Tố mới có chín tuổi, nhưng nó thổi sáo rất hay. Chính ba của Tố đã dạy cho Tố thổi sáo. Ba Tố là một tiều phu sống ở ven rừng. Ông chỉ có một mình Tố là con nên ông thương yêu Tố rất mực. Hồi ông còn sống, Tố sung sướng lắm. Nó được đi học ở trường xóm Thượng. Buổi sáng nào hai cha con cũng chia tay ở ngã ba dưới chân đồi. Ba Tố xách rìu lên rừng, còn Tố theo con đường mòn vượt thêm hai cánh đồi nữa để xuống xóm Thượng. Tố xách theo một chiếc cặp gỗ trong đó có cuốn tập của Tố, bút mực, bút chì, gôm, và cái ống sáo mà ba Tố đã dạy cho Tố làm. Cô học trò ôm cái cặp gỗ dưới cánh tay mặt. Tay trái cô xách bình mực tím. Bình mực tím đậy nút chai rất kỹ, đong đưa dưới sợi dây mà Tố móc vào ngón tay trỏ của mình.
Chiếc cặp gỗ của Tố nhẹ lắm, bởi vì ông Ba đã dùng những tấm ván rất mỏng để đóng cho Tố. Ba Tố không dùng một chiếc đinh nào. Ông chỉ dùng tòan những cái chốt gỗ. Cái cặp của Tố đã lên màu đen bóng, có nhiều chỗ thấm đen vì vết mực mà Tố đã làm đổ trên đó. Ống sáo của Tố cũng đã lên nước. Ống sáo này làm bằng cây trúc lấy ở trên rừng. Tố đã lấy lá chuối khô đánh cho ống sáo mình thật bóng.
Vào khoảng hai giờ trưa thì Tố đi học về. Tố được má cho ăn cơm. Ba của Tố mãi đến bốn giờ chiều mới gánh củi về tới nhà. Ăn cơm xong hai cha con rủ nhau xuống bờ suối hay lên bìa rừng chơi. Mỗi tuần đến ngày thứ tư là có phiên chợ xóm Hạ. Ba má Tố và Tố đẩy một xe củi xuống tận chợ để bán. Họ khởi hành từ sáng sớm. Đi tới xóm Thượng thì Tố mỏi chân. Ba Tố ngừng lại để cho Tố leo lên ngồi trên những bó củi. Tại chợ, bán củi xong, mẹ Tố đi mua gạo, mắm và quà cho Tố. Khoảng một giờ trưa thì họ vừa về tới nhà. Má Tố đi nấu cơm. Tố đã được ăn quà trên đường về cho nên Tố không đói. Tố không đợi cơm. Tố đi ra bìa rừng chơi.
Nhà Tố là một căn nhà gỗ dựng bên mé đồi không xa ven rừng. Có một con suối chảy ngang dưới đồi, cách nhà chừng ba trăm thước. Tố rất ham chạy chơi nhởn nhơ bên bờ suối. Nhiều lúc Tố hái được những bông hoa thật lạ thật đẹp, những bông hoa mà Tố không biết tên.
Ấy vậy mà ba Tố chết. Ba Tố chết vì người ta bắt ông đi lính đánh giặc. Ông đi lính chưa đầy một năm thì chết. Ngày được tin ba Tố chết, má Tố gào khóc thảm thiết. Hồi ấy Tố mới bảy tuổi, Tố chưa biết được một cách tường tận thế nào là chết. Thấy má lăn lộn gào thét, Tố rất đau lòng. Nó tới ôm lấy má nó. Hai má con ôm lấy nhau. Tố biết ba nó không bao giờ trở về nữa. Ba nó chết rồi. Chết như một con chim. Tố đã gặp một con chim chết bên bờ suối. Con chim không cựa quậy. Nó nằm xuôi xị, không biết gì, không nghe gì, không thấy gì. Lâu ngày con chim mục nát thành đất. Sau không hiểu thấy được thế nào là chết, Tố thấy buồn. Cái buồn thấm dần, thấm dần vào người nó, vào tim nó, vào óc nó. Ba Tố chết, ba Tố đang mục nát dần dần để thành đất. Ba Tố không còn trở về mỗi chiều với một gánh củi trên vai. Ba Tố không còn đi chơi với Tố ở cửa rừng, bên bờ suối. Ba Tố sẽ không còn bao giờ cười đùa với Tố, bế xốc nó lên, nhìn vào mắt nó. Tố thiệt là buồn. Càng lúc cái buồn càng trở thành sâu đậm trong lòng Tố.
Từ ngày ba mất, Tố phải ở nhà, trong coi việc nhà cửa bếp núc. Nó biết thổi cơm, lặt rau, làm thức ăn. Má nó phải lên rừng làm củi thay ba nó. Gánh củi của má Tố nhỏ hơn, nhẹ hơn, bởi vì sức bà yếu hơn. Tố nấu cơm chờ mẹ về. Hai mẹ con ăn cơm xong, Tố được đi xuống suối chơi. Hoặc Tố lên bìa rừng chơi. Tố đem theo ống sáo. Ngồi ở ven rừng, Tố thổi sáo. Tố thường hay đến ngồi ở chỗ ngày xưa hai cha con nó hay ngồi để thổi sáo. Nó thổi những khúc mà cha nó đã dạy cho nó hồi xưa.
Những lần thổi sáo một mình như vậy, Tố hay buồn. Cái buồn như cái càng con cua, nó kẹp Tố vào giữa. Tố đau lắm. Nó không muốn thổi những khúc sáo mà ba nó đã dạy hồi xưa nữa. Nó thổi những hơi sáo do nó tự chế ra. Lần hồi nó chế ra những khúc sáo hoàn toàn mới lạ. Thổi lên những khúc sáo này, Tố thấy trong người khỏe khoắn ra. Trái tim nó không còn đau nhói như bị cái gọng kềm của con cua siết chặt lại nữa. Nó có khóc thật, nhưng nước mắt làm cho trái tim nó thư thái hơn, bớt thổn thức hơn. Chắc rằng nước mắt đó từ trong trái tim trào ra; nước mắt làm cho trái tim đau nhức, càng khóc thì trái tim càng nhẹ nhàng.
Có một hôm nó đang say mê thổi sáo thì một chiếc máy ba sà ngang khu rừng. Máy ba bay gần quá khiến cả khu rừng chuyển động. Máy bay bay sát ngọn cây, Tố ngửng nhìn lên: nó thấy một đám bụi màu trắng đục đang sà xuống. Nó không biết đó là thuốc khai quang từ máy bay đang rải xuống. Thuốc khai quang rơi vào mắt nó, mũi nó. Sặc sụa, nó nằm ngả xuống úp mặt trên đất rừng ẩm thấp, ngất đi.
Một giờ đồng hồ sau, má của Tố tìm thấy Tố, ôm xốc Tố về. Lay gọi mãi không thấy Tố tỉnh lại, bà hối hả chạy về xóm Thượng gọi cô y tá. Khi bà và cô y tá trở lại thì Tố đã tỉnh và đang gọi mẹ. Cô y tá chích cho Tố một mũi thuốc khoẻ. Tố kêu nhức mắt và không thấy đường. Cô y tá lấy bông gòn nhúng thuốc rửa mắt cho Tố, nhưng Tố vẫn không bớt đau nhức. Cô y tá ra về, hẹn ngày mai trở lại. Khi cô trở lại thì hai mắt Tố đã sưng húp lên. Cô bàn với má Tố chở Tố đi nhà thương quận. Nhà thương cách xóm tới hơn một ngày đường. Tại nhà thương, bác sĩ chịu thua, bó tay. Tố bị mù từ dạo ấy.
Một đứa bạn học của Tố tên là Mai nghe Tố bị mù đã từ dưới xóm Hạ tìm lên thăm Tố. Mai lớn hơn Tố một tuổi. Tóc Mai cắt ngắn chứ không buông dài trên vai như tóc Tố. Mai cầm lấy tay Tố. Hai đứa ngồi thút thít khóc. Mai ra về, hứa sẽ thỉnh thoảng trở lại thăm Tố. Nhưng đó là lần thăm chót. Gia đình Mai đã dời đi phương khác tìm cách sống.
Đã quen với công việc nhà, Tố tiếp tục coi sóc nhà cửa cho má trong khi bà làm củi trên rừng. Tố quét nhà, vo gạo, nấu cơm, Tố nhặt được cả rau nữa. Mỗi buổi chiều, khi má ở rừng về, Tố đã lo xong cơm nước. Hai mẹ con ăn cơm với nhau. Rồi má Tố đi dọn dẹp chén bát. Tố đi xuống ngồi dưới tảng đá bên suối. Hoặc Tố đi lên ven rừng.
Ngồi bên bờ suối hoặc bên ven rừng, Tố nghe được nhiều thứ tiếng mà trước kia nó không nghe, có lẽ vì trước đây nó thiếu chú ý. Thính giác của Tố trở nên tinh vi hơn. Nước suối chảy róc rách như người nói chuyện và ca hát. Nghe tiếng nước chảy có khi tố cảm thấy cây lá quanh mình Tố đang đứng dậy nhảy múa linh động. Tố lại thấy cả ánh sáng nhảy múa nữa. Có lúc nghe tiếng gió rù rì trong cây, Tố thấy hàng vạn bàn tay đưa lên xôn xao vẫy Tố. Ngồi trong rừng, lưng dựa vào một thân cây, ban đầu Tố có cảm giác rừng là một cung điện thâm u, im lặng. Nhưng ngồi lâu thì Tố nghe đủ mọi thứ âm thanh. Tố cảm thấy sự có mặt của hàng ngàn hàng vạn loài sinh vật đang chung sống với nhau, loài nào yên phận theo loài ấy. Dưới thảm rêu, trong lòng đất, trên vỏ cây, nơi nào cũng có những sinh vật đang dùng âm thanh để báo hiệu cho Tố biết sự có mặt của chúng. Tố đã nghe hàng trăm tiếng chim, và mỗi tiếng chim truyền đi một tình cảm hoặc một dấu hiệu tâm ý khác nhau. Và để trả lời các sinh vật muốn làm quen với mình, Tố nâng ống sáo lên thổi.
Từ hôm bị mù, gần như ngày nào Tố cũng thổi sáo hoặc bên bờ suối, hoặc tại cửa rừng. Má Tố không muốn cho Tố đi sâu quá vào rừng, sợ máy bay lại rải thuốc khai quang lần nữa. Bà dặn hễ nghe tiếng máy bay thì Tố phải lập tức đi ra khỏi rừng.
Tố nghĩ hình như trời sinh ra Tố là để cho Tố thổi sáo. Tùy theo những cảm nghĩ của mình, Tố làm ra âm điệu để thiết lập cảm thông với mọi loài. Có một lần Tố thổi sáo để trả lời một con chim lạ mà Tố không biết tên. Không biết tên nhưng khi nghe tiếng chim, Tố hình dung ra một con chim đuôi dài có bộ lông màu vàng rất mướt, có cái lông trắng trên đầu và một cặp mắt thật tinh anh, một cái đầu hất nghiêng nhìn bên này lại nghiêng nhìn bên kia không bao giờ biết mỏi. Con chim hót một hồi rồi nín bặt. Tố cầm ống sáo lên thổi, nói chuyện với chim. Khi Tố ngưng thổi, con chim lại lên tiếng. Tố biết nó trả lời Tố. Con chim bộc lộ với Tố sự ngạc nhiên và nỗi vui mừng của nó. Tố cũng nói cho chim biết tâm sự của mình, và cuối cùng đã đùa nghịch với chim và nhại lại giọng chim bằng tiếng sáo. Khi buông ống sáo xuống, Tố cười lên như một bông hoa nắc nẻ.
Con chim trở lại suốt chín hôm liền, nói chuyện với Tố. Sau đó, không biết con chim đi đâu. Từ đó nó không còn trở lại nữa. Những lúc nâng ống sáo lên mà tâm hồn thấm thía nỗi buồn, Tố thường bắt đầu bằng một điệu sáo mơ hồ, than thở nhẹ nhàng với loài côn trùng dưới đất. Giọng sáo của Tố hòa trong âm điệu trùng điệp của lá cành, của tiếng thì thào không biết xuất phát tự nơi nào, và của những tiếng nỉ non của các loài sinh vật ẩn náu dưới đám lá mục phủ trên mặt đất. Rồi Tố quên đi là mình đang thổi sáo. Tố cảm thấy mình là một sinh vật nhỏ sống trong rừng cùng với hàng ngàn hàng vạn loài sinh vật khác; tiếng sáo của Tố là tiếng nói tiếng kêu của Tố đang hòa theo tiếng nói và tiếng kêu của mọi loài. Tố thấy mình là rừng, là cây, là rêu cỏ, là lá cành, là gốc rễ, là ánh sáng nô giỡn trên lá non. Niềm đau của Tố như tan biến, bởi vì Tố không còn chỉ là Tố. Những lúc đó, nước mắt của Tố trào ra và Tố cảm thấy khỏe khoắn, nhẹ nhàng. Nước mắt thấm như nắng mùa xuân và cũng mát mẻ như nước suối ngọt chảy dưới chân đồi nhà Tố. Sáng hôm ấy, sau khi đặt ống sáo xuống bắp đùi và kéo chéo áo bà ba lên lau khô nước mắt, Tố lại mỉm cười. Trong suốt mấy tháng trời, thuốc khai quang đã làm cho tất cả lá trên khu rừng gần nhà Tố rụng hết. Nhưng trời đã mưa suốt một mùa đông. Nước mưa đã gội sạch cho khu rừng và lá xanh đã mọc trở lại trên cành. Tố biết điều đó. Nó không cần nhìn bằng mắt mà cũng thấy được sự có mặt của lá. Những loài côn trùng dưới đất và trên cây cũng đã trở về sinh hoạt trở lại. Khu rừng đã khôi phục được sức sống cố hữu của nó. Tố cũng vậy. Suốt một tháng nay, không ngày nào mà Tố không lên rừng. Bỗng nhiên Tố ngỡ ngàng. Nó biết là có một người đứng trước mặt nó, và người đó đang quan sát nó. Mải mê hòa mình trong sự sống của khu rừng, Tố đã không nghe bước chân của người kia. Nhưng bây giờ thì người kia đã tới trước mặt Tố. Hơi thở của người đó rất nhẹ và thơm. Chỉ từng đó cũng đủ cho Tố cảm thấy sự có mặt của người đó là một sự có mặt dễ chịu. Chưa bao giờ Tố từng đối diện với một người mà hơi thở nhẹ nhàng và tinh khiết như người đang đứng bây giờ trước mặt Tố.
– Ai đó, Tố hỏi, giọng của nó thì thào như một hơi gió thoảng. Người đó không trả lời.
– Ai đó, tên là gì, ở đâu tới vậy? Tố lại lên tiếng.
Người trước mặt trả lời, giọng ngập ngừng:
– Thạch Lang, tôi tên là Thạch Lang, từ … trên núi xuống.
Giọng của Thạch Lang nghe nhẹ như mây khói. Giọng của Thạch Lang còn chứa đầy bỡ ngỡ, lạ lùng, không khác mấy với giọng con chim đã từng đối thoại với Tố ngày xưa. Thạch Lang chỉ nói có mười hai tiếng ngập ngừng, nhưng từng đó đủ để cho Tố hình dung được người đối diện: Thạch Lang là một người con trai, khoảng mười một hay mười hai tuổi, khuôn mặt thanh tú, tròn đầy như một trái xoài, và hai con mắt trong xanh như da trời mùa hạ. Tố có cảm tình ngay với người bạn mới. Nó chỉ tay xuống gốc cây, gần chỗ nó ngồi:
– Thạch Lang, anh ngồi xuống đây.
Thạch Lang ngồi xuống. Tố hỏi tiếp:
– Nhà anh ở đâu? Trên núi hả?
Người con trai yên lặng. Một lát sau, Tố lại hỏi:
– Anh mấy tuổi rồi, mười một tuổi phải không?
Thạch Lang đáp:
– Tôi không biết tôi mấy tuổi. Chắc là tôi … nhiều tuổi lắm.
Tố bật cười, quay sang làm dấu cho Thạch Lang tới gần, và đưa hai tay lên rờ mặt Thạch Lang. Đúng là một khuôn mặt trái xoài, mát như suối mùa hè. Tóc của Thạch Lang khá dài, buông xõa trên trán và phía sau chạm gáy. Thạch Lang để yên cho Tố khám phá những đường nét trên mặt mình. Rờ mặt và tóc của Thạch Lang xong, Tố cười:
– Đúng như Tố đã nghĩ. Anh khoảng mười một tuổi, nhiều lắm là mười hai. Nói cho Tố biết là nhà anh ở đâu đi, và ba má anh làm gì. Em tên là Tố, em ở với má em. Nhà ở gần đây lắm.
Thạch Lang lại lặng thinh. Người con trai này ít nói quá. Con người của Thạch Lang hình như chứa đầy chất thơ dại và bỡ ngỡ. Thạch nói là nhà Thạch ở trên đỉnh núi. Thạch Lang không muốn nói nhiều. Thôi thì như vậy cũng đủ, mình đừng nên hỏi thêm nữa, Tố nghĩ vậy, và im lặng ngồi bên cạnh người bạn mới.
Bỗng Thạch lên tiếng:
– Chị thổi sáo nữa đi.
Tố cười:
– Thạch Lang đừng gọi Tố là chị. Tố mới có chín tuổi, đáng là em của Thạch Lang. anh nói lại đi, rồi em sẽ thổi sáo cho anh nghe. Anh nói: “Em Tố thổi sáo cho anh Thạch Lang nghe đi”.
Thạch Lang lặp lại đúng lời Tố nói:
– Em Tố thổi sáo cho anh Thạch Lang nghe đi.
Tố cười khanh khách, khen Thạch “giỏi lắm”, và nâng ống sáo lên thổi.
Chưa bao giờ tiếng sáo của Tố vui vẻ và thảnh thơi như vậy. Tố thấy lòng mình lâng lâng như đám mây trên trời, đám mây bay cao trên nắng và trên gió. Trong phút chốc, rừng cùng Tố bay cao, trở thành đám mây. Tiếng sáo của Tố như một chiếc ghe lớn chở bềnh bồng cả một mùa xuân trên trái đất. Tố không còn biết là mình mù hai mắt. Tố không còn nhớ là ba mình đã chết. Tố trở về trạng thái nguyên sơ. Tố như đang chạy chơi trên đồi, nắm tay ba nó, cười vang. Này là tiếng suối reo như nắng mùa xuân; này là tiếng chim ca như ngọc rơi bàn thạch; này là tiếng gọi tha thiết của núi rừng, của đồi nương, quen thuộc như tiếng má của Tố gọi Tố về mỗi buổi chiều để đi rửa chân bên ảng nước trước khi thắp đèn ăn cơm tố. Bên cạnh Tố, Thạch Lang ngồi im lặng nghe. Nước mắt Tố lại trào lên rồi, chắc Thạch Lang đã nhìn thấy. Tố ngừng thổi. Tố lại đặt ống sáo xuống đùi. Tố lại lấy chéo áo bà ba lau nước mắt. Tố lại nhoẻn cười. Thạch Lang vẫn không nói gì. Chắc Thạch Lang cũng vui như mình, Tố nghĩ. Nhưng Tố vẫn nói:
– Tố khóc, nhưng Tố không buồn đâu, anh Thạch Lang vui, Tố vui lắm.
Thạch lên tiếng:
– Tại sao mấy hôm trước Tố không thổi sáo vui như hôm nay? Mấy hôm trước Tố thổi sáo buồn lắm.
Không trả lời Thạch, Tố hỏi lại:
– Mấy hôm trước anh Thạch Lang ở đâu mà nghe được Tố thổi sáo?
– Thì Thạch Lang ở trên đỉnh núi ấy. Tiếng sáo của Tố hôm nào cũng lên tới đỉnh núi.
– Đỉnh núi xa không anh? Tiếng sáo của Tố làm sao leo lên được tới đỉnh núi hả anh?
– Tiếng sáo của Tố bay được cả lên mây nữa. Hôm nào anh Thạch Lang cũng nghe rất rõ.
– Anh Thạch Lang, anh gọi Tố là em đi. Và xưng anh với Tố đi.
– Từ, hôm nào anh cũng nghe tiếng sáo của Tố rất rõ.
Tố rất bằng lòng. Thạch Lang nói được thêm một câu thì hình ảnh của Thạch Lang trong trí tưởng của Tố lại rõ ràng thêm lên một chút. Tại trường học xóm Thượng, Tố có nhiều người bạn, cả trai lẫn gái, nhưng chưa có ai lạ lùng như người con trai ngồi bên Tố lúc này. Thạch ít nói, nhưng không phải là người con trai nhút nhát. Thạch Lang không vồn vã, nhưng con người của Thạch chân thành và thuần hậu. Chắc là Thạch Lang chưa từng đi học. Chắc là Thạch Lang chưa từng có bạn. Chắc đây là lần đầu Thạch Lang bỏ nhà trên đỉnh cao mà xuống núi. Tố vừa nghĩ tới đó thì Thạch nói:
– Thạch Lang nghe tiếng sáo của Tố cho nên Thạch Lang tìm xuống với Tố. Thạch Lang đã đi hai ngày mới xuống tới chỗ Tố ngồi.
Đi hai ngày? Như vậy thì nhà của Thạch Lang xa lắm? Tố không ngờ tiếng sáo của Tố bay đi xa như thế. Tiếng sáo của Tố đã gọi tới cho Tố một người bạn. Người bạn mới của Tố giống hệt như một tờ giấy trắng, một tờ giấy trắng tinh chưa có nét chữ nào, chưa có nét vẽ nào. Ngồi bên cạnh Thạch Lang, Tố không dám cử động mạnh. Tố cũng không dám nói cười vồn vã như là Tố đã từng nói cười với mấy đứa bạn học ở xóm Thượng. Không phải là Tố sợ Thạch Lang. không, Tố không sợ Thạch Lang. Tố chỉ kính trọng Thạch Lang thôi. Tố kính trọng Thạch Lang như là kính trọng một tờ giấy trắng. Tố không dám vạch lên tờ giấy đó những nét chữ hoặc những nét vẽ thiếu cẩn trọng. Tự nhiên Tố thấy mình trở thành ít nói, giống như Thạch Lang. Hình như Thạch Lang cũng biết như vậy. Bởi vì sau đó, Tố nghe Thạch Lang nói với Tố:
– Tố kể chuyện dưới này cho Thạch Lang nghe đi.
Tố lại muốn được Thạch Lang gọi bằng em, nhưng mà Tố không dám nhắc. Tố bắt đầu kể chuyện ba má Tố, đời sống của Tố, những đứa bạn học của Tố. Rồi kể đến chuyện trường học, cô giáo, chợ búa và dân cư xóm Hạ. Tố kể thong thả, thỉnh thoảng dừng lại để cắt nghĩa những chữ mà Tố có cảm tưởng là Thạch Lang chưa hiểu, hoặc không quên. Hình như Thạch Lang biết ít lắm. Cả chữ “chợ” mà Thạch Lang cũng không hiểu là gì. “Chợ là một khoảng đất rộng, nơi đó người ta tụ tập để mua bán. Ai có gì thì đem bán ở đó, như là rau, củi, cá, gạo, vân vân. Ai thiếu gì thì tới đó để mua”. Thỉnh thoảng, Thạch Lang cũng bảo Tố ngừng lại để hỏi một vài điều chưa rõ. Tố có cảm tưởng mình là cô giáo. Tố dạy cho Thạch Lang được rất nhiều chuyện.
Trời đã trưa. Tố hẹn chiều nay sẽ kể chuyện tiếp về xóm làng cho Thạch Lang nghe. Bây giờ Tố mời Thạch Lang về nhà Tố. Tố còn phải làm cơm cho má. Tố nắm tay Thạch Lang. Hai đứa đi ra khỏi rừng, tìm về căn nhà bên sườn đồi. Tố líu lo nói cho Thạch Lang nghe, chỉ cho Thạch thấy những cây cối và những dụng cụ quen thuộc ngoài sân và trong nhà. Tố gọi tên những thứ ấy. Thạch Lang là một chú bé sáng dạ, Tố nghĩ. Nghe qua một lần là Thạch Lang nhớ, không bao giờ Thạch Lang hỏi lại lần thứ hai.
Tố hỏi bạn đã đói bụng chưa, Thạch Lang làm như không biết đói bụng là gì và ăn cơm là gì khiến cho Tố bật cười. Nhưng mà Tố đã dắt Thạch vào bếp. Tố đi lấy nồi, vo gạo, nấu cơm. Rồi Tố đi ra vườn hái rau. Tố biết Thạch Lang đang quan sát mình. Lúc đầu, Tố hơi mất tự nhiên. Thạch Lang tới giúp Tố lặt rau, rửa rau. Chẳng mấy chốc, cơm đã chín.
Hai đứa ra ngồi ngoài bậc cửa để đợi má của Tố về. Thạch Lang bảo Tố nói thêm cho mình nghe về chuyện ba Tố đi lính và chuyện Tố bị thuốc khai quang làm cho mù mắt.
Rồi má của Tố về. Tố đem Thạch Lang tới giới thiệu với má và nói hết cơ sự, thành ra Thạch Lang khỏi phải nói năng gì cả. Má của Tố cũng có hỏi cậu bé sơ qua gốc tích của cậu, nhà cửa ở đâu và cha mẹ làm gì. Thấy cậu bé ngập ngừng, bà ngỡ là Thạch Lang cũng có một tâm trạng đau buồn như con mình, nên bà không hỏi nữa. Bà cho rằng gia đình cậu bé cũng từng là nạn nhân cho cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn ác. Bà rửa tay và bảo hai trẻ vào ăn cơm.
Tố biết là Thạch Lang ăn rất ít, và Thạch Lang nhìn mình để làm giống như mình. Tố xin má cho Thạch Lang ở nhà mình. Má của Tố rất hoan hỷ thấy con mình có được một đứa bạn hiền lành và dễ thương. Cơm nước xong, bà bảo hai trẻ xuống bờ suối chơi.
Ngồi bên bờ suối, Tố bảo Thạch Lang nói cho mình nghe về những sự vật mà Thạch Lang nhìn thấy quanh mình. Ban đầu cậu bé ngập ngừng nhưng sau đó cũng thong thả nói. Cậu bắt đầu nói về màu trời, những đám mây, rồi cậu nói tới mành xanh đậm của khu rừng trước mặt. Mặt Tố sáng rỡ lên. Thạch Lang nói tới đâu thì Tố hình dung sự vật rõ tới đó, giống hệt như Tố đang nhìn ngắm cảnh vật bằng hai con mắt mượn của Thạch Lang. Mỗi khi cậu bé ngập ngừng tìm tiếng nói, Tố lập tức nói lên đúng tiếng mà Thạch Lang muốn dùng. Cứ như vậy cho đến khi cậu bé tả được rành mạch những chi tiết của cảnh vật xung quanh. Tiếng nói của cậu bé có khi trong và vui như tiếng nói của loài chim, có khi trầm như tiếng của lòng đất, có khi lại bay bổng như ngọn gió, có khi lại phơn phớt như sương mù. Hoàng hôn đã xuống. Thạch Lang ngồi lặng thinh. Tố đem ống sáo ra thổi. Tố nghĩ tới chim, tới đất, tới gió, tới sương mù. Tố có cảm tưởng là mình đang ngồi với Thạch Lang trên một mỏm núi, lẫn khuất trong sương.
Má của Tố ra gọi hai trẻ về. Bà thắp đèn, dọn cơm. Ăn cơm xong, bà thu xếp làm cho Thạch Lang một cái giường. Lần đầu tiên trong đời, Tố có một người bạn ngủ lại nhà của Tố.
Buổi sáng Tố và Thạch Lang thức dậy như hai con chim non. Tố rủ Thạch Lang ra vườn và dạy Thạch Lang chơi trò “đi trốn tìm”. Cậu bé tham dự vào các trò chơi của Tố với tất cả sự hồn nhiên. Rồi hai đứa nhào lăn trên cỏ, giữa muôn ngàn bông hoa vàng tím lấm tấm trên sườn đồi. Một lát sau, Thạch Lang rủ Tố xuống đồi ngồi nghe tiếng suối. Hai đứa ngồi nghe suối nói rất lâu. Rồi Thạch Lang nhìn trời, nhìn đất và nói cho Tố nghe những gì mình trông thấy trong buổi sáng mùa xuân tươi mát. Sáng nay cậu bé nói giỏi lắm rồi, không còn vấp váp như ngày hôm qua nữa. Tố sung sướng ngồi nghe. Nó rất ưa giọng nói của Thạch Lang. Nghe Thạch Lang nói, Tố tưởng như đất trời trực tiếp nói chuyện với mình. Tố nghĩ tiếng nói của Thạch Lang không còn là tiếng nói của một người nói với một người. Đó là tiếng của chim, của cây, của gió, của trời và của mây nói thẳng với Tố. Thạch Lang im lặng lâu rồi mà Tố vẫn còn nghe tiếng nói của đất trời tiếp tục bên tai. Có Thạch Lang bên mình thì Tố tuy không có hai mắt mà cũng như là có hai mắt.
Trưa hôm ấy ăn cơm xong, má của Tố đem vải nâu và kim chỉ ra may cho Thạch Lang một bộ đồ bà ba. Cậu bé đã có thể nói chuyện tự nhiên với mẹ của Tố. Bắt chước Tố, Thạch Lang cũng gọi bà Ba là má. Má của Tố rất bằng lòng, và Tố cảm nhận được điều này trong giọng nói của bà. Bà bảo sáng ngày mai ba mẹ con sẽ đi chợ bán củi và mua gạo. Vui quá, đi chợ thì Tố sẽ có dịp chỉ cho Thạch Lang biết bao nhiêu là điều mới lạ. Thạch Lang sẽ nhìn cho cả hai người và Tố sẽ nói cho bạn nghe những gì Thạch Lang trông thấy.
Sáng ngày mai, trên đường xuống chợ, Thạch Lang và Tố đi sau để đẩy xe. Má Tố đi phía trước. Hai tay bà vịn hai càng xe, vai bà quàng một cái đai buộc vào thành xe. Bà chúi mình về phía trước để kéo, chống chân mà bước để cho xe đi tới. Có hai đứa trẻ phía sau, xe củi hôm nay đi tới một cách nhẹ nhàng. Như kỳ trước không có Thạch Lang, Tố luôn đi sau một mình để đẩy xe giúp má.
Trên con đường từ xóm Thượng xuống xóm Hạ, Tố nói tíu tít. Tố bảo Thạch Lang nhìn sang bên phải, rồi nhìn sang bên trái, rồi bên phải, và hỏi Thạch Lang xem cậu bé có thấy ngôi nhà này, cây mít kia và vườn dâu nọ hay không. Nhờ vậy mà đi đến đâu Tố biết mình đi đến đó. Chẳng mấy chốc mà họ đến chợ xóm Hạ. Đây là một cái chợ xép, tuy vậy người mua bán khá đông, có cả trên một trăm người. Thạch Lang bận quan sát nên ít nói, làm Tố nhắc mãi. Bán được củi, má của Tố mua gạo, mua muối, một chai nước mắm và một mớ cá tương con còn sống. Mớ cá này được gói trong một tờ lá chuối. Má Tố lại mua cho Thạch Lang và Tố mỗi đứa một cái bánh cam và hai cái bánh ít. Bà bảo hai đứa trẻ chất tất cả những thứ ấy lên xe và đứng đợi bà trong khi bà đi mua một ít dầu hôi về thắp đèn. Rồi bà cầm cái chai đựng dầu đi về phía tiệm chạp phô.
Hai đứa trẻ ngồi dưới gốc cây điệp gần ngay chiếc xe bò chở củi. Chúng lấy bánh ra ăn, sung sướng được cùng ăn bánh với nhau tại ngoài chợ. Mới ăn được một cái bánh cam và bắt đầu ăn tới một cái bánh ít thì Tố nghe tiếng súng nổ phía ngoài chợ và tiếng kêu “đánh nhau, đánh nhau”. Cả chợ náo động. Tiếng đạn bay vèo vèo. Thiên hạ bỏ gánh bỏ gồng chạy hỗn loạn. Tố kéo Thạch Lang nép vào gốc cây điệp. Hai đứa nằm sát xuống đất. Tiếng người lớn và trẻ con gọi nhau ơi ới. Bỗng Tố nghe một tiếng nổ ầm ngay phía giữa chợ. Tiếng nổ lớn quá làm rung chuyển cả trời đất. Tiếng gạch đất vang rào rào bốn phía. Gạch đất rơi ào ào cả trên cây điệp và trên đầu hai đứa. Có tiếng nhiều người kêu thét và rên la. Tố biết là đạn biệt kích đã được bắn vào giữa chợ. Tiếng súng hai mặt rền lên. Chết rồi, má của Tố bị kẹt rồi, có thể là má Tố chết rồi. Tố la lên: “Má ơi! Má ơi!” và run rẩy ôm chặt lấy Thạch Lang. Cậu bé hình như không biết sợ sệt là gì. Cậu ngồi dậy, đỡ Tố ngồi dậy và nói: “Tố đừng khóc, Tố đừng la, má không sao đâu. Tố ngồi yên đây để Thạch Lang đi tìm má”. Nói xong Thạch Lang đứng dậy định đi. Bỗng có tiếng đạn bay vèo vèo trên đầu, tiếp theo là một tiếng nổ kinh hoàng khác. Tố vội kéo Thạch Lang ngã xuống, Tố nằm nép sát đất và lấy tay dúi Thạch Lang nằm sát xuống đất. Tiếng nổ lần này cũng làm rung động cả đất trời như tiếng nổ lần trước. Tiếp đến là tiếng ào ào, loảng xoảng và gạch đất lại bay tung tóe. Tiếng người kêu thét lại nổi lên. Rồi tiếng chân người rầm rập chạy lại. Tiếng súng phía đồn im hẳn. Hai đứa bé nằm im như những khúc gỗ. Rồi Tố nghe tiếng nổ lép bép và tiếng gió u u. Tố hỏi nhỏ Thạch Lang xem cậu bé nhìn thấy gì. Thạch Lang bảo người ta đang đốt những dãy nhà hai bên chợ và lửa đang bốc cháy hừng hực. Thạch Lang lại cho Tố biết có nhiều người cầm súng đang bắt trói những người không có súng và áp giải đi.
Hai đứa nằm im thin thít trong một lúc khá lâu. Bây giờ chúng nó chỉ nghe có tiếng tre nứa nổ lốp bốp, tiếng lửa cháy phần phật và tiếng rên la của những người trúng đạn. Thạch Lang bảo Tố:
– Có những người kêu khóc tội nghiệp lắm, ta tới giúp gì cho họ đi.
Tố nắm lấy tay Thạch Lang lại:
– Khoan đã, anh Thạch Lang. Anh nhìn xem những người cầm súng có còn đó hay không đã.
Thạch Lang nói:
– Họ đi hết rồi. Bây giờ trong chợ chỉ có những người bị thương chạy không được mà thôi.
Nghe cậu bé nói thế, Tố vội chồm ngay dậy. Nó bảo cậu bé dắt tay nói đi tới nơi có những người đang kêu khóc. Vừa lúc đó, năm bảy người dân làng đã từ những nơi ẩn nấp khác trở lại. Họ tìm cách cứu chữa những người bị thương. Họ khiêng những người bị thương về trạm y tế xã. Thạch Lang cho Tố biết có những người đứt tay, dập chân, bể mặt hoặc nát đầu. Có những đứa trẻ con nằm trên vũng máu.
Người trong làng tìm ra chợ càng lúc càng đông hơn. Bây giờ đã có đến gần hai chục người. Trong khi họ chở những người chết và người bệnh về trạm y tế, hai đứa trẻ đi tìm má. Chúng nó tìm tới tiệm chạp phô ở cuối xóm. Tiệm chạp phô không còn nữa. Tiệm chạp phô bây giờ chỉ là một đống tro âm ỉ cháy. Thạch Lang nói cho Tố nghe những gì cậu trông thấy.
– Má ơi, má ơi – Tố khóc rưng rức – ai có thấy má tui ở đâu không, chỉ giùm tui, tội nghiệp.
Mấy người đàn bà gần đó nhìn hai đứa trẻ, lắc đầu. Thạch Lang nói với Tố:
– Mấy bà này không thấy má. Hình như họ cũng đang đi tìm người quen. Thôi chúng ta đi nơi khác tìm má.
Tố chỉ dẫn cho Thạch Lang đi vòng quanh xóm để tìm má. Thạch Lang dắt Tố đi. Tố không nhìn thấy cảnh vật xung quanh mình, nhưng Tố nghe được tất cả những vẻ tiêu điều của thôn xóm. Trời mùa xuân mà rời rã, ảm đạm. Không có tiếng trẻ em chơi đùa, không có tiếng người lớn chuyện trò, thăm hỏi. Hễ nghe có tiếng chân người là Tố ngừng lại, hỏi:
– Thưa bác, bác có thấy má cháy ở đâu không?
Ai cũng trả lời là không trông thấy. Trong số những người chết và bị thương ở ngoài chợ không có má Tố. Vậy má Tố ở đâu? Khi trở về tới chợ, hai anh em đến hỏi thăm từng người. Tại đây một người nói có trông thấy má Tố. Đó là một bà cụ trên bảy mươi. Bà nói:
– Tao thấy má con Tố xách chai dầu hôi từ trong tiệm chạp phô đi ra. Nó chạy về phía chợ. Lúc đó đạn trái phá đã nổ rồi.
Đó là mảnh tin tức độc nhất mà hai đứa lượm được về má chúng. Những người đàn ông có mặt ở chợ lúc đó nói rằng những người cầm súng đã bắt và dẫn đi nhiều người đàn ông trong làng. Má của Tố đâu phải là đàn ông, họ bắt bà đi làm chi? Hai đứa lại tiếp tục đi vòng trong xóm. Chúng tìm vào từng nhà để hỏi và để tìm má chúng. Chúng không bỏ qua hốc nào, kẹt nào trong xóm. Chúng vẫn không tìm ra được má chúng.
Trời đã tối rồi, bây giờ hai đứa phải đi ngủ lại. Tố bảo Thạch Lang trở về gốc cây điệp tìm lại mấy cái bánh ít. Hai cái bánh ít chưa ăn vẫn còn nguyên vẹn trên chiếc xe củi. Ăn bánh xong hai đứa leo lên xe ngủ. Đêm đó trời lạnh. Có cây điệp che phía trên thành ra sương ít xuống, tuy vậy hai đứa vẫn cảm thấy lạnh quá. Chúng nằm co quắp bên nhau.
Sáng ngày mai, khi thức dậy, Tố nghe có tiếng nhiều người ở chợ. Nó biết Thạch Lang đã thức dậy và ngồi trên chiếc xe quan sát. Thạch Lang cho nó biết là có rất nhiều người mang súng đang đứng nói chuyện với những người trong làng, hết chỉ trỏ cái này rồi chỉ trỏ cái khác. Tố biết đó là quân đội từ trên quận đi xuống. Nó leo xuống xe và nói với cậu bé:
– Anh Thạch Lang, mình tới nhờ họ đi tìm má.
Thạch Lang leo xuống.
Hai đứa tìm tới một ông lính. Tố thưa với người lính:
– Thưa ông, nhờ ông tìm má cháu giùm cho cháu.
Thạch Lang đỡ lời Tố:
– Thưa ông, em cháu không thấy đường. Nó bị mù hai mắt. Hôm qua chúng cháu từ xóm Thượng xuống đi chợ với má. Trong khi hai bên đánh nhau, chúng cháu lạc mất má chúng cháu rồi.
Thạch Lang nói những lời trên rất trôi chảy và lễ phép, khiến cho cả Tố cũng phải ngạc nhiên. Tố không nghe người lính trả lời. Ông ta bước tới gần một người lính khác và thì thào. Người lícnh này có giọng nói oai vệ hơn. Ông ta hỏi tên của má Tố. Tố đáp:
– Thưa ông, má cháu tên là bà Ba Tý, làm nghề đốn củi, nhà ở gần rừng Đại Lão, thuộc xóm Thượng.
Người lính này, mà Tố đoán là một vị chỉ huy trưởng, quay lại hỏi chuyện những người dân làng về má Tố. Những người này nói rằng má Tố không có trong số những người chết và bị thương trong trận đánh hôm qua. Chắc là má Tố đã bị áp giải đi với quân tấn công rồi. Người lính quay lại khuyên hai đứa trở về nhà mà đợi má. Ông nói:
Hai đứa cứ về nhà đi. Khi nào có tin tức má thì các bác ở đây sẽ báo cho mà biết.
Ngoan ngoãn, Thạch Lang và Tố đi về phía cây điệp. Cậu bé đi trước để kéo xe. Tố đi sau để đẩy. Hai đứa tìm đường về xóm Thượng.
Xe không có củi nên nhẹ. Hai đứa không còn nói năng vui vẻ như khi đi. Chẳng mấy chốc chúng về tới xóm Thượng. Thạch Lang nhớ đường rất giỏi. Cậu bé không cần hỏi Tố mà tìm đúng được con đường đi từ xóm Thượng về cánh đồi sát rừng Đại Lão.
Khi hai đứa về tới nhà thì trời đã đứng bóng. Thạch Lang ôm xuống những thứ mà bà Ba Tý đã mua hôm qua tại chợ và thong thả leo lên đồi vào nhà. Bé Tố ủ rũ đi sau. Hai đứa vào tới nhà. Căn nhà vắng bóng bà Ba có vẻ trống lạnh quá đối với Tố. Tố hỏi Thạch Lang có đói bụng không để nó đi nấu cơm. Thạch Lang trả lời là không. Hai anh em ra ngồi ở bậc cửa, ngó mông lung ra ngoài. Hai đứa không nói với nhau lời nào.
Thạch Lang rủ Tố xuống bờ suối chơi. Nó bảo Tố đem cái ống sáo theo. Tố không có lòng nào để thổi sáo nhưng nó chiều theo ý của cậu bé.
– Mấy con cá chắc chết hết rồi. Tố nghe Thạch Lang nói như thế. Nó bảo Thạch Lang mở gói lá chuối ra xem. Cậu bé đi tìm một cái chậu, đổ đầy nước và bỏ mớ cá vào. Một lúc sau, nó nói với Tố:
– Cá chết hết rồi Tố ạ. Chỉ còn có hai con còn sống. Hai con nhỏ tí. Một con màu hồng, một con màu bạc. Chúng ta đem chúng nó ra sông suối mà thả, nhé Tố.
Hai đứa đi xuống suối. Thạch Lang bưng chậu cá, còn Tố xách ống sáo. Tới nơi, cậu bé bụm hai tay lại để bắt hai con cá còn sống. Nó quỳ xuống bên bờ cỏ và thả chúng xuống suối.
– Anh đã thả hai con cá xuống suối rồi, Tố.
Tố hình dung ra hai con cá nhỏ xíu, một con màu hồng, một con màu bạc, đang sung sướng lội đi. Môi nó thoáng một nụ cười nhưng mà nụ cười của nó tan biến ngay sau đó. Ngồi trên một tảng đá bên bờ suối, nó nghĩ tới những gì đã nghe trưa ngày hôm qua tại chợ xóm Hạ. Tiếng khóc thét của trẻ em, tiếng rên la của người lớn. Nó đã không nhìn bằng mắt nhưng nó thấy cảnh tưởng những đứa bé như nó cụt tay, nát đầu, gãy chân, cảnh tượng những người lớn lòi ruột, nằm chết giữa chợ, cảnh tượng xóm làng tan hoang với những căn nhà bốc lửa. Nó nghĩ tới má nó bây giờ hai tay bị trói, đang bị những người cầm súng dẫn đi. Thạch Lang ngồi im trên bờ có lẽ cũng đang nghĩ tới những cảnh tượng đó. Bây giờ nó với Thạch Lang ngồi đây, không biết bao giờ mới có hy vọng gặp lại má. Có thể người ta sẽ giết má nó chăng. Có thể má nó sẽ chết như ba nó chăng, chết như một con chim ngoẻo đầu, hai chân chim co quắp như hai cánh tay người, bên cạnh một bụi cây gai nào đó trong rừng, như nó đã trông thấy? Nghĩ đến đó, Tố cảm thấy có một cái gì đè nặng trên ngực nó khiến nó thở không nổi. Nó muốn òa lên khóc, nhưng mà nó không òa lên được. Tảng đá trên chỗ nó ngồi bỗng nóng bỏng giống như một cục lửa. Nó thấy ngợp thở, giống hệt như mỗi khi nó lặn quá lâu dưới nước.
Vừa lúc đó, nó bỗng nghe Thạch Lang cất tiếng hát: tiếng hát của Thạch Lang thật là lạ kỳ, thật là vi diệu. Chưa bao giờ nó nghe một thứ tiếng trang nghiêm dường ấy. Tiếng hát ban đầu như một sợi khói mỏng bốc lên từ mái nhà tranh khi má nó nấu cơm chiều. Sợi khói này tỏa ra chiều ngang, lơ lửng trên không rồi đột nhiên xòa cánh rộng như một con chim đại bàng bay liệng trong khoảng trời bát ngát, không có ngằn mé. Đột nhiên con chim đại bàng vỗ cánh; gió vi vút nẩy sinh ở trên cao, gọi mây bốn phương về quy tụ lại trên đỉnh đầu. Những đám mây năm màu chói lọi đến chắp cánh với nhau, nhảy múa. Tố nghe có tiếng vi vút như tiếng hàng vạn cây thông reo lên đỉnh núi, rồi tiếng thì thào mơ hồ như tiếng mưa bụi theo gió Xuân về lất phất vào những cành tơ liễu bên bờ hồ. Rồi Tố nghe tiếng rộn rịp của những bước chân trẻ em: một đoàn con nít mặc áo đủ màu cầm tay nhau nhảy múa trên đồi cỏ.
Cảm giác nặng nề trên ngực Tố đã biến mất. Nó cảm thấy hơi thở của nó được khai thông. Nó cảm thấy tâm hồn nó êm dịu lại và tảng đá trên chỗ nó đang ngồi đã trở thành một đám mây, bay phiêu diêu trong không gian. Rồi bỗng nhiên nó có cảm tưởng một cái gì rất lạ lùng vừa xảy tới. Nó nghe như có tiếng hàng vạn cánh chim bay liệng trên trời. Đúng rồi, có tiếng chim kêu trên không gian, không phải tiếng kêu của một con chim hay năm bảy con chim mà là tiếng kêu của hàng vạn con chim cùng một lúc. Bây giờ cái âm thanh mà nó đang nghe không còn là tiếng hát của Thạch Lang nữa. Thạch Lang hình như đã lặng tiếng. Bây giờ Tố chỉ nghe có tiếng chim kêu và tiếng cánh chim xôn xao. Theo nhận xét của Tố thì bây giờ trên trời có đến hàng vạn con chim, và có lẽ là tất cả chim chóc trên rừng đã bay về rợp cả khung trời trên đầu hai đứa.
Chính vào lúc đó, nó nghe tiếng Thạch Lang:
– Tố có biết là chim trên rừng bay về nhiều lắm không?
Tố trả lời:
– Dạ biết. Chim ở đâu bay về nhiều thế hả anh Thạch Lang? Tại sao vậy anh?
– Anh cũng không biết tại sao chim bay về nhiều như vậy. Chắc là tất cả chim trên rừng đều bay về đây. Chim che kín cả trời. Anh đang hát thì chim đến.
Đột nhiên Tố nghe một tiếng chim quen thuộc. Con chim hình như bay thấp lắm, ngay trên đầu hai đứa. Nó buông ra một tràng âm thanh như một chuỗi ngọc sáng ngời treo lơ lửng giữa không gian. Tố nhận ra đó là con chim ngày trước đã từng trả lời tiếng sáo của mình. Nó nâng vội ống sáo lên và gọi chim. Tiếng sáo của Tố buồn như một buổi chiều tím. Tất cả đàn chim gồm hàng vạn con đều lặng lẽ lắng nghe, trong khi cánh vẫn không ngừng bay lượn. Tố đem tất cả những đau buồn của mình, gửi vào tiếng sáo. Nó năn nỉ đàn chim đi bốn phương trời tìm giùm má nó. Tiếng sáo trở nên thiết tha, van lơn, khẩn cầu, bay vút lên cao rồi lại dập dìu trầm xuống. Bây giờ đàn chim bắt đầu bay tứ tán. Trong phút chốc, chỉ còn con chim màu vàng, đuôi dài và trên đầu có mấy cái lông trắng xòe ra là còn bay quanh quẩn. Sau khi trút ra một tràng âm thanh dòn dã nữa, nó liệng cánh vút theo những con chim khác vào rừng.
Bây giờ là khoảng hai giờ chiều. Thạch Lang và Tố còn ngồi bên bờ suối. Đàn chim đã bay đi hết, hai đứa chỉ còn nghe được những âm thanh quen thuộc mọi ngày. Sau một lúc im lặng, Tố lên tiếng hỏi Thạch:
– Anh Thạch Lang, anh có thấy con chim liệng gần trên đầu chúng mình hay không? Con chim nó trả lời lại tiếng sáo của Tố đó, hả anh? Lông nó vàng mướt, có phải không?
– Đúng rồi, lông nó vàng mướt. Đuôi nó dài, xòe ra, và trên đầu có một túm lông trắng. Tố có quen con chim đó hả?
– Tố chưa từng thấy con chim đó. Tố chỉ mới nói chuyện với nó trên rừng thôi, bằng ống sáo, cách đây chừng hơn một tháng. Tố nói chuyện với nó đã chín lần rồi. Tố chỉ nghe tiếng nó hót nhưng Tố đoán rằng nó có bộ lông màu vàng rất mướt, một cái đuôi dài, và khi đậu trên cành thì hai mắt nó láo liên hết nhìn bên này lại nhìn bên kia không ngớt. Anh Thạch Lang, anh hát hay quá. Tố chưa bao giờ nghe ai hát như vậy. Hồi đó Tố đã bắt đầu nghẹt thở rồi mà nghe tiếng anh hát Tố thấy khỏe liền. Tiếng hát của anh như là có thể đuổi đi được một cơn giông bão đó anh. Hồi nãy nếu anh không hát thì có lẽ bây giờ Tố đã chết rồi.
Tố lặng yên. Thạch Lang cũng lặng yên. Một lúc sau, Tố lại hỏi:
– Ai đã dạy cho anh hát vậy, hả anh Thạch Lang?
– Anh ở trên đỉnh núi, lâu lắm. Anh nghe tiếng gió, tiếng mây, tiếng sương, tiếng mưa và nhiều thứ tiếng khác nữa, rồi lâu ngày, tự nhiên anh hát được. Anh chỉ hát những lúc trời rất nặng và rất thấp, những lúc trời đất bứt rứt khó chịu, những khi mây đen sa xuống thấp và trời đất như muốn nổ tung ra. Em nói đúng đó. Anh có thể hát để đuổi được một cơn giông tố. Còn em, ai dạy cho em thổi sáo mà em thổi hay như vậy, buồn như vậy? Có phải là má em dạy không?
– Không, má không dạy, má chỉ sanh ra em thôi. Ba thì ngày xưa có dạy, nhưng ba chỉ dạy Tố thổi một ít bài dân ca đồng ruộng và núi đồi mà thôi. Tố cũng như anh. Tố thổi sáo được là vì Tố đã từng ngồi lắng nghe các thứ tiếng: tiếng cây, tiếng gió, tiếng suối, tiếng chim. Nhưng mà tiếng hát của anh lạ lắm, anh Thạch Lang ơi. Nó làm cho Tố khỏe trong người. Nó làm cho Tố sống lại. Anh hát làm sao mà tất cả chim trên rừng đều bay về liệng trên đầu anh, lạ quá.
Thạch Lang lặng thinh. Một hồi sau cậu bé mới nói:
– Có phải là em đã nhờ bọn chim đi tìm má phải không? Chúng nó nghe lời em, nhưng chúng có biết mặt má đâu mà tìm? Em và anh phải đích thân đi tìm má mới được.
Tố ngước mắt, lóng tai:
– Anh nói anh với em đi tìm má hả? Biết má ở đâu mà đi tìm bây giờ?
– Thì đi tìm như hôm qua mình đi tìm ở xóm Hạ đó. Chúng minh sẽ đi cùng khắp hết đất nước, ở đâu mình cũng phải tìm cho đến. Cuối cùng mình cũng sẽ tìm ra được má. Không lý chúng mình cứ ngồi chờ ở đây mãi mãi hay sao?
Tố bỗng thấy Thạch Lang có lý. Mình phải đi tìm má. Mình phải lặn lội, dù phải vượt núi qua đèo. Một tháng tìm chưa ra thì hai tháng. Một năm tìm chưa ra thì hai năm. Phải tìm cho ra má. Tố có cảm tưởng là tìm ra được má thì mọi chuyện đâu sẽ vào đấy hết. Tất cả những đau thương hãi hùng mà mấy hôm nay hai đứa phải chịu đựng đều là do không có má. Tìm được má thì mọi sự sẽ an lành, trẻ em sẽ không còn bị tan xương nát thịt, người lớn sẽ không còn bắn giết lẫn nhau, nhà cửa xóm làng sẽ không còn bị lửa đạn tàn phá. Đúng rồi, nó với anh Thạch Lang của nó sẽ lên đường đi tìm má. Nó hỏi:
– Bao giờ thì chúng mình đi hả anh?
– Chúng mình nên đi ngay bây giờ. Tố biết không? Hai con cá hồi trưa, một con màu hồng, một con cá màu bạc, chúng đã đi tìm má của chúng rồi. Ta cũng phải đi tìm má của ta thôi.
Tố đứng dậy. Thạch Lang đứng dậy. Hai đứa đi lên đồi, vào nhà. Tố lấy một cái đãy vải, bỏ vào đấy gạo, muối, hộp diêm, một cái nồi nhỏ, hai đôi đũa, hai cái chén, một cái ca múc nước. Nó đưa cái đãy cho Thạch Lang vác trên vai. Nó lấy một sợi dây cột ống sáo vào ngang lưng. Nó lại mang theo cái áo mưa cũng bằng vải cao su mà ông Ba ngày xưa thường hay đem theo lên rừng. Hai đứa khép cửa nhà lại, và lên đường.
Thạch Lang và Tố hướng về xóm Thượng. Ngừng lại trước trường học, chúng hỏi thăm về bà Ba Tý, nhưng ở đây không ai biết được tin tức gì của bà. Chúng lại đi về xóm Hạ. Ở đây có nhiều lính tráng đứng canh gác. Những đống tro than ngày hôm qua giờ đây vẫn còn ngún cháy. Cảnh tượng hoang tàn. Thạch Lang cho Tố biết là dân làng đang lo dọn dẹp những hỗn độn gây ra do trận đánh ngày hôm qua. Hai đứa dừng lại để hỏi han. Vẫn không có ai biết tin tức gì về má chúng. Hai đứa lại kiên nhẫn đi vòng trong vòng ngoài của cả xóm để tìm tòi và hỏi han. Cũng không có ai thấy gì hoặc nghe gì về ba Ba Tý. Cuối cùng hai đứa ra khỏi xóm Hạ.
Ra khỏi xóm Hạ, Tố không biết đường sẽ dẫn đi đâu. Thạch Lang cũng vậy. Hai đứa chỉ biết đi, không chú ý đi về phương nào. Có đường là đi. Đi để tìm má, vậy thôi. Chúng không biết là cái làng kế cận ở cách đó bao nhiêu dặm đường.
Hai đứa đi băng qua nhiều ngọn đồi và nhiều cụm rừng. Trời xẩm tối rồi mà chúng nó chưa thấy một cái nhà hoặc một cái quán nào. Phía trước còn là đồi và rừng. Hai đứa dừng chân trên một cái cầu gỗ bắc qua một con suối, và ngồi xuống thành cầu, đong đưa hai chân cho đỡ mỏi. Tố bảo Thạch Lang đi kiếm ba cục đá và một nắm củi để nó nấu cơm. Nó mở đãy, xúc gạo và nồi cho Thạch Lang đi vo ở dưới suối. Rồi nó lấy hộp diêm nhúm lửa.
Khi cơm chín thì trời đã tối hẳn. Một cái mặt trăng không đầy hiện ra ở trên trời. Đối với Tố, trời sáng hay trời tối cũng không khác nhau, nhưng đối với Thạch Lang ăn cơm trong bóng tối không dễ dàng gì. Hai đứa ăn cơm với muối hột. Đói bụng cho nên chúng nó ăn sạch hết nồi cơm. Sau khi dọn dẹp, Tố bảo Thạch Lang đi múc nước suối lên uống. Uống nước và súc miệng xong, hai đứa nằm co sát bên nhau trên cầu mà ngủ. Chúng đắp chung chiếc áo mưa bằng cao su.
Sáng hôm sau, hai đứa thức dậy khi mặt trời đã bắt đầu chiếu ấm. Chúng xuống suối rửa mặt trước khi lên đường. Tuy không thấy đường nhưng Tố đi rất tự nhiên. Nó đi bên cạnh Thạch Lang, tay trái của nó nắm lấy cánh tay mặt của cậu bé. Ngày hôm đó, chúng đi ngang một khu rừng lớn. Hai đứa tưởng rằng băng qua khu rừng là có thể thấy được xóm làng, ai ngờ chúng đi cho đến chiều tối mà đường rừng vẫn còn hun hút. Con đường rừng chật hẹp, không đủ để cho hai đứa đi ngang nhau. Thạch Lang phải đi trước, Tố để tay trái lên cái đãy gạo của Thạch Lang mà lần bước theo. Hai đứa đi chậm lại. Rừng càng lúc càng trở nên rậm rạp, nhưng không có đứa nào tỏ vẻ sợ hãi. Tố biết là chiều đã xuống. Nghe tiếng suối róc rách, nó bàn với Thạch Lang nghỉ chân để nấu cơm ăn rồi tìm chỗ mà ngủ cho qua đêm. Hai đứa tìm được dòng suối. Thạch Lang lại đi xây bếp và kiếm củi.
Trong khi Tố nấu cơm, cậu bé tìm được một chỗ mà hai đứa có thể nằm ngủ. Đó là một phiến đá lớn, nằm trên một cái dốc núi cheo leo, có cây cối um tùm bao phủ. Nó bẻ đi những cành gai cắm chung quanh tảng đá để ngừa các loài dã thú có thể bén mảng tới trong khi hai đứa nằm ngủ.
Trong rừng, trời tối rất mau. Sợ ăn cơm xong thì không còn thấy đường leo lên dốc núi, hai đứa bàn nhau đem cơm lên tảng đá ngồi ăn. Thạch Lang đưa Tố lên trước rồi trở lại đem nồi cơm và những dụng cụ khác. Nó không quên xuống suối múc một ca nước để hai đứa cùng uống.
Nửa đêm hôm ấy, Tố thức dậy vì tiếng nổ lốp bốp của một đống lửa cháy đâu gần đấy. Nó đưa tay đi tìm Thạch Lang, định đánh thức cậu bé dậy, nhưng Thạch Lang đã thức tự lúc nào. Cậu bé nắm tay nó và thì thầm bảo nó nằm yên đừng lên tiếng. Cậu cho Tố biết là phía dưới suối có rất nhiều người, hàng trăm người. Họ quây quần bên một đống lửa lớn. Họ đã nấu cơm xong, bây giờ họ bắt đầu ăn. Thạch Lang nói với Tố là những người này có súng. Không muốn cho họ biết tới mình, hai đứa nằm yên không cử động. Một lúc sau, những người cầm súng ăn cơm xong. Họ ngồi quây quần quanh đống lửa và hát. Họ hát những bài rất lạ, nhịp điệu rất mạnh, âm thanh như sóng biển nối tiếp xô nhau vào bờ. Họ hát như là họ đang muốn ào tới để đập phá một cái gì đó. Tố có cảm tưởng là nếu họ muốn đập phá một cái núi đá lớn, họ cũng có thể đập phá được. Họ như đang giận dữ một điều gì.
Một lúc lâu sau đó, họ lại hát những bài hát êm dịu hơn. Rồi có người đứng lên kể những câu chuyện làm cho cả trăm người cùng cười. Nghe những bài hát này, Tố thấy dễ chịu. Nghe tiếng cười của những người cầm súng, Tố lại cảm thấy có thân tình với họ. Bỗng Thạch Lang nắm tay Tố thì thầm. Dưới kia có một người đứng lên, đội một chiếc nón lá trên đầu. Chiếc nón lá được đan tạm bằng những chiếc lá kè mới hái còn xanh. Tay phải ông ta chống cây gậy dài như chiếc giáo, còn tay trái ông cầm một thanh củi lớn, đầu củi còn cháy. Ông ta huơ thanh củi lên như một bó đuốc soi đường và bắt đầu hát. Tố nghe tiếng hát rõ mồn một:
Đất người đây thanh lịch, đất (có) hữu tình
Có đường vô sãnh tới dinh quan lưu đồn
Ba năm bác còn đương trấn thủ (tình dẫu mà tình ơi)
Trấn thủ lưu đồn (ú ù u, ú ù u)
Ngày thì canh điếm, sớm tối dồn việc quan.
Anh chém cành tre, (còn như) ngả gỗ (tình dẫu mà tình ơi)
Ngả gỡ trên ngàn (ú ù u, ú ù u)
Than thân rằng khổ biết phàn nàn cùng ai
Anh hãy phàn nàn với những trúc cùng mai
Có cái cây măng nứa, có cái cây ngô đồng
Xót (xót) xa còn như muối đổ (tình dẫu mà
tình ơi)
Muối đổ trong lòng (ú ù u, ú ù u)
Tiếng hát lạ tai nhưng đã làm cho Tố bồi hồi cảm động. Nó nghĩ tới ba nó những ngày còn làm lính sống ở chốn rừng sâu nước độc, ăn uống kham khổ, gối đất nằm sương, khi đau ốm không có má nó và nó săn sóc một bên… Nó biết những người có súng ở dưới suối kia cũng là lính, cũng đang sống trong cảnh rừng sâu nước độc như ba nó, và cũng sẽ có thể một ngày kia ngã chết như ba nó, chết vì bệnh tật hoặc vì bom đạn hoặc vì những người cầm súng khác giết. Chết như một con chim ngoẻo đầu, hai chân co rúm bên bụi gai. Tiếng hát của người lính cũng buồn như tiếng sáo của Tố một buổi chiều nào. Nó nói lên cả vừa sự nhớ thương vừa sự cam phận. Nó không giống tí nào với tiếng hát mà đoàn người vừa cất lên hồi nãy, những tiếng hát dồn dập như voi chạy, như ngựa phi, như gió gào mưa thét vào những ngày giông bão. Tố không hiểu sao một người mà có thể hát hai giọng khác nhau như thế.
Tiếng hát chấm dứt rồi nhưng không có ai vỗ tay, cũng không có ai reo hò tán thưởng. Đám người yên lặng. Sau đó, Tố nghe có người lên tiếng trách móc. Tiếp theo đoàn người lại cất lên giọng hát hùng dũng lúc trước. Họ hát một hồi, rồi họ đi tìm chỗ ngả lưng để nghỉ ngơi.
Sau đó, Thạch Lang và Tố không nghe họ nói gì nữa. Chỉ nghe tiếng nổ lép bép rời rạc của đống lửa đang cháy dở. Hai đứa nằm yên một hồi rồi thiếp đi. Đến khi chúng thức dậy thì trời đã sáng và đoàn người đã đi mất. Đoàn người không để lại dấu tích gì hết. Đống lửa cũng không còn. Tro than bị xúc đổ vào nơi nào không biết. Đoàn người đã phủ lên chỗ họ đốt lửa một ít rong rêu mà họ lấy bên bờ suối.
Hai đứa lại lên đường. Cho mãi đến chiều hôm đó chúng mới ra khỏi khu rừng, và đến tối mịt chúng mới tới được một khu dân cư. Đây là một cái làng có hàng rào cây nhọn bao quanh rất kiên cố. Có những cái chòi canh thiết lập trên cao. Thạch Lang và Tố vào tới khu chợ thì nhà cửa cũng bắt đầu lên đèn. Tố bàn với Thạch Lang là nên ngủ nhờ tại một túp lều ngoài chợ, để sáng mai khi họp chợ thì chúng có thể hỏi thăm về bà Ba Tý.
Đêm đó, vào khoảng hai giờ khuya, làng bị tấn công. Tiếng pháo biệt kích ầm ầm vang dậy làm hai đứa tỉnh thức. Bốn mặt, tiếng súng nổ rền. Trong làng, tiếng phèng la báo động được đánh lên tới tấp. Từ túp lều ngoài chợ, hai đứa trẻ nghe tiếng chân rầm rập của từng đoàn người chạy qua chạy lại; có lẽ là dân quân và địa phương quân đang phối hợp với nhau để bảo vệ thôn làng và đẩy lui cuộc tấn công. Tiếng súng từ bên trong bắn ra như pháo. Thỉnh thoảng một trái hỏa châu nở sáng trên trời, soi rạng bốn phía, tiếp đến là nhiều loạt súng đủ loại, âm thanh nổ dồn như sấm. Pháo biệt kích đã làm sập mái nhà trung ương chợ, các miếng gạch ngói và tre gỗ bay tới tấp vào túp lều trong trại nơi hai đứa bé nằm. Trận đánh kéo dài. Tố và Thạch Lang nghe nhiều tiếng la của người lớn và trẻ em cùng tiếng thét gọi của những người lính. Lửa của căn nhà nào đó trong xóm đang bốc cháy, tiếng gọi nhau của dân làng vang lên ơi ới. Có lẽ người ta đang chạy đi chữa lửa trong khi trận đánh kéo dài. Những người tấn công hình như đã phá thủng được một mặt rào phòng thủ. Hai đứa bé nghe những tiếng hét to: “Xung phong” dữ dội. Tiếng súng lại nổ dồn. Đạn bay vèo vèo bên tai hai đứa. Tố níu chặt lấy Thạch Lang, đè cậu bé xuống sát đất, bởi vì Thạch Lang cứ muốn lồm cồm đứng dậy. Người ta bắn nhau, giết nhau ngay giữa chợ, ngay bên cạnh hai đứa bé. Tố nằm run rẩy như một con chim nhỏ. Nó không còn đủ sức kềm Thạch Lang nằm sát đất nữa. Nó biết xung quanh nó nhà cửa đang cháy, đàn ông, đàn bà và trẻ con đang chết hoặc bị thương và những người lính cầm súng của hai bên đang đâm chém nhau. Đột nhiên nó buột miệng kêu to lên “Má ơi! Má ơi!”, rồi như không còn biết sợ sệt là gì, nó ngồi dậy, cao tiếng gào khóc.
Gào thét được một lát, bỗng Tố nghe tiếng Thạch Lang. Thạch Lang đang hát. Thạch Lang đã đứng dậy và ra đứng giữa trời cất giọng hát. Hoảng sợ, nó vội kêu lên:
– Thạch Lang! Nằm xuống đất! Thạch Lang, anh nằm ngay xuống đất!
Nhưng Thạch Lang không nghe nó. Tiếng hát của Thạch Lang cất lên càng lúc càng cao. Hình như bốn phía có tiếng gió thổi xôn xao, rồi tiếng cây rừng xa bắt đầu phụ họa vào giọng hát. Thạch Lang đứng hát, thản nhiên và ung dung như đang đứng hát trên một đồi cỏ mướt. Giọng Thạch Lang không chứa đựng một chút sợ hãi nào. Nghe tiếng hát của cậu bé, Tố cảm thấy bao nhiêu sợ hãi và đau buồn của nó tan biến. Nó rút ống sáo của nó ra, phụ họa vào tiếng hát của Thạch Lang. Trên không, Tố đã nghe tiếng của nhiều con chim bay lượn. Phút chốc, tiếng đập cánh của loài chim càng lúc càng lớn. Trận chiến ở dưới đất bỗng nhiên dịu lại, tiếng súng thưa dần, tiếng reo hò và la hét im bặt. Tiếng sáo của Tố vọng lên, nỉ non ai oán, khóc thương cho thân phận của những bác tiều phu đi lính không về, của những bà bán củi ngoài chợ chạy loạn mất con, của những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, của những người lính chết một thân một mình nơi chốn thâm sơn cùng cốc, của những bà cụ già, những em bé bỏ mình trong cơn lửa đạn. Trời đất đang lắng nghe Tố, chim chóc đang lắng nghe Tố, trẻ con và người lớn đang lắng nghe Tố, những người lính đang bắn giết nhau, hình như cũng đang ôm súng nằm yên để lắng nghe Tố. Tố đang than vãn với đất trời, với muôn loài, như ngày xưa Tố đã than vãn với các loài côn trùng trên cây, dưới đất. Tiếng sáng của Tố vừa dứt thì tiếng hát của Thạch Lang cũng vừa tái sanh; tiếng hát vút lên cao như một niềm hy vọng, như lòng tin tưởng ở tình thương yêu giữa muôn loài muôn vật. Tiếng hát êm ấm như gió Xuân xoa dịu niềm đau trong trái tim người; tiếng hát mát rượu như sương thu, làm nguội lạnh lửa hận thù đang ngún cháy; tiếng hát như những giọt nước cam lộ làm nẩy chồi trên cây hy vọng đã sắp khô cạn.
Bây giờ tiếng súng đã im. Tố có cảm tưởng là trận đánh chưa bao giờ xảy ra. Trận đánh như chỉ là một cơn ác mộng. Bầy chim đã ra đi. Tiếng gió xôn xao bốn bề đã bặt. Thạch Lang và Tố nắm tay nhau đứng yên lặng rất lâu, bởi vì xung quanh hai đứa, hình như vạn vật đều cùng im lặng. Chân trời phía đông đã rạng. Những người tấn công đã rút lui vào rừng sâu tự bao giờ, không ai hay biết.
Sự sống dần dần trở lại trong làng. Trời chưa sáng, và sương mù còn bao phủ. Người ta đốt đuốc gọi nhau, tìm nhau. Người ta lo cấp cứu những người bị thương. Người ta khiêng các xác chết dân sự và binh lính về trạm y tế. Người ta lo xây đắp lại những công sự vừa bị phá vỡ, sắp đặt lại sự phòng thủ và gửi người xin thêm quân tiếp viện.
Trời đã sáng rõ. Đám quân nhân đi tuần hành thấy hai đứa trẻ lạ liền bắt về đồn. Thạch Lang và Tố bị tình nghi là giao liên đi do thám và liên lạc cho địch. Có nhiều người nét mặt hung dữ đề nghị bắn bỏ cả hai đứa. Trong số những người này, Thạch Lang thấy có cả nhà binh lẫn dân sự. Cậu bé giương mắt lên nhìn, không hiểu giao liên là gì, do thám là gì, liên lạc cho địch là gì. Nhưng Tố sợ run. Nó òa khóc và kể hết câu chuyện của anh em nó. Ở đây không ai biết ông Ba Tý và bà Ba Tý là ai. Người ta nghi hai đứa bịa ra câu chuyện đi tìm má. Tuy nhiên, viên chỉ huy không đồng ý việc bắn bỏ hai đứa. Thấy Tố là một đứa bé mù, ông nghĩ nó không thể làm giao liên được. Ông ra lệnh đưa hai đứa về quận lỵ, giao cho phía chính quyền dân sự của quận giải quyết.
Trưa hôm đó hai đứa được đưa lên xe nhà binh chở về quận lỵ. Tại đây Thạch Lang và Tố được người ta giao cho bót cảnh sát. Hai đứa được bót cảnh sát cho ăn cơm tối. Tối đến chúng được lãnh một chiếc chiếu và một cái mền để ngủ lại trong bót. Chúng ở lại đây được ba ngày thì người ta cho chúng về tỉnh lỵ giao cho Trung tâm Cải huấn Thiếu nhi.
Đây là một khu đất rộng có nhiều dãy nhà dài, xung quanh có tường thành bao bọc, trên thành có gắn miểng chai. Hai đứa được đưa vào một nơi có người đánh máy lóc cóc và có người ngồi hỏi họ, tên, lý lịch hai đứa. Tố lên tiếng thay cho cả hai đứa. Nó khai nó tên Hoàng Thị Tố, chín tuổi, học lớp năm, con của ông Hoàng Văn Tý và của bà Nguyễn Thị Cháu, làm nghề đốn củi ở xóm Thượng, xã An Lạc. Nó khai Thạch Lang là anh nó, tên Hoàng Thạch Lang, mười hai tuổi, ở nhà giúp má, không được đi học. Nó cũng khai ba nó là tử sĩ. Người kia lên tiếng hỏi Thạch Lang về vụ đụng độ tại xã Phước Bình bốn hôm về trước và bảo nó nói thiệt xem hai đứa có làm việc cho quân phiến loạn không. Cậu bé thẳng thắn kể lại mọi chi tiết chuyến đi tìm má của hai đứa, từ lúc lên đường tới lúc ngủ ở trong rừng gặp những người mang súng cho đến khi cả hai đứa bị bắt giam và chở về giam tại bót cảnh sát quận. Tố cho rằng chi tiết gặp một toán người cầm súng đốt lửa trong rừng mà Thạch Lang kể đã gợi lên những nghi ngờ trong óc người thẩm vấn. Ông ta trầm ngâm không nói gì, sau đó ra lệnh đưa tên Hoàng Thạch Lang về trại A và tên Hoàng Thị Tố về trại D. Một cô thư ký người ôm ốm cao đưa hai đứa ra khỏi văn phòng. Cô cầm tay Tố dắt đi và bảo Thạch Lang đi theo. Cô bảo rằng tuy hai đứa ở hai trại khác nhau, nhưng mỗi ngày có thể gặp nhau buổi trưa và buổi chiều sau giờ cơm. Cô lại còn dặn hai đứa mỗi khi có chuyện cần thiết cũng có thể đến trại của nhau để xin phép gặp mặt nhau.
Thạch Lang được ở chung phòng với một cậu con trai lớn hơn nó hai tuổi. Bên trại D, Tố được ở chung với một cô bé lớn hơn nó bốn tuổi nhưng chỉ cao hơn nó có một cái đầu. Cô bé tên là Lệ. Nó kêu Lệ là chị ngay từ khi mới gặp.
Trường hợp của Tố rất đặc biệt vì Tố là một đứa trẻ mù. Tuy nó được dự vào những lớp học, nhưng nó không thấy được những gì thầy giáo viết trên bảng đen và nó cũng không đọc được sách. Tuy vậy trong những giờ làm việc chân tay nó không thua ai. Chỉ năm hôm sau, nó đã có thể đi khắp Trung tâm Cải huấn một mình không cần ai đưa dắt. Lệ tuy hơi đanh đá nhưng Lệ không ghét Tố bởi vì Tố không bao giờ làm trái ý Lệ. Nó luôn luôn ngọt ngào với cô bạn cùng phòng.
Thạch Lang vào lớp nhưng không theo được bài giảng bởi vì cậu bé không biết chữ. Nó xin vào học trong lớp của Tố và ngồi bên cạnh Tố. Sau mỗi bữa cơm, Tố dạy vần quốc ngữ cho Thạch Lang. Cậu bé học mau lạ thường. Chỉ trong vòng bảy hôm, cậu đã đọc được và viết được. Tố chỉ cho Thạch Lang làm toán, Thạch Lang học trong vòng một ngày mà làm được bốn phép toán, kể cả những bài toán chia rắc rối nhất.
Trong Trung tâm Cải huấn có đứa dễ thương nhưng cũng có nhiều đứa lỗ mãng, kỳ cục, chuyên ăn hiếp và gây gổ, mặc dù những hình phạt của ban Giám đốc rất gắt gao. Có lần Thạch Lang bị hai đứa lớn tuổi hơn nó đánh đến chảy máu đầu chỉ vì lý do duy nhất là Thạch Lang đã thản nhiên đứng cười, không tỏ vẻ sợ sệt khi chúng sán lại định đánh cậu. Cậu bé bị đánh nhưng không chịu đánh trả, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu tại sao mình không làm gì người khác mà người khác lại đánh mình. Hôm đó Tố cũng có mặt nhưng nó có trông thấy gì đâu. Nó chỉ biết là Thạch Lang đang bị đánh. Nó chạy đi kêu cứu. Không người lớn đến thì Thạch Lang đã ngã ra bất tỉnh vì máu trên đầu đã chảy ra nhiều quá. Người ta đem cậu bé về phòng y tế để băng bó. Tố xin phép ngồi bên giường của Thạch để săn sóc cho anh.
Từ hôm đó trở đi, bọn trẻ con Trung tâm Cải huấn gọi Thạch là thằng khờ và Tố là con mù. Chúng gọi Thạch Lang là thằng khờ vì Thạch Lang bị người ta đánh mà không biết chống trả lại, cũng không tỏ vẻ giận hờn. Còn chúng gọi Tố là con mù là để cho nhớ vậy thôi, chứ cũng không phải vì một ác tâm nào. Hai anh em Tố cũng không vì những tên gọi ấy mà lấy làm phiền giận.
Cuối năm đó Thạch Lang được ra khỏi Trung tâm Cải huấn mà lại còn được gửi vào trường Quốc gia Nghĩa Tử ở thủ đô, bởi vì hạnh kiểm nó tốt và sức học nó khá. Tố cũng được gửi về trường mù dành cho trẻ em tại Biên Hòa. Được tin này cả hai đứa đều hoảng hốt. Cả hai đứa đều nghĩ rằng nếu xa nhau, chúng không còn có hy vọng nào tìm ra được má. Lâu nay hai đứa đã nương tựa vào nhau; có Thạch Lang, Tố như có thêm hai mắt và thiếu Tố, Thạch Lang không biết sẽ phải làm gì và phải đi về đâu. Nhưng người lớn đã quyết định, trẻ con phải tuân theo. Ban Giám đốc Trung tâm Cải huấn hứa sẽ sắp xếp cho hai đứa liên lạc với nhau bằng thư từ và thỉnh thoảng Thạch Lang sẽ được phép về trường mù thăm Tố.

 

*      *
*

Tố thức dậy giữa đêm khuya. Nó lắng nghe tiếng súng nổ xa xa và lòng nó nặng đầy sầu thương. Nó vừa nằm mơ thấy Thạch Lang. Đó là một giấc mơ đầy gian truân nhưng mà cũng đầy hy vọng. Trong giấc mơ, Thạch Lang đã về với nó, đã đi bên cạnh nó. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ. Nó nghĩ tới Thạch Lang một cách xót xa. Đã hơn sáu tháng nay nó không được tin tức gì của Thạch Lang. Nó đã lạc mất Thạch Lang như ngày xưa nó đã lạc mất má nó.
Trước kia, khi còn ở nội trú trong trường Quốc gia Nghĩa Tử ở Sài Gòn, Thạch Lang có viết cho nó bốn lá thư. Và khi Thạch Lang bị đưa về trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, Thạch Lang chỉ viết được cho nó một lá. Thế rồi Thạch Lang bặt tin luôn. Những lá thư này nó còn cất giữ, và lâu lâu nó lại nhờ chị Tám, một chị nhân công của trường mù đọc lại cho nó nghe. Năm lá thư của Thạch Lang được nó giữ gìn cẩn trọng trong một cái hộp thiếc mà nó để trong cái tráp áo quần của nó. Từ khi mất liên lạc với Thạch Lang, Tố đã nhờ ban Giám đốc trường mù viết thư hỏi thăm về Thạch Lang. Trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu trả lời là Thạch Lang vì hạnh kiểm xấu đã được gửi về Trung tâm Cải huấn Chí Hòa ở Sài Gòn và sau đó trường không còn biết gì về cậu bé nữa. Ban Giám đốc đã viết thư cho Trung tâm Cải huấn Chí Hòa thì Trung tâm trả lời là Thạch Lang bị chuyển về một trại Cải huấn tại Vùng Một Chiến Thuật, không rõ là nơi nào.
Nghe nói vì hạnh kiểm xấu cho nên Thạch Lang bị tống về Trung tâm Cải huấn, Tố không tin. Nó chưa từng gặp hay chưa từng thấy một cậu con trai nào hiền lành và tốt bụng như Thạch Lang. Thạch Lang chỉ có một cái tính là không bao giờ biết sợ ai, dù đó là những người có nhiều quyền lực, như những người trong Ban Giám đốc chẳng hạn. Nhưng Thạch Lang không bao giờ khiêu khích ai hoặc tỏ vẻ khinh thường ai. Tố chảy nước mắt, nhớ tới Thạch Lang. Nếu có Tố một bên, có thể Thạch Lang đã không bị tai nạn như thế. Bây giờ nó lạc mất Thạch Lang rồi. Thân nó mù lòa, làm sao mà một mình tìm ra được hai người thân nhất trên đời của nó.
Trong hơn nửa năm ở trường mù, Tố đã học được rất nhiều. Trước hết nó đã học được cách đọc sách, đọc bằng những ngón tay của nó. Những cuốn sách nó đọc gồm những tờ cứng trên đó mẫu tự được thay thế bằng các dấu lồi lõm khắc thành từng hàng. Nó rất ham đọc sách. Ngón tay nó đi tới đâu là hình ảnh hiện ra trong trí nó tới đó và miệng nó mỉm cười thích thú. Chỉ tiếc là sách không có nhiều. Nó cũng đã học cách viết lách thứ chữ lồi lõm này bằng một thứ bút nhọn không cần mực. Nó cũng đã được bà Giám đốc cho phép học viết bằng một cái máy đánh chữ. Cái máy chữ này cũng viết ra thành hàng những dòng chữ có thể đọc được bằng những ngón tay.
Tố lại còn học tiểu công nghệ, đan rổ, đan giỏ và cả cắt may nữa. Nó có chân trong ban âm nhạc của trường bởi vì nó thổi sáo giỏi. Tuy vậy Ban Giám đốc chỉ cho phép nó thổi những bài dân ca ca ngợi sinh hoạt đồng ruộng những thời thanh bình. Nó cảm thấy ấm ức về chuyện này. Nếu nó được tự do, nó sẽ thổi những khúc sáo do chính nó chế tác, những khúc sáo nói được nỗi lòng của nó cũng như nỗi lòng của hàng vạn đứa trẻ như nó. Tố thấy xung quanh nó có bao nhiêu người có cảm nghĩ giống hệt như nó và nó nghĩ rằng họ sẽ rất hài lòng khi nghe Tố thổi những khúc sáo nói được tâm tình chân thực của nó. Người lớn ở đây hình như cố tình bưng bít sự thật. Họ muốn bày ra một khung cảnh giả tạo để mà sống cho yên ổn một cách giả tạo. Tố không biết tại sao mà họ phải che giấy. Ở miền quê, những nơi mà Thạch Lang và Tố đi qua, nơi đâu cũng có giặc giã, bom đạn, chết chóc. Tưởng rằng ở thành phố thì yên ổn hơn ai, ai dè Tết vừa qua, dân chúng cũng đã sống trong cảnh bom đạn hãi hùng. Tố nghe nói trong cuộc tấn công vừa qua tại Sài Gòn, có nhiều khu nhà cửa tan nát, xác chết đầy đường, hôi hám ghê rợn. Có người từ Sài Gòn về kể chuyện rằng người ta đã dùng xe ủi đất vào hàng trăm xác người chôn chung từng hố. Họ còn kể rằng các nhà thương đầy ứ những trẻ em và người lớn bị thương. Ngay tại Biên Hòa này, trường của Tố cũng đã bị pháo kích và nhiều đứa bạn của Tố đã chết. Đất nước loạn lạc khắp nơi như vậy, mà người ta còn ráng làm như không có chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, Tố biết rằng không ai có thể ngăn được tiếng nói của lòng người. Đó đây thỉnh thoảng nó đã nghe được những lời hát nói lên cái sầu đau của dân tộc nó, cái ước vọng xóa bỏ hận thù để mà xây dựng lại cuộc đời đã đổ nát. Mới hôm qua đây, khi xe trường mù dừng lại một lát trước cổng nhà thương thị xã, nó đã nghe một em bé gái hát theo tiếng đàn bầu bên vệ đường:
Giọt nước mắt thương mây, mây hãy ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô dòng máu châu thân
Giọt nước mắt thương quê hương, ôi còn chảy miên man.
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên xin để lại quê hương. (*)
Tố biết em bé đang hát lên bài hát đó cũng chỉ độ vào trạc tuổi nó. Nghe tiếng hát, Tố biết ngay là em bé kia cũng đang bị mù lòa như nó. Tiếng đàn bầu lại cho Tố biết rằng người đàn cho em bé hát cũng là một người tàn phế vì chiến tranh, đành đưa em bé ra đường hát dạo để kiếm tiền độ nhật.
Em bé mù kia hát như là em thấy được hết sự thật đang xảy ra trên đất nước quê hương. Đâu cần tới hai con mắt mà những đứa trẻ như Tố cũng thấy được tất cả những thống khổ điêu linh trên đất nước? Riết rồi Tố không biết những người lớn có mắt để làm chi.
Vừa mới hồi nãy đây, Tố nằm mơ một giấc mơ thật kỳ lạ. Trong giấc mơ ấy, Tố thấy mình cùng Thạch Lang đi xông pha khắp nơi để tìm má. Trước hết nó thấy nó cùng Thạch Lang đứng chơi trên một cánh đồi buổi mai, ánh sáng đầu hè chói lọi. Trên trời có cả thảy bảy tám mặt trời và rất nhiều trăng sao. Đã có mặt trời, mà lại có trăng sao, Tố không biết tại sao; nó chỉ biết là trời đất vui như một ngày hội. Bỗng nhiên nó nghe có những tiếng nổ lớn, rồi những cái mặt trời thay nhau rụng xuống, tắt lịm. Bầu trời bây giờ tối om. Trăng sao cũng mất dạng từ hồi nào. Tiếng khóc than vãn lại tự bốn phía. Ngay lúc đó, Tố đột nhiên nhớ lại rằng mình mất má: nó đinh ninh tất cả cơ sự ấy xảy ra chỉ tại vì nó lạc mất bà Ba Tý. Nếu nó tìm được má nó, tức khắc trời sẽ sáng trở lại, bảy cái mặt trời sẽ trở về chói lọi trên không trung, và trăng sao cũng lại hiện ra đầy đủ như những đêm rằm. Nó đang thất thểu một mình trong đêm đen giữa những tiếng kêu khóc của hàng vạn đứa trẻ khác chắc cũng vừa bị lạc má như nó, thì nó bỗng thấy Thạch Lang từ đâu chạy về bên nó, tay phải Thạch Lang cầm một bông hoa hướng dương. Bông hướng dương lớn bằng một trái bưởi Biên Hòa, nhưng mỏng manh hơn, đang tỏa ánh sáng. Cuống hoa dài lắm. Thạch Lang cầm cuống hoa đưa lên cao để soi đường. Nó gọi Tố, Tố mừng rỡ chạy tới. Thế là hai đứa cùng nhau lên đường đi tìm má dưới ánh sáng của bông hoa. Ánh sáng tuy không chói lọi như ánh đèn nhưng cũng đủ để soi đường cho hai đứa.
Tố và Thạch Lang đi vào những xóm làng chìm đắm trong màn đêm u tịch. Thạch Lang dừng lại, đưa cao bông hướng dương, đứng hát. Thạch Lang hát một hồi lâu thì thấy một cái cửa hé mở, rồi có ánh đèn lọt ra ngoài. Một bóng người hiện ra trước cửa đưa tay vẫy chào hai đứa làm hiệu. Lúc đó tại sao nó và Thạch Lang không đi tới để hỏi thăm người kia về má nó, nó không hiểu. Nó chỉ nhớ là sau khi người kia vẫy tay chào, nó và Thạch Lang đưa tay vẫy đáp lại và tìm tới những khu làng khác. Rồi nó thấy hai đứa đứng trước những tòa nhà san sát nhau, sừng sững như những quả núi, lạnh lẽo và âm thầm trong bóng đêm, không mang một dấu hiệu nào của sự sống. Thạch Lang đưa bông hoa lên, và cất tiếng hát. Lâu, lâu lắm, nó thấy một cái cửa sổ mở ra, và một bóng người lại hiện trên cửa sổ, phía sau người đó lại có ánh đèn. Rồi sau đó lại có những cái cửa sổ khác mở ra nữa, và những bóng người khác nữa hiện ra. Tới khi nhiều cửa sổ được mở và có nhiều người đưa tay ra vẫy chào hai đứa, thì Tố nghe có tiếng gầm gừ của một đàn dã thú xông ra như để vồ lấy và cắn xét hai đứa. Nó kéo Thạch Lang chạy trốn.
Rồi Tố thấy Thạch Lang và nó đi vào rừng cao, lấy bông hoa hướng dương soi trên từng thân cây, từng hốc đá. Nó lại thấy hai đứa đi xuống tận biển sâu, cầm bông hướng dương soi từng con cá, từng cọng rêu. Không nơi nào mà hai đứa không đi tới. Chúng đi cho tới khi gặp một ông già râu tóc bạc phơ. Ông già đưa cho Thạch Lang một khối tròn lớn như một trái bí rợ, màu sáng như vỏ ốc. Ông nói đó là một cái mặt trời dưới thủy cung, ông cho hai đứa mượn lên mặt đất để đi tìm má. Tố vừa mới đưa hai tay đỡ lấy thì nó giật mình tỉnh thức.
Tố muốn ngủ trở lại, hy vọng giấc mộng tiếp tục, nhưng nó không ngủ được nữa. Tiếng súng xa nghe buồn bã và xốn xang quá. Bây giờ có lẽ đã khuya lắm, và mọi người đều đang ngủ say. Nó ngồi dậy, mở rộng cửa sổ. Không khí mát lạnh bên ngoài ùa vào làm nó khoan khoái dễ chịu. Tố lần mép giường, lấy ống sáo đưa lên, nhè nhẹ thổi. Nó muốn liên lạc với đất trời bên ngoài. Nó định bụng thổi sáo rất nhẹ để không làm thức giấc một ai trong khu trường này hết.
Không biết Tố thổi sáo như vậy trong bao lâu thì nó nghe có tiếng gọi quen thuộc. Tố ngừng hơi sáo. Tiếng gọi đó là tiếng gọi của một con chim. Và con chim này rất quen. Tố bỗng nhớ ra: đây là con chim đã từng đối đáp với Tố nhiều lần trên rừng và một lần dưới suối. Nó mừng rỡ không khác được gặp lại Thạch Lang. Con chim chuyển cho nó một cách rõ ràng cái tin Thạch Lang đang tới gần bên nó. Tố đưa ống sáo lên bảo con chim xác định lại điều mới nói. Đúng rồi, Tố không thể nào nghe lầm được. Nó và con chim đã thông hiểu ngôn ngữ nhau một cách thấu triệt từ lâu rồi mà. Thạch Lang đã trở về. Thạch Lang đã trở về gần bên Tố. Nó khoác thêm lên mình một cái áo cho ấm, và cầm ống sáo, mở cửa phòng đi ra sân. Con chim bay trên đầu nó. Ra tới ngõ trường mù, Tố tháo chốt, hé cánh cửa, lách ra ngoài. Nó nghe tiếng Thạch Lang gọi nó:
– Tố!
Nó quay lại phía có tiếng Thạch Lang phát ra, thì vừa lúc đó, Thạch Lang đã tới ôm nó vào lòng. Tố đứng yên trong vòng tay Thạch Lang, khóc thút thít.
Một lát sau, nghe tiếng chim bay gọi trên không, Thạch Lang bảo Tố:
– Thôi, chúng ta nên mau đi khỏi nơi này kẻo trời đã gần sáng.
Nói xong, nó nắm lấy tay của Tố, dắt đi. Hai đứa theo con đường phía hông của trường mù, lần ra khỏi thành phố. Con chim vàng vẫn bay liệng trên cao, chỉ đường cho chúng.
– Chúng ta đi đâu đây, Tố vừa lấy chéo áo bà ba lau nước mắt vừa hỏi Thạch Lang. Nó biết bây giờ Thạch Lang đã lớn hơn trước và cũng đã rắn rỏi hơn trước. Nghe một câu nói của Thạch Lang và thấy cách hành động mau lẹ của Thạch Lang, Tố cảm thấy ngay điều đó. Hai đứa mới xa nhau có chín tháng mà nó cảm thấy nó đã xa Thạch Lang có đến chín mười năm trời.
– Chúng ta đi ra khỏi thành phố rồi chúng ta tìm đường trở về rừng Đại Lão. Chúng ta về nhà xem má đã về tới đó hay không. Rồi anh lại sẽ phải trở về nhà cũ của anh trên đỉnh núi. Anh đã vắng nhà gần đúng mười hai lần trăng tròn rồi.
– Nhưng anh có biết đường về nhà không, anh Thạch Lang? Từ đây về nhà xa lắm, xa lắm. Chúng ta sẽ đi lạc.
– Em đừng lo, có con chim vàng sẽ đi dẫn đường cho chúng ta. Nó đã đưa anh từ miền rừng núi Lạng sơn vào đây tìm em rồi mà.
Thạch Lang từ miền rừng núi phía Bắc trở vào tận đây tìm nó! Tố sung sướng quá. Thạch Lang tìm được nó thì thế nào Thạch Lang cũng tìm được má. Tố nhớ lại giấc mơ hồi hôm, khi ông già râu bạc dưới thủy cung trao cho hai anh em một cái mặt trời. Cái mặt trời lớn như một trái bí rợ, màu trắng đục như long não, và có khi lấp lánh như xa cừ. Có thể là giấc mộng đã báo trước sự thực. Vừa đi nó vừa kể lại chuyện giấc mộng cho Thạch Lang nghe. Nó vòng cánh tay phải của nó qua cánh tay trái của Thạch Lang và đi ngang một hàng với Thạch Lang. Cậu bé lắng tai nghe Tố kể lại những gì đã xảy ra cho Tố từ khi nó được gửi tới trường mù trẻ em tại Biên Hòa. Tố kể cho Thạch Lang nghe đủ mọi chi tiết của cuộc đời nó trong trường. Nó nói về những đứa bạn nó, những đứa còn sống và những đứa đã chết trong trận tấn công Tết Mậu Thân vừa qua. Nó kể lể tất cả những nối nhớ thương, khổ đau, thất vọng và hy vọng của nó. Thạch Lang im lặng nghe; thỉnh thoảng nó lại ngắt lời Tố để hỏi thêm một vài chi tiết. Chẳng mấy lúc mà hai đứa đã ra khỏi thành phố. Bây giờ hai đứa đã đang bắt đầu đi sâu vào một khu rừng trồng toàn cây cao su. Chúng đi suốt ngày hôm đó, thỉnh thoảng lại ngừng chân để nghỉ ngơi. Con chim vàng luôn luôn bay theo trên trời để hộ vệ cho chúng. Tối hôm đó hai đứa ngủ lại trên một chiếc xuống của ai bỏ hoang ở bên một con kinh mà nước gần cạn.
Chúng đi như thế trong nhiều ngày, vượt rừng, trèo núi, hướng về phía Tây Bắc. Có lúc hai đứa đi ngang một rừng chuối. Chúng bẻ chuối chín để ăn. Những trái chuối hoang nhỏ bé nhưng rất ngọt. Ăn chuối xong, chúng đi tìm suối để uống nước. Có lúc hai đứa đi ngang một khu rừng dày đặc những cây tre, chúng lại bẻ măng nướng trong một đống lá để ăn thay cơm. Đi như vậy trong vòng bảy hôm thì chúng trở lại được khu rừng, nơi đó chúng từng gặp một đoàn quân cắm trại bên suối. Tố còn nhớ mãi tới bài hát “trấn thủ lưu đồn” mà nó đã nghe lén được đêm ấy.
Trên con đường trèo non lội suối về nhà, Thạch Lang kể chuyện về bước đường phiêu lưu của nó cho Tố nghe. Tại trường Quốc gia Nghĩa Tử, Thạch Lang đã kết thân với bao nhiêu đứa bạn, tất cả đều là những đứa con trai và con gái mà cha hoặc anh đã bỏ mình trên các chiến địa. Chúng thành lập một đoàn ca nhạc và hát lên nỗi lòng thù hận chiến tranh và ao ước hòa bình của chúng. Thạch Lang hát hay và làm cảm động tất cả những bạn đồng học khiến cả bọn bầu nó làm trưởng đoàn văn nghệ. Đoàn của chúng trình diễn không những trong trường Quốc gia Nghĩa Tử mà còn ở các buổi tập họp liên trường. Những bài hát của chúng nói lên được tâm sự của trẻ em lẫn người lớn, khiến ai nấy đều nức lòng hoan hô chúng. Nhưng đoàn văn nghệ của chúng chỉ hoạt động được khoảng một tháng thì Ban Giám đốc của trường chỉnh lý. Họ không cho phép chúng muốn hát gì thì hát. Họ phát cho chúng những bài hát do họ làm ra, và bảo chúng chỉ được hát những bài hát ấy. Thạch Lang ấm ức không chịu. Các bạn nó cũng ấm ức không chịu. Chúng không tuân lệnh Ban Giám đốc. Chúng bị Ban Giám đốc khủng bố. Sau nhiều lần dọa nạt Thạch Lang mà không khuất phục được nó, Ban Giám đốc trường Quốc gia Nghĩa Tử quyết định đuổi Thạch Lang vì “hạnh kiểm xấu”. Nó bị gửi về trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, ở đó họ biết kỷ luật sẽ không còn là kỷ luật của trường học nữa, mà là kỷ luật của quân đội.
Tại trường Thiếu Sinh Quân, Thạch Lang chinh phục nhiều bạn mới, Các bạn của Thạch Lang đông đến hơn một trăm đứa. Chúng làm kiến nghị xin Ban Giám đốc trường thay vì đào tạo lính thiếu niên để đưa vào chốn lửa đạn thì đào tạo những cán bộ trẻ đi hoạt động kiến thiết tại thôn xóm và vận động hòa bình. Vụ này xảy ra làm chấn động không những cả trường Thiếu Sinh Quân mà còn cả quân khu phụ trách về cơ sở này nữa. Thạch Lang bị khép vào tội “tuyên truyền cho địch” và bị đưa về giam tại khám Chí Hòa. Tại Chí Hòa, nó gặp một số các ông thầy tu bị còng tay. Hỏi tội gì, các vị nói rằng họ đã kêu gọi hai bên ngừng đánh nhau để mà thương thuyết. Nó ở Chí Hòa được nửa tháng thì ba trăm ông thầy tu cùng với gần hai trăm người trong khám Chí Hòa bắt đầu một cuộc nhịn ăn. Người ta tố cáo là nó đã xui khiến các ông thầy tu này bằng những bài hát tuyên truyền của nó.
Một đêm nọ, giữa lúc nó đang ngủ, có người vào tận khám còng tay nó và áp giải ra xe. Thạch Lang được chở ra miền Trung và đem giam tại một trại giam chính trị ở Vùng Một Chiến Thuật.
Tại đây nó gặp một ông Đạo tóc dài che cả hai tai, người ốm yếu nhưng hai mắt quắc thước. Ông Đạo mặc một bộ đồ bà ba màu nâu đã trở thành bạc thếch. Ông bị giam trong khám với một cái lồng, trong lồng có một con mèo và hai con chuột được nhốt chung. Chuyện lạ người ta bàn tán ở đây là con mèo không ăn thịt hai con chuột.
Ông Đạo kể rằng ông bị bắt vì ông đã tới trước tỉnh đường với cái lồng của ông để xin gặp đại tá tỉnh trưởng. Người ta không cho ông vào gặp, ông ngồi trước dinh đại tá, không chịu ra về.
Những người bộ hành xúm lại quan sát. Ông phân bua với mọi người: “Tôi đến đây cốt là để thưa với chính quyền rằng một con mèo và hai con chuột còn có thể ở chung với nhau, huống hồ là con người với con người. Tôi tin rằng là chúng ta có thể ngưng chém giết nhau để chung sống với nhau được”.
Có người nghe ông nói thì bưng mặt khóc. Có người thì lên tiếng chửi rủa ông, bảo ông là khờ khạo. Họ nói là: “Làm sao mà mèo với chuột lại ở chung với nhau được. Đem cái ông Đạo khùng này mà bỏ tù đi”. Vậy là người ta đem ông Đạo bỏ tù thực. Ông Đạo nhìn Thạch Lang nói như phân bua: “Đã hơn một tháng rồi, con mèo có ăn hai con chuột đâu?”.
Thạch Lang rất ưa nghe ông Đạo già kể chuyện. Ông có kể cho Thạch Lang nghe việc ông đi lượm những viên đạn và những mảnh bỏm ở khắp các làng mạc miền Đông để đúc thành một cái chuông lớn. Ông bảo Thạch Lang rằng trong suốt mấy năm qua đêm nào ông cũng thức khuya để thỉnh chuông, hy vọng tiếng chuông sẽ thức tỉnh được những người cùng trong một nước. Ông nói: “Những mảnh thép giết người kia, qua đã bắt chúng đi tu”. Thạch Lang nghe nói những mảnh thép đi tu thì mỉm cười thích chí, trong khi nó biết rằng khi nghe ông Đạo nói, có người sẽ cho là ông Đạo khùng.
Ông Đạo và Thạch Lang trở nên hai người bạn thân. Rồi cũng như ở khám Chí Hòa, hai người lại xin nhịn ăn để được trực tiếp bày tỏ nguyện vọng với nhà cầm quyền. Hàng trăm phạm nhân chính trị tham dự vào cuộc nhịn ăn này. Một tuần lễ sau đó, ông Đạo và Thạch Lang bị chính quyền đem xe chở ra Quảng Trị, đẩy qua cầu Bến Hải: “Qua bên đó tha hồ mà nhịn đói” những người võ quan mặc áo rằn ri nói với họ như vậy.
Qua tới cầu bên kia, họ được dân chúng và chính quyền địa phương ra tiếp đón. Chính quyền hỏi họ về lý do tại sao họ bị nhà cầm quyền bên kia bắt bớ tù đày. Ông Đạo và Thạch Lang cứ sự thực mà nói ra. Chính quyền rất bằng lòng. Họ bảo hai người nên thuật lại tất cả những việc đó cho dân chúng nghe. Rồi họ dặn dò Thạch Lang: phải nói thêm cho dân chúng nghe là bên kia người ta sống cơ cực lắm, và người bên này cần phải cho con cái đi tòng quân qua bên ấy để mà cứu vớt người đồng hương, đuổi bọn xâm lăng về nước, không để cho họ đè đầu đè cổ dân ta. Thạch Lang lắng tai nghe. Nó biết đó không phải đúng với điều nó thấy. Ở bên kia có người ăn trên ngồi trước, biết tránh né, không bị tổn thất một mảy may trong chiến tranh, mà còn làm giàu trong khi hàng vạn quân dân ngã chết mỗi ngày trong lửa đạn. Ở bên kia, giới cầm quyền bưng bít sự thực về chiến tranh, cấm đoán và tù đày những người kêu gọi thương thuyết và ngưng chiến. Nhưng dân chúng bên kia cũng đau khổ, chết chóc vì những người bên này gửi qua. Bên kia, hàng vạn người đã tan nát cửa nhà, mất cha, mất mẹ, lạc con, gãy tay, nát đầu trong những cuộc chạm súng với những người phía bên này. Cái khổ thật sự là do người cùng một dòng giống không ngồi lại được với nhau chớ không phải do người ngoại quốc tới xâm lăng và cướp hết sự sống của dân. Điều mà Thạch Lang thấy rõ nhất là súng đạn mà cả hai bên giết nhau đều do người nước ngoài đưa cho cả.
Khi những người chính quyền đã đi. Thạch Lang đem những điều mình nghĩ trình bày với ông Đạo, ông Đạo gật đầu bảo những điều nó nghĩ là đúng với sự thật. Trong những ngày kế tiếp, hai người đi thăm dân chúng trong các làng mạc. Họ thấy xóm làng ở đây tuy không bị bom đạn tàn phá nhưng rất khốn khổ nghèo nàn. Hầu hết là người già và trẻ em. Mặt người nào người nấy buồn xo. Những người trẻ đều đã bị gọi đi bộ đội, hoặc để đánh giặc, hoặc để tải lương. Mọi người nghe Thạch Lang nói về tình trạng bên kia đều giật mình chưng hửng. Họ đã tưởng con em của họ đi qua bên kia là để đuổi giặc ngoại xâm. Ai ngờ lính ngoại quốc đã về nước hết rồi và bây giờ chỉ có người cùng một máu mủ giết nhau, bắn nhau. Dân làng bàn bạc với nhau rồi kéo đi tới Tỉnh Ủy để xin cho con em họ được về. Nhiều bà già ôm lấy Thạch Lang mà khóc bù lu bù loa. Họ bảo con trai của họ đã chết trong miền Nam, không biết gửi xương chốn nào.
Được cán bộ địa phương báo cáo về vụ này, chính quyền lấy làm tức giận. Ông Đạo và Thạch Lang lập tức bị đưa đi mỗi người một ngả. Trước lúc chia tay, ông Đạo nắm tay cậu bé, ông bảo Thạch Lang không nên nản chí. Ông cười ha hả và đọc cho Thạch Lang nghe mấy câu thơ của ông:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thể nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có cách gì cũng chẳng làm sao. (2)
Người ta đem Thạch Lang tới một trại Học tập Cải tạo, nơi đây nó bị bắt buộc làm việc tay chân rất nặng nhọc. Nó được ăn và ngủ rất ít. Ở đây ai cũng phải tuyệt đối nghe lời Ban Giám đốc của trại. Trong các buổi học tập lý thuyết, người ta chỉ biết nghe mà không có quyền đưa ra bất cứ một nhận xét nào trái chống với lý thuyết nhà nước. Thạch Lang ngạc nhiên thấy sự bưng bít ở đây giống hệt như sự bưng bít ở miền Nam. Có lẽ lại còn khắt khe hơn ở miền Nam nữa. Thạch Lang không bao giờ được mở miệng nói quá một lời. Nó biết nó có nói cũng vô ích. Ở đây, cũng như ở mọi cuộc họp của nhà nước mà Thạch Lang từng chứng kiến từ ngày vượt cầu Bến Hải sang đây, con người đưa tay lên đưa tay xuống để hoan hô và đả đảo những cái máy. Thạch Lang biết từ lâu họ đã tập quen thói ấy. Trong khi tay họ đưa lên đưa xuống và miệng họ hô lên những khẩu hiệu thì khuôn mặt họ chai lỳ, không biểu lộ một thứ tình cảm nào hết. Thạch Lang chỉ đọc thấy trên mặt họ một nỗi cam chịu số phận mà thôi.
Một hôm trong một buổi học tập mà không khí nặng nề như bầu trời trước cơn giông tố, tự nhiên Thạch Lang cất cao tiếng hát. Mọi người hướng về nó. Không còn ai chịu lắng nghe vị thuyết trình nói gì nữa cả. Tiếng hát của nó chinh phục tất cả mọi người. Thuyết trình viên phải im tiếng. Trước hết ông ta tỏ vẻ giận dữ, nhưng cuối cùng, tiếng hát như một dòng nước mát, đã thấm sâu vào con người của ông và làm cho ông dịu lại. Ông ngồi đó, cúi đầu, lắng nghe Thạch Lang hát, mặt tỏ vẻ băn khoăn.
Sau buổi học tập này, Thạch Lang bị hình phạt nặng. Người ta buộc nó phải đi bộ từ Hà Tĩnh ra tới một trại học tập khác ở tận trên chốn rừng thiêng nước độc miền Lạng Sơn. Ở đây, cuộc sống kham khổ lạ lùng. Nhiều người bị tê bại. Nhiều người tay chân đã bầm đen lại. Nhiều người con mắt đục lờ. Nhiều người bị đui mù hẳn. Một hôm vào rừng đốn củi dưới sự canh gác của một cán bộ, Thạch Lang thấy rung động tâm hồn. Nó chợt nhớ rằng nó xuống núi đã gần mười hai mùa trăng, và đã đến lúc nó phải trở về nguyên quán. Nó nhớ tới Tố giờ này chắc đang khổ đau vì bặt tin nó. Tố mù lòa làm sao có thể một mình đi tìm má? Nó phải tìm về với Tố. Nó phải ở bên Tố thì Tố mới có hy vọng tìm ra được bà Ba Tý.
Nghĩ tới đó, Thạch Lang thấy hiện ra trước mắt một ngọn núi cao với một mỏm đá nằm cheo leo trên đỉnh lớn, in hình trên bầu trời xanh biếc. Nó nhớ lại một cái hốc đá, nhỏ bằng một bông hoa hướng dương, trong ấy sương khuya từ trời cao đêm nào cũng đọng lại đầy một nửa. Nước này là một thứ cam lộ: uống vào một hớp là hết khát cả một vạn năm. Uống một hớp nước này vào thì ưu phiền ngàn kiếp cũng tiêu tan theo mây khói. Nó nghĩ rằng nếu Tố được lên tới đây, uống một hớp nước kia và lấy được nước kia rửa lên hai mắt thì Tố sẽ có thể sáng mắt trở lại. Nghĩ tới đó, tự nhiên Thạch Lang cất cao tiếng hát. Người cán bộ còn đang trố mắt nhìn Thạch Lang thì bốn bên núi rừng đã có tiếng xào xạc. Chim chóc bay về trong phút chốc đã dày đặc cả bầu trời. Mặc cho người cán bộ ngơ ngác nhìn lên, Thạch Lang tiếp tục cất cao giọng hát. Một lát sau, Thạch Lang nghe thấy tiếng gọi của con chim vàng. Nó lên tiếng hát bảo chim đưa đường cho nó tìm về với Tố.
Thạch Lang và con chim đi gần hai tuần lễ mới tìm về được tới Biên Hòa. Đến ngoài rào trường mù, nó thoáng nghe tiếng sáo của Tố. Con chim vàng bay vào trong khuôn viên trường để gọi Tố.
Thạch Lang nói cho Tố nghe về ý định của nó muốn đưa Tố lên núi cao để cho Tố được uống nước sương cam lộ trên hốc đá đầu núi, và cũng để nó lấy nước này mà rửa mắt cho Tố. Nghe Thạch Lang nói, Tố thấy một niềm hy vọng nẩy sinh trong lòng nó. Nó thấy niềm hy vọng đó như một cái chồi non nhú mọc lên trong trái tim. Nó có cảm tưởng như nước sương cam lộ đã được tưới lên trái tim nó rồi và vì vậy chồi non kia đã bắt đầu nhú mọc.
Mải nói chuyện, hai đứa về tới xóm Thượng hồi nào mà không hay. Cảnh tượng ở đây tiêu điều. Dân cư thưa thớt hơn trước. Có những dấu tích của sự tàn phá, khiến cho Thạch Lang biết là chiến tranh cũng đã đi qua cả cái xóm nghèo nàn này. Một hồi sau, trông thấy ngôi nhà của bà Ba Tý hiện ra trên sườn đồi, nó reo lên. Tố đưa tay lên ngực. Trái tim của nó đập mạnh. Nó hỏi:
– Nhà mình còn nguyên vẹn không anh? Có thể là có má trong đó không anh?
Thạch Lang nói với Tố là ngôi nhà có vẻ còn lành lặn, nhưng nó bảo nó không thấy có dấu vết gì chứng tỏ bà Ba ở đó. Mặt Tố buồn hiu. Vượt qua suối, hai đứa lần theo con đường đồi thoai thoải để lên nhà. Thạch Lang đẩy liếp cửa bước vào. Tố theo sau. Nhà trống lạnh. Tố đã thuộc từng tấc đất và từng tấc không gian trong ngôi nhà này rồi cho nên nó không cần Thạch Lang dẫn đi nữa. Nó vào phòng, xuống bếp, ra ảnh nước rồi ra vườn rau. Ở đâu nó cũng cảm thấy lạnh tanh. Thì ra má nó chưa từng trở về đây tìm nó. Buồn quá, Tố ra ngồi trên bậc cửa.
Thạch Lang rủ Tố xuống ngồi bên suối. Nơi đây Thạch Lang đã từng thả xuống nước hai con cá nhỏ, một con màu hồng, một con màu bạc. Nó nhắc chuyện này cho Tố nghe. Nó nói:
– Hai con cá đã lên đường cùng một ngày với chúng mình. Không biết chúng đã tìm thấy má chúng hay chưa. Nếu chúng tìm được má chúng thì chưa chừng chúng đã rủ má chúng về đây chơi. Để anh nhìn kỹ xem có hai con cá nào quanh quẩn dưới nước không.
Tố hình dung ra hai con cá nhỏ xíu bơi lội bên nhau. Nó ước ao rằng hai con cá trên đường đi tìm má sẽ không bị chia rẽ ha đường như nó và Thạch Lang. Nếu hai con cá có bị chia rẽ thì Tố cầu mong cho chúng cũng được đoàn tụ như nó với Thạch Lang. Tố bỗng mỉm cười. Ngày lên đường, hai con cá chắc chỉ nhỏ bằng cỡ ngón tay út của nó. Một năm trời đã trôi qua. Hai con cá bây giờ hẳn đã lớn bằng bàn tay.
Thạch Lang và Tố ngủ lại nhà đêm hôm ấy. Sáng hôm sau, hai đứa dậy sớm, vào rừng Đại Lão để tìm lên đỉnh núi.
Chúng băng rừng được chừng nửa ngày thì con đường bắt đầu đi lên. Tuy con chim vàng đã mất dạng từ trưa hôm qua, nhưng bây giờ Thạch Lang đã biết đường lên núi. Gặp những con suối chắn ngang, Thạch Lang phải cõng Tố trên lưng. Đường bắt đầu khó đi. Nhiều khi thấy con đường cheo leo có vẻ nguy hiểm cho một người không thấy đường như Tố, Thạch Lang phải phá một con đường đi vòng ít nguy hiểm hơn để đưa Tố qua. Chúng đi khó nhọc như vậy trong vòng ba hôm thì chạng vạng ngày hôm đó chúng tới được gần chót núi.
– Chỉ còn một quãng đường ngắn nữa thôi, chúng ta hãy dừng lại đây nghỉ chân chút đã.
Thạch Lang nói như vậy và dìu Tố đến ngồi trên một phiến đá. Thấy trán Tố lấm tấm mồ hôi, nó nhặt một tấm lá lớn và quạt cho Tố.
Tố ngồi thở một hồi và bắt đầu cảm thấy khoan khoái. Nó bỗng nhận ra không khí nơi đây trong mát quá chừng. Trong không gian, Tố nghe phảng phất một thứ hương gì rất nhẹ, không biết là của hoa cỏ hay là của mây trời. Lòng nó lâng lâng. Đây là xứ của Thạch Lang. Thạch Lang đã được sinh ra nơi chốn này. Nó hỏi cậu bé:
– Trên này có nhà cửa hả anh Thạch Lang? Anh đưa Tố về thăm nhà của anh nhé. Và cho Tố được thăm ba má anh. Ba má anh gặp lại anh chắc là mừng lắm.
Thạch Lang nhớ ra rằng ngày xưa khi mới gặp nó, bà Ba Tý và Tố có hỏi về nhà cửa của nó và ba má của nó. Nó đã ngập ngừng không trả lời, bởi vì nó không biết trả lời làm sao. Hai người đã nghĩ rằng sở dĩ nó không trả lời là vì nó đang mang trong lòng một nỗi thương tâm nào đó, cho nên họ đã không cố ép. Bây giờ nó cảm thấy nó phải nói cho Tố biết sự thật. Bỏ cái lá xuống, Thạch Lang bảo Tố:
– Anh chỉ biết rằng đây là chốn anh sinh ra, vậy thôi. Anh không có ba má giống như Tố. Anh sinh ra hình như đã lâu lắm rồi. Không biết chính xác là bao lâu. Rất có thể là mặt trăng tròn đã một ngàn lần hoặc một vạn lần đi ngang qua ngọn núi này. Ở trên đây không có nhà cửa gì hết. Cả ngày, cả đêm, anh Thạch Lang ngồi thảnh thơi trên đầu núi, nghe tiếng hát của mây, của trời, của mưa, của gió, của hoa cỏ và chim chóc, và vì vậy lâu ngày tự nhiên anh biết hát.
– Nhưng mà bất cứ đứa trẻ nào sinh ra đời cũng có ba má như em vậy. Ba má anh là ai?
– Anh đã nói là anh không biết. Chắc trời đất đã sinh ra anh, hoặc đá đã sinh ra anh. Mà Tố này, anh có má chớ sao lại không? Má anh là bà Ba Tý, cũng là má của Tố đấy. Anh và em đều là con của má, chúng ta đã chẳng cùng nhau đi tìm má gần suốt một năm rồi sao?
Một giọt nước mắt đọng trên mi, Tố cảm thấy Thạch Lang nói có lý. Khi má nó sinh ra nó thì cùng một lúc má nó cũng sinh ra đất trời nhà cửa cây cối cho nó. Không có má thì làm sao có trời xanh, mây trắng; làm sao có núi rừng, đồng ruộng và cỏ hoa? Nếu không có má nó thì làm sao có Thạch Lang? Vậy thì Thạch Lang cũng do má nó sinh ra, và vì lẽ đó hai đứa đã đi tìm má. Hai con cá nhỏ bé kia, một con hồng, một con bác, chắc cũng là do má sinh ra, và cũng đang đi tìm má. Không ngẩng đầu lên, nó hỏi:
– Anh Thạch Lang, anh nghĩ chúng ta sẽ tìm ra được má hay không, hả anh?
Giọng Thạch Lang vỗ về:
– Sao lại không, Tố? Chắc chắn là chúng ta sẽ tìm ra được má. Má không thể chết được. Má đã sinh ra trời đất, má đã sinh ra rừng núi ruộng vườn. Trời đất, rừng núi và ruộng vườn còn đó thì má còn đó. Chỉ có một việc quan trọng là tìm cho được má. Tìm ra được má thì mọi chuyện sẽ yên lành: người lớn sẽ không còn giết nhau, nhà cửa sẽ không còn bị tàn phá, trẻ con sẽ không còn bị lưu lạc. Anh đi tìm má, Tố đi tìm má. Mà anh chắc má cũng đang đi tìm chúng ta. Tố, em có tin lời anh nói không? Má không bao giờ chết được, và một ngày kia, chắc chắn chúng ta sẽ tìm lại được má.
Tố im lặng. Xưa nay, có lúc nào nó không tin ở lời Thạch Lang đâu. Từ khi nó biết Thạch Lang, Thạch Lang chưa hề nói gạt nó lần nào, dù là trong một trò chơi giữa hai đứa. Thạch Lang mà nói thì là có thật. Nó cảm thấy có nhiều tin tưởng. Thạch Lang nói tiếp:
– Ngày xưa anh ngồi trên này mà nghe được tiếng sáo của Tố từ rừng dưới đưa lên, rõ như là Tố ngồi ngay bên cạnh anh vậy. Nghe tiếng sáo của Tố, anh biết Tố đang đau buồn cho nên anh đã đi xuống tìm Tố. Anh đã quen biết Tố, Tố đã dạy anh nói năng, đọc chữ, làm toán. Anh đã hát cho Tố nghe và dẫn đường cho Tố đi, anh đã làm hai con mắt cho Tố. Hai đứa đi chung cũng như là một đứa. Sự thật thì anh và Tố chỉ là một đứa mà thôi, bởi vì trong Tố cũng có anh và trong anh cũng có Tố. Điều này chắc bây giờ Tố chưa thấy, nhưng mai mốt Tố sẽ thấy. Mà khi Tố thấy rồi thì đi đâu Tố cũng thấy có anh một bên. À này, Tố có biết bây giờ mặt trăng đã lên rồi hay không? Trời sáng lắm. Trăng rất tròn, có lẽ đêm nay là đêm trăng rằm tháng tư. Hôm anh xuống núi cũng là đêm trăng rằm tháng tư. Em khỏe chưa? Còn một đoạn đường ngắn nữa thôi là chúng mình lên tới chóp núi. Đường dễ đi lắm.
Tố đứng dậy; Thạch Lang đưa cánh tay trái cho nó. Hai đứa lần đi dưới ánh trăng vằng vặc.
Chỉ một lát sau là chúng lên tới chót núi. Thạch Lang tìm chỗ cho Tố ngồi, bảo Tố dựa lưng vào một vách đá. Tố im lặng nghe ngóng. Trời đất ở đây thanh tĩnh một cách kỳ lạ. Tố có cảm tưởng là rừng núi ở cách nơi nó ngồi rất xa, và nơi nó ngồi là một hòn đảo hoang xung quanh có đại dương bao bọc. Nó nghe tiếng gió thì thào rất nhẹ. Nó đưa tay lên sờ mặt thì thấy hai gò má nó mát lạnh. Sương đã bắt đầu xuống. Tố nghe tiếng chân của Thạch Lang leo trèo một nơi cách đó không xa. Rồi có tiếng cậu bé vọng lại:
– Phải chờ đến nửa đêm thì mới có sương cam lộ trong hốc đá.
Thạch Lang quanh quẩn bên phía ấy một hồi rồi trở lại ngồi bên Tố. Nó nói:
– Trăng sáng lắm. Phía dưới kia, sương mù che lấp cả rừng cây. Phía trên này cũng có sương, nhưng còn nhẹ lắm. Anh trông thấy rất nhiều sao. Mau quá, mới đó mà đã mười hai mặt trăng tròn đi qua rồi.
Rồi quàng tay trên vai Tố, nó nói:
– Ngày mai, khi xuống núi, ta cứ đi theo hướng mặt trời mọc là tìm về được tới nhà. Thế nào Tố cũng phải nhớ ghé suối để nhìn xem mấy con cá đã trở về chưa, nghe Tố. Tố đang nghĩ gì vậy?
– Em đang nghĩ tới giấc mộng kỳ lạ hôm trước và nhớ lại lúc anh cầm cái bông hướng dương soi đường cho em đi tìm má. Em thấy cái bông hướng dương đó tỏa ra một thứ ánh sáng mờ nhạt, đủ để cho chúng ta thấy đường mà đi. Em nhớ lúc ấy em cũng thấy rõ đường đi như anh, giống hệt như hai mắt em không mù vậy. Này anh Thạch Lang, có anh bên em thì em không còn thấy em mù nữa. Anh là con mắt của em.
Nói xong câu ấy, Tố cười lên khanh khách…
Mặt trăng tròn vành vạnh đã ra tới giữa bầu trời, chính chắn trên đầu hai đứa. Đúng là nửa đêm. Trời đất thanh tĩnh lạ thường. Thạch Lang rời chỗ ngồi tới thăm dò hốc đá. Nó kêu lên:
– Sương cam lộ đã chảy đầy hốc đá rồi, Tố.
Nói xong, nó chạy về đỡ Tố đứng dậy. Từng bước, từng bước, Tố liền tới hốc đá, theo sự hướng dẫn của cánh tay Thạch Lang. Cuối cùng, Thạch Lang dừng lại.
– Đây là nước sương cam lộ mà anh đã nói với Tố. Anh sẽ vốc nước này cho em uống và để cho em rửa mắt. Uống nước này vào em sẽ khỏe khoắn lắm. Không cần ăn uống gì trong nhiều tháng mà thân thể và tinh thần em vẫn khương kiện. Nhất là em sẽ không còn bị khát nước nữa. Anh cũng mong nước này sẽ rửa mắt của em sáng lại.
Trịnh trọng, Thạch Lang đưa hai tay lên vốc một ít nước cam lộ trong hốc đá. Tố nghe như thời gian ngưng đọng xung quanh nó. Tố có cảm tưởng rằng trên không trung, mặt trăng và tất cả mọi vì tinh tú đang chăm chú trang nghiêm nhìn về nó. Nó có cảm tưởng đứng bên cạnh Thạch Lang còn có ông già với bộ râu tuyết mà nó đã được gặp dưới thủy cung trong giấc mơ kỳ lạ đêm trước: ông ta hiện đang cầm một cái mặt trời, sắp sửa đưa cho nó. Hai chân run rẩy, Tố quỳ xuống trên đá, và cảm thấy an lành hơn trong tư thế này. Trong lúc đó, Thạch Lang đưa vốc nước vào tận môi nó. Tố cung kính uống. Nước đi vào tới đâu, Tố thấy ruột gan mát rượi tới đó. Nó thở những hơi thở nhẹ và dài. Nó cảm thấy bao nhiêu ưu phiền và nhọc mệt tích tụ lại trong bấy lâu nay đã tan biến đi đâu mất hết. Nó yên lặng quỳ để cho Thạch Lang lấy nước rửa mắt cho nó.
Cậu bé vốc nước rửa mặt cho Tố nhiều lần với thái độ rất kính cẩn. Rồi cậu dìu Tố ngồi xuống.
– Ở đây có mặt đá bằng phẳng, chúng ta có thể nằm nghỉ. Tố nằm xuống đây, gối đầu lên chỗ này. Được rồi. Để anh cởi bớt một chiếc áo ngoài phủ lên trán cho Tố, cho sương đêm đừng làm Tố nhức đầu vì lạnh. Anh cũng nằm xuống đây để nghỉ ngơi một lát.
Tố nằm yên, lắng nghe. Nó cảm nhận được sự yên tĩnh sâu xa của cảnh vật xung quanh nó. Một lần nữa nó có cảm tưởng đang ở trên một cái đảo nhỏ giữa đại dương mênh mông. Có tiếng gió thì thào ở đâu xa lắm. Thỉnh thoảng lại có những giọt sương từ trên đá rơi nhẹ xuống đất. Nó còn nghe tiếng thở rất đều đặn và êm ái của Thạch Lang. Thạch Lang chắc đã ngủ rồi. Có lẽ nó cũng phải ngủ một chút mới được. Tố theo dõi tiếng thở của Thạch Lang. Dần dần tiếng thở ấy hòa lẫn với tiếng gió thì thào ở xa xa. Một lát sau, nó ngủ thiếp đi.
*      *
*
Tiếng chim hót buổi sáng líu lo khiến Tố tỉnh dậy. Nó đưa tay lên che mắt, đồng thời có một cảm giác vừa quen vừa lạ. Thôi đúng rồi, cái cảm giác chói chang khiến nó đưa tay lên che mắt là do ánh sáng gây ra. Mắt nó đã sáng trở lại; Thạch Lang đã làm cho mắt nó sáng trở lại. Vẫn giữ hai bàn tay che trên mắt cho khỏi chói, nó liếc nhìn cảnh vật qua những kẽ hở nhỏ giữa những ngón tay. Thấp thoáng nó thấy đá, thấy trời. Một lát sau, nó buông hai bàn tay xuống.
Hình ảnh mà nó trông thấy trước nhất là một khối đá lớn, lớn bằng ba lần cái nhà của ba má nó, dựng đứng trên một khung trời xanh biếc không một gợn mây. Trời lớn quá, rộng quá, dàn trải xuống cả phía dưới chân núi. Chỗ nó đứng quả giống như một hòn đảo độc lập. Quay lưng nhìn về phía sau, nó thấy núi rừng phía dưới còn mờ ảo trong sương mù buổi sáng. Hồi hôm, nó và Thạch Lang đã từ phía ấy đi lên. Ở đây, nó có cảm tưởng gần với trời mây hơn là gần với rừng núi. Cảnh tượng vĩ đại quá khiến nó có cảm tưởng là nó đã thoát ra khỏi cuộc đời đầy đau thương và tang tóc rồi.
Đưa mắt nhìn quanh, nó không trông thấy Thạch Lang. Có lẽ cậu bé còn đang đi chơi đâu đó. Nó lên tiếng gọi:
– Anh Thạch Lang!
Tiếng gọi của nó phát ra như một làn sóng gợn. Từng âm thanh được truyền đi, thấm vài không gian, rừng cây, sương mù, vách đá và dội lại, âm nào rành rọt hướng ấy. Nhưng không có tiếng Thạch Lang trả lời. Tố bụm tay lên miệng, gọi Thạch Lang lần nữa. Tiếng gọi của nó nghe như tiếng gọi của một vị nữ chúa rừng xanh có đủ uy quyền, vang dội khắp dưới trên.
Nhưng vẫn không có tiếng Thạch Lang trả lời.
Tố bắt đầu hoảng. Nó leo lên mô đá trước mặt, phóng tầm mắt nhìn về phía mặt trời đang mọc. Không có một hình bóng nào lay động có thể cho là dấu hiệu của Thạch Lang. Thất vọng, nó ngước nhìn lên phía mô đá. Bỗng nhiên nó giật bắn mình như có điện giật. Mỏm đá trên cheo leo cao nhất ở chót núi trông giống hệt như Thạch Lang đang ngồi, đưa tay vẫy nó.
Thật cũng lạ lùng. Từ khi biết Thạch Lang, Tố chưa từng trông thấy hình dáng của Thạch Lang bao giờ, vậy mà bây giờ nó nhận ra được hình dáng ấy nơi mỏm đá. Hình dáng ấy trước đây nó đã hình dung ra từ những âm thanh mà nó đã tiếp nhận được bằng tai và từ những đường nét mà nó đã tiếp nhận được bằng hai bàn tay của nó. Đây là lần đầu tiên Tố thấy được hình dáng Thạch Lang bằng hai mắt nó. Lần đầu tiên mà cũng là mãi mãi.
Tố dụi mắt nhìn kỹ lại mỏm đá. Lần này nó không thấy bàn tay Thạch Lang đưa lên vẫy nó nhưng nó vẫn thấy rõ ràng là mỏm đá có dáng điệu y hệt như Thạch Lang đang ngồi.
Nó biết Thạch Lang đã lui về nơi sinh thành của Thạch Lang, và đã trở lại thành mỏm đá.
“Cả ngày cả đêm anh thảnh thơi trên đầu núi, nghe tiếng hát của mây, của trời, của mưa, của gió, của hoa cỏ và chim chóc, và vì vậy lâu ngày tự nhiên anh biết hát”. Tố nhớ lại lời của Thạch Lang nói với nó hôm qua. “Anh sinh ra hình như đã lâu lắm rồi. Không biết chính xác là bao lâu. Rất có thể là mặt trăng tròn đã một ngàn lần hoặc một vạn lần đi ngang qua ngọn núi này”.
Thôi, Thạch Lang đã bỏ Tố lại một mình trên cõi đời này, Thạch Lang đã về với Tố, tại sao Thạch Lang không ở mãi bên mình Tố? “Sự thật thì anh và Tố chỉ là một đứa mà thôi, bởi vì trong Tố cũng có anh và trong anh cũng có Tố. Điều này chắc bây giờ Tố chưa thấy, nhưng mai mốt Tố sẽ thấy. Mà khi Tố thấy rồi thì đi đâu Tố cũng thấy có anh một bên”. Giọng nói của Thạch Lang như đang văng vẳng bên tai Tố.
Tố khóc sướt mướt, bởi vì Tố chỉ là một đứa trẻ con. Tố khóc rất lâu cho đến khi mặt trời lên cao, cho đến khi mặt trời đã ngự trên đỉnh đầu Tố. Thạch Lang đã bỏ Tố đi rồi. Thạch Lang không thương Tố. Má Tố đã bỏ Tố rồi, bây giờ Thạch Lang lại cũng bỏ Tố nữa sao? Một mình, Tố làm sao đi tìm má? Thạch Lang ơi!
Tố bỗng ước ao hai mắt nó mù trở lại để Thạch Lang có thể trở về ngồi bên nó, để nó có thể nói chuyện với Thạch Lang, nắm lấy tay Thạch Lang và đưa những ngón tay sờ lên mặt Thạch Lang.
Lòng thổn thức, nó lau khô nước mắt, và nâng ống sáo lên. Bao nhiêu thương nhớ trong lòng, nó truyền hết vào tiếng sáo. Tiếng sáo của nó làm cho những đám mây bay ngang phải dừng lại và quy tụ quanh đỉnh núi.
Con chim vàng đã bay đến đậu trên mỏm đá từ lúc nào Tố không hay biết. Con chim lên tiếng trong trẻo khiến Tố chú ý và dừng ngay tiếng sáo. Nó lắng nghe xem con chim muốn nói với nó điều gì. Từng âm, từng ý rõ ràng, rành mạch, con chim chuyển cho Tố những lời sau đây:
“em còn nhớ ngày đầu tiên khi mẹ đưa tôi về
nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới trông thấy
bóng hình tôi hiển lộ?
ngày mai bóng hình mất đi
em hãy mỉm cười
và bình thản tìm tôi trở lại
tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất
để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực
chưa bao giờ đi
chưa bao giờ đến
qua thời gian, qua nhận thức
qua chủ khách tồn sinh…” (3)
Tố nhận được rành mạch những lời của con chim truyền lại, những lời mà nó biết rằng Thạch Lang muốn truyền cho nó. Tố không hiểu những lời trên, nhưng nó cố ghi vào tâm nó để có thể thuộc lòng. Rồi nó nâng ống sáo lên, hỏi chim là tại sao Thạch Lang đi đâu và vì sao Thạch Lang không chịu về cùng nó. Con chim khởi sự lặp lại những lời thơ mà nó đã truyền cho Tố một lần. Nó không thêm thắt một âm nào, một ý nào của riêng nó.
Biết là cố nài nỉ thêm cũng vô ích, Tố chậm rãi đặt ống sáo xuống. Không có Thạch Lang, làm sao nó xuống núi một mình? Bỗng Tố giật mình. Nó biết có một cái gì rất trọng đại đã xảy ra trong nó. Đúng rồi, bây giờ nó đã có hai mắt sáng như xưa và nó có thể đi xuống núi một mình. Nó nhớ lại hôm qua chính nó đã nói với Thạch Lang: “Này anh Thạch Lang, có anh bên em thì em không còn thấy em mù nữa. Anh là hai con mắt của em”. Ô hay, bây giờ nó đã thực sự không mù nữa rồi, thì cũng như là Thạch Lang từ lúc này sẽ luôn luôn có mặt bên nó. Tới đây, Tố cảm thấy như có một luồng ánh sáng đi xẹt qua tâm trí nó. Nó có cảm tưởng nó hiểu câu nói của Thạch Lang hôm qua: “Sự thật thì anh và Tố chỉ là một đứa mà thôi, bởi vì trong Tố cũng có anh và trong anh cũng có Tố. Điều này chắc bây giờ Tố chưa thấy, nhưng mai mốt Tố sẽ thấy. Mà khi Tố thấy rồi thì đi đâu Tố cũng thấy có anh một bên.”
Một giọt nước mắt ấm từ từ lăn trên gò má cô bé. Giọt nước mắt tuy chảy từ một trái tim buồn đã làm êm dịu lại tâm hồn bé bỏng của nó. Hèn gì hôm qua Thạch Lang đã nói: “Ngày mai, khi xuống núi, ta cứ đi theo hướng mặt trời mọc thì tìm về được tới nhà”. “Ta cứ đi theo” có nghĩa là Thạch Lang cũng cùng đi với Tố.
Tố ngước mắt nhìn trời xanh, mây trắng, mỏm đá và rừng cây. Nó cảm thấy là chính Thạch Lang đang nhìn, đang thấy và đang chuyển những hình ảnh kia cho nó. Tố lắng tai nghe. Những âm thanh vi vu của gió, của cây mà nó đang nghe kia, nó nghĩ là tiếng nói của Thạch Lang. Nó có cảm tưởng rằng hễ nó chú ý lắng tai là nó có thể nghe tiếng Thạch Lang. Thạch Lang bây giờ không những là ở trong nó mà còn là ở khắp nơi.
Tố ngước nhìn mỏm đá trên cao. Dáng đá in trên trời xanh đúng là dáng điệu thanh tú, thơ dại và can trường của Thạch Lang. Tố không xuống núi ngay bây giờ đâu. Nó còn muốn ở lại đỉnh núi cho hết hôm nay. Sáng mai nó xuống núi cũng còn kịp. Nó đã đặt niềm tin nơi Thạch Lang. Má nó không thể chết được, nhất định là nó sẽ tìm ra má nó. Nó đi tìm cũng như là cả hai đứa đi tìm. Và còn hai con cá nữa, và còn ông Đạo kia nữa. Một ngày nào đó, gặp được má, nó sẽ kể hết cho má nghe về Thạch Lang. Đến ngày ấy, chắc chắn là người lớn sẽ không còn giết nhau, nhà cửa sẽ không còn bị tàn phá, và trẻ con sẽ không còn bị bơ vơ như bây giờ nữa.
Để xác định niềm tin đo với Thạch Lang, nó nâng ống sáo lên thổi. Trời, mây, đá, núi và rừng cây lắng nghe.

(*) Giọt nước mắt cho quê hương, nhạc Trịnh Công Sơn.
(2) Thơ của Phan Khôi.
(3) Trích trong bài Một mũi tên, ròi hai cờ ảo tượng thơ của Nhất Hạnh. Sau đây là nguyên bản bài thơ, trích trong tập Chấp tay nguyện cầu cho bồ cầu trắng hiện, Lá Bối, Sài Gòn, 1965:
“cũng như dòng suối về gặp đại dương
ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới
tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường”
tôi sẽ không ra đi, hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến, nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến, đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím
là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ
và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi, nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi.
sáng nay sau giấc ngủ của trăng sao, vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt trong như pha lê,
êm dịu sương khuya, hãy khóc cho hồn ngươi thêm đẹp
nước mắt sẽ biến hồn hoang vu thành nơi vườn quê tươi sáng, thanh lương thấm lòng trái đất, nâng niu lộc mướt chồi non,
ngày xưa những khi ngồi nhìn em khóc, tôi cũng đã ưng khóc để được dỗ dành
ôi thiên nhiên
bà mẹ tóc xanh, xanh mước đất trời, nụ cười đem về đầy bướm chim, hoa lá,
là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ
và trong nhận thức mong manh em, tôi thực chưa bao giờ từng hiện hữu tử sinh.
em có nhớ ngày đầu tiên khi mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới trông thấy bóng hình tôi hiển lộ?
ngày mai bóng hình mất đi
em hãy mỉm cười
và bình thản tìm tôi trở lại
tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất
để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực
chưa bao giờ đi
chưa bao giờ đến
qua thời gian, qua nhận thức qua chủ khách tồn sinh.
tìm tôi và tiện dịp em tìm em
nét khám phá nguyên sơ
chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt
em sẽ thấy
không có gì đi, mất
và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyển tượng
chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh
tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại
nụ cười nở mãi trong bài ca mùa xuân bất tận
trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi
bởi vì em quả thực chưa từng bao giờ hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh
nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai
tận cuối đường ảo tưởng
không có gì đã qua và đã mất
không có gì sẽ qua và sẽ mất
và suối chim khuyên em hôm nay
“hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca”