Lan

Trưa hôm nay chú Tâm Thể ăn cơm tại nhà anh Chiêu, một nông dân ở làng định cư Quảng Khánh.
Cơm gạo mới dẻo và thơm. Trên mâm, có một đĩa đậu xào, một đĩa rau luộc, một đĩa cà muối, một đĩa bắp ram và một chén nước mắm. Chú Tâm Thể không ưa nước mắm, cho nên anh Chiêu đã mang ra để cạnh mâm đĩa muối tiêu dành riêng cho chú.
Cùng ngồi một mâm với chú, ngoài anh Chiêu chủ nhà, còn có anh Thắng, anh Đạo và chị Lành. Ba người này đều là tác viên xã hội trong đoàn công tác Quảng Khánh. Chú Tâm Thể cũng là tác viên xã hội, nhưng chú không thuộc về đoàn công tác này. Chú chỉ là một người khác của làng định cư.
Chị Chiêu nhất định không chịu ra ngoài cùng mâm với khách. Chị bảo chị và hai cháu bé xin ăn cơm sau. Chú Tâm Thể hôm nay rất ít nói. Chú lắng tai nghe anh Chiêu và các bạn nói về những khó khăn và những thành quả đạt được tại làng định cư.
Anh Chiêu là một nông dân trẻ, tuổi ngoài ba mươi. Anh là người quận Gia Linh tỉnh Quảng Trị. Năm 1972, cùng với hàng vạn người dân Quảng Trị khác, gia đình anh đã bỏ làng bỏ xóm chạy vào Thừa Thiên bằng con đường quốc lộ mà sau đó người ta gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Hàng ngàn người đã gục ngã trên con đường tỵ nạn đó. Mẹ anh và đứa con gái lớn của anh mới năm tuổi cũng đã tử nạn trên quãng đường này. Vì tình thế khẩn trương, anh không thể mang theo thi hài của mẹ và của con theo trên đường tỵ nạn. Anh cùng vợ và hai con đã thoát được vào thị xã Huế. Bom đạn của cuộc tấn công Quảng Trị đã buông tha được bốn người trong gia đình anh.
Từ thị xã Huế, gia đình anh đi theo các chuyến di cư vào Nam. Trước hết người ta cho anh vào trại tạm cư Phước Tuy. Rồi người ta cho anh lên trại định cư Suối Nghệ. Ở Suối Nghệ mới được mấy tuần lễ thì chiến tranh lan tới. Bom đạn lại gieo thêm tang tóc. Gia đình anh bỏ chạy về làng Long Khánh và được đưa vào trại tạm cư tại sân vận động tỉnh lỵ. Tại đây, gia đình anh cùng với hai trăm gia đình khác, cũng gốc từ Quảng Trị, được tổ chức Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hướng dẫn về định cư tại trại định cư Quảng Khánh.
Khi anh Chiêu tới Quảng Khánh thì trại định cư còn là núi rừng hoang vu. Đoàn Công Tác Quảng Khánh gồm có sáu tác viên trong đó có hai vị tăng sĩ trẻ dưới ba mươi tuổi. Đoàn công tác này cũng căn lều ở bìa rừng cạnh quốc lộ 20 và chung sống với trên hai trăm gia đình tỵ nạn. Họ thuộc về một tổ chức xã hội Phật Giáo, và không có liên hệ gì tới chánh quyền. Họ đã cùng với đồng bào định cư khám phá khu rừng Quảng Khánh xây dựng các khu gia cư, phát quang trên một trăm sáu mươi mẫu rừng để canh tác. Gia đình anh Chiêu được chia tám sào đất. Làng định cư Quảng Khánh có một diện tích ước trên sáu ngàn mẫu rừng, cách quận lỵ Định Quán chừng sáu cây số, xung quanh có sông Đa Dung và sông La Ngà bao bọc.
Chiều hôm qua từ quận lỵ Định Quán đi bộ về với Thắng, chú Tâm Thể thấy hoa bằng lăng nở tím ở ven rừng, sát khu định cư. “Đất ở đây chắc chắn là tốt hơn đất khu định cư Quảng Phú ở tỉnh Phước Tuy” chú Tâm Thể suy nghĩ. Quảng Phú là nơi chú Tâm Thể đang làm công tác. Thắng lên tiếng bảo chú:
– Tất cả những thức ăn mà sư huynh thấy trên mâm đều là những sản phẩm của Quảng Khánh. Chỉ trừ nước mắm là phải mua ở Định Quán.
Chú Tâm Thể gật đầu. Quảng Khánh đã tự túc được rồi. Mùa gặt vừa hoàn tất. Nồi cơm mới đầu mùa vừa thơm vừa dẻo này, anh Chiêu đã muốn thưởng thức với một số các anh chị trong đoàn công tác. Đĩa “bắp ram” trên mâm là một thứ chả bắp rán: chỉ còn chừng mươi hôm nữa là bắp già, anh Chiêu sẽ thu vào được ba sào bắp tốt.
Thắng cho chú Tâm Thể biết là chỉ trong vòng sáu tháng nữa thì đoàn công tác của Thắng sẽ rút lui khỏi Quảng Khánh và việc điều hành khu định cư lúc đó sẽ hoàn toàn do dân chúng trong khu đảm trách. “Ước mong rằng chiến tranh sẽ không lan rộng tới đây”, Thắng vừa nói vừa nâng bát cơm một cách trầm ngâm. Nhưng rồi Thắng lại mỉm cười: “Trên đất nước mình, hiện không có nơi nào thực sự an ninh cả”.
Nụ cười của Thắng quả đem lại sự an tâm cho anh Chiêu. Anh gắp “bắp ram” bỏ vào bát cho khách. “Chúng tôi đã phải đấu tranh gian nan lắm mới có quyền thực sự làm chủ được khu định cư này, thưa sư huynh”, anh nói. Chú Tâm Thể lại gật đầu.
Chuyện tranh đấu của đồng bào ở đây, chú đã được nghe Thắng kể lại hôm qua. Trên nguyên tắc, nha Khẩn Hoang Lập Ấp đã chịu nhường khu đất này cho giáo hội Phật Giáo để xây khu định cư cho hai trăm gia đình chiến nạn Quảng Trị. Nhưng vì đất ở đây tốt và lâm sản ở đây có giá trị cho nên những ông giàu tại Sài Gòn và Bình Tuy, dựa vào thế lực của chính quyền địa phương để xâm lấn, khai thác và biến đất này thành cơ sở tư của bọn họ. Bọn họ đã cho người tiến vào khu Quảng Khánh để đốn các cây đại thụ và đe dọa người định cư. Trong một cuộc cãi vả với đồng bào định cư vào tháng mười một năm ngoái, họ đã bắn chết một bà lão để thị uy, tin rằng người định cư sẽ hoảng sợ bỏ đất mà chạy.
Ai ngờ sự việc diễn biến một cách khác. Dân tị nạn đã ra ngồi trên quốc lộ 20 gần cây số 109. Các tác viên xã hội trong đó có hai vị tăng sĩ trẻ đã ra ngồi chung với họ. Quốc lộ bị tắt nghẽn. Suốt tám giờ đồng hồ, không có chiếc xe nào lên xuống được. Xe hàng, xe hành khách và xe du lịch sắp hàng dài trên sáu cây số. Các lực lượng bảo an và địa phương quân từ Định Quán gửi tới thấy thái độ vô úy và nhất trí của đồng bào đều không dám động thủ. Đoàn tác viên đã cho đưa ngay tin về Sài Gòn cho trường xã hội, chùa Ấn Quang và các giới báo chí thủ đô.
Chiều hôm đó chính quyền Bình Tuy, trước mặt các giới báo chí, nhân sĩ từ Sài Gòn lên đã long trọng cam kết là sẽ bảo vệ quyền định cư của dân tị nạn tại Quảng Khánh và bắt buộc những người gây hấn phải bồi thường thiệt hại cho đồng bào. Quốc lộ nhờ vậy đã được khai thông.
Bữa cơm tại nhà anh Chiêu vang tiếng cười nói của anh và của những người khách trẻ. Chú Tâm Thể biết bữa cơm hôm nay là một tiệc mừng của gia đình anh Chiêu. Chú biết dưới bếp, chị Chiêu đang lắng nghe mọi câu chuyện và mọi tiếng cười của Anh và của những người khách. Anh Chiêu đã muốn tỏ niềm biết ơn của mình cũng như của dân làng đối với anh chị em trong đoàn công tác. Chú Tâm Thể thật lòng mừng cho anh Chiêu, mừng cho các đồng sự của chú tại đoàn công tác Quảng Khánh, và mừng cho trên hai trăm gia đình định cư ở đây. Chú muốn hòa lòng mình với lòng họ, do đó chú đã lắng nghe mọi người, cười với họ. Nhưng dường như trong lòng chú còn có những nỗi lo âu riêng cho nên chú ít góp ý vào câu chuyện.
Sau bữa cơm trưa, chú xin phép anh Chiêu và các bạn đi dạo chơi một mình trong vùng canh tác của khu định cư.

*     *     *

Đi giữa những hàng bắp, chú Tâm Thể suy nghĩ đến việc chú phải làm vào trưa ngày mai. Chú lên Quảng Khánh với một sứ mạng thật đặc biệt: đó là “khai sinh” cho một người sắp chết. Công việc không có gì khó khăn, nhưng từ hơn một tuần nay, tâm chú cứ nghĩ mãi tới nó. Trong đời chú, đây là lần đầu tiên mà cũng có thể là lần chót chú làm một công việc tương tự.
Đúng hai giờ chiều trưa mai, chú phải có mặt tại địa điểm Phước Hải nơi vùng rừng núi giáp giới giữa Phước Thành và Bình Tuy có con sông Đồng Nai chảy qua. Địa điểm này không xa nơi gặp nhau giữa hai con sông Đồng Nai và La Ngà. Vào khoảng hai giờ mười lăm phút sẽ có một người từ ven sông đi lên, trên người không có quần áo gì hết, ngoài một chiếc quần đùi. Người này sẽ ướt như chuột lột. Chú sẽ đưa người ấy đi lên khu rừng gần đó, lấy dao cạo trong dãy hành lý của chú mà cạo đầu cho ông ta, rồi lấy quần áo tăng sĩ trong dãy hành lý của ông ta mặc. Xong chú đưa người này ra quốc lộ. Đúng ba giờ trưa thì có xe hơi của Thu sẽ đi ngang qua cây số 103 và hai vị tăng sĩ sẽ lên xe để về Sài Gòn. Chú đã có sẵn thẻ căn cước cho vị tăng sĩ mới. Thẻ mang tên Thích Thanh Ân, ba mươi hai tuổi đời.
Chú Tâm Thể mỉm cười khi nghĩ đến anh Lâm xúng xính trong chiếc áo nhật bình và cái đầu trọc lóc. Chú biết anh Lâm đã suy nghĩ nhiều tới chuyện này trước khi chấp nhận việc đi “đầu thai” này. Nội trong ngày mốt tại An Lộc người ta sẽ nghe tin Trung Úy Trần Thanh Lâm chết đuối tại sông Đồng Nai trong lúc đang tắm sông với hai người bạn cùng đơn vị. Hai người kia, sau mấy giờ đồng hồ tìm kiếm, thế nào cũng đưa quân phục của người Trung Úy xấu số về đồn để báo cáo. Đơn vị của Lâm cách An Lộc hơn sáu mươi cây số về phía Đông Nam.
Chú Tâm Thể không ngại gì về việc hai người lính đi tìm anh Lâm, bởi vì theo anh thì hai người lính này là bạn, và sẽ chỉ tìm và ngồi chờ qua loa chừng hai giờ rồi trở về đơn vị báo cáo. Tuy vậy chú vẫn bị kích thích bởi tính cách mạo hiểm của công việc. Chú vốn là một người nhút nhát, không có được cái đức vô úy vủa sư huynh chú là đại đức Nguyên Hưng, cũng không có được cái tánh ưa mạo hiểm của anh Lâm. Cũng vì vậy mà óc chú cứ nghĩ mãi đến công việc ngày mai.

*     *     *

Ra khỏi vùng canh tác, chú Tâm Thể men vào bìa rừng. Ở đây còn là địa phận của khu định cư Quảng Khánh. Chú đi chầm chậm theo lối mòn trong rừng. Mùi ẩm của lá rừng khiến cho chú thích thú. Vừa đi chú vừa để ý nhiền lên các cây lớn xung quanh để xem có chùm phong lan nào không. Chú nghe nói rằng ở đây có nhiều phong lan. Nếu có, chú sẽ gỡ một vài chùng đem về treo ở hiên chùa là Phú Thọ Hòa.
Anh Lâm là bạn thân của thầy Nguyên Hưng, sư huynh của chú. Ngày sư huynh chú còn là một chú tiểu tu ở chùa Linh Thứu thì anh Lâm mới chín mười tuổi, thường đến chơi chùa. Hai người đã trở nên đôi bạn thân thiết. Lâm không đi tu nhưng cũng thuộc lòng cả hai buổi công phát huy sáng tối, có thể đọc vanh vách chú Lăng Nghiêm và Hồng Danh Bảo Sám. Có lần anh Lâm cũng đã định đi tu để theo sư huynh chú, nhưng sau nghĩ lại vì có bà mẹ một thân một mình cho nên đã quyết định không đi tu nữa.
Năm chú Nguyên Hưng học năm thứ hai cấp trung học Phật Giáo tại Phật học đường Phật Quang thì anh Lâm cũng đem mẹ về Sài Gòn. Anh vừa đậu tú tài và xin được công việc làm tại đây. Anh đưa bà cụ về, thuê một căn nhà ở xóm Bàn Cờ để hai mẹ con ở. Anh lại thường lên chùa Phật Quang để gặp gỡ chú Nguyên Hưng. Tình bạn của hai người được nối lại một cách thắm thiết. Anh Lâm có dịp học hỏi thêm về Phật học. Má anh, mà ở chùa Phật Quang đã quen gọi là “cô Tám” cũng thường đến chùa làm công quả. Còn  anh chỉ tham dự vào tổ chức Gia Đình Phật Tử ở đây. Anh tỏ ra là một người có tài năng tổ chức. Gia Đình Phật Tử Phật Quang trở nên một trong những Gia Đình Phật Tử có quy cũ nhất ở thủ đô Sài Gòn.
Thấy Nguyên Hưng tốt nghiệp Phật học đường năm 1960 và được gửi đi làm giảng sư cho các tỉnh hội Phật Giáo Lâm Đồng và Tuyên Đức. Sau ngày ông Diệm bị đảo chánh, thầy được bổn sư gọi về nhận trách vụ Giám đốc một trường đào tạo tác viên xã hội tại Phú Thọ Hòa cách thủ đô Sài Gòn chừng mười lăm cây số về hướng Tây Nam. Chú Tâm Thể cũng được thầy gọi về trường thụ huấn. Chú rất sung sướng được học trong một ngôi trường mà sư huynh chú làm giám đốc. Trong khi đó, anh Lâm bị gọi nhập ngũ. Anh tìm đủ mọi cách xin hoãn dịch mà không được. Người ta đưa anh vè trại Huấn Luyện Sĩ Quan Thủ Đức. Bỏ lại mẹ già một mình bơ vơ trên Sài Gòn anh rất đau lòng. May thay má anh còn tìm được một nguồn an ủi ở chùa. Bà đến chùa mỗi ngày để làm công quả, có khi ngủ luôn tại đó.
Chú Tâm Thể ra trường năm 1966. Chú được gửi đi công tác nhiều nơi, kể cả về miền Quảng Trị xa xăm. Mỗi khi được trở về trung ương, chú thường được sư huynh giám đốc nói cho nghe những khó khăn mà trường thường gặp phải. Sư huynh chú nhiều lần nhắc tới anh Lâm và ước ao được anh về phụ tá cho guồng máy điều hành ở trung ương. Chiến tranh tàn phá, gieo rắc hoạn nạn và tang tóc khắp nơi. Công tác cứu trợ và tái thiết thì nhiều mà trở lực thì đến từ bốn phía. Sư huynh chú bóp trán mãi mà không tìm ra một cách thức nào để vận động cho người bạn cũ được giải ngũ. Anh Lâm thỉnh thoảng được nghỉ phép về Sài Gòn. Anh cũng rất ao ước được giải ngũ, về sống với bà mẹ, và đem hết sức mình để giúp người bạn thân thiết nhất từ thuở tấm bé.
Ước vọng của hai người đã không thành. Đại Đức Nguyên Hưng bị tử thương trong một chuyến đi thị sát công tác miền duyên hải. Trung úy Lâm vẫn còn bị giữ lại trong quân ngũ. Ngày cử hành tang lễ Đại đức Giám đốc trường Xã hội, anh đã xin phép được về Sài Gòn để có thể đi tiễn người bạn thân thiết tới nơi an nghĩ cuối cùng. Anh đã cùng khóc với chú Tâm Thể tại hiên mái chùa lá Pháp Vân đêm hôm đó.
Ban Quản Trị và toàn thể tác viên trường Xã Hội đã họp nhau để suy cử một vị giám đốc mới cho trường. Vị giám đốc này cũng là một tăng sĩ, tuổi cao hơn sư huynh của chú Tâm Thể, nhưng cũng thuộc về thế hệ tăng sĩ trẻ. Đó là Đại Đức Hoàng Minh. Vị giám đốc này có dáng dấp của một nhà nghệ sĩ. Ông ta viết chữ nho rất đẹp, cắm hoa rất khéo. Ông lại có tài điều hợp nhân sự và công tác. Chú Tâm Thể rất mến ông. Chú mến ông một phần cũng là do sự kiện ông là một người bạn thân của sư huynh chú. Nghĩ tới vị sư huynh đã quá cố của mình, chú Tâm Thể lại để rơi hai giọt nước mắt. Chú vội đưa tay áo nhật bình lên quẹt vội những giọt nước mắt này, làm như chú sợ ở trong rừng Quảng Khánh còn có người thấy được chú khóc. Chú nhớ tới cuộc tấn công năm Mậu Thân, khi trọn cả vùng Phú Thọ Hòa bị tan nát vì bom đạn. Gần mười một ngàn đồng bào kéo vào tị nạn tại khuôn viên trường Xã Hội. Cảnh tượng vừa hỗn độn vừa thương tâm. Chú và các tác viên khác suốt ngày chăm lo cho những người bị thương không thể di tản ra khỏi vùng. Kho thuốc men của trường đã cạn sạch, từ thuốc đến bông gòn và băng vải thưa. Những chiếc áo dài trắng của các nữ tác viên đều đã được xé ra để băng bó cho những người bị thương nặng. Các tác viên phái nữ buộc làm công tác hộ sinh mà tuy có học qua nhưng họ chưa bao giờ làm. Họ cầu cứu đến một nam tác viên xưa nay vốn đã hành nghề y tác trong nhiều năm, đó là anh Tuấn. Tuấn tuy dạn tay hơn các bạn gái nhưng cũng đã phải cực nhọc lắm mới có thể giúp ra đời sáu đứa hài nhi. Chú Tâm Thể nhớ tới một buổi sáng nọ, khi chú đang bận rộn cắt đặt công việc cứu trợ thì một em bé chừng bảy tuổi tới bên chú và nắm lấy áo chú định kéo chú đi. Chú xoay lại hỏi em cần gì thì em chú ấp úng nói không trả lời. Trong khi ấy, những người bị thương khác lại được khiêng tới. Chú Tâm Thể vì bận rộn việc cứu thương nên đã quên em bé. Nửa giờ sau chú nghe tiếng người kêu chú. Ngoảnh ra chú thấy em bé lúc nãy cùng một người đàn ông khác đang khiêng tới gần bệnh xá một người máu me đầm đìa. Đó là bà nội của em. Bà bị thương nặng. Lết được từ chợ tới nửa đường đến trường thì bà ngất đi. Em bé đã chạy vào cầu cứu với chú Tâm Thể lúc ấy đang làm việc tại bệnh xá. Không kéo chú theo được, nó trở ra một mình nắm áo bà nội của em, gắng sức kéo bà xềnh xệch trên con đường đất. Em kéo được bà tới cổng trường thì mệt lả. Một người đàn ông trông thấy, liền vội tới giúp em khiêng bà tới bệnh xá.
Sư huynh của chú năm ấy mới hai mươi tám tuổi. Ông đã đem thân mạng ông ra che chở cho trên một vạn đồng bào. Chú còn nhớ hôm đó không biết từ đâu có tin đồn rằng khu Phú Thọ Hòa sẽ bị pháo kích ngày mai. Đồng bào hoảng sợ, nhốn nháo cả lên. Nhiều người thu xếp để rời khỏi khuôn viên của trường. Thấy đồng bào nhốn nháo quá, sư huynh của chú cầm máy vi âm lên định yêu cầu đồng bào giữ bình tĩnh và đừng nên bỏ khu tị nạn mà chạy vì những tin đồn không có căn cứ. Lúc đó chú Tâm Thể đứng sát bên sư huynh mình. Chú trông thấy trán của sư huynh chú nhăn lại. Sư huynh chú đã định lên tiếng, nhưng sau đó, không biết nghĩ thế nào, ông từ từ đặt ống nói xuống. Mặt ông từ ra. Ông tỏ vẻ lo lắng tột độ. Một lát sau ông nói với chú: “Tôi muốn khuyên đồng bào bình tĩnh ở lại, nhưng tôi lại nghĩ, nếu ngày mai có cuộc tấn công thực sự thì sao?”. Chú chợt hiểu nỗi lo lắng của sư huynh chú. Chưa đầy ba mươi tuổi mà sư huynh chú đã phải gánh vác trên vai một trách nhiệm nặng nề như vậy thì hỏi vừng trán ông không nhăn lại sao cho được?
Sự thực là hôm ấy khu Phú Thọ Hòa nằm kẹt vào giữa phòng tuyết của hai bên lâm chiến. Nhiều người bỏ đi từ hồi trưa đã lục đục ẵm con xách gói trở về trường. Có nhiều người bị thương. Có người đã bỏ mạng ở dọc đường. Tối hôm đó một vài tác viên phát giác được là tại góc Tây Nam không xa khuôn viên trường, các binh sĩ của Mặt Trận Giải Phóng đã chuyên chở tới những khẩu súng phòng không và hiện đang chuẩn bị lắp súng. Sư huynh của chú nhận được tin này trong khi còn ngồi trong chùa lá. Sau vài phút trầm ngâm ông bảo là ông sẽ đi về phía họ để cầu xin đặt súng phòng không ở một địa điểm khác. “Nếu họ đặt súng phòng không tại đây thì trên mười ngàn đồng bào trong khuôn viên trường sẽ chết hết vì máy bay oanh tạc”.
Các tác viên có mặt lúc đó bên sư huynh chú đều ngăn cản không cho ông đi. Chú Tâm Thể cũng không muốn cho sư huynh của chú đi. Tuy tánh chú hay sợ sệt thật đấy, nhưng lúc đó chú đã tình nguyện đi thế cho sư huynh chú. Sau mười phút thương nghị, chú và một tác viên khác tên là Hy được phép đại diện sư huynh giám đốc ra cần khẩn với những người đang lắp súng. Chú và Hy mỗi người cầm một chiếc áo sơ mi trắng trong tay, bò từ từ ra tới địa điểm lắp súng. Họ không dám đi thẳng, sợ rằng bên phía quân đội Cộng Hòa trông thấy sẽ nổ súng vào họ. Cuộc du thuyết đêm đó may thay đã thành công. Những người lắp súng đồng ý chuyển súng tới một địa điểm khác.
Sáng hôm sau, sư huynh chú đích thân tìm tới liên lạc với phòng tuyến phía quân đội Cộng Hòa xin mở đường cho đồng bào di tản khỏi Phú Thọ Hòa về phía Cầu Tre mà lần tới thủ đô. Những vị chỉ huy đã tỏ vẻ thông cảm cho tình trạng của đồng bào nhưng họ cho biết rằng việc di tản không thể nào thực hiện được vì quân tấn công đã đào công sự ở phía Cầu Tre và đang cố thủ ở nhiều khu gia cư quanh đó. Sư huynh chú ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “nếu vậy thì xin quý vị cam kết là đừng tấn công vào trường để bảo đảm cho tính mạng của trên một vạn đồng bào. Xin quý vị báo tin cho quân lực Cộng Hòa về việc có trên một vạn đồng bào đang tỵ nạn tại trường và điện về Tổng Tham Mưu xin cho không quân đừng bao giờ oanh tạc vào địa điểm này. Chúng tôi sẽ bảo đảm không để cho bất cứ một ai mang vũ khí hoặc truyền đơn xâm nhập và trà trộn vào khuôn viên trường. Nếu quý vị cho phép, tôi sẽ đi sang tận phòng tuyến của bên kia để xin họ tránh không dùng đất trường làm bàn đạp để tấn công. Tôi sẽ đạo đạt tới họ ước vọng của một vạn đồng bào, cũng như tôi đã đạo đạt với quý vị”. Những người trong cấp chỉ huy đã nói: “Đại Đức không sợ sao? Nguy hiểm lắm! Đừng đi qua bên ấy”. Sư huynh của chú trả lời: “Nếu quý vị hứa sẽ không bắn vào tôi, thì tôi không sợ. Tôi sẽ có thể đi thong thả sang tận bên kia. Tôi sẽ cầm một lá cờ ngũ sắc của Phật”. Các vị chỉ huy quân đội Cộng Hòa cuối cùng đã đồng ý cho sư huynh của chú đi sang bên kia để đưa thỉnh nguyện. Chuyến đi này của sư huynh chú, nhờ Phật gia hộ, cũng đã thành công. Kết quả là mười ngàn đồng bào đã an toàn thoát khỏi tầm súng của hai phe lâm chiến. Tuy vậy ban Quản Trị Trường và tất cả tác viên có mặt đã phải làm hết sức mình mới đi tới được kết quả ấy. Từng nhóm tác viên được cắt đặt đi khắp khuôn viên trường để tổ chức cho đồng bào tự động kiểm soát tình thế. Từ các bô lão cho đến phụ nữ ai cũng lo cho sự an ninh của mình cho nên đã nỗ lực tham dự việc kiểm soát.
Sư huynh của chú Tâm Thể đứng ra làm Giám đốc trường Xã Hội lúc ông mới hai mươi ba tuổi. Tuy còn trẻ nhưng đại đức Nguyên Hưng là một người có căn cơ linh mẫn và giàu tinh thần trách nhiệm. Thầy bổn sư của chú thường nói là ông tin vào thế hệ trẻ. Chỉ nội sáu tháng sau khi sư huynh chú lên làm giám đốc trường Xã Hội thì thầy bổn sư của chú bị bắt giữ vì tội kêu gọi hòa bình. Thầy bổn sư chú năm nay đã trên sáu mươi. Người ta thường gọi ông là “ông đạo khoai” bởi vì ông rất ưa ăn khoai lang, ông ăn cơm thì ít mà ăn khoai thì nhiều. Người ta biết  rằng họ chỉ có thể giam hãm thân xác ông trong nhà tù mà thôi và không ai ngăn cản được tinh thần ông hành động bên ngoài. Những nỗ lực vận động cho hòa bình vẫn được tiếp tục dù không có mặt ông. Có lần được vào thăm ông tại khám Chí Hòa, chú đã được nghe ông nói: “Có chú ở ngoài thì cũng như có tôi ở ngoài. Tôi ngồi đây mà an lạc lắm, chú đừng lo. Trong lúc đất nước điêu linh, đồng bào chết như rạ, chỗ ngồi của tôi phải là ở đây chứ không thể là một nơi nào khác. Tôi ở đây nhưng luôn luôn vẫn ở bên mình chú”.
Sư huynh của chú bị thương vào năm 1972 trong chuyến đi công tác miền duyên hải Nam Phần. Một trái đạn đã làm nổ tung chiếc xe của ông. Ông được chở vào một nhà thương gần đó. Ông bị nội thương, xuất huyết rất nặng bên trong. Chú đã có mặt suốt trong những giờ cuối của vị sư huynh đáng kính. Hai người đã nhìn nhau mà không nói được lời nào. Sư huynh của chú mất vào năm ba mươi hai tuổi.
Không biết từ trong khám Chí Hòa thầy của chú Tâm Thể làm thế nào mà biết được tin dữ này. Một tuần sau tang lễ, chú mới xin được vào khám để báo tin cho thầy. Hôm ấy, lần đầu trong đời, chú thấy hai giọt nước mắt đọng trên mắt thầy. Nguyên Hưng không phải là học trò đầu của thầy, nhưng là một người được thầy thương yêu rất mực.
Tại hiên chùa Pháp Vân tối hôm ấy, anh Lâm bứt đầu bứt tai nói với chú là anh rất ân hận đã không chịu đào ngũ để được ra sống với bạn trong những năm cuối của cuộc đời phụng sự của bạn. Dù chỉ là sĩ quan truyền tin trong quân ngũ, anh vẫn biết là mình đang tham dự vào cuộc chém giết giữa những người đồng loại, và trong thâm tâm, anh thấy cuộc chiến tranh này mỗi ngày một đưa quê hương và dân tộc đến gần hố diệt vong. Đất nước đã trở nên một bãi chiến trường, một miếng đất tranh hùng giữa hai khối lớn. Con đường giải thoát là con đường hòa giải dân tộc: cuộc chiến càng kéo dài ngày nào thì con đường đó càng hẹp lại ngày ấy. Anh bảo thà là anh đào ngũ để được về sống với mẹ và tham dự một phần vào công cuộc hàn gắn những vết thương của xứ sở mà đời anh còn có lý hơn. chú Tâm Thể đã lắng tai nghe những lời tâm tư này. Hai tiếng “đào ngũ” đã làm cho chú suy nghĩ. Chú nghĩ, nếu anh Lâm được trở về sống với mẹ và phụ tá cho thầy giám đốc mới trong việc điều hành các công tác cứu trợ và tái thiết thì sư huynh chú ở nơi chín suối ắt cũng rất hài lòng. Thế là hai người bàn tính về cuộc “thoát xác” của Trung úy Trần Thanh Lâm.
Đại đức Hoằng Minh, vị giám đốc tân nhiệm của trường đã đồng ý cho chú Tâm Thể thi hành kế hoạch khai sinh trở lại cho Trần Thanh Lâm. Chú Tâm Thể nhận thấy ông là người rất “chịu chơi”. Ông nói: “Chúng ta sống trong một tình trạng bất công cực độ. Luật lệ của công trình đã khiến cho thanh niên, phụ nữ và trẻ em chết oan ức mỗi ngày. Mạng người như rơm rạ. Luật lệ đó lại dung túng những kẻ có quyền thế làm giàu trên xương máu của đồng loại. Đưa một người con về sống với mẹ, để cho người con ấy có dịp phụng sự đồng loại đang khốn khổ, tôi thấy việc đó không đi trái luật pháp của lương tri. Nó chỉ đi trái với luật pháp của chiến tranh mà thôi?. Thầy Hoằng Minh cũng có quen biết với anh Lâm, và cũng ao ước có anh Lâm về phụ tá. Ông đề nghị chú Tâm Thể đi tìm thuê một căn nhà có vườn gần khu Phú Thọ Hòa để cho cô Tám về ở. Cô sẽ tới làm việc cho trường và khi rước anh Lâm về thì chú có thể rước anh thẳng về nhà. Tuy ăn ở và làm việc tại trường nhưng anh Lâm có thể về thăm mẹ bất cứ lúc nào anh muốn, bởi vì nhà của mẹ anh ở sát ngay bên cạnh.
Cái thể kiểm tra mang tên Thích Thanh Ân mà anh Lâm sẽ sử dụng trên con đường Định Quán – Sài Gòn là thẻ của một tác viên xã hội đã mất tích năm 1968 trong khi đang làm công tác ở xã Bình Quý tỉnh Bình Dương. Khuôn mặt thầy Thanh Ân trông hao hao giống anh Lâm. Chú Tâm Thể dự định sẽ đi làm cho anh Lâm một thẻ kiểm tra mới sau khi đã chụp hình cho anh Lâm trong chiếc áo nhật bình. Hai người đã đồng ý là khi làm thẻ kiểm tra lại, họ sẽ thêm vào chữ Ân một dấu sắc, để cho Thích Thanh Ân trở thành Thích Thanh Ấn. Sau này chú sẽ phải gọi anh Lâm là chú Thanh Ấn. Chú Thanh Ấn tuy mới tu nhưng căn bản Phật học của chú đã khá vững rồi, và kinh kệ cũng đã thuộc nhiều rồi. Chú Tâm Thể nghĩ mình không cần phải lo lắng về điểm đó.
Tác viên Thích Thanh Ân ngày xưa đã mất tích cùng với bảy đồng sự khác trong khi thi hành công tác xã hội. Không biết tám người có còn sống trên đời này nữa hay không, bởi vì năm năm đã trôi qua mà trường không tìm thấy được một tung tích nào của họ. Người ta đã bắt cóc, thủ tiêu và bắn chết những tác viên xã hội của trường, chỉ vì người ta nghi ngờ những tác viên nay hoạt động cho phe chống đối. Tác viên được dân làng thương mến bao nhiêu thì lại bị các phe lâm chiến nghi ngờ bấy nhiêu. Cả hai bên không bên nào muốn sự có mặt của người “lưng chừng”. Những tang tóc mà trường phải chịu đựng đã tới từ cả hai phía. Người ta đã tới tấn công ngay tại sở trung ương của trường ở Phú Thọ Hòa bằng súng và lựu đạn. Người ta bắt cóc và thủ tiêu các tác viên trong khi học thi hành nhiệm vụ tại các thôn lạc. Hồi mới bước chân vào thụ huấn ở trường, chú Tâm Thể đâu có ngờ rằng cuộc đời tác viên phụng sự lại có thể là một cuộc đời sóng gió hiểm nguy đến thế. Mới có tám năm trời mà số tác viên xã hội bị hy sinh đã lên tới mười sáu người trong đó có cả vị sư huynh đáng kính của chú.
Bây giờ đây, đi trong khu rừng này, chú Tâm Thể nhớ lại hết khuôn mặt của từng người, của tất cả những người đã bỏ thân vì con người bất bạo động: từ Tuấn, Thơ cho đến Liên, Vui, Lành, cô Hải, thầy Huyền Vinh, chú Thanh Ân… Lại còn những tác viên tuy còn sống nhưng trong mình còn mang đầy thương tích như Vinh và Hương. Nghĩ cho kỹ thì sự hy vinh của các người đồng sự này đã mở mắt cho rất nhiều người. Thiên hạ chết vì chiến tranh ngày nào là không có. Những người đồng sự của chú đã chết vì thương yêu hòa giải. Họ chết, nhưng họ còn sống mãi trong lòng chú. Công tác mà chú được giao phó tại các vùng đau nhức của quê hương không hẳn chỉ là công tác cứu trợ và tái thiết mà thực sự còn là những công tác cởi mở hận thù và gây lại niềm tin. Làng Trà Lộc ở Quảng Trị bị bom dội tan nát tới bốn lần: bốn lần sư huynh chú ra lệnh tái thiết lại. “Công là công dã tràng”, có người nói như thế. Nhưng nếu không tái thiết thì làm sao gây được niềm tin nơi tương lai? Phế bỏ và buông xuôi hay sao? Chú hiểu được tâm sự của sư huynh chú và chú đã hết lòng với công việc. Nhưng công việc nào có dễ dàng. Khắp nơi, chú và các đồng sự đã gặp khó khăn. Nào Chánh Môn, nào Bình Đào, nào Suối Cát, nào Quảng Lợi, nào Phong Lộc, nào Sơn Trung, nào Bình Lãnh… Còn hàng mấy chục địa điểm công tác khác trên khắp lãnh thổ. Khuyến khích không phải chỉ do tình trạng chiến tranh và những tranh chấp chính trị: khó khăn còn do ở chính tâm lý người dân nữa. Nhiều khi người dân chán nản buông thả và phó mặc. Có lẽ họ đã trải qua nhiều đau khổ và thất vọng quá. Gây lại niềm tin nơi họ là một công trình lớn. Nếu mình không có niềm tin ấy thì làm sao mình có thể nhen nhúm cho họ một niềm tin tương tự?
Ngày xưa, vào tuổi chú, các vị tăng sĩ trẻ chắc hẳn dã được ở yên trong tu viện để học tập giáo điển và thực hành thiền quán. Bây giờ chú phải lăn lóc trong cuộc đời như một chiến sĩ. Sư huynh của chú cũng bước vào đời phụng sự hồi mới hai mươi hai tuổi. Tu học làm sao cho yên thân khi bom đạn tàn phá cả xóm làng, cả chùa tháp? Người ta nói đi tu trong thời buổi này là đi trốn lính. Thực ra đối với những người như chú, đi tu trong thời buổi này là đi vào vòng lửa đạn mà giúp người. Tiếng gọi của thiền môn với tiếng gọi của lòng từ bi là một. Thầy bổn sư của chú đã nói: “Con đường duy nhất của chúng ta trong thời gian buổi này là con đường tự nguyện dấn thân vào cõi sinh tử. Phải học Phật và thực tập thiền quán ngay trong công tác hàng ngày”.
Nghĩ tới đây, bất giác chú Tâm Thể chậm bước lại; chú nhìn xuống con đường rụng đầy lá mùa thu ẩm mục, rồi chú nhìn ra cây lá chung quanh. Hồi nãy đến giờ chú đã để cho dòng tư tưởng chú đi miên man bất đoạn. Đáng lý chú phải thực tập phép niệm xứ trong mỗi bước chân, trong mỗi tư tưởng mới phai. Nghĩ thế chú liền bắt đầu thở ra và thở vào có ý thức, theo đúng phép mà thầy chú đã dạy trong cuốn thiền phổ mà thầy chú đã trao cho chú trên một năm nay. Miệng chú nở một nụ cười hàm tiếu.
Thiền phổ nói đây được mệnh danh là “Hàm Tiếu Thiền”. Nói được thầy bổn sư của chú biên tập trong khám Chí Hòa. Nó gồm một đoạn văn và ba mươi bài thực tập. Thầy của chú đã sáng chế thiền phổ này cho những người trẻ tuổi chuộng hoạt động như chú. Ông đã viết thiền phổ này bằng bút chì trên một xấp giấy mà chú đã mang vào cho ông một cách bất hợp pháp. Hôm trao thiền phổ cho chú, ông dặn là nên hết lòng thực tập thiền phổ cho chú, ông dặn là nên hết lòng thực tập thiền phổ để cho công tác xã hội hàng ngày được thực sự thấm nhuần tính cách từ bi của Phật. Ông đã để thiền phổ vào trong chiếc gào mên thực phẩm mà chú đưa vào Chí Hòa cho ông. Chú được phép đi thăm ông mỗi tháng một lần. Sư huynh của chú đã cho tất cả tác viên chép tay thiền phổ này để thực tập.
Chú Tâm Thể nhận thấy Hàm Tiếu Thiền là một phép tu nuôi dưỡng và phát triển được lòng từ bi và đức kiên nhẫn một cách hiệu nghiệm. Trong những thời gian thiếu thực tập theo thiền phổ, chú cảm thấy mình dễ chán nản hơn và cũng dễ bị bực mình vì các việc bất như ý thường xảy ra trong lúc làm công tác. Những lúc đó, chú cảm thấy mình khó “từ nhãn thị chúng sanh”, nghĩa là khó “nhìn mọi người bằng con mắt thương yêu” hơn. Thiền phổ dạy rằng phải thực tập thiền quán hàng ngày trong mọi công việc, từ việc rửa tay giặt áo cho đến việc giao tế, đàm luận và công tác. Thiền phổ cũng dạy là mỗi tuần phải để ra ít nhất là một ngày để sống thanh thản qua thực tập thiền quán. Thầy chú gọi ngày ấy là ngày quán niệm: trong thời gian này người hành giả phải thực sự sống thanh thản để có thể tự nuôi dưỡng mình bằng chất liệu an lạc và từ bi. Chất liệu nuôi dưỡng này nằm sẵn trong suối tâm linh của mỗi người, và phép quán niệm có thể làm phát khởi nó để nó tuôn tràn và thấm nhuần vào đời sống bản thân, cũng như người đào giếng làm phun lên một mạch nước mát. Hơn một năm chú đã vâng theo thiền phổ, mỗi tuần để một ngày trọng cho việc thực tập. Chú không chịu để cho công việc tràn ngập và lôi cuốn chú nữa. Chú trở thành chủ động lấy công việc, và chú coi đời sống tâm linh là căn bản cho đời sống phụng sự. Thầy Hoằng Minh, vị giám đốc mới của trường đã có ý định lập một làng riêng cho tác viên gọi là làng Hồng bởi vì nơi đó thầy dự trù trồng nhiều hồng ăn trái. Mỗi tác viên sẽ có một lô đất và một căn nhà. Cứ sau thời hạn công tác ba tháng là mỗi tác viên được về một tuần lễ tại làng Hồng để nghỉ ngơi, tĩnh tu và bồi dưỡng đời sống tâm linh. Tại làng Hồng sẽ có nhà trẻ cho con cháu của tác viên, sẽ có thư viện, sẽ có công viên và cũng sẽ có thiền thất cho tác viên tu tập nữa. Mọi người đang mơ tưởng tới làng Hồng như mơ tưởng tới một bóng mát êm dịu trong cơn nắng hạn. Chú Tâm Thể bỗng giật mình. Chú nhớ rằng thầy giám đốc nói đã dành một khu rừng khá đẹp ở tỉnh Bình Tuy vào việc tạo dựng làng Hồng này. Khu đất đó sát làng định cư Quảng Khánh. Như vậy thì khu đất đó ở sát ngay đây. Chú đưa mắt quan sát rừng cây. Quả có những cây đại thọ cành lá xanh tốt lạ kỳ. Thầy Hoằng Minh nói là ông đã đi thám hiểm trong vùng và đã tìm thấy một vùng đất khoảng mười mẫu rất đẹp trong đó có nhiều tảng đá lớn và một dòng suối mát. Dòng suối chảy qua khu rừng và đổ vào sông La Ngà. Ông nói nội trong năm tới, thế nào khu rừng làng Hồng cũng được thực hiện.
Lâu nay sống đời tăng sĩ không cửa không nhà chú Tâm Thể cũng ao ước có một căn nhà lác cất trên một lô đất ở làng Hồng. Chú sẽ đi tìm phong lan về làm thành nhiều chậu và treo trước hiên nhà. Chú sẽ trồng hoa bằng lăng và hoa lim trước cổng. Chú sẽ làm giàn hoa thiên lý, sẽ trồng nhiều bụi hoa hồng. Và chú sẽ làm tất cả những công việc ấy trong tinh thần quán niệm. Chú sẽ xin một em bé mồ côi về ở chung với chú và em sẽ coi sóc nhà cửa, vun bón những gốc cây và chăm sóc vườn rau sau nhà. Anh Lâm, à quên, chú Thanh Ấn cũng sẽ có một căn nhà tại đây, bởi vì chú cũng đã thành tác viên xã hội.
Vào giờ ngày ngày mai chú và chú Thanh Ấn đã ngồi trên chiếc xe do anh Thu cầm lái và cả ba người sẽ về tới Phú Thọ Hòa vào khoảng chạng vạng tối. Chiếc xe của Thu trông bề ngoài cũng có vẻ một chiếc xe du lịch lắm, chắc cảnh sát sẽ không nghi ngờ gì đâu. Biết thế nhưng chú Tâm Thể vẫn thấy trong lòng lo lo ngại ngại thế nào ấy. Chú chưa bao giờ làm một chuyện gì có tính cách “bất hợp pháp” như chuyện này. Chú tự nhủ: mình phải học thái độ “bất cần” mới được. Có gì thì vào ngồi tù, như thầy mình đấy thì đã sao đâu. Miễn là mình dám làm điều mà mình tin chắc là phải. Chú là con mồ côi; thầy của chú đã nhận chú và đưa chú về gửi ở chùa Đại Lão miền Cao Nguyên cho tới ngày chú được gửi về Phật học đường. Chú muốn học hạnh vô úy của thầy mình. Chú hơi thèn thẹn nghĩ đến cái đêm mà chú đi theo đoàn thuyền cứu trợ nạn lụt ở quận Đức Dục. Năm đó là năm Giáp Thìn. Đêm ấy, trên sông Thu Bồn, súng đã bắn rào rào, tiếng đạn bay vèo vèo phía trên mui thuyền. Hoảng quá, chú đã nhảy tõm xuống sông. Một lát sau, khi tiếng súng đã êm, chú ngoi ngóp trèo lên. Chú thấy mọi người vẫn còn ngồi an tĩnh và giữ thuyền, thầy chú đang ngồi thẳng trong tư thế kiết già. Mọi người hỏi chú: “Tắm có mát không chú Tâm Thể?”. May mà lúc đó còn là ban đêm nên không ai thấy chú đỏ mặt. Chú còn nhớ đêm ấy là một đêm có nhiều sao trên trời.
Trước khi trường Xã Hội được thành lập, thầy chú đã gọi chú về thực tập tại những địa điểm thí nghiệm về phương pháp cải tổ và phát triển thôn ấp. Chú đã làm việc tại các làng Cầu Kinh và Thảo Đền trên tám tháng. Cùng với các bạn khác, chú đã học cách tổ chức hợp tác xã, lập trạm y tế hương thôn, dựng trường tiểu học cộng đồng, xây cầu tiêu vệ sinh và đào hố rác để tránh cho dân làng các bệnh kiết lỵ và đi tả. Phương châm căn bản của thầy chú để ra là sự xây dựng phải được khởi đầu từ dưới lên trên, bằng sự tự giác và ý chí của người dân. Phải bắt đầu bằng những gì của người dân có và trên những gì mà người dân biết, không trông cậy và chính quyền cũng không ỷ lại vào bất cứ một thế lực chính trị hoặc kinh tế nào. Tóm lại, tất cả đều dựa vào tinh thần tự giác và tự nguyện của người dân, không cần ai bắt buộc, không do ai kềm thúc. Người tác viên phải được dân làng thương yêu và tin cậy mới đủ sức thuyết phục dân làng tự lực đứng ra chủ động công cuộc cải tiến nếp sống kinh tế, y tế và giáo dục của thôn làng mình. Chú làm việc giỏi quá khiến cho cô bác ở xã Thảo Điền đem lòng thương yêu: có mấy bà đã ngỏ ý gả con gái cho chú. Chú lắc đầu nguầy nguậy. Người ta đi tu rồi mà còn đòi gả con gái sao cho được, chú nói đùa với các bạn tập sự. Những năm gần đây, khi chiến tranh bộc phát dữ dội, phong trào đòi hỏi hòa bình lên rất cao. Có lần, đi bộ trên con đường Trịnh Minh Thế chú bị một người lính Hoa Kỳ từ trên một chiếc xe GMC cao nhiệu nhổ nước bọt lên đầu chú. Chú biết hành động đó chứng tỏ những người lính Mỹ ở Việt Nam thù ghét những người tu hành theo đạo Phật bởi vì những người này chống đối chiến tranh, làm hại tới chiến dịch bình định của Hoa Kỳ. Đêm đó, về trường chú đã khóc với sư huynh chú. Chú bảo có thể chú sẽ bỏ tất cả để đi vào chiến khu của Mặt Trận. Sư huynh chú mỉm cười, vỗ vai chú và nói: “Chú giận ai thì cũng chỉ giận được vài giờ đồng hồ thoi, chứ gì. Bàn tay của chú sanh ra là để săn sóc trẻ thơ và băng bó những vết thương cho người chiến nạn, và để “làm làng” chớ không phải để cầm súng”. Chú biết lời nói của sư huynh chú là phải. Trong thâm tâm, bao giờ chú cũng nghĩ như thế. Trong giây phút tức tối, chú chỉ nói cho hả giận một chút mà thôi.
Trời đã ngã chiều. Hình như chú Tâm Thể đã đi khá sâu vào trong rừng Quảng Khánh. Chú quay lại, tìm lối trở ra. Tối nay chú sẽ ngủ lại ở trạm y tế của làng định cư. Trưa mai, sau bữa cơm trưa, chú sẽ từ giã các bạn, nói rằng ra quốc lộ đón xe về Sài Gòn. Chắc là chú phải gói một ít thực phẩm mang theo. Có thể là anh Lâm sẽ đói. Cái bến nước ở bên kia sông Đồng Nai ấy, anh Lâm bảo là đã tới tắm nhiều lần rồi. Kỳ này anh tắm ở đấy lần chót rồi anh đi luôn. Anh sẽ để lại cả cuộc đời binh sĩ ở bên đó. Để lại bộ quân phục và cả tay súng của anh nữa. Anh sẽ sang bờ bên này với hai bàn tay trắng và một trái tim mà anh muốn dâng cho mẹ và cho quê hương, cho những người khốn khổ. Tuy sư huynh mình không còn sống để đón tiếp anh, nhưng đã có mình đón tiếp anh. Lạy Phật cho trong kiếp đầu thai này, anh sẽ hoàn tất được bản nguyện.
Có tiếng ai gọi phía cửa rừng. Chú Tâm Thể lắng nghe. Đúng là tiếng gọi tên chú. Có lẽ Thắng thấy chú đi lâu không về nên đã ra tới tận đây để tìm. Chú Tâm Thể mỉm cười. Chú thấy lòng nhẹ nhõm. Chú lên tiếng đáp lại. Đồng thời chú nhác thấy, trên một thân cây ẩm mốc gần đó, một chùm hoa phong lan thật đẹp. Giò hoa vươn dài, lả lướt: có đến trên mười chiếc hoa phong lan nối nhau buông xuống. Những cánh hoa màu hồng điểm những chấm trắng và tím, rạng rỡ như ánh mắt và vành môi của một đàn bé thơ từ trên cao đang tươi cười nhìn xuống đón mời chú. Chà, chùm phong lan này đã được “thỉnh” về treo ở hiên nhà lá Pháp Vân thì tuyệt. Chú hô lớn thêm mấy tiếng nựa để cho Thắng xác định được vị trí của mình, rồi chú tiến tới gần thân cây có chùm phong lan. Chú cởi chiếc áo nhật bình, vắt lên trên một cành cây gần đó. Lấy mắt đo thân cây, chú chuẩn bị leo lên. Chú tự nhủ sẽ rất cẩn thận để đừng làm hư nát bất cứ một cành hoa nào trong chùm hoa quý giá này.

*     *     *

Đây là lần đầu tiên chú Thanh Ấn được đến thăm làng định cư Quảng Khánh. Chú đã được ban Quản Trị Trung Ương cử về tham dự lễ bàn giao giữa đoàn công tác Quảng Khánh và ban Đại diện đồng bào làng định cư.
Từ ngày về làm việc tại trường Xã Hội, chú Thanh Ấn đã được nghe nói nhiều về Quảng Khánh và cũng đã được đọc nhiều bản báo cáo về Quảng Khánh. Nhưng lý do sâu sắc của sự viếng thăm Quảng Khánh kỳ này là ước ao của chú muốn được thấy tận mắt nơi mà chú Tâm Thể đã sống những giờ cuối cùng trước khi mất tích.
Phải, chú Thanh Ấn đã về trường Xã Hội và đã được thầy Giám đốc thu nhận, nhưng không phải là do chú Tâm Thể đem về như dự định trước. Chú Tâm Thể đã mất tích khi đi tới được chỗ hẹn ở bến sông La Ngà.
Chiều hôm ấy, từ bến sông đi lên, chú Thanh Ấn đã đợi và đã đi tìm chú Tâm Thể cho tới năm giờ chiều. Biết chú Tâm Thể đã lỡ hẹn và biết rằng mình không thể lội trở về bên kia sông được nữa, chú bèn đánh liều đi bộ, hướng về phía Nam. Chú định bụng vượt rừng tìm tới một xóm nhà nào đó xin tá túc và tìm cách liên lạc với chú Tâm Thể.
Đi bộ được chừng hai giờ thì trời bắt đầu tối, và chú vẫn chưa ra khỏi được khu rừng. Chú biết thế nào cũng phải ngủ lại trong rừng tối hôm ấy. Trời đã lành lạnh, và chú không có một manh áo mỏng trên người. Chú lại không có hộp diêm để đốt lửa. Chú đi vun lá khô lại thành một đống lớn, rồi chú nằm tựa vào một gốc cây, lấy lá khô phủ lên người cho bớt lạnh. Chú dự định không ngủ. Chú tự báo không ngủ một đêm cũng không sao. Cứ nằm đợi cho tới khi trời hé sáng sẽ tiếp tục đi.
Nhưng chú đã ngủ quên và khi chú thức dậy, trời đã sáng tỏ. Chú vùng đứng dậy lấy hướng và đi. Chú biết nếu hướng về phía Nam thì đi mãi chú cũng sẽ tới Xuân Lộc. Nhưng Xuân Lộc còn xa lắm: chú hy vọng gặp một thôn xóm nhỏ trên đường tới Xuân Lộc. Chú đi về phương Nam vì lúc ấy chú đã không biết có làng định cư Quảng Khánh cách đó có mười mấy cây số và nơi kia có những người bạn rất thân của chú Tâm Thể. Chú đi về phương Nam vì chú có cảm tưởng tất cả những người thân của chú đều ở về phương Nam. Chiều hôm ấy chú ra khỏi rừng và tới được một làng nhỏ. Chú đi băng qua những nương khoai và tới gần một xóm nhà lá. Bỗng chú nghe văng vẳng tiếng chuông mỏ của một buổi công phát huy chiều. Theo tiếng tụng kinh, chú tìm tới một ngôi chùa lá. Từ phía vườn rau, chú tìm lối đi vào nhà bếp chùa. Bếp lạnh tanh. Chú nghe tiếng tụng kinh của một nhà sư tuổi độ ngũ tuần, chen lẫn với tiếng tụng kinh của một nhà chú điệu còn rất trẻ. Hai thầy trò đang tụng đến nghi thức thí thực.
Sẵn thấy hộp quẹt ở gần bếp, chú nhen lửa và hơ cho ấm hai tay. Lửa nổ lép bép. Một lát sau, buổi công phu chấm dứt. Hai thầy trò trở ra. Nghe tiếng lửa lép bép dưới bếp, họ tưởng là có người bổn đạo nào tới công quả. Họ đi xuống bếp để xem thử là ai. Trung Úy Trần Thanh Lâm đứng dậy chắp hai tay chào theo lối kiểu nhà chùa. Thấy người lạ, thầy trú trì hơi ngạc nhiên. Nhưng ông ra hiệu mời chú ngồi xuống bếp tiếp tục hơ lửa và bảo chú điệu đi nấu một ấm nước. Chú điệu khoảng mười một tuổi, mặt mày rất xinh đẹp.
Thầy trú trì đi lên hậu liêu rồi trở xuống với một chiếc áo năm thân và một cái quần dài màu dà. Thầy đưa bộ quần áo cho người khách với một nụ cười. Có lẽ đây là một bộ đồ của thầy trú trì. Rồi thầy nói:
– Ông mặc áo rồi tiếp tục ngồi sưởi cho ấm. Để tôi bảo chú Đăng nấu cơm. Nói xong thầy lên hậu liêu. Nửa giờ đồng hồ sau đó, cơm đã chín. Chú Đăng dọn cơm, thắp đèn và mời ông khách lạ ăn cơm. Hai thầy trò không ăn cơm chiều. Trung Úy Lâm, trong bộ áo năm thân màu đà, điềm đạm ăn cơm. Lâm đói lắm. Chú ăn sạch niêu cơm và tất cả thức ăn trên mâm. Dưa cà chấm tương và một bát đậu hũ kho măng.
Chú Đăng mang nước trà đến cho khách. Lâm nhận ly nước trà, cám ơn chú điệu. Rồi nhìn chú, Lâm nói:
– Tiếng chú Đăng tụng kinh tốt lắm. Chú tu đã được mấy năm rồi, chú?
Chú điệu trả lời:
– Dạ thưa hai năm.
Vừa lúc ấy thì thầy trú trì đi xuống. Thầy bảo với chú Đăng là thầy đã dọn một cái giường cho khách ngủ tạm trên nhà ngang, và khi khách uống nước xong thì chú Đăng phải đưa khách lên trên ấy để nghỉ. Thầy bảo thầy biết ông ấy đang mệt lắm.
Lâm lên tiếng:
– Bạch thầy, con phiền thầy nhiều quá.
Đó là câu nói đầu tiên của Lâm với thầy trú trì từ khi gặp thầy. Vị sư cười, nói:
– Có gì đâu mà phiền, ông. Ông cứ đi nghỉ rồi sáng mai mình hãy nói chuyện.
Đêm ấy chú điệu Đăng cho Lâm một cái mền và một chiếc chiếu. Lâm ngủ rất ngon. Vào khoảng bốn giờ khuya, tiếng công phát huy của hai thầy trò làm Lâm thức dậy. Chú đi xuống bếp rửa mặt, lấy mười ngón tay chải tóc cho gọn ra phía sau, rồi tìm lên chùa, quỳ phía sau chú điệu Đăng. Hai thầy trò vừa tụng hết Lăng Nghiêm, bắt đầu qua Thập Chú. Lâm cất tiếng tụng theo. Lạ quá, lâm không quên một chữ nào. Tiếng của Lâm rõ rằng, phụ họa rất hòa hợp với giọng của thầy trú trì và của chú điệu Đăng. Hai người quỳ trước chắc là ngạc nhiên lắm, nhưng họ không hề quay mặt lại nhìn Lâm.
Đến lúc hai thầy trò niệm danh hiệu Thích Ca Mâu Ni và bắt đầu đi nhiễu quanh bàn Phật thì Lâm cũng chắp tay bước từng bước một đi theo chú Đăng. Sau ba vòng kinh thành, họ trở về quỳ trước bàn Phật, tụng bài hồi hướng và tam tự quy.
Buổi sáng đó, chùa ăn cháo sáng rất vui dù không ai được phép nói chuyện trong khi ăn. Trung Úy Lâm được ngồi đối diện với chú Đăng. Cháo sáng xong, Lâm xin phép được ở lại chùa ít hôm để liên lạc về nhà. Thầy trú trì nói chú muốn ở bao nhiêu ngày cũng được.
Trưa hôm ấy, Lâm viết một lá thư ngắn nhờ chú Đăng đem bỏ tại nhà dây thép quận. Chú Đăng phải đi xe Lam đến hơn một tiếng đồng hồ mới ra tới Xuân Lộc để bỏ được lá thư cho Lâm. Ở nhà một mình, Lâm nói thật tất cả cơ sự với thầy trú trì. Thầy đề nghị xuống tóc và làm lễ xuất gia tức khắp cho Lâm. Trưa hôm ấy, chú Đăng đã về kịp để dự lễ xuống tóc cho Lâm. Thầy trú trì bảo chú Đăng từ nay gọi Lâm là chú Thanh Ấn. Thầy lại ban cho chú Thanh Ấn một chiếc áo tràng cũ của thầy.
Tối hôm đó, chú Đăng bệnh. Trong hai ngày hai đêm chú lên cơn sốt. Chú nóng đến mê sảng. Cho uống ký ninh và át-pi-rin không thấy bớt. Các buổi công phu vắng chú, chỉ có thầy trú trì và chú Thanh Ấn. Một buổi kia, sau giờ cháo sáng, chú Thanh Ấn xin phép thầy để đi ra quận mua Tifomycine về cho điệu Đăng. Thầy trú trì bảo chú không nên đi ra khỏi chùa. Thầy bảo chú viết tên thuốc trên một mảnh giấy để thầy đi mua.
Trưa hôm ấy, khi thầy trú trì đem thuốc về, chú Thanh Ấn liền lấy cho chú Đăng uống ngay một viên. Rồi chú xuống bếp sửa soạn nấu cơm cúng ngọ. Vừa lúc ấy, có người tới tìm thầy trú trì. Hỏi ra thì đó là người của thầy giám đốc trường Xã Hội gửi xuống. Có cả một chiếc xe hơi để rước chú Thanh Ấn về Sài Gòn. Thầy trú trì giục chú Thanh Ấn lên đường lập tức:
– Để tôi xới cơm cúng ngọ cho. Chú đi đi, kẻo muộn. Khỏi ăn cơm trưa cũng được. Để trời tối không nên. Cuối năm, hoặc sang năm sau nhớ ghé về thăm tôi, nghe không chú?
Chú Thanh Ấn sụp xuống đảnh lễ thầy, rồi vào thăm chú Đăng. Chú Đăng còn mê, chưa tỉnh. Chú ra dặn thầy trú trì cho chú Đăng uống thuốc mỗi ngày ba lần và tám ngày liên tiếp. Rồi chú vái chào thầy, đi theo người khách.
Người bạn này không phải ai xa lạ mà chính là Thu, bạn của chú Tâm Thể. Anh giục chú ra xe. Chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, xe đã ra tới quốc lộ. Thu ngồi trước lái xe. Anh bảo chú Thanh Ấn ngồi sau, như một vị Đại Đức lớn. Xe chạy bon bon trên đường tráng nhựa. Thu cho chú Thanh Ấn biết là tuần trước, xe Thu đã ghé tới cây số 103 trên quốc lộ 20 sớm hơn tới mười lăm phút. Thu đã cho xe chờ ở đó tới sáu giờ chiều, rồi mới bỏ về Sài Gòn. Ngày hôm sau, Thu được lệnh trở lên Quảng Khánh để tìm chú Tâm Thể. Anh Thắng nói chú Tâm Thể đã rời văn phòng trụ sở của đoàn công tác vào lúc mười hai giờ rưỡi trưa hôm trước. Thu và Thắng cũng định đi Định Quán để hỏi thăm. Không ai thấy chú Tâm Thể đi về hướng nào cả. Hai người đi thăm hỏi các làng mạc lân cận. Cũng không có dấu vết gì của chú. Thu liền về Phú Thọ Hòa báo tin cho thầy Giám đốc.
Mãi tối hôm qua, lá thư của chú Thanh Ấn gửi cho chú Tâm Thể mới tới văn phòng trường. Thầy giám đốc mở thơ ra xem và lập tức phái Thu về rước chú Thanh Ấn. Thu kết luận có thể là Tâm Thể đã bị một toán người lạ mặt trong rừng bắt đi theo họ.
Chú Thanh Ấn về đến trường vào sáu giờ rưỡi tối, bình an. Dọc đường không có ai chặn xe lại khám xét. Chú được gặp mặt cô Tám tại trường. Thầy Giám đốc nói chuyện với chú chừng nửa giờ, và cho phép chú về nhà với cô Tám. Sáng lại, khi chú tới trình diện, thầy bắt đầu trao công tác cho chú. Thầy lại còn dặn chú trong những giờ rỗi rảnh phải học thuộc bộ Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu và sáng nào cũng phải đi công phu khuya tại chùa lá Pháp Vân.
Một tháng sau, chú Thanh Ấn được chính thức thọ giới Sa Di tại chùa Pháp Vân. Chú lại có một giấy căn cước mới, với hình chú mới chụp.
Trong suốt ba tháng thầy giám đốc đã hỏi thăm khắp nơi về chú Tâm Thể. Chánh quyền tỉnh Bình Tuy xác định với thầy là các chính quyền quận và xã trong tỉnh không hề có bắt giữ đại đức Tâm Thể. Thầy giám đốc cũng đã nhờ người quen ở Paris thăm hỏi với chính phủ Cách mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam có đại diện tại hội nghị Paris. Cũng không có kết quả. Hàng trăm tác viên và trợ tác viên của trường nghe tin chú Tâm Thể mất tích đều lấy làm lo lắng. Ai cũng thương mến chú Tâm Thể. Ai cũng thấy chú là người tác viên gương mẫu. Ai cũng nhớ chú và thấy thiếu chú. Nụ cười ấy, cặp mắt ấy, hai cánh tay ấy, chiếc áo nhật bình ấy. Ai cũng thầm cầu nguyện cho chú.
Hôm qua, trên đường lên Quảng Khánh, chú Thanh Ấn đã ghé lại chùa Thoại Quang ở Mỹ Phước thuộc tỉnh Long Khánh để thăm thầy trú trì và chú điệu Đăng. Thầy trụ trì rất mừng khi được gặp lại chú. Chú điệu Đăng bây giờ trông lớn ra và mạnh khỏe hơn trước nhiều. Chú đã học thuộc bốn cuốn luật Sa Di. Chú sắp được thầy chú gửi lên học tại Phật Học đường Phật Quang, lớp tiểu học nhất niên. “Chú học ở đó thì mỗi tháng tôi có thể tới thăm chú hai lần”, chú Thanh Ấn nói.
Gặp thầy trú trì lần này, chú Thanh Ấn đã hỏi thật thầy tại sao lần đầu tiên gặp chú thầy đã cho chú ở lại chùa mà không cần hỏi chú là ai. “Con có thể là Việt Cộng, hoặc là một người tội nhân vượt ngục, hoặc là một quân nhân đào ngũ”. Thầy trụ trì vỗ vai chú. Thầy nói:
– Lúc ấy tôi chỉ biết có một người đang lạnh, đang đói và đang cần nơi ẩn thân. Tôi không thấy có Việt Cộng nào, hoặc tội nhân vượt ngục nào, hoặc quân nhân đào ngũ nào cả.
Rồi thầy cười lớn lên: “Khuya đó tôi nghe chú tụng kinh rành quá, tôi thấy vui trong bụng ghê”.
Thầy đã năn nỉ chú ở lại chùa đêm ấy. Một cuộc tái ngộ làm ấm cả lòng ba người.
Trưa hôm nay, ngồi nói chuyện với anh Thắng ở văn phòng công tác, chú Thanh Ấn hỏi anh về những chi tiết của cuộc viếng thăm sáu tháng về trước của chú Tâm Thể. Anh Thắng kể lại bữa cơm tại nhà anh Chiêu. Anh Thắng kể lại những câu chuyện mà chú Tâm Thể trao đổi với các anh em tác viên tối hôm đó tại trạm y tế trước khi đi ngủ. Và anh nói tới chùm hoa phong lan mà chú Tâm Thể đã gửi lại trụ sở của đoàn công tác, hẹn sẽ trở về lấy đem theo. Nhưng sáu tháng đã đi qua, và chú chưa bao giờ trở về. Câu chuyện của chú Thanh Ấn tại trường chỉ có thầy Giám đốc, chú Tâm Thể và anh Thu biết. Anh Thắng chỉ cho chú Thanh Ấn thấy chậu phong lan treo ở ngoài hành lang. Chú Thanh Ấn đứng dậy, đi ra ngoài. Anh Thắng theo sau.
Cây phong lan được nuôi trong một thứ chậu vuông mà chú Tâm Thể đã ghép thành bằng những cành gỗ nhỏ. Chú đã để vào chậu nhiều chất rong rêu để giữ chất ẩm cho rễ hoa. Các lá phong lan đầy đặn và xanh mướt. Chồi hoa năm ngoái chắc đã tàn, bởi vì đang nở đây là một chồi hoa mới, mạnh khỏe, bụ bẫm. Chồi hoa chỉ mới nở được hai bông đầu. Theo chú Thanh Ấn, ít ra chồi hoa này cũng sẽ nở ít nhất là mười bông. Những cánh hoa màu hồng điểm những chấm trắng và tím, rạng rỡ như những chiếc miệng trẻ em đang cười. Chú Thanh Ấn lặng người đi. Chú chợt thấy chú Tâm Thể đang cười với chú. Nụ cười ấy, cặp mắt ấy, hai cánh tay ấy, chiếc áo nhật bình ấy. Chú Tâm Thể đã có mặt rồi, nụ cười chú Tâm Thể không bao giờ phai lạt trong lòng chú, trong lòng của những người như chú.
Và chú ngỏ ý với Thắng là, ngày mai, sau lễ bàn giao, chú sẽ xin phép mang chậu phong lan về chùa Pháp Vân.